- 12 -
TƯ MÃ Ý CHIẾM NGÔI NGỤY

“Tam Quốc tận quy ư Tư Mã Ý (Tam Quốc cuối cùng thu vào tay Tư Mã Ý). Một sự kiện lịch sử biến thành một ngạn ngữ dân gian ý nói trai cò tranh nhau ngư ông đắc lợi. Khổng Minh, Khương Bá Ước xuất binh năm sáu lần hao người tốn của, hai chục năm mà không lật đổ được nhà Ngụy. Tư Mã Ý phí chẳng bao hơi sức, chỉ một buổi cũng đã cướp toàn bộ cơ nghiệp họ Tào trong tay. Đó là một quy luật lịch sử, đó là nguyên nhân tại sao lịch sử phải tiếp diễn như thế (Pourquoi les choses se sont passées ainsi et non autrement).
Tào Tháo chết chừng một năm, con là Ngụy Văn Đế liền cướp ngôi nhà Hán. Năm sau Lưu Bị tại Tây Xuyên tự xưng Hoàng Đế. Tôn Quyền trước sau vẫn xưng là Ngô Vương. Thiên hạ phân thành thế Tam Quốc. Nước Đông Ngô rộng không kém gì nước Ngụy nhưng so sánh về mặt văn hoá, kinh tế Ngô kém Ngụy xa, Tây Thục lại càng thua sút Ngô, Ngụy xa nữa.
So sánh sinh lực lượng chênh lệch như vậy, thế mà Tam quốc kéo dài tới hơn mười năm vì mỗi nước đều có những vấn đề to tát riêng tại khu vực của mình phải giải quyết trước. Ngoài ra nước Ngô nhờ sông rộng bảo vệ, Thục nhờ đầy (đồi?) núi biển cả che đỡ trong khi Ngụy không giỏi thuỷ chiến để đánh Ngô mà đánh Thục không thể thắng ngay được, lại sợ đằng sau Ngô đánh úp.
Ngụy Đế ở ngôi cao 7 năm thì mất. Con là Tào Tuấn lên kế vị đặt hiệu là Ngụy Minh Đế. Ngụy Minh Đế hoang dâm xa xỉ, chính trị trong nước huỷ hoại. Tại Liêu Đông, Công Tôn Ngôn nổi dậy làm phản. Minh Đế nhờ Tư Mã Ý đi đánh dẹp. Nhờ trận giặc Liêu Đông, toàn bộ quân đội quy phụ Tư Mã Ý. Minh Đế làm vua 13 năm bệnh nặng qua đời, ngôi tôn để lại cho Tào Phương hãy còn nhỏ tuổi.
Đến đây, chính cục nhà Ngụy chịu một biến cố rất lớn, khiến Ngụy mất quyền vị. Nội chính Ngụy quốc lúc này đã phân chia hẳn thế lực với 2 khuynh hướng chính trị đối lập nhau, phe Tào Sảng chủ trương văn trị ngồi yên hưởng thái bình, có Lý Thắng, Dĩnh Bật, Đặng Dương, Tất Phạm và Hoàn Phạm (người đời khen Hoàn Phạm là túi khôn).
Phe chủ trương võ trị có Tư Mã Ý và các tướng lãnh quân đội, đòi tiếp tục cuộc thống nhất đất nước bằng võ lực. Tào Sảng dòng họ Tôn Thất được vua và phe trung lập ủng hộ nên keo đầu, Sảng thắng thế, đẩy Tư Mã Ý lên chức Thái Phó rồi chiếm lấy binh quyền trao cho người thân của mình là Tào Hy. Tư Mã Ý phải cáo ốm về nhà. Khuynh hướng văn trị của nhóm Tào Sảng đề ra không đúng thời vì Thục, Ngô vẫn luôn luôn đe doạ chiến tranh, cho nên chẳng bao lâu khuynh hướng đó bị mọi người ngờ vực thờ ơ. Tào Hy, Tào Sảng điều khiển quân đội, quân đội bất phục thành thử phe Tư Mã Ý chống lại tập đoàn Tào Sảng. Tư Mã Ý dựa luôn vào thế lực sẵn có trong tay lật đổ luôn cả ngôi vua Ngụy.
Vụ Tư Mã Ý cướp ngôi nhà Ngụy, lật đổ chính quyền Tào Sảng là một hiện tượng chuyển đổi chính quyền bằng bạo lực (violent transfer of power). Nó khác với việc Tào Tháo ở điểm:
Việc Tào Tháo làm là một cuộc cách mạng chống quân phiệt Đổng Trác, Lý Thôi, Quách Dĩ được thực hiện bằng lực lượng quần chúng.
Việc Tư Mã Ý làm là một cuộc cách mạng cung đình (palace révolution) thực hiện bằng lực lượng quân đội do các tướng lãnh chủ mưu (Junta).
Vụ Tư Mã Ý cướp ngôi nhà Ngụy có điểm rất đáng chú ý là phần kỹ thuật rất tinh vi, và những lỗi lầm của Tào Sảng là những lỗi lầm muôn đời của các chính trị gia, thuộc bất cứ thế hệ nào, dù Đông hay Tây. Ở đây chúng ta thảo luận về kỹ thuật đoạt thủ chính quyền của họ Tư Mã. Trước hết hãy đọc kỹ những đoạn cần thiết trong hai hồi 103 và 107, Tam Quốc Chí diễn nghĩa kể:
Tư Mã Ý, Tào Sảng phò Thái Tử Tào Phương lên ngôi Hoàng Đế. Sảng rất trọng vọng Tư Mã Ý, phàm việc to đều hỏi Ý trước. Sảng tên tự là Bá Chiêu, từ thuở nhỏ ra vào trong cung, Minh Đế (tức cha Tào Phương) thấy người cẩn thận đem lòng yêu mến lắm. Sảng có năm trăm khách, môn hạ đáng kể có Hoàn Phạm tự Nguyên Trực nhiều mưu trí, người đời khen là trí nang (túi khôn), Hà Yến, Đặng Dương, Lý Thắng, Đinh Bật, Tất Phạm.
Hà Yến nói với Tào Sảng rằng: Đại quyền của chủ công, chớ cho người khác can thiệp đến mà để lo về sau.
Sảng nói: Tư Mã Công cùng với ta chịu lời tiên đế thác cô, nỡ nào ta bỏ người ấy.
Yến nói: Khi xưa tiên công (Tào Chân) cùng Trọng Đạt đánh Thục vì bị hắn lấn át, nhân thế mà chết (hồi thứ 100, Tam Quốc Chí diễn nghĩa nói Tào Chân chết uất vì lá thư của Khổng Minh gửi đến nhục mạ). Chủ công sao không xét việc đó?
Sảng nghĩ ra, cùng với các quan thương nghị, rồi tâu với Ngụy chủ rằng: Tư Mã Ý công cao đức nặng, nên gia chức làm thái phó.
Phương nghe lời. Từ đó binh quyền về cả tay Tào Sảng. Sảng sai em là Tào Hy làm Trung lĩnh quân, Tào Huấn làm võ vệ tướng quân, Tào Sảng làm tản kỵ thường thị. Mỗi người dẫn ba ngàn quân ngự lâm tuỳ tiện ra vào chốn cung cấm. Lại dùng Hà Yến, Đặng Dương, Dĩnh Bật làm thượng thư, Tất Phạm làm tư lệnh hiệu uý. Lý Thành làm Hà Nam Doãn. Năm người ấy ngày đêm bàn việc với Tào Sảng. Tân khách nhà Tào Sảng mỗi ngày mỗi nhiều.
Tư Mã Ý thấy vậy, thác có bệnh không ra đến ngoài. Hai con cũng từ chức về nhà.
Tào Sảng mỗi ngày cùng với bọn Hà Yến uống rượu làm vui. Phàm các đồ dùng, áo sống, không khác gì của triều đình. Những đồ quý báu nhất lấy làm của riêng, còn thừa mới nộp vào cung. Trong phủ chứa rất nhiều con gái đẹp. Quan hoàng môn là Trương Dương xiểm nịnh Tào Sảng, kén lấy mười tám nàng hầu của tiên đế đưa vào trong phủ. Sảng lại kén ba bốn chục con gái nhà tử tế, biết hát múa lập ra một đội nữ nhạc trong phủ. Lại dựng lên lầu cao gác chạm; đúc các đồ vàng bạc; dùng hơn một trăm thợ khéo, ngày đêm chế tạo đồ dùng.
Hà Yến nghe tin Quản Lộ ở Bình Nguyên tinh nghề thuật số, cho mời đến bàn nghĩa kinh dịch. Bấy giờ Đặng Dương cũng cùng ngồi chơi đó, hỏi Lộ rằng:
Ông tự cho là giỏi Dịch, mà nói không động đến chữ nghĩa kinh Dịch là làm sao.
Lộ nói: Đã gọi là giỏi Dịch, thì không phải nói động đến Dịch.
Yến cười tán thêm vào rằng: Thế mới gọi là lời trọng yếu không cần phải nhiều!
Nhân hỏi Lộ rằng: Ông bói cho tôi một quẻ, xem có làm đến tam công được không? Tôi lại mộng thấy vài mươi con ruồi xanh đậu trên mũi, đó là điềm gì?
Lộ nói: Ngày xưa Nguyên Khải giúp vua Thuấn, Chu công giúp nhà Chu, cùng có đức tốt mà được hưởng phúc. Nay quân hầu ngôi cao quyền trọng nhưng người mến đức thì ít, mà kẻ sợ oai thì nhiều, đó không phải là lối cầu phúc. Vả lại, mũi là cái núi, núi cao mà không đổ, thì mới giữ được phú quý. Nay ruồi nhặng là giống hôi bẩn, lại đậu lên trên, thế là ngôi cao phải đổ, khá sợ lắm thay! Xin quân hầu bớt chỗ nhiều thêm chỗ ít, điều gì phi lễ chớ làm. Như thế ngôi tam công mới đến tay mà đàn nhặng xanh mới xua đi được.
Đặng Dương giận, gắt rằng:
Đó là lời lão sinh thường đàm, ra quái gì.
Lộ nói: Lão sinh đã thấy thì không sinh, thường đàm đã thấy thì không đàm!
Nói đoạn, rũ tay áo đứng dậy ra đi. Hai người rằng: Thực là đồ cuồng sĩ.
Lộ về nhà, thuật lại cho cậu nghe. Cậu giật mình nói: Hà, Đặng hai người đang quyền thế hống hách, sao mày dám trêu chọc đến họ?
Lộ nói: Tôi cùng với người chết nói chuyện có ngại gì nữa.
Cậu hỏi tại sao, thì Lộ nói: Đặng Dương, gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, ngồi đứng ngả nghiêng hình như không có chân tay, đó gọi là tướng quỷ tảo. Hà Yến không tươi được sắc mặt, tinh thần bất định, dáng tựa cây khô, đó là tướng quỷ u. Hai người này nay mai tất có vạ diệt, mình can gì mà sợ?
Người cậu mắng Quản Lộ nói càn, rồi đi.
Tào Sảng thường hay cùng với bọn Hà Yến, Đặng Dương ra ngoài săn bắn. Em là Tào Hy can rằng:
Uy quyền của anh to lắm, mà cứ hay đi chơi săn bắn, nếu có người mưu hại thì làm thế nào?
Tào Sảng mắng rằng:
Binh quyền trong tay ta, còn sợ gì ai nữa.
Tư Nông là Hoàn Phạm cũng can nhưng Sảng cũng không nghe.
Bấy giờ Ngụy chủ Tào Phương đổi năm Chính Thủy thứ mười là năm Gia Bình thứ nhất. Tào Sảng một mực chuyên quyền, không biết bệnh Trọng Đạt hư thực ra làm sao. Bữa ấy nhân Ngụy chủ cất Lý Thắng lên làm Thứ sử ở Kinh Châu. Sảng cho Lý Thắng đến từ biệt Trọng Đạt, nhân để dò xem ý tứ thế nào. Lý Thắng đến phủ Thái Phó, có lính canh cửa vào báo với Tư Mã Ý. Ý bảo với hai con rằng:
Đây là Tào Sảng sai đến dò xem bệnh ta thực hay giả đây.
Lập tức bỏ mũ, để tóc rũ rượi, trèo lên giường ngồi dựa vào cái chăn và sai hai nàng hầu nâng đỡ, rồi mới sai mời Lý vào phủ.
Lý Thắng đến trước giường nói rằng:
Lâu nay không được hầu Thái Phó, không ngờ ngài yếu đau thế này. Nay thiên tử sai tôi làm thứ sử Kinh Châu, xin đến lạy từ Thái Phó.
Ý giả điếc nói:
Tinh Châu gần phương Bắc, ra đó giữ gìn cho khéo.
Tôi được cử làm thứ sử ở Kinh Châu, không phải Tinh Châu.
Ý cười nói: Người ở Tinh Châu lại à?
Thắng nói: Kinh Châu ở Hán Thượng.
Ý lại cười ha hả mà rằng: Người ở Kinh Châu lại đây à?
Thắng nói: Thái Phó sao ngài yếu thế?
Tả hữu nói: Thái phó điếc đấy.
Thắng mượn bút viết mấy chữ đệ lên.
Ý xem xong cười rằng: Ta lâu nay mệt lắm, điếc tai nghe không rõ. Chuyến này có đi phải giữ gìn.
Nói đoạn lấy tay trỏ vào miệng, ra hiệu muốn uống nước. Thị tỳ dâng chén nước nóng. Ý hớp miệng vào chén nước, nước đổ ướt cả ra vạt áo. Ý hậm hực trong cổ, làm ra tiếng nghẹn rồi nói rằng:
Ta suy nhược lắm, sớm tối chưa biết chết lúc nào. Ta có hai con chẳng ra gì, nhờ cậy người dậy bảo đỡ ta. Người có về ra mắt đại tướng quân, nhờ nói với tướng quân trông nom đỡ hai con ta thì may lắm.
Nói đoạn, nằm lăn ra trên giường, thở hồng hộc một lúc.
Lý Thắng cáo từ Trọng Đạt, về ra mắt Tào Sảng, thuật lại hết cả tình hình như thế.
Sảng mừng nói: Lão này chết thì ta không còn lo gì nữa.
Tư Mã Ý thấy Lý Thắng đi rồi, đứng dậy bảo với hai con rằng:
Lý Thắng chuyến này về báo tin, Tào Sảng tất không nghi gì ta nữa, đợi khi nào y ra thành săn bắn thì mới đồ được.
Không mấy bữa, Tào Sảng mời Ngụy chủ Tào Phương ra yết lăng Cao Bình tế tự tiên đế. Quan viên lớn nhỏ theo ra cả.
Sảng dẫn ba anh em và bọn tâm phúc Hà Yến, cùng quân Ngự lâm hạ giá ra thành.
Tư Nông Hoàn Phạm can rằng:
Chủ công coi giữ cầm (cấm?) binh, không nên anh em cùng đi cả, phòng trong thành có biến thì làm thế nào?
Sảng mắng rằng: Ai dám làm loạn, chớ nói càn!
Tư Mã Ý thấy Tào Sảng ra thành rồi, mừng lắm lập tức gọi các thủ hạ cũ và mấy người gia tướng, dẫn hai con lên ngựa, đến thẳng triều đình, mưu giết Tào Sảng.
Ý vào nơi công đường, sai tư đồ là Cao Nhu lĩnh chức Đại tướng quân trước hết đến giữ dinh Tào Sảng. Lại sai thái bộc là Vương Quán quyền chức Trung lĩnh quân giữ dinh Tào Hy. Ý dẫn các quan vào hậu cung tâu với Quách Thái Hậu việc Tào Sảng bỏ lời tiên đế thác cô, gian tà loạn nước, xin trị tội.
Quách Thái Hậu thất kinh nói:
Thiên tử ra ngoài chưa về thì làm thế nào?
Ý tâu rằng: Tôi đã dâng biểu tâu với Thiên tử, có mẹo giết được gian thần, thái hậu chớ ngại.
Thái hậu sợ hãi, phải theo lời. Ý sai thái uý là Tưởng Tế, thượng thư lệnh là Tư Mã Phu cùng với mình viết biểu, phái hoàng môn quan mang ra ngoài thành tâu với Ngụy chủ.
Ý tự dẫn đại quân giữ kho khí giới.
Ý gọi Hứa Doãn, Trần Thái đến bảo rằng:
Hai người ra gặp Tào Sảng, nói Thái phó không có bụng nào hại đâu, chỉ muốn tước bớt binh quyền của anh em họ đấy thôi.
Lại đòi thêm quan Điện trung hiệu uý là Doãn Đại Mục đến, sai Tưởng Tế viết thư, cho Đại Mục cầm ra đưa cho Tào Sảng. Ý dặn rằng:
Người thân thiết với Tào Sảng, nên giúp việc này. Người có ra mắt Tào Sảng thì nói rằng ta với Tưởng Tế trỏ sông Lạc Thuỷ ăn thề, chỉ vì việc binh quyền, chớ không có bụng nào cả.
Nói về Tào Sảng, đang mải săn bắn, huýt gió thả chim. Sực có tin báo trong thành nổi loạn, thái phó có biểu văn đưa đến. Sảng giật nảy mình, suýt nữa ngã ngựa.
Ngụy chủ Tào Phương nghe xong, bảo với Tào Sảng rằng:
Thái phó nói vậy, ngươi khu xử làm sao?
Tào Sảng cuống cả người lại, bảo với hai em rằng:
Làm thế nào bây giờ?
Hy nói: Em đã can anh mãi, anh chẳng nghe cho, mới đến nỗi này. Tư Mã Ý quỷ quyệt vô cùng. Khổng Minh còn không đánh nổi, huống chi anh em chúng ta. Chi bằng tự trói mình về chịu tội, cầu khỏi cái chết là hơn.
Một lát, tham quân Tân Tệ, tư mã Lô Chi đến. Sảng hỏi chuyện.
Hai người nói: Trong thành vây kín như rào sắt, thái phó dẫn quân đóng ở trên cầu sông Lạc, không tài nào mà về được đâu. Nên định kế lớn đi!
Đang nói thì Tư Nông Hoàn Phạm tế ngựa chạy đến, Phạm nói: Thái phó đã khởi biến rồi, Tướng quân sao không rước thiên tử ra Hứa Đô, khởi binh ngoài mà đánh Tư Mã Ý?
Sảng nghe nói phân vân chưa quyết, chỉ ứa nước mắt mà khóc.
Phạm nói: Từ đây ra Hứa Đô, chẳng qua nửa đêm thì đến nơi. Lương thảo trong thành đủ chi được vài năm. Vả lại, quân mã của chủ công ở ngay Quan Nam gần đấy, gọi một tiếng là đến. Ấn Đại tư mã tôi đã mang ra đây, chủ công nên làm cho kịp, nếu chậm thì hỏng mất.
Sảng nói: Các người chớ thôi thúc lắm, để ta nghĩ kỹ xem đã.
Được một lát, thì Hứa Doãn, thượng thư lệnh Trần Thái đến. Hai người nói:
Thái phó chỉ vì việc tướng quân quyền to quá, muốn tước bớt binh quyền đi chớ không có bụng gì đâu. Tướng quân nên về ngay trong thành cho sớm.
Sảng nín lặng, chẳng nói gì. Một lát lại có Doãn Đại Mục đến nói: Thái phó trỏ sông Lạc phát lời thề, tịnh không có bụng nào. Có thư của Tưởng Thái uý ở đây. Tướng quân nên bỏ binh quyền về ngay tướng phủ cho.
Sảng tin là thực.
Hoàn Phạm lại nói: Việc đã cấp rồi, chớ nghe người nói mà đâm vào đất chết!
Đêm hôm ấy Tào Sảng vẫn không quyết bề nào, tay cầm thanh gươm thở ngắn thở dài cho đến sáng, lúc nào cũng nước mắt chạy vòng quanh mà vẫn hồ nghi không biết nghĩ ra sao.
Hoàn Phạm vào trướng giục rằng: Chủ công nghĩ suốt cả đêm mà vẫn chưa quyết ư?
Sảng vất thanh gươm xuống đất, than rằng:
- Ý ta không muốn khởi binh, ta tình nguyện bỏ quân, chỉ làm một tên phú ông là đủ.
Phạm ra khỏi trướng nói:
- Tào Tử Đan khoe mình trí mưu, nay được ba con đụt như chó lợn cả.
Kết cuộc Tào Sảng đem ấn thụ nộp cho Tư Mã Ý. Quân sĩ thấy vậy bỏ rơi Sảng. Tư Mã Ý trước hết bắt hết bọn Hà Yến, Đặng Dương, Hoàn Phạm, Lý Thắng v.v. Sau đó đem ba anh em Tào Sảng ra ngoài chợ chém sạch.
Ngón đòn trí mạng mà Tư Mã Ý đánh Tào Sảng không phải là lúc chiếm dinh thự trong kinh thành, uy hiếp Quách Thái hậu mà là ngón giả ốm khiến Tào Sảng nhầm lẫn. Ông Yết Tử nói:
“Đánh kẻ địch không cần lấy sức chế ngự, hãy dùng thuật làm cho địch nhầm, hoặc bằng mưu mẹo ta để lừa, hoặc bằng ngay điều địch vẫn nhầm lẫn làm cho u mê thêm, cho địch nhầm về thế, về lợi, về trí, về biến. Ta khơi ở chốn hư, nhưng lấy ở chỗ thực”.
Tào Sảng kể như thua ngay từ lúc Sảng nói: “Lão này chết thì ta không lo gì nữa.” Nhưng Sảng đã lầm to, vì ngay sau khi Lý Thắng về thì Tư Mã Ý “đóng cửa, bỗng nhiên vùng đứng dậy cầm quân” từ đó mới ra tay.
Ý dựng ngay một kế hoạch lật Tào Sảng rất táo bạo và khôn khéo. Kế hoạch đó, căn cứ vào tài liệu của Tam Quốc Chí diễn nghĩa, gồm mấy phần chủ yếu:
a) Nhanh chóng chiếm giữ toàn bộ cơ cấu chính quyền trong kinh đô.
b) Phân hoá Ngụy Chủ với Tào Sảng.
c) Làm tê liệt phản ứng chống đối của Tào Sảng.
Phần thứ nhất được thực hiện với kỹ thuật hết sức tinh vi. Mặc dầu Tư Mã Ý là một quân sự gia, nhưng ông có nhận thức chính trị sắc bén, không biến cuộc tranh đoạt chính quyền thành chiến tranh.
Cho nên ông sử dụng một lực lượng rất ít nhưng về phẩm thì hoàn toàn vững chãi, để chiếm đoạt chớp nhoáng những điểm chiến lược lật đổ uy thế Tào Sảng.
“Tout le peuple, c’est trop pour l’insurrection. Il faut une petite troupe froide et violente, dressée à la tactique insurrectionnelle. Avant tout il faut s’emparer des points stratégiques, reverser le gouvernement. Il est nécessaire pour celà, d’organiser l’insurrection, de former et de dresser une troupe d’assaut” (TROTZKY)
(Toàn thể dân tộc thì quá nhiều cho cuộc nổi dậy. Chỉ cần một nhóm nhỏ, bình tĩnh và táo bạo, được huấn luyện cặn kẽ về chiến thuật dấy loạn là đủ. Trước hết phải chiếm các điểm chiến lược, lật đổ chính quyền. Để đạt được mục tiêu trên, cần tổ chức cuộc dấy loạn, cần thành lập và huấn luyện một đoàn quân xung kích.)
Kỹ thuật tờ-rốt-kít đã được Tư Mã Ý áp dụng trước hàng ngàn năm. Công việc chiếm giữ các cơ cấu trọng yếu của chính quyền tiến hành im lặng, không gây ra vụ đổ máu nào, và tin tức cũng được giữ kín như bưng. Chỉ riêng có Hoàn Phạm chạy thoát ra báo với Tào Sảng.
Sợ Ngụy Vương nghe Tào Sảng, Tư Mã Ý bèn viết biểu dâng Ngụy Vương nhằm an lòng Ngụy Vương. Nội dung bài biểu là đổ riệt cho Tào Sảng rắp tâm cướp ngôi Ngụy, còn ý ông sở dĩ hành động ở kinh đô chỉ là để bảo vệ ngôi Ngụy mà thôi.
Do đó lúc Hoàn Phạm thoát khỏi tay Tư Mã Ý, khuyên Sảng rước Thiên Tử ra đón Hứa Đô khởi binh ngoài đánh Tư Mã Ý, đã không được Ngụy Chủ tán thành, nên Tào Sảng bị dồn vào thế dở dang mọi mặt.
Gây được tình trạng dở dang cho anh em Tào Sảng rồi, nhưng Tư Mã Ý vẫn sợ anh em Tào Sảng nghe kế Hoàn Phạm, đem biến cố chính trị này khơi rộng thành nội chiến, và nội chiến tất sẽ không tránh khỏi sự dòm ngó của hai kẻ thù Ngô, Thục. Bởi vậy Ý mới phái Hứa Doãn, Trần Thái, rồi lại phái thêm cả Doãn Đại Mục đến phá kế Hoàn Phạm. Lịch sử Tây Phương hàng ngàn năm sau Tam Quốc cũng xảy ra biến cố chính trị tương tự tại nước Đức. Đó là cuộc cách mạng hụt do Kapp và Luttwitz lãnh đạo chống chính phủ Bauer. Bị mất thủ đô, Bauer thoát ra ngoài quật lại khiến Kapp và Luttwitz thất bại.
Trotzky cho rằng những vụ tương tự chỉ có thể thành công khi kẻ chủ mưu tạo ra được tình trạng: “Trái đấm cực mạnh đánh trúng bụng một người tê liệt”. (Un coup de poing à un paralytique).  
Nếu Tào Sảng biết nghe lời Hoàn Phạm, rời xa giá ngay về căn cứ Hứa Đô, nghĩa là Tào Sảng không chịu bị đẩy vào tình trạng tê liệt, thì Tư Mã Ý không thể thành công.
Cổ nhân đối đãi với chính trị có đặt vấn đề: “nắm cơ hội”. Cơ là gì? Yết Tuyên Tử dạy rằng: “Chỗ giao lưu của tình thế, chỗ chuyển biến của sự việc, chỗ khẩn tấu của thời gian gọi là Cơ.”
Cuộc đấu tranh giữa Tư Mã Ý và Tào Sảng nói tóm lại chỉ quyết định bởi khả năng nắm cơ hội của hai người. Tư Mã Ý lật Tào Sảng cướp ngôi Ngụy chỉ khả dĩ thành công với điều kiện nếu kế hoạch: vi đa ư thiếu, vi đại ư tế, đồ nan ưu dị (làm ít thắng nhiều, làm nhỏ thắng lớn, làm dễ để khắc phục được việc cực nhọc, khó) hoàn thành. Lẽ ra Tào Sảng phải khoét rộng, tạo nhiều khó khăn cho Tư Mã Ý, trái lại Tào Sảng đầu hàng họ Tư Mã khiến cho Tư Mã Ý đã thắng lợi dễ dàng càng thêm dễ dàng. Cho đến lúc Hạ Hầu Bá liên lạc được với Khương Duy thì nội bộ Ngụy đã yên ổn hẳn rồi. Sở dĩ tập đoàn Tào Sảng thất bại là vì tập đoàn này thiếu nghị lực cai trị (volonté de gouverner) do sự vô tổ chức mà ra. Quản Lộ phê bình: Đặng Dương là người gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, ngồi đứng ngả nghiêng, hình như không có chân tay, và Hà Yến là người không tươi được sắc mặt, tinh thần bất định, dáng tựa cây khô. Cả hai nay mai tất có vạ diệt mình.
Lời phê bình ấy chính là ám chỉ vào cảnh vô tổ chức, thiếu đường lối chính sách của tập đoàn chính trị Tào Sảng.
Tào Tháo dùng bao công lao để khắc phục những khó khăn chính trị, quân sự mới lập nên triều Ngụy. Tư Mã Ý chưa đầy một tuần đã đem cơ nghiệp Ngụy chuyển sang tay mình. Đó âu cũng là cái luật anh hùng tạo thời thế và thời thế tạo anh hùng. Tào Tháo tạo ra thời thế. Thời thế tạo ra Tư Mã Ý.
Thời thế tạo nên Tư Mã Ý, do chính tại Ngụy chủ Tào Tuấn cấp cho Tư Mã Ý cơ hội cướp ngôi Ngụy. Lẽ ra Tuấn dùng Yên Vương làm Đại Tướng quân thì làm gì có chuyện. Vì Tuấn dùng dằng không quyết cuối cùng lại nghe lời bọn Tôn Tư, Lưu Phóng dùng Tào Sảng, và Tư Mã Ý.
Tài năng quân sự của Tư Mã Ý so ra thì kém xa Tào Tháo và Khổng Minh, nhưng Tư Mã Ý lại là người vô địch về quân sự và chính trị khi cả Tào Tháo lẫn Khổng Minh chết rồi.
Tư Mã Ý có một đức tính chính trị rất tốt: lòng nhẫn nại và cơ mật. Sở dĩ Ý dựa được vào thế, phần lớn cũng là nhờ tính nhẫn nại biết nhờ thời cơ. Tư Mã Ý rất sợ tài lược cùng tính nghi ngờ của Tào Tháo, nên suốt thời gian Tháo còn sống, Ý không tỏ lộ tham vọng của mình bao giờ. Tháo thường bảo mọi người thân cận, Ý có tướng “lang cố” nghĩa là quày cổ nhìn đằng sau mà thân thể không động, giống như con lang. Về sau Tháo nói rõ hẳn ý nghĩ về Ý cho Tào Phi nghe: “Ý chẳng phải là nhân thần, tất nhòm ngó nhà ta đấy.”
Bị nghi ngại như thế nhưng nhờ biết ẩn nhẫn nên Tư Mã Ý vượt được hết cả, khiến cho Tào Phi từ chỗ không đề phòng đến chỗ trọng dụng Ý. Tóm lại, sự thành công của Tư mã Ý có hai yếu tố: thời thế và nhẫn nại lực. Nhờ ở nhẫn nại lực, Tư Mã Ý đã tàng trữ được nguyên khí, trí lực, không bị kiệt quệ như Gia Cát Lượng. Ý kém Lượng về đủ mọi mặt nhưng hơn Lượng ở hai chữ ẩn nhẫn.