Chương 17 - 24

Trên có Thầy
Dưới có bạn
Ơn Thầy ta trả
Nghĩa bạn ta đền
Ơn trả không phải thường cung kính
Trả là hằng thực hành
Nghĩa không đền bằng lời nói
Ðền bằng gương sáng thường lau
Trên có Thầy
Dưới có bạn
Ơn đền, nghĩa trả
Tự nhiên vô sở cầu.
NM
 
 
Luận
Người cầu đạo xem chuyện tu học sửa mình là chính, việc đãi bôi hình tướng là khinh. Thành tựu được những sở học của thầy bạn thì đã không phụ chính mình và người đi trước, là đã nối tiếp cái di sản tinh thần tiến hóa theo mãi với thời gian.
Thường hằng tu thân thì sẽ trở thành một thiện nhơn, rũ sạch bao phiền não nghiệp chướng từ muôn đời kiếp. Khi ấy trong tự nhiên mà đã bước cùng một dấu chân với chư liệt vị tổ sư, đã báo đền trả hiếu cả cửu huyền thất tổ và bạn thân bao kiếp. Mỗi một niệm, một động đều công khai cùng trời đất, đều thể nhập vào tự nhiên thì còn cái gì của riêng ta, còn một manh múm nào đâu của bản ngã để mà sở cầu nghĩa trả ơn đền.
PVK
 
 
Thơ
Ðường xưa chư Tổ bước,
Tìm dấu quyết đi theo,
Tu thân rồi lập đức,
Lối mòn nhưng … cheo leo,
Nhất tâm lội suối trèo đèo,
Chiếc thân ảo gỉa, bọt bèo xá chi,
Lời vàng khắc cốt thường ghi,
Chặn rào sắt thép, vẫn di không ngừng,
Dời non, lấp biển, phá rừng,
Ðốt cho lửa đạo sáng bừng nội tâm.
Ơn sâu, nghĩa nặng,
To nhỏ, thì thầm …
Lấy oan nghiệt, mở toang cửa đạo,
Xé áo tràng tâm kính hằng lau,
Thấy phản chiếu dấu chân tiên thánh,
Sóng trước vun nền cho sóng sau.
Gương trong trao một tấm,
Người cũ nay còn đâu,
Ðã ơn đền, nghĩa trả,
Tự nhiên vô sở cầu.
PHB

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 18

Xuất gia ta không ngại
Phá giới ta không nghi
Nhập thế ta không sợ
Chỉ sợ ta không tu!
NM
 
 
Luận
Bỏ đời qua đạo là bước đầu tiên của người cầu đạo, muốn đoạn lìa con người cũ với những sinh hoạt thế gian, để bắt đầu một con người mới, một cuộc sống khổ hạnh tu hành.
Mê say mùi đạo một thời gian, người tu lại dễ rơi vào những mê chấp mới, mê thanh chấp trược, yêu chánh diệt tà. Ðây là giai đoạn mà các thiền sư đã phá giới để khai ngộ cho môn sinh như đốt tượng Phật, chặt đầu mèo … Vì thật ra cốt lõi của giới luật vốn ở tự tâm mà sinh chứ không phải từ thân mà phát. Hình ảnh thầy tăng cõng một người con gái qua khỏi vũng bùn vẫn thể hiện hạnh từ bi hơn là thầy tăng thứ hai vì chấp khư khư vào sắc giới đến trở nên tàn nhẫn lạnh lùng.
Cuối cùng ra, nhờ cái khổ của đời ta mới thức tâm cầu đạo. Nhờ hiểu đạo ta mới thấy rõ đạo vốn nằm ở trong đời. Buông đi cái thái độ cầu an thanh tịnh bên trong; bỏ đi mọi quả vị danh xưng hình tướng bên ngoài, để trở về nhập thế, để sống thực với chính mình, để thấy mình không là gì cả, không có gì cả, không được gì cả.
Trôi theo dòng đời không cưỡng cầu tính toán, vấn đề đến thấy ta lúc nào cũng sai, thấy lỗi tại ta mọi dàng. Sống như vậy ắt mới thật là một người tu, một thiện nhơn tại thế.
PVK
 
 
Thơ
Bỏ đời qua đạo,
Vào cõi huyền linh,
Hướng nghịch hành, thênh thang bước tới,
Lùi lại sau, cát bụi u minh,
Lấy thiền trượng gõ vào quá khứ,
Cho im hơi lục dục thất tình,
Ðường mây trắng lâng lâng thoát tục,
Gót vân du nhẹ buổi đăng trình.
Thiền viện ở cõi tâm,
Ðạo lớn ngự trong lòng,
Không mảy may vướng viú,
Ðầy một trời thong dong,
Ðường tiến hóa xá gì sinh hay tử,
Vượt ra ngoài ngũ giới với tam quy,
Hành động nghịch để tức thời khai ngộ,
Dùng quang năng cởi trói cõi u mê,
Xuống tuệ kiếm, chém ngang sắc tướng,
Thắp tâm đăng giữ vẹn câu thề.
Chân lý ôi thuần phác,
Chân tâm chẳng cưỡng cầu,
Buông thỏng tay vào chợ,
Trong siêu thoát nhiệm mầu.
Danh khả danh,
Phi thường danh,
Vô đạo là có đạo,
Hữu đạo là vô duyên,
Pháp vốn không văn tự,
Nên giáo ngoại biệt truyền.
Cõi phù sanh diệu vợi,
Thích lý màu thần thông,
Quên bản lai diện mục,
Của chính mình là không,
Trở về trong chốn bụi hồng,
Ðội trời, đạp đất mà lòng chân như.
Ðại trượng phu hề,
Ðại trượng phu,
Ôm chí lớn,
Viễn ly điên đảo,
Mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn.
Tu không ngừng không nghỉ,
Hào khí phá lao lung,
Thấy mình sai mãi mãi,
Giải thoát đến vô cùng …
PHB

 

 

 

 

 

 

 

Chương 19

Nghe đi, nghe cho rõ lòng mình
Thật thà đi, để nhận chân sự thật
Tập nghe đi, nghe tiếng nói siêu âm
Chấp nhận đi, muôn tội là do nơi mình
Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát
Dẹp tự ái, chịu lắng nghe
Bỏ tranh chấp tự độ mình
Thật thà cho hào quang ngời sáng
Cho tăm tối rã tan
Cho bình minh ló dạng
Cho sức mạnh tuôn tràn
Hãy nghe đi, nghe tiếng than thở của lòng mình
Chỉ tại tôi, tôi hại lấy chính tôi.
NM
 
Luận
Hạnh từ bi cứu khổ cứu nạn của Quán Thế Âm bồ tát bao trùm khắp cả càn khôn vũ trụ. Bất kỳ lúc nào chúng ta chịu dừng lại để nghe tiếng lòng của mình, chịu xoay cái nghe để lắng nghe tự tánh, thì ngay lúc ấy ta và Quán Thế Âm là một, đang cứu khổ ban vui cho chính chúng ta.
Thật ra, thường khi có một sự việc gì bất ổn xảy đến, tự đáy lương tâm ta luôn có một tiếng nói khe khẽ bảo rằng ta đang tham hay đang sân, đang si đó. Nhưng vì tự ái và lòng tranh chấp, ta dùng những lý luận hay ho để biện  minh cho hành động và lời nói của mình, che phủ lên cái siêu âm nhỏ bé kia đi, tự tạo tội và hại lấy chính ta.
Ðau khổ chất chồng, nạn tai dồn dập, chúng ta mới hướng về đức Quán Thế Âm. Quá trình Ngài đã chịu bao oan khiên thua thiệt ở đời, luôn cam lòng nhận lỗi về mình để tu thân bồi đức. Niệm danh hiệu Ngài để làm sáng hạnh từ bi trong ta, để thấy ta đã bỏ quên chính ta từ lâu lắm rồi. Ta sống thật cô đơn hiu quạnh làm sao giữa chợ đời náo nhiệt. Ta sống thật bon chen giả dối làm sao giữa xã hội tranh đua. Tận cùng trong giây phút canh thâu vắng lặng, ta chợt thấy dấy sáng lên một thức tâm, đem thanh tịnh bình rưới nước thật thà lên cho tánh, lấy nhành dương liễu rẩy ánh quang khai xuống cho tâm.
Giã từ hận thù tranh chấp.
Giã từ đen tối yếu hèn.
Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát.
PVK
Truyện
Thiền viện Tâm Ðạo cô lập hẳn với thế giới bên ngoài. Không còn thóc, chim trời cũng lặng lẽ bỏ đi. Dấu ngựa xe đã rêu phong, cỏ mọc. Chánh điện cửa đóng then cài, hương lạnh khói tàn. Ðúng như Thông Luận tiên liệu, hai bồ gạo cấp cứu của Diệu Thanh đã ăn hết, kinh vẫn chưa viết xong. Muốn hoàn tất phải có vật thực. Cho mướn đạo viện thì ồn ào quá. Ngăn trở việc viết kinh. Cách giải quyết tốt nhất vẫn là làm vú giữ em. Quyết định xong, thầy trò thiền sư Tâm Không chuẩn bị. Mọi phương tiện được thi hành để đạt mục đích.  
Ngày hôm sau có một phu nhân mang hai đứa con đến gửi. Thiền sư trước kia vốn con nhà quyền quý, giàu sang. Sống trong nhung lụa. Có a hoàn hầu hạ. Chưa từng phải động tay tới các việc hạ tiện. Không màng giá cả, cho sao lấy vậy. Miễn qua được tiểu hạn để viết kinh. Vị thí chủ tự động trả công mười đồng tiền kẽm một ngày. Thiền sư chẳng cần suy nghĩ, mĩm cười gật đầu. Khách đi khỏi. Vô Lực ái ngại nhìn sư phụ. Một tay bồng em, tay kia lần tràng hạt. Vẫn chẳng bỏ tánh trào lộng. Sư huynh khều Thông Luận ra chỉ:
- Coi kià, sư phụ đã về ngôi chánh đẳng chánh giác. Ðắc quả vị NHŨ MẪU PHẬT.
Cả hai cùng cười. Án thư và tàng kinh các phải dẹp qua một bên. Nôi và đồ chơi trẻ con được dọn ra. Ðôi khi chúng khóc nhiều quá, Thông Luận chưa giữ con bao giờ cuống quít không biết phải làm gì. Vô Lực nguyên là một phú thương, tháo vát nhưng liều lĩnh. Có kinh nghiệm. Lấy đại đồ tế tự để dỗ em. Sư huynh gõ ầm lên. Chúng nín bặt.
Sáng hôm sau Vô Lực băn khoăn:
- Này sư phụ. Mụ ta thật tệ. Nuôi con mụ ăn ngày hai bữa. Trông nom, tắm rửa. Cực khổ đủ điều.  Ðáng lẽ họ phải trả mười hai tiền.
Thiền sư gật gù:
- Có lý.
Ðược thể sư huynh bồi thêm:
- Ngày mai sư phụ biểu họ mang đồ ăn tới. Nếu không, phải trả thêm.
Thiền sư cười:
- Nên lắm.
Bỗng hai thầy trò cùng ngưng đàm thoại. Ðăm chiêu nhìn ra sân đạo viện. Trong cái im lặng, như có gì vướng víu, trăn trở. Bức tượng Quán Thế Âm bồ tát đứng sừng sững, bằng thạch cao trắng toát. Mới hiền hậu, dịu dàng làm sao. Từ điển tỏa ra. Tâm lượng vô cùng, vô biên. Một gợi cảm thâm sâu vào lòng người.  Vô Lực bỗng nhớ về dĩ vãng. Một thời tiền rừng, bạc biển. Vàng lụa đầy nhà.  Ðã bỏ hết, kể cả vợ con để xuất gia cầu đạo. Sư huynh lắng nghe lòng mình. Trong tận cùng đáy sâu tiềm thức, văng vẳng:
- Chí một hảo hớn tựa Thái Sơn. Lượng rộng như Ðông Hải. Ðội đá vá trời.  Ðạo lớn coi trọng. Ngàn vàng xem khinh. Lẽ nào đi băn khoăn nài nỉ thêm bớt, cò kè vài đồng tiền kẽm. Vì đâu nên nổi?
Tỉnh ngộ, Vô Lực phá lên cười. Nói bâng quơ:
- Thì ra mình tham.
Thiền sư cũng sãng khoái cười theo:
- Ta cũng vậy.
Sư huynh hồn nhiên:
- Thì ra hai thầy trò mình đồng thanh tương ứng.
PHB

 

Chương 20

Vàng muôn bạc tỉ
Ăn cơm hai bữa
Sanh lão bệnh tử
Có của bỏ không
Xuất gia tu Phật
Ép thân ép xác
Muốn được thành Phật
Lại hóa ra ma
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca
Dẹp bỏ cái ta
Chẳng cầu chẳng vọng
Nuôi dưỡng cái trí
Giữ cho quân bình
Mới là Ðạo nhơn.
NM
 
 
Luận
Từ đầu đến giờ kinh vẫn xoay quanh một vấn đề quan trọng nhất là kiến tánh để lập lại quân bình.
Chuyện đời thành bại, được mất, biến đổi vô thường. Ngay thân xác chúng ta, sinh lão bệnh tử, cũng không ra ngoài lẽ ấy. Ham muốn một cái gì vĩnh cửu, chúng ta dấn thân vào đạo để mong thành đạt một quả vị đời đời. Thế nhưng, càng ham muốn thì càng tạo chiến tranh, càng ép mình thì càng gây động loạn. Sự tranh chấp giữa cái mình đang là và cái mình sẽ là xẩy ra liên tục trong ta, không một giây phút nào được hồn nhiên an lạc.
Có một ham muốn sẽ thành tựu được là ham muốn thấy rõ chính mình, thấy sự tham lam vọng cầu của mình, dể chịu dừng lại chấp nhận ngay cái mình đang có, trong cái hoàn cảnh đang là. Ngay phút giây đó, mọi dục vọng đều lắng động, mọi tranh chấp đều rã tan, sống theo dòng đời thong dong tự tại, noi theo dấu chân xưa của đức Thích Ca mà trở về chốn cũ quê xưa.
PVK
 
 
Truyện
Sư đệ Thông Luận trước kia tu tại thiền viện Hồng Bích. Ít tham vọng. Thí phát quy y từ lúc còn trẻ. Nghiêng về thanh giới. Chiến đấu với bản thân rất anh dũng. Phần tự thắng có vẻ ngang ngửa. Không muốn lấn lướt. Chỉ cầu huề.
Một bữa có bạn cũ rủ rê. Kiếm cớ xuống núi. Cùng nhau âm thầm chén tạc, chén thù. Này kia, kia nọ. Sáng hôm sau về Ðạo viện, tìm cách công quả gở lại. Sư đệ lau chùi, dọn dẹp chánh điện. Quét sân, làm vườn. Gánh nước, tưới cây. Thường khi bỏ ăn, quên ngủ. Ðắp bù cho kỳ đủ mới thôi. Ai cũng khen là một người đạo hạnh hiếm có.
Ngày tháng thoi đưa. Ðã năm lần hoa đào nở. Công cuộc tu hành cũng chỉ có bấy nhiêu. Cứ hụt là châm, thiếu thì bù. Thông Luận chẳng bao giờ có dư … đạo quả bồ đề.
Nhân ngày rằm. Có cư sĩ họ Vương đến vãn cảnh Chùa. Khoe đã đắc thiền. Thông Luận thích lắm. Mơ ước được như thế. Rắp tâm muốn đạt được phép ngôi mãi không nằm. Năn nỉ xin cư sĩ biệt truyền.
Tối hôm đó, nửa đêm lên chánh điện thực hành. Tọa trên bồ đoàn. Quyết ngồi tới sáng. Thủ đắc cho kỳ được như họ Vương.
Hai giờ: Sư đệ nhập định. Êm ả, phiêu diêu.
Ba giờ: Ðầu gối bắt đầu nhức nhối. Phải cắn răng để gia trì công lực. Tạm yên.
Bốn giờ: Cương độ đau đớn tăng thêm. Nước mắt, nước mũi trào ra. Nghiến răng khổ hạnh chịu đựng. Dẹp xong.
Năm giờ: Toàn thân mồ hôi lạnh tháo ra. Xương đầu gối, cổ chân đau chết điếng. Thần kinh dường như hoàn toàn tê liệt. Ðôi mắt đã thất thần. Ý chí vùng lên mãnh liệt như ngọn đèn sắp hết dầu. Tử thủ gồng chịu. Nương tựa, bám víu vào lời vàng của Vương cư sĩ:” Phải có căn cơ và hội đủ sức kiên trì. Trong cái thập tử nhất sinh, một luồng ôn điện cực mạnh sẽ xuất pháp từ đốt cùng của xương sống. XÒA ra bàn tọa. Chuyển vào hai chân. Mạch đã thông. Muốn ngồi bao lâu tùy thích. Không còn ai có thể tranh hơn. Trở thành vô địch. Gọi là ÐẮC THIỀN. Thường thì hành giả không ngồi được lâu. Trong thế gò bó của bán hoặc kiết già hay bị đau nhức  Mạch bị bế. XÒA là một hiện tượng của sự khai thông, thoải mái“.
Sáu giờ: Qua một chu kỳ lũy tiến đau đớn đến cùng độ Sự nhức nhối lại trở về tuần tự như vòng đầu.
Bảy giờ: Không thấy XÒA.
Tám giờ: Trời đã sáng rõ. Chẳng thấy XÒA đâu. Ngờ là căn kiếp mình chưa đủ. Hai chân tê bại. Những chổ bị cấn trong tư thế bán già đều bầm tím. Phải có người dìu mới đi được …
Vật đổi sao dời. Thông Luận được chuyển qua tu tại thiền viện Tâm Ðạo. Nhân buổi trà đàm, sư đệ đem chuyện xưa ra hỏi:
- Bạch sư phụ. Người tu qua các kỳ kiếp, vào thời điểm nào thì XÒA?
Thiền sư Tâm Không:
- Lúc không còn mong cầu ÐẮC THIỀN.

 

 

 

 

Chương 21

 
Lục tự sáu chữ
Trì niệm thường hằng
Không phải, không trái
Không đúng, không sai
Thấy phải thì làm
Thấy trái phải sửa
Tự mình trách nhiệm
Không được đổ thừa
Lúc phải, lúc trái
Lúc đúng, lúc sai
Cũng luật tiến hóa
Có gì mà ngại
Ra vào như không
Ði đi, lại lại
Di đà sáu chữ
Cái đạo vẫn tròn.
NM
 
 
Luận
Nam Mô A Di Ðà Phật là một câu niệm xưa nay rất được nhiều người trì tụng để hồi hướng về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc hay Niết Bàn.
Nó cũng là phương tiện để hành gỉa quên đi hết mọi chuyện thị phi, đau khổ của cuộc đời động loạn cho tâm tư được phẳng lặng quân bình.
Niệm Phật cũng là dùng nhất niệm hầu dẹp đi cái tâm phân biệt đúng, sai, phải, trái để trở về tâm không, không mê, không chấp. Không chấp điều sai mà cũng không mê điều đúng. Không diệt điều trái mà cũng không tôn vinh việc phải. Không mặc cảm mà cũng chẳng tự phụ về mình. Không lệ thuộc mà cũng chẳng kỳ thị người khác. Không mê chấp đúng sai không phải là không biết điều gì sai, điều gì đúng mà là vẫn làm điều đúng, sửa điều sai nhưng không coi trọng chuyện thành bại, mong cầu kết quả việc mình làm. Cái dũng của người tu là phải dứt khoát chọn lựa một con đường rồi trách nhiệm lấy chính mình, những hành động tư tưởng lời nói mà mình đã tạo tác, không còn phân vân rụt rè để rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh hay ai khác ngoài mình.
Dấn thân để thấy mình, để phát triển khả năng của mình, là khả năng tự lập lại quân bình trong mọi hoàn cảnh. Ðó là cái dũng vô quái ngại, cốt sao hiểu được mình là chính, mọi hư danh quả vị là khinh. Vượt qua sắt thép chận rào chỉ bằng vào một niệm Lục Tự Di Ðà để bước vào Trung Ðạo. Lúc ấy thì người niệm và câu niệm đã là một, chỉ còn sống tòng theo mệnh trời, thuận với tự nhiên, hòa cùng vạn vật.
PVK
 
Truyện
Trong các đệ tử tại gia của Thiền sư Tâm Không, có cư sĩ Tự Thiên Ái và Ðào Thất Miên.
Họ Tự, theo tử vi lý số: dương nam, sơn đầu hỏa. Tánh nóng. Mê đánh cá trong thú chọi gà. Tửu lượng khá. Thường lui tới thiền viện Tâm Ðạo. Ưa nghị sự, bàn bạc lý thuyết kinh điển. Gặp cơn binh lửa, thất tán vợ con.
Thiền sư nhiều lần khuyên xuất gia tu hành, nhưng không chịu. Thiên Ái bình sinh chẳng nghe ai. Chỉ nghe mình. Rất tự hào về nét phóng đãng riêng. Nhân sinh quý thích chí, như các danh nhân lúc về trí sĩ. Vui chơi, không muốn bị kiềm tỏa. Khi nhiệt tình đam mê, bất chấp tất cả. Nhiều lần tưởng chừng táng gia bại sản, rồi lại tự vực được dậy. Chèo chống cũng khá.
Sau cư sĩ gặp lại được vợ con. Gia đình đoàn tụ. Từ đó thưa tới đạo viện.
Họ Ðào tính tình vui vẻ. Ðường tơ duyên có hơi chậm.  Ðã ngoại tứ tuần mà vẫn chăn đơn gối chiếc. Sau đó cặp với môt bà góa. Hương lửa cũng khá nồng.
Một bữa lên Ðạo viên chơi. Bén mùi thiền ở lại ít ngày. Rồi quyết định xuất gia luôn. Tu viện sống theo lối tự túc, bất tác bất thực. Sáng sớm các thiền sinh phải vác cuốc ra đồng làm việc. Tối về học kinh kệ. Thất Miên mắc chứng mất ngủ. Tinh thần có hơi nhược. Thân bệnh nhiều. Không kham nổi các việc nặng nhọc. Ðược ít lâu, có ý ngán. Lại thêm bà góa đưa tin, giọt lệ vơi đầy. Nhớ nhung tình tự. Không thể cầm lòng. Bèn xin tạm hoàn tục.
Nhân buổi trà đạo, Thông Luận thắc mắc:
- Này sư huynh. Ðã lâu lắm, không có tin tức gì của Tự cư sĩ.
Vô Lực châm biếm:
- Thiên Ái vốn tự cho mình như cánh chim bằng. Vẫy vùng lướt gió. Ngoài vòng cương tỏa. Nay vợ trói con buộc, làm sao cất cánh.
Thông Luận:
- Còn cư sĩ họ Ðào?
Sư huynh phá lên cười:
- Diù bà góa về miền cực lạc.
Thiền sư chiêu một ngụm trà, xen vào:
- Thì cũng là NHẤT NIỆM.
PHB
 
 
 
Chương 22
Cái gì cũng cười
Cái  gì cũng yên
Mới thấy đảo điên là quý
Cái  lúc nghiêng ngửa
Biết sửa cho ngay
Cái  lúc tâm động
Biết lập quân bình
Cái  gì rung động
Cái  gì sống động
Thấy rõ được mình
Là con người tỉnh thức.
NM
 
 
Luận
Có loạn ly mới biết được giá trị của anh hùng. Có thử thách mới đo được thực chất của người tu đạo.
Thế giới Cực Lạc vốn do tâm  mà sinh, chứ không phải từ một địa điểm hay hoàn cảnh nào đó mà phát. Sự giải thoát không chỉ xảy ra ở chốn thiền lâm thanh tịnh, mà phải ngay cả chợ đời náo nhiệt, đến tận chốn địa ngục khổ đau. Sự giải thoát đó là trạng thái lập lại quân bình khi đã phá được mê chấp.
Phải hướng nội vô cùng để thấy được tận căn gốc những rung động tình cảm của mình, để nuôi dưỡng được sự sống động trong tâm mình.
Ðó là sự tỉnh thức. Tỉnh thức để sống bình thường, sống vô tư thật thà, sống hồn nhiên an lạc, sống một cuộc đời đáng sống.
PVK
 
 
Truyện  
Gà đã gáy sáng. Vô Lực chuẩn bị đi làm việc. Trên đường chú tâm suy gẫm về đạo từ: “Phải tu mới viết kinh được”.
Sư huynh tùng sự tại xưởng ấn tống. Giữ việc kiểm soát các mộc bản. Trong số thợ khắc có Linh Tam Muội. Chồng bà là bạn của Thông Luận. Nhờ ông giới thiệu Vô Lực mới được làm việc tại đây.
Ngày đầu tiên sư huynh nhận nhiệm sở, họ Linh đã lên tiếng:
- Tướng công tôi là chỗ thâm giao với chủ xưởng. Mong tiên sinh cần mẫn làm việc. Ðó cũng là một cách trả ơn.
Ngày hôm sau đến cuối giờ Dậu, theo qui ước là giờ tan sở. Vô Lực chuẩn bị ra về. Tam Muội nhắc chừng:
- Tiên sinh, ở đây phải làm hết việc. Nếu chưa xong nên ở lại.
Sư huynh không được vui. Tắt nụ cười trên môi. Thợ khắc được chấm công theo số lượng mộc bản. Càng ngày càng sản xuất nhanh. Không quan tâm đến phẩm. Nhiều quá Vô Lực sửa thiếu chính xác. Ngày nào cũng được nghe họ Linh phê bình:
- Tiên sinh, mộc bản còn khá nhiều lỗi. Ngươì ta mắng vốn đấy.
- Làm việc kiểu rùa bò thế này, làm sao cho kịp.
- Các hạ ngủ đấy  ư? Mau lên chứ!
Sư huynh vẫn thanh tịnh. Chăm chú làm việc. Ðiều khiển tiểu não không cho thu nhận nữa.Mụ nói mụ nghe một mình.
Cho đến một ngày.Công việc ứ đọng. Mắt Vô Lực đã mờ đi.Không còn khả năng giải quyết hơn được nữa. Trong số anh em đồng nghiệp có người tốt bụng lại phụ.Sự kiện được giải tỏa.Ngày kế sư huynh vừa bước vào xưởng, Tam Muội cằn nhằn:
- Tiên sinh để cho họ sửa phụ, mộc bản càng ngày càng tệ hại hơn.
Sư huynh cau mày.Không tự chế được nữa, hỏi vặn lại:
- Này Linh đại tỷ.Khá kiếm một người toàn vẹn hơn để thay thế.Kẻ hèn này sẽ ra đi tức khắc.
Tam Muội cũng chẳng vừa:
- Làm việc phải có lương tâm chứ!
Vô Lực khinh bỉ không thèm trả lời.Máu giận nghẹn họng. Ðúng giờ phủi tay ra về.Công việc còn ngổn ngang.
Ðến nhà, Thông Luận chạy ra:
- Này sư huynh, Linh phu nhân than phiền  nhiều lắm đó.Ðể ngu đệ kể cho nghe.
Vô Lực chưa nguôi cơn giận, khoát tay:
- Thôi thôi, đừng nhắc đến con mụ lắm điều và gian ác ấy nữa.
Kể từ đó sư huynh bị mất điển. Không hóa văn được.
PHB
 
 
Chương 23
Di Lạc là yên vui
Mưa thuận gió hòa
Lúc động, lúc tịnh
Ðúng lúc, đúng thời
Ra vô dễ dãi
Thấy chật mà vừa
Thấy rộng cũng xong
Ông làm ông ăn
Ông rảnh ông chơi
Ai cù  ông nhột
Ai đánh ông đau
Ông như trẻ nít
Vô tư hồn nhiên
NM
 
 
Luận
Ðến đây là hoàn tất một giai đoạn kiến tánh để tự khai mở Kỷ Nguyên Di Lạc trong mình.
Di thiện tối lạc. Người tu trở thành một thiện nhơn ban rải sự an lạc cho mình và chung quanh. Trong mọi hoàn cảnh đều hướng nội lo khai thông khiếm khuyết để hòa cùng tự nhiên. Sự thích ứng với hoàn cảnh ở đây không phải là một đức hạnh đè nén ép mình, mà là một thái độ sống không còn ham muốn cưỡng cầu.
Sống thong dong tự tại nhưng luôn luôn trách nhiệm lấy chính mình. Sống vô tư trẻ thơ nhưng luôn luôn tỉnh thức. Sống hòa bình vì không còn tranh chấp bên trong. Sống đại đồng vì thấy rõ ta và mọi người không khác.
Tánh có vạn thù, nhưng tâm chỉ là nhất bổn. Tâm thương yêu đời đời bất diệt.
PVK
 
 
Truyện
Cư sĩ Dương Thanh Tu đẹp duyên cùng Mạch Liên Nha.Sắt cầm rất là hòa hợp. Pháp danh của hiền nội là Hà Tiên. Họ Dương là một người khác thường. Ít nói, nhiều suy tư.Cái nhìn phức tạp. Thường vẽ thêm chân cho rắn. Thờ đức Sơ Tổ.Ngày rằm, mùng một hương khói đều đặn.
Bữa kia Thanh Tu đi chợ mua trái cây về cúng. Mạch phu nhân đem rửa để đặt lên bàn thờ. Bổng thất kinh kêu lên:
- Trời  ơi! Sao tướng công chọn toàn trái thối và dập thế này?!
Cư sĩ không trả lời, thản nhiên hỏi lại:
- Người nào cũng lựa loại tươi tốt. Thứ này chủ tiệm bán cho ai?!
Trời tiết Ðông lạnh giá. Họ Dương đem về một lố quạt kết bằng lông cánh chim Hồng Hạc. Liên Nha sửng sốt:
- Mô Phật! Không có nhu cầu.
Thanh Tu đủng đỉnh:
- Cửa hàng của họ ế quá. Tội nghiệp mua giùm.
Có một lần Hà Tiên đi chợ mua cua. Nhờ cư  sĩ bắt nước sôi luộc. Khi chín bưng ra bàn ăn. Lọng cọng vấp ngã xõng xoài.Ngồi dậy trong tư thế thiền, niệm chú Vãng Sanh. Phu nhân ngạc nhiên hỏi:
- Tướng công đọc chú để chi vậy?!
Họ Dương mặt nghiêm trọng:
- Ðể tiêu oán thù. Không muốn hồn cua làm té thêm lần nữa.
Nhất bất sát sanh, điều mà Thanh Tu ngại nhất. Ðể trừ kiến trong nhà, đem kẹo bỏ khắp nơi. Khi đã bu kín, nhẹ nhàng dem ra ngoài vườn. Lên đạo viện thỉnh kinh, mọi người đều kén những bộ đẹp trưng bầy trong tủ sách tại gia.Riêng cư sĩ hoan hỉ lựa những quyển bị loại vì đóng ngược và thiếu trang.
Họ Dương sống khép kín. Nhất định lập đại hạnh. Lấy thua làm được. Lấy thiệt làm vui.Lúc nào phong thái cũng trang trọng, phòng thủ. Dung chứa nhiều thầm kín. Không thể nghĩ bàn.
Một hôm, bỗng có một thiếu nữ. Tuổi mới cài trâm. Sắc nước hương trời, diễm tuyệt. Ði ngang qua.Thanh Tu kinh hoàng. Mở to đôi mắt. Hai tay chấp trước ngực. Hướng về phía tiểu cô nương. Vái lia lịa. Lâm râm cầu nguyện. Ðoạn quay lại rầy bọn gia đinh:
- Tụi bây trần trược. Có mắt mà không thấy núi Thái Sơn. Chính là Sơ Tổ đấy.Khá cúi đầu thi lễ.
Cả bọn ngơ ngác … Sự  kiện này vượt ra ngoài trí  óc bình thường của chúng.
PHB
Chương 24
Nhất phẩm tiên
Lý Thiết Quẩy
Từ đẹp hóa xấu
Từ sang hóa hèn
Ðạo Trời ở trong
Luật trời ở ngoài
Trong ngoài hiệp nhất
Trên dưới hòa đồng.
NM
 
 
Luận
Bát tiên là tám vị tu thành đạo được lưu truyền trong truyện ký. Ðó cũng là tám trạng thái tiên gia, tám giai đoạn tu chứng phải trải qua của người cầu đạo.  Những phẩm tiên này đều có sẳn trong chúng ta chứ không phải thuộc về những người đặc biệt.
Ở đây đó là tám giai đoạn kiến tánh để nhận chân ra bổn lai diện mục của mình.
Phẩm hạnh đầu tiên là thực thà công khai những mặc cảm, những lỗi lầm, những xấu xa của mình ra để bước vào tâm đạo. Cái đẹp thân xác chỉ là vô thường và sự giàu sang danh lợi chỉ là phù phiếm. Bỏ đi cái đẹp, cái giả bên ngoài để nuôi dưỡng tâm trong sáng là vun bồi thiên đạo bên trong. Chấp nhận sự khinh miệt, chê bai, xa lánh của người đời và dư luận là thể hiện luật nhân quả của đời trước và đời sống hiện tiền.
Trả vay sòng phẳng thì rũ sạch nghiệp trần. Ðời chẳng màng, chẳng lý đến ta nên ta sống thong dong, an lạc. Ta chẳng ham, chẳng cầu danh lợi của đời nên ta sống tự tại, thảnh thơi.Chống thiết trượng xin cơm ngàn nhà để chà tan tự ái.
Ðường thiên lý vân du. Quẩy hành trang kiến tánh. Ðộ ta và độ người.Tròn một kiếp nhân sinh.
PVK
 
 
Truyện
Diệu Liên Hoa là con nhà quyền quý giầu sang, thế gia vọng tộc. Có tâm tu từ nhỏ.Lúc thiếu thời hay theo bà nội lên chùa lễ Phật. Mỗi khi có điều nguyện, thường ăn chay để tỏ lòng tôn kính.
Lớn lên, gặp lúc quốc phá gia vong. Thức ngộ cuộc đời dâu biển, mong manh như bọt nước, sương mai.Muốn tìm một lẽ sống bất biến và hằng hữu đời đời.Dứt khoát trả giá để chọn đường tu.Lấy pháp hiệu là Tâm Không. Quy y tại đạo viện Hồng Bích.
Tổ rất thương vì tính khí thật thà, chân chất. Có sao nói vậy không thêm bớt mảy may.Khi vân du, thường được hầu kề bên. Lúc đăng đàn cho được phụ diễn. Trình độ tri kiến càng ngày càng khai triển. Trí tuệ mở mang ra nhiều.Thầy khen, đồng môn quý mến. Các huynh tỷ gọi yêu là cô tiên. May cho xiêm y đủ mầu để múa hát vào các dịp lễ.Danh tiếng nổi như cồn. Ðường tu đến đó kể cũng gấm hoa thật.
Tử vi của Liên Hoa có Tham Lang, Vũ Khúc đồng cung tại Mệnh, nên khí số vận hành thường tạo ra sóng to gió lớn không ngừng. Một ngày đẹp trời, bỗng thấy lớp áo tiên là giả.Trên đường giải thoát đến vô cùng chẳng dừng chân tại đó.
Bữa kia Thông Luận đang lau chùi, quét dọn chánh điện. Không hay biết Liên Hoa đang cười chúm chím đứng nhìn rồi nói:
- Sư huynh à! Sao muội thấy yêu sư huynh quá!
Thông Luận sợ hãi, lùi dần vào góc nhà. Mắt nhớn nhác như trốn chạy.Giọng cương quyết:
- Không bao giờ.Không đời nào.Cái phẩm hạnh của một người xuất gia không cho phép như thế.
Nói xong ngồi xuống tọa thiền, tịnh khẩu niệm Phật. Liên Hoa vẫn đứng yên tại chỗ, cười hồn nhiên:
- Tiểu muội chỉ phát biểu sự thật trong cõi lòng mình mà thôi!
Ngoài kia nắng ấm trải đều trong vườn hoa.Một đàn chim ríu rít vô tư chuyền trên các cành cây.
Sau đó vì phá giới luật, Diệu Liên Hoa phải rời tu viện.
Tâm không, túi cũng không. Cởi trả áo Tiên, khoác chiếc y Hành Khất rách nát. Cơm bình bát mười phương độ nhật.
Trên đường dài vạn LY’ chỉ còn lại con tim lành lặn. THIẾT tha QUẨY gánh Yêu …Yêu … Yêu Thật là Yêu vào đời.
PHB