- 2 -

    
. Biến tấu của kịch bản tiệc máu
Ở Hà Giang kịch bản cũng tương tự như ở Lạng Sơn, nhưng với vài biến tấu khác. Ngay trong tháng 2 năm 1945, khi viên thiếu tá Nhật Sawano vừa tới nhận quyền chỉ huy, hắn đã có “nhã ý” mời các sĩ quan Pháp đến dự một tiệc rượu để chào xã giao tại một trong hai khách sạn của thị trấn bị chúng trưng dụng. Ngày 1 tháng 3, lấy cớ bị nhầm lẫn vì tưởng các sĩ quan Pháp mời đáp lễ, hắn một mình đi vào doanh trại quân đội Pháp, ngó nghiêng quan sát khu chỉ huy của thiếu tá Moullet trong lúc ông này vắng mặt.
Rồi ngày 8 tháng 3, hắn đạt một giấy chính thức mời toàn thể ban tham mưu quân đội Pháp tối hôm sau đến dự tiệc trong doanh trại quân đội Nhật. Thiếu tá Moullet, vì đã hiểu rõ lòng dạ nham hiểm của tên Sawano, nên từ chối và tương kế tựu kế, lấy cớ đáp lễ bữa tiệc rượu hôm trước, cũng chính thức mới Sawano và các sĩ quan Nhật đến dự tiệc rượu trong tư thất của mình, vào cùng ngày cùng giờ. Sawano nhận lời.
Thiếu tá Moullet cho chuẩn bị kỹ càng cuộc đón tiếp này. Ông lệnh cho 7 sĩ quan trong ban tham mưu khi đến dự tiệc phải bí mật và kín đáo trang bị vũ khí tự vệ cá nhân. Ông bố trí một đội lính lê dương bồng súng có mang đạn lên nòng làm hàng rào danh dự chào quan khách. Rồi ông đặt toàn bộ quân đội trong tình trạng báo động cao nhất.
Ngày 9 tháng 3, 19 giờ, thiếu tá Sawano cùng 7 sĩ quan Nhật đến dự tiệc. Trong số 7 sĩ quan này thì 5 người không phải là sĩ quan mà là những kiếm sĩ đóng giả sĩ quan. Rượu vài tuần, cụng ly hỷ hả chúc mừng lẫn nhau. Rồi bỗng như nổi hứng lên, mấy viên sĩ quan Nhật gào lên hát các bài hát Nhật. Sawano, dường như không quen uống rượu Tây, có vẻ say rượu, thấy khó chịu trong người, cáo lỗi xin được ra về trước. Moullet tiễn hắn ra đến cửa, thì đúng vào lúc đó, như đã có mật hiệu từ trước, điện bị cắt, cả thành phố chìm trong bóng tối.
Trong phòng tiệc, các kiếm sĩ vội rút đoản kiếm ra xông vào chủ nhà. Đại úy Jolly bị giết chết ngay. Đại úy Van den Akker bị trọng thương, 3 sĩ quan khác bị bắt sống. Chỉ có trung úy Kerenneur cùng với thiếu tá Moullet chạy ra được, lên cố thủ trong một gác xếp để đồ trong tư thất. Trong thành phố, hàng trăm quân lính Nhật đã phục sẵn, từ trong bóng tối hiện ra, tỏa ra các nơi và nổ súng lia lịa.
Quân Pháp chống cự suốt đêm trong các doanh trại và các điểm tựa, cũng như trong pháo đài Billote do đại úy Jean Cenelle chỉ huy. Đến rạng ngày 10 thì các công sự bị chiếm hết, chỉ trừ có pháo đài và gác xếp của tư thất. Khoảng 9 giờ sáng, mọi việc đều kết thúc, quân Nhật đã làm chủ thị trấn Hà Giang. Sawano lại dùng những thủ đoạn thường xuyên, đe dọa sẽ giết hết nếu không đầu hàng. Moullet là người cuối cùng ra hàng. Sawano đã biệt đãi ông bằng cách cho đưa đến trước mặt ông lúc đó đi bị trói chặt, vợ, con trai và ông bố vợ của ông. Rồi hắn ra lệnh cho giết hết 80 tù binh người Âu và cho hiếp đến chết tất cả các phụ nữ da trắng bắt được. Giết bằng kiếm, bằng lưỡi lê và những nhát cuốc hình như theo một hình thức được quy định từ trước của chúng trong năm 1945 này. Riêng lính Đông Dương tất cả đều được chúng thả ra hết.
Ở Hà Cối lại có một biến tấu khác cũng không kém phần ngoạn mục. Kịch bản bây giờ không phải là bữa tiệc máu nữa, mà là một trận đấu bóng chuyền và cuộc giải khát sau trận đấu. Trong ngày 9 tháng 3, một đội quân Nhật khá đông đến đóng ở Hà Cối, một thị trấn nhỏ xíu nằm giữa Tiên Yên và Móng Cái. Đại úy Nhật chỉ huy đội quân này mời người đồng cấp là đại úy Régnier, chiều hôm đó đến dự một trận đấu bóng chuyền hữu nghị của quân Nhật. Régnier nhận lời, để đồn binh lại cho một trung úy và một thiếu úy chỉ huy. Hai người này được mời để dự cuộc giải khát sau trận đấu nhưng họ không thể bỏ đồn đi được.
Kết cục, Régnier bị bắt làm tù binh, không chịu ký lệnh cho đồn đầu hàng. Nhưng đến đêm thì đồn bị tấn công và chiếm đóng. Tất cả binh lính người Âu đều bị giết sạch. Đến rạng sáng ngày 10 thì Régnier cũng bị hành hình chém đứt đầu.
4. Người từ cõi chết trở về
Ở Đồng Đăng thì không có tiệc máu, nhưng cuộc thảm sát cũng cực kỳ man rợ. Đồn Đồng Đăng được xây dựng mới và được coi là đồn vững chãi nhất trên biên giới với 4 pháo đài chìm nối với nhau bằng những đường ngầm, có trang bị 2 khẩu pháo 75, 2 khẩu cối 81 và 25 súng tự động. Đồn mang tên Van-Vollenhoven có quân số 150 người với 20 lính người Âu, đặt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Soulié.
Trong ngày 9 tháng 3 quân báo cho biết có khoảng 3.000 lính Nhật đang tiến về phía Đồng Đăng. Vào khoảng 21 giờ 15, người ta nghe thấy một tiếng súng đại bác đầu tiên, rồi tiếp theo là nhiều tiếng khác. Đó là quân Nhật bắn để “nắn gân” quân trong đồn, vì chúng cũng chẳng cần đến yếu tố bất ngờ nữa. Vào quãng 23 giờ, một toán lính Nhật gồm 8 tên tìm đường đột nhập vào đồn để thăm dò các ổ đề kháng. Một cuộc giáp chiến xảy ra, tìm diệt nhau, kéo dài cho mãi đến 3 giờ sáng. Tât cả 8 tên lính Nhật đều bị giết, nhưng thiếu tá Soulié cũng bị trọng thương, đưa được vào trong đồn thì chết. Đại úy Anosse cho chôn thiếu tá ngay trong sân đồn và lên thay nắm quyền chỉ huy.
Ngày 10, quân Nhật dùng thang định leo qua tường đồn, bị bắn dự dội phải rút lui. Ngày 11, chúng cho phái viên đến cổng đồn kêu gọi đầu hàng. Đại úy Anosse trả lời: “Người ta chỉ đầu hàng nếu bị thua sức mạnh mà thôi”. Đến chiều hôm đó,lại một lần kêu gọi đầu hàng nữa cũng bị đại úy Anosse từ chối.
Hai toán cơ động do thiếu úy Jacobi chỉ huy, lọt ra khỏi được đồn, đi tới nhà ga đưa được về đồn một nhân viên hải quan người Âu, trốn trong làng. Cả đêm 11, quân Nhật nã pháo liên tục vào đồn.
Ngày 12, vào lúc 3 giờ sáng, chúng mở một cuộc tấn công lớn. Trận đánh kéo dài đến 10 giờ sáng. Vào giờ này, quân Nhật ào lên xung phong chiếm được đồn. Trong đồn không còn đạn dược nữa phải kéo cờ trắng đầu hàng.
Và bay giờ tấn đại bi kịch mới thực sự bắt đầu. Hãy nghe một người thực sự từ cõi chết trở về báo cáo lại. Tên anh ta là Cron, binh nhì trong trung đoàn 3 Bắc Kỳ:
“Quân Nhật ra lệnh cho tất cả chúng tôi phải tập trung dưới hàng hiên, và đứng thật yên, không được nhúc nhích. Ông đại úy Anosse được gọi ra khỏi hàng quân đến trao đổi với các sĩ quan Nhật một lát, bằng tiếng Anh. Khi trở về, ông tươi cười rất tự hào nói với chúng tôi là quân đội Nhật rất khen ngợi cuộc kháng cự anh dũng của chúng tôi đến mức còn gọi chúng tôi là những “con sư tử”. Sau đó các sĩ quan Nhật cho lính mang những ghế dựa ra ngồi ở ngoài sân, và ra lệnh cho đại úy Anosse đến ngồi với họ, những ngồi xổm ở dưới đất. Một sĩ quan Nhật đi ra sau lung ông, bất thần dùng đốc kiếm giáng một đòn thật mạnh vào gáy ông, làm ông ngã nghiêng sang một bên. Và lúc đó một sĩ quan Nhật khác rút khẩu súng lục trong bao ra, nhắm thẳng vào đầu ông bắn mấy phát liền, làm hộp sọ vỡ tan, óc bắn tung ra trên mặt đất. Trước hành động cực kỳ tàn bạo này, chúng tôi đứng chết lặng đi, vừa bất lực vừa kinh hãi.
Rồi một tên sĩ quan nữa đến trước mặt chúng tôi, lấy tay chỉ 9 người lính Âu còn sống sót, khoảng 40 người lính Đông Dương, và 2 phụ nữ bị bắt đang lúc băng bó cho thương binh. Chúng bắt chúng tôi phải ra ngồi ở ngoài sân. 10 phút sau, chúng tôi được lệnh phải đi về phía tám lính Nhật bị giết đêm đầu tiên, đi qua đó đến những kho chứa hàng của hải quan, và ở đó đã thấy ông chủ bưu điện và người phụ tá của ông bị bắt giam từ buổi sáng. Chúng bắt chúng tôi phải cởi hết quần áo, ở truồng. Đêm đến. Chúng tôi từ sáng không được ăn uống một tí gì. Chúng bắt chúng tôi ra sân tổng cộng tất cả là 54 người bị trói tay vào nhau. Chung quanh chúng tôi đầy nhóc lính Nhật vác súng cắm lưỡi lê. Chúng đưa chúng tôi ra khỏi đồn, đi về phía doanh trại quân Nhật, trên bờ con đường đi về Lạng Sơn, và bắt chúng tôi quỳ xuống trước một đường hào. Đến đây chúng tôi chắc chết và chờ chết nhưng hoàn toàn bất lực không thể làm gì được. Và cuộc hành hình bằng kiếm bắt đầu. Có người trong số chúng tôi phải chém đến ba nhát mới đứt đầu. Chúng tôi nghe cứ mỗi nhát chém anh ta lại la lên: “Nước Pháp muôn năm”. Chém rồi xác ngã nhào xuống đường hào. Người nào chưa chết thì lính Nhật đứng ở trên lấy lưỡi lê đâm túi bụi xuống cho chết hẳn.
Đến lượt tôi. Tôi ở vào số những người cuối cũng. Như một cách phản xạ, tôi căng các cơ bắp ở cổ và nghiêng đầu theo đà của lưỡi kiếm nên kiếm chỉ vạt vào một bên đầu. Tôi ngã bổ xuống đường hào, đầu cắm xuống trước, được xác của người bị chém sau đè lên. Anh này còn giãy giụa, thế là bị một tên lính Nhật dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát cho chết hẳn. Một lát sau lâu lắm, không nghe thấy tiếng động gì nữa, bọn Nhật đã đi hết, tôi cố lách người ra, từ từ ngồi dậy rồi leo lên khỏi bờ hào, trốn vào trong đêm.
Đi đường, tôi gặp hai người lính Đông Dương và nhập bọn với họ. Một người đã bị đâm đến chín nhát lưỡi lê. Đi khoảng vài trăm mét nhìn lại thấy ngọn lửa đang bốc lên rừng rực, nơi chúng tôi vừa bị hành hình. Đó là bọn Nhật đang đốt xác những người vừa bị giết để phi tang. Đi được khoảng 6 cây số, chúng tôi thấy một căn nhà bỏ hoang bên đường nên vào nghỉ tạm và được những người dân địa phương giúp đỡ cho ăn uống. Vì chỗ này còn gần quân địch quá, nên chúng tôi không dám ở lại đó, phải tản vào ngủ trong rừng...” (Báo cáo của binh nhì Cron, thuộc trung đoàn 3 Bắc Kỳ).
Ở Cao Bằng thì quân Nhật không tốn một viên đạn nào vì quân Pháp chưa đánh đã hàng ngay. Cao Bằng được đặt dưới sự chỉ huy của đại tá Séguin, tư lệnh trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa và đại úy Reul phụ trách địa bàn. Hai viên sĩ quan này thấy địa thế của Cao Bằng rất khó phòng thủ, không thể giữ được nên quyết định rút quân ra khỏi “cái tổ ong vò vẽ Cao Bằng” (Guêpier de Cao Bằng) vào rừng, tìm đường sang đất Trung Hoa, và để lại cho đại úy Fargues trọng trách “ở lại và kháng cự”, đồn Cao Bằng được xây dựng mới, vào tháng 3 năm 1942, trên địa điểm của thành cổ, trong hệ thống tuyến phòng thủ Bắc Kỳ, gọi là “tuyến Mordant”. Đồn mang tên Huntziger, là tên của một vị tướng lục quân thuộc địa, đã ký với quân Đức hiệp định đình chiến 22 tháng 6 năm 1940, và làm Bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ Vichy cho đến khi chết vì tai nạn năm 1941.
Đồn có một hỏa lực khá mạnh với 4 khẩu pháo 75,4 khẩu cối 22 đại liên và 6 trung liên. Quân Nhật đưa một trung úy Pháp, tù binh bị bắt ở Lạng Sơn đến thông báo đe dọa sẽ giết hết nếu không đầu hàng và bắt viên trung úy kể lại cuộc thảm sát tập thể mà anh ta đã chứng kiến và chưa hoàn hồn.
Ngày 14 tháng 3 năm 1945, Fargues để tránh một cuộc đổ máu mà ông biết sắp xảy ra và thế nào cũng sẽ xảy ra, quyết định hạ vũ khí đầu hàng.
Mặc dù nhà văn chiến đấu Charles Péguy có viết ở đâu đó một câu đánh giá như dao chém đá “Kẻ nào đầu hàng, dâng một địa điểm, thì mãi mãi cũng chỉ là một tên khốn nạn”, nhưng Fargues, một sĩ quan xuất sắc, có thể là một người có tâm địa tốt, chỉ muốn cứu mạng sống cho binh lính dưới quyền mình khỏi chết vô ích trong một trận chiến đấu quá chênh lệch, trước sự tàn bạo mất hết tính người của quân Nhật.
Nhưng cái bóng đen của “tên khốn nạn” kia cứ ám ảnh ông mãi, và ngày sau cuộc chiến tranh đã giết chết ông trong một tâm tư u uất hổ thẹn. Nhiều đồn bót khác tuy nhỏ yếu hơn đã kháng cự một cách tuyệt vọng.
Ở Quảng Yên, trung đoàn hỗn họp lục quân thuộc địa đã chiến đấu suốt đêm 9 rạng ngày 10 tháng 3, giữa những phụ nữ và trẻ con trong doanh trại, để lại 118 thương vong. Trong cùng đêm, Đáp Cầu chiến đấu được vài giờ. Ngày 11, Đình Lập bị tấn công, đến đêm thì bị hạ. Ngày 12 Yên Bái bị chiếm đóng. Ngày 13, Na Chầm bị ném bom, đại úy Meric, trưởng đồn bị Nhật hành quyết sau trận chiến. Ở Lào Cai cuộc kháng cự có dữ dội hơn. Đồn mang tên Pennequin, do một đại đội của tiểu đoàn 1 Bắc Kỳ chống đỡ, với một khẩu pháo 75 đã chiến đấu suốt một đêm, chỉ gục ngã khi Nhật bắn đại bác theo đường thẳng vào đồn, và bộ binh Nhật xung phong lên với khẩu súng phun lửa. Chuyện ở Bình Hỷ gần Na Chầm thì buồn thảm hơn: quân lính Đông Dương nổi lên giết chết trung úy Mougin trưởng đồn rồi bỏ chạy để trống đồn...
5. Trận đánh kết thúc vì không còn người chiến đấu
Về phía Tây Bắc tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn.
Bình Lư là một ngã ba quan trọng bảo vệ hậu phương của Lai Châu, Tuần Giáo và Sơn La. Đội quân của đại úy Prugnat lên tăng cường đang cố bắt nối với đội quân Pháp chiến đấu ở đó, nhưng không được phải tản vào các rừng núi chung quanh.
Ngày 11 tháng 3, đại úy Charbouneau, chỉ huy Phong Thổ lại điều về đó một toán quân nữa và giao trách nhiệm cho trung úy Ecochard cùng với 100 binh lính bằng mọi giá phải bảo vệ địa điểm này. Ngày 14, cuộc phòng thủ còn được tăng cường bởi đại đội của đại úy Bichoux rút từ Baxát về.
Bình Lư được tăng cường như vậy có nhiệm vụ phải kìm chân quân Nhật để cho quân tiếp viện ở Tông có đủ thì giờ lên tới nơi. Ngày 24 tháng 3 quân Nhật từ Sapa tới, tấn công vào vị trí cây số 9 do đại úy Bichoux chống giữ trong suốt hai ngày. Vào chiều 25, khoảng 16 giờ, quân Nhật làm động tác bao vây vị trí buộc Bichoux phải rút lui về cây số 5 đang được trung úy Ecochard bảo vệ. Hai sĩ quan hợp đồng với nhau, dàn quân sang hai bên sườn của nhau để bảo vệ lẫn cho nhau và tạo nên ở giữa một cái bẫy thu hút quân địch. Họ còn thực hiện một động tác nghi binh trên một cái đèo ở trung tâm để thu hút hỏa lực của địch, và đợi địch đến gần mới nổ súng.
Tất cả đã diễn ra như dự định. Quân Nhật pháo kích mạnh mẽ rồi xông lên tấn công. Quân Pháp nổ súng bắn rất dữ dội. Quân Nhật bị thương vong nhiều phải tản vào hai bên rừng, bị đạn cối và đạn VB của Pháp bắn đuổi theo. Lúc này hai sĩ quan hội ý có nên rút đến một vị trí khác dễ phòng thủ hơn để tiếp tục chiến đấu không? Nhưng rút đi đâu vì sau lưng là vùng đồng bằng, địa hình trống trải, hỏa lực của địch lại rất mạnh. Vả lại, nhiệm vụ được giao là phải bằng mọi giá giữ vững được vị trí cho đến khi toán quân của Prugnat đến được Bình Lư trước quân Nhật. Ecochard quyết định ở lại.
Khoảng 17 giờ 30, quân Nhật lại xông lên tấn công, được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh của đại liên và súng cối, nhưng vẫn bị kìm chân lại. Khoảng 20 giờ, một đợt tấn công nữa bằng lựu đạn cũng bị đánh lui. Sau đó, cứ sau mỗi giờ chúng lại xông lên, thương vong rất nhiều nhưng vẫn không đánh bật được quân Pháp.
Vào khoảng nửa đêm, chúng dồn hết lực lượng mở một cuộc tấn công lớn, và cũng là cuộc tấn công cuối cùng, cuộc tấn công quyết định.
Quân Nhật, đông như kiến, vừa la thét kinh khủng vừa xung phong lên, tràn ngập khắp bốn bề. Một cuộc giáp chiến đẫm máu diễn ra. Quân Pháp bị đè bẹp dưới số đông. Ecochard, thương tích đầy mình, là người còn sống sót cuối cùng, vùng đứng thẳng lên, bắn hết đạn trong khẩu súng lục của mình rồi mới ngã xuống bên cạnh các đồng đội. Trận đánh kết thúc vì quân Pháp không còn một người nào sống sót.
(Theo báo cáo của đại đội 11, Trung đoàn bộ binh Bắc Kỳ II/1)
Luân Châu ngày 1 tháng 4 - 10 giờ sáng nhìn thấy quân Nhật cách 1 cây số. 10 giờ 20, chúng tấn công và bị kìm lại bởi đạn cối và đạn VB. 12 giờ lính gác báo cáo, quân Nhật đang len lỏi ở bên phải và bên trái bìa rừng.
12 giờ 25, chúng bất ngờ tấn công từ trong rừng ra. Chúng bắn như vãi đạn, bắn chính xác như bắn bia. Đại úy chỉ huy Alveny bị hai vết thương ngã xuống. Thiếu úy lessons chạy lại đỡ ông lên, trong khi trung úy Poitevin cố tìm cách rút lui qua một đường tắt để xuống đường cái tỏa ra cánh đồng. Đại úy được đặt trên một chiếc cáng do hai người lính là Ferrani và Neveu khiêng đi, Poitevin đi tập hậu để bảo vệ; bằng một khẩu tiểu liên. Nhưng rồi Ferrani bị thương ở tay và Neveu bị thương ở chân. Cả hai bỏ rơi chiếc cáng, làm đại úy ngã xuống đất. Tất cả chạy tản ra để tự vệ dưới làn đạn của địch.
16 giờ, những người sống sót rút lui được về đến Nậm Men. Xác của đại úy Alveny nằm lại trên đồng cỏ...
(Trích nhật ký đi đường của thiếu úy Jessons)
Sơn La 24 tháng 3. Vào ngày giờ này không còn có chuyện bất ngờ nữa nên phải lo phòng thủ. Nhưng cái lòng chảo quá chật hẹp này khó mà bảo vệ được, nên ban chỉ huy ở đây quyết định trong đêm 25 rạng ngày 26 phải rút hết ra ngoài. Tất cả các cơ sở, kho xăng, kho đạn đều đốt cháy hết. Cây cầu cũng bị phá hủy luôn.
Tiểu đoàn 2 do đại úy Besset chỉ huy đến đóng ở một vị trí thuận lợi cắt ngang con đường, ở cách Sơn La 7 cây số. Tại đây còn có một điểm tựa số 1 do đại úy Duget chỉ huy với đại đội 5 đóng giữ, cùng với một toán phi công từ căn cứ không quân Tông lên tiếp viện. Đại đội 7 thì đóng ở cây số 5. Đằng trước họ là một hệ thống tiền đồn do đại úy Courant chỉ huy. Sở chỉ huy của tiểu đoàn thì đóng ở gần điểm tựa số 1.
Buổi chiều ngày 26, đại úy Cockborne, chỉ huy tiểu đoàn 2, cho làm một cuộc thăm dò ở bên ngoài những tiền đồn của cây số 5, không thấy có gì khả nghi. Nhưng vừa chập tối vào quãng
19 giờ, thì các tiểu đồn đột nhiên bị quân Nhật tấn công bằng tiểu liên và lựu đạn. Chúng bị chống trả lại kịch liệt. Đại úy chỉ huy tiểu đoàn phán đoán quy mô cuộc tấn công và thấy những tiểu đồn này chắc không thể chống giữ được qua đêm nên ra lệnh cho rút lui về, vừa rút vừa đánh để làm chậm bước tiến của quân địch. Nhưng chúng theo sát và vẫn tiến lên rất nhanh, tiếp cận được với các vị trí phòng ngự và tổ chức các đợt xung phong liên tiếp trong suốt 4 giờ đồng hồ liền với một hỏa lực cực mạnh súng cối, đại liên và lựu đạn. Lính lê dương và các phi công cầm cự được đến 23 giờ thì quân Nhật tạm thời rút lui, các vị trí phòng thủ được củng cố lại, cả đêm mọi người căng thẳng chờ đợi đến sáng.
Sáng hôm sau, vào khoảng 6 giờ 30, trong một cuộc tấn công dữ dội với những tiếng thét kinh khủng và dưới một trận mưa rào sập xuống, chúng chiếm được một số điểm cao, từ đó nã đạn cối, súng liên thanh chính xác vào các vị trí Pháp...
Trận chiến ác liệt cứ như thế kéo dài đến 11 giờ trong các đợt xung phong liên tiếp của quân Nhật. Đến 13 giờ 30 thì có lệnh cho quân Pháp rút lui toàn bộ. Sơn La rơi vào tay quân Nhật. Rồi Tuần Châu... Rồi Tuần Giáo... Rồi Mãlítao... cứ lần lượt theo nhau gục ngã, bị Nhật chiếm đóng. Thế là con đường đến Lai Châu bị mở toang.
6. Ngài trung tướng ngáp và nổi quạu
Thế còn những trung tâm lớn ở vùng xuôi thì sao? Hải Phòng thế nào? Hà Nội ra sao?
Sau đây là tóm tắt tường thuật của chính một người trong ở cuộc, tướng Henry Lapierre, người chỉ huy cuộc chiến đấu ở Hải Phòng. Ở đây thực sự cũng không thể nói là có yếu tố bất ngờ được nữa. Lapierre cay đắng nhận xét:
“Tuy rằng trước cuộc tấn công đã có những tin tức tình báo chính xác cho thấy rõ ý đồ của Nhật, nhưng những tin tức đó đã không được chuyển đi kịp thời và với một sự chính xác đầy đủ, làm cho các cấp dưới phải lâm vào những tình trạng rất khó khăn...”
Đêm 8 rạng ngày 9 tháng 3, vào quãng 0 giờ 50, ban tham mưu của lữ đoàn 1 (Hải Phòng) nhận được hai bức điện mật mã từ ban tham mưu sư đoàn Bắc Kỳ ở Hà Nội phát đi ngày 8 lúc 19 giờ 50.
Điện số 95: “Do yêu cầu của ngành đường sắt, trung đoàn hỗn họp 19 (19 RMIC) sẽ ở lại Hải Dương thêm một ngày nữa”.
Điện số 96: “Tổng thao diễn báo động cho toàn nhóm phân sư đoàn Hà Nội bắt đầu từ ngày hôm này vào lúc 20 giờ 30”.
Với bức điện 95, kết quả là ngoài những rắc rối về vấn đề chỉ huy, thì tiểu đoàn 1 sẽ không có súng liên thanh và súng cối thêm một ngày nữa. Như thế có thể hiểu là tình hình chưa có gì khẩn trương lắm.
Với bức điện 96, những chữ “tổng thao diễn báo động” (exercise général d’alerte) có thể hiểu là một cuộc kiểm tra thường kỳ các biện pháp phải tiến hành trong trường hợp có báo động. Như vậy, cũng với bức điện trên, càng chắc chắn là tình hình chưa đến nỗi nghiêm trọng lắm. Lúc nhận điện là 1 giờ sáng, thì những chữ “bắt đầu từ ngày hôm nay 20 giờ 30” có nghĩa là cuộc diễn tập sẽ bắt đầu vào lúc 20 giờ 30 ngày 9 tháng 3, tối ngày mai.
8 giờ 30 sáng ngày 9, vấn đề được đặt ra cho Lapierre là vào lúc nào thì sẽ kết thúc cuộc thao diễn. Viên trung úy hải quân Loréal và viên đại úy Quinet trong “Ủy ban liên lạc Pháp - Nhật” được cử đi thăm thú tình hình xem về phía Nhật có động tĩnh gì không. Đến 11 giờ, hai viên sĩ quan về báo cáo “không thấy có gì thay đổi trong sinh hoạt của các sĩ quan Nhật và trong hoạt động của ban liên lạc”. Đại úy Meridan, đại diện của Pháp ở “Ủy ban liên lạc Pháp - Nhật” tại Hà Nội được hỏi, cũng trả lời bằng điện thoại “ở đây, tất cả đều yên tĩnh”.
Chưa yên tâm, Lapierre lại điện hỏi đại úy Kerhoas trong ban tham mưu của sư đoàn và được trả lời “không có gì mới”. Điện gặng hỏi lại thêm lần nữa, vẫn là “không có gì mới”. Nhưng Lapierre vẫn lệnh cho các sĩ quan từ 11 giờ 30 đến 12 giờ phải đi ăn trưa theo hai đợt để có người trực, và lệnh cho nhà bếp chuẩn bị cho bữa ăn chiều cho tất cả các sĩ quan vì phải cắm trại.
14 giờ, đại tá Maupin chỉ huy tiểu đoàn RMIC 19, lúc đó đang ở Quảng Yên, rất lúng túng về việc phải chia tiểu đoàn ra từng tốp 50 người, đi cách nhau 30 phút để qua phà. Mặt khác, các trang thiết bị, võ khí đạn dược của tiểu đoàn phải chở đi bằng thuyền, sẽ xuất phát từ Quảng Yên vào lúc 17 giờ.
14 giờ Lapierre đánh điện về ban tham mưu sư đoàn hỏi: “Xin cho biết theo điện số 95 thì tiểu đoàn RMIC 19 có hành quân về phía Hà Nội hay không?” - không biết bức điện có đến nơi hay không, nhưng không có trả lời.
14 giờ 30 viên đốc lý thành phố Hải Phòng Luciani mời Lapierre đến ngay tòa đốc lý có việc rất khẩn cấp. Đến nơi, ông đưa cho Lapierre đọc một bức điện của Thống sứ Bắc Kỳ báo tin “Khả năng có thể có một cuộc chính biến của các phần tử quốc gia (nationalistes) người bản xứ được quân đội Nhật yểm trợ”. Bức điện cũng căn dặn đốc lý phải cảnh giác đề phòng “có thể ông ta sẽ bị bắt cóc”.
15 giờ Luciani triệu tập họp tất cả những người đứng đầu các ban và những người cộng sự trực tiếp tuyên bố nếu bị tấn công sẽ tuyên bố tình trạng giới nghiêm và tất cả các cơ quan hành chính dân sự, sở mật thám, sở cảnh sát, cùng đội lính khố xanh sẽ đặt dưới quyền chỉ huy của ông.
Lapierre có dự cuộc họp này đề nghị thêm lấy bệnh viện của thành phố làm nơi lánh nạn của các gia đình người Âu khi có tấn công.
17 giờ, lính gác báo cáo trên sân thượng của hãng than (Charbonnage) thấy lố nhố có nhiều quân Nhật, có vẻ chú ý đặc biệt quan sát doanh trại Bouet của quân đội Pháp.
18 giờ 45, đại tá Maupin báo cáo về Hà Nội, quân của ông khi qua phà bị quân Nhật xả súng tấn công. Hà Nội trả lời: “Ở đây yên tĩnh. Có thể đó chỉ là một sự kiện đụng độ nhỏ. Sẽ phái Loréal với sĩ quan Nhật đi giải quyết”.
19 giờ Lapierre gọi điện hỏi Maupin: “Loréal đã đi rồi. Tránh đừng làm cho chuyện xấu đi hơn. Còn bắn nhau nữa không?” Trả lời: “Đã ngừng bắn, nhưng quân Nhật kéo về phía ở Quảng Yên. Tôi sẽ dồn quân về trại Galliéni. Sẽ chỉ nổ súng nếu trại này bị tấn công”.
19 giờ 10, hạ sĩ Kolbacher từ ngoài cảng báo cáo: “Quân Nhật tước vũ khí của các lính gác một cách thô bạo”.
19 giờ 15. Các sĩ quan đã ăn tối xong đợt 1.
19 giờ 20. Báo động toàn thể. Những lỗ châu mai của các lô cốt được mở ra. Những két lựu đạn được khiêng đến, mở sẵn nắp két.
19 giờ 25, ba tiếng nổ lớn. Giờ G đã đến. Súng bắn như mưa. Quân Nhật vừa la thét vừa xông lên tấn công doanh trại Bouet. Trận chiến bắt đầu.
Tình hình trong doanh trại Bouet lúc đó như sau. Trong trại có:
- Ban tham mưu của tiểu đoàn 1: đại tá Lapierre, đại úy Elie, đại úy Polak, hạ sĩ Strazza từ một cơ sở ở giữa thành phố đã rút về đây khi nhận được điện số 96.
- Lapierre cho phá hủy bảng mật mã và các tài liệu mật.
- Toàn bộ quân lính và ban chỉ huy của RMIC 19 gồm: đại tá chỉ huy trưởng, 17 sĩ quan, 42 hạ sĩ người Âu và 65 lính Âu, 250 hạ sĩ và lính Đông Dương.
- Bệnh xá của doanh trại có 2 bác sĩ, 2 y tá người Âu, 1 hạ sĩ tài vụ và 1 y tá Đông Dương.
- Nhiệm vụ của doanh trại: bảo vệ doanh trại “đến giới hạn có thể được”.
- Trại ở giữa thành phố, 3 mặt có tường cao 1,5 thước, trên có rào sắt. Chỉ có vài ba lô cốt xây ẩu tả bằng vật liệu mua trôi nổi ở địa phương. Không có một thước hàng rào kẽm gai nào vì không tìm được ở đâu có để mua. Trại nằm giữa những nhà dân có gác cao ở bốn hướng xung quanh, “trông giống như một công viên hơn là một thành trì”.
19 giờ 25, quân Nhật tấn công mặt đông và mặt bắc. Chúng đã chiếm hết các nhà dân ở ngoài phố chung quanh trại, từ trên các gác cao nã súng vào trại. Trại bắn trả lại dữ dội.
19 giờ 45, đánh điện theo mật hiệu “Hải Phòng - Saint Barthelemy” để báo tin bị tấn công cho tướng tổng tư lệnh ở Hà Nội.
20 giờ quân Nhật dùng máy tăng âm phát lời kêu gọi bằng tiếng Pháp: “Hỡi người Pháp, nếu các người muốn tránh tai họa cho bản thân và gia đình thì hay hạ vũ khí, các người sẽ được an toàn”. Sau đó kêu gọi bằng tiếng Việt. Dứt tiếng kêu gọi, tiếng súng máy tiếp tục nổ ran trên đại lộ Bounal.
20 giờ 15, mặt đông bắc bị tấn công bằng súng cối và lựu đạn. Binh nhất Carre giữ khẩu liên thanh ở đây bị trọng thương, súng bị phá hủy. Nhiều thương vong ở mặt này.
20 giờ 30, quân Nhật len lỏi vào doanh trại. Hỗn chiến với một toán lính Nùng. Trung úy Phạm Khắc Bùi bị trọng thương, đạn bắn vào ngực và lưỡi lê đâm nhiều nhát.
21 giờ, đại úy Ammont được phái đi xem tình hình ở mặt đông bắc cùng với 10 lính lê dương. Ammont bị thương, chỉ còn 3 người lính ở lại với anh ta.
22 giờ. Quân Nhật lại kêu gọi hạ vũ khí, chúng thâm nhập vào mặt tây do trung úy Claire chống giữ. Tiểu đoàn trưởng Simon tử thương. Đại úy Filliot bị thương vào gần xương sống không thể đứng dậy được nữa. Thế là ban chỉ huy chiến đấu của RMIC 19 từ 9 sĩ quan nay chỉ còn lại 5.
22 giờ 30, đại úy Margerel và đại úy Quinal được lệnh đi thay Filliot và Simon. Quinal bị chết trên đường đi đến vị trí chỉ huy.
Một tiểu đoàn trưởng Nhật trèo qua hàng rào sắt bằng thang vào được trong doanh trại và đặt sở chỉ huy ngay trong các văn phòng của trại. Ở đây đã có nhiều quân Nhật thâm nhập vào được từ trước và đã mắc được đường dây điện thoại dã chiến ra ngoài.
24 giờ, trung sĩ Henri đi tiếp tế cho lô cốt 6, không trở về nữa. Lô cốt này lúc đó đã bị Nhật chiếm lúc nào không ai hay biết. Tất cả binh sĩ trong lô cốt đã chết hết.
2 giờ sáng, lời kêu gọi tối hậu: “Nếu trong 20 phút nữa, không hạ vũ khí thì quân Nhật sẽ tổng tấn công”.
2 giờ 20, súng cối Nhật bắn dữ dội nhưng cuộc tổng tấn công không xảy ra.
3 giờ trở đi, yên lặng cho đến sáng. Quân Nhật thâm nhập qua các phố Domine và Négrier. Lapierre kể lại: “Từ lúc 23 giờ, tôi đã biết rõ kết cục của cuộc chiến đấu quá chênh lệch về lực lượng này nên đã cho đốt hết mọi giấy tờ tài liệu. Đốt luôn cả cờ. Mũi giáo trên cán cờ đốt không cháy đã được đem chôn trong sân trại”.
10 giờ sáng Nhật tấn công bằng đại bác bắn thẳng.
Lapierre báo cáo: “Tiếp tục chiến đấu trong một hoàn cảnh quá chênh lệch như vậy sẽ chỉ đưa đến một kết cục tàn sát tất cả mà không gây được cho địch thiệt hại gì, tôi quyết định cho nổi hiệu kèn “Ngừng bắn” (Cessez le feu)”.
Thế là hết - lúc đó là vào 10 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3 năm 1945. Có lẽ chỉ có ở đây là một trung tâm quan trọng, một cửa bể có tàu quốc tế ra vào, nên quân Nhật không để lộ bộ mặt tàn ác của chúng, dày xéo lên công ước quốc tế mà tàn sát tù binh như đã thấy ở các nơi khác. Nhưng chúng cũng đã làm một việc không cao thượng gì để hạ nhục những người thua trận. Chúng bắt tập trung tất cả những người còn sống sót, bị thương hay không, ra quỳ trong nhiều giờ ở giữa sân doanh trại. Dân chúng Hải Phòng nhiều người đã được mục kích quang cảnh nhục nhã này. Cái giá phải trả cho cuộc thất trận này cũng khá cao, tổng kết lại ở cả trong và ngoài doanh trại, chỉ tính riêng số người Âu có:
- 57 người chết, trong số đó có một thiếu tá, một đại úy, một trung úy, 10 hạ sĩ quan.
- 67 người bị thương, trong số đó có hai đại úy, một trung úy, hai hạ sĩ quan.
- 17 người mất tích trong số đó có bốn hạ sĩ quan.
Thế còn thủ đô Hà Nội?
Có điều rất ngạc nhiên là ở đây lại có một sự bất ngờ hoàn toàn: bất ngờ vì một sự bất ngờ lẽ ra không thể có được.
Đại tá Cavalin phụ trách tình báo sau này đã khai ra trong một bản báo cáo chính thức: ông ta đã mấy lần gởi lên tướng tổng tư lệnh những thông tin chính xác và rất đáng lo ngại về các âm mưu của quân Nhật sẽ tấn công. Nhưng lần nào cũng vậy - theo lời Cavalin - “Ông tướng ngáp và nổi quạu” (“Le général bailie et s’impatiente”)
Vì thế vào lúc 20 giờ khi nổ ra cuộc chính biến, thì còn rất nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan đang ở trong nhà riêng với gia đình, hoặc ở những nơi vui chơi giải trí trong thành phố. Đến cả quân lính cũng không bị cắm trại, được đi lại tự do ra ngoài.
Còn ông tướng tư lệnh Ayme, thì ngay từ những phút đầu đã bị quân Nhật bắt sống cùng với cả gia đình ở tư thất, không có một cử chỉ kháng cự nào. Được cái, sau đó ông không chịu ký vào lệnh ngừng bắn. Và sau này phải làm tù binh của Nhật cho mãi đến tháng 10 mới được thả ra, trao trả.
Cuộc tấn công của quân Nhật nhằm vào hai mục tiêu chính đã được chúng định sẵn:
- Một là ở bờ sông Hồng, nơi có các văn phòng của bộ tư lệnh tối cao, và những biệt thự dành làm tư thất cho tướng tổng tư lệnh và các sĩ quan cao cấp. Đằng sau lưng khu này là các phố Bobillot và Ferrié, có trường đại học, nhà hát lớn và những sở truyền thông và thống kê.
- Hai là khu thành cổ, bây giờ không còn thành nữa vì đã bị quân Pháp phá hết khi chiếm Hà Nội vào giữa thế kỷ XIX, để xây dựng một hệ thống doanh trại và văn phòng.
Khu Bobillot (bây giờ là phố Lý Thánh Tôn) thì cầm cự được từ 20 giờ đến 4 giờ sáng, còn khu Ferrié, do trung tá Lacomme, phó trưởng tham mưu chỉ huy, thì lâu hơn, đến 10 giờ sáng hôm sau.
Trong các văn phòng của Ban Hành động và Tình báo (Service Action et Renseignements) hai đại tá Guyot và Cavalin phụ trách, cho đốt hết các tài liệu rồi trốn thoát ra ngoài cùng với vài sĩ quan khác, trừ đại úy Braive bị một đội tuần tra Nhật bắn chết.
Trong khu thành cổ thì chiến sự ác liệt hơn: ở đây có ba trung đoàn 1, 4 và 9 tất cả khoảng 1.000 người dưới quyền chỉ huy của tướng Massimy. Tướng Mordant thì vì nhảy qua tường bị sái chân không ra chỉ huy và lẩn trốn, đến sáng ngày 10 thì ra hàng quân Nhật. Quân Pháp chống cự suốt đêm 9 tháng 3, cả buổi sáng ngày 10 đến 15 giờ 30 chống lại các cuộc tấn công của quân Nhật vào các doanh trại Brière-de-l’Jsle, Balny, Berthe de Villers và Mangin... Vì sự kháng cự anh dũng như vậy, nên khi ngừng bắn đầu hàng quân Nhật cho họ được hưởng những “Vinh quang của chiến tranh” (les honneurs de guerre):
Những người còn sống sót được tập trung lại, xếp hàng, bồng súng chào, trong khi là cờ tam tài đã từng phất phới, ngự trị trên mảnh đất này gần một thế kỷ, được từ từ hạ xuống, vĩnh viễn hạ xuống. Còn cái giá phải trả? Quá ít so với cuốn sổ nợ máu đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân hai nước anh em Miên Lào: chỉ riêng ở khu thành này, chỉ riêng ở dưới bóng ngọn cờ này, chỉ riêng lính da trắng: 295 người chết, trong số đó có 10 sĩ quan và 200 người bị thương, tức là gần 40% quân số.
Sau những “Vinh quang của chiến tranh”, sau lễ hạ cờ, các tù binh bị quân Nhật lấy báng súng và đốc kiếm đánh túi bụi dồn vào một góc. Những người trước đã có tham gia vào cuộc kháng cự trong nội địa, hoặc bị nghi ngờ như thế, được tách riêng ra, đưa về sở Kampetai (giống như sở mật thám trước đây của Pháp), một địa ngục trần gian của Nhật đặt ở đường Gambetta (nay là đường Nguyễn Thái Học) để chờ được tra tấn xét hỏi. Những người còn lại thì bị đưa lên trại tập trung ở Hòa Bình, được mệnh danh là “trại chết từ từ” (Camp de mort lente).