- 3 -

    
7. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ
Trong khi tất cả mọi chuyện đang dồn dập xảy ra thì viên Toàn quyền Decoux ở đâu? Ngày 9 tháng 3, Toàn quyền Decoux không có mặt ở Hà Nội. Ông ta đã vào Sài Gòn từ ngày 24 tháng 2. Tuy ý thức được tình hình rất nghiêm trọng, nhưng ông cho rằng vẫn còn có thể lèo lái được trong một thế thăng bằng rất chênh vênh. Để chờ đợi...
Ở Sài Gòn vào đầu buổi chiều ngày 9, không có một dấu hiệu đặc biệt nào chứng tỏ có gì đáng lo ngại, ngoài những bức điện từ ngoài Bắc đánh vào báo tin những cuộc hành quân của Nhật và sáng nay có tin của một chỉ điểm từ Thủ Dầu Một báo một cuộc tiến công sắp xảy ra. Không khí chung quanh lại dường như dễ thở, cởi mở hơn, vì vừa qua một cuộc đối đầu ngoại giao rất gay go, chống những yêu sách quá quắt của quân đội Nhật. Chúng đòi đổi một số rất lớn đồng yên lấy đồng bạc Đông Dương để chi phí cho quân đội. Chúng đòi phải nộp cho chúng thêm gạo để nuôi quân, chúng đòi đưa thêm quân từ Quảng Tây vào Bắc Kỳ trong khi ở đây tình hình lương thực đang cực kỳ nghiêm trọng, nạn đói đang đe dọa vì bị thiên tai mất mùa và đường xá lại bị không quân Mỹ ném bom tàn phá. Chúng cũng đòi phải nộp cho chúng những phi công Mỹ bị chúng bắn rơi trong trận ném bom ngày 12 tháng Giêng, hiện bị chính quyền Pháp giam giữ...
Không khí của những cuộc họp hết sức căng thẳng. Quân Nhật chỉ trích nặng nề về thái độ lừng chừng của Decoux và chính quyền Pháp, tung ra những lời lẽ ngạo mạn, dọa nạt thô lỗ và ý định thực hiện ngay những sự trừng phạt, nếu không chấp nhận đầy đủ các yêu sách của chúng. Nhưng Decoux vẫn một mực từ chối, và cuối cùng cắt giảm được một phần quan trọng các yêu sách này, sắp sửa đi đến ký kết một thỏa ước. Từ năm năm nay, quan hệ Pháp - Nhật cũng đã từng trải qua những giai đoạn gay go quyết liệt như vậy. Đã nhiều lần, người ta tưởng không tránh khỏi một đòn bạo lực của Nhật, nhưng rồi cuối cùng, Nhật vẫn không thực hiện những lời dọa nạt của chúng, nên lần này chắc cũng lại như vậy thôi.
Vào buổi chiều ngày 9 tháng 3, đại sứ Nhật Matsumoto cùng với tổng lãnh sự Kohno và một đoàn nhân viên ngoại giao đến Phủ toàn quyền ở Sài Gòn để ký kết một bảng thỏa ước về cung cấp gạo cho quân đội Nhật năm 1945, theo những hiệp ước của chính phủ Vichy ký với Tokyo ngày 6 tháng 5 năm 1941.
Theo những chứng nhân có mặt hôm đó cho biết thì phái đoàn Nhật đến với một thái độ rất tươi cười niềm nở, nói những lời chào hỏi chúc mừng hoa mỹ tốt đẹp. Phía Pháp nhận xét thấy họ chỉ có một điều bất thường là họ muốn chùng chình chưa muốn ký ngay, kéo dài thời gian trong những cuộc hội ý vô tận giữa họ với nhau bằng tiếng Nhật, và luôn luôn liếc nhìn đồng hồ, rõ ràng là như chờ đợi một cái gì vậy.
Cuộc họp bắt đầu lúc 16 giờ, và đúng 18 giờ 30, thì đại sứ Matsumoto xin có một cuộc hội kiến với Toàn quyền Decoux vào lúc 19 giờ, để chuyển giao một thông điệp quan trọng. Tuy rất ngạc nhiên về điều bất thường này nhưng Decoux cũng nhận lời.
Đúng 19 giờ, đại sứ Nhật Matsumoto, đứng trước đoàn ngoại giao Nhật trịnh trọng giao cho Toàn quyền Decoux một bức tối hậu thư của chính phủ Nhật, với thời gian phải trả lời là 2 tiếng đồng hồ. Nội dung của bức tối hậu thư đại để như sau: Căn cứ vào diễn biến của tình hình hiện nay, chính phủ Nhật thấy cần thiết phải có những sự phòng ngừa nào đó ở Đông Dương. Vì vậy, ngoài những yêu cầu khác, chính phủ Nhật Bản đòi hỏi quân đội Pháp phải chuyển đặt dưới quyền chỉ huy của Nhật Bản cùng với hải quân, cảnh sát và toàn bộ hệ thống hành chánh. Đồng thời các cơ sở ngân hàng tín dụng Pháp cũng phải phụ thuộc vào sự kiểm soát của Nhật. Pháp sẽ phải nộp cho Nhật một số thế chấp tài sản, và một số con tin để bảo đảm sự thực hiện trung thực các điều khoản nêu ra. Tất cả mọi biện pháp quân sự, mọi bố trí báo động và phòng thủ về phía Pháp trước khi hết hạn trả lời, sẽ lập tức phát động các hoạt động của quân đội Nhật đã ở trong tư thế sẵn sàng.
Decoux, hết sức xúc động tuyên bố ngay đây là những điều kiện nhục nhã không thể nào chấp nhận được, hơn nữa chúng vi phạm vào sự cam kết long trọng của Nhật Hoàng tôn trọng chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Matsumoto đáp lại là ông ta không có thẩm quyền được tranh luận về những điều kiện trong sứ mệnh của mình và xác định lại là tối hậu thư sẽ hết hạn vào đúng 21 giờ. Thêm nữa ông ta tuyên bố quyết định là sẽ ở lại tại chỗ để chờ trả lời. Sau khi thương lượng, vào khoảng 19 giờ 45, ông ta cũng đồng ý rút ra khỏi Phủ toàn quyền với đoàn tùy tùng, hẹn sẽ nhận bản phúc đáp tại ban tham mưu của quân đội Nhật Bản ở đường d’Arras (bây giờ là đường Cống Quỳnh). Một sĩ quan Nhật sẽ ở lại để đưa đường và bảo vệ cho sĩ quan Pháp mang thư trả lời.
Vào hồi 19 giờ 15, tất cả các quan chức cao cấp Pháp dân sự và quân sự được triệu tập khẩn cấp đến để bàn bạc. Ý kiến chung của mọi người đều thống nhất không thể chấp nhận được các yêu sách của bức tối hậu thư. Một bản phúc đáp được thảo ra, đại ý nói những điều kiện đề ra trong tối hậu thư của chính phủ Nhật là không thể chấp nhận được, và xin một thời hạn nữa để liên lạc với các thành viên của chính phủ ở Hà Nội, sau đó sẽ có những điều kiện đáp ứng. Decoux cũng cam kết: “Quân đội Pháp sẽ không có bất cứ một hành động chiến tranh nào, trừ phi những lực lượng Nhật Bản bắt đầu trước những hành động thù địch”.
Cuộc bàn bạc và thảo thư phúc đáp mất khá nhiều thời gian, nên mãi đến 20 giờ 50, thì đại úy hải quân Robin và trung úy d’Aiguillon mới cầm thư lên đường. Nhưng viên sĩ quan Nhật đưa đường đã biến mất. Hai viên sĩ quan Pháp không biết ban tham mưu Nhật chính xác ở chỗ nào, không tìm được, đành phải đến Ủy ban liên lạc Pháp - Nhật ở phố Richaud (bây giờ là đường Nguyễn Đình Chiểu). Tại đây, gọi cửa mãi mới có một viên phiên dịch Nhật, tay lăm lăm cầm khẩu tiểu liên ra mở cửa. Sau khi trình bày sự thể, viên này cho hai sĩ quan Pháp được liên hệ bằng điện thoại với Matsuoko, và ông này nói sẽ cho người đến dẫn đi. Lúc đó là 21 giờ 5 phút. Mấy phút sau có một chiếc xe hơi đến, trong đó có một sĩ quan Nhật, trưng một lá cờ Nhật rất to. Xe của hai sĩ quan Pháp đi theo sau xe này. Họ thấy trên đường Verdun (bây giờ là đường Cách mạng tháng 8) không biết bao nhiêu là xe cam nhông chở đầy lính Nhật, và hàng đoàn xe tăng đỗ, nhưng để nổ máy. Đi đến phố d’Arras, hai sĩ quan được Matsumoto tiếp trong một văn phòng rõ ràng là mới được bố trí vội vàng. Một cửa mở rộng cho thấy ở phòng bên có hai sĩ quan cấp tướng đang nghiên cứu một bản đồ Sài Gòn.
Đại úy Robin trao lá thư phúc đáp. Matsumoto sau khi đọc lướt qua nói bằng một giọng cáu kỉnh: thế là từ chối phải không? Ông ta sang phòng bên nói vài lời với hai viên sĩ quan cấp tướng. Một trong hai viên này ra đứng ở cửa sổ hét một vài lệnh ngắn gọn. Lập tức các tiếng còi inh ỏi nổi lên, các động cơ xe nổ ầm ầm. Quân đội Nhật nườm nượp tỏa ra các đường phố Sài Gòn. Đòn bạo lực bắt đầu. Đó là 21 giờ 20 phút.
Trên đường trở về, xe của hai viên sĩ quan Pháp khó khăn lắm mới lách qua được hàng đoàn các xe cam nhông và xe tăng Nhật. An toàn về được đến trước cổng Phủ toàn quyền, họ đã thấy lính Nhật leo qua hàng rào sắt vào trong sân cỏ. Sự chiếm đóng Phủ toàn quyền diễn ra hết sức nhanh chóng, không có đổ máu, không tốn một viên đạn nào. Chỉ mấy phút sau thì toàn bộ bộ chỉ huy tối cao, đầu não quân sự và dân sự đều bị bắt sống hết.
Về quân sự, trong số bị bắt lúc đó có Toàn quyền Decoux, tướng Delsuc, tư lệnh sư đoàn Nam Kỳ - Cao Miên, Đô đốc Berenger, tư lệnh hải quân. Trong số quan chức dân sự có chánh văn phòng Gautier, vợ và cô con gái Simon, 11 tuổi rất xinh đẹp, được Nhật đặc cách cho đeo còng số 8 vì là dân sự.
Sáng hôm sau tướng Kawamura, tham mưu trưởng của quân đội Nhật Bản ở miền Nam Đông Dương vào gặp Decoux. Ông ta tuyên bố rất lấy làm tiếc phải hành động như tối hôm qua, vì những nhu cầu chiến lược, cũng như vì người Nhật thiếu tin tưởng ở sự cộng tác của Pháp ở Đông Dương. Ông ta bảo đảm với Decoux sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của dân chúng. Decoux trả lời ghi nhận lời bảo đảm này, nhưng cực lực phản đối cuộc tấn công không thể chấp nhận được mà nước Nhật sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trong cùng ngày, Nhật dùng đài phát thanh của Sài Gòn phát đi những bản tuyên bố đại ý thanh minh cho cuộc tấn công đêm 9 tháng 3, đổ lỗi cho phía Pháp đã tổ chức mạng lưới gián điệp làm việc cho quân Đồng Minh, đã tích trữ súng ống đạn dược đã được thả dù xuống, bố trí quân đội đó tấn công quân Nhật... Và nhất là đã thiếu hẳn tinh thần cộng tác với quân Nhật.
Nhật cũng tuyên bố từ nay chủ quyền Pháp không còn nữa, các dân tộc ở Đông Dương được độc lập, nhưng trước mắt vẫn duy trì toàn bộ hệ thống tổ chức chính trị và hành chính của Pháp để lại trên toàn cõi Đông Dương. Thật ra, ý đồ của Nhật đâu có thể dễ dàng nhả miếng mồi béo bở ở Đông Dương ra như vậy. Chỉ ít ngày sau khi xảy ra cuộc chính biến, viên “Toàn quyền Nhật” Minoda đã nói toạc ý đồ này ra - mà nói bằng tiếng Pháp cho không có nhầm lẫn gì được - trong một cuộc họp với công chức Việt Nam ở Long Xuyên, ngày 30 tháng 3 năm 1945 “Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung Kỳ và Cao Miên đã được tuyên bố. Nam Kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật. Vậy thì không có sự độc lập của Nam Kỳ”. (ll-y-a un grand malentendu au sujet de l’independance de l’Indochine. Celle ei tout entière est so us le contrôle militaire du Japon. L’Independance de l’Einpire d’Annam et celle du Cambodge ont été pro clamées. La Cochinchine, non seulement se trouve sous le contrôle militaire du Japon, mais encore sous l’adminis tration militaire japonaise. Donc, pas d’independance de la Cochinchine...).
Vì vậy, sau này các nhà sử học đã khẳng định Việt Nam lấy lại nước, giành lại độc lập tự do là từ tay nắm giữ của quân Nhật, do chiến đấu chống lại dã tâm cướp nước của Nhật, chứ không phải do Nhật “ban ơn cho”. Đó là một sự thực lịch sử hoàn toàn có căn cứ, được chứng minh bằng bao nhiêu sự kiện tàn bạo do Nhật gây ra trên ba nước Đông Dương. Vả lại, đối với bọn phát xít xâm lược, chẳng làm gì có được thứ “độc lập bánh vẽ” được chúng cho không như vậy.
Cũng trong buổi chiều ngày 9 tháng 3, vào khoảng 18 giờ, viên Thống đốc Nam Kỳ E. Hoeffel cho triệu tập họp các chỉ huy quân sự và một số quan chức dân sự để báo tin, tối hôm đó có thể quân Nhật sẽ tấn công. Mặc dù phần đông các người họp không tin chuyện này có thể xảy ra, nhưng người ta cũng bàn về các biện pháp phòng ngự.
Ở miền Nam Đông Dương lúc đó, lực lượng quân sự gồm có ba đơn vị lớn, trong số này sư đoàn Nam Kỳ - Cao Miên là đơn vị chính thức lớn nhất. Nó được chia thành hai tập đoàn (groupement) là tập đoàn Nam Kỳ - Nam Trung Kỳ, và tập đoàn Cao Miên. Mỗi tập đoàn có những nhiệm vụ khác nhau dưới quyền chỉ huy của tướng Delsuc, đã bị Nhật bắt sống cùng với Decoux tại Phủ toàn quyền. Nói chung quân số không đông, lại phải rải ra trong một địa bàn quá rộng, mà sự thông tin liên lạc lại thiếu thốn. Ngày 19 tháng 11 năm 1944, kế hoạch được đề ra sẽ tập trung một lực lượng mạnh ở Kratié hay ở Buôn Ma Thuột để đối phó với một cuộc tấn công của quân Nhật vào Sài Gòn. Nhưng vào tháng 2 năm 1945, khi thấy quân Nhật đến đóng trên đường Sài Gòn - Kratié, kế hoạch được thay đổi, dự kiến quân đội sẽ rút về tập trung ở Buôn Ma Thuột.
Tại Sài Gòn đêm 9 tháng 3, trong các trại quân chỉ có một số quân nhỏ, đạn dược thiếu thốn, các chỉ huy cấp cao đã bị bắt hết, chỉ còn lại các sĩ quan trực ban. Bị đánh bất ngờ, trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 (11 RIC) có 200 người với súng trường và vài khẩu súng máy, chỉ cầm cự được đến 5 giờ sáng, trong khi trại La Grandière và đại đội ở Chợ Lớn gục ngã ngay từ lúc 2 giờ đêm.
Ở Vũng Tàu, quân Nhật mai phục ở nhiều địa điểm, vào khoảng 21 giờ xông ra giết các lính gác, bao vây các trại quân và nơi cư trú của các sĩ quan, bắn trọng thương viên đại úy Bélief, rồi xông lên chiếm ngọn tháp hải đăng và từ đó bắn pháo hiệu, mở đầu cuộc tấn công. Trong vài tiếng đồng hồ, cửa bể này đã lọt vào tay quân Nhật.
Ở Thủ Dầu Một, viên thiếu tá Mollard chỉ huy một tiểu đoàn cơ giới, cầm cự được đến 2 giờ rưỡi sáng, cho xung phong phá vòng vây hai lần để cho xe cơ giới hoạt động nhưng đều thất bại với nhiều thương vong. Vào quãng 6 giờ sáng, Mollard cũng hy sinh. Cuộc chiến đấu tiếp tục được hơn một tiếng đồng hồ nữa bằng lựu đạn và lưỡi lê, đến 7 giờ sáng thì kết thúc.
Ở miền Tây, kế hoạch kháng cự vũ trang đã được vạch ra từ trước, gọi là “vùng hành động Legrand” (Zône d’action Legrand) gồm có Cần Thơ, Sài Gòn, Đà Lạt và Cam Ranh do một sĩ quan là đại úy Pawels và một người dân sự là viên tổng công trình sư công chính Nicolai cầm đầu. Nhóm chiến đấu quan trọng nhất của vùng này là nhóm Transbassac do thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 Langellie - Bellevue chỉ huy. Ông này về sau bị Nhật bắt được và bị Sở hiến binh Nhật (Kampetai) tra tấn đến chết.
Nhóm Transbassac có khoảng 1.000 người được phân ra như sau:
- Langellie - Bellevue chỉ huy 270 người với 9 sĩ quan.
- Mienville, thuyền trưởng tàu hộ tống La Mame, chỉ huy 250 lính thủy với 9 sĩ quan.
- Jean d’Hers, đại úy xen đầm chỉ huy 570 người, trong số đó có 30 người Pháp dân sự tình nguyện.
Nhóm này đánh du kích và hoạt động phá hoại đã cầm chân được hàng tiểu đoàn tinh nhuệ của Nhật và gây cho chúng nhiều tổn thất, hơn 100 tên tử thương. Ở mũi Cà Mau, Mienville cầm cự được 16 ngày, cuối cùng đã phải cho đánh chìm chiếc tàu hộ tống La Mame. Viên hạ sĩ quan Le Houéron người vùng Bretague của Pháp bị Nhật bắt sống và chặt đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1945. Một nhân vật nữa trong cuộc kháng cự tuyệt vọng này là đại úy xen đầm Jean d’Hers mà cuộc chiến đấu cuối cùng và sự hy sinh anh dũng đã được tường thuật ở trên.
Ở Trung Kỳ thì tương đối ít ác liệt hơn, nhưng cũng không may mắn gì hơn. Về phía Bắc, những toán lính sống sót từ Vinh chạy ra lại bị tiêu diệt mất một số, còn bao nhiêu tẩu tán đi khắp nơi. Căn cứ không quân Đồng Hới cũng chịu chung một số phận như vậy. Ở đây, đại úy Mayraud chỉ huy căn cứ tử vong vì... kiệt sức. Số tàn quân chạy được sang Lào nhập vào khu bưng biền của đại úy Ayrolles.
Ở kinh thành Huế, vào buổi chiều ngày 9, khi nhận được hai bức điện từ Hà Nội đánh vào báo tin tình hình nghiêm trọng, người ta cũng họp bàn các biện pháp đối phó, nhưng lại cứ dùng dằng mãi vì sợ đây là một động thái giả của Nhật nhằm phát hiện những bố trí phòng thủ của quân Pháp. Vào khoảng 17 giờ thì có tin báo hai đại đội Nhật đã rời Quảng Trị và đang tiến về Huế. Mặt khác lại có tin báo, đội quân Nhật đóng từ nhiều ngày nay ở gần Cầu Truồi đã ra cắt con đường đi tới Huế. Như vậy, mối nguy hiểm là có thật và đã rõ ràng. Vào quãng 19 giờ, chính quyền Huế ra lệnh báo động và quyết định võ trang cho cả kiều dân Pháp bằng súng máy và lựu đạn.
Những tiếng súng đầu tiên nổ ra khoảng 21 giờ 15, và sau đó là cuộc chiến đấu chống quân Nhật ở các khu sứ quán, quanh dinh khâm sứ, sở công chính, trại lính Đông Dương và ở khu nhượng địa. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức, chống một kẻ thù đông hơn gắp nhiều lần, sử dụng trọng pháo và cả không quân. Vào khoảng 7 giờ 30 sáng hôm sau thì khu sứ quán gục ngã trước, rồi đến 10 giờ thì khu dinh khâm sứ, và đến 17 giờ thì không còn nghe một tiếng súng nào nữa. Cả thành phố Huế đã hoàn toàn rơi vào tay quân Nhật.
Tổn thất về phía Pháp là khá nặng nề: chỉ nói riêng về số 1.140 lính Pháp của trung đoàn Trung Kỳ - Ai Lao đã có 51 tử vong tại trận, trong số đó có 13 sĩ quan, 11 người chết vì các vết thương quá nặng, 53 người bị thương, 41 người chết khi rút lui, trong số đó có 3 sĩ quan, 90 người mất tích. Nói chung tổng số thiệt hại của quân Pháp là 251 người, bằng một phần tư quân số. Còn 300 người sống sót, từ thành phố Huế chạy ra, chia thành các nhóm nhỏ, đi sâu vào dãy Trường Sơn, nhưng suốt trong năm tháng luôn đụng đầu với quân Nhật vào lùng sục.
Ở Tourane, ở Quang Ngãi cũng không hơn gì. Đám tàn quân chạy lên cao nguyên Bolovens, thương vong nhiều, phần vì chống cự lại quân Nhật, phần vì bệnh tật, đói khát và kiệt sức. Đại tá Hesse d’Alzon, sau này, trong một cuốn hồi ký có giá trị, gọi đó là “sự hấp hối của những người rừng kiệt lực, bị săn đuổi và bị phản bội”.
Ở Lào có lẽ may mắn hơn cả. Ở Thượng Lào, đại úy Mayer chỉ huy tiểu đoàn 10 RMIC đóng ở Vientiane. Ông ta cũng là một người cầm đầu Ban Hành động (Service action) và mạng lưới của ông mang tên “Donjon” là một trong sáu mạng lưới của Đông Dương. Trong đêm 9 tháng 3, đội quân của ông thoát ra khỏi được Vientiane, rút lui lên phía bắc theo hướng Luang Phabang, bị quân Nhật đuổi theo cho mãi đến sông Nậm U. Từ đây ông rút tới được Mường Sai, vượt biên qua đất Miến Điện.
Ở Trung Lào điều kiện có thuận lợi hơn. Được sự hỗ trợ của Ban Hành động, đội quân ở đây bắt liên lạc được với Calcutta, Ấn Độ, và được “lực lượng 136” tiếp viện cho người và võ khí. Ngay từ trước cuộc chính biến, 319 người Âu, 200 lính Đông Dương được thả dù xuống phía bắc Luang Phabang, Paksane, Thakhet và giữa Savanakhet - Saravane. Thiếu tá Infeld ở đây đã có thì giờ tổ chức bốn đội biệt kích, giúp cho những người lính sống sót chạy được sang đất Trung Hoa. Quân Nhật biết rất tường tận các hoạt động này, nên những cuộc đàn áp khủng bố ở Lào là cực kỳ tàn bạo.
Tại Thakhet đêm 9 tháng 3, có khoảng 100 người Pháp kể cả phụ nữ và trẻ em. Đội quân ở đây đã cầm cự suốt đêm, nhưng vào khoảng 8 giờ sáng thì phải đầu hàng. Trung úy Tavernier may mắn thoát được ra ngoài cùng với một số binh lính của ông và tản được vào rừng gần ngay đó.
Tất cả những người Pháp còn sống sót bị quân Nhật lùa vào một khách sạn nhỏ mang tên Bungalow. Họ bị dồn vào các văn phòng với 14, 15 người mỗi phòng. Các cửa đều đóng kín mít, cửa sổ thì bị đóng đinh. Trong bóng tối họ phải nằm dưới đất và được nuôi bằng những chậu cơm với rau muống.
Trong số những người bị bắt giam ở đây có: ông René Colin, nguyên chánh văn phòng của Toàn quyền Catroux, bây giờ là Công sứ Thakhet, hai ông giám mục là những đức cha Gouin, đức cha Thonime, cùng hai linh mục khác và một bác sĩ có tên là Theron. Trong sáu ngày liền, tất cả mọi người đều bị tra tấn hết sức dã man bằng nước, bằng điện để tra khảo về mạng lưới kháng cự bí mật.
Ngày 16 tháng 3, vào quãng 19 giờ, rồi lần thứ hai vào quãng 21 giờ, hầu hết những tù nhân nam giới bị lùa lên một chiếc xe tải bít bùng, mang đi đâu không biết và không thấy trở về nữa. Ở lại khách sạn lúc đó chỉ còn lại một vài người nam giới, phụ nữ và trẻ em.
Ngay sáng hôm sau, đã có tin là những người bị bắt đi hôm trước đều đã bị hành quyết hết. Một năm sau, “Ban điều tra tội ác chiến tranh” của Pháp đã tìm ra nơi trước đây là doanh trại quân Pháp, một hố chôn tập thể 35 tử thi, có người bị chặt đầu, có người bị giết bằng súng hay lưỡi lê, có cả người bị chôn sống nữa. Bác sĩ Theron bị chúng tra tấn, đánh nát cả hai đầu gối, cũng bị chúng bắt những người cùng đi, khiêng đến chỗ hành quyết để giết. Những người nam giới còn sống sót mấy ngày sau cũng bị giết chết, trong số đó có ông Colin, hai vị giám mục và linh mục Thibaud. Đặc biệt quân Nhật muốn trả thù ông Colin trước đó đã cho đốt đi một kho nhựa thông của chúng ở Nakay. Chúng mang ông cùng các vị tu sĩ đến đó chặt đầu, và bắt dân làng phải phơi thây họ ra, không được đem chôn. Sau đó mấy ngày, trung úy Tavernier được những người dân Lào báo cho biết ban đêm đã bí mật về đem xác vào rừng chôn tạm. Chỉ có ba người không bị chúng giết vì chúng còn muốn dùng đến chuyên môn kỹ thuật của họ về điện, về khai thác gỗ và thiếc.
Sau cuộc thảm sát, phụ nữ và trẻ em bị dồn đi ở các nơi khác, nhưng cứ hai ba ngày chúng lại bắt chuyển chỗ ở một lần. Rồi năm tháng sau, ngày 23 tháng 8 năm 1945, có lẽ để thủ tiêu các nhân chứng chúng dùng súng lục bắn chết bà Couris cùng đứa con trai nhỏ của bà, bà Raymond cùng với một số người khác nữa. Chỉ có hai người Pháp may mắn không chết vì chỉ bị thương, được những người Lào cứu chữa cho, trong đó có ông Raymond mà vợ đã bị bắn chết.
Ở Napé, ở Vientiane, ở Savanakhet và ở nhiều nơi khác nữa cũng có nhiều cuộc tra tấn và thảm sát tương tự. Ý đồ rõ rệt của Nhật không những là muốn tiêu diệt mọi lực lượng kháng cự của Pháp, mà bằng những hành vi hết sức dã man, bỉ ổi, nhất là đối với phụ nữ da trằng, chúng còn muốn tiêu diệt cả uy tín của người Pháp trước mặt người dân địa phương.
Tên tội phạm chiến tranh Nhật phải chịu trách nhiệm chính về những cuộc tra tấn và thảm sát này là viên sĩ quan tình báo Arai. Hắn đã đến ở Thakhet từ nhiều tháng trước cuộc chính biến, trong bộ áo khoác là nhà buôn và mở một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trong thị trấn. Đến đêm 9 tháng 3, hắn mới khoác quân phục vào và cầm súng đi. Rất nhiều người dân Lào đã biết rõ mặt hắn.
Đây là cách làm phổ biến của Nhật. Từ khi đặt chân lên đất Đông Dương họ đã cho mai phục trong các thành phố, các trung tâm lớn nhỏ, ngay cả trong một số dịch vụ của Pháp những tên tình báo, những sĩ quan trá hình dưới các dạng nhà buôn, nhà kỹ nghệ, nhà nghiên cứu, nhà báo... để điều tra tình hình, nắm mọi đầu mối, đợi ngày hành động. Đêm 9 tháng 3, rầt nhiều tên Nhật, dân chúng đã quen mặt, hàng ngày vẫn tỏ ra là những nhà buôn lịch thiệp dễ dãi, bỗng khoác quân phục vào, và trở thành những con quỷ dữ khát máu giết người không gớm tay. Chuyện đã xảy ra ở Hà Nội, ở Hải Phòng, ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Sài Gòn... và ở nhiều nơi khác nữa...
Ở Cao Miên thì có thể nói sự bất ngờ đến mức tuyệt đối. Từ những nhà cầm quyền dân sự, những sĩ quan chỉ huy quân sự, chứ chưa nói đến những người dân thường, không một ai hay biết một chút gì cả. Đến ngay cả cái không khí căng thẳng cảm thấy được hai ba ngày trước cuộc chính biến thì ở đây cũng không có nốt.
Buổi chiều hôm đó, như thường lệ, các nhà buôn Nhật đóng cửa hàng, và đến đúng giờ N, họ mặc quân phục vào rồi vác súng đeo gươm ra đi trong đêm tối. Thế là...
Thủ đô Phnôm Pênh bị chiếm trọn vẹn trong không đầy một tiếng đồng hồ. Rồi tất cả các doanh trại của quân đội Pháp đều rơi vào tay quân Nhật nội trong đêm 9 rạng ngày 10 chỉ trừ có một trung đội của trung đoàn lính Miên, do thiếu tá Lavie chỉ huy, rút được lên dãy núi Cardamomes, cố thủ ở đó cho đến ngày quân đội Nhật đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Thế là toàn bộ Đông Dương nằm dưới gót giày của quân phát xít Nhật. Chủ quyền và uy tín của thực dân Pháp, sau một đêm, chỉ còn là những ký ức đen tối của gần một thế kỷ đô hộ.