Dịch giả: DƯƠNG LINH
CHUƠNG II

    
ưới chân cầu thang hẹp, có một cái cửa mở sang một phòng chung rộng rãi và sáng sủa, tường trát kiểu sần sùi và treo nhiều tranh khắc gỗ.
Hai người đã có mặt trong phòng. Một phụ nữ tóc nâu khoảng hăm bẩy hăm tám, ngồi cạnh lò sưởi, hơ tay gần lửa. Bà thứ hai tuổi cao hơn, người to béo đang nói tíu tít lúc Japp và Poirot bước vào.
- Ôi tôi sợ quá, suýt ngất xỉu. Cứ nghĩ là sáng nay giống như mọi sáng khác...
Người kia ngắt lời:
- Thôi bà Pierce. Các ông đây là ở sở cảnh sát?
- Cô Plenderleith? - Japp hỏi.
- Tôi đây, còn đây là bà Pierce, hàng ngày vẫn đến đây dọn dẹp.
Bà Pierce mau miệng lại liến thoắng:
- Tôi vừa nói với cô Plenderleith, khổ quá sáng nay không biết tại sao bà chị của tôi lại ốm nặng, và tôi là người thân duy nhất nên phải đi thăm, các ông biết đấy, gia đình mà lại... tôi không ngờ lại xảy ra chuyện ấy với bà Allen, nào đâu tôi muốn đến muộn...
Japp vội cắt ngay:
- Vâng, được rồi, bà hãy vui lòng đi với ông Jameson đây xuống bếp để ông lấy lời khai.
Gạt được bà lắm mồm đi rồi, Japp quay lại cô gái:
- Tôi là chánh thanh tra Japp. Cô Plenderleith, tôi muốn nghe cô kể tất cả những gì liên quan đến vụ này.
- Vâng. Nên bắt đầu từ đâu bây giờ?
Cô này có vẻ bình tĩnh một cách lạ thường, không hề tỏ ra buồn rầu hay thảng thốt.
- Cô đến đây lúc mấy giờ sáng nay?
- Có lẽ lúc ấy là mười rưỡi. Bà Pierce, cái bà nói dối như cuội ấy, chưa có mặt, tôi...
- Bà ấy có hay đến muộn như vậy không?
Jane Plenderleith nhún vai:
- Một tuần thì có tới hai ngày giữa trưa bà mới tới... hoặc có khi không tới. Về nguyên tắc, bà phải đến lúc chín giờ, nhưng như tôi đã nói, một tuần hai lần bà ấy lại ngây ngô, nói là một người trong gia đình bị ốm. Các loại người phục vụ này đều thế cả, thỉnh thoảng lại sai hẹn.
- Các cô mướn bà lâu chưa?
- Mới hơn một tháng. Bà trước hay táy máy, lấy cắp vặt.
- Cô nói tiếp đi.
- Tôi trả tiền tắc xi, mang valy vào trong nhà, tìm bà Pierce không thấy, nên tôi lên phòng tôi. Sắp xếp hành lý xong, tôi sang phòng Barbara, tức là bà Allen. Cửa khoá, tôi gọi mãi không được, tôi vội xuống nhà gọi cảnh sát.
- Xin lỗi! - Poirot vội ngắt lời - Lúc đó sao cô không có ý nghĩ gọi người đến phá cửa mà vào?
- Vâng, có lẽ tôi không nghĩ đến chuyện ấy. Nếu xẩy ra việc gì, tôi cho là trước tiên phải báo cảnh sát.
- Vậy là cô nghĩ đã xẩy ra chuyện gì?
- Tất nhiên rồi.
- Tại vì gọi không ai thưa. Nhỡ bà ấy uống thuốc an thần, đang ngủ say thì sao?
- Bà không bao giờ dùng thuốc ngủ.
Câu trả lời giật giọng vẻ bất bình.
- Hoặc bà ấy có thể khóa cứa rồi có việc đi ra ngoài?
- Sao phải khóa cửa? Ít nhất cũng phải để lại cho tôi một chữ chứ.
- Và bà ấy đã không để lại chữ nào? Cô chắc vậy chứ?
- Lẽ dĩ nhiên, nếu không tôi đã trông thấy.
Giọng cô Plenderleith càng lúc càng bực bõ.
- Cô không thử nhòm qua lỗ khoá? - Japp hỏi.
- Không. Vả có nhìn cũng không thấy gì, vì chìa khóa bịt lỗ, có phải không?
Cô nhìn Japp, vẻ thơ ngây, dò hỏi. Poirot mỉm cười:
- Cô đã hành động đúng. Cô có ý kiến gì về nguyên nhân khiến bạn cô tự tử?
- Ô, không!
- Bà ấy có tỏ vẻ lo lắng, buồn bực về chuyện gì?
Một lát im lặng khá lâu, rồi cô gái mới đáp:
- Không.
- Cô có biết là bà ấy có súng?
Jane Plenderleith nghiêng đầu:
- Có. Bà ấy có súng từ hồi ở Ấn Độ và thường cất súng trong ngăn kéo.
- A! Bà ấy có giấy phép dùng súng không?
- Có lẽ có, nhưng tôi không chắc.
Bây giờ tôi muốn cô kể hết những gì cô biết về bà Allen. Cô quen bà từ bao giờ, họ hàng bà ấy ở đâu, vân vân...
- Tôi biết Barbara khoảng năm năm nay, gặp bà ở nước ngoài... chính xác là ở Ai Cập. Bà từ Ấn Độ về qua. Tôi theo học một thời gian ở trường Anh quốc tại A-ten, Hy Lạp và sang Ai Cập vài tuần trước khi về nước. Cả hai chúng tôi đi du thuyền trên sông Nil. Lúc đó tôi đang tìm một người để ở chung một căn hộ hoặc nhà nhỏ. Barbara có một mình trên đời, chúng tôi có vẻ hợp nhau.
- Và tiếp đó đã thực sự hòa hợp? - Poirot hỏi.
- Hoàn toàn hòa hợp. Mỗi người có bạn bè riêng. Barbara giao thiệp rộng hơn tôi trong giới thượng lưu, còn bạn bè tôi phần lớn là nghệ sĩ. Song như thế là tốt, không sao.
Poirot gật đầu.
- Cô biết gì về gia đình và cuộc đời bà Allen trước đây? - Japp hỏi.
Jane Plenderleith nhún vai:
- Không biết mấy. Họ thời con gái là Armitage thì phải
- Chồng làm gì?
- Ông chồng hình như không hay lắm. Theo tôi hiểu thì nghiện rượu. Một, hai năm sau khi lấy Allen thì mất. Họ có một con gái cũng chết lúc lên ba. Barbara ít khi nói về chồng mình, nghe nói bà lấy ông ta tại Ấn Độ lúc mười bẩy tuổi. Họ đi Bornéo hoặc một nơi khỉ ho cò gáy nào đó chỉ những người kém cỏi mới được điều động đến đó... Chuyện buồn, nên tôi không hay hỏi.
- Bà Allen có túng thiếu tiền bạc?
- Ồ không, chắc chắn không.
- Có nợ nần ai... chẳng hạn?
- Không mà! Bà ấy không gặp khó khăn gì.
- Một câu hói tế nhị nữa, mong cô thông cảm. Liệu có một... hay nhiều người đàn ông nào trong cuộc sống bà Allen?
Jane Plenderleith nghiêm người, lạnh lùng đáp:
- Bà ấy đã đính hôn.
- Và ai là vị hôn phu?
- Charles West, nghị sĩ xứ Hampshire
- Bà ấy quen ông ta lâu chưa?
- Hơn một năm.
- Đính hôn từ bao giờ?
- Hai... à không, gần ba tháng.
- Và, theo cô biết, giữa hai người gần đây không mâu thuẫn gì?
Cô Plenderleith lắc đầu.
- Không, Barbara không có tính hung hăng.
- Cô nhìn thấy bà Allen lần cuối khi nào?
- Thứ sáu trước, ngay trước khi tôi đi nghỉ cuối tuần.
- Bà Allen ở lại thành phố không đi đâu?
- Phải hình như bà ấy hẹn với Charles ngày chủ nhật.
- Cô nghỉ cuối tuần ở đâu?
- Ở Laidells Hall, xứ Essex.
- Cô đến nhà ai?
- Ông bà Bentinck.
- Và cô mới trở về sáng nay?
- Phải.
- Thế thì phải đi từ rất sớm.
- Ông Bentinck cùng đi xe với tôi, ông có việc phải có mặt ở London trước mười giờ.
Các câu trả lời của cô Plenderleith đều dứt khoát, thuyết phục.
- Ý kiến cá nhân của cô về Charles West thế nào?
Cô gái nhún vai:
- Điều đó có gì quan trọng?
- Có thể không, nhưng tôi muốn biết ý kiến cô.
- Tôi không có ý kiến gì rõ ràng. Anh ta còn trẻ - khoảng băm mốt băm hai - có tham vọng... ăn nói thì hùng biện và còn mong tiến lên nhiều.
- Đó là mặt tích cực. Tôi muốn biết mặt kia.
- Ư hừ… (cô Plenderleith suy nghĩ). Theo tôi, anh ta cũng hơi tầm thường, không có ý kiến gì đặc sắc, và có chút tự mãn.
- Đó không phải là những khuyết điểm nghiêm trọng - Poirot cười.
- Ông cho là thế?
Giọng Plenderleith mỉa mai.
- Có thể cô cho là nghiêm trọng? Nhưng chắc với bà Allen thì không nghiêm trọng, vì bà không nhận thấy.
- Ông nói rất đúng. Barbara cho anh ta là tuyệt vời là nhất.
- Cô quý bà Allen? - Poirot nhỏ nhẹ hỏi.
Ông thấy bàn tay cô gái bấu chặt đầu gối, nét mặt căng thẳng, nhưng giọng đáp lại bình thản:
- Đúng. Tôi rất yêu Barbara.
Đến lượt Japp nói:
- Xin một câu hỏi nữa, có khi nào hai người giận nhau? Giữa cô và bà ấy có bao giờ mâu thuẫn?
- Không.
- Kể cả về việc bà ấy đính hôn?
- Dĩ nhiên không. Tôi mừng thấy chị ấy hạnh phúc.
Im lặng một lát.
- Bà Allen có kẻ thù không? - Câu hỏi của Japp.
Lần này, cô gái để một lúc lâu mới trả lời, giọng hơi lạc:
- Ông gọi thế nào là "kẻ thù"?
- Chẳng hạn người nào được hưởng lợi nếu bà ấy chết. Hưởng thừa kế?
Jane Plenderleith tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Tôi không biết: nếu Barbara viết di chúc, có khi tôi hưởng cũng nên.
- Còn kẻ thù hiểu theo những nghĩa khác? - Japp nói - Những người có lý do đề căm ghét bà?
- Tôi không nghĩ có người nào lại ghét chị ấy. Chị ấy rất hiền, sẵn sàng làm vui lòng mọi người.
Lần đầu tiên, giọng nói cứng cỏi như vỡ ra.
Japp nói.
- Vậy ta tóm tắt như sau: bà Allen rất thoải mái những ngày gần đây, không có khó khăn về tiền bạc, đang đính hôn với người mình yêu. Không có cớ gì khiến bà phải tự tử. Đúng thế chứ gì?
Một lát im tặng khá lâu, rồi Jane mới buông một tiếng:
- Đúng.
Japp đứng lên.
- Xin lỗi, tôi phải ra trao đổi một chút với thanh tra Jameson.
Ông đi ra. Còn lại một mình Hercule Poirot ở lại với Jane Plenderleith.