Chương 8

    
hư hai con thú hoang, hai người sống với nhau trong hang đó. Có một đứa con nít khóc oe oe trên tay người đàn bà. Người đàn ông ngồi bên cạnh đau đáu nhìn đứa bé rồi đứng dậy bỏ đi. Họ nói gì với nhau không rõ, chỉ có họ hiểu thôi.
Bỗng họ kêu lên rồi cả hai dắt nhau chạy. Họ đánh hơi tài hơn thú. Quả thật có một người đàn ông tới.
Người đàn ông cũng sợ kẻ khác bắt gặp mình nên thấy hai người kia chạy thì cũng chạy. Họ chạy ngược chiều nhau cho đến lúc tin rằng không còn ai đuổi theo mình nữa mới dừng lại.
Người đàn ông thì đi lạc vào rừng hoặc ở trong rừng rồi đi lạc và không tìm được đường về. Còn hai người kia thì không phải lạc mà họ sợ bị bắt.
Người đàn ông ở trong một trại cải tạo gần đâu đây, không rõ tên gì, nhưng chắc chắn đó là một trại cải tạo vì có những người bị cùm nhốt hầm tối, những người đi lao động chết dưới suối hoặc những người trốn biệt không về, hoặc có những người bị bắt lại và bị tra tấn đến chết đem vứt vô nhà xác, chờ mai chôn, tha hồ cho tối nay lũ chuột cống lông vàng nanh đỏ như nanh Bộ Chính trị, làm tiệc bằng thịt da họ. Trung úy Thanh bị lôi đi vứt xuống hầm lấp đất lại. Anh chưa chết! Hoặc anh chết rồi nhưng mà cố ngoi lên. Cái nghệ thuật này không ai học ai, cũng không có sách dạy nhưng sao họ giống nhau từ Âu sang Á: chôn sống người.
Thanh mò lên khỏi hầm và lủi bậy đâu đó chớ tối mới dám bò tiếp. Anh ta còn sống mà cũng như chết!
Một người con gái vùng núi cho anh uống nước và đem cháo đến cho anh. Trời sanh voi sanh cỏ. Anh mạnh lại và cải trang thành người Thượng bằng quần áo và trang sức của người con gái lén nhà đem tới cho.
Rồi bây giờ họ có con. Ðứa bé lớn lên èo uột còn cha nó thì ngớ ngẩn vì những trận đòn thù ác nghiệt. Cho đến bây giờ trại vẫn cho Thanh đã mồ yên mả đẹp rồi. Nhưng ngờ đâu Thanh còn sống!
Và có người gặp. Người đó là...
Không hiểu tại sao Nam lại lạc vào đây và gặp cái cảnh tượng này?
Rồi một ngày kia đứa bé chết. Người mẹ khóc thảm thiết. Nhưng phải đem chôn.
Nam không còn biết làm gì nữa. Ðến trại xin cơm chăng? Xin thì chắc họ cho một nắm nhưng ăn xong họ sẽ hỏi lý lịch ba đời cụ kỵ nhà Nam. Làm sao mà bị y như thật được? Nam không dám đi xa, cũng không làm gì ngoài việc ngồi co ro ở hang đá dòm ra rừng.
Ðêm đến họ đốt lửa xua tan khí độc. Không nói chuyện gì hết. Người đàn bà không biết tiếng, còn người đàn ông thì mất trí, đến tên anh ta cũng không nhớ. Thì còn tâm sự gì được. Mà tâm sự của họ có nghe được tiếng nhau cũng không dám thổ lộ. Thành ra 2 người gặp một người. Cả ba thành câm.
Bỗng một sáng, hai vợ chồng biến đi đâu mất. Chiều đến không thấy về. Cái hang trống hoang lạnh lẽo. Người bạn trở thành lẻ loi. Chỉ còn cách tự sưởi ấm mình bằng tiếng chim kêu và tiếng lòng mình vang lên.
- Ba ơi, ba!
Chàng ta đã biến thành người rừng và cũng không còn nhớ mình bao nhiêu năm đã đi tìm đấng sanh thành trong cõi ta bà mù mịt.
Nam đã thành tên tù vượt ngục hay tù được trả tự do, nó cũng không biết. Nó không biết gì hết. Nó chỉ thấy nó đang ở ngoài rừng, trên đầu không có mái nhà. Thế gian là một lũ đi bằng đầu và suy nghĩ bằng chân. Chỉ có quản trại đi bằng chân thôi.
Trí óc, tài ba của con người ngày nay không có chỗ dùng. Nghệ thuật văn chương là trò chơi xài cho quảng cáo. Quảng cáo thuốc lậu của Victor Ban năm bác Hồ thành lập cách mạng đồng chí hội bên Tàu. Quảng cáo cái đảng bác về Pắc Pó và quảng cáo luôn cho nó đến ngày nó trở thành ăn cướp lừng danh và bịp khét tiếng.
Ăn cướp mà cả thế giới bị nó lừa tuốt, cho nên từ lão già bác học 70 tuổi đến anh trai trẻ Vénézula đều lên tiếng ủng hộ. Một con đĩ già viết văn cũng khua ngòi bút làm hịch kêu gọi bọn cướp tiến lên toàn thắng.
Ồ, vậy sao mà ta nhào vô ban Văn Khoa đại học? Tại sao ta muốn biết văn chương là gì, ai làm ra văn chương? Văn chương để làm gì? Nó là Thúy Kiều hay Nguyệt Nga. Nó là Sở Khanh hay Trịnh Hâm. Ðời này không có sự phân biệt trắng đen phải trái cho đến Macbeth phải kêu lên sữa ở vú bà ta còn đắng nữa là nước mắt ai?
Hơn một năm rồi bà Phước Lộc Thọ và chồng bà (Năm Ẹo) đã bán được bao nhiêu thủ cấp vượt biên? Họ đi đâu mà phải dâng thủ cấp trước khi lìa xứ sở? Ở xứ người họ sống không cần cái đầu ư? Vâng! Loài người ngày nay không có đầu, nhưng có miệng. Cái miệng có một chức năng độc nhất: ăn - không phải nói - bởi nói chỉ là nói láo nói điêu. Người ta sợ sự thực nên phải nói láo. Nhưng ăn thì đòi món ngon.
Lão Diogène đốt hết một triệu tấn dầu hỏa vẫn chưa soi tìm được con người. Rồi lão nằm bẹp dí trong cái tô-nô mà gào cho đến chết. Tội nghiệp! Sao lão không sang Việt Nam? Ở đây lão sẽ tìm ra một con người tiêu biểu. Sự ngu muội suýt tôn vinh nó lên hàng thánh rồi. Không hiểu tại sao đuốc của Diogène không cháy đến bây giờ để soi mặt hắn. Hắn biết lẩy Kiều, hắn biết làm công nên tội và hóa tội thành công. Hắn mặc áo Sở Khanh vá tí vải Kim Trọng nhưng người ta đời ngỡ hắn là Kim Trọng. Rồi cũng qua, ai làm gì được hắn. Danh tiếng Sở Khanh vẫn còn thơm bay mãi về hậu thế ngu ngơ.
Bao nhiêu ý nghĩ tuôn ra trong đầu cậu sinh viên. Bây giờ cậu đã thành nhơn rồi. Cậu ở trại cải tạo chung với người lớn. Vì ý nghĩ của cậu cũng đã trưởng thành như tuổi đời của cậu.
Bỗng sáng hôm đó, người quản trại gọi Nam lên, hỏi:
- Miền Nam mày ngu bỏ bà đi đấy.
- Sao ạ?
- Miền Nam là những bọn ngu!
- Em có biết gì đâu ạ.
- Mày phải biết! Mày phải biết!
- Em là học sinh ạ!
- Học sinh thì càng phải biết. Học sinh không phải là cứt!
- Dạ, nhưng mà...
- Ðánh người ta sắp chạy, lại bỏ chạy. Có ai ngu như thế không?
- Dạ, cụ Tiên Ðiền nói bất tri tam bách dư niên hậu ạ!
- Ba trăm năm thì tao đâu còn mà khóc!
- Dạ ba trăm năm cũng chóng thôi ạ! Mới đây mà cháu đã lớn rồi. Cháu mới đẻ hôm qua mà nay cháu đã 18, nên người ta không cho cháu ở Quý Cao nữa.
- À ra thế.
- Mai cháu sẽ 30, mốt sẽ 45 tuổi.
Quản trại bèn tập họp tù lại cho đứng xếp hàng dưới cột cờ. Thiên hạ tưởng bị phạt nặng. Phơi nắng. Cơm lạt v.v.. nhưng không. Quản trại tuyên dương thằng bé:
- Nó là một thiên tài. Nó đã tiên tri về tình hình đất nước. Nó bảo là nó sẽ được 30 tuổi vào ngày mai. Ðất nước cần thiên tài. Tôi nhơn danh chính phủ và đảng trả tự do cho nó kể từ giờ phút này!
Thằng Nam không hiểu gì cả. Cũng như ngày nó bị bắt vì bài thơ trên ghế đá. Nhưng tự do là quý nhất, chẳng lẽ nó được tự do nó lại không muốn? Nó chỉ vào các tù nhân, nói:
- Thưa trại trưởng! Ðấy mới chính là những thiên tài. Còn tôi chỉ là thằng điên suy nghĩ bằng chân, đi bằng đầu ạ!
- Vậy tôi tuyên bố thả hết tù nhân, thả hết, thả hết, trừ tôi!
- Trại trưởng là người cai quản chúng tôi mà!
- Chính tôi mới đáng bị tù. Các bạn sẽ trở lại làm quản trại, sẽ đi làm quản trại khắp đất nước, còn những thằng quản trại như tôi thì phải vào tù. Ðó là trật tự của Xã Hội Chủ Nghĩa mới! Ði đi! Hãy về trại lấy quần áo rách, dép sứt quai, hộp lon muối tiêu, muối xả đem theo ăn đường mà về quê. Mau lên. Ðất nước đang chờ những thiên tài về kiến thiết.
Thằng Nam đi ra khỏi trại. Nó không hiểu gì cả, như nó vẫn không hiểu những chuyện đã xảy ra cho nó. Nó là thiên tài? Thiên tài mà là nó à? Cứ nói bậy ra, cứ viết bừa ra thì đó là thiên tài? Thôi được thiên tài thì thiên. Ta là thiên tài. Ha ha... thì cũng chẳng hại tới ai. Sao lâu nay không ai dám bảo thế mà phải đợi quản trại mới nhìn ra.
Nhưng khổ thay bây giờ cái anh chàng thiên tài Nam lại chẳng biết đi đâu. Tiếng kẻng trại đâm ra thân mến. Nam trở lại:
- Thưa quản trại, tôi là thằng điên đấy ạ!
- Mày điên thật đấy. Ðã được tự do lại trở vào tù!
- Dạ, em điên thật. Ở ngoài kia không sướng bằng trong này ạ. Em đâm ra yêu cái trại này.
Ngài quản trại kêu lên:
- Mày đúng là thiên tài thật, không chạy đàng nào được! Tất cả thiên tài đều ở trong này, hoặc ở trong này mà ra. Ðây là cái lò đúc ra thiên tài. Mày không yêu nước mày à?
- Dạ em yêu lắm ạ!
- Yêu sao chẳng ra phục vụ?
- Dạ em cũng không biết tại sao nữa!
- Thôi thì ra đi. Mày xem đó, tất cả thiên tài đều bỏ lán trống hoang đi hết, chỉ còn mày nấn ná ở lại đây thôi!
- Ờ nhỉ! Em là thiên tài mà em không biết. Cảm ơn quản trại vô cùng. Ba má em cũng cảm ơn quản trại vô cùng vì biết ông bà đã sinh ra một thiên tài. Ðất nước cũng cảm ơn quản trại vô cùng vì đã trả tự do cho em. Nếu không có quản trại thì... ba má em lẫn đất nước đều không biết điều đó. Và riêng em lại càng không biết!
- Thôi được rồi, đi về mà bắt tay vào việc.