Phần III - Ngày hôm sau - 1 -

    
gày 10 tháng 3 năm 1945, tức là ngày hôm sau của đêm chính biến, tướng De Gaulle, người cầm đầu chính phủ lâm thời Pháp, từ Paris gởi cho tướng Mordant ở Hà Nội, bức điện có nội dung như sau:
“Tôi hoàn toàn hy vọng ông có thể lãnh đạo cuộc kháng cự làm sao để kéo dài nó đến được khi nào các đồng minh của chúng ta tiến hành các chiến dịch từ bên trong và bên ngoài, tạo cho chúng ta khả năng thắng được ván bài cuối cùng...”
Bức điện này chứng tỏ người gởi đi chưa hay biết gì về đêm chính biến, còn người nhận thì đã ra hàng và là tù binh của người Nhật rồi. Sáu vạn quân lúc đó đã tan nát hết, chỉ còn những nhóm nhỏ, thoát được ra ngoài, tìm đường sang đất Trung Hoa. Trong số đó, có thể kể đến, ở Bắc kỳ chẳng hạn:
- Đại đội của đại úy Perrein ở phía nam Lạng Sơn, phá được vòng vây đồn Đồng Mỏ, chạy sâu vào dãy núi Cái Kình, và nhập được với một đoàn quân cơ động.
- Đại đội của đại úy Genest, ở phía tây Cao Bằng, rút được sang phía tây Trung Quốc.
- Các đồn Đồng Văn ở bắc Hà Giang, các doanh trại ở Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Thanh Thủy, ở đông Hà Giang, cũng rút được sang đất Trung Hoa.
- Các đồn ở phía đông bắc Lào Cai vượt biên sang đất Trung Hoa hoặc từ ngày 14 tháng 3 hoặc sau một tháng, vừa đi, vừa cùng những binh lính người Mèo (này gọi là H’Mong) đánh du kích vào sườn quân Nhật.
Sang được đến đất Trung Quốc cũng chưa phải đã yên thân. Họ bị cả người Mỹ và người Hoa khinh bỉ, đến nỗi Rene Charbonneau đã phải gọi họ là “những người cùng khổ” (paria) tuyệt vọng.
Còn ở Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Miên thì việc rút đi kém may mắn hơn.
Cả đội tàu thuyền cũng thế, không chạy đi đâu được, nhiều chiếc đã phải tự sát như chiếc pháo hạm Francis - Gamier bị Nhật bắn cháy phải tự đánh chìm ở Kratié ngày 9 tháng 3. Cùng ngày là chiếc pháo hạm Commandant - Bourdais tự đánh chìm ở Hải Phòng cùng với hai chiếc Balny và Doudart de Largeé. Ở Mỹ Tho thì chiếc tàu vớt mìn Paul Bert tự đánh chìm vào ngày 9 tháng 3, và chiếc tàu hộ tống Amiral - Chamer ngày 10, sau khi bị máy bay Nhật oanh tạc...
1. Kế hoạch A
Vào tháng 6 năm 1944, bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương đã có thiết lập một kế hoạch kháng cự và phòng thủ gọi là “kế hoạch A” (Plan A), do tướng tổng tư lệnh Aymé chủ trì. Kế hoạch này dự định thành lập 3 tập đoàn quân (groupements) chủ chốt, có nhiệm vụ phải kìm chân được số lượng cao nhất quân Nhật, và bảo đảm làm chủ 5 sân bay, để làm căn cứ hoạt động cho Đồng Minh.
Đến tháng 11 và 12, sau những cuộc thảo luận với trung tá Huard, thiếu tá Langlade là những đại diện của mạng lưới kháng cự bên ngoài, và các tướng Aymé, Mordant, Sabattier ở nội địa, thì kế hoạch A được mở rộng và sửa đổi căn bản.
Ngày 26 tháng 2 năm 1945, bộ chỉ huy sư đoàn Bắc Kỳ lệnh cho các đơn vị ở chiến trường phía Bắc phải chuẩn bị để bảo vệ các sân bay, giữ vững các trung tâm phòng thủ chính, kìm chân quân Nhật ở đồng bằng, làm chậm bước tiến của chúng dọc theo sông Hồng, sông Lô... Để thực hiện tất cả những việc này, 6 tập đoàn quân sẽ cùng phối hợp, đồng thời hoạt động.
Như thế là kế hoạch trên giấy xem ra khá hoàn chỉnh và mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Thế nhưng...
Thế nhưng, vào trước ngày xảy ra cuộc chính biến, trong số những người lãnh đạo cao nhất, duy chỉ có tướng Sabattier là chú ý và tin vào những thông tin đáng lo ngại do sở mật thám cung cấp.
Tướng Sabattier sinh năm 1892, mất năm 1966 là một sĩ quan xuất sắc, dày dạn chiến trận, từ thế chiến thứ nhất, với 6 lần được tuyên dương khen thưởng, đã phục vụ ở Đông Dương lần thứ nhất từ 1923 đến 1926, trở lại Đông Dương lần thứ hai vào năm 1941 và nắm quyền tư lệnh ở Bắc Kỳ từ ngày 23 tháng 7 năm 1944.
Ngày 8 tháng 3 năm 1945, chính Sabattier là người đã gởi bức điện số 96 “tổng thao diễn báo động”, vì với chức vụ của ông, ông không đủ danh nghĩa để ra lệnh “tổng báo động”. Sau khi đánh điện, vào tối 8 tháng 3, ông rời Hà Nội, lên xe đi lên tổng hành dinh của ông ở Phủ Đoan, cách Hà Nội 100 cây số trên đường đi Tuyên Quang. Khi đi qua Sơn Tây, ông rẽ vào Tông để trao đổi với tướng Alessandri, chỉ huy lữ đoàn 2 và tập đoàn quân sông Hồng. Hai vị tướng đều thống nhất nhận định là tình hình rất nghiêm trọng, khẩn trương, và sẽ rất vô lý nếu khư khư ở lại giữ sân bay và cửa ngõ của đồng bằng giữa Sơn Tây và Ba Vì, vì rõ ràng là chẳng có sự can thiệp nào của Đồng Minh cả. Tốt hơn hết là nên rút ra khỏi Tông, vượt qua sông Đà, lui lên phòng thủ ở phía núi giữa sông Đà và sông Hồng. Chính quyết định sáng suốt này đã cứu được tập đoàn quân của Alessandri. Sabattier tiếp tục lên Phủ Đoan, và ở đây, vào đêm 9 tháng 3, lúc 22 giờ 20, ông nhận được điện của ban chỉ huy sư đoàn ở Hà Nội, báo tin quân Nhật đã tấn công.
2. Những cuộc trường chinh của sáu tập đoàn quân
Kế hoạch trên giấy thì rất rõ ràng và hợp lý, nhưng trên thực tế thì sẽ có nhiều điều bất ngờ, nhiều khó khăn không vượt qua được, có cả sự tan vỡ của các tập đoàn trước sự tấn công của quân Nhật. Ngoài ra, sự tập hợp quân, điều động các sĩ quan chỉ huy cũng rất khó khăn trong những hoàn cảnh vội vã như vậy. Thí dụ đại tá Seguin là người phải chỉ huy tập đoàn sông Lô ở Tuyên Quang, thì ngày 9 vẫn còn ở sở chỉ huy của ông ở Cao Bằng, cách nơi hẹn đến cả 8 ngày đường. Rồi trong khi một tiểu đoàn của ông vẫn còn ở Cao Bằng thì một tiểu đoàn khác lại bị đánh bất ngờ, tan tác ở khu vực Lạng Sơn. Lúc ông đến được Tuyên Quang, thì ở đây đã bị Nhật chiếm từ ngày 14 tháng 3 mà không ai báo tin cho ông biết.
Ngay từ những ngày đầu, có hai tập đoàn đã bị loại khỏi vòng chiến. Thứ nhất là tập đoàn Đình Cả giữa Lạng Sơn - Thái Nguyên và tiểu đoàn Tiên Yên do thiếu tá Lecoq chỉ huy. Vào rạng sáng ngày 10, Lecoq muốn phản công chiếm lại đồn Hà Cối bị Nhật dùng mưu lấy mất như đã tường thuật ở trên. Nhưng Lecoq tử vong trong trận phản công này. Tiên Yên bị chiếm ngày 13 tháng 3, rồi khi quân Mống Cái phải bỏ chạy thì cả tập đoàn phải tìm đường sang đất Trung Hoa.
Thứ hai là tập đoàn Sầm Nứa do trung tá Chubillot chỉ huy. Bị phục kích ngày 18 tháng 3, Chubillot bị Nhật bắt sống. Một phân đội bị đánh tan nát, chỉ còn khoảng 50 người. Tất cả tập đoàn tan rã, chạy tản hết vào rừng.
Tập đoàn sông Đà, do trung tá Fourmachat chỉ huy, tuy chỉ gồm có những đơn vị tản mạn ô hợp, nhưng lại làm được một phần nhiệm vụ chủ yếu: giữ vững được tỉnh lộ số 41 Chợ Bờ - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên Phủ, do đó bảo đảm được cho tập đoàn quân quan trọng của Alessandri rút đi được an toàn.
Tập đoàn Thượng Lào do đại úy Mayer chỉ huy, đã cứu được nhiều người thoát chết ở Lào, cuối cùng đã rút được sang Miến Điện, như đã tường thuật ở trên.
Tập đoàn sông Lô do đại tá Seguin chỉ huy là một tập đoàn tương đối quan trọng. Nó được phân ra làm 4 đội quân (colonne) do đại tá Seguin, các thiếu tá Reul, Lepage, Capponi mỗi người chỉ huy một đội dưới sự chỉ huy chung của Seguin.
Đội của Seguin, ngày 9 tháng 3 đi từ Cao Bằng sang Tuyên Quang theo một hành trình chữ V, mới đầu xuôi xuống phía nam, đến giữa đường thì dừng lại ở Bắc Cạn. Tại đây, Seguin nhận được một thông báo đánh đi từ Calcutta, là điểm hẹn Tuyên Quang, nơi ông dự định tới đã rơi vào tay quân Nhật rồi. Ông lại đi ngược trở lên phía bắc theo hướng Bảo Lạc. Ngày 26 tháng 3 thì tới đây sau 17 ngày hành quân ròng rã cực kỳ gian khổ qua một vùng núi đá. Nhưng đồn Bảo Lạc đã bị quân đội Việt Minh chiếm giữ tự bao giờ rồi. Lúc đó còn có thể thương thuyết với Việt Minh để đóng lại. Tưởng thế đã yên thân, nhưng đến sáng 28 thì đại tá Seguin thấy 9 phần 10 quân số của ông đã biến mất. Hơn 1.000 lính Đông Dương đã đào ngũ, bỏ tập đoàn của ông vào rừng theo Việt Minh. Kiểm điểm lại trong tổng số hơn 1.200 người nay chỉ còn trơ lại 20 sĩ quan, 150 lính Pháp và khoảng 100 lính bản xứ.
Ngày 4 tháng 4, bị Nhật tấn công, rồi ngày 10 bị Việt Minh tấn công, tất cả phải vượt biên chạy sang đất Trung Quốc, sau khi đã phá hủy hết đại bác không thể kéo theo được. Về đại úy Reul, thì như trên đã tường thuật, ông ta có nhiệm vụ phải giữ Cao Bằng và một tá những đồn bót chung quanh đó với 1.500 binh lính, nhưng vì cũng tin vào những thông tin của sở mật thám như Sabattier nên đã cho rút quân lên đóng ở trên biên giới Hoa - Việt, giao cho đại úy Fargues ở lại giữ pháo đài. Ông này không chiến đấu và đã hạ vũ khí đầu hàng ngay quân Nhật.
Sau khi đã cho xe tải chở hết gia đình binh lính sang Quảng Tây, Reul mới cùng 600 người trong đoàn của ông làm một cuộc trường chinh sôi động trong hơn một tháng trời trên dãy núi đá vôi ở biên giới, phải đối đầu lúc thì với quân Nhật, lúc thì với quân Việt, đến ngày 20 tháng Tư mới sang được đất Trung Hoa.
Cùng ngày này, đoàn của Lepage cũng tới được Mã Phủ là nơi có trụ sở của phái đoàn quân sự Pháp ở Trung Hoa, sau khi đi mất 35 ngày trên các đường núi từ chợ Chu ở phía bắc Tuyên Quang cùng với một tiểu đoàn lính người Rhadé và một đại đội lính lê dương.
Đoàn thứ tư của thiếu tá Capponi chỉ huy là ít may mắn hơn cả. Bi kịch của đoàn là không thể nào bắt liên lạc được với các đoàn của Seguin và Lepage. Đoàn tập trung ở gần Tuyên Quang, quân số 1.500 người, trong đó có 500 lính người Âu, với một hỏa lực khá mạnh nhưng vô dụng: 6 khẩu đại bác 75 ly. Lẽ ra hỏa lực này còn được tăng cường bởi sự thả dù của những người Anh - những võ khí tự động, nhưng vì thả nhầm chỗ nên các côngtennơ đều rơi vào tay quân Việt. Lại có toán quân của thiếu tá Mille từ Thái Nguyên lên cùng nhập bọn, theo lệnh của tướng Sabattier.
Đoàn Capponi phải vội vã lên đường ra đi trong đêm 12 rạng ngày 13, vì quân Nhật hoàn toàn chủ động, di chuyển rất nhanh, lúc đó đang theo quốc lộ số 2 từ Hà Nội lên, từ Hà Giang xuống, sắp tới Tuyên Quang.
Hồi thứ nhất của bi kịch được diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 3 trên quốc lộ số 2, ở ngã tư Yên Bình Xã về phía tây, ở đây Capponi lại gặp một người quen cũ của cuộc chính biến: đó là tên ác ôn Sawano, đã dùng mưu chiếm Hà Giang, tàn sát nhiều người và bắt sống cả gia đình của đại tá Moullet. Hắn bắt bố vợ của Moullet đến gọi hàng Capponi cũng với luận điệu dối trá quen thuộc là sẽ không làm hại ai, nếu chịu buông ngay võ khí. Nhưng Capponi không chịu và lời qua tiếng lại trong ba ngày liền. Bất thần quân Nhật xông lên tấn công, buộc Capponi phải rút lui theo con đường duy nhất còn để trống là đi Yên Bình Xã. Bị đuổi theo trong suốt hai ngày, Capponi phải ra lệnh đi về phía bắc, bằng các đường mòn trên núi. Sau một chuyến đi cực kỳ gian nan cực khổ, vừa đói khát đến kiệt sức, lại luôn luôn bị những người Mèo nấp trong rừng bắn tỉa, ban đêm thì xông ra đánh cướp võ khí...
Ngày 26 tháng 3, cả đoàn đến được một lòng chảo ở giữa những núi đá bao quanh. Con đường duy nhất thoát được sang đất Trung Hoa thì đã bị một toán quân Nhật rất đông án ngữ ở đó, cách 15 cây số.
Và đó là hồi cuối cùng của tấn bi kịch. Biết là đã lọt vào một cái bẫy. Capponi đành phải thương lượng. Ông buộc một chiếc khăn trắng lên đầu một cây gậy giơ lên cao và đi ra cùng với hai sĩ quan tới chỗ quân Nhật đóng.
Quân Nhật giải cả ba người về chỉ huy sở của chúng ở Xìn Mần gần biên giới. Ở đó, chúng chặt đầu ngay hai viên sĩ quan, bắt Capponi phải ký một lệnh hạ võ khí đầu hàng. Ngày 27, cả đội quân chờ kết quả của cuộc thương lượng thì nhận được lệnh đầu hàng. Thế là tâm lý rã rời, hàng ngũ tan tác. Và quân Nhật cũng chỉ chờ có thế để tấn công. Cả đội quân bị loại ra khỏi cuộc chiến. Chỉ có một viên trung úy cùng vài người sống sót, chạy thoát được sang đất Trung Hoa.
Sau này, cả Capponi và Mille đều bị đưa ra xét xử ở một tòa án binh Pháp. Họ đều được tha bổng, vì chỉ là nạn nhân chứ không là kẻ có tội.
Chỉ còn lại tập đoàn sông Hồng, mà người chỉ huy là tướng Alessandri. Ông được các sách báo, tài liệu Pháp khen là một sĩ quan xuất sắc, vừa nghiêm túc vừa nhân đạo. Trong suốt cuộc phiêu lưu 53 ngày đêm đi bộ đến kiệt sức trong những rừng núi Bắc Bộ, cùng 12 trận ác chiến và 45 ngày trên đất Trung Hoa, lúc nào ông cũng ở cùng quân lính của mình. Hình ảnh ông tướng già 50 tuổi đời này, chống cây can đi trước hàng quân đã làm nức lòng binh sĩ.
Marcel Alessandri sinh năm 1895, mất năm 1968, tốt nghiệp trường võ bị Saint Cyr, khóa “Cuộc phục thù lớn” (La grand revanche) năm 1914 đã chiến đấu từ Verdun đến vùng Flandres, và cũng như Sabattier đã được 6 lần tuyên dương khen thưởng. Tháng 3 năm 1939 ông xuống tàu sang Đông Dương ở mãi đến tháng 8 năm 1946. Sau đó lại sang lại cùng với đội quân viễn chinh Pháp để hòng cướp nước Việt Nam lần thứ hai.
Cuộc trường chinh của ông bắt đầu từ Tông vào đêm 9 tháng 3. Tất cả các đơn vị đều kéo đi hết lên hướng bắc, chỉ để lại một số người không có võ khí. Sáng sớm ngày 10 tháng 3 quân Nhật vào Tông. Tất cả những người ở lại đều bị chúng giết hết, trong số đó có một trung tá và một đại úy. Khoảng 7 giờ, chúng vào Sơn Tây, 7 giờ 30 thì chúng tấn công Việt Trì. Lính lê dương của đại úy Lenoir, kịch chiến với chúng, rồi phải bỏ lại các võ khí nặng, bơi qua sông Hồng sang bờ bên kia. 18 người trong số họ đã bị dòng nước cuốn đi. Trong cuộc chiến, họ đã mất 40 người chết, 39 người bị thương và 30 người mất tích, chỉ còn khoảng 150 lính lê dương tới nhập với tập đoàn quân.
Ngày 11 tháng 3, Alessandri chia tập đoàn ra làm hai tiểu tập đoàn, đi song song với dãy núi giữa sông Hồng và sông Đà, một đoàn đi qua Nghĩa Lộ và Thái Nguyên về phía Phong Thổ, một đoàn đi về phía Sơn La - Lai Châu. Đoàn trên quân số 640 người do thiếu tá Prugnat chỉ huy gồm lính pháo thủ, lê dương và nhiều toán quân ở Tông lên. Đoàn dưới quân số và thành phần cũng như đoàn trên, do đại tá Franyois chỉ huy. Hiệu trưởng trường võ bị Tông, trung tá Carbonel cũng đi trong đoàn này. Từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 10 tháng 5, trường đã có 17 sĩ quan trẻ tốt nghiệp bị giết ở Bắc Kỳ.
Trong khi đi đường cũng có nhiều toán quân khác nhập vào, tổng cộng tất cả là 1.350 lính Âu, 3.300 lính Đông Dương. Họ đã chiến đấu liên tục từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 1 tháng 5, trên một chặng đường dài hơn 1.000 cây số: ngày 13 trận Chợ Bờ, ngày 18 trận Mộc Châu, từ ngày 20 đến 27 quanh Sơn La, ngày 29 ở đèo Pha Đin, ngày 31 ở Tuần Giao... trận ở ngã ba Bình Lư ngày 1 tháng 4 là ác liệt hơn cả.
Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng Tư, lính lê dương chiến đấu ở quanh Điện Biên Phủ, từ ngày 11 đến 15 ở Mường Khoa trên bờ sông Nậm U. Một bộ phận lên được đến Bảo Thái, ngày 29 tháng 4 phải đối đầu với quân Nhật ở đó. Ngày 1 tháng 5 là trận cuối cùng, đẫm máu...
Ngày 2 tháng 5 Alessandri và những người sống sót qua được biên giới sau 54 ngày đêm rút lui và chiến đấu.
Thiệt hại về nhân mạng khá cao, riêng trong số 850 lính lê dương có 63 người chết, 108 người bị thương và 109 người mất tích.
Nhưng sang đến đất Trung Hoa chưa phải đã yên thân, được nghỉ ngơi băng bó thương tích. Người Mỹ và người Hoa ở đây coi họ như một thứ kẻ thù. Họ bị đuổi từ làng này sang làng khác, nhiều khi phải ngủ ngay giữa trời, đói khát, bệnh tật và phải đi lang thang như vậy gần 450 cây số trong suốt 45 ngày kiệt lực.
Tháng 8 năm 1945, khi họ trở về, thì cuộc Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ ở Việt Nam.