Dịch giả: Phước Lộc
Chương XI
Tào Can có chuyến thám hiểm đến ngôi chùa cũ
Mã Tông có mặt trong một cuộc thi uống rượu

    
ã Tông nghĩ rằng không cần thiết để che giấu bản thân. Anh chỉ thay đổi chiếc mũ của công sai tòa án bằng chiếc mũ nhọn mà những người lao động thường đội. Tào Can thay thế chiếc mũ đang đội bằng một chiếc mũ xếp the đen.
Trước khi đi hai người đã tổ chức một buổi họp với các vệ sĩ.
- Thật là việc dễ dàng – Mã Tông nhận xét – làm cho bản thân mình bị chú ý và để cho Hứa hiểu rằng tôi ở đó để xem anh ta có rời quán rượu hay không. Nhưng chúng ta không biết tên khốn ấy sẽ phản ứng như thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hắn đi ra ngoài và cố gắng bắt tôi trên đường.
Tào Can lắc đầu.
- Hắn ta sẽ không làm điều đó – anh trả lời – vấn đề là Hứa không biết những gì anh đang làm. Hắn ta không có can đảm đi ra ngoài và liều lĩnh để bị bắt giữ, vi phạm lệnh cấm di chuyển của tòa án. Không, lo lắng duy nhất của tôi là Hứa sẽ không cố gắng trốn tránh anh và ở tại nhà như đã bị bắt buộc. Nhưng nếu hắn trốn ra, anh có thể yên tâm là tôi không để sổng hắn!
Sau đó, họ rời tòa án. Mã Tông đi trước và Tào Can đi theo anh ta nhưng giữ khoảng cách.
Chấp sự Hồng đã chỉ đường cho Mã Tông. Anh ta tìm thấy quán rượu Thường Xuân không mấy khó khăn.
Phía trong quán rượu như mời gọi. Ánh sáng từ hai chiếc đèn lồng bằng giấy chiếu vào nhãn màu đỏ của các bình rượu. Chủ quán đang đong nửa bình rượu. Hai kẻ lười biếng ngồi dựa vào quầy phía trước nhàn nhã gắp cá muối từ một cái đĩa.
Mã Tông thấy đối diện với quán rượu là một ngôi nhà thuộc tầng lớp trung lưu. Anh đi đến đứng dưới hiên nhà và dựa lưng vào cánh cửa sơn đen.
Trên tầng hai của quán rượu đã có vài ngọn nến được thắp sáng. Mã Tông nhìn thấy một cái bóng di chuyển trên giấy dán cửa sổ. Rõ ràng là Hứa đã khó khăn trong công việc.
Mã Tông cúi mình về phía trước nhìn lên và xuống đường phố tối. Không thấy dấu hiệu của Tào Can. Anh khoanh tay và chuẩn bị chờ đợi trong một thời gian dài.
Khi hai gã say đã uống xong một bình rượu, cánh cửa phía sau lưng Mã Tông đột nhiên mở ra. Một người đàn ông lớn tuổi đi qua người gác cửa nhìn Mã Tông và hỏi:
- Chú em muốn gặp tôi?
- Không phải tôi – Mã Tông trả lời cộc lốc. Anh quay lại và tựa lưng vào thanh dọc cửa.
- Bây giờ nghe đây – người đàn ông giận dữ - đây là nhà tôi. Vì anh thừa nhận không buôn bán gì ở đây nên tôi rất biết ơn nếu anh bước ra khỏi cổng nhà tôi.
- Đường phố này – Mã Tông gầm gừ - là tài sản công cộng. Không ai có thể cấm tôi đứng ở đây.
- Anh có thể biến đi – người đàn ông nói – hoặc là tôi sẽ gọi tuần canh!
- Nếu ngươi không thích ta đứng ở đây, thằng khốn – Mã Tông hét lên – ngươi chỉ cần cố gắng đẩy ta đi chỗ khác!
Hai gã say chạy đến để xem trận ẩu đả. Họ đứng khoanh  tay để chờ xem cuộc chiến.
Một cửa sổ trên tầng hai mở ra. Hứa thò đầu ra ngoài và hét lên khích lệ hai người “ Đánh nó trên đầu ấy!”
- Ta có thể gọi những người hầu khác, ông chủ – Người gác cửa hỏi.
- Gọi tất cả đến đây, bọn khốn – Mã Tông quát – tao chấp hết!
Người đàn ông thấy thái độ hiếu chiến ấy nên nghĩ rằng tốt nhất là nên nhịn.
- Tôi sẽ không đánh người nào trước cửa nhà mình – ông ngắt lời – ngươi cứ đứng đây cho đến khi xương của ngươi thối rữa, đồ nhà quê.
Sau đó, ông bỏ đi và lầm bầm giận dữ.
Người gác cửa đóng sầm cửa lại và Mã Tông nghe tiếng thanh ngang được đẩy vào vị trí của nó.
Hứa thất vọng đóng cửa sổ lại.
Mã Tông bước vào quán rượu. Hai gã say vội vã chạy theo và mời anh ngồi cùng bàn.
Mã Tông nhìn họ với đôi mắt lờ đờ và nói chua chát:
- Ta hy vọng hai ông bạn đây không thuộc hộ gia đình dễ chịu đó.
- Không, chúng tôi ở con đường kế tiếp – một người trả lời – người bạn tôi đây là một thầy giáo và luôn gắt gỏng.
- Chúng tôi không đến đây để dạy học – người kia nói thêm – nhưng để cùng ăn bữa ăn nhẹ và uống với nhau vài bình.
Mã Tông cười ha hả. Anh đặt một vài đồng tiền lên quầy và gọi chủ quán:
- Mang ra đây một bình loại ngon nhất!
Ông chủ vội vàng chạy lên. Ông rót đầy một ly và đặt một đĩa mới với cá khô và rau muối trước mặt họ. Ông vui vẻ hỏi:
- Bạn từ đâu đến đây, người anh em?
Mã Tông uống cạn ly trong một ngụm và chờ chủ quán rót đầy lại. Sau đó anh nói:
- Tôi là người đánh xe cho ông Vương, chủ của các hãng trà lớn tại kinh thành. Chúng tôi đến đây chiều nay với ba xe trà lớn để bán qua biên giới. Các ông chủ đã cho tôi ba miếng bạc và nói với tôi tự đi mà giải trí cho bản thân. Tôi muốn tìm một cô em xinh đẹp để giải trí nhưng tôi lại không biết đường đi đến đó.
- Vâng, trong trường hợp đó bạn chắc chắn phải đi một đoạn đường dài để đến nơi bạn muốn đến – chủ quán trả lới – các người đẹp man di vượt biên giới để hành nghề ở trong Khu Bắc, gần một giờ đi bộ từ đây. Các phụ nữ Trung quốc ở Khu Nam, nằm bên ngoài hồ sen góc đông nam thị trấn.
Sau đó, ông nói thêm với vẻ cầu cạnh:
- Tuy nhiên những phụ nữ ở đây có vẻ không tốt cho một quý ông tinh tế xuất thân từ kinh đô như bạn. Nào, nghề của bạn có vẻ rất sống động. Tại sao bạn lại không cùng ngồi với chúng tôi và cho chúng tôi thưởng thức những câu chuyện phiêu lưu dọc đường của bạn?
Nói xong, ông đẩy mấy đồng tiền về phía Mã Tông và nói:
- Đây là vòng đầu tiên trong quán.
Hai gã say ngay lập tức nhận thấy đây là cơ hội uống không mất tiền nên liền hăng hái tham gia.
- Một người vạm vỡ như anh – một người nói với Mã Tông – chắc chắn hạ một tên cướp nguy hiểm chỉ trong một cú đánh.
Mã Tông cho phép mình tự hào về bản thân. Họ bước vào quán và ngồi tại cái bàn vuông. Mã Tông chọn chỗ ngồi đối diện với cầu thang.
Chủ quán tham gia với họ và sắp xếp ly xung quanh bàn với tốc độ đáng kinh ngạc.
Khi Mã Tông đang kể những câu chuyện dựng tóc gáy thì nhìn thấy Hứa đi xuống cầu thang.
Anh ta dừng lại giữa chừng và ném cho Mã Tông một cái nhìn sắc sảo.
- Tại sao không tham gia cùng chúng tôi, Hứa sư phụ - chủ quán mời gọi – người đàn ông này đang kể những câu chuyện giật gân nhất.
- Lúc này tôi đang bận – anh trả lời – nhưng tối nay tôi sẽ xuống. Hy vọng còn để lại chút gì đó cho tôi!
Nói xong, anh đi lên gác.
- Đó là người thuê nhà của tôi, một người vui vẻ - chủ quán nhận xét – bạn sẽ được thưởng thức điều đó khi nói chuyện với anh ta. Đừng rời khỏi đây trước khi anh ta xuống.
Và ông ta rót thêm một vòng nữa.
Trong lúc này Tào Can bắt đầu bận rộn.
Ngay sau khi thấy Mã Tông bước vào quán rượu, Tào Can đã đi vào một con hẻm tối tăm. Anh nhanh chóng cởi áo và lộn trái ra.
Chiếc áo của Tào Can được làm đặc biệt. Bên ngoài là vải lụa tốt màu nâu và trông rất sang trọng. Tuy nhiên bên trong may bằng vải gai thô với những vết bẩn và vài miếng vá vụng về. Tào Can vỗ nhẹ vào chiếc mũ đang đội, nó bẹp ra và biến thành chiếc mũ mà những tên ăn xin thường đội.
Trong bộ trang phục thảm hại này Tào Can bước vào khoảng không hẹp chia dãy nhà trên đường phố của Hứa với các bức tường phía sau.
Giữa các bức tường đó rất tối, mặt đất đầy rác. Tào Can phải bước đi rất cẩn thận. Anh dừng lại vì đoán đã đến được phía sau của quán rượu. Tào Can nhón chân và thấy rằng mới chỉ ngang bức tường. Anh cố gắng chống tay lên đầu tường nhấc mình lên để nhìn phía bên kia.
Phía sau của quán rượu rất tối. Tuy nhiên ở tầng gác tất cả các cửa sổ đều sáng. Sân sau có các bình rượu trống xếp gọn gàng thành hai hàng. Không nghi ngờ gì đây chính là phía sau ngôi nhà của Hứa.
Tào Can hạ mình xuống, anh lục lọi trong đống bình rượu rỗng lấy một cái bình có vẻ chắc chắn và đem đến chân tường. Đứng trên bình rượu anh có thể đặt khuỷu tay lên tường. Anh đặt cằm lên cánh tay và đứng đó quan sát tình hình.
Một ban công nhỏ hẹp chạy dọc phía sau xưởng vẽ của Hứa. Họa sĩ đặt ở đó một hàng cây trồng trong chậu. Phía dưới là bức tường phía sau của quán rượu. Một cánh cửa hẹp khép hờ. Bên cạnh đó Tào Can thấy một nhà ngang nhỏ mà anh đoán đó là nhà bếp. Anh nghĩ rằng Hứa sẽ dễ dàng thoát ra khỏi phòng mình bằng cách leo xuống từ ban công.
Anh kiên nhẫn chờ đợi.
Sau khoảng nửa giờ, một cánh cửa sổ phòng Hứa từ từ mở. Hứa thò đầu nhìn ra ngoài.
Tào Can đứng im. Anh biết là Hứa không thể nhìn thấy được anh vì bóng tối phía sau che phủ.
Hứa bước qua cửa sổ. Y di chuyển nhẹ nhàng như con mèo dọc theo ban công cho đến mái nhà ngang. Tại đó y trèo qua lan can và đi theo mái nhà dốc. Trong khoảng khắc y cúi nhìn xuống mái ngói như tìm kiếm chổ trống giữa các bình rượu rỗng bên dưới. Sau đó y nhảy xuống gọn gàng giữa hai hàng bình rượu rỗng bên dưới và nhanh chóng men theo lối đi hẹp giữa quán rượu và nhà kế bên.
Tào Can rời bỏ vị trí quan sát. Anh chạy ra khỏi con hẻm nhanh hết mức có thể. Anh gần như bị gãy chân khi vấp vào một cái hộp cũ bằng gỗ. Khi anh quay lại góc con hẻm anh đụng vào Hứa.
Tào Can thốt ra tiếng nguyền rủa của bọn ăn mày. Nhưng Hứa vội vã bước đi mà không thèm nhìn lại, đi thẳng ra phố chính.
Tào Can bám theo ở một khoảng cách nhất định.
Có một đám đông lớn trên các đường phố và Tào Can phải cẩn thận không để lộ mình. Hứa rất dễ nhận ra nhờ cái khăn xếp lạ lùng trên đầu nổi bật giữa những cái mũ màu đen của đám đông.
Hứa tiếp tục đi về hướng nam. Đột nhiên y rẽ vào một con phố nhỏ.
Ở đây có ít người hơn. Vẫn giữ nguyên bước chân, Tào Can kéo cái nút trên chóp mũ của mình cho đến khi nó trở thành cái mũ nhọn bình thường mà mọi người vẫn đội. Anh lấy từ tay áo ra một ống tre. Đây là một trong những thiết bị thông minh của Tào Can. Nó là một ống tre gồm sáu khúc lồng vào nhau. Anh kéo nó ra và nó thành một cây tre dài. Tào Can thay đổi dáng đi của mình thành dáng đi nghiêm trang của một ông già đang tản bộ.
Anh đi bộ như thế cho đến khi đến khá gần Hứa.
Họa sĩ bước vào một con hẻm và Tào Can đi sau anh ta. Họ đang ở trong một khu vực yên tĩnh, Tào Can nghĩ rằng họ cách không xa các bức tường phía đông thị trấn. Hứa dường như khá quen thuộc với khu vực này. Anh ta bước vào một con phố nhỏ hẹp dường như hoang vắng hoàn toàn.
Tào Can nhìn quanh trước khi bước theo Hứa. Anh thấy rằng đó là con đường tối tăm và cuối đường là cánh cổng tò vò của một ngôi chùa nhỏ. Nó dường như đã bị bỏ hoang, cánh cửa gỗ bị phá huỷ và không thấy ánh sáng bên trong. Không có một ai trong đó.
Hứa đi thẳng và bước lên bậc thềm đá đổ nát dẫn đến các cổng tò vò. Tại đó anh dừng lại và nhìn về phía sau. Tào Can vội vàng lẩn vào bóng tối.
Khi anh nhìn ra thì Hứa đã biến mất vào chùa.
Tào Can chờ đợi một lúc, rồi xuất hiện mở cửa và điềm tĩnh đi bộ vào chùa. Trên cánh cổng tò vò anh nhìn thấy lờ mờ ba chữ đã bị thời tiết làm cho phai màu. Hàng chữ ghi “ Chùa Tam Bảo”.
Tào Can bước lên cầu thang và đi vào.
Ngôi chùa dường như đã bị bỏ hoang nhiều năm trước đây. Tất cả các đồ nội thất đều bị lấy mất và bàn thờ trống rỗng. Anh không nhìn thấy gì ngoài bức tường đá. Một vài chỗ trên mái nhà ngói đã bị vỡ và anh có thể nhìn thấy những ngôi sao trên nền trời đêm.
Tào Can đi rón rén kiểm tra bên trong chùa. Không thấy dấu vết của Hứa.
Cuối cùng anh nhìn ra cửa sau. Anh vội vàng đứng núp sau thanh dọc cửa.
Có một khu vườn nhỏ với ao nuôi cá ở giữa được bao quanh bởi bức tường. Một ghế đá cũ đặt trên bờ ao. Hứa đang ngồi đó một mình.
Anh lấy tay chống cằm và nhìn say mê cái ao trước mặt.
- Đây đúng là nơi hẹn hò bí mật – Tào Can tự nói với mình.
Anh tìm thấy một ngách cửa nơi có thể ngồi xuống và theo dõi Hứa nhưng vẫn giấu mình trước kẻ nào mới đến.
Sau khi ngồi yên chỗ Tào Can khoanh tay và nhắm mắt, căng tai ra để nghe ngóng. Anh không dám nhìn Hứa quá thường xuyên vì biết rằng có nhiều người nhạy cảm khi bị nhìn trộm.
Anh ngồi đó trong một khoảng thời gian, không có gì xảy ra.
Hứa thỉnh thoảng thay đổi tư thế ngồi. Một hoặc hai lần anh ta nhặt một viên sỏi và thích thú ném xuống ao. Cuối cùng, anh đứng lên và đi qua đi lại, chìm trong suy nghĩ.
Nửa giờ nữa trôi qua.
Đột nhiên Hứa quay lại và rời khỏi chùa.
Tào Can nép mình vào chỗ nấp, ép sát thân thể vào bức tường đá ẩm ướt.
Hứa quay trở về nhà rất nhanh, không nhìn trái hay phải.
Trở lại con hẻm của mình, anh đứng ở góc phố và nhìn ra ngoài. Rõ ràng, anh muốn kiểm tra xem Mã Tông có ở ngoài đường không. Sau đó, anh nhanh chóng bước đi và biến mất vào lối đi hẹp giữa quán rượu và nhà hàng xóm.
Tào Can thở dài cam chịu và tản bộ quay trở lại tòa án. Không khí trong quán rượu lúc này rất là khí thế. Sau khi Mã Tông hết chuyện để kể, tới phiên chủ quán tiếp tục bằng các câu chuyện của mình. Hai gã say chứng tỏ là những khán giả có lòng. Họ vỗ tay mạnh mẽ sau mỗi câu chuyện.
Cuối cùng Hứa đi xuống cầu thang và gia nhập bàn nhậu. Mã Tông đã uống nhiều vòng và anh chẳng quan tâm là đã uống bao nhiêu nữa. Tuy nhiên, tửu lượng anh khá cao và đầu óc anh vẫn còn tỉnh táo. Anh nghĩ rằng nếu có thể làm cho Hứa say rượu thì có thể moi ra một số thông tin hữu ích từ anh ta. Vì thế anh ca ngợi Hứa mãnh liệt như là một công dân gương mẫu của thị trấn và rót cho anh ta một ly.
Đó là khởi đầu cho một cuộc thi uống rượu được nói đến tại thị trấn này trong nhiều tháng sau đó.
Hứa phàn nàn là anh bắt đầu sau những người khác. Để tạ lỗi anh trút hết nửa bình rượu vào một cái bát lớn và làm một hơi hết bát rượu. Dường như rượu chẳng có ảnh hưởng đến anh ta vì anh uống nó như uống nước.
Sau đó, anh cùng với Mã Tông cưa đôi một bình rượu và kể một câu chuyện dài nhưng rất thú vị.
Mã Tông bắt đầu cảm thấy say. Anh cố gắng giữ tỉnh táo và kể một câu chuyện ồn ào. Với một chút khó khăn, anh đã chấm dứt được câu chuyện.
Hứa hét lên tán thưởng. Anh uống cạn 3 ly rượu nhanh chóng. Sau đó, anh đẩy khăn xếp lên trán, đặt khuỷu tay lên bàn và bắt đầu kể say sưa những câu chuyện xảy ra ở kinh thành, thỉnh thoảng dừng lại để uống.
Cuộc đọ sức uống rượu tại quán rượu Thường Xuân
Đây là một bạn nhậu tuyệt vời, luôn luôn uống cạn ly chỉ trong một ngụm.
Mã Tông giữ mình như một người bạn trung thành. Anh nghĩ mơ hồ rằng Hứa là một người đàn ông rất trung thực. Anh nhớ rằng anh muốn hỏi y một điều gì đó nhưng không nghĩ ra nó là cái gì. Mã Tông đề nghị làm thêm một vòng nữa.
Hai gã say là người đầu tiên gục tại bàn. Chủ quán rủ về thêm một số người bạn hàng xóm. Mã Tông kết luận là anh đã rất say. Anh bắt đầu kể một câu chuyện thô tục nhưng bằng cách này hay cách khác anh đã lẫn lộn khi kết thúc. Hứa uống cạn ly và kể một câu chuyện cười tục tĩu chế giễu bản thân mình. Điểm chính của câu chuyện không lọt vào tai của Mã Tông nhưng anh vẫn nghĩ là nó buồn cười và cười rất to. Anh uống một vòng khác với Hứa.
Khuôn mặt của Hứa chuyển sang màu đỏ và mồ hôi chảy dài trên trán. Anh lột khăn xếp của mình và ném nó vào góc.
Từ thời điểm đó cuộc nói chuyện rất lộn xộn. Mã Tông và Hứa mạnh ai nấy nói. Họ dừng lại chỉ để vỗ tay và cụng ly với nhau uống tiếp.
Lúc đó đã quá nửa đêm và Hứa tuyên bố rằng anh muốn đi ngủ. Anh đứng lên rất khó khăn từ ghế ngồi của mình và thành công trong việc đến được chân cầu thang, tất cả thời gian đó anh luôn nói với Mã Tông về tình bạn vĩnh cửu của họ. Khi chủ quán giúp Hứa leo lên gác Mã Tông nói rằng các quán rượu là nơi rất dễ chịu và hiếu khách. Anh lặng lẽ nằm dài xuống sàn nhà và ngay lập tức bắt đầu ngáy như sấm.