Chương 3

    
ôm nay đã là những ngày năm cùng tháng tận. Người lính gác trước đại bản doanh Thiên Đức, co tay bấm đốt tính nhẩm. Ngày mai ông Táo về trời. Vậy mà cái nắng khan cứ chói trên đầu gã và khí lạnh là là quấn lấy đôi chân tê cóng của gã. Các loài hoa mở tung cánh đi trước mùa xuân. Nhớ lại cũng vào ngày này năm trước, gã còn đứng trước thành Ung Châu ngun ngút khói. Đến cái tết này nữa là gã đã ăn hai cái Tết chinh chiến rồi. Bỗng một con bò cái dáng chừng lạc con xổng mũi đi ngang qua nhìn gã với đôi mắt ươn ướt rồi vươn cổ be dài: “- Hăm… ba!” Gã giật mình quát lớn: “- Hăm hai chứ! Sao lại hăm ba? Dường như con bò mẹ không đếm xỉa gì đến lời gã, lại rống tướng lên lần này tiếng kéo dài thõng thẹo: - Hăm… ba…! Gã thắc mất: - Lại hăm ba, đồ quỉ cái! Mày muốn táo quên lên sớm một ngày để chết cóng trước cổng trời hả?
Gã đang định ngoạc mồm ra quát thêm cho át tiếng bò kêu, bỗng vội dừng lại chỉnh đốn tư thế khi thấy ông đô giám Nguyễn Địa Vân bước đến gần. Gã lấy giọng nghiêm trang bảo: - Quan Thái Úy đang đợi ông đấy! – Rồi gã chỉ đường vào hội sảnh.
Thái Úy đang đứng nhìn tấm họa đồ nước Việt trải trên một chiếc bàn lớn. Có lẽ trong khoảng thời gian những tháng cuối năm Bính Thìn này, có hai nhân vật lịch sử ở dưới hai vòm trời khác nhau, cũng đứng trước một tấm địa đồ nước Việt cùng chú tâm theo dõi một cách căng thẳng cuộc hành quân nam thảo của nguyên soái Quách Quì. Đó là vua Tống Thần Tông và Thái Úy Lý Thường Kiệt.
Mỗi khi được tin báo tiệp, vua Tống lại nghiêng mình xuống tấm địa đồ đưa tay chỉ trỏ, giảng giải cho các quan cận thần biết đâu là đất Quang Lang, đâu là Động Giáp, nơi xa nơi gần, chỗ hiểm chỗ bằng, lối quanh, lối thẳng. Tưởng đâu như cái nước Nam man nhỏ xíu ấy, đã nằm gọn trong lòng bàn tay của đức vua con trời. Binh phu ngày đêm chuyển điệp tới tấp mang đến sân rồng những tin vui thắng trận: viên tướng Lưu Kỷ, con hổ xám đất Quảng Nguyên đã đầu hàng, các tù trưởng châu mục khác đều lần lượt qui thuận, ải Quyết Lý hiểm trở đã bị san bằng: đại quân của Quách Quì tìm đường tràn xuống phía Nam. Muốn biết rõ động tĩnh của quân tướng Quách Quì từng ngày một, vua Tống cho đặt một đường dây trạm đặc biệt. Phu dịch mang những đại bài dài thượt đề sáu chữ to tướng “Khu mật cấp tốc văn tự” (văn tự cấp tốc của bộ quốc phòng) đổi ngựa thay nhau chạy thẳng về kinh không dừng qua các trạm dọc đường.
Mặt rồng nở nang khi đón nhận được tin chín đạo quân Tống đã dễ dàng vượt qua các dãy núi đá Đầu Mâu, đổ về trước cửa ngõ đồng bằng trên bắc ngạn sông Phú Lương, cách kinh đô Đại Việt chỉ non 40 dặm. Con sông Phú Lương nằm đâu nhỉ? Vua Tống đưa mắt dò từng dòng phẩm xanh ngoằn ngoèo chi chít trên tấm họa đồ của cái xứ sở xa xôi kia. Mắt ngài Ngự sáng lên đưa ngón tay trỏ chỉ vào một điểm: đây rồi!
Ngài chắc mẩm chỉ trong vòng dăm ba hôm nữa Quách Quì sẽ tuân theo lời ngài đem chia xứ Giao Chỉ ra làm quận huyện sáp nhập vào đất Tống. Sát trên mép biên dòng phẩm xanh mà ngài tin đó là một con sông hiền hòa, chỗ ngài vừa chấm tay vào, trí tưởng tượng cho phép đức vua thấy quân Trời đang tưng bừng hạ trại, dưỡng uy sức nhuệ để tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng chọc thẳng vào sào huyệt vua Nam. Chả hiểu có phải vì tay ngài có dính chút hương trần phấn tục nào không mà một con ong từ đâu bay vào sà xuống cong đít châm đúng vào chỗ ngón tay vua vừa rút ra, rồi vụt bay đi mất. Vua Tống cau mặt như gặp phải điều gở. Quả nhiên từ ngày ấy vua Tống bặt hẳn tin tức của đoàn quân Nam chinh.
Còn Thái Úy Lý Thường Kiệt mỗi lần nhìn tấm họa đồ là một lần trầm ngâm suy tính, tra soát lại cách bài bố thế thủ của các đạo quân.
Thế đất Việt hình trăng non, hai sừng nhọn ôm vòng đất châu Ung của Tống. Tả dực là đất Quảng Nguyên có viên tướng kiệt hiệt Lưu Kỷ cùng 5 nghìn quân án ngữ. Hữu dực có quân ở châu Vĩnh An và hạm đội thủy binh đóng trên dòng Đông Kênh do tướng Lý Kế Nguyên đốc xuất. Còn trung quân có phò mã Thân Cảnh Phúc cùng đội tượng binh của Thiết Nỗ khống chế hai ải hiểm: Quyết Lý và Chi Lăng. Bên trái của phò mã, châu mục Hoàng Kim Mãn giữ đất Môn Châu chặn đường Bình Gia đến Phú Lương, bên phải Vi Thủ An giữ châu Tô Mậu trấn cửa ngõ đường vào châu Lạng. Đại quân của Thái Úy rải từ Động Giáp trở xuống, đóng dọc theo phòng tuyến Như Nguyệt. Đại doanh thủy binh nằm trên bờ nam Lục Đầu do Thái Tử Hoàng Chân với hai bộ tướng Thái Tử Chiêu Văn và tả lang tướng Nguyễn Căn thống lĩnh. Thế rẻ quạt lợi hại của đất Vạn Xuân chắp tay cho thủy quân có thể kéo lên sông Đào Hoa, Lục Nam hay vào Như Nguyệt, Thiên Đức hoặc ra Bạch Đằng, Đông Kênh. Sức mạnh hơn hẳn của đội thủy binh ứng chiến này càng làm Thái Úy vững tin vào thế thủ cực kỳ nghiêm nhặt của mình. Nhưng mỗi bận nhìn lại tấm họa đồ, Thái Úy vẫn cảm thấy có điều gì chưa ổn. Dường như linh tính của con nhà tướng báo cho Thái Úy biết trong kế hoạch phòng thủ của mình còn có một khe hở nào đấy. Tra đi soát lại mãi, Thái Úy vẫn không tìm thấy khía sơ suất còn mơ hồ ẩn sâu đâu đó trong tiềm thức. Nhưng giờ đây đọc kỹ lại những tờ trình của thám tử, Thái Úy nhìn thấy sai sót từ đầu của mình bỗng lộ ra trước mắt.
Lâu nay Thái Úy vốn biết thói bàng quan và tính dao động của các châu mục vùng giáp giới. Theo mạnh bỏ yếu là chuyện thường. Thái độ của họ là cái thước đo thế lực của hai nhà Tống, Lý. Quá tin vào nhiệt tâm của họ trong trận đánh Ung Châu, Thái Úy lãng quên điều đó. Giá Thái Úy bổ sung thêm bên cạnh họ một số quân tướng trung châu thì có lẽ cục diện chiến trường đã đổi khác. Biết ra thì đã muộn rồi. Thái Úy có trách mình cho lắm thì thủ lĩnh các châu Quảng Nguyên, Môn Châu, Tô Mậu cũng đã sớm đầu hàng trước đại quân Tống. Ải địa đầu không đương cự nổi thế quân thù.
Song điều bất ngờ nhất đối với Thái Úy là Quách Quì biết tránh cái bẫy Chi Lăng, vòng sang phía Tây, dồn cả đại quân vào con đường độc đạo Vạn Linh, vượt vúi Đầu Lĩnh, theo sông Phú Lương đổ xuống trước vành đai Như Nguyệt. Vì không nằm trong dự kiến, cánh binh lơ thơ dăm nghìn người của Thái Úy chẹn con đường hẻm Vạn Linh, chỉ đủ sức làm khó dễ phần nào đạo quân tiên phong của tướng Tu Kỷ. Và Tu Kỷ tách ra khỏi đạo quân tiến về phía Nam, bọc sau lưng Động Giáp khiến phò mã Thân Cảnh Phúc phải rút lui vào núi, bỏ trống ải Chi Lăng và biến cửa ải hiểm trở ngặt nghèo từng khét tiếng là Quỷ môn quan này thành vô tác dụng.
Nhưng lũy Nam Ngạn vẫn sừng sững một bức thành dài. Chín đạo quân Tống cùng dồn về đứng ngẩn ngơ trước cái hào sâu thiên nhiên tạo nên do con sông Như Nguyệt. Hai vị nguyên nhung, người bờ Nam, kẻ bờ Bắc, bắt đầu cuộc đọ mưu đấu sức.
Viên dũng tướng Miêu Lý của Tống vừa mới hạ trại đã hùng hổ tức tốc muốn đem quân vượt sông. Nghe theo lời Hoàng Kim Mãn, châu mục đất Môn hiện là hàng tướng làm hướng đạo cho cánh quân hữu dực, Miêu Lý trình với Quách Quì ý đồ đánh vào chỗ bất ngờ của địch, chọc thủng phòng tuyến bờ Nam, tiến một mạch thẳng đến Thăng Long. Quách Quì còn đang ngần ngừ thì Miêu Lý đã ước hẹn với tướng Vương Tiến bắc phù kiều qua sông xua quân tiến trước.
Ý định bắc cầu sang sông của quân Tống đã được phi báo cho Thái Úy đúng lúc Nguyễn Địa Vân bước vào hội sảnh. Ông hỏi tên quân thám tử: - Quân địch đổ bộ vào khúc sông nào?
- Dạ, đúng vào bến đò Như Nguyệt ạ!
- Chà! Tai mắt của họ không phải vừa đâu. Cho ngươi lui.
Thái Úy quay sang Địa Vân và Lý Ngân đứng cạnh, dặn dò mọi điều cần thiết trước lúc bước vào trận đánh: - Hôm nay đội Bảo Vân của Đô giám phải hóa thành áng mây đức thánh Tản – Ông tươi cười bảo – Còn mũi tên của Lý Ngân phải là mũi tên thần Long Thủy. Các ngươi phải làm cho quân giặc tan phách lạc hồn, tước ngay đầu nhuệ khí của bọn chúng.
Theo kế hoạch vạch sẵn từ trước, các tướng lần lượt tới nhận lệnh tiễn răm rắp thi hành.
Trong hội sảnh chỉ còn lại Thái Úy, lão Vũ và tấm họa đồ bị gió thổi lật gấp lên một góc. Một hồi trống đồng rền vang bứt nốt những chiếc lá cuối cùng trên cây hoa vông trước bản doanh. Thái Úy quay lại bảo khẽ lão Vũ: - Vũ nhi! Bây giờ thì đã đến lúc con sang sông rồi đấy!
Và ở một khúc sông vắng nào đấy, trong lúc Vũ Anh Thư vượt qua bờ Bắc thì tướng Miêu Lý do Hoàng Kim Mãn dẫn đường cũng thúc quân đặt chân lên phù kiều tiến sang bờ Nam. Vó ngựa chiến rầm rập làm rung chiếc cầu nổi, lao thẳng lên mặt lũy Như Nguyệt. Gặp sức chống cự yếu ớt của quân Việt, Miêu Lý hí hửng hạ lệnh đội tiền quân xông lên phía trước. Hậu binh của Vương Tiến chưa kịp qua sông thì hai mũi Đông Tây giáp công của Thái Úy đã chiếm lấy đầu cầu, khép chặt lối về của quân Tống. Vương Tiến ở bên kia sông hoảng hốt sợ quân Việt dùng cầu tràn sang bờ Bắc vội vã hô quân chặt đứt phù kiều.
Không mảy may hay biết gì về việc ấy, tướng Miêu Lý theo sự hướng dẫn của Hoàng Kim Mãn vẫn ruổi quân trực tiến. Con đường đến kinh đô nước Việt xa chỉ mấy chục dặm mà sao ngoắt ngoéo lạ thường! các cụm phục binh của Thái Úy như nằm nhan nhản mọi nơi. Lúc xáp gần đánh rát, lúc ở xa tên bắn ràn rạt. Quân của Miêu Lý bắt buộc hết rẽ sang Đông lại ngoặt sang Tây, loay hoay mãi mà chưa ra được con đường thông lộ - Tên độc ngấm vào làm rụng dần đoàn quân nhưng không làm rụng được ý muốn quyết lập công đầu của Miêu Lý. Mãi đến lúc chiều muộn, Hoàng Kim Mãn mới reo lên chỉ vào một khoảng đất thưa nơi ấy có một vệt đường cái lớn chạy qua. Miêu Lý hăm hở kéo quân lần theo con đường lớn.
Bóng hoàng hôn từ mặt đất xanh xao hiu hắt dâng lên giàn giụa. Những tàu lá khô bên đồi trắng rợn lên một màu áo mới trong đêm. Đoàn quân đang đi bỗng chùng hẳn lại. Mọi người đều sững sờ trước hiện tượng kỳ dị đang bày ra trước mắt họ.
Trong ánh chập choạng tím sẫm của ngày tàn, họ nhìn thấy một dải mây cong cong lượn lờ sà thấp trên mặt đất như tấm lụa bạch vắt vẻo ngang đường, đang bò dần tới sát chân ngựa. Miêu Lý cho đoàn kỵ binh đạp lên mây mà tiến. Hai đầu lụa gấp quặt vào nhau như muốn trói chặt đoàn quân. Vừa chạm vào làn mây độc, ngựa bị tiện vó ngã lăn kềnh, giãy lên đành đạch. Tiếng ngựa hí thảm thiết lẫn trong tiếng người la hoảng. Hoàng Kim Mãn run cầm cập kéo áo Miêu Lý quay ngựa chạy lui. Bóng tối từ trời cao đổ ập xuống nhanh hơn vó ngựa. Đến một ngã ba, Miêu Lý chợt nghe như có tiếng người quanh quẩn bên tai. Theo ngọn gió Đông thổi nhẹ, một giọng quát uy nghiêm vọng đến, một giọng trầm vang xa tựa hồ tiếng thì thào của rừng núi âm u vào những lúc chiều muộn đêm vơi:
- “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”
Miêu Lý vội rẽ ngoặt ngựa sang phía Tây chạy thục mạng. Trong bóng tối dày đặc của đêm cuối năm, thấp thoáng đằng xa một ánh lửa. Đến gần, Miêu Lý thấy trong ngôi miếu cổ ven đồi đèn đóm thắp sáng trưng. Cảnh tượng hãi hùng bên trong làm đoàn quân rợn tóc gáy. Những con quỷ dữ khắp mình lông lá đang nhảy nhót trước thềm trong lửa đuốc chập chờn. Một vị thần mặt đỏ như tuyết chỉ tay vào bọn họ mắng: - … Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm…
Để trấn an lòng quân, Miêu Lý đánh bạo thúc ngựa tiến tới vung đại đao quát to: - Loài yêu ma phương Nam này sao dám trêu cợt binh sĩ Thiên triều! lời chưa dứt, từ trong miếu một mũi tên bay ra cắm đúng vào cái chóp gù nạm ngọc trên chiếc mũ đầu mâu của Miêu Lý. Viên tướng Tống sợ toát mồ hôi trán quày ngựa tháo lui. Cả đoàn quân nhằm hướng bờ sông chạy rùng rùng trong cơn thần kinh thác loạn.
Đạo quân lúc đầu đông hàng dăm nghìn người nay còn thưa thớt mấy trăm tên. Nhưng Miêu Lý mừng thầm vì không thấy quân địch đuổi sát. Gã đâu hiểu rằng Thái Úy có dụng ý để cho bọn họ còn sống sót. Đội tàn quân được lệnh vớt phù kiều kết bè để sang sông. Thốt nhiên trong ngôi đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở cửa sông, đèn đuốc bật hồng. Tiếng quát “Nam quốc sơn hà…” của thần lại bay ra vẫn một giọng trầm nghe vang rền như tiếng sấm.
Miêu Lý vội vã cho quân xuống bè, lóp ngóp trở về bờ Bắc, trong tiếng quát mắng sang sảng đuổi theo sau của thần linh nước Việt.

- Con nghe quân phương Bắc của họ không chịu nổi lam chướng độc địa ở đất nước ta – Nguyễn Căn rụt rè góp lời.
- Con tưởng họ không biết rõ điều đó hay sao? Thái y viện của họ thiếu gì thầy giỏi thuốc hay. Hàn lâm y viện của họ đã chọn 57 bài thuốc trị lam chướng, sai sở hạp dược chế thành tễ cho quân họ mang theo. Con khỏi phải lo điều đó.
Nghe bố nói thế quân mạnh của nhà Tống, Nguyễn Căn đã thấy ớn lạnh cả người, nhưng chàng vẫn cố hỏi gặng: - Thế liệu họ có vượt qua nổi thành lũy Như Nguyệt không? À mà bố chưa thấy thành Như Nguyệt lúc mới làm xong. Con tưởng kiến bò cũng khó lọt qua bố ạ!
- Ta còn lạ gì cái đê ấy! Nhưng một khúc đê con làm sao ngăn được sóng lũ. Chín đạo quân của nguyên soái Quách Quì như chín cái đầu rồng phun nước. Không sạt chỗ này cũng vỡ chỗ nọ.
Có lẽ Đỗ đại nhân không hiểu gì về nội tình của họ, hay vì Nguyễn Châu cố ý thuyết phục con mình mà ông toàn phô trương tấm da vằn vện lòe loẹt bên ngoài của quân nhà Tống. Thực ra bên trong còn lắm chuyện lủng củng. Nuôi một đạo binh lớn như vậy ròng rã gần năm trời, lương cho người, cỏ cho lừa ngựa, trâu dê lợn rượu khao quân, hàng vài chục vạn dân phu đi theo phục dịch, công đài tải xa hàng vạn dặm. Lại còn phải sữa chữa thành quách, xây đắp cầu cống, mua chuộc dân khê động dọn đường trước cho cuộc chinh thảo xa xôi. Vua Tống đã phải bấm bụng mở công khố chi ra hàng triệu lạng vàng, chiếu cho tam ti coi việc tài chính lấy hàng chục vạn quan tiền trao cho lái buôn mua lương thực, đình việc đào sông Câu hà, vét thêm phu ném vào cuộc nam chinh.
Tuy có dự bị sẵn thuốc men mà móng vuốt của bệnh thời khí cũng đã quắp mất trên sáu nghìn người khi đại quân vừa xuống Quế Châu. Viên tri lễ nhà Tống được lệnh cấp tốc đi Hành Dương cúng thần Nam Nhạc, lập đàn cầu phúc cho quân nhà.
Nhưng lỗ mối rò nguy hiểm nhất trong quân nhà Tống có lẽ là mối bất hòa giữa hai tướng soái. Trước đấy Triệu Tiết được cử làm chánh soái nhưng đã đánh rơi chức ấy vào tay Quách Quì. Vương An Thạch che chở Triệu Tiết còn Ngô Sung bênh vực Quách Quì. Hai đại thần cãi nhau mỗi người mỗi ý. Cuối cùng cái thế đã bắt đầu suy của họ Vương không cứu vãn nỗi chức cũ cho Triệu Tiết. Sự lục đục từ trên dội xuống dưới. Hai tướng không thèm ngó mặt nhau. Lời của Triệu Tiết, Quách Quì bỏ ngoài tai. Mọi việc quân chỉ bàn riêng với Yên Đạt. Triệu Tiết đành nuốt giận vào lòng.
Những lời giáo đầu của Nguyễn Châu ở trên với con cốt dẫn đến những câu cuối cùng sau đây mà ông nói với một giọng trầm hạ thấp: - Nước ta đã lỡ ở thế cưỡi lưng cọp rồi. Sức ta chống họ như trứng chọi đá, châu chấu đá xe, sự mất còn chỉ trong sớm tối. Ta phải biết lo liệu thân ta trước. Chim khôn chưa động cành đã chớp cánh. Người khôn… Ông lại hạ thấp giọng xuống một cung bậc nữa khiến con ông suýt phì cười vì chàng đang nghĩ đến việc chọn giọng trầm các con hát: - Bố có quen một viên quan nhà Tống tên Thành Trạc trước làm chức giám ấp trại Hoành Sơn. Ông ta lại là chỗ quen lớn của nguyên soái Quách Quì. Sợ bố con ta rồi đây phải chịu cảnh ngọc nát vàng tan, ông ta có gửi cho bố mấy lá bùa hộ mệnh. Ông moi hồi lâu trong người ra một tấm thẻ bài dấu son đỏ chói trao cho Nguyễn Căn – Nếu rủi ro con có bị họ bắt thì cứ chìa tấm thẻ này ra, lập tức họ sẽ dẫn con đến gặp nguyên soái Quách Quì. Con hãy giữ kỷ vật này để phòng thân.
Lang tướng Nguyễn Căn cất tấm thẻ vào bọc rồi từ biệt bố đi lo công việc. Tuyển đủ số con hát, chàng lên Thiên Đức nộp cho Thái Úy rồi về thẳng Vạn Xuân. Trong chuyến đi này, chàng đã đánh rơi mất niềm tin trong cuộc chiến nhưng lại được tấm thẻ hộ thân giấu kín ở trong người.
Lý Ngân được lệnh nhận các con hát, phiên ra thành từng nhóm bốn người rồi lên gặp Thái Úy. Chính chàng cũng ngỡ ngàng không hiểu Thái Úy định dùng con hát ấy vào việc gì.
Thái Úy rút tờ hoa tiên gấp trong cuốn sách ra, mỉm cười hỏi:
- Lý Ngân! Cháu còn nhớ vật gì đây không?
Mắt vừa chạm vào những dòng chữ trên giấy, chàng đã hồi hộp như chạm phải vật thiêng. Chính chàng là người duy nhất chứng kiến được, trong một trường hợp rất đỗi lạ lùng, sự ra đời của những dòng chữ ấy, những câu thơ thần viết trên yên ngựa. Chàng tưởng chừng như nghĩa lớn sinh tồn của cả một dân tộc đợi đến phút thiêng liêng ấy mới đúc kết thành lời. Mai đây dù năm tháng có phôi pha, chàng vẫn tin chắc rằng những điều chàng thấy vĩnh viễn còn sáng đậm trong ký ức chàng như màu mực mới.
Chàng nhớ rõ hôm ấy đại quân qua sông Đào Hoa. Gió bấc đã lặng từ hôm trước. Vệt ráng đỏ trong nắng quái chiều đông hừng lên ở phía trời Tây gợi người ta cái cảm giác ngày đang vào hạ. Dường như ánh trời vẫn cố giữ lượt phấn màu hoa đào thường vốn có trên gương mặt dòng sông. Ngồi im hàng giờ trên mình ngựa, Thái Úy đăm đăm nhìn vào làn nước lặng lờ. Cảm thấy như có điều gì lạ xảy ra, Lý Ngân, bước đến gần, tò mò nhìn theo hướng mắt của Thái Úy. Chàng kinh ngạc suýt kêu thành tiếng. Trên gương nước mênh mông, mở ra một trang sách trời lồ lộ. Những dải mây tê tê kết lớp giăng hàng phản chiếu trên dòng sông giống hệt những dòng chữ thẳng băng viết bằng một thứ mực son rực lửa trên nền giấy thiên thanh. Chàng thầm nghĩ phải chăng Thái Úy đang để hết tâm tưởng cố tìm đọc cho ra ý nghĩa huyền bí trên cuốn sách trời.
Qua sông, Thái Úy đảo mắt nhìn một lần nữa sắc đỏ ráng chiều, quay đầu mỉm cười với hàng thông mật đứng trên đồi cao, uy nghi chỉnh tề như đoàn quân sắp xung trận. Thái Úy thẫn thờ buông cương, cặp mắt mông lung khép lại lim dim, gật gà, thiu thỉu. Lý Ngân lo âu nhìn thân hình Thái Úy buông thả lắc lư theo nhịp ngựa đi mà hồn như để tận đâu đâu. Chàng mường tượng thấy Thái Úy như đang cố thoát ra khỏi cái vỏ thịt da bọc ngoài, vươn vào cõi vô cùng. Thời khắc cứ lặng lẽ trôi bao lâu không biết. Cái im ả hiu hiu của trời chiều quyện theo vó ngựa nhịp nhàng đi nước kiệu. Chợt đến một khúc đường quanh, vó ngựa lồng lên, Thái Úy mở choàng mắt ra như người vừa tỉnh giấc.
- Lý Ngân! Ta vừa chợp mắt…
- Trời ơi! Thái Úy ngủ trên yên sao?
- Suốt đời ta trên ngựa, có chợp mắt một lúc trên yên cũng là chuyện thường thôi. Có điều ta vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Lý Ngân như muốn kêu lên: - Trời! Thái Úy đã ngủ trên ngựa mà còn nằm mơ nữa ư? Nhưng chàng đã phải để tai nghe Thái Úy kể tiếp giấc mơ trên yên ngựa.
- Ta thiếp đi và thấy một mình đứng trên đỉnh đèo chấm mây. Chung quanh ta như có nghìn chim vỗ cánh xào xạc. Rồi giữa thinh không bỗng một rừng cây mở lá. Quả mật hương thơm chĩu chịt trên cành. Tầng tầng mây xanh thì thào tiếng nói của thần linh, tiếng của thần hay tiếng của nghìn xưa đồng vọng? Ta ngồi trên yên, ngửa mặt nghiêng tai, trong ráng đỏ chiều pha bừng bừng hào khí, lắng nghe tiếng nói của nước non vạn thuở… Lý Ngân! Con hãy bảo đem nghiên bút cho ta ghi lại.
Và cứ thế, ngồi nguyên trên mình ngựa, Thái Úy viết liền một mạch. Nhìn theo những nét chữ hiện dần trên trang giấy, Lý Ngân xúc động lẩm nhẩm:
“Nam quốc sơn hà nam đế cư,
“Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
“Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Cõi bờ phân định tự sách trời
Cớ chi lũ giặc sang xâm lấn?
Thất bại hay xem sẽ đến nơi)
Và lần này cũng vậy, câu thơ đốt lửa lòng chàng. Những câu thơ không hề xuống ngựa phi vào ngày mai trong ráng đỏ sắc chiều hôm. Một cảm giác mơ hồ từ nơi sâu thẳm của tiềm thức như báo cho chàng biết rằng vệt ráng đỏ hừng lên trên gương mặt chàng hôm ấy mai đây sẽ trở thành đặc điểm nhân dạng của người dân Việt, mỗi khi có giặc ngoài xâm lấn cõi bờ…
- Cháu hãy đem bài thơ này cho con hát tập ngâm. Vì đây là những lời thần nên họ phải đóng vai thần, cải trang giống thần, tập ăn nói đi đứng như thần. Cháu đừng lo, con hát họ sẽ biết cách đấy.
 Thái Úy nhìn sâu vào mắt chàng
– Lần này, ta mời thần linh cùng ta ra trận, cháu chớ xem thường. Nếu bọn con hát làm đúng được ý ta, ta sẽ cho lũ giặc một phen hồn vía lên mây trước oai linh của núi sông Nam Việt, bỏ chạy không kịp ngoái đầu nhìn lại, hàng muôn đời sau chưa dám thò chân qua đất nước này…
--!!tach_noi_dung!!--

Scan: welcom1985
Đánh máy: Ct.Ly, oceanpenguine, Thanh Vân
Nguồn: welcom1985 - VNthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 3 năm 2012

--!!tach_noi_dung!!--