Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
POMYONG:
Cách Cắm Hoa Dành Cho Người Cư sĩ Đại Hàn
Martine Batchelor
chuyển ngữ tiếng Anh

    
omyong sống ở một Ni viện tại Seoul, nơi bà tu thiền và dạy cách cắm hoa.
°
Lúc năm tuổi, tôi được mang đến ni viện này. Lúc đó tôi bệnh rất nặng, gia đình sợ là tôi không sống nổi. Họ tin rằng chỉ có việc gửi tôi lên chùa mới mong cứu được tôi.  Thật vậy, tôi đã lành bệnh và đã sống tại đây như một nữ tu sĩ suốt ba mươi hai năm nay. Tôi đã chọn ở lại chùa sau khi lành bệnh vì tôi cảm thấy rất thích đời sống nơi ni viện này. Tôi không ân hận gì về sự chọn lựa đó, và nguyện suốt đời làm người tu. Tôi bắt đầu việc cắm hoa năm 1988 khi thế vận hội Olympics đang được phát động, và chúng tôi được yêu cầu chỉ bày cho khách phương Tây cách cắm hoa theo phương cách của Phật giáo. Năm đó chúng tôi bắt đầu lập hội, và đã hoạt động suôn sẻ từ bấy đến nay. Giờ hàng năm đều có triển lãm cắm hoa do chư ni đảm nhiệm vào ngày Phật đản.
Trong thiền viện này, cũng có không gian dành riêng cho các hoạt động văn hóa.  Mỗi thứ sáu, các nữ cư sĩ đến thực hành cắm hoa với tôi. Vì có chút năng khiếu trong việc này, tôi muốn chia sẻ khả năng đó với các cư sĩ đến chùa.  Qua việc dạy họ cắm hoa, tôi hy vọng là cũng có thể truyền tải giáo pháp cho họ. Nhiều người thuộc các tôn giáo khác đôi khi cũng tham gia với chúng tôi. Lúc đầu, tôi không nói về Phật giáo. Dần dần, trong khi thực hành cắm hoa, khi thuận tiện, tôi đem giáo lý của đức Phật vào một cách tự nhiên.
Tôi rất thích hoa. Tôi biết cách cắm hoa nhờ luôn dâng hoa cúng Phật. Có sáu hình thức cúng dường cho đức Phật, và hoa là một trong sáu cách đó. Nghệ thuật tâm linh này đã bị mai một khi Phật giáo bị những người theo Nho giáo đàn áp trong suốt năm trăm năm. Tôi muốn làm sống dậy nghệ thuật tâm linh này cho Phật giáo vì người ta có thể được lợi ích nếu được học một cách nghiêm chỉnh.  Nghệ thuật cắm hoa không phải chỉ là cắm hoa vào bình.  Khi cắm hoa tôi thiền, và tâm tôi trở nên rất yên tĩnh khi tôi gác bỏ mọi chuyện. Vì dầu là một nữ tu sĩ, tôi cũng có những khó khăn của riêng mình. Khi cắm hoa, những gì mà tôi chứng kiến, những gì mà tôi thu thập, tất cả những nỗi bất an trong lòng tôi, tất cả đều biến mất. Đối với tôi, điều này cũng giống như thiền định.
Lúc bắt đầu lớp học, chúng tôi tụng kinh Phật, thề nguyện nương trú tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), và đọc Tâm kinh [Heart Sutra - một bản kinh Đại thừa ngắn về tánh Không]. Sau đó im lặng ngồi thiền trong năm phút. Tôi nói với các học viên rằng tâm trí của họ cũng cần tươi đẹp như hoa. Tuy nhiên, điều đó không thể có được vì chúng ta sống trong vô minh và những nỗi ám ảnh u ám. Tôi khuyến khích họ nên tiếp xúc với con cái, thân bằng với tâm cao quý, và tươi đẹp như hoa. Tôi cố gắng giảng về đức Phật và giáo lý của Ngài bằng những ẩn dụ, biểu tượng về hoa. Đó là một cách giáo dục toàn vẹn: từ cách cắm hoa đúng cách, đến cách gìn giữ thân tâm. Họ phải giữ tư thế phù hợp khi cắm hoa. Lưng phải thẳng. Tâm phải trong sáng, tỉnh thức, không chỉ trong lớp học mà cả trong đời sống hằng ngày. Khi tôi nói họ phải sống có trí tuệ, tôi hàm ý là họ phải sống một cách khôn ngoan. Bất cứ khi nào phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, họ phải cố gắng giải quyết chúng một cách khôn ngoan.
Các nữ cư sĩ đến học thường đã lập gia đình. Trong cuộc sống gia đình, họ gặp phải bao điều khó khăn - với chồng con, gia đình, mẹ chồng.  Ngày nay, cuộc sống gia đình thường rất phức tạp, và điều này thường khiến người ta rất đau khổ. Tôi khuyên họ nên giải quyết các vấn đề này một cách khôn ngoan. Đôi khi họ chia sẻ với tôi những nỗi khổ đau to lớn mà họ không biết làm cách nào để giải quyết hay để chịu đựng, nên sau mỗi buổi học tôi thường có những buổi gặp riêng để tư vấn họ. Đức Phật ngự trên toà sen cao ngất, nhưng chư ni chúng tôi là chúng sanh, và người ta có thể chia sẻ với chúng tôi tất cả những gì trong tâm họ. Bằng cách chia sẻ với tôi về những vấn đề của họ, họ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Các nữ cư sĩ này thường ở tuổi trung niên, hơn bốn mươi. Họ ở một bước ngoặt của cuộc đời. Họ tự hỏi về ý nghĩa cuộc đời mình. Họ đã lập gia đình từ lúc hai mươi, ba mươi tuổi, giờ họ bốn mươi, năm mươi, con cái đã lớn, đã tự lập.  Hai mươi năm qua họ bận rộn chăm sóc con cái, lo lắng cho chồng. Giờ đã trọng tuổi, họ bắt đầu tự hỏi những điều như: “Tôi đã làm gì suốt những năm tháng qua?”, “Ý nghĩa cuộc đời tôi là gì?” Những năm tháng qua, họ không thể sống theo ý mình muốn.  Nghe ở chùa có lớp cắm hoa, họ đã đến, coi như là một phần thưởng nhỏ cho bản thân. Từ lúc đó trở đi họ có thể chăm lo cho bản thân nhiều hơn.
Dầu họ đã nhiều năm đến chùa, lắng nghe Phật pháp, nhưng họ chưa từng hành thiền. Những gì chư ni giảng về thiền và cuộc sống chưa thực sự thấm sâu vào họ. Nhưng qua việc học cắm hoa, họ có thể tương quan với tôi tốt hơn, bắt đầu quán chiếu và cố gắng hành thiền. Nhiều người chia sẻ với tôi là tâm của họ được bình an và tĩnh lặng hơn như thế nào kể từ khi họ đến đây.