- 13 -
KHƯƠNG DUY, ĐẶNG NGẢI VÀ CHUNG HỘI

Hạ hầu Bá thấy họ Tư Mã giết Tào Sảng bèn nổi loạn. Tư Mã Ý sai Trần Thái đem quân đến đánh, Bá thua phải chạy về Hán Trung đầu hàng Thục. Khương Duy mở tiệc thiết đãi Hạ Hầu Bá. Duy hỏi Bá rằng:
Cha con Tư Mã Ý coi giữ quyền chính, có bụng nào dòm ngó đến nước ta không?
Bá nói: Lão tặc còn toan việc mưu nghịch, chưa kịp nghĩ đến việc ngoài. Nhưng nước Ngụy mới có hai người đang trạc tuổi trẻ, nếu hai người ấy lĩnh quân mã thì là một sự lo lớn cho Ngô, Thục đó.
Duy hỏi hai người nào?
Bá nói: một người hiện làm bí thư lang, quê ở Tràng Sa Châu Dĩnh họ Chung tên Hội, tự là Sĩ Quí, con quan Thái phó Chung Do. Người ấy can đảm khôn ngoan từ nhỏ. Khi Hội lên bẩy tuổi, cùng với anh là Chung Dục đang học, có vua Văn Đế đến chơi. Dục bấy giờ mười tám tuổi, thấy vua đến run lập cập, mồ hôi toát ra mặt. Vua hỏi: “Mày sao đổ mồ hôi”, Dục thưa: Sợ hãi lắm lắm, mồ hôi ra như tắm. Hội thì điềm nhiên như không. Vua hỏi: Mày sao không có mồ hôi? Hội thưa: Kinh sợ quá nên mồ hôi không dám chảy. Vua lấy lời nói làm kỳ. Khi Hội gần lớn ham xem binh thư, tường hiểu thao lược. Tư Mã Ý và Tưởng Tế cùng khen tài của hắn. Còn một người ở Nghĩa Dương, hiện đang làm lại, họ Đặng tên Ngải tự là Sĩ Tái, cha mất sớm, từ nhỏ đã có chí lớn. Phàm trông thấy ở đâu có núi cao, đầm lớn tức thì ngắm nghía đo vẽ chỗ nào đóng binh, chỗ nào nên chứa lương, chỗ nào nên mai phục, ghi chép vào một bức địa đồ. Ai cũng chê cười, chỉ có Tư Mã Ý khen là người có chí, mới cho tham tán việc quân cơ. Đặng Ngải nói lắp, mỗi khi nói đến tên mình thường hay nói: “Ngải, Ngải”. Tư Mã Ý bỡn rằng: Ngươi nói Ngải Ngải…. thì ra bao nhiêu Ngải kia? Ngải ứng khẩu đáp: “Phượng hề, Phượng hề thì cũng một phượng chớ mấy phượng”.
Hai người này thật đáng ngại.
Đặng Ngải và Chung Hội là đại biểu cho sự vươn lên của thế hệ trẻ đầy hăng hái với mưu chước táo bạo, sẽ giúp nhà Tấn phá bỏ thế Tam phân. Cũng như trước đây thế hệ trẻ Khổng Minh, Chu Du, Tôn Quyền, Lỗ Túc đã đứng lên ngăn chặn sức tiến phi thường của Tào Tháo bằng trận Xích Bích để tạo thế Tam phân.
Tư Mã Chiêu dẹp xong Gia Cát Đản bèn quyết kế đánh Thục. Tình hình nước Thục lúc này ra sao? Binh quyền thì ở tay Khương Duy nhưng chính quyền thì thật rối bét. Phí Vĩ chết, Hậu chủ Lưu Thiện tin dùng hoạn quan Hoàng Hạo, Hoàng Hạo luôn luôn tìm cách hãm hại Duy. Khương Duy tuy là người vũ lược nhưng chính trị non kém nên không dám về Thành Đô, đem binh đồn trú ở bên ngoài.
Bởi vậy chính sách văn võ nước Thục mất liên hệ.
Tư Mã Chiêu chia quân làm ba đường tấn công Thục quốc.
a- Đặng Ngải đem ba vạn quân khiên chế chính diện Khương Duy.
b- Gia Cát Tự đem ba vạn quân chặt đứt lộ hầu của Khương Duy.
c- Chung Hội lĩnh đại quân hơn mười vạn quân chia làm hai mặt Tà Cốc và Lạc Cốc tiến vào.
Trước kia Ngụy Diên còn sống, gìn giữ Hán Trung bằng cách phân ra nhiều cứ điểm phái binh đến đóng rải rác, kẻ địch đến tấn công tất ráng sức bật ra không cho nhập nội.
Về sau, Khương Duy bãi bỏ chiến lược Ngụy Diên, không dùng các cứ điểm rải rác vì cho như thế tốn phí nhiều, tập trung tất cả vào hai thành Hán Lạc, dử địch vào nội địa, giữ chặt thành trì, đợi khi địch hết lương sẽ xổ ra đánh chắc được lớn.
Chiến lược Khương Duy so với chiến lược Ngụy Diên, tuy không sai nhưng có phần táo bạo đi đến mạo hiểm, thứ nhất là nó không phù hợp với tình thế chính trị Thục với Hậu chủ Lưu Thiện và hoạn quan Hoàng Hạo nắm quyền. Bởi tính chất mạo hiểm ấy, Chung Hội vào đất Thục dễ dàng. Một mình Khương Duy không đủ chống đỡ quá nhiều mặt trận. Đến lúc Đặng Ngải vượt được dãy núi hiểm trở vùng Âm Bình, thì triều chính Thục quốc cơ hồ mất tinh thần chiến đấu. Hậu chủ nghe theo bọn Tiêu Chu Hoàng Hạo ra lệnh cho Khương Duy bãi chiến xin hàng. Duy dò xét biết tình hình mâu thuẫn giữa Chung và Đặng Ngải, liền ra hàng Chung Hội để khỏi xung đột.
Giả thử, hậu chủ vững tâm tin hẳn kế Khương Duy quyết chống giữ Kiếm Các (trước?) đại quân Chung Hội, để quân Đặng Ngải sau khi vượt Âm Bình không có đường rút nữa bị cô lập thì đâu đến nỗi. Nhưng khổ thay toàn thể triều đình Thục đều không ý thức nổi, chịu đựng nổi chiến lược quá mạo hiểm và gian khổ của Khương Duy.
Hậu chủ đầu hàng, Thục quốc bị chiếm đóng. Trọng tâm chính trị chuyển vào nội bộ nhà Tấn. Tư Mã Chiêu lo sợ Đặng Ngải, Chung Hội làm phản. Nên gấp rút tính kế giải quyết Ngải, Hội.
Sự việc đó như thế nào?
Hãy đọc mấy đoạn cần thiết trong Tam Quốc chí diễn nghĩa:
Thiệu Đễ nói nhỏ với Tư Mã Chiêu rằng: Chúa Công sai Chung Hội lĩnh mười vạn quân sang đánh Thục. Tôi thiết tưởng Hội chí lớn bụng cao không nên cho cầm quyền to một mình.
Chiêu cười nói: ta há chẳng biết sao?
Tư Mã Chiêu bảo với Thiệu Đễ rằng: Trong triều lắm người nói không nên đánh Thục, thế là nhút nhát. Nếu cho họ ra đánh gượng thì tất thua. Chỉ có Chung Hội bầy kế đánh Thục, thế là không nhát, không nhát thì chắc phá được Thục. Thục vỡ rồi, người Thục ruột gan tan nát, dù cho Chung Hội có bụng nào, người Thục giúp làm sao được. Đến như người Ngụy đánh thắng rồi, tất mong về, không chịu theo. Chung Hội làm phản thì cũng không phải lo đến nữa. Ta chỉ nói cho mình ngươi biết thôi, chớ có để lộ ra ngoài.
Nói về Chung Hội khi cất quân, các quan tiễn ra ngoài thành, tinh kỳ rợp trời, gươm giáo sáng quắc, quân mã hùng tráng oai phong lẫm liệt lắm, ai cũng nức nở khen ngợi, chỉ có tham quân là Lưu Thực tủm tỉm cười nhạt không nói gì.
Thái Úy là Vương Tường thấy Lưu Thực cười mát, đến gần ngựa cầm tay Thực hỏi rằng:
- Chung Đặng, hai người đi chuyến này thế nào?
Thực nói: Chắc phá xong Thục, nhưng ngại không ai trở về được nhà.
Hội truyền lệnh dựng một lá cờ trắng ở trong quân, đề bốn chữ Báo Quốc An Dân. Quân đi đến đâu, cấm không được giết càn một người nào, hễ giết người phải đền mạng. Bởi thế nhân dân trong Hán Trung ra cả thành đón rước lạy hàng. Hội đều lấy lời an ủi không tơ hào phạm đến của dân.
......................................................
Gia Cát Tự thua to, rút lui ngoài mười dặm hạ trại. Quân Ngụy chết biết bao nhiêu mà kể. Quân Thục cướp được ngựa xe và khí giới rất nhiều.
Chung Hội hạ trại, cách cửa Kiếm Các hai mươi dặm. Gia Cát Tự vào lạy chịu tội. Hội nổi giận sai lôi Tự ra chém.
Vệ Quán can rằng: Tự tuy có tội, nhưng là người của Đặng Ngải tướng quân, không nên giết e thương tổn hòa khí hai bên.
Hội nói: ta phụng minh chiếu của thiên tử và tuân lệnh của Tấn Công sang đây đánh Thục, cho đến Đặng Ngải có tội ta cũng chém.
Chúng cố sức can ngăn, Hội mới bắt Gia Cát Tự bỏ vào xe cũi đưa về Lạc Dương cho Tấn Công phát lạc. Còn quân của Tự thì thu cả lấy làm bộ hạ sai khiến.
(Có người báo với Đặng Ngải. Ngải nổi giận, nói rằng:)
Ta với nó phẩm tước ngang nhau, ta trấn thủ ngoài biên thùy đã lâu, lập bao nhiêu công với nước, sao nó lại dám khinh ta quá thế.
...........................................................................
Bấy giờ trong triều nhiều người nói Đặng Ngải có ý muốn làm phản. Tư Mã Chiêu trong bụng nghi ngờ lắm. Sực có người sứ đưa thư Đặng Ngải đến, Chiêu mở ra xem. Xem xong bảo Giả Sung rằng: Đặng Ngải cậy có công sinh ra kiêu ngạo, tự ý xử việc. Tình hình làm phản đã rõ rồi, làm thế nào bây giờ?
Giả Sung nói: Chúa công sao không phong ngay cho Chung Hội để đè nén Đặng Ngải đi.
Chiêu nghe lời, sai sứ mang chiếu vua phong cho Chung Hội làm Tư Đồ, sai Vệ Quán giám đốc hai đạo quân mã, trao một phong thư cho Quán để đưa cho Hội, sai Hội dò xét Đặng Ngải, phòng có việc bất trắc gì chăng?
Chung Hội chịu phong chức đâu đấy, bàn với Khương Duy rằng:
Đặng Ngải công ở trên ta, lại được phong chức Thái úy. Nay Tư Mã Chiêu nghi Ngải có ý làm phản nên cho Vệ Quán làm giám quân, lại xuống chiếu sai ta kiềm chế bớt đi. Bá Ước có cao kiến gì chăng?
Duy nói: tôi nghe Đặng Ngải xuất thân hèn hạ, thuở nhỏ đi chăn bò. Nay cầu may từ đường tắt Âm Bình, vin cây vượt núi, lập được công to. Đó không phải là giỏi giang gì đâu, chẳng qua nhờ hồng phúc nhà nước đấy thôi. Nếu không có tướng quân giữ nhau với nhau với tôi ở cửa Kiếm Các, thì Ngải thành công sao được. Nay Ngải định phong Thục chúa làm Phù Phong Vương, là có ý muốn kết nhân tâm nước Thục, tình hình làm phản chẳng nói ai cũng rõ ràng. Tấn Công sinh nghi thật là phải.
Hội nghe lọt tai mừng lắm.
Duy lại nói: xin cho tả hữu lui hết. Duy thò tay vào trong áo lấy ra một bức địa đồ đưa cho Hội và nói rằng: Khi xưa Võ Hầu ra khỏi lều tranh đem bản đồ này dâng cho Tiên đế và thưa rằng: đất Ích Châu, đồng lầy ngàn dặm, dân nhiều nước giầu có thể làm bá nghiệp. Tiên đế nhân đó mới mở ra Thành Đô, Đặng Ngải thấy vậy, trách nào mà chẳng cuồng người lên.
Hội trỏ hình thế sông núi: Duy nói rành rọt từng tý.
Hội lại hỏi rằng: nay nên dùng chước gì mà trừ Đặng Ngải cho đặng?
Duy nói: nên nhân lúc Tấn Công đang nghi ngờ, kíp dâng biểu về mà kể cái hình tích làm phản của Đặng Ngải ra. Tấn Công tất sai tướng quân đánh hắn thì chỉ một trận là bắt được.
Hội nghe lời lập tức sai người mang biểu về Lạc Dương, nói Đặng Ngải chuyên quyền rông rỡ, kết hiếu với người Thục, nay mai tất làm phản. Bởi thế văn võ trong triều ai cũng kinh hãi. Hội lại sai người đón đường bắt lấy biểu văn của Đặng Ngải, rồi theo lối chữ của hắn mà viết lại thành các lời kiêu ngạo, để chứng thực lời mình.
Tư Mã Chiêu thấy văn biểu của Đặng Ngải bèn nổi giận sai người ra truyền cho Chung Hội phải bắt Đặng Ngải. Lại sai Giả Sung dẫn ba vạn quân vào Tà Cốc, rồi Chiêu cùng với Ngụy chủ Tào Hoán ngự giá thân chinh. Tây Tào duyên Thiệu Đễ nói:
Quân Chung Hội nhiều gấp sáu của Đặng. Sai Hội bắt Ngải cũng nổi, minh công can gì phải đi?
Chiêu cười rằng: thế ra ngươi quên mất lời ngày trước rồi à. Trước ngươi nói Chung Hội về sau làm phản. Ta đi chuyến này không phải vì Đặng Ngải đâu, thực là vì Chung Hội đó.
Đọc kỹ những đoạn văn trên ta sẽ thấy rằng: chỉ Chung Hội có ý chống lại Tư Mã Chiêu, còn Đặng Ngải thì tuyệt đối không. Sở dĩ Đặng Ngải bị nghi ngờ là Ngải nông nổi, tự đắc, nhược điểm của Ngải là cái sở đoản của tất cả những người quân nhân trong khắp lịch sử. Quả nếu Ngải định tâm làm phản Chiêu, Vệ Quán làm sao bắt trói Ngải một cách quá ư dễ dàng như vậy? (Đặng Ngải còn chưa ngủ dậy, Quán dẫn vài mươi người xông thẳng vào tận giường gọi to lên rằng: ta phụng chiếu đến bắt cha con Đặng Ngải đây. Ngải choàng dậy nhẩy xuống đất. Quán quát võ sĩ trói lại và bỏ vào xe cũi).
Nhiều người nói sở dĩ Quán bắt Ngải dễ dàng là vì trước khi thi hành sứ mạng, Quán đã khôn khéo viết hịch phủ dụ tướng sĩ. Điều này mâu thuẫn với sự việc xẩy ra về sau, lúc Chung Hội bị các tướng nổi lên giết, thì bộ hạ Đặng Ngải bàn nhau cướp lại Đặng Ngải cho nên Vệ Quán mới sai người giết phăng đi trừ hậu họa.
Phần Chung Hội thì tình thế đã đẩy Hội vào thế bước phản họ Tư Mã, bởi tại Tư Mã Chiêu mang sẵn ý định giết Chung Hội trước rồi, nghĩa là từ lúc Chung Hội sửa soạn chinh phục đất Thục (Xem lại lời Lưu Thực). Lý do Tư Mã Chiêu muốn giết Hội vì Hội con Chung Do mà Chung Do lại là trung thần của nhà Ngụy. Bỏ Chung Hội từ trước thì ai có khả năng đánh Thục bằng Hội, giải quyết xong được Thục rồi, đương nhiên sự cần thiết Chung Hội hết rồi, chỉ còn lại sự sợ hãi thế Chung Hội lớn sẽ lấn át quyền của mình. Chung Hội biết bụng Tư Mã Chiêu lắm chứ.
Tại sao Chung Hội thất bại?
Tam Quốc chí diễn nghĩa đổ tại Khương Duy đau bụng, Khương Duy đổ tại mệnh trời (mẹo ta không thành, thực là số trời vậy). Thực ra thất bại của Chung Hội là do lòng người không muốn. Cơ thống nhất đã sẵn sàng, mọi người đều không chịu cảnh phân chia tranh chiến thêm nữa, cho nên tướng sĩ của Hội nổi lên giết Hội, đúng như lời Tư Mã Chiêu đã nói với Thiệu Đễ: người Ngụy đánh thắng rồi, tất mong về, quyết không theo Chung Hội làm phản. Tư Mã Chiêu quả xứng đáng với lời phê bình của Khương Duy: “Tư Mã Chiêu gian hùng chẳng khác chi Tào Tháo”.
Đến như Khương Duy thì lại mang một tâm sự riêng. Duy đi với Hội nhưng lại chỉ muốn dùng Hội để khôi phục lại Thục quốc. Trong khi toàn bộ máy chính trị nước Thục từ vua quan đến dân chúng đã đi ngược lại hoài bão của Duy rồi. Vua quan triều đình thì ra hàng Đặng Ngải, dân chúng thì mang cơm rượu và hoa ra mừng đón quân Đặng Ngải, Khương Duy có là ông trời chăng nữa cũng chẳng sao cứu nổi một tình thế tương tự, huống hồ Khương Duy còn khờ dại bộc bạch cả mưu kế lớn lao của mình cho Lưu Thiện biết. Suốt đời Duy không thành công trên chính trị bao giờ.