Chương II
LÒNG THÀNH ĐẮC NHÂN TÂM

    
.  Người ta nghĩ gì về những ý kiến của ta?
Lúc nói chuyện, bạn có để ý khía cạnh tâm lý này không? Là rất ít người chịu khó chú ý nghe ta nói, trừ khi người nghe là thuộc hạ sợ ta, cần nghe vì óc thủ lợi. Người càng có quyền hơn ta càng lười nghe. Nhiều người lúc ta nói, làm thinh chưa hẳn là lắng tai nghe ta, mà vừa tính trong trí chuyện sắp nói vừa chờ ta nói xong để nói. Những người ấy coi ta như cái cớ cái cơ hội để họ tuôn xổ các ý nghĩ của họ ra. Cũng vì tâm lý quy kỹ mà ai cũng cho ý kiến của mình là đúng. Người càng chủ quan, non kinh nghiệm về đời sống mà bị uy quyền, tiền của làm lòa con mắt, càng tự kiêu do đó dễ coi rẻ ý kiến của kẻ khác, ai đá động đến ý kiến của họ thì họ oán ghét. Có thể người quá lão luyện trong gạt gẫm, ngồi nói chuyện với ta, lúc vâng lúc dạ, lúc thuyết thao thao, lúc ra vẻ trầm mặc làm ta tưởng tâm đầu ý hợp với ta lắm, kỳ thực sau lưng ta phản lại hết các ý kiến của ta, có khi tác hại ta nữa.
Người nghe chuyện có trăm ngàn thứ lỗ tai như vậy, mà muốn đắc nhân tâm, ta phải phát biểu ý kiến của ta thế nào.
II.  Ý sáng, trình bày rõ.
Trong cuốn “Live a new life”: Sống đời sống mới, David Guy Powers khuyên nói cái gì phải nói rõ ràng. Mà muốn lời rõ thì như Boileau bảo ý phải sáng. Ta không thể nào nói với ai rành mạch điều gì mà ta hiểu lờ mờ. Nếu ta chỉ nói để mà nói thì thôi, còn nói mà thuyết phục thì nhất định trước hết phải cho người ta biết ta nói cái gì.
Để ý được dễ nắm, tư tưởng được dễ lãnh hội thì lời lẽ của ta đừng thừa vô ích. Lời cốt để diễn ý chớ không phải để chơi chữ nên càng cô đọng mà không tối nghĩa càng hay.
Tránh những từ ngữ quá trừu tượng khi không cần thiết, có thể làm cho ý lạc trong mây mù khói ngút. Người dù trí thức đến đâu cũng thích nghe kẻ khác diễn ý cách cụ thể thì dễ đập vào óc nhờ ngũ quan.
III.  Trình bày ý mình một chút rồi hỏi và nghe.
Dù bạn có nhiều ý đến đâu, đừng trình bày tràn ngập hàng loạt. Hãy để cho người nghe có đủ thời giờ lãnh hội. Đồng thời tránh mặc cảm người nghe cho rằng ta độc quyền ăn nói, do đó họ lạnh lùng đối với ý kiến của ta.
Ta phát biểu một mớ ý nào rồi ta khéo tạm dứt. Lựa một vài câu hỏi đặt cho người đối thoại. Ai bảo ta dùng câu hỏi trình bày ý kiến không được. Lúc người ta nói ta phải chăm chú nghe. Khéo nghe là gián tiếp mời người ta nghe mình.
IV.  Đến lượt bạn nói, bạn hở môi cách nào?
Liệu người ta nói một lúc khá lâu, mà bạn cần nói cho người ta nắm ý bạn thì bạn cứ nói song phải xen lời vào có nghệ thuật. Nhớ không ai chịu bình tâm nghe nói nếu bị ta cướp lời trắng trợn.
Đã biết người nào cũng nặng tự ái nên đừng giới thiệu ý kiến bằng giọng thuyết giáo. Mà ngay khi thuyết giáo như trong cuốn “Thuật hùng biện” tôi đã nói, ta cũng phải nói sao cho người nghe vô tình nhiễm các ý của ta. Một khi người ta biết ta sắp dạy khôn họ thì đúng như Lincoln nói, người ta “đóng kín cửa óc và tim lại”. David Guy Powers khuyên ta nói bằng giọng “ngoại giao” nghĩa là êm ái, cởi mở, bàn hỏi. Tối kỵ lời nói dao to búa lớn diễn những ý quá lố. Dùng cách nói khiêm tốn để ý bớt nặng nề chủ quan, người ta dễ chấp nhận hơn. Franklin nói nếu ta trình
bày ý kiến mà ra giọng tuyên bố hách dịch thì cầm chắc là người nghe chống đối chớ ta đừng mong thuyết phục được ai hết.
V.  Bạn có sợ người ta quên ý bạn không?
Nói chuyện với ai không nên làm họ nhàm chán. Mà người ta thường ngáp dài vì câu chuyện lặp lại một cách lạt phèo. Nhưng không phải vì đó mà bạn không lặp lại được điều bạn muốn kẻ khác nhớ. Nếu chỉ nói phớt qua một lần thì ý bạn dù hay đến đâu cũng không khắc sâu trong não nhớ người nghe được. Vậy phải lặp lại mà nhớ khéo chớ đừng ru ngủ và lên giọng thầy đời. Nhất định là phải nhớ cách nào cho họ đừng nghĩ rằng bạn dạy họ. Cách nào đây là hỏi lại, là gợi những chuyện liên hệ đến ý đã diễn, là giải thích thêm ý.
Thuyết phục hay tuyên truyền cũng vậy, giống như đinh càng đóng càng lún sâu. Hình như không có cách nào hữu hiệu để khắc tạc ý của mình vào đầu óc kẻ khác bằng lặp lại. Vấn đề là lặp lại vụng hay khéo thôi.
VI.  Phải tỏ ra tôn trọng người nghe.
Chắc không có cái gì khiến mình phát khùng bằng ý mình cho là hay, trình bày bị kẻ khác bác. Dù người ta tỏ thái độ với ta như vậy đi nữa, nếu ta không biểu lộ lòng cung kính họ, họ chẳng những không nghe ta mà còn ghét ta nữa. Biết được tôn trọng, người ta bị đặt ở cái thế dễ nghe ta hơn. Tâm lý ấy quan hệ quá mà không biết tại sao có nhiều người muốn thuyết phục lại ăn nói như chận họng người ta. Họ bắt bí, họ hỏi mắc mỏ, họ mỉa mai. Muốn bán ý kiến mà gây thiện cảm chẳng những bạn tránh ngọn lưỡi phun nọc độc đó mà còn tế nhị tránh những lời nói trào phúng, những thái độ thân mật sàm sỡ. Đối với người càng lớn, ta càng phải thận trọng. Ai dối thoại với ta mà biết ta khinh khinh với họ thì dù ta phun châu nhà ngọc cũng coi như đồ bỏ.
VII.  Tránh gần tuyệt đối sự vạch lỗi kẻ khác.
Xin bạn chỉ cho tôi người nào thích người ta hài lỗi của mình ra, nhất là khi có nhiều người nghe. Ai cũng đặt tự ái của mình lên bàn thờ cả. Tự nhiên tôi thích che cái dở của tôi cũng như tự nhiên bạn ham khoe cái hay của bạn.
Đừng viện lý thân thiết mà hài lỗi trắng trợn. Thuật thuyết phục phải cao cường lắm, nhắc lỗi người ta mới không giận. Một trong những thủ tướng lừng danh của Anh, ông George Canning nói: “Thượng đế hại tôi thế nào thì hại, miễn đừng cho tôi một thằng bạn nói thẳng ruột ngựa”. Vô tình hay hữu ý ông nói lên khía cạnh tâm lý sâu xa của con người. Đó là tâm lý “ẩn ác dương thiện”. Dù bạn khéo nói đến đâu, người bị nhắc lỗi cũng nghi ngại, có khi ngờ rằng bạn có bụng bươi móc họ nữa. Có kẻ thấy người ta không tán đồng ý kiến của mình rồi tìm cách móc xéo lỗi lầm của người ta. Làm vậy là vi phạm tự ái của người nghe, họ đâu còn dễ dàng có thiện cảm với ta. Giá họ có chấp nhận ý kiến của ta cũng tại vì bị áp lực tinh thần, nghĩa là sợ một cái gì đó. Mà như vậy không phải ta thuyết phục nữa mà hăm dọa và ý kiến ta không chắc nằm trong họ lâu bền. George Eliot nói loài vật thân nhau nhờ không chỉ trích nhau. Tư tưởng ấy nghe tàn nhẫn cho con người và không hoàn toàn đúng, song cũng nhắc ta hay rằng người càng vạch lỗi kẻ khác càng ít bạn.