CHƯƠNG III
SỬA LỖI NGƯỜI MÀ CÃI LỘN... RỒI SẼ BIẾT

    
. LÃO TỬ DẠY KHỔNG TỬ ĐIỀU GÌ?
Lúc Khổng Tử đến kinh đô nhà Chu, vào nhà Lão Tử thăm, ra về được Lão Tử tiễn chân bằng những lời mà người thời nay cho là kinh thánh của xử thế. Đại khái ông nói: “Kẻ giàu tiễn người bằng tiền của. Tôi nghèo xin tiễn ngài bằng đôi lời nói. Ngày nay kẻ sĩ mắc nạn thường là kẻ bới móc việc xấu của người đời, thân khổ vì chỉ trích tội lỗi kẻ khác. Quân tử phải cư xử như người ngu, đẹp lòng đa dục, trừ bụng khiêu khích, tránh lối ăn mặc lòe loẹt không chê bai ai hết”. Khổng Tử nghe vui cười thủ lễ cảm ơn.
Bạn nghĩ sao về những lời của Lão Tử?
Riêng tôi mỗi lần đọc lại những lời ấy, lòng cảm động quá. Tôi thấy Khổng Tử là bậc vạn thế sư biểu mà còn phải cần những khuyến từ ấy. Tôi lại cảm động hơn nữa khi biết rằng chính nhờ các lời thâm thúy của Lão Tử mà Khổng Tử rúc thân vào vỏ ốc yên tịnh lo trước tác hơn là đi du thuyết. Sự nghiệp vĩ đại của nhà hiền triết nước Lỗ phần lớn là nhờ đã “rúc thân vào vỏ ốc”.
II CHẮC CHẮN GÂY THÙ CHUỐC OÁN NẾU...
Chắc chắn trăm phần trăm để gây thù chuốc oán là ham cãi lộn, là chuyển các cuộc bàn luận thành cãi lộn, là khi cãi lộn cứ quăng tưới vào mặt đối phương rằng họ nói bậy, họ sai lầm, họ làm ẩu, họ ngu.
Thử đứng địa vị người bị hứng các lời giấm ớt ấy coi ta phản ứng thế nào?
Tự nhiên không việc gì hết kia mà ta còn không nhận ai phải hơn ai. Ta tự cao, cho mình là trúng hơn thiên hạ, ít xét giá trị của mình mà ưa chỉ trích. Không bị ai chạm tự ái mà kiêu khí của ta còn đằng đằng như vậy, huống hồ bị phóng xối xả vào mũi các lời khiêu khích trên. Ta cảm thấy bị thua sút người ta. Ta ngu, ta quấy, ta lầm hơn thiên hạ. Ta chịu không nổi sự ô nhục, tức khí của ta cuồng bạo lên. Ta định quật đối thủ xuống, trả đũa hắn, cho hắn biết ta là người thế này, thế kia...
Xưa nay trong nhân loại không phải chỉ có một mình bạn và tôi hành động như vậy. Hết thảy ai mang nhân tính đều nô lệ tự ái.
Bạn biết Benjamin Franklin nổi danh là xử thế gương mẫu, hồi còn trẻ tính tình thế nào không?
Trong danh phẩm Tự thuật của ông, ông cho ta biết ông mắc đủ thứ tật xấu. Kể sơ sơ: vụng về, thô lỗ, cộc cằn, chỉ trích lặt vặt, ham cãi lộn, độc đoán. Khi đứng tuổi, ông thành một chánh khách lỗi lạc vào bậc nhất của Mỹ về tài ngoại giao đắc nhân tâm, là nhờ ông luyện tánh. Dale Carnegie nói có một luật sư nọ, trong một phiền tòa, cãi rất hùng hồn, dẫn luật rất đúng mà sau cùng làm cho thân chủ thất kiện, chỉ tại vụng về đem cái khôn của mình chứng minh rằng ông tòa dốt luật.
Những bậc đại trí, người trong giới thượng lưu đầu óc như vậy, còn kẻ thuộc hạ bình dân thì sao? Không khác gì hết. Có khi còn tệ hơn nữa. Hằng ngày, giao tiếp nhiều hạng người, bạn thấy có khi vì kém hiểu biết lối xử thế của người ta hẹp hòi, tự ái càng cao. Lắm lúc bạn phải tức vỡ ngực vì bị kẻ mắc tật sờ voi cãi ngang với bạn. Họ võ đoán bằng những lời thô bỉ, đấu lý với bạn bất kể phải quấy. Tôi cũng như bạn và họ đều thờ lạy thành kiến như một thứ tinh thần.
Tâm lý cố hữu của người văn minh cũng như dã man là không bao giờ chịu mình nhỏ bé, thua thiệt như vậy đó nên khi xử thế mà không tránh những cuộc cãi vả thì kết quả luôn là gây thù oán.
III TẠI SAO TA CỨ CHO MÌNH KHÔNG BAO GIỜ LẦM?
Những vĩ nhân như Lêon XIII, Théodore Roosevelt, Albert Einstein vị nào cũng khiêm tốn nhận rằng trong một trăm lần suy tưởng có đến hai ba chục lần thấy mình sai lầm.
Trước các vị ấy, Khổng Tử còn nhờ Lão Tử cho bài học khôn để thôi du thuyết lo việc trước tác; Thích Ca thay đổi đường tu, lấy thường đạo thế cho khổ đạo.
Đừng nói chi bộ óc cá nhân, hãy nói ngay bộ óc của nhân loại ta thấy hai ngành chuyên biết tìm kiếm chân lý là triết học và khoa học, từ xưa đến nay đã bao lần bôi lầm xóa lỡ mới cung hiến cho ta được một mớ chân lý mà hôm nay thỉnh thoảng còn bị những giả thuyết ra đời hăm dọa cách này cách khác.
Bạn thử nghĩ coi các tôn giáo nhất là những tôn giáo lớn của nhân loại, tôn giáo nào mà không cho rằng mình nắm kho tàng sự thật. Điều đó cho ta biết rằng thần chân lý ẩn bóng khéo quá. Người đời tự ái càng cao, chân lý càng bị giành giật.
Một mặt cá nhân khả ngộ nghĩa là dầu thánh nhân danh nhân cũng thường lầm lạc, mặt khác thị dục tự nhận mình quan trọng thúc đẩy... Luôn cho mình là phải. Vì hai nguyên nhân đó, cuộc giao tế xã hội hay có những đụng chạm. Tôi ưa trình bày quan điểm theo lối độc đoán, có vẻ chỉ thị. Bạn thích dạy tôi hơn là góp ý kiến, tiếng của tôi, của chúng tôi bạn thường dùng hơn hết. Ngay ông Trời, chúng ta cũng dám nói: Trời của tôi nữa. Bàn chuyện với ai ta không tạo bầu không khí đối thoại để hai bên trao đổi ý kiến tiến đến sự thật. Ta ăn nói võ đoán. Ta hấp tấp, không cần coi đối phương phải quấy chỗ nào. Ta tưởng hễ đem cả đống nguyên tắc lý luận của Platon, Hegel, Descartes là ai cũng phải câm họng phục lý ta. Có khi lớn tuổi rồi mà tánh ta không tĩnh. Ta còn quá nặng máu cãi vả. Ta biết con người có lý trí mà cũng có bản năng song trong thực tế ta ăn nói như con người là thuần thần, lúc nào cũng hợp lý. Tự nghìn xưa có một ông vua Ai Cập khuyên con mình muốn đạt mục đích phải khéo léo. Còn ta, ta cứ vụng về, coi ai cũng lầm lạc, một mình là đúng, là khôn. Với tinh thần tự đắc như vậy và cuộc tranh luận nào ta cũng dấn thân vào, cũng chuyển thành cuộc cãi lộn thì ai là người có được thiện cảm với ta?
IV NÊU KHÔNG CÓ GÌ HẠI, THÌ NÊN TRÁNH MỌI CUỘC TRANH BIỆN.
Vừa đọc xong tiểu mục này chắc bạn trách tôi sao mà có lối giải quyết vấn để một cách thoái lui tiêu cực như vậy. Xin bạn cho tôi nói hết!
Hồi còn ở ban Triết, trong một bữa tiệc tất niên, vừa dùng bữa vừa bàn chuyện chơi về một vài đề tài triết, tôi trưng câu: “Hiểu biết về từ ngữ đưa dẫn đến hiểu biết về sự thật”. Tôi bảo câu ấy của Aristote. Một bạn của tôi sửa lưng tôi trước mặt đông người, rằng câu ấy của Platon. Tôi thấy mình lầm và hơi thẹn. Tuổi trẻ nhiều tình cảm quá, về nhà sưu tầm lại, tôi biết rõ câu ấy của Platon. Anh bạn tôi nói đúng song tôi thấy anh tàn nhẫn quá, anh chứng minh rằng tôi lầm. Lòng tự ái của thanh niên nơi tôi xúi giục tôi ghét anh, muốn cãi lại với anh để giữ “thể diện”. Tôi không thông hết triết lý Platon nhưng anh bạn tôi cũng không chịu nhớ rằng con người giàu tự ái như nhớ danh ngôn của Platon. Tôi cùng anh đang dự tiệc, mà có bàn triết lý là bàn qua loa chơi vậy chớ có phải tranh biện về triết trong lớp đâu. Bây giờ ra đời, bị đời đập lòng tự ái nhừ tử, tôi nhớ lại tủi hổ sao mà lúc ấy hay giận bậy. Nhưng hồi đó máu thanh niên ham gây gổ của tôi cường bạo lắm. Sao anh không nhắc khéo tôi đừng làm cho tôi mất mặt. Hồi đó, tôi cho là anh thắng tôi nghĩa là tôi thua. Mà anh thắng tôi là anh chọc dậy lên tánh kiêu căng của tôi, anh dồn tôi đến chỗ thấy rằng tôi ngu. Vì đó tôi ghét anh.
Thì ra tư tưởng sau đây của Dale Carnegie là minh triết: “Trong mọi cuộc tranh luận không ai thắng hết”, và theo nhà tâm lý thực dụng ấy nên tránh nó đi là thượng sách.
Trước hết ta phải lanh trí coi nếu ta không tranh biện có hại gì không. Nếu có thể thả trôi được thì làm thinh ừ ừ hử hử cho qua chuyện là khôn nhất. Khó lòng mà tránh cho bàn luận không biến thành cãi lộn lắm. Mà cãi lộn thì hỏng hết.
Nói vậy không phải tuyệt đối tránh những tranh luận cần thiết. Trong cuốn Le prix de la vie, Ollélaprume khuyên khi tranh luận nhắm chân lý chớ đừng nhắm ăn thua.
Ta nên tập cho thành thói quen sự nhường lời lúc tranh biện. Hãy để đối phương nói cho hả hê. Đừng tỉ mỉ bắt bẻ họ với óc vạch lá tìm sâu. Biết bỏ qua những sơ sót nhỏ nhặt của họ mà chỉ nghĩ đến các điểm tối hệ thôi. Thay vì trình bày trực tiếp vấn đề ra vẻ chỉ giáo, ta trình bày bằng cách hỏi và lái đối phương đến chỗ đồng ý với ta. Trong thư từ cũng nhu khi đàm thoại, tránh quảng cáo cái tôi đã đành mà còn đừng vô tình tỏ ra chưng tài khoe đức. Luật “ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên” của Chúa Cứu Thế là luật vàng cho tu đức mà cũng là luật vàng cho xử thế.
Trên xe buýt, máy bay, xuống đò, xuống bắc hay vào nơi đông người, ta nhường nhịn. Đừng khi nào tin rằng càng cãi dữ càng thuyết phục được ai. Cuộc tranh luận nào mà không đập nhau. Mỗi bệnh bị tự ái cho mang cặp kính màu nhìn đối phương khó bề nhận thức khách quan. Nếu cãi mà chỉ đến gây lộn do đó đã vô ích còn tác hại. Nhiều người giàu kinh nghiệm cho “cãi vả hao hơi” không phải vô lý.
Nói như vậy vẫn hiểu ngầm rằng có lúc phải tranh biện để binh vực chân lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng. Có nhiều người viện lý cầu an để làm thinh mà như vậy vô tình tố cáo hoặc óc ngu dốt hoặc tánh bạc nhược của mình. Nếu không đủ lý do chính đáng mà làm thinh để cuộc tranh luận đưa đến các kết quả tai hại cho một cá nhân, một đoàn thể thì làm thinh ấy đắc tội. Có kẻ dám hành động như vậy chỉ ngại thiên hạ nói chống mình.
Người gây thiện cảm không khiếp nhược để gọi là khôn ngoan kiểu đó. Nhưng họ phải vì cần nói mà họ lên mặt biện thuyết, lý sự. Họ không dùng cái “mách ngôn từ” (match verbal) để hạ đối phương mà dùng lý lẽ nhất là tư cách giúp chân lý được lộ hình. Họ ăn nói lễ độ, mềm mỏng, khiêm nhu. Thay vì nói lý của đối phương là “lầm, bậy, sai”. Họ xin phép xét lại lý ấy, cho họ góp ý kiến này không đồng ý điểm kia. Không đặt nặng vấn để thương ghét đối phương, nên họ bất cần quan tâm thái độ pha nhuộm tâm tình hay tình dục hoặc nóng nảy hoặc cố chấp của đối phương. Vấn đề họ nhắm không phải ở chỗ lo sửa tánh tình của đối phương, muốn đối phương thành người lý tưởng, mà ở chỗ bảo vệ chân lý mà nỗ lực giúp đối phương chấp nhận chân lý. Nếu bạn định tâm phục thì phải tuyệt đối tránh tất cả những lời nói nào mà bạn không muốn kẻ khác quăng vào bạn. Đừng “chụp mũ” đối phương là lý luận thế nào đó tại vì nhiễm đạo này đảng nọ, oán ghét ai, có thành kiến với ai. Lúc nào cũng giả sử như họ tìm chân lý bằng lòng thành thực, vô tư. Không gì bất lợi cho bạn bằng những câu khiêu khích lòng kiêu hãnh đối phương như: “Anh thiếu khả năng, chị không chuyên môn, cậu còn non kinh nghiệm, ông lỗi thời, bà không nắm vững vấn đề”. Nghe vậy mấy ai còn bình tĩnh bàn chuyện với bạn. Nếu đối phương của bạn chủ quan phải tế nhị mời họ thử đặt mình ở địa vị của một người ngoài cuộc để xét vấn đề. Thấy họ hiểu lầm bạn mà nóng nảy lên thì khéo đổi vấn đề đi. Không ai giương buồm khi bão tố. Bàn luận, bạn phải cương quyết nhưng đừng tỏ ra ngoan cố. Thỉnh thoảng phải soát lại lập trường của mình. Tránh lỗi lặp lại lý của mình hay nhấn mạnh tiếng này ý nọ ra vẻ chỉ giáo. Càng tránh hơn nữa lời nói chuyện mà hay đưa giả sử như vậy: “Giả sử ông là người hoa nguyệt, bà là mụ ghen, cô là kẻ ế chồng”...
Lối giả sử ấy chỉ vọt ra từ cửa miệng của kẻ khiếm nhã. Giọng nói cũng phải săn sóc: đừng âu yếm hay quát tháo, ngẫn ngơ hay ó ré, hăng say hay lãnh đạm. Bạn có tin rằng những động tác của tay, của đầu, những nét trên mắt, trên mặt gây ảnh  hưởng đến sự thành công của bạn không? Nếu tin thì bạn đừng cẩu thả chúng. Khéo dùng, chúng có thể giúp người khác nhận bạn thành thật, ăn nói biết điều, không thành kiến xấu với họ. Thái độ quá trịnh trọng cũng như thái độ bỡn cợt sái mùa, tất cả đều gây ác cảm. Nếu thấy cuộc tranh biện kéo dài quá mà không đi đến đâu thì nên khéo chấm dứt là hơn. Và khi chân lý không bị uy hiếp mà đối phương của bạn vì tức khí ra tuồng lấn lướt thì diệu sách là bạn thi hành lời khuyên này của Raymond de Saint Laurent: “Bạn hãy nhượng bộ”.