PHẦN IV - Chương I
LUẬT THUYẾT PHỤC TRÊN DIỄN ĐÀN

    
uật I: Can đảm lên bằng cách dựa trên kinh nghiệm của kẻ khác.
a) Bryan nói: Chinh phục bằng lời nói là một thủ đắc hơn là một thiên phú. Harriman nói: Nhìn tương lai bằng cặp mắt thỏ đế là đồ ngu.
b) Jaurès, nhà hùng biện chính trị lỗi lạc của Pháp, lần đầu đọc diễn văn, đứng ngậm câm, chết trân như bị trời trồng.
Lloyd George: Tự thú lần đầu tiên nói lưỡi ông như bị dán trên ổ gà, ông cảm
thấy khốn khổ vô cùng.
Tướng Grant ra vào trận mạc như cơm bữa, coi đạn lạc tên bay như cỏ rơm mà thú nhận rằng mỗi lần nói trước công chúng như bị tê dại.
Mark Twam nói khi mình đọc diễn văn họng như nghẹt lại, còn tim nhảy loạn lên.
Bạn thấy các thiên tài ấy khi mới nói có gì hơn bạn và tôi không, mà tại sao họ lại thành công?
Luật II: Nắm chắc mục tiêu trong tay.
Dĩ nhiên không phải luôn muốn là được, nhưng chắc chắn không muốn thì không được. Săn thỏ mà lưỡng lự thì kể như về tay không. Nói mà không định thuyết phục mong gì hấp dẫn được ai. William James bảo: “Nếu bạn mãnh liệt mong ước một điều thì bạn sẽ được”.
Nhà tỷ phú Armour nói: “Tôi thích trở thành hùng biện gia hơn là nhà đại tư bản”.
Luật III: Biết chắc “ba bó một giạ” trước rằng mình thành công.
Phải. Bạn không tin bạn thì ai tin bạn. Kha Luân Bố bị cả bọn thủy thủ trong tàu
đòi quăng xuống biển vì nói rằng ông tìm Mỹ châu ở đâu không biết, chỉ biết ông đem họ chết đói giữa muôn trùng đại dương thôi. Ông quyết chắc sẽ khám khá được Mỹ châu và thuyết phục các tay thủy thủ nỗ lực đạt mục đích ấy. Và bạn biết ông thành công hay không? Trước Kha Luân Bố, Jules César vượt biển Manghe, đổ bộ Anh quốc, đoạt chiến thắng vẻ vang cũng bằng lòng xác tín rằng mình không bao giờ bại. Ông chỉ cho quân sĩ thấy tàu ghe chở họ đến đó đã bị phóng hỏa hết rồi, họ chỉ còn nước xung phong và đoạt đất địch hay là phải bỏ mạng nhục nhã nơi xứ người.
Luật IV: Chụp mọi cơ hội để nói.
Rụt rè không dám nói, sợ nói ai cũng hùa lên bảo mình câm hay ăn thịt mình thì không bao giờ có cơ hội để nói cả. Còn biết chụp thời cơ để luyện ba tấc lưỡi thì trong đời ai cũng có dịp để nói, nói riết rồi sẽ nói hay. Nhà hùng biện trứ danh Bernard Shaw nói hồi còn nhỏ nhát nhúa đến nổi muốn vào nhà ai cũng không dám gõ cửa nữa, phải đứng lấp ló cả vài chục phút, còn xuất hiện trước công chúng như hồn lìa khỏi xác. Sau khi đã nổi danh hùng biện, ai hỏi ông làm sao nói hay trước đám đông, ông bảo: “Cứ nói”.
Bạn nhớ nghe: Cứ nói. Cũng như tập lội vậy. Nhảy đại xuống nước, lội bừa đi, rồi biết lội hồi nào không hay. Théodore Roosevelt nói mình hết sợ gấu nhờ nổ súng vào đầu gấu. William James khuyên ta muốn can đảm thì cứ hành động như mình đã can đảm rồi vậy.
Luật V: Tìm coi tại sao bạn sợ nói.
a) Đâu phải một mình bạn nhát. Vô số ông lớn đọc diễn văn run như thằn lằn đứt
đuôi. Vô số văn thi hào viết hay bao nhiêu thì nói dở bấy nhiêu. Vô số sinh viên khoa hùng biện mỗi lần cầm máy ghi âm tập nói tưởng mình sắp lên đoạn đầu đài. Vậy tại sao bạn mặc cảm rằng chỉ có một mình bạn là thỏ đế?
b) Tự nhiên tim đập mạnh, tai ù, mắt hoa, lưỡi cuốn, gối run, dĩ nhiên là lập cập một lượt với môi. Làm sao? Hãy cự lại các hiện tượng ấy. Hãy kềm hãm, hãy phản ứng chúng. Nhiều nhà tu hành xưa trị dục bằng phương pháp làm ngược lại gọi là “Agere Contra”. Bạn hãy bắt chước họ. Bạn hãy “Agere Contra” các hiện tượng phá hoại trên bằng cách trước khi nói đứng yên hay ngồi yên vài giây, bình tĩnh lạnh lùng như một băng sơn. Sau đó rồi từ từ nói.
c) Có thể tại bạn chưa quen nói rồi sợ chăng? Đúng như Robinson bảo: “Tại ngu dốt và lưỡng lự mà sợ”. Vậy phải tập mãi cho thành thói quen.
d) Nhiều khi tại hụt hơi, kém hơi mà sợ. Vậy bạn hãy tập thở dài hơi nhất là đừng khi nào bệnh mà thuyết trình. Bà Melba khuyên: “Thở đúng là điều kiện kỹ thuật căn bản để có giọng nói tốt”. Vậy mỗi sáng bạn nên tập thở dài hơi 50 lần. Luật VI: Soạn kỹ diễn văn sẽ bớt sợ nói.
Có cái gì để nói thì còn sợ đứng chết trân sao được. Mà muốn có cái gì để nói thì
phải chọn điều nào mình nói, tất nhiên là điều mình thích và thích thì bớt sợ. Thánh Jean, tông đồ nói chí lý: “Tình yêu hoàn toàn triệt tiêu sợ hãi”. Dale Carnegie trung bình mỗi năm, từ năm 1912 chứng kiến 5000 cuộc thuyết trình, hội thảo, quả quyết rằng chỉ diễn giả nào soạn kỹ mới nói tự tin, thành công: Luật sư lỗi lạc Daniel Webster nói thà ông xuất hiện trước công chúng ăn mặc nữa chừng hơn là soạn diễn văn nữa chừng.
Luật VII: Đừng học thuộc lòng diễn văn.
Nói hay có phải là trả bài thuộc lòng từng câu, từng chữ, từng chấm phết không. Không. Đó là tự đóng đinh hay muốn trời trồng mình chớ không phải nói trước công chúng. Soạn diễn văn không phải làm một cái gì sẵn như chiên hột vịt chẳng hạn. Hồi mới ăn nói mà theo kiểu đó, chính Churchill, ngôi sao sáng trên nền trời hùng biện, còn bị thất bại. Trí nhớ dễ phản ta lắm. Ta hãy nghiền ngẫm chín muồi đề tài rồi nói ra chính cái gì ta tìm được. Trước công chúng hãy nói cái gì của tim chứ đừng nói cái gì của trí nhớ. Làm ngược lại bạn sẽ thất bại thê thảm như Vance Bushnell. Ông này với chức phó chủ tịch một công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, ngày nọ phải đọc một diễn văn trước 2000 thính giả. Vance soạn chu đáo diễn văn, ngồi trước tấm gương đọc đi đọc lại trên 40 lần. Giờ nói đến. Ông hiện trước khối thính giả đông như nêm. Ông quên hết những gì đã thuộc lòng. Ông ấm ớ, hai tay bóp siết nhau, vừa thụt lùi vừa ráng nói mà cứ như nghẹt họng. Ông thụt lùi nữa rồi sau cùng bí quá ông chạy mất vào sau màn của diễn đàn. Cả hội trường kinh ngạc và cười gần sập nhà. Đấy! Kết quả của diễn thuyết mà học thuộc lòng.
Luật VIII: Gom ý và sắp ý thành hệ thống.
Bạn muốn soạn một thuyết văn à? Hãy theo lời khuyên sau đây của một giáo sư đại học Yale. Đó là bạn chọn một đề tài. Bạn suy nghĩ nó. Bạn nghiền ngẫm nó.
Bạn mổ xẻ nó đủ thứ khía cạnh. Bạn ghi các ý trên giấy. Bạn bỏ ý phụ, giữ ý chính. Hãy bắt chước Luther Burbabd ươm cả ngàn cây con để giữ lại một thôi. Bạn nối các ý chính lại thành một hệ thống. Spencer nói kiến thức không tổ chức thì tư tưởng lộn xộn. Trước khi nói, đi đâu thì hễ rảnh là bạn nghĩ đến hệ thống ý ấy. Abraham Lincoln đã làm y như vậy và ông là một nhà hùng biện lỗi lạc.
Luật IX: Bàn vấn đề bằng hữu.
Bạn có thiếu gì bạn thân. Tại sao lúc tiện, bạn không bàn vấn đề bạn sắp nói với họ? Họ sẽ góp ý kiến nhiều loại cho bạn rồi bạn lựa cái nào hay nhất. Dĩ nhiên bạn có thể bàn vấn đề với người người bạn trăm năm của mình nếu kẻ này có đủ điều kiện tinh thần.
Luật X: Tưởng tượng mình sẽ nói hay.
Tưởng tượng như vậy là “tự kỷ ám thị” rằng mình trăm phần trăm thành công.
Nó tự nhiên gây trong bạn niềm lạc quan và hứng thú. Đó là cái đà để bạn nói hoạt bát. Muốn vậy, trước hết bạn phải say mê vấn đề, đào sâu, nắm vững vấn đề.
Tránh những nguyên do làm bạn bấn loạn tâm thần, mất bình tĩnh. Bạn hãy tự nói bạn cũng có thiên phú hoạt bát như ai vậy. Đó là phương pháp của Coné. Hết thảy nhà tâm lý học đều đồng ý rằng một tư tưởng chôn bằng “tự kỷ ám thị” là tư tưởng mãnh liệt. Bạn lạc quan, tự tin bạn sẽ nói hay mà ngược lại bạn sẽ nói mất hứng, khó hấp dẫn. William James bảo: “Hành động dường như chạy theo tư tưởng song kỳ thực hành động và tư tưởng khác nhau một?”. Trước công chúng, hễ bạn tự nói không sợ, thì bạn dám nói.
Nếu thấy trong người xao xuyến quá thì bạn bắt chước Jean để Resfle thở dài hơi, thở chậm chậm để lấy lại bình thản.
Luật XI: Học cách soạn đến văn của những hùng biện gia đại tài.
1) Bác sĩ Conwell, Tác giả bài diễn văn bất hủ “Hàng mẫu kim cương”, trình bày gần 6000 lần có thói quen lập dàn bài theo kiểu sau đây: Trình bày các sự kiện.
Rút ra những kết luận. Kêu gọi hành động I!
2) Albert J. Beveridde: Gom các sự kiện thuận và nghịch lại, nghiên cứu, sắp đặt, tiêu hóa chúng. Tìm bằng cớ củng cố chúng và rút ra những giải quyết.
3) Abraham Lincoln: Cứu xét tận gốc rễ các kết luận.
4) Théodore Roosevelt: Tập trung các sự kiện, cân đo chúng, xào đi nấu lại rồi
mới diễn ra bằng lời chọn lọc hoa mỹ.
5) Nữ danh ca Schưman Heink khuyên muốn cho tiếng tốt đừng ráng quá độ.
Luật XII: Nói đề tài mà bạn thấu triệt do kinh nghiệm hay nghiên cứu.
Boileau nói: “Điều gì hiểu rõ nói ra minh bạch”. Hoạt bát không có nghĩa là biểu diễn giọng hay lời đẹp. Cần sâu sắc mới đi sâu vào nội tâm thính giả.
Luật XIII: Nói thực tế.
Bạn, mà tôi cũng vậy và thiên hạ ai ai cũng vậy đều thích cái gì thiết thực, ăn thua đến mình, gia đình nghề nghiệp của mình. Vậy mà có nhiều nhà trí thức hễ nói thì lặn ngụp trong lý thuyết mây mù khói ngút. Lý thuyết của họ đã trừu tượng mà thí dụ của họ cũng viễn vông nên rốt cuộc người nghe là không biết họ nói cái gì. Không biết họ nói cái gì làm sao mến phục tài ăn nói của họ.
Luật XIV: Nói có lửa thiêng.
Muốn cuốn hút thính giả thì lời nói phải có hồn. Byran nói hùng biện là tư tưởng
phát hỏa. Muốn hơ nóng phải nóng đi đã. Mà tư tưởng nóng là gì nếu không phải là Chân, Thiện, Mỹ. Ta say sưa các lý tưởng ấy. Ta chân thành dâng hiến thính giả các bảo vật đó, thì tại sao họ không thích ta.
 
DIỄN VĂN - DIỄN GIẢ - THÍNH GIẢ
Luật XV: Luyện trí nhớ để diễn văn súc tích.
1) Carl Seashore nói người trung bình phung phí chín chục phần trăm khả năng
của mình vì không khai thác trí nhớ.
2) Luyện trí nhớ là tạo ấn tượng, lặp lại và liên tưởng. Tạo ấn tượng nhờ tập trung tinh thần quan sát tinh vi. Lincoln có thói quen đọc lớn để âm thanh giúp gây ấn tượng. Còn Mark Twain dùng hình vẽ.
Nhờ đâu vô số tín đồ Hồi giáo thuộc lòng kinh Koran? Nhờ họ đọc đi đọc lại mãi. Đừng lặp đi lặp lại vội. Thỉnh thoảng lặp lại nhớ dai hơn.
Tại sao nhớ Socrate là bạn không quên Platon. Tại vì bạn biết hai ông này là thầy trò của nhau. Nhớ ông này liên tưởng đến ông kia.
Có trí nhớ bén nhọn, bạn đỡ dùng ký chú vì nô lệ ký chú, nó sẽ kém hấp dẫn.
Luật XVI: Hãy luyện sở trường một loại diễn văn.
Có nhiều loại hùng biện:
1) Hùng biện tòa án, gồm diễn văn quan tòa, diễn văn luật sư.
2) Hùng biện chính trị gồm diễn văn hội thảo hay mít tinh chính trị.
3) Hùng biện quân sự gồm hịch đọc trước ba quân hay thuyết văn quân huấn.
4) Hùng biện hàn lâm hay văn chương của những văn nhân gia nhập Hàn lâm viện.
Diễn văn ca tụng vĩ nhân, diễn văn luận án.
5) Hùng biện đại học là hùng biện văn của giáo sư đại học đọc cho đồng nghiệp hay cho sinh viên nghe.
6) Hùng biện truyền giáo là những diễn văn đạo.
Bạn hãy lựa một loại diễn văn rồi tạo mình thành người chuyên môn sử dụng loại ấy. Nhất nghệ tinh thì nhất thân vinh phải không bạn?.
Luật XVII: Hãy hạn chế vấn đề.
Bạn nhớ một danh sĩ Pháp đã từng nói ai không biết hạn chế vấn đề không thể
viết văn được không? Nói cũng thế. Làm sao nói hết mọi chuyện được. Nói một số ý hay thôi và khéo nói. Đừng quên là hùng biện không phải là nhà bác học lại càng không phải là người hiểu biết.
Luật XVIII: Hãy đãi cát tìm vàng.
Lựa đề hay nhất nói và chọn ý hay nhất trong đề để trình bày.
Luật XIX: Ý rành mạch, lời sáng sủa.
Muốn vậy phải:
1) Phân chia phần, đoạn diễn văn cân xứng.
2) Nhẹ lý thuyết, nặng thực hành.
3) Bớt danh từ chuyên môn, điển tích, tân ngữ.
4) Đừng để chi tiết che phủ ý mẹ.
5) Tránh lối nói mơ hồ và dùng câu dài tối tăm.
6) Tuyệt đối không bao giờ nói lạc đề.
7) Lặp lại các ý quan trọng.
8) Giọng tự nhiên, lời lẽ bình dị.
Luật XX: Lôi cuốn thính giả bằng hình ảnh, thí dụ.
Normal Vincent Pearle được triệu triệu người mê nghe thuyết giáo qua truyền thanh, truyền hình là nhờ nói bằng hình ảnh và thí dụ. Ông bảo thí dụ khéo lựa là phương tiện hay nhất làm cho một ý tưởng sáng sủa, lý thú và hấp dẫn. Cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie có hàng tỷ độc giả cũng nhờ chứa đầy gương hay tích lạ. Tờ Time và Readers Digest nhiều lúc bán chạy như vàng lên giá cũng nhờ thực hiện câu này của Rudolj Flesh: “Chỉ những tích truyện là đọc hấp dẫn”. Vậy muốn thính giả say mê bạn hãy:
1. Nhân hóa câu chuyện bằng một đời sống gương mẫu, ly kỳ nào đó. Thí dụ bỏ vợ đẹp con xinh, quyền tước vinh hoa để làm nên nghiệp cả: hãy kể chuyện đức Phật.
2. Dùng tên họ, ngôi thứ xác định trong câu chuyện gây ở thính giả hứng thú hơn là lời nói vô danh.
3. Làm nổi bật một số chi tiết, câu chuyện trở thành linh động hơn.
4. Cho các nhân vật đối thoại, biện luận với nhau.
5. Kể một tích chuyện ly kỳ, không cần đã xảy ra mà có thể xảy ra.
6. Dùng điệu bộ yểm trợ lời nói: mô tả một thân xác bị xe cán mà gương mặt bạn bình thản, thính giả có thấy rùng rợn gì không?
7. Đổi tổng quát thành riêng biệt: Bạn và tôi thì nói: Đổi mới cái đã hoàn toàn là làm chuyện vô ích. Còn Shakespeare không nói tổng quát như vậy mà nói rõ rằng: “Mạ vàng ròng, sơn trắng hoa huệ, ướp hương hoa lài”. Herbert Spencer bảo chúng ta không tư tưởng tổng quát mà tư tưởng đặc thù.
Luật XXI: Tạo hứng thú tràn lan trong thính giả.
1. Hễ thính giả hiểu bạn nói gì thì mới có thể thích nghe bạn mà cho đặng vậy
thì bạn phải thâm hiểu điều bạn nói trước đi đã. Tôi không rành về săn cá voi mà tôi thuật chuyện săn cá voi cho bạn nghe, bạn thích nổi không?
2. Người ta thích nghe bạn cũng nhờ bạn khéo léo so sánh. Thay vì bạn nói Đức Giáo Hoàng có quyền thế tinh thần to lớn, bạn nói các quyền thế tinh thần của các nguyên thủ đại cường quốc cộng lại không bằng phân nửa của ngài.
3. Chỉ ngay một thính giả nào đó rồi đặt câu hỏi cho họ, đặt xong rồi bạn trả lời
thế liền. Đó cũng là cách làm cho diễn văn gây hứng thú.
4. Mượn danh ngôn xuất sắc làm thế lực yểm trợ lời mình nói. Bạn đừng khuyên dạy đức công bình mà quên dẫn lời Giêsu: “Của César thì trả cho César...”
5. Nói bỏ lửng để thính giả hiểu tiếp. Thí dụ muốn diễn ý tự do luyến ái bạn nói: Ép dầu ép mỡ ai nỡ&.
6. Dồn dập hàng loạt câu hỏi và mỗi câu hỏi có một cách trả lời.
7. Lấy hình ảnh thay con số. Thay vì nói tiền Mỹ viện trợ cho Nam Triều Tiên là bao nhiêu tỷ, bạn nói nếu tiền ấy không tiêu vào chiến phí thì mỗi người tối thiểu được một biệt thự.
LUẬT SOẠN NỘI DUNG CỦA DIỄN VĂN
Luật XXII: Khéo mở, khéo kết.
1. Mở và kết ăn khớp nhau: Hồi soạn bài phải làm kết trước vì kết là mục tiêu
của bạn. Mở chỉ là cái cổng đưa vào kết. Murdock nói đoạn giữa nhét gì vào cũng được nếu mở và kết khéo.
2. Mở thiện cảm cũng như mới vào nhà Eli khéo bắt tay và nói mấy lời đầu vậy. Mở xa xa gọi là “lung cảm”. Coi chừng dài dòng, mông lung vô ích. Mở ngay gọi
là “trực khởi”. Coi chừng đột ngột quá.
3. Có thể mở bằng một danh ngôn, câu chuyện, một điển tích. Có thể mở bằng nhiều hay một câu hỏi. Mở bằng một điệu bộ khác thường cũng được. Mà đừng lố bịch.
4. Đừng mở kiểu nhún nhường giả tạo. Thí dụ nói không xứng đáng vì vô tài bất đức, v.v... Đã vậy tại sao còn nói.
5. Tối kỵ mở bằng cách đại ngôn khoe khoang tài dức, kinh nghiệm của mình.
6. Kết luận thiện cảm cũng như lúc ra về bắt tay từ giã một người nào vậy. Kết
vụng là bài diễn văn đi đời nhà ma.
7. Đừng kết ngắn quá thành ngưng đột ngột mà cũng dừng kết lòng thòng để rồi bảo kết mà lại quảng diễn lê thê thêm nữa.
8. Kết bằng câu chuyện, bằng danh ngôn, bằng câu hỏi, bằng một đoạn văn thơ ngụ ý khuyên khích điều gì đó.
9. Kết sao ra về người nghe thấy còn luyến tiếc và nhớ được ý quan trọng do bạn tóm tắt, khắc tạc trong lòng họ.
Luật XXIII: Đoạn giữa chinh phục và gây cảm động.
Đáng lẽ chỉ có một đoạn kết mà thôi mà vì sợ vắn tắt quá nên phải có đoạn giữa
để thính giả tin và xúc động. Aristote nói đoạn giữa cần được báo trước bằng phần mở và cần được kết.
1. Phải giải thích các phần chính, ý chính và từ ngữ khó hiểu của đoạn giữa.
2. Phải chứng minh rồi hãy giải quyết. Dùng hình ảnh, thí dụ làm cho lý lẽ hấp dẫn.
3. Dùng nhiều phép lý luận để phần diễn đề chững chạc. Các phép thông dụng
là Tam đoạn dụng, quy nạp, liên luận, lưỡng đạo luận.
4. Thay phiên phân tích và tổng hợp: Phân tích thì tránh lạc vào chi tiết. Tổng hợp thì đề phòng nông cạn quá.
5. Các chứng lý tạo thành một mặt trận đi từ nhẹ đến mạnh, đổ dồn về mục tiêu và chinh phục thính giả.
6. Muốn bài bác thì phải nắm vững chân lý, thấy rõ sai lầm, biện luận đúng luật biện chứng, bình tĩnh khi đả kích, phê bình lầm lỗi chứ không đả kích cá nhân, lý luận chớ không tỏ ra lý sự, biết nhận phần phải của đối phương, khen rồi mới chê hay chê rồi mới khen và tuyệt đối không mỉa mai, ngạo nghễ, quá lố.
Luật XXIV: Ba phần “Mở”, “Diễn”, “Kết” phải hợp lý.
Mở ngắn hơn kết và diễn dài nhất. Cả ba phải được nối nhau bằng những ý mạch
lạc và hỗ trợ nhau.
LUẬT TRANG TRÍ VỀ HÌNH THỨC CỦA DIỄN VĂN
Luật XXV: Ngoài lời nói còn một điều lôi cuốn thính giả: Thông cảm.
1) Bạn tưởng tượng cảnh diễn giả nói còn thính giả người dạo mắt trên trần nhà, người theo dõi một con chim sẻ trên cửa sổ.
2) Hãy nói giữa hội trường Thượng Viện như nói riêng cho từng nghị sĩ vậy.
3) Đừng gò bó bắt chước ngôi sao hùng biện nào hết: Bạn hãy nói với tất cả cái tự nhiên của bạn.
4) Nói với thính giả bằng giọng văn sao như bạn vừa dứt lời là họ muốn thực hiện lời bạn nói.
5) Mỗi lời bạn nói phải là một mảnh tim của bạn: Chỉ lòng thành kêu gọi được lòng thành. Xin bạn nhớ như vậy.
Luật XXVI: Có duyên.
Thường ngày, người ta thích nói chuyện với bạn phần lớn là tại bạn có duyên.
Trước đám đông cũng vậy. Một diễn giả thu hút là một diễn giả có duyên.
1) Có duyên là hợp lương tri, là chừng mực, là tế nhị.
2) Biết nhấn mạnh những lời, những tiếng diễn tả tình ý nào đó.
3) Giọng nói khi lên bổng lúc xuống trầm. Hết dồn dập rồi đến khoan thai. Khi nói hết khi bỏ lửng.
4) Có lúc bạn làm thinh mà rất có duyên.
5) Bạn nói thiên hạ cười bể bụng mà bạn cứ tỉnh bơ. Nói có duyên là không cần ai cười mà người ta cười. Nói vô duyên là nói chọc cười mà càng ráng càng lãng xẹt.
Luật XXVII: Chuyển các đoạn văn vừa tự nhiên vừa rõ ràng.
Xin bạn nhớ vừa tự nhiên vừa rõ ràng.
1) Chuyển tự nhiên là đừng vụng về, máy móc quá kiểu hai câu này của Đồ
Chiểu trong Lục Vân Tiên:
Chuyện nàng sau hãy còn lâu
Chuyện chàng xin kể từ đầu chép ra.
Hãy để cho ý tự nhiên chuyển. Sarcey khuyên diễn xong ý đó thì tự nhiên qua ý khác. Nhưng đôi khi đừng kín đáo quá mà bài diễn văn trở thành không mạch lạc, đối với người nghe. Khi đọc người ta dễ bắt mạch chuyển hơn khi nghe. Bạn khéo cho thính giả biết nói xong mục này qua mục khác, họ thấy khoan khoái hơn và dễ nhớ ý chính của bạn.
Luật XXVIII: Tuỳ ý mà lựa lối văn.
Bạn có thể dùng đủ thứ lối văn từ nghị luận, miêu tả đến kể chuyện.
Bạn cắt nghĩa, chứng minh xong thì bạn tả người, tả cảnh rồi bạn cho những nhân vật đối thoại. Trên mặt trận hùng biện bạn được dùng các loại “vũ khí” miễn là khéo “tác xạ” nghĩa là khéo thuyết phục.
Luật XXIX: Tối kỵ thô tục và ngợm.
1) Không gì thô tục, ghê tởm bằng nói chuyện tục tĩu trước công chúng.
2) Ngợm là nói lên mặt căn dặn, rầy rà, dạy dỗ theo kiểu cả nhồi sọ bên ngoài.
Luật XXX: Đồng nhất hóa thính giả và bạn.
Vô đầu là bạn nói liền là không phải diễn thuyết mà tâm đàn, mà bàn với thính
giả một vấn đề nào đó. Trong trường hợp phải diễn thuyết thì cũng phải nói sao cho thính giả thấy bạn đứng về phía họ. Họ cùng bạn là một.
Luật XXXI: Khêu gợi thính giả đối thoại với bạn.
Percy H. Witing nói: “Bạn hãy tin rằng diễn thuyết không phải là trả bài”. Hãy
biến diễn trường thành một công ty cùng bạn tìm chân lý.
Luật XXXII: Khen tế nhị và chân thành.
Nịnh thì ai cũng ghét. Khen theo kiểu bịp bợm thì cũng không ai ưa. Nhưng
khen vừa phải, khen thật thì không gì làm thiên hạ mát dạ bằng. Bạn có thể khen người bạn nói, người chủ tọa nhất là khối thính giả. Lựa điểm nào đặc biệt nhất của họ đó, đề cao cái đáng ca tụng nơi họ. Việc ấy là nhịp cầu nối bạn chặt chẽ với họ.
ĐẠT CHO ĐƯỢC 4 MỤC TIÊU CỦA DIỄN VĂN
Dale Carnegie nói chung quy bạn lên diễn đàn là bạn thực hiện 1 trong 4 mục tiêu sau đây:
 Thúc đẩy hành động
 Thông tin
 Thuyết phục
 Giải trí
Luật XXXIII: Nói đưa đến thực hiện Chân - Thiện - Mỹ
1) Điều bạn nói hữu lý và bạn nói với tất cả lòng thành. Nghe điều phải mới tin
phân nửa, phải có lòng thành thực xô đẩy niềm tin trọn vẹn.
2) Khiêm tốn và phải chăng. Điều bạn muốn kẻ khác thi hành bạn phải tin là đúng song bạn trình bày một cách khiêm nhu và có chừng mực.
3) Bạn dựa vào gương một danh nhân, một thánh nhân để khuyên khích thính giả thực hiện điều bạn chứng minh là hay.
4) Ai không có ít nhiều kinh nghiệm vậy tại sao bạn không dùng kinh nghiệm
sống động của bạn, dĩ nhiên không phải để tự quảng cáo mà để thính giả dựa vào đó học hay chữa dở.
5) Pascal nói ai cũng muốn được thán phục. Con người thèm danh, thèm sức khỏe và nhất là thèm lợi. Xô đẩy người ta hành động mà không thấu triệt tâm lý đó thì đúng là câu cá không lựa mồi.
6) Đốt đèn lên thì hết tối. Đề cao đức khiêm như là triệt hạ tật kiêu hãnh. Thúc đẩy thanh niên hy sinh là thúc đẩy họ thủ tiêu chứng ích kỷ.
7) Gom điều phải hành động thành một công thức dễ nhớ và có tác dụng “ám
thị”. Dồn công thức ấy vào tiềm thức thính giả bằng giọng quả quyết mãnh liệt.
Luật XXXIV: Nói cho người ta biết thêm cái gì.
Ludwig Wittgenstein bảo: “Tất cả những gì có thể suy tưởng phải được suy
tưởng rõ ràng”. Tất cả cái gì có thể nói phải được nói minh bạch. Ngồi nghe ai diễn thuyết hàng giờ mà không biết họ nói cái gì bạn bực không? Mà nói không rành là do quan niệm lờ mờ, lộn xộn.
1) Nắm vững điều mình nói rồi hãy nói. Không biết rõ con ễnh ương sẽ làm cho
người nghe tưởng ễnh ương là ếch nhái hay cóc.
2) Ít thời giờ quá thì đừng mổ xẻ vấn đề lớn. Có nhiều thời giờ cũng phải tự hạn chế vấn đề. Phân lượng thời gian cho từng khía cạnh vấn đề. Coi chừng chỉ nói
được một giờ mà nhập đề nửa giờ hay hết giờ mà cứ kết như dây thun làm ai nấy muốn mời mình xuống gấp.
3) Phân loại các điều bạn trình bày, hệ thống hóa chúng rồi tuần tự kể ra. Đó là phương pháp của bác sĩ Ralph J.Brache.
4) Tùy trình độ người nghe mà dùng từ ngữ, thí dụ, hình ảnh thích nghi, dễ hiểu.
Ở miền Phi châu nhiệt đới, dân chúng không biết tuyết, các nhà thừa sai khi giảng đạo không nói trắng như tuyết mà nói trắng như “cái dừa nạo”. Muốn cho công chúng biết từ địa cầu tới mặt trăng, mặt trời, bạn dùng con số thiên văn học thì được mà khô khan quá. Trong cuốn “Vũ trụ quanh ta”, James Jeanes muốn độc giả dễ nhận thức khoảng từ trái đất đến chòm sao Nhân Mã, thay vì dùng con số 25.000.000 thước, ông dùng hình ảnh: Nếu bạn đi từ địa cầu với tốc độ của ánh sáng là 186.000 thước mỗi giây thì bạn phải tốn năm ba tháng mới đổ bộ Nhân Mã.
Nhiều nhà thông thái diễn thuyết thất bại là mê tín dùng tiếng chuyên môn. Có mấy ai hiểu họ nói gì đâu. Aristote khuyên họ: “Bạn hãy tư tưởng như người trí thức mà nói như đại chúng”.
5) Dùng phương tiện thính thị một lượt. Ngạn ngữ Nhật Bản nói: “Thấy một bằng nghe một trăm”. Hình ảnh mạnh hơn âm thanh ở chỗ nó gây ấn tượng và chui sâu trong tiềm thức.
Luật XXXV: Hùng biện là vừa lý phục và vừa tâm phục.
1) Nói hợp lý đã đành rồi mà phải nói với lòng lương thiện. Quintilien định nghĩa hùng biện gia là Người Thiện và khéo nói. Xin bạn nhớ tiếng “Thiện”.
2) Chiếm cho kỳ được sự trả lời thuận của thính giả buổi đầu. Lincoln nói phương thế hay nhất để tranh luận thắng là trước hết phải tạo môi trường thông cảm. Mới nói ít câu mà làm cho ai nấy phản đối, la ó thì còn mong gì thuyết phục hả bạn.
3) Nói bằng giọng truyền cảm. Tức là bạn truyền cái say sưa trong lòng bạn về đề tài cho thính giả. Tôi muốn nói bạn lây cho họ sự cương quyết niềm tin tưởng.
Bạn thấy câu này của Henry Ward có thâm thúy không “Khi nào thính giả ngủ gục thì chỉ có việc phải làm là bảo ông tùy phái lấy một cái dùi nhọn chích diễn giả”.
4) Biểu lộ tôn kính và thiện cảm đối với thính giả. Phải! Ai cũng đòi hỏi, thèm hai thứ tâm tình đó hết. Thính giả là số đông đối với diễn giả nên họ còn đòi hỏi
hơn nữa. Bác sĩ Normans Vincent Peale thực có lý khi nói: “Nhân cách kêu gọi tình thương và đòi hỏi kính trọng”. Cũng như quả banh ném vào tường, lòng kính trọng, quý mến bạn ném vào thính giả thì họ sẽ trả lại cho bạn.
5) Bắt đầu và chấm dứt thuyết phục bằng phong độ tri kỷ.
Bạn thử như vậy đi, bạn sẽ thấy từ phía dưới người ta sẽ gởi đến bạn những nụ cười cởi mở, chờ đợi tha thứ. Paley thuyết phục một người vô thần cũng làm như vậy đối với dân thành Nhã Điển. Bạn hãy thuộc lòng giùm tôi lời này của Wilson: “Chúng ta hãy ngồi xuống và bàn chuyện. Nếu chúng ta không đồng quan điểm thì hãy ráng hiểu nhau.
Luật XXXVI: Soạn kỹ rồi ứng khẩu.
Bạn có thể tội nghiệp bao nhiêu người làm lớn mà khi cần không thể nói không giấy tờ vài ba câu trước công chúng không? Tội nghiệp nữa là nhiều ông bự chuyên môn đọc như “trả bài” những cái gọi là diễn văn của kẻ khác soạn cho mình.
Biết bao cơ hội trên đời bạn phải nói và nói ứng khẩu. Bạn phải làm sao?
Trong tờ American Magazin, ông Douglas Fairbanks thuật lại ông cùng Charlie Chaphin, và Mary Pickford trong vòng hai năm tập ứng khẩu bằng cách soạn sẵn bài rồi vào những buổi tối, tắt đèn rồi mỗi người thuyết trình. Còn nhiều cách khác cũng hiệu nghiệm như phương pháp này. Vấn đề là bạn nên tự luyện ứng khẩu sau khi đã soạn kỹ.
CÁCH LUYỆN LỜI, LUYỆN GIỌNG VÀ LUYỆN ĐIỆU BỘ
Luật XXXVII: Lời là áo của ý, lời hoa mỹ ý dễ lôi cuốn vậy phải luyện lời.
1) Khi diễn thuyết, nói chuyện ta phải diễn đủ thứ ý nên cần đủ dụng ngữ. Có nhiều loại dụng ngữ đại khái là dụng ngữ khoa học, triết học, tôn giáo, văn chương, chính trị, kinh tế, tài chính, luật pháp, y học. Phải chú tâm học dụng ngữ mới đủ dùng chớ không thể chỉ chờ đọc sách báo mà học từ từ được. Học dụng ngữ bằng sách báo đã đành mà phải học từ điển, học các sách danh từ chuyên môn, sách chuyên về từ ngữ, khi thu thập dụng ngữ, phải chú ý học tự loại mỗi tiếng, nguồn gốc, ý nghĩa, tinh nghĩa, đồng nghĩa, phản nghĩa của nó. Nên có một cuốn sổ nhỏ chép dụng ngữ học thuộc lòng.
2) Giàu từ ngữ còn phải rành cú pháp, để câu văn đúng và đẹp vì đó phải đọc
các loại sách về văn phạm hay ngữ pháp. Chú trọng những mỹ từ pháp tức là những cách giúp ý diễn đạt hoa mỹ. Xin bạn đọc vấn đề này trong hai cuốn “Thuật nói chuyện”, “Thuật hùng biện của tôi”.
3) Về lời của diễn văn, bốn lời khuyên sau đây của Dale Carnegie là vàng ngọc:
Hãy tự nhiên.
Phải độc sáng, đừng bắt chước ai. Nói chuyện, trực cảm với thính giả.
Nhét tim vào từng lời, từng câu của mình.
Luật XXXVIII: Mới cất giọng mà nghe mất cảm tình thì diễn văn kể như hỏng phân nửa.
1) Giọng luyện được. Démosthène cà lăm, ngọng mà nhờ ngậm sỏi la ó áp đảo tiếng sóng gầm nên có tiếng nói uy nghiêm. Ta không định luyện giọng oanh vàng để thành ca sĩ mà làm sao cho phát triển được phong phú giọng tự nhiên trời cho. Ta nói bằng giọng của ta. Giọng ấy tự nhiên gây cảm tình.
2) Muốn có giọng hay phải tạo âm thanh vang lên và rung cảm. Âm thanh sẽ không có đủ hai điều kiện đó nếu ta không luyện các cơ quan phát âm của ta tức là phổi, họng, lưỡi, môi. Luyện phổi là tập thở dài hơi thở bằng hoành cách mạc. Luyện giọng là vừa tránh những đồ ăn thức uống làm khan cổ, khàn tiếng, vừa tập
nói lớn tiếng cho họng quen những loại tiếng lớn mà không khúc khắc, chói tai.
Luyện lưỡi bằng cách bớt dùng đồ cay, chát làm cho nó kém nhanh nhẹn và hay nhất là ngậm sỏi tập đọc ngoại ngữ. Ông Nguyễn Hiến Lê nói: “Muốn cho môi mềm mại, bạn phải tập phát những âm b, p, u nhất là làm cho rõ ràng...” Bạn có thể tự đặt những câu mà tiếng nào cũng bắt đầu bằng r, s, h, p, b, m như bài thơ dưới đây của Nguyễn Đường Lý:
TÌNH VẤN VƯƠNG
Dan díu dằng dai dáng dật dờ Vấn vương vô vị việc vu vơ Tưởng tin tươm tất tình tươi tốt Mong mỏi mặn mà má mởn mơ
Đắm đuối đầu đường đi đớ đẩn.
Ngập ngừng ngang ngỡ ngó ngu ngơ
Lâm ly lưu luyến lòng lai láng
Thắc thỏm thương thầm tha thẩn thơ
Luật XXXIX: Điệu bộ hùng biện nhất của bạn là điệu bộ tự nhiên nhất của bạn.
Trong cuốn Thuật hùng biện, tôi có liệt kê mấy chục điệu bộ khác nhau để biểu lộ cách tự nhiên của bạn. Có khi bạn không ra điệu bộ nào hết mà đó vẫn là một điệu bộ trông rất tự nhiên. Tuyệt đối tránh những điệu bộ kỳ dị: Dĩ nhiên không bao giờ có những điệu bộ hách dịch như chống nạnh, chắp tay sau đít, v.v... Điệu bộ trầm tĩnh, duyên dáng gia tăng hấp dẫn cho lời nói.
SẮP LÊN DIỄN ĐÀN
Luật XL: Giờ thích hợp. Phòng âm cúng: Hệ thống truyền thanh tốt.
1) Nếu bạn có thể định thời giờ được thì chọn ngày nào thính giả ít vắng mặt,
giờ nào thuận tiện. Tránh giờ liền sau trưa và khuya quá.
2) Phòng lớn nhỏ mà phải tùy nghi ấm cúng, sáng sủa, thoáng khí, đừng trang hoàng lòe loẹt quá. Ghế của diễn giả nên kê vừa cao, để diễn giả dễ nổi bật trước khối thính giả. Không nên để ông này bà nọ ngồi trên diễn đàn ngang hàng diễn giả.
3) Bất đắc dĩ lắm mới không dùng máy vi âm. Tối kỵ có người cầm máy cho bạn nói vì như vậy thính giả có kẻ lo ngó kẻ ấy hơn là lo nghe bạn. Đừng hăng say há lớn đến nỗi dí sát miệng vào máy gây chát chúa diễn trường. Các máy phóng thanh phải tính để các thính giả ngồi xa nghe rõ.
Luật XLI: Chuẩn bị sức khỏe tốt trước khi nói.
1) Bài soạn kỹ rồi thì không có gì phải lo âu đến mất ăn mất ngủ. Không khinh thường mà cũng không quan trọng hóa việc mình sắp làm. Bình tĩnh.
2) Paul C.Jagot khuyên bạn dạo mát thảnh thơi trước khi nói.
3) Không ăn uống đồ khó tiêu hay kích thích mạnh thần kinh.
Luật XLII: Y phục lịch sự, đứng đắn.
Không ăn mặc cẩu thả, tóc râu bù xù, áo quần xốc xếch mà cũng không diêm dúa, bóng loáng quá: Hàng trăm hàng nghìn cặp mắt ngó bạn giờ này sang giờ kia đấy.
Luật XLIII: Không cần cho phát trước dàn bài chi tiết
Có thể bạn cho phát trước dàn bài đại cương. Bạn phát dàn bài chi tiết trước có người lo đọc hơn là nghe bạn. Vả lại, có nhiều hứng thú bạn phải dành bất ngờ cho thính giả.
Luật XLIV: Coi chừng người ta giới thiệu mình quá lố
Nếu tên tuổi bạn nổi như cồn rồi thì người ta chỉ giới thiệu tên bạn thôi là đủ. Đề phòng người giới thiệu ca tụng bạn đến chỗ làm bạn ngượng. Bạn nên viết trước cho họ vài nét nổi bật nhất về quá trình của bạn. Không làm cho biết thì không được, biết mà khoe khoang thì thiên hạ hiểu ngược lại. Tránh khéo người giới thiệu tràng giang đại hải đến đỗi thính giả có cảm tưởng họ cũng là diễn giả.
TRÊN DIỄN ĐÀN
Luật XLV: Đi khoan thai lên diễn đàn, cúi đầu và mỉm cười.
1) Không đi ra vẻ chán chường mà cũng không luýnh quýnh, vụt chạc. Coichừng vấp nữa nhé. Đã hết giờ sửa quần áo, siết thêm cà vạt, vuốt mái tóc. Ai nấy đang lom lom nhìn bạn đấy.
2) Lên đến diễn đàn, ngó xuống thính giả, bạn ngả đầu chào và mỉm cười. Biết bao tâm hồn đồng thanh khí đang quý trọng bạn, đang chờ bạn để học hỏi thêm. Bạn không trọng họ sao? Bạn không vui sao? Giáo sư Overstreet nói: “Thiện cảm sinh thiện cảm”.
Luật XLVI: Nên đứng khiêm tốn và ngó xuống lúc được giới thiệu.
Đừng cười tỏ ra khoái khi người giới thiệu đề cao mình. Cũng không ngó dáo dác, ngó trần nhà, ngó ra cửa sổ.
Luật XLVII: Tự trấn an mình bằng cách thở ra chậm nếu hồi hộp.
Hồi hộp là dấu hiệu sẽ nói hay đấy. Cắn đầu lưỡi cho nó có nước miếng và thở ra, vào thật chậm.
Luật XLVIII: Dàn bài ghi tắt trong lòng bàn tay.
Đừng trịnh trọng rút cả xấp giấy ra lúc mới vừa ngồi xuống. Người ta có cảm tưởng bạn sắp “trả bài”. Dàn bài bạn có thể chép vào mảnh giấy con nhét trong tay áo, rút ra gọn. Bạn cũng có thể ghi nó trong lòng bàn tay. Tùy thích.
Luật XLIX: Lời đầu khiêm tốn, cảm tình.
1) Lời đầu là “bắt tay” từng thính giả đấy. Tối kỵ kênh kiệu, hách dịch, khoe khoang, đại ngôn...
2) Thường là cám ơn vì được mời nói, được đến nghe.
3) Đừng từ tốn quá đến thành giả dối rẻ tiền. Không lỗi gì thì đừng có tật xin lỗi phân bua thế này, thế nọ. Tai hại nhất là bảo rằng mình không có soạn bài, mình bắt buộc phải nói. Nói vậy là tự mời mình rút lui rồi còn gì.
Luật L: Giáo đầu vừa đủ rồi “tấn công” vấn đề ngay.
1) Đừng làm người ta mệt bằng nhập đề đại cà sa. Nói hết ở đoạn đầu rồi đoạn
giữa còn gì để nói!
2) Chia phần đại cương bài nói rồi mổ xẻ ngay vấn đề.
Luật LI: Thay đổi giọng.
1) Nói mãi một giọng là “bán thuốc an thần”, vì đó bạn phải thay đổi giọng. Ý
lâm ly mà nói giọng bổng, ý hớn hở mà nói giọng trầm buồn thì làm sao lôi cuốn.
2) Cũng tùy thính giả mà có giọng thích ứng. Nói trước quần chúng lao động phải rõ ràng giản dị, nói trước trí thức phải chọn lọc, thâm trầm.
3) Phòng rộng bạn nói chậm, phòng hẹp đừng gào thét.
Luật LII: Bắt mạch tâm lý thính giả.
1) Nói cho người ta nghe mà liệu coi người ta có thích nghe không. Cứ ào ào rót
tiếng vào máy vi âm mà thính giả người ngủ gật, người trở mình, kẻ khác sửa cà vạt, coi đồng hồ thì tội nghiệp diễn giả quá! Vậy phải bắt mạch tâm lý họ để liệu thay đổi cách nói, giọng nói hay phải ngưng. Dứt lời sao cho ai nấy còn thèm nghe đó là cao thủ hùng biện.
2) Người ta buồn ngủ có khi tại diễn giả nói trổng trổng mà không nói cho chính họ. Thỉnh thoảng bạn hỏi: Thưa ông nào đó có đồng ý vậy không, thưa bà nào đó có đúng vậy không.
3) Nói rất chân thành ít khi bị chán. Bạn có ngậm ngùi khi thấy mấy bà sẩm
khóc mướn không? Chắc là không. Tại vì họ không thật. Ta không thật mà muốn thính giả cảm động với ta à?
4) Coi chừng nói lớn quá mà cứ say sưa nói, vô tình tạo một trận bão âm thanh rầm rộ cũng là cách làm cho thính giả chán. Nên vũ bão mà cũng nên thâm trầm. Luật LIII: Ngưng và hỏi.
1) Biết ngưng vài giây đúng chuyện, đúng lúc bạn làm cho thính giả “lấy trớn”
lại nghe bạn chú ý hơn.
2) Hỏi là kế gây giao cảm, kế “hoãn quân” khi bạn muốn nghỉ một chút hoặc
bạn muốn nhớ lại một điều gì.
Luật LIV: Coi chừng cốc nước.
Làm sao có kẻ không cười được khi diễn giả múa tay như múa võ và ly nước không yên thân. Bạn nghĩ sao về một thuyết trình viên nọ quơ tay văng gọng kính xuống đất rồi lum khum đi lượm.
Nói cương quyết mà không cần đấm bàn đùng dùng. Lại càng không nên giậm chân. Đừng quên hùng biện là một nghệ thuật và diễn đàn không phải võ đài. Hùng biện không có nghĩa là hùng hổ.
Luật LV: Uống nước, lau mồ hôi, chùi kính sao cho thính giả không để ý gì hết.
Bạn cầm ly nước lên cứ nói rồi hớp một hớp tự nhiên. Nhớ một hớp thôi. Không ai để ý gì hết. Nuốt cho gọn, đừng vô ý sặc ho qua máy vi âm đình đám. Còn lau mồ hôi, chùi kính thì bạn cứ vừa lau, vừa chùi vừa nói thao thao bất tuyệt. Có ai để ý chi. Người ta sẽ để ý nếu bạn quan trọng hóa các việc trên.
Luật LVI: Dù bị đả kích đến đâu cũng cứ việc bình tĩnh
Đó là nguyên tắc của Lincoln, của Churchill. Đâu phải ai cũng luôn đồng ý với
mình. Và người ăn nói thô lỗ, kém hiểu biết thiếu gì. Bạn cứ bình tĩnh.
SAU KHI XUỐNG DIỄN ĐÀN
Luật LVII: Bạn mệt không?
Tôi sợ đặt câu hỏi này thừa quá: ai có chút kinh nghiệm về môn nói đều nhận rằng thuyết trình từ nửa giờ trở lên, xuống khỏi diễn đàn thường nghe mệt. Còn nói chi khi bạn nói hai ba giờ liên tiếp. Óc não bạn căng thẳng. Bây giờ nghe cả một sự rã rời trong người, nhất là nơi óc và nơi ngực. Diễn giả nào thần kinh yếu, tim không đặng khỏe có thể tay run run, môi giựt nhẹ: tiếng nói khan khan. Thở hơi ít thông. Gặp vấn đề khó khăn, cần tập trung tinh thần nhiều, bị chất vấn nhiều, nói xong diễn giả có thể mệt hai ba ngày mới lấy lại sức. Dĩ nhiên sau khi bước xuống diễn đàn, mồ hôi trán và lưng rịn ra sau nhiều lần chảy lúc ta nói.
Nếu là một nhà hùng biện chuyên nghiệp cần sức khỏe để diễn thuyết, thường bạn phải biết cách gìn giữ sức khỏe.
Đừng tìm chỗ có gió mạnh hay dùng quạt điện lúc mồ hôi mới i ỉ. Coi chừng có thể bị cảm và khan tiếng.
Về phòng riêng, bạn đừng tắm liền, cũng đừng ở trần. Có thể dùng một ly nước lã nấu chín. Mặc áo vừa đủ ấm. Xứ lạnh thì quấn quanh cổ một khăn nỉ. Khéo từ chối những cuộc tiếp khách nói chuyện kéo dài. Ai mồ hôi ra như suối dĩ nhiên phải thay đồ. Người ta nói đi thuyết trình hay biện hộ ở đâu, Jaurès cũng đem theo cái vali đồ dùng để sau khi xuống diễn đàn, ông liền xin phép đi đổi đồ. Nếu bạn nói buổi chiều, thì xong buổi nói bạn đi ngủ sớm. Ngày sau đó có thể nghỉ mọi việc. Nên ngủ nhiều, đi dạo, tắm, ăn đồ dễ tiêu.
Luật LVIII: Còn khi bạn thất bại hay thành công?
Ôi! Tâm trạng phức tạp của những diễn giả. Người ta có thể như ở núi tiên về, lòng sung sướng vì lời châu ngọc của mình được bao nhiêu người thu lượm. Hân hoan với thành công rực rỡ, người ta cảm thấy mình là con cháu của Démosthène, Cicéron, nên hăng hái điêu luyện thêm ba tấc lưỡi. Song có người khác về nhà ăn ngủ không ngon, bởi vì bồi hồi nghĩ mình nhập đề không gọn, trong thân đề dẫn danh ngôn quên tác giả, kết đề dùng hai ba tiếng sai. Những tâm tình ấy, kể cả tâm tình hoan hỉ nữa, cũng không xứng đáng cho nhà hùng biện chân chính. Một diễn giả tầm thường thèm khát lời khen khi thấy mình nói xong ai nấy làm thinh, tìm người này kẻ nọ hỏi xa xa gần gần để ăn mày lời ca tụng, chịu không nổi nếu ai chỉ trích. Người có máu hùng biện không biết sợ khuyết điểm, có khi nhìn quá lố các lỗi lầm của mình nữa. Họ ngại ngùng trước những lời xông hương của kẻ khác, phân tích kỹ coi tại sao người ta khen, khen điểm nào, khen đúng không. Có thể nói tâm trạng của kẻ vừa xuống khỏi diễn đàn là tâm trạng cực kỳ phức tạp. Tâm trạng của bạn sau khi bỏ cái bàn và ly nước ra sao tùy bạn thất bại hay thành công. Song thiết tưởng trong nghề nào cũng chưa chắc ai thành công luôn. Vậy bạn cần theo những nguyên tắc nào để giữ vững tinh thần hầu tiến bộ dù có lúc phải thất bại. Louis Rambaud nói nếu sau lúc bạn diễn thuyết mà ai nấy đều làm thinh: Bạn thân làm thinh, báo chí cũng làm thinh thì hay nhất là bạn làm thinh luôn. Đừng tìm lý do nào mà tìm cách này cách kia để người ta nói đến mình, khen ngợi mình. Ta hãy cao thượng. Những mánh lới ăn xin lời ca tụng luôn chứa đựng những bôi lọ bên trong. Bạn cần có quan niệm sáng suốt về dư luận. Có thể bạn nói hay mà người ta gặp cơ hội tốt để biểu lộ lòng thán phục đối với bạn. Cũng có thể bài bạn tự bản chất xây dựng, song không hợp đường lối chủ trương của một số báo chí nên người ta làm thinh. Hay là lời bạn chưa có gì đáng chú ý lắm mà như vậy thì lo rèn nghề thêm. Vả lại, đâu phải công trình văn hóa nào được báo chí hay tổ chức này cơ quan nọ ca tụng đều luôn có chân giá trị rồi công trình nào âm thầm đều vô giá trị. Thiếu gì cuốn sách được báo chí ca tụng rồi chìm luôn trong mồ dĩ vãng. Không ít tác phẩm được giải thưởng để tự đào luyện cho mình trong lãng quên. Bạn coi bộ Summa Théologica của Thánh Thomas có được giải thưởng nào đâu mà giá trị của nó thế nào. Không phải tôi nói vậy để bạn tự an ủi song ta phải biết giá trị của ta. Trên đời mỗi người có một định nghĩa riêng, bạn có định nghĩa của bạn: Bạn biết nó hơn ai hết. Cũng hơn ai hết bạn là người lo đào luyện con người hùng biện của mình.
Còn nếu bạn được nhiều người phục tài ăn nói thì sao? Theo tôi phải dè dặt. Lời khen của mọi người có nhiều định nghĩa. Khen vì biết rõ tài đức. Khen vì thiên hạ khen. Khen vì miếng cơm manh áo. Khen vì bị mua chuộc. Khen để khỏi bị ai chê. Rồi khen xiên xỏ nữa. Ngay khi khen thật đi coi chừng bụng người ta như cờ trở gió. Gặp bạn, vì xã giao đại khái người ta nói: Ồ, ông hay bà, anh chị diễn thuyết hay quá. Mà hay là sao. René Benjamin diễn thuyết về Clémenceau được một thính giả khen nức nở chỉ vì Clémenceau có lần đến hiệu kiến thính giả ấy. Đa số khen phần đầu quả quyết vì phần sau mở đầu bằng những tiếng mà, song, nhưng nói ra ai cũng hiểu ngầm, thường là hiểu ngầm. Còn bạn thèm khát chi thứ lời khen của kẻ ngu dốt hay dua nịnh...
Đến lời chê: Ôi phức tạp nữa. Bạn bị chê. Một là bạn nói tệ, hai là bạn nói xuất sắc mà bạn bị dìm. Nếu bạn nói tệ thì người chê bạn là bạn thân nhất chớ, là ân nhân chớ. Ta mù mà anh đui cứ khen ta sáng hoài thì ta khỏi rơi xuống hố không?
Ở đời ít có bạn thật dám chân thành chê ta để ta tiến bộ. Tính tự ái và tự kiêu của ta cũng xua đuổi lần lần những bạn tốt để ta huênh hoang sống giữa những người bạn nịnh. Ta diễn thuyết mắc tật gì, sai sót điều chi, sai lầm chỗ nào, được người ta chê để ta cầu tiến thì lòng ta đâu có gì để xao xuyến. Nếu họ cố tình dìm xuống đất đen tài của ta thì chính họ là người đáng chê, như Epietète đã nói: Ta nói khá không ta biết chứ. Đánh giá giá trị của mình chưa nổi thì dù được khen cũng không đáng gì. Bạn đã biết bạn thế nào rồi, nếu bị vạch lá tìm sâu bôi lọ, bạn hãy bình tĩnh. Lo điêu luyện nghề và làm thinh hơn là nao núng tinh thần, buồn bã, muốn bỏ nghề hoặc tồi tệ nhất là trả đũa kẻ chê ta. Lòng tự ái và tự kiêu phải nhận là hung dữ. Ngay khi tôi viết cho bạn đây nếu bạn chê tôi là viết tệ, viết bá láp chưa chắc tôi cao thượng đến đỗi coi thường lời phê phán của bạn. Nhưng xưa nay những bậc có chân tài ham lời chỉ trích hơn là ca tụng. Giá trị của họ không ai che khuất là dĩ nhiên rồi. Họ là cây gỗ chớ không phải là cây vông xốp xộp. Bụi đất có bám vào cũng không làm cho họ mất giá trị được. Họ kiếm lời chỉ trích để cho tài đức của họ vững chắc hơn lên vì nhờ bị chỉ trích họ biết thủ thân, biết nhược điểm ở đâu để sửa. Nếu bị chỉ trích đúng thì quá lắm họ là hột xoàng bị đóng bụi: lau chùi đi thì tài họ óng ánh lên ngay. Chỉ sợ không phải gỗ mà lại cây vông, không phải kim cương mà lại hột chai thì...
Nếu ta bị chê, trước hết ta chế ngự lòng thấp hèn của mình mà nghe sự thật một cách tôn kính. Ta không nô lệ tự ái rồi lo kiểm điểm lại khả năng hùng biện của mình ngay những lời chỉ trích bất công vẫn có lợi. Ít ra ta không hờ hững lạc quan thái quá nữa: Ta biết xung quanh ta có kẻ thù. Ta đối chiếu các lời chỉ trích để nhận chân giá trị của mình. Như vậy ta không tiến bộ trong nghề diễn thuyết của ta sao được.
Luật LIX: Chuẩn bị cho thành công ngày mai.
Dù tài hùng biện cao siêu đến đâu, sau khi thuyết trình xong, người ta cũng cảm thấy mình có khuyết điểm nào đó. Mới lên diễn đàn lúng túng. Nhập đề ít duyên dáng. Điệu bộ thiếu gọn gàng. Nói không nhìn ngay thính giả. Lý thuyết nhiều mà không có tỷ dụ, nhẹ về thực hành. Bỏ sót nhiều ý hay. Không theo dàn bài, lạc đề ở phần chót của thân đề. Kết đề không mạch lạc. Ai bước xuống diễn đàn dù được hoan nghênh đến đâu vẫn có những cái tức. Bạn hãy ghi vào sổ riêng cái tức của bạn. Lựa một thời gian tiện nào coi lại bài đã diễn, sửa dàn bài, làm sáng tỏ những điểm mờ ám gạch xanh đỏ những chỗ sau này cần nhấn mạnh. Các diễn văn soạn công phu của bạn, dùng xong một lần tại sao bạn bỏ. Hãy để vào những bìa kẹp riêng. Có thể nay mai bạn có dịp dùng. Nhiều diễn giả mới ra đời danh tiếng như diều gặp gió, song một thời gian chim bằng gãy cánh, không còn xứng đáng với lời khen nữa, mà tài ba lụn bại lần lần bởi họ có khẩu tài rồi ứng khẩu không dọn bài trước, thuyết trình xong không tự kiểm để tiến bộ. Bạn có đầu óc cầu toàn hãy nghe lời vàng ngọc này của Louis Rambaud: “Diễn giả phải thường xuyên làm cho mình hoàn toàn, phải tự canh tân không ngừng”.
Luật LX: Tư vấn để thăng tiến.
Để thực hiện câu này mỗi lần nói trước công chúng, bạn tự hỏi:
a) Tôi có được giới thiệu xứng đáng không?
b) Mới lên diễn đàn tôi có mỉm cười với thính giả không?
c) Lời đầu tiên của tôi có trầm tĩnh không?
d) Thái độ của tôi có gây ác cảm không?
đ) Nhập đề có đủ gọn không?
e) Diễn đề chia phần rõ rệt không? Các chứng từ trình bày thế nào, chuyển đoạn khéo không?
f)  Tôi tranh biện với phương thế nào, lý phục mà có tâm phục không? Có ngụy biện không? Đối phương ngụy biện tôi phản đối cách nào?
g) Kết đề có toát yếu rõ rệt, đầy đủ không? Chấm dứt diễn văn duyên dáng không? Có gởi lại thính giả nụ cười và thái độ đứng đắn không?
h) Giữ vệ sinh thế nào trước và sau diễn văn. Có lo bồi bổ sức khỏe để khẩu tài ngày một đâm hoa kết quả không?
i)  Có tâm hồn già giặn trước lãnh đạm hay chê khen của thiên hạ không? Có rút kinh nghiệm của mấy lần thất bại trước để thành công rực rỡ sau này không? Có dùng diễn văn của diễn giả đại tài để luyện khẩu tài không?