Chương 7

    
am bị đùn tới và bảo:
- Ra mắt anh cả đi.
Nó chưa hiểu “ra mắt” là gì thì “bốp” một quả đấm thiên lôi bay thẳng vào mặt nó, làm nó bật ngửa. Nó lồm cồm ngồi dậy thì những cái đạp phóng liên tiếp lên lưng nó.
- Mày biết tao chứ...?
Tiếng hỏi chưa dứt thì nó thoi lại. Tên anh cả bất ngờ, ngã lộn mèo. Như mãnh hổ nó nhào tới, lật ngửa tên anh cả, ngồi lên bụng và nẹn cổ, đấm lia vào ngực gã ta.
- Thằng này có võ, đừng đụng tới!
Trận đánh kết thúc. Hai con quái vật mặt chảy máu, môi vều, mắt húp. Thằng anh cả vừa ôm cái lỗ mũi ăn trầu vừa kêu lên khèn khẹt:
- Đánh bỏ mẹ nó. Cắt tai nó cho tao. - Nó quát luôn hai ba lần nhưng không tên nào dám xông vô cả.
- Nó có võ đừng động tới!
Được trớn, Nam trợn mắt bảo:
- Tao bẻ cổ hết tụi bây sắp đống cho coi!
Đó là ngày đầu tiên của Nam ở trại giáo dục Quý Cao gần Hải Phòng. Nó bị bắt ném vào trại này với lý do:
“Làm thơ theo kiểu Lê Đạt viết trên ghế đá, bôi xấu lãnh tụ, ảnh hưởng xấu cho khách viếng lăng Bác và hòa bình thế giới”.
Thằng Nam không chối cãi cũng không kêu oan một tiếng. Nó biết ở chế độ này kẻ bị nghi ngờ có nghĩa là có tội và không có ai bênh vực. Ngược lại, những tên tội phạm thì ngang nhiên trở thành lãnh tụ, những tên không có tư cách nhất lại đi dạy đạo đức cho mọi người.
Nhưng vào đây nó được ăn cơm. Đêm đầu tiên nó bị nhốt trong một phòng gạch, đáng lẽ đủ cho 20, nhưng có đến 50 mạng.
Phòng chỉ có một lỗ hơi 2 tấc vuông. Ngộp quá chúng chen nhau thò mũi ra đó để thở.
Hôm sau nó được đưa ra ngoài, xếp vào đội để đi lao động. Trước nhất nó phải ra mắt anh cả để được nhận vào đội. Tên “anh cả” này là Koóng một gã Tàu lai.
- Ai bầu mày làm chúa ở đây?
- Thằng nào vật thắng thì làm chúa.
- Tao thắng mày thì sao?
- Thì mày làm anh cả. Tao xuống làm bộ hạ của mày.
Thằng Nam biết là mình phải dùng sức mạnh để sống trong một cái tổ chức vô luân. Nó bảo:
- Chừng nào vật?
- Ngay bây giờ.
- Rồi, chơi liền.
Nam chưa từng đánh nhau, nhưng khi cần thì cũng chơi chớ sợ gì. Hai thằng quần nhau lăn lộn trên mảnh đất lồi lõm đầy gai góc bất phân thắng bại. Thằng Koóng khỏe thật. Nam có thể lật đè nó nhưng bỗng nó cắn vành tai Nam đau điếng.. Thằng Nam nghe tê dại cả người quên cả đề phòng. Thằng Kóong thừa thế lật ngang ngồi lên bụng no và quát:
- Chịu thua chưa?
- Chưa!
Bỗng thằng Kóong ngã lăn ra kêu trời như bị ong chích mắt. Thằng Nam vùng lên, hai đầu gối qùi lên bụng, hai tay đè hai tay nó chặt xuống đất mọp xuống cắn má nó. Hai chân thằng Kóong chòi lia trong không khí, miệng nó la lg ra tiếng.
Thằng Nam nhả ra và hỏi:
- Thua chưa?
- Chưa!
Nam cúi xuống cắn mũi nó, nhả ra và hỏi:
- Mày thua chưa? không hả? Tao cắn sứt mũi mày luôn.
Thằng Kóong ú ớ “thua, thua”
Bọn đàn em vốn ghét thằng anh cả, không can. Đợi cho Kóong chịu đầu hàng mới lôi ra.
Thằng Kóong vừa ôm mũi vừa kêu:
- Nó bóp dái tao, tao không chịu!
- Mày cắn tai tao thì sao? - Thằng Nam nghiêng vành tai có dấu răng để phân trần.
Thằng Kóong càu nhàu:
- Tao chưa thua! chưa thua!
Nhưng đám đông bỗng nhiên về hùa bên Nam:
- Mày cắn nó trước nên nó bóp dái mày. Mày thua!
Thằng Nam nó:
- Tao không thèm làm anh cả. Cái đó là lối chơi của đám bụi đời Sài Gòn. Tao không bắt chước. Kể từ rày bỏ chức anh cả ở trại này.
Đám đông công kênh Nam lên. Rồi cả đám đi lao động dưới quyền của một nhân viên trại. Anh chàng này mặc kệ cho chúng đánh nhau để phân ngôi thứ, không can cũng không phạt. Chúng đánh nhau thì bận lo mưu đánh nhau không còn đầu óc đâu mà chống trại nữa.
- Mày làm gì mà vô đây? - Nam hỏi Kóong sau trận đánh nhau.
Thằng Kóong thuật tóm tắt:
- Tao có làm đ. gì! Bọn tao trong khu phố đánh nhau cho vui. Mỗi bên lấy tên một đảng để phân biệt bạn thù. Đảng tao tên là Hắc Phong chính đảng. Đảng tụi kia là Quý Ngọc đảng, vì thằng Ngọc và thẳng Quý làm chúa đảng. Thế là bị công an bắt. Họ bảo lập đảng là bất hợp pháp. Nước ta chỉ có một đảng mà thôi. Vì thế tụi tao đi vào đây. Bố mẹ cũng bị cảnh cáo và phát vạ vì đã kém tinh thần giáo dục con em. Thế đấy.
Còn mày, sao vô đây?
- Tao làm thơ trên ghế đá.
- Mày biết làm thơ nữa à? Thơ gì?
- Bài thơ trên ghế đá.
- Đọc nghe coi.
- Tao quên rồi.
- Thơ con kiến bò cành đa, bò vô bò ra hả?
- Không.
- Hay thơ con cóc. Cóc nhảy ra, cóc ngồi đó, cóc nhảy đi?
- Không, thơ chính trị!
- Chính trị là cái quái gì.
- Tao không biết.
- Không biết sao làm?
- Thì cũng như mày. Lập đảng đánh nhau. Đó là chính trị mà không biết!
- Quái thế đó! Cái gì cũng chính trị cả. Bị ghép vô đó thì ở đây còn lâu, lại phải có cha mẹ đến nhận lãnh, bảo đảm, phiền lắm.
Đám con nít từ 12 tới 14, 15 tuổi đến nghe chuyện 2 thằng to đầu.
Thằng Nam bỗng nói:
- Tao đếch có làm thơ chính trị. Tao vô đây là vì không hiểu gì cả.
- Không hiểu là sao?
- Tao đi thăm lăng bác mà xui quá. Tao ngồi lên bài thơ trên ghế đá, ủa ngồi trên ghế đá có ai viết bài thơ.
- Ai viết?
- Ai chớ không phải tao!
- Rồi sao?
- Rồi công an đổ cho tao viết!
- Mày không cãi à?
- Cãi cũng không tới đâu. Người ta nhất định tao là “tác giả”.
- Tác giả là cái gì?
- Tác giả là tác giả chớ là cái gì? Thí dụ tác giả cái trại này nè. - Long đém xen vào.
Thằng Long đém ngớ ngẩn không hiểu gì cả. Nó bị bắt vô đây là vì nó nói lái giải phóng là phỏng dái. Thức ra nó bắt chước người khác chớ nó có biết cái gì. Bố nó đi Nam thật sự mà!
14 tuổi thằng Long đém to bằng cái kẹo vừng, nhưng cái mép nó có cái bớt đen như ăn vụng dính lọ. Nó nói:
- Thằng cha chủ tịch bí thư gì đó nó cứ đến nhà tao hoài. Có lần ngủ luôn đêm. Tao không thích như thế. Bỗng một hôm tao bị kêu lên văn phòng công an và không được về. Người ta bảo tao cần được giáo dục cách mạng một thời gian. Tao về được là tao lụi thằng cha bí thư đó một nhát phèo ruột.
- Nó ngủ với má mày thì mày phải kêu nó bằng bố chứ lụi sao được.
- Rủi bố tao về làm sao?
- Bố tao về thì tao khỏi lụi mà bố tao lụi nó.
Thằng Kóong bảo:
- Tác giả bài thơ là người làm ra bài thơ đó hiểu chưa? Còn tác giả cái trại này là chúng mình. Tại sao? Vì chúng mình cất nó lên.
Nam gạt ngang:
- Tầm bậy! Mình cất theo lệnh người khác thì mình không phải là tác giả. - Nam biết mấy đứa không được học hành bao nhiêu nên chữ “tác giả” mà cũng không hiểu.
- Vậy tác giả là ai?
- Tác giả là nhà nước!
Những chuyện lăng nhăng như vậy kéo từ ngày này qua ngày khác. Bỗng một ngày kia thằng Kóong nói với nó những chuyện mà nó không nghe bao giờ:
- Đây là nông trường quốc doanh lớn lắm. Nơi các ông bà Miền Nam già yếu hoặc mất sức lao động được gởi tới đây làm việc cầm chừng chờ ngày xuống lỗ. Đùng một cái Mỹ chạy bỏ Sài Gòn, các ông bà mừng phát điên. Mấy ông nhậu liên miên rồi đốt chơi một dãy nhà gọi là “lửa biệt ly”. Các ông cởi quần ra chạy khắp nông trường. Có ông lấy máy kéo ủi sập nhà kho rồi cười ha hả. Mùa lạc, mùa lúa mùa gì cũng bỏ hết!
Cái xác nông trường này dùng làm trại giáo dục bọn tao đây cho nên ở khỏe lắm. Tụi tao lặn lội leo trèo gì cũng không bị kỷ luật. Ông trại trưởng nói: “Hồi nhỏ tao cũng như tụi bây. Nếu phạt cả, ai làm cách mạng? Ủy viên Bộ Chính trị hồi trước cũng như tụi bây. Trong lũ bây rồi sẽ nứt ra thành lãnh tụ... thiệt mà. Trần Quốc Hoàn đó!”
À, nó còn nói chuyện lạ khác nữa.
Phó Đức Chính lên máy chém bảo cho nằm ngửa để xem lưỡi gươm rơi xuống. Còn Nguyễn Trung Trực thì bị chém ôm đầu mình gắn lên cổ.
Nam phụ họa:
- Như Hạng Võ ấy. Nhưng ai nói cho mày biết những chuyện đó?
Thằng Kóong trỏ tay:
- Các bác các ông ở trại bên kia sông, gọi là trại Quý Kiên.
- Sao họ biết?
- Họ biết thì họ biết chớ còn tại sao? Họ cũng chống đảng như mầy, nhưng họ không làm thơ. Gọi là tù nội bộ, mày hiểu không? Ở đây có tới 11 loại nhà tù. Tù chính trị nhốt riêng, tù trộm cướp nhốt riêng, con nít, người lớn, đàn bà nhốt riêng. Muốn qua đó chơi không, bữa nào đi. Mà phải biết lội.
- Tao biết.
- Mới vô đây, tao không biết, nhưng nhờ mấy thằng kia trấn nước tao vài trận đâm ra thành rái, lặn bắt cá vô biên.
- Mấy thằng nào trấn nước mày?
- Mấy thằng học sinh miền Nam.
Thằng Nam giật mình vì câu nói có hai cái đụng tới nó. Một là học sinh, hai là miền Nam. Hai cái đó nhập lại là nó. Cho nên nó hỏi phăng tới:
- Học sinh miền Nam nào ở đây?
- Mày không biết gì ráo. Mày không phải là học sinh trường số 6, số 14 gì đó ở Hải Phòng bị ông Hoàng Hữu Nhân cạch hồi đó sao?
- Không. Tao không phải tụi đó!
- Ừ không phải thì thôi, đừng có la quang quác như thế. Mà tại sao mày không nhận mày là học sinh miền Nam? Nhiều thằng muốn mà không được đó. Học sinh miền Nam là dân nhứt xứ nghe!
- Nhưng tao không phải.
- Mày biết không? Thằng Huynh con ông Huỳnh Tấn Phát...
- Phát nào?
- Cái thằng, ông Phát mà mày không biết à? Thủ tướng Miền Nam.. Giải phóng rồi ra Hà Nội là Phó. Ừ, cũng thủ tướng nhưng phó. Ổng có thằng con bị chơi Hỏa Lò rồi chuyển xuống đây.
- Mày biết đâu những chuyện hồi mày chưa đẻ?
- Ừ thì tao nghe lóm mấy ông mặt rằn bên trại Quý Kiên nói chớ tao biết gì! Thằng Huynh nay đã ngoài 30, còn tao mới 15.
- Rồi sao?
- Hồi phái đoàn ông Hiếu bà Chu ra có hỏi thăm thằng Huynh. Nhưng ông anh lại không có ở đây. Tìm khắp nơi mới thấy ông anh nằm chơi ở Hỏa Lò. Ông Hiếu xin cho nó ra. Nó không ra. Ít lâu sau chuyển xuống đây rồi đi đâu nữa ai mà biết! Có ki nó về Nam là thủ tướng rồi...khà khà... Ở bển có nhiều ông lắm! Vượt tuyến cũng đông ghê nhé. Ông trại trưởng gốc vượt tuyến cải tạo tiến bộ được phong chức quản giáo. Ổng dễ tánh lắm. Ổng bảo vượt tuyến là vì nhớ nhà không phải phản động! Ổng thả một hơi 10 ông. Có ông ra rồi cũng vượt bị bắt, lại trở vô. Gặp ổng, ổng bảo: sao ngu vậy, lần trước đi ngả đó bị bắt lần này sao không tránh đi. Thôi ở đây chơi, giải phóng rồi về không ai bắt... cụ các cha được!
Thằng Nam lạ lùng trước mọi chuyện của thằng Koóng kể. Nó bảo:
- Mày vật không ăn tao đâu. Tại mày bóp... tao mới thua.
- Mày học võ ở đâu vậy?
- Tao là đồ đệ Thiếu Lâm Tự chớ đồ bỏ à? Người tàu ở Hải Phòng đông lắm! Tao chẳng biết viết gì ngoài cái tên tao.
- Koóng là gì?
- Ai biết đâu. Kìa thằng Ba Ðịa. Nó là học sinh miền Nam “láo” đó. Nhưng nó khoái xưng như thế, thì cứ để cho nó xưng.
Ba Ðịa tới. Thằng Kóong bảo:
- Nó vật thua tao mấy keo, đòi vật lại.
- Ông anh này cũng thuộc nhà mày đấy.
- Học sinh miền Nam à?
- Có biết thằng Ðồng văn Ðe không?
- Có.. có. Thằng Ðe...
-...con ông Cống cháu ông Nghè ấy mà. Nó ở tù một lượt với tao! Rồi người ta móc nó ra cho đi Liên Xô học lái phi công về oánh với Thần Sấm Mỹ, chết ở trên trời. Mẹ không biết chết ở trển có khỏe hơn ở dưới này không?
- Oánh với Thần Sấm, hồi đó mầy mấy tuổi?
- c.c. nè. Tao nghe nói lại không được sao?
Thằng Koóng bảo:
- Mày nói chuyện bên Quý Kiên nghe đi!
- Mấy ông cố đi hết rồi. Lâu nay tao không có qua.
- Nói chuyện hồi xưa đấy mà!
- Ờ ờ... nhưng biết chuyện nào?
- Chuyện vượt tuyến, chuyện đánh ủy ban quốc tế văng xuống bờ Hồ, chuyện gì thì chuyện.
- Ờ chuyện đánh tụi Ấn Ðộ vui lắm. Mà tao chỉ nghe ông Tám Ðen kể lại chớ tao không có thấy nghe, đừng có sửa lưng tao, tao lên gối văng cái hàm hạ của mày đó.
- Ờ, kể nghe chơi cho ông hảo hớn mới này biết. Chớ tao đã nghe rồi!
- Thì có gì đâu, hai năm, không tổng tuyển cử được mấy ổng bực mình đi ăn kem ở bờ Hồ. Gặp mấy con “lọ nồi”, mấy ổng làm bộ đụng rồi lấy cớ nó đụng mình. Thằng lọ nồi làm phách chỉ tay lên cái nón có sao vàng làm rớt xuống đất. Ông đi sau đá cho nó một phát. Ông rớt nón quay lại tống luôn một đạp. Con lọ nồi văng xuống nước lóp ngóp bò lên, bị đá lật ngửa ra, phải xin đầu hàng.
- Rồi sao?
- Rồi công an cũng chạy tới làm biên bản, đem mấy ổng vô bốt hàng Trống hàng Thùng gì đó, cho vô buồng đóng cửa kín, kêu dọn cơm, châm trà mời. Cảm ơn các đồng chí. Mai mốt đừng đánh thế nữa có tội...Dạ lỡ nóng một lần. Lỡ thì lỡ luôn. Các đồng chí phải đánh cho nó hộc gạch cua, không leo lên bờ được mới ngon. Biết võ không, chúng tôi dạy cho vài miếng. Gặp cha nội trưởng đồn là đại úy dân Miền Nam chơi điệu vậy đó. Ðến tối, thả cho 2 ông mình về.
- Rồi sao lọt vô Quý Kiên?
- Không, hai ông chơi cú đó là dân bộ đội, còn ông Tám Ðen chỉ nghe thuật lại thôi. Mà chuyện đó có thật, ông Tám Ðen nói là ở góc bờ Hồ, cửa bót Hàng Trống ngó qua đó.
- Ở, tôi biết rồi. - Nam hưởng ứng - Tôi có ngồi ở cái băng đá đó.
- Ông anh mấy tuổi mà biết chuyện xưa?
Nam nói:
- Tôi có ngồi ở đó rồi đi “viếng” lăng bác Hồ. Trời, bánh mì rẻ ghê nơi. Ai đi đến viếng, được cấp một ổ. Nhưng tới phiên tôi thì “HẾT BÁNH”.
- Trời, ngon há. Ở đây không có bánh mì, chỉ có khoai mì. Mì nào cũng là mì đều ngon cả!
Một hôm quản trại gọi Nam lên:
- Em đã 18 tuổi. Thành nhơn rồi! Không ở chung với thiếu nhi được. Phải chuyển trại.
Chuyển thì chuyển. Rồi Nam được chuyển đi. Nam biết là mình đã lăn lộn tìm cha một năm. Từ thanh xuân chí ư bạch phát mới gặp kia mà!
Bỗng nhiên cuộc đời nó vậy, không ai làm gì phản nó, nó lại nhẫn tâm phản mình.
Nếu còn học thì bây giờ, ở ban A, văn chương, đại học văn khoa. Chúng nó nhạo là đại học đuổi gà.
Trại mới, người mới không dám nói chuyện cũng buồn.. Ở đây không biết là đâu. Cũng giữa rừng. Tù đông nghẹt. Nhưng kỷ luật gắt gao hơn ở Quý Cao. Chả là mình đã thành nhơn rồi mà, cái gì cũng làm theo người lớn.
Kiểng thức gõ lúc còn mù sương. Ði ra rừng. Chiều về lại kiểng kêu giờ cơm. Cơm xong kiểng kêu. Ðó là giờ kiểm thảo. Lại kêu tắt lửa, giờ ngủ. Rồi lại kiểng gọi thức, đi lao động.
Cả ngày chỉ có thế, xoay vần như kéo nứa.
Nam nằm lăn qua trở lại, ông bạn già láng giềng khó tánh càu nhàu. Nam không lăn lộn trở mình thì không ngủ được. Rồi đâm ra tật mất ngủ. Kinh tế mới giờ ra sao? Mẹ và chị giờ đâu. Ở đâu cũng được, chỉ lo cho ba. Chắc ba lao đao lận đận lắm.
Ðời của ba là một hùng ca, một thảm kịch!
Quê ngoại giờ có nắng, mưa như thời Nam ở đó vui chơi. Vô ưu vô phiền như cánh bướm không cần nơi đậu.
Hà Nội. Cái góc bờ Hồ. Ổ bánh mì thịt xen lẫn với tiếng nói bà Phước Lộc Thọ. Ðời là một vở kịch dài, không màn cuối. Thì đây vở kịch đang mời Nam đóng một vai. Màn gì dài thế. Một năm mà chưa kết thúc. Anh chàng kéo màn mê coi Hùng Cường Bạch Tuyết mà quên buông màn hay vì oán bà Bầu Thơ mà giữ sợi dây cho Thanh Nga... Mà Thanh Nga có mất chút tiếng tăm nào. Nghe nói nàng ra Hà Nội hát mừng đảng sao chưa thấy về? Khối thằng con trai mê Thanh Nga huống chi lão già mặt nám?
Thôi bỏ đi, đời mình và sân khấu chẳng có gì giống nhau nhưng mà ai lại bắt mình lên sân khấu?
Ôi ba ơi. Con không có phép như Tôn Hành Giả. Phật và Chúa đều bất công và mù hết cả nên mới để cho kẻ cướp làm vua, cho người ngay mắc nạn.
Ông bạn già ngáy kho kho mà Nam chưa ngủ được. Hôm qua ông ta bắt được một con nhái trong hốc đá và một con kỳ nhông. Lén vô nhà bếp ông nướng và xin tí muối. Chia cho anh em cái đuôi kỳ nhông khét ngấy. Nam nghe tiếng nhai cũng ngon.. Ông ta không coi mình là bạn thân, không đáng được chia cho một tí đuôi khét.
Nhờ thịt kỳ nhông ông ta ngủ ngon. Nay mai khắp trại sẽ đồn thịt kỳ nhông là thuốc ngủ thần hiệu. Chưa đủ, là thuốc trị bá chứng.
Rồi lũ kỳ nhông vốn thong dong tự toại trong rừng lại đâm ra bị săn đuổi mà tuyệt chủng.
Ðêm rừng lặng lẽ...Rừng là tấm áo che nhân gian cả những tên vượt ngục. Nhưng rừng lại bị tàn phá, chửi bới. Rừng là cái sân khấu của tù. Một cái sân khấu mà người dựng lên không bao giờ đến, cũng không bao giờ xem tuồng tích của họ làm ra. Liên Xô ở bên Tàu. Người chịu trách nhiệm giáo dục tù nhân giảng như vậy. Người nghe phải hiểu như vậy, không được cãi lại. Cãi lại bị kéo dài thời gian cải tạo. Ðã vào đây xin bỏ cái óc ở ngoài rào.