Lời giới thiệu

    
ách mạng tháng 8-1945 là sự kiện quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Nó chia thế kỷ thành hai mảng sáng-tối; một dân tộc bị chìm đắm trong đêm dài nô lệ mất nước và cũng dân tộc ấy đã “rũ bùn đứng dậy” làm chủ vận mạng của mình bằng một cuộc cách mạng lật đổ ách đô hộ phát xít, thực dân, phong kiến và tỏ rõ sức mạnh của ý chí tự chủ bằng những cuộc kháng chiến trường kỳ đánh bại “hai đế quốc lớn” bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ của một nước Việt Nam thống nhất.
Cách mạng tháng Tám thành công vừa tròn một năm (1946), một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là một trong những yếu nhân của cuộc cách mạng, tác giả của ban Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã là một người đầu tiên tổng kết cuộc cách mạng như một sự kiện lịch sử và kêu gọi những người từng có mặt trong biến cố lịch sử này hãy tham gia tổng kết để rút ra những bài học lịch sử giúp cho dân tộc ta đủ sức đi tiếp trên chặng đường trường chinh chắc chắn còn nhiều gian khổ và thử thách, Cách mạng tháng Tám 1945 đi vào sử sách bắt đầu là như vậy. Và quả thực, những bài học lịch sử rút ra từ cuộc cách mạng này không chỉ cho chúng ta và các thế hệ sau chiếm ngưỡng, mà quan trọng hơn là để tìm thấy những nguồn lực to lớn cho dân tộc hướng tới tương lai.
Những pho lịch sử viết về cuộc Cách mạng tháng Tám được tiếp cận từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ nhiều vị thế khác nhau và của cả những tác giả trong nước và ngoài nước, giờ đây rất phong phú. Nhưng điều chắc chắn là những công trình lịch sử ấy chưa tương xứng với hiện thực phong phú của cuộc cách mạng. Việc viết tiếp và nhận thức về cuộc cách mạng này còn là một hành trình lâu dài, bởi lẽ lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng nhận thức nó là cả một quá trình.
Cuốn sách “Đêm dài Nhật - Pháp bắn nhau” của bác sĩ Ngô văn Quỹ là một đóng góp trên quá trình nhận thức đó. Cuốn sách không tiếp cận cuộc cách mạng từ phía cuộc vận động vô cùng gian khổ và quả cảm cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ tham mưu của những người cách mạng, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, mà lại tiếp cận từ phía những diễn biến trong lòng bộ máy thống trị của phát xít Nhật và đế quốc Pháp trên toàn Đông Dương, mà đỉnh điểm là cuộc đảo chính diễn ra vào đêm 9-3-1945. Đây chính là mảng nhận thức mà số đông bạn đọc Việt Nam, và những sách sử của chúng ta đề cập tới chưa đầy đủ. Cuốn sách như một lớp sơn lót là những đường nét phác thảo cái nền của một bức tranh lịch sử đất nước ta trước cách mạng, một dân tộc đang bị phát xít thực dân dày xéo, đang trải qua một nạn đói mà sức tàn phá chỉ có thể sánh với cơn hồng thủy. Và chính trên cái nền ấy, chúng ta sẽ thấy nổi bật hơn, sáng chói hơn những tia chớp báo hiệu cuộc chuyển mình của dân tộc Việt Nam, mà ban Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là một hiệu lệnh hành động.
Bác sĩ Ngô văn Quỹ không phải là một người viết sử chuyên nghiệp, ông cũng không chỉ làm công việc chuyển ngữ tư liệu được viết bằng tiếng nước ngoài cho bạn đọc Việt Nam không có điều kiện tiếp xúc với nguồn sử liệu quý này, điều quan trọng hơn là ở độ tuổi 82, ông thuộc thế hệ những “người chứng kiến”, nhờ vậy mà cuốn sách này có hơi thở, nhịp đập của quá khứ. Về tác giả của cuốn sách này, tôi muốn nói rằng, chẳng bao lâu nữa, những người sống cùng thời với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 sẽ không còn nữa, và một khi sự thực này thực sự chỉ còn là ký ức được lưu truyền lại cho những thế hệ sinh sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì chúng ta mới ý thức được giá trị của công cuộc “bảo tồn ký ức” về những thời đã qua. Nghĩ vậy nên tôi càng trân trọng những cuốn sách viết về Cách mạng tháng Tám năm 1945 của thế hệ đã từng chứng kiến sự kiện lịch sử này, dù cho đây không phải là một cuốn hồi ký, chỉ là một cuốn sách biên khảo, nhưng lại là của một người thiết tha với những trang sử mà mình đã từng được sống trong thời đại đó. Với tâm cảm đó, xin giới thiệu cùng bạn đọc cuốn “Đêm dài Nhật - Pháp bắn nhau” của bác sĩ Ngô văn Quỹ.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 9 năm 2001
Dương Tung Quốc
Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam