---~~~mucluc~~~---

Phần thứ nhì : THEO LỆNH NHÀ VUA
P2.IIB. GUYNPLÊN VÀ ĐÊA

9. NHỮNG TRÒ VÔ LÝ MÀ KẺ THIẾU THẨM MỸ GỌI LÀ THƠ CA.
Những vở kịch của Uyêcxuyt là những tiểu phẩm xen kẽ, một loại hình ngay nay đã hơi lỗi thời. Một trong số những vở ấy đã không đến được với chúng ta, nhan đề Uyêcxuyt Ruyêcxuyt. Có thể trong đó ông đóng vai chính. Một cảnh giả vờ bước ra rồi lại quay vào, hình như đó là chủ đề vừa đơn giản vừa đáng khen.
Như ta thấy, nhan đề các tiểu phẩm của Uyêcxuyt đôi khi bằng tiếng La tinh và phần thơ đôi khi bằng tiếng Tây Ban Nha. Những câu thơ Tây Ban Nha của Uyêcxuyt đều có vần như hầu hết tất cả các bài đoản thi Caxti thời bấy giờ. Điều đó không làm cho dân chúng khó chịu. Hồi ấy tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ thông dụng, và thuỷ thủ Anh nói tiếng Caxti cũng như lính La mã nói tiếng Cactagiơ. Các bạn cứ thử đọc Plôt thì biết. Vả lại đi xem hát hay xem lễ thì tiếng La tinh hay tiếng nào khác mà cử toạ không hiểu cũng không làm cho ai lúng túng cả. Người ta giải quyết khó khăn bằng cách cứ vui vẻ đệm thêm những lời quen thuộc.
Nước Gôlơ[216] cổ xưa của chúng ta đặc biệt hay có lối sùng bái như thế. Ở nhà thờ, đến một đoạn Immolatus, giáo dân lại hát bài Ta sẽ hoan hỉ, và đến một đoạn Sanctus lại hát bài Cô bạn ơi, hôn ta đi. Phải có hội nghị tôn giáo Tơrăng mới chấm dứt được những kiểu lai căng đó.
Uyêcxuyt đã sáng tác riêng cho Guynplên một vở tuồng xen kẽ mà ông rất thích thú. Đó là tác phẩm chính của ông. Ông đã để hết tâm trí vào đấy. Đem toàn thư của mình đặt vào sản phẩm của mình, đó là thắng lợi của bất cứ người nào sáng tác. Con cóc cái đẻ được con cóc con cũng đã làm nên một kiệt tác. Các bạn hoài nghi ư? Xin cứ thử làm được như thế xem.
Uyêcxuyt đã dày công gọt dũa tiểu phẩm đó. Con gấu con ấy nhan đề là Hồng hoang chiến bại.
Câu chuyện như sau:
Một cảnh đêm. Lúc màn mở ra, đám đông chen chúc trước Hộp Xanh chỉ thấy một màu đen. Trong cảnh đen tối ấy có ba hình thù không rõ lắm đang cử động bò trườn, một con sói, một con gấu và một con người. Sói là con sói, gấu là Uyêcxuyt, người là Guynplên. Sói và gấu tượng trưng các sức mạnh của thiên nhiên, những khát vọng vô ý thức, bóng tối man rợ, và cả hai nhảy xổ vào Guynplên, đấy là cảnh hồng hoang chiến đấu với con người. Không nhận thấy mặt ai cả. Guynplên vùng vẫy, mình quấn một tấm vải liệm, mặt mũi bị bộ tóc dài rủ xuống che kín. Vả lại bốn bề đều tăm tối. Con gấu gầm, con sói rống, con người gào thét. Con người nằm dưới, hai con vật đè lên trên; nó van xin giúp đỡ và cứu vớt, nó hét một tiếng dài giữa cõi mông lung vô định. Nó thở khò khè. Mọi người được xem cảnh hấp hối của con người sơ khai còn hơi khác súc vật một tí; thật là rùng rợn, đám đông hồi hộp nhìn; một phút sau hai con thú đắc thắng, hồng hoang sắp nuốt chửng con người. Vật lộn kêu la, gào thét rồi thình lình im lặng. Có tiếng hát trong bóng tối. Một ngọn gió thoảng qua, có tiếng người. Nhiều tiếng nhạc huyền bí bềnh bồng đệm theo tiếng hát vô hình, rồi đột nhiên không rõ từ đâu và bằng cách nào một bóng trắng xuất hiện. Bóng trắng đó là một ánh sáng, ánh sáng đó là một người đàn bà, người đàn bà đó là tinh thần. Đêa, bình tĩnh, ngây thơ, xinh đẹp, vô cùng trong sáng và dịu dàng, xuất hiện giữa một vầng hào quang. Bóng dáng của ánh sáng trong cảnh bình minh. Giọng nói, chính là Đêa. Giọng nói nhẹ nhàng sâu sắc, không sao tả nổi. Từ vô hình trở thành hữu hình, trong ánh lê minh cô cất cao tiếng hát. Mọi người tưởng như nghe tiếng hát của thần tiên hay tiếng líu lo của chim hót.
Hình bóng vừa xuất hiện thì con người, loá mắt, giật mình, đứng lên, giáng mạnh hai nắm tay, quật ngã hai con vật.
Thế là ảo ảnh, được nâng dậy nhờ một phương pháp trượt khó hiểu và do đó càng được tán thưởng, hát lên những câu thơ sau đây, bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha trong sáng, đủ cho những thuỷ thủ người Anh nghe:
Ora! Llora!
De palabra Nace razon.
Daluze el son[217]
Rồi ảo ảnh đưa mắt nhìn xuống phía dưới như chợt trông thấy một vực thẳm và hát tiếp:
Noche quilate de ali El alba canta hallali[218].
Ảo ảnh càng hát, con người càng đứng thẳng dậy, và từ chỗ nằm sóng soài, giờ đây nó đã quỳ gối, hai tay đưa về phía ảo ảnh, hai gối đè lên hai con vật năm im như bị sét đánh, ảo ảnh quay về phía con người hát tiếp.
Es menester a cielos ir.
Y tu que llorabas rur.[219]
Và vừa tiến đến gần, oai nghiêm như một tinh cầu.
Ảo ảnh vừa hát thêm:
Gebra barzon!
Dexa, menstro.
A tu negro.
Caparazon[220]
Rồi ảo ảnh đặt bàn tay lên trán con người.
Thế là một giọng khác cất lên, sâu sắc hơn và do đó êm ái hơn, một giọng vừa ảo não vừa say sưa, trang nghiêm một cách dịu dàng và hung dữ, đó là tiếng hát của con người đáp lại tiếng hát của vũ trụ. Guynplên, vẫn quỳ trong bóng tối, đè lên con gấu và con sói bị đánh bại, mái đầu trong bàn tay của Đêa, hát:
Oven! Ama!
Eres alma Say co razon[221]
Rồi đột nhiên, trong bóng tối, một thủ thuật ánh sáng chiếu thẳng vào mặt Guynplên.
Trong cảnh mịt mù tăm tối đó người ta thấy con quái vật tươi cười.
Thật không tài nào tả nổi chấn động của quần chúng. Một mặt trời cười vui xuất hiện, đó là kết quả.
Tiếng cười vẫn nảy sinh từ chỗ bất ngờ, và không gì bất ngờ hơn đoạn kết thúc đó. Không cảm kích đột ngột nào bì kịp cái tát đó của ánh sáng vào cái mặt nạ hài hước và khủng khiếp kia. Khắp nơi, ở trên, ở dưới, phía trước, phía sau, đàn ông, đàn bà, những bộ mặt già hói, những gương mặt trẻ con hồng hào, dân lành, bọn độc ác, người vui, kẻ buồn, tất cả; và cả người đường người qua lại, những kẻ không trông thấy, nghe tiếng cười, cũng cười.
Và đợt cười kết thúc bằng tiếng vỗ tay, dậm chân. Màn vừa khép kín, người ta cuồng nhiệt đòi hỏi Guynplên phải ra lại. Do đó mà thắng lợi hết sức rực rỡ. Bạn đã xem Hồng hoang chiến bại chưa? Người ta đổ xô đến với Guynplên. Vô tâm đến để cười, ưu sầu đến để cười, ác ý đến để cười. Cái cười không cưỡng nổi đến mức thỉnh thoảng nó có thể như bệnh hoạn, nhưng nếu có một thứ bệnh dịch mà con người không tìm cách trốn tránh, thì đó là bệnh cười dễ lây lan. Gia dĩ thành công lại không bao giờ vượt quá tầng lớp hạ lưu. Phần đông là dân thường. Người ta xem Hồng hoang chiến bại mất có một peni. Người lịch sự không đến những nơi chỉ mất một xu.
Uyêcxuyt không bao giờ chán ghét tác phẩm ấy, một tác phẩm đã được ông dày công ấp ủ, ông nói một cách rất khiêm tốn:
- Nó thuộc thể loại của một người tên là Sêcxpia.
Việc ghép Đêa vào càng tăng thêm kết quả không tả xiết của Guynplên. Gương mặt trắng trẻo đó bên cạnh con quỷ kia tượng trưng cho cái ta có thể gọi là cảnh bất ngờ tuyệt diệu. Dân chúng nhìn Đêa với một nỗi lo âu bí mật. Cô có một cái gì tuyệt vời của cô đồng trinh và của người nữ tu sĩ, chưa từng biết đến con người và lại không hiểu Chúa. Người ta biết rõ là cô mù, nhưng lại có cảm giác cô vẫn trông thấy. Hình như cô đứng ở ngưỡng cửa của phi thường. Dường như cô nửa ở trong ánh sáng chúng ta, và nửa ở trong ánh sáng kia. Cô giáng trần, và hoạt động theo kiểu thần tiên, cùng với bình minh. Cô tìm được một con giao long và biến nó thành một tâm hồn. Cô có vẻ như một đấng tạo hoá, thoả mãn, sửng sốt trước công trình sáng tạo của mình.
Người ta tưởng như nhìn thấy trên bộ mặt kinh hoàng đáng tôn kính của cô ý chí của nguyên nhân và sự ngạc nhiên của kết quả. Người ta cảm thấy cô yêu quí con quái vật của cô. Cô có biết nó là quái vật không? Có, vì cô đang sờ vào nó. Không, vì cô chấp nhận nó. Tất cả tăm tối đó và tất cả ánh sáng đó hoà lẫn vào nhau, trong tâm trí người xem thành một thứ tranh tối tranh sáng làm hiện lên không biết bao nhiêu viễn cảnh. Tính thần thánh gắn liền với phác thảo như thế nào, linh hồn thâm nhập vào vật chất bằng cách nào, làm sao tia sáng mặt trời lại là một cuống rốn, kẻ dị dạng đổi dáng thay hình bằng cách nào, làm sao kẻ dị hình trở thành người của thiên đường, tất cả những điều bí mật cảm đoán được đó làm cho không khí vui cười ngặt nghẽo do Guynplên gây nên thêm phức tạp bởi một tình cảm hầu như nguyên thuỷ. Không tìm hiểu đến cùng, vì khán giả có thích đi sâu làm gì cho mệt, người ta cũng hiểu đôi chút bên kia những điều trông thấy, và vở tuồng kỳ lạ đó có cái vẻ trong sáng của một cảnh giáng trần.
Còn về phần Đêa, điều cô cảm thụ vượt xa ngôn ngữ con người. Cô cảm thấy mình đứng giữa quần chúng mà không phân biệt quần chúng là gì. Cô chỉ nghe có tiếng ồn ào, thế thôi. Đối với cô, quần chúng như một luồng gió và thật ra cũng chỉ như thế. Cái thế hệ là những hơi thở thoảng qua. Con người thở, hít vào rồi lại hắt ra.
Trong dám quần chúng đó, Đêa cảm thấy mình cô đơn, và có cảm giác rùng rợn đang lơ lửng trên một vực thẳm.
Thình lình, trong cảnh bàng hoàng của kẻ vô tội lâm nguy sắp kết tội vô định, trong nỗi bất bình trước việc sa ngã trông thấy. Đêa, tuy vậy vẫn bình tĩnh, và đứng trên nỗi lo mơ hồ về tai hoạ, nhưng trong lòng run sợ về cảnh cô đơn của mình, lại tìm thấy niềm tin và chỗ dựa; cô lại nắm lấy sợi dây cáp cứu của mình trong vũ trụ u minh, cô đặt bàn tay lên mái đầu hùng dũng của Guynplên. Niềm vui chưa từng có! Cô ấn mấy ngón tay ồng lên mái tóc quăn rậm như rừng đó. Mái tóc gợi lên một ý nghĩ êm dịu. Đêa chạm vào một con cừu mà cô biết là sư tử. Tất cả trái tim của cô tan chảy thành một mối tình khôn tả. Cô cảm thấy mình thoát khỏi nguy nan, cô đang gặp được cứu tinh. Công chúng lại tưởng trông thấy điều trái ngược. Đối với người xem, kẻ được cứu vớt là Guynplên, và cứu tinh lại là Đêa. Không sao.
Uyêcxuyt nghĩ, đối với ông, ông nhìn thấy rõ trái tim của Đêa. Và Đêa, yên tâm, vững dạ, hoan hỉ, tôn thờ đấng thiên thần, trong khi dân chúng ngắm nhìn con quái vật và bản thân họ cũng bị thu hút, chịu ảnh hưởng nhưng theo chiều ngược lại, trước cái cười vĩ dại của Prômêtê. Tình yêu thật sự có bao giờ biết chán. Hoàn toàn là tinh thần, tình yêu không thể nào lạnh nhạt. Một cục than hồng tự phủ bằng tro, còn một vì sao thì không thế.
Những cảm xúc êm đềm đó tối nào cũng tái diễn với Đêa, và lúc nào cô cũng sẵn sàng nức nở vì sung sướng trong khi mọi người ôm bụng cười ngặt nghẽo. Xung quanh cô, người ta chỉ biết vui cười, riêng cô, cô hạnh phúc.
Vả lại, kết quả vui cười, nhờ nét mặt bất ngờ và kinh ngạc của Guynplên mà có, chắc chắn không phải là điều Uyêcxuyt mong muốn. Ông thích có nhiều nụ cười hơn, ít tiếng cười hơn và một kiểu tán thưởng mang tính chất văn học hơn. Nhưng thắng lợi vẫn là niềm an ủi.
Tối nào ông cũng tự an ủi với thành công quá sức của mình, khi ngồi đếm những cọc tiền thu được. Rồi ông tự nhủ, suy cho cùng, khi tiếng cười chấm dứt, vở Hồng hoang chiến bại lại hiện lên trong các đầu óc và vẫn còn chút gì đó với họ. Có lẽ ông không hoàn toàn nhầm lẫn, một tác phẩm bao giờ cũng đọng lại trong quần chúng.
Sự thật là đám dân nghèo kia, chú ý vào con sói, vào con gấu, vào con người kia, rồi vào tiếng nhạc, vào những tiếng gào thét được hoà thanh làm cho dịu bớt, vào cảnh đêm tối tan biến trước ánh bình minh, vào tiếng hát phát ra ánh sáng kia, tán thưởng với một cảm tình mơ hồ và sâu sắc, xen lẫn đôi chút kính trọng xúc động nữa, vở kịch thơ Hồng hoang chiến bại, xem đó là chiến thắng của tinh thần đối với vật chất, dẫn đến niềm vui của con người. Những thú vui thô thiển của dân chúng thường chỉ thế thôi.
Như vậy là đủ với dân chúng. Họ không có phương tiện để đi xem những "trận đấu cao quý" của giai cấp trung lưu, và không thể như các đức ông và các ngài quý tộc, đánh cá một nghìn ghinê cho Helmghên gặp Flemghêmađon.

10. SỰ VIỆC VÀ CON NGƯỜI DƯỚI MẮT KẺ NGOÀI CUỘC.
Con người thường muốn trả thù niềm vui mà người khác đưa đến cho mình. Do đó nẩy sinh thái độ khinh miệt diễn viên. Người này làm cho tôi say sưa, khuây khoả, hết buồn, cho tôi bài học, quyến rũ tôi, an ủi tôi, truyền đạt lý tưởng cho tôi, đối với tôi thật dễ chịu và bổ ích, vậy tôi có thể làm gì để hại hắn? Sỉ nhục. Khinh bỉ là một cái tát từ xa. Chúng ta hãy tát hắn. Hắn làm tôi vui bụng, vậy là hắn bần tiện. Hắn giúp đỡ tôi, vậy tôi phải căm thù hắn. Tìm đâu được hòn đá để tôi ném vào mặt hắn? Hỡi giáo sĩ, cho tôi hòn đá của ông. Hỡi vị triết gia, cho tôi hòn đá của vị. Bôtxuyê[222] đâu, hãy rút phép thông công của hắn. Rutxô[223] đâu, hãy chửi cho hắn một trận. Hỡi nhà hùng biện, hãy khạc sỏi vào mặt hắn. Gấu đây hãy ném đá lát đường vào hắn. Chúng ta hãy ném đá lên cây, hãy quật nát hoa quả, và hãy ăn hết hoa quả. Hoan hô! và Đả đảo! Đọc thơ của thi sĩ là lây phải bệnh dịch. Thằng hát rong à! Gông cổ nó lại khi nó thành công. Chúng ta hãy kết thúc thắng lợi của nó bằng la ó! Cho nó thu hút quần chúng và cho nó chuốc lấy cô độc. Chính vì vậy mà các tầng lớp giàu có, gọi là tầng lớp trên, đã sáng kiến cho diễn viên cái hình thức cô lập, là sự hoan hô.
Dân thường ít độc ác hơn. Họ không căm ghét Guynplên. Họ cũng không khinh bỉ nó. Có điều anh thợ xảm thuyền tồi nhất, trong tốp thuỷ thủ xoàng nhất, của chiếc tàu buôn bé nhất neo tại hải cảng nhỏ nhất nước Anh, cũng tự cho mình là hơn nhiều, hơn không thể lường được, so với cái thằng làm trò cho "đám mạt hạng" và thường đánh giá một lãnh chúa hơn một anh xảm thuyền bao nhiêu, thì một anh xảm thuyền cũng hơn một thằng hát rong bấy nhiêu.
Thế là Guynplên cũng như tất cả những diễn viên, được hoan hô và bị cô lập. Vả lại, dưới trần này, mọi thành công đều là tội ác, và đều phải chịu quả báo. Kẻ nào đón nhận huân chương cũng nhận luôn cả mặt trái của nó.
Đối với Guynplên không hề có mặt trái. Theo cái nghĩa nó thích cả hai mặt của thành công. Nó thoả mãn với chuyện hoan hô, và bằng lòng về cảnh cô lập. Nhờ hoan hô nó giàu có, nhờ cô lập nó được hạnh phúc.
Giàu có trong chốn hạ lưu của xã hội này là không nghèo đói nữa. Nghĩa là không có lỗ thủng trên quần áo, không giá lạnh trong lò sưởi, không trống rỗng trong dạ dày nữa. Là có ăn khi đói, có uống khi khát. Là có tất cả những gì cần thiết, kể cả đồng xu để cho kẻ nghèo. Cảnh giàu sang khốn cùng đó vừa đủ cho tự do, Guynplên đã đạt được.
Về mặt tâm hồn nó rất phong phú. Nó có tình yêu.
Nó còn mong muốn gì nữa?
Nó chẳng mong muốn gì cả.
Hình như cất bỏ điểm dị dạng đi có thể là một việc giúp đỡ cho nó. Chắc chắn nó sẽ từ chối việc đó. Trút bỏ cái mặt nạ này và lấy lại bộ mặt thật, trở lại như nó có lẽ trước kia: đẹp trai duyên dáng, chắc chắn nó không muốn. Nó sẽ lấy gì để nuôi Đêa? Cô gái mù hiền lành đáng thương vẫn yêu nó sẽ ra sao? Không có cái vẻ nhăn nhở giúp nó thành thằng hề độc nhất, nó sẽ chỉ là một tên hát rong như mọi tên khác, như bất kỳ một thằng đi dây nào đó và có lẽ Đêa sẽ không có bánh ăn hàng ngày!
Nó sung sướng cảm thấy rất tự hào được làm người che chở nàng tiên tàn tật này. Đêm tối. Cô đơn. Thiếu thốn. Bất lực. Ngu dốt. Đói và Khát, bảy cái mồm há hốc của nghèo khổ sừng sững xung quanh nàng, và nó là thánh Gioocgiơ chiến đấu chống con rồng đó. Và nó chiến thắng cảnh nghèo. Bằng cách nào? Bằng cái mặt dị kỳ của nó. Nhờ vẻ dị hình của mình, nó thành người hữu ích, cứu trợ, chiến thắng, vĩ đại. Chỉ cần nó xuất hiện là tiền bạc đổ vào. Nó là chủ các đám dông; nó tự thấy mình là chúa tể đám dân thường. Nó có thể làm tất cả vì Đêa. Mọi nhu cầu của cô, nó thoả mãn; mọi mong muốn, mọi ước ao, mọi ngông cuồng của cô, trong phạm vi hạn chế của các mong ước có thể của một người mù, nó đều làm vừa ý. Như chúng tôi đã nói rõ, Guynplên và Đêa là ân nhân của nhau. Nó cảm thấy được bay bổng bằng đôi cánh của Đêa, cô cảm thấy được bồng bế trên tay của Guynplên. Che chở người yêu mình, cung phụng mọi thứ cần thiết cho người đã cho mình muôn ánh sao, ôi còn gì êm ái hơn. Guynplên đang nằm giữa nền hạnh phúc tuyệt vời đó. Và nó nhờ vào sự dị dạng của nó. Sự dị dạng đó làm cho nó hơn hẳn. Nhờ cái đó, nó kiếm được miếng ăn cho bản thân và miếng ăn cho những người khác; nhờ cái đó, nó được tự chủ, tự do, nổi tiếng, tự mãn, tự hào. Trong cái dị dạng đó, không gì có thể đụng chạm vào nó. Mọi rủi ro bất hạnh không thể làm gì nổi nó ngoài cái đòn chúng đã bị kiệt quệ, và đã biến nó thành người chiến thắng. Tai hoạ tột cùng đó đã trở thành một đỉnh cao cực lạc. Guynplên bị giam giữ trong cảnh dị hình của mình, nhưng cùng với Đêa. Như chúng tôi đã nói, đó là ngồi trong ngục tối của thiên đường.
Giữa chúng nó và thế giới trần tục có một bức tường thành. Càng hay. Bức tường thành đó bao vây chúng nhưng lại bảo vệ chúng. Người ta có thể làm gì Đêa, người ta có thể làm gì Guynplên, với một kiểu khóa chặt cuộc đời xung quanh chúng như vậy? Cất bỏ thành công của nó ư? Không thể được. Muốn thế phải cất bỏ bộ mặt của nó. Cắt bỏ tình yêu ư? Không thể được. Đêa không hề thấy nó. Tật mù của Đêa nan y một cách thần diệu.
Đối với Guynplên, nét dị hình của nó có gì bất lợi?
Chẳng có gì bất lợi cả. Có lợi gì? Tất cả. Nó được yêu quý bất chấp vẻ rùng rợn đó, và có lẽ còn nhờ chính cái vẻ đó nữa. Tàn tật và dị hình, do bản năng, đã xích lại gần nhau và phối hợp với nhau. Được yêu, như vậy không đủ sao. Guynplên chỉ nghĩ đến bộ mặt biến dạng của mình với một lòng biết ơn sâu sắc. Nó được ban ân phúc với cái sẹo đó. Nó sung sướng tự cảm thấy mình không thể mất được và trường tồn. Còn may mắn nào hơn khi ân đức đó không thể thu hồi! Chừng nào còn có các ngã tư, còn có bãi chợ, còn đường phố để đi tới, còn dân chúng dưới trần, còn trời xanh trên cao, là chắc chắn còn sống được. Đêa sẽ không thiếu thốn một thứ gì, và sẽ có tình yêu! Guynplên hẳn không đánh đổi bộ mặt với Apôlông[224]. Đối với nó, quái vật là hình dáng của hạnh phúc.
Vì vậy chúng tôi nói lúc mở đầu rằng số phận đã ưu đãi chúng nó. Con người bị đày đoạ này là một kẻ được tuyển chọn.
Nó sung sướng đến nỗi lại ái ngại cho những người xung quanh. Nó có thừa lòng thương người, không sử dụng đến.
Vả lại do bản năng, đôi lúc nó cũng nhìn ra ngoài, vì không ai là một khối cố định, bất biến, và bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng; nó vui sướng bị quây kín, nhưng thỉnh thoảng nó cũng nhô đầu qua bức tường. Sau khi so sánh, nó lại thụt vào, càng sung sướng với cảnh cô lập của nó bên cạnh Đêa.
Nó thấy gì xung quanh? Những con người, mà cuộc đời phiêu bạt đã cho nó thấy đủ các kiểu mẫu, luôn luôn thay đổi hàng ngày kia là thế nào? Đám đông luôn luôn đổi mới, nhưng lúc nào cũng vẫn thứ quần chúng ô hợp đó. Luôn luôn có những bộ mặt mới nhưng lúc nào cũng vẫn những con người hẩm hiu cùng khổ. Một mớ pha trộn của tàn tạ. Tối tối tất cả mọi bất hạnh của xã hội lại đến quây tròn xung quanh diễm phúc của nó.
Hộp Xanh được dân chúng rất hâm mộ.
Rẻ tiền thường vẫy gọi tầng lớp dưới. Tìm tới cái rẻ tiền đều là những kẻ hèn kém, nghèo khổ, bé nhỏ. Người ta đến với Guynplên như đến với chén rượu. Người ta tới đây mua hai xu quên lãng. Từ trên sân khấu, Guynplên nhìn lướt qua đám dân chúng tối tăm. Tâm trí nó cứ đầy dẫy tất cả những bóng ma liên tiếp ấy của cùng khổ bất tận. Diện mạo con người là do lương tâm và cuộc đời hợp thành, và là kết quả cả một loạt những đục khoét bí mật.
Không một đau khổ nào, không một phẫn nộ nào, không một ô nhục nào, không một thất vọng nào mà Guynplên không nhìn thấy nếp nhăn. Những cái mồm trẻ con kia không được ăn. Anh kia là một người cha, chị kia là một người mẹ, và sau lưng họ người ta đoán được những gia đình đang gặp nguy khốn. Bộ mặt này vừa từ thói hư tật xấu đi ra và sắp bước vào con đường tội lỗi; và người ta hiểu lý do vì đâu: ngu dốt và đói nghèo. Bộ mặt kia mang một dấu vết nhân hậu buổi đầu đã bị thất vọng xã hội gạch bỏ nay trở thành căm hờn. Trên vầng trán bà lão này thấy rõ sự đói khát; trên vầng trán cô gái kia thấy rõ cảnh truy lạc. Vẫn một sự việc mà ở cô gái là nguồn sống, ở chỗ kia lại bi đát hơn. Trong đám ô hợp đó có nhiều cánh tay nhưng không có dụng cụ, lũ người lao động kia không đòi hỏi gì hơn, nhưng thiếu công ăn việc làm. Đôi khi một người lính, thỉnh thoảng một phế binh, đến ngồi bên cạnh anh công nhân, và Guynplên lại nhìn thấy cái bóng ma chiến tranh. Chỗ này Guynplên đọc được thất nghiệp, chỗ kia bóc lột, tôi đòi. Trên một số vầng trán nó nhận thấy có một sự đẩy lùi trở lại tình trạng súc vật, và cảnh tượng con người thong thả quay về con vật do những trọng lực đen tối của hạnh phúc bên trên đè ép. Trong cảnh tối tăm mù mịt đó, Guynplên có một lối thoát. Nó và Đêa được hạnh phúc, nhờ có cái cửa sổ trổ sang hàng xóm. Còn lại tất thảy đều là đày đoạ.
Guynplên cảm thấy trên đầu mình bàn chân giầy xéo vô ý thức của những kẻ thế lực, giàu có, cao sang, quyền quí gặp thời; bên dưới, hàng đống những bộ mặt xanh xao của những người thiệt thời; nó thấy nó và Đêa, với hạnh phúc nhỏ bé của chúng, vô cùng to lớn giữa hai thế giới; bên trên, lớp người đi đi lại lại, tự do, vui vẻ, múa nhảy, chà đạp; bên trên, lớp người thẳng bước; bên dưới lớp người bị kẻ khác xéo lên đầu. Điều ác nghiệt, nói lên một đau xót của xã hội, là ánh sáng giầy xéo lên bóng tối; Guynplên nhận thấy mặt tang tóc đó.
- Sao! kiếp người mà lại hèn hạ đến thế ư; con người mà phải lê lết như vậy ư! Gắn chặt vào đất bụi bùn lầy ghê tởm như thế, đầu hàng như thế, ti tiện như thế, khiến người ta chỉ muốn dẫm chân lên trên! Vậy cuộc sống trần gian này là con sâu của con bướm nào? Sao! Trong đám đông đói khát và ngu dốt kia, khắp nơi, trước mặt mọi người, lại có dấu hỏi của tội ác, hay của nhục nhã! Luật pháp cứng nhắc làm cho lương tâm phải mềm yếu nhu nhược!
Không một đứa trẻ nào không sống còi cọc! Không một cô gái trinh nào lớn lên mà không phải bán mình! Không một đoá hồng nào nở ra mà không đón nhận đờm dãi!
Đôi mắt Guynplên tò mò vì xúc động, tìm cách nhìn vào tận cùng cảnh tăm tối đó, nơi đang hấp hối biết bao cố gắng vô ích và nơi đang tranh đấu biết bao mệt mỏi, những gia đình bị xã hội cắn xé, những phong tục bị luật pháp giày xéo, những vết thương bị hình phạt biến thành hoại thư, những đói nghèo vì thuế má gặm mòn, những trí tuệ bị bỏ hoài vì ngu dốt chôn vùi, nhùng bè mảng đầy những người đói khát lâm nguy, những cuộc chiến tranh, những nạn đói, những tiếng kêu rên, những lời gào thét, những cảnh mất tích; và Guynplên cảm thấy như mơ hồ bị nỗi lo âu rộng khắp xót xa đó tóm chặt lấy mình. Nó nhìn thấy lớp bọt sóng tai hoạ đó bao trùm lên đám người hỗn độn tối tăm. Nó là người đứng trên bến cảng nhìn cảnh tàu đắm xung quanh đó. Thỉnh thoảng nó lại ôm lấy cái đầu dị dạng của nó và suy nghĩ.
Còn gì điên rồ hơn khi được sung sướng! Biết bao mơ mộng, biết bao ý nghĩ đến với Guynplên! Phi lý tràn ngập đầu óc nó. Vì trước đây nó đã cứu vớt một đứa bé, cho nên nó lại có ý định muốn cứu giúp người đó. Có những đám mây mơ mộng đôi khi che kín cả thực tế của chính nó; nó mất ý thức cân đối đến mức tự nhủ; có thể làm gì cho đám dân chúng đáng thương kia? Đôi khi nó bị thu hút đến mức nói lên thành tiếng. Những lúc ấy Uyêcxuyt nhún vai, nhìn nó chằm chằm.
Còn Guynplên thì vẫn tiếp tục mơ màng:
- Ôi, giá mà ta có thế lực, ta sẽ giúp đỡ kẻ nghèo khổ như thế nào! Nhưng ta là gì? Chỉ như cát bụi. Ta có thể làm gì?
Chẳng làm được gì cả.
Nó nhầm. Nó có thể giúp ích rất nhiều đối với người nghèo khổ. Nó làm cho họ cười.
Và như chúng tôi đã nói, làm cho người ta cười tức là làm cho người ta lãng quên.
Trên trái đất này còn ân nhân nào hơn một người ban phát lãng quên!

11. GUYNPLÊN NÓI ĐÚNG, UYÊCXUYT NÓI THẬT.
Một triết gia là một tên gián điệp, Uyêcxuyt, chuyên rình mò những phút mơ mộng, nghiên cứu người học trò của mình. Những ý nghĩ thầm kín của ta thường in lên trán ta một phản ảnh mơ hồ mà con mắt người lịch lãm nhìn thấy rất rõ. Vì vậy những gì trong đầu óc Guynplên không thoát khỏi cặp mắt Uyêcxuyt. Một hôm Guynplên đang trầm ngâm, Uyêcxuyt liền kéo áo nó, quát to:
- Thằng ngu! Tao thấy mày ra vẻ một nhà quan sát lắm? Cẩn thận đấy, cái đó không liên quan gì đến mày đâu. Mày có một việc phải làm, là yêu quý Đêa. Mày sung sướng có được hai niềm hạnh phúc; thứ nhất là quần chúng nhìn thấy cái mõm của mày; thứ hai là Đêa lại không nhìn thấy cái đó. Niềm hạnh phúc đó của mày, mày không có quyền được hưởng. Không người đàn bà nào nhìn thấy cái mồm mày, lại muốn nhận cái hôn của mày đâu. Và cái mồm làm nên vận đỏ của mày, cái mặt làm nên giàu có của mày, lại không phải của mày. Mày sinh ra đâu phải với cái mặt đó. Mày đã lấy nó trên bộ mặt nhăn nhó ở tận cùng vô biên. Mày đã ăn cắp mặt nạ của quỉ sứ. Mày ghê tởm lắm, mày nên thoả mãn với cái vận may đó. Trên đời này, có những người có quyền sung sướng, đó là một điều hợp lý thôi. Mày sung sướng nhờ vận may. Mày sống dưới một hầm sâu trong đó có giam giữ một vì sao. Ngôi sao đáng thương đó thuộc về mày.
Mày đừng có tìm cách trốn thoát khỏi hầm, và, đồ dị hình, phải giữ lấy vì sao của mày! Trong cái mạng nhện của mày có viên hồng ngọc Vệ nữ. Mày hãy mãn nguyện đi cho tao nhờ. Tao thấy mày mơ mộng viển vông, thế là ngu ngốc. Mày nghe đây, tao sẽ nói cho mày nghe bằng thứ ngôn ngữ của thi ca thật sự; cứ làm sao cho Đêa có thịt bò và sườn cừu để ăn, sáu tháng nữa nó sẽ khoẻ như một ả Thổ Nhĩ Kỳ; mày cưới phăng nó làm vợ, rồi cho nó một đứa con, hai đứa, ba đứa, một xâu một xốc. Đấy là việc mà tao gọi là đàm luận triết lý. Hơn nữa, thế là hạnh phúc, điều đó không phải ngu dại. Con cái là mầu xanh hy vọng. Mày cứ kiếm lấy mấy đứa tí nhau, lau chùi cho chúng, xỉ mũi cho chúng, cho chúng nó ngủ, bôi nhem chúng, tắm rửa cho chúng, cho chúng nó lúc nhúc xung quanh mày; nếu chúng cười là tốt; nếu chúng gào thét càng hay; kêu gào là dấu hiệu sống, cứ thử nhìn chúng bú tí, ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò cò chạy đi, mười lăm tuổi nhớn bổng, hai mươi tuổi yêu đương. Kẻ nào có được những niềm vui như thế là có tất cả. Tao thì tao không được hưởng những cái đó, vì vậy mà tao đâm ra cục súc. Chúa Trời, người làm nên những bài thơ hay, và là nhà văn lớn nhất, đã truyền cho Môydơ, người cộng sự với mình: Hãy sinh nở thêm lên!
Sấm truyền như vậy. Đồ súc sinh, mày cứ sinh năm đẻ bảy đi. Còn trần gian bao giờ cũng vẫn là trần gian, nó không cần đến mày để đi lạc hướng đâu. Mày không phải lo lắng cho nó. Mày chớ có bận tâm đến bên ngoài. Hãy để mặc cho chân trời được yên. Một diễn viên sinh ra cốt để được người khác xem, chứ đâu phải để dòm ngó. Mày có biết bên ngoài có những gì không? Có những kẻ được quyền sung sướng. Còn mày, tao nhắc lại, mày là thằng sung sướng chó ngáp. Mày là thằng ăn cắp hạnh phúc của họ. Họ là kẻ hợp pháp, mày là thằng len lỏi, mày sống kiếp lẻ mọn với vận may. Mày còn muốn gì hơn nữa ngoài cái mày có? Sibôlet đâu, cứu tôi với! Thằng mất dậy này là một thằng xỏ lá. Sinh đẻ bảy với Đêa, dù sao cũng đã là tốt rồi. Một diễm phúc như vậy chẳng khác gì một trò bịp bợm. Những kẻ nào ở trên trần mà lại được hạnh phúc nhờ đặc ân của trời cao đều không thích dưới họ có những người vui vẻ quá. Nếu họ hỏi mày; mày có quyền gì mà sung sướng? Mày sẽ không trả lời nổi đâu.
Mày không có môn bài, còn họ, họ đều có cả, Giuypite, Ala, Visnu, Xabao[225], thần nào cũng được, đã duyệt y cho họ giấy chứng nhận được quyền sung sướng. Mày phải sợ họ. Đừng có dính đến họ để họ đừng động vào mày. Đồ khốn nạn, mày có biết thế nào là kẻ có quyền sung sướng không? Đó là một người khủng khiếp, là lãnh chúa. A! lãnh chúa, phải là một kẻ đã có âm mưu trong cõi vô định của quỉ sứ trước khi giáng trần, mới có thể đi vào cõi đời bằng cái cửa đó! Phải khó khăn ghê lắm hắn mới sinh ra được! Hắn chỉ mất mỗi chút công khó đó thôi, nhưng trời ơi! Thế mà cũng gọi là công khó! Tên thô lỗ mắt mù đó, có số phận cho ăn trên ngồi trốc người khác ngay từ lúc còn ở trong nôi! Mua chuộc tên soát vé ấy để nó dành cho chỗ tốt nhất trong rạp hát! Mày hãy đọc những điều ghi nhớ trong cái lều mà tao đã xếp xó, mày cứ đọc những dòng chữ gối đầu giường đó về hiểu biết của tao, rồi mày sẽ thấy lãnh chúa là gì. Lãnh chúa là kẻ có tất cả, và là tất cả. Lãnh chúa là kẻ tồn tại trên cả bản chất của hắn; lãnh chúa là kẻ, còn trẻ, có những quyền của người già, về già, có những vận may của người trẻ, xấu xa, được người thiện kính trọng, hèn nhát, được chỉ huy người dũng cảm, lười biếng, được hưởng thành quả của lao động, dốt nát, có bằng Kembritgiơ[226]. Và Ôxfơc[227], ngu si, được các nhà thơ thán phục, xấu xí, được phụ nữ cười duyên, Técxit[228] được đội mũ của Asi[229], thỏ đế được đội da sư tử. Không nên xuyên tạc lời nói của tao, tao không bảo lãnh chúa nhất thiết là dốt đặc, hèn nhát, xấu xí, ngu si và già khọm đâu nhé; tao chỉ nói là họ có thể có tất cả những mặt đó mà chẳng hại gì cho họ. Trái hẳn lại. Lãnh chúa là bực vương giả. Vua nước Anh chỉ là một lãnh chúa, vị quí tộc số một trong tầng lớp quí tộc, có thế thôi, và đã là quá nhiều. Vua chúa ngày xưa được gọi là lãnh chúa; lãnh chúa Đan Mạch, lãnh chúa Iêclăng, lãnh chúa Các đảo. Lãnh chúa Na-uy mới được gọi là vua ba trăm năm nay. Luy-xiuyt, vị vua xưa nhất của nước Anh, được thánh Têlexfo gọi là mai lo[230] Luyxiuyt. Các lãnh chúa đều là nguyên lão, nghĩa là ngang hàng. Với ai? Với vua. Tao không lầm lãnh chúa với nghị viện đâu.
Quốc dân nghị viện mà người Xăcxơ trước cuộc chinh phục, gọi là Wittenagemot, thì người Normăng, sau cuộc chinh phục, gọi là parliamentum. Dần dần người ta gạt bỏ nhân dân ra. Những bức thư kín, của nhà vua triệu tập các công xã trước kia có chữ Consilium impenđendum[231] ngày nay có chữ an consentiendum[232].
Các Công xã có quyền ưng thuận, có quyền nói Có. Các lãnh chúa có thể nói Không. Chứng cớ là họ đã nói. Lãnh chúa có thể chặt đầu vua, nhân dân thì không. Nhát rìu chặt cổ Saclơ đệ Nhất là một việc lấn quyền, không phải đối với vua, mà đối với lãnh chúa, và người ta đã làm đúng như treo cổ Cromoen. Lãnh chúa có quyền thế, tại sao? Vì họ có tiền của. Ai đã giở từng trang cuốn Đumxđê-bue[233]? Đó là chứng cớ các lãnh chúa nắm giữ nước Anh, đó là quyển sổ tài sản nhân dân, lập ra dưới thời Ghiôm Chinh phục, và do quốc hội đại thần cất giữ.
Muốn sao chép một điều gì trong ấy, phải trả mỗi đồng bốn xu. Đó là một quyển sách có tiếng. Mày có biết trước kia tao đã làm thầy thuốc trong nhà một lãnh chúa tên là Macmađuc không? Ông ta có chín mươi vạn phơrăng Pháp tiền niên lợi. Đồ ngu như lợn, liệu mà thoát ra khỏi chỗ ấy. Mày có biết chỉ với bầy thỏ nuôi thả của bá tước Linxê cũng đủ nuôi tất cả đám bần cùng của Năm Cảng không? Vì vậy cứ thử động vào mà xem. Ở đấy người ta xắp đặt rất trật tự. Bất cứ tên nào săn trộm cũng bị treo cổ hết. Tao đã thấy chỉ vì hai cái tai dài có lông thò ra ngoài bị đựng thú săn mà một ông bố có sáu con bị treo lên giá treo cổ đấy. Giới quí tộc cha tu viện trưởng Rafôê, cha tu viện trưởng này thuộc giới quí tộc và là người của nhà thờ, một đống lúa toàn hạng tốt nhất, lấy của nông dân quanh vùng, và lúa đó vị tu viện trưởng không mất công gieo trồng. Như vậy là để cho ông ta có thì giờ cầu nguyện Chúa. Con có biết huân tước Macmađiuc, chủ của bố, là huân tước tổng quản ngân khố xứ Iêclăng, và là pháp quan đại thần của Knarexbua trong lãnh đại bá tước York không? Con có biết rằng huân tước thị vệ đại thần, một tước vị cha truyền con nối trong gia đình các công tước Ancaxtơ, mặc áo cho vua ngày đăng quang, và nhờ công khó đó mà được thưởng bốn mươi thước nhung đỏ thêm chiếc giường vua nằm ngủ không; rằng vị hoàng môn quan cầm đũa đen là đại diện của ông ta không? Bố chỉ muốn được xem con chống đối lại việc này, việc vị tử tước xưa nhất của nước Anh là Rôbơc Bren được Hăngri V phong tử tước. Mỗi một tước hiệu của huân tước đều chỉ rõ một chủ quyền trên một lãnh thổ, trừ bá tước Rive mang tước hiệu theo tên gia đình. Thật tuyệt vời các quyền họ được đánh thuế người khác, và được trích ra, chẳng hạn như lúc này, bốn  xteclinh trên một livrơ xtec-linh lợi tức, việc mà người ta vừa tiếp tục làm trong một năm, và tất cả những thứ thuế đẹp đẽ đánh vào các loại tinh dầu, vào các kiểu tiêu thụ rượu và bia, vào trọng tải, vào chiều nghiêng than đá, vào rượu tần, rượu lê, rượu mum, vào mạch nha và đại mạch ủ, vào than đốt và hàng trăm thứ khác tương tự! Chúng ta hãy kính phục những gì hiện đang có. Bản thân giới tăng lữ cũng tùy thuộc vào các huân tước. Giám mục Man là bầy tôi của bá tước Đecby. Các huân tước thường có những giống thú dữ riêng mà họ đặt vào huy hiệu của họ. Vì Chúa Trời không tạo ra đầy đủ thú dữ, nên họ phải sáng tạo thêm.
Họ đã tạo ra con lợn rừng huy hiệu; quí tộc hơn hẳn linh mục thế nào, và lợn rừng hơn hẳn lợn nhà thế nào, thì con này cũng hơn hẳn lợn rừng như thế. Họ đã tạo ra giống ưng sư[234], con này đối với sư tử là chim ưng, còn đối với chim, ưng lại là sư tử; sư tử sợ nó vì bộ cánh và chim ưng sự nó vì bộ vuốt. Họ có con rắn thần, con kỳ lân, con rắn cái, con kỳ nhông, con quái nộm, con đơrê, con rồng, con ưng mã[235]. Tất cả những giống này đều khiến chúng ta hãi hùng, nhưng đối với họ lại là vật trang trí và đồ trang sức. Họ có một chuồng thú gọi là huy chương, trong đó gầm rống các loại quái vật lạ lùng. Về những phép mầu bất ngờ, thì không có cánh rừng nào bì kịp lòng tự phụ của họ. Sự phô trương của họ đầy rẫy bóng ma lượn lờ như trong một cảnh đêm tối tuyệt vời, có vũ trang, đội mũ sắt, mặc áo giáp, mang đinh thúc ngựa, tay cầm vương trượng, mồm nói giọng trang nghiêm:
"Chúng ta là tiên tổ!". Bọ rầy ăn rễ cây, còn bộ võ trang của kỵ sĩ ăn nhân dân. Tại sao lại không? Liệu chúng ta có thay đổi luật pháp không? Giới lãnh chúa tham gia vào trật tự. Con có biết ở Êcôx có một công tước phi ngựa liền ba mươi dặm[236] mà vẫn không ra khỏi dinh cơ của mình không? Chưa kể những lâu đài, rừng rú, đất đai, lãnh địa, ruộng phát canh, thái ấp, lộc thánh, thuế thập phân và tiền tô tức, các khoản tịch thu và phạt vạ vượt quá một triệu xteclinh không? Những người không bằng lòng cũng khó.
- Vâng - Guynplên lẩm bẩm, tư lự - rõ ràng là địa ngục dân nghèo làm nên thiên đường cho kẻ giàu sang.

12. UYÊCXUYT NHÀ THƠ LÔI CUỐN, UYÊCXUYT TRIẾT GIA.
Đúng lúc ấy Đêa chợt bước vào; Guynplên nhìn cô và chỉ còn thấy có cô. Tình yêu thường như thế, người ta có thể trong chốc lát bị một loạt ý nghĩ ám ảnh nào đó xâm chiếm; người đàn bà ta yêu chợt đến và đột ngột làm tan biến tất cả những gì không phải là hình ảnh của mình, và không ngờ đã xoá hết của ta có lẽ cả một thế giới.
Ở đây cần có nói đến một chi tiết. Trong Hồng hoang chiến bại, có một chữ monstro, nói với Guynplên, làm cho Đêa không vừa ý. Thỉnh thoảng, với một ít tiếng Tây Ban Nha mà thời ấy mọi người đều biết, cô cũng tự ý thay nó bằng chữ Quiero nghĩa là tôi muốn thế.
Uyêcxuyt tha thứ những sửa đổi kịch bản như thế, không phải không có đôi chút bực tức. Lẽ ra ông cũng muốn bảo với Đêa, như ngày nay Moetxa nói với Vixô:
- Anh không tôn trọng kịch bản.
"Thằng Cười" Đó là dạng thức nổi tiếng của Guynplên.
Tên thật của nó, Guynplên, gần như không ai biết, đã biến mất dưới cái biệt hiệu kia, cũng như bộ mặt của nó đã biến mất dưới cái vẻ cười. Tiếng tăm của nó, cũng như diện mạo của nó, là một cái mặt nạ.
Tuy vậy, tên nó cũng được ghi trên một cái bảng rộng yết ở phía trước Hộp Xanh, trên bảng quần chúng thấy có mấy câu sau đây của Uyêcxuyt:
"Tại đây khán giả được nhìn thấy Guynplên, bị bọn comprasicôx khốn kiếp bỏ rơi từ thuở lên mười, đêm 29 tháng giêng năm 1690, trên bờ biển Porlan, từ một đứa bé trở thành người lớn, và ngày nay được gọi là Thằng Cười".
Số kiếp của những kẻ hát rong này giống số kiếp của những người hủi trong một trại hủi và của những người có diễm phúc trong một thế giới thần thoại. Hằng ngày vẫn là sự chuyển tiếp đột ngột từ chỗ biểu diễn giữa trời ầm ỹ nhất sang cảnh ẩn dật hoàn toàn nhất.
Tối nào họ cũng rơi khỏi trần gian. Y hệt những người chết ra đi để hôm sau sống lại. Người diễn viên giống như một ngọn đèn biển có bộ phận che chắn, lúc ẩn lúc hiện, và đối với công chúng anh ta chỉ tồn tại như bóng ma và ánh sáng le lói trong cuộc đời có đèn xoay này.
Sau ngã tư tiếp đến nhà tu kín. Buổi diễn vừa dứt, trong khi khán giả phân tán và tiếng ồn ào thoả thích của quần chúng tiêu tan khắp mọi nẻo phố phường thì Hộp Xanh kéo tấm bảng lên, như một pháo đài nhấc chiếc cầu treo, thế là mọi liên hệ với loài người bị cắt đứt.
Một bên, vũ trụ, một bên cái lán kia; và trong lán đó có tự do, có nhân hậu, có dũng cảm, có tận tuỵ, có ngây thơ, có hạnh phúc, có tình yêu, tất cả mọi chòm sao.
Cô mù trông thấy và anh chàng dị dạng được yêu ngồi bên nhau, tay cầm tay, trán chạm trán và say sưa thì thầm rất khẽ với nhau.
Khoảng giữa nhằm hai mục đích; sân khấu đối với công chúng, phòng ăn đối với diễn viên.
Uyêcxuyt vốn thích ví von lợi dụng sự khác biệt về mục đích trên để xem khoảng giữa của Hộp Xanh như khoảng arađas trong một cái chòi của người Abitxini.
Uyêcxuyt đếm xong số tiền thu được, rồi cả nhà vào ngồi ăn tối. Trong yêu đương, chuyện gì cũng đều là lý tưởng cả. Khi người ta yêu, việc cùng uống cùng ăn cho phép đủ mọi thứ gần gũi vụng trộm khiến một miếng ăn lại thành một cái hôn ấu yếm. Người ta uống bia hay rượu chung trong một cốc, mà tưởng như được uống sương mai chung trong một đoá bách hợp. Hai tâm hồn trong bữa ăn thân mật cũng yêu kiều như hai cánh chim non. Guynplên tiếp cho Đêa ăn, cắt thái hộ cô, rót cho cô uống, xích đến quá gần.
- Hừm! - Uyêcxuýt đằng hắng, và ông miễn cưỡng chấm dứt việc quở trách bằng một nụ cười.
Con sói dưới gầm bàn vẫn ăn, không cần để ý đến những thứ không phải là xương xẩu.
Vinơx và Fibi cùng ăn nhưng không gây trở ngại gì lắm. Hai cô ả lang thang này, gần như man rợ và lúc nào cũng hốt hoảng, đang bàn chuyện không sinh đẻ với nhau.
Sau đó Đêa bước vào phòng khuê với Fibi và Vinơx.
Uyêcxuyt đi xích Ômô vào phía dưới Hộp Xanh, còn Guynplên chăm lo con ngựa, từ chàng trai si tình trở thành gã chăn ngựa, tưởng đâu anh là một vị anh hùng của Hôme hoặc một lãnh chúa bảo vệ Saclơman. Nửa đêm mọi người đều ngủ, trừ mỗi con sói, thỉnh thoảng, quán triệt nhiệm vụ của mình, lại mở một mắt.
Hôm sau, ngủ dậy, mọi người lại gặp nhau, cùng điểm tâm, thường thường với giăm-bông, và uống trà; ở nước Anh trà có từ năm 1678. Rồi Đêa, theo kiểu Tây Ban Nha, và theo lời khuyên của Uyêcxuyt thấy cô yếu đuối quá lại ngủ vài giờ, trong khi Guynplên cùng Uyêcxuyt làm những việc lặt vặt bên ngoài và trong nhà mà cuộc sống du cư thường đòi hỏi.
Ít khi Guynplên lang thang ra ngoài Hộp Xanh, trừ khi nó đi vào những con đường vắng vẻ và những nơi hiu quạnh. Ở thành phố nó chỉ ra ngoài ban đêm, với một cái mũ rộng vành bẻ cụp xuống để khỏi lộ mặt ở ngoài đường.
Người ta chỉ trông thấy rõ mặt nó ở trên sân khấu.
Vả lại Hộp Xanh cũng ít khi đi tới các thành phố, đã hai mươi bốn tuổi mà Guynplên chưa mấy khi thấy những thành phố to hơn Năm Cảng.
Tuy vậy tiếng tăm của nó ngày càng lan rộng, bắt đầu tràn qua đám hạ lưu, và lên cao hơn nữa. Trong đám người ham chuộng những trò kỳ quặc của chợ phiên và những người thích tìm kiếm chuyện hiếu kỳ và chuyện phi thường, người ta được biết ở đâu đó đang có một cái mặt nạ kỳ dị, sống lang thang nay đây mai đó.
Người ta bàn tán về nó, người ta tìm kiếm nó, người ta hỏi nhau: ở đâu? Thằng Cười chắc chắn trở thành nổi tiếng. Vì vậy mà đôi chút vinh quang cũng dội vào vở Hồng hoang chiến bại. Đến nỗi một hôm, lòng đầy tham vọng. Uyêcxuyt nói:
- Phải đi Luân Đôn mới được.

HẾT TẬP 1

[216] Gôlơ (Gaule): tên ngày xưa của nước Pháp.
[217] Cầu nguyện đi! Khóc lóc đi!.
 Từ lời nói
[218] Nẩy ra lý trí
Lời ca tạo nên ánh sáng!
[219] Đêm tối: Cút đi!
Bình minh hát lên bài ca chiến thắng.
[220] Phải bay lên trời.
Và cười lên, ngươi. kẻ đã khóc
Bẻ gãy cái gông đi!
Quái vật hãy trút bỏ.
Lớp vỏ
Màu đen của mi
[221] Ôi! đến đây! Yêu đi!
Em là linh hồn.
Anh là trái tim.
[222] Bôtxuyê (Bossuet 1627-1704): giáo sĩ Pháp nối tiếng về những bài thuyết giáo và điếu văn.
[223] Rutxô (J.J. Rousseau 1712-1778): nhà văn lãng mạn và triết gia Pháp, tác giả Khế ước xã hội, Êmin.
[224] Apôlông, trong thần thoại Hy lạp, là vị thần nổi tiếng đẹp trai.
[225] Giuypite (Jupiter): Thượng đế trong thần thoại Hy Lạp.
Ala (Allalo: Thượng đế của Hồi giáo.
Visnu (Vichnou): Thần của người ấn độ.
Xabao (Xabaoth): tên thần Giêhôva của người Hy Bá Lai.
[226] Kembritgiơ (Cambridge): đô thị lớn ở Anh có trường đại học nổi tiếng.
[227] Ôxơfc (Oxford): thị trấn danh tiếng của Anh, nhờ các lâu đài cổ và nhất là trường đại học Oxford gồm hai mươi mốt khoa và nhiều phòng thí nghiệm khoa học.
[228] Teexit (Thersite) nhân vật trong trường ca Hlat, điển hình của hèn nhát láo xược. Nó vừa lác vừa thọt, và cả gan dám chế diễu Asi, nên bị Asi đấm chết.
[229] Asi (Achille): vị anh hùng trong Illiede, đã giết Hector lúc vây thành Toroa, sau bị Parla đâm trúng gót chân chết.
[230] Mai lo(My Lord) tiếng Anh; lãnh chúa của tôi.
[231] Để giải thoát cuộc thảo luận của họ.
[232] Để tán thành (theo ý muốn nhà vua).
[233] Dumsday-book (tiếng Anh).
[234] Ưng sư (Griffon): quái vật tưởng tượng mình sư tử, đầu và cánh chim ưng, tai ngựa, bờm vây cá.
[235] Ưng mã (hippogriffe). quái vật tưởng tượng đầu chim ưng, mình ngựa.
[236] Dặm (lieue): bằng 4.444 km