Chương 33 - 36

Tề Thiên Ðại Thánh
Chẳng hề thua ai
Phải chịu ngũ hành
Không còn nhúc nhích
Ý chí kiên cường
Vượt thoát khỏi ngục
Một lòng một dạ
Lo việc thỉnh kinh
Trừ  yêu dẹp loạn
Thường hằng quán chiếu
Ðọc rõ được mình
Quyển kinh không chữ.
NM
 
Luận
Ý chí của con người có một năng lực vô biên. Nhờ đó mà đã làm nên những chuyện dời non lấp biển, đội đá vá trời. Nhưng cuối cùng vẫn không tránh được thiên tai, cũng đành bất lực trước lẽ hưng vong suy thịnh của mình và của cuộc đời xã hội.
Chúng ta ít nhiều đều bị cuốn vào trường đời tranh đấu. Ðem ý chí hướng ra giải quyết vấn đề và thỏa mãn những kỳ vọng, những ham muốn của mình. Nhưng rồi dẫu có thành công cũng bị trói trong tiền, tình, danh, lợi. Còn thất bại thì chịu biết bao tủi nhục ê chề.
Gặp hồi thất cơ lỡ vận, đành ngồi bó gối xuôi tay mà ngậm ngùi cho số phận. Ðến lúc tận cùng trong tuyệt lộ, ý chí lại loé lên một ánh sáng của từ tâm. Nương theo thần lực của Ðại Bi Quán Thế Âm mà vùng lên, phá đi tù danh lợi, đạp bay đi ngục thất tình. Cũng dùng ý chí đó nhưng quay vào nội thức mà tòng theo tiếng gọi của chơn tâm. Hướng về phương Tây của bản thể là hướng của trái tim mà lắng nghe tiếng gọi của lòng mình, mà tìm đọc vô tự chân kinh.
Kinh vốn là chơn lý. Chơn lý là sự thật, là sự thật của mình. Muốn tìm sự thật phải trừ đi con yêu làm biếng, phải dẹp đi loạn yếu hèn. Làm biếng là làm biếng dấn thân. Yếu hèn là yếu hèn thấy tánh. Dấn thân để thấy tánh là dùng ánh sáng mà khai mở con tim, để tâm ngủ mê trở thành tâm tỉnh thức. Tỉnh thức thì mọi hành động và tư tưởng đều là quang khai, là ánh sáng.
Ðược như vậy mới có thể gọi là người tu.
PVK
 
 
Truyện
Thông Luận nghe tiếng gọi, ngừng tay cưa:
- Sư huynh nói gì?!
Vô Lực dọn nốt đám cành lá ngổn ngang, thở hắt ra:
- Mình nghỉ tay một chút sư đệ.
Thông Luận vừa cười vừa nói:
- Phá rừng trồng rẫy mà sư huynh làm kiểu này chắc đói quá!
Tính nói thêm, chợt nhìn thấy cái đầu điểm bạc ở tuổi lục tuần của Vô Lực nên dừng lại. Trời nắng chang chang. Hai anh em ngồi dưới bóng một gốc cây cổ thụ nghỉ ngơi, uống chén nước trà nụ. Hàn huyên tâm sự. Sư huynh lên tiếng:
- Nhớ thuở Tổ dùng thế “Voi Dầy”. Hồi đó mình tính rủ nhau đi miền cực Bắc xa xôi, thầm tu thầm tiến.
Sư đệ chen vào:
- Bàn với sư phụ, bị gạt đi. Thật ra là yếu hèn muốn trốn thực tại.
Vô Lực chiêu một ngụm trà rồi chậm rãi:
- Bây giờ lại được thầy cho ăn thường xuyên món “Ngựa Xé “.
Thông Luận cười khúc khích:
- Món này dai và khó nuốt lắm. Sư huynh tính bỏ đi mấy lần?!
Vô Lực cười chữa thẹn:
- Nhiều lắm không nhớ hết. Chỉ nhớ vài ba giai thoại đặc biệt thôi.
Sư đệ giọng diễu cợt:
- Xém chút nữa là sư huynh: “Phất tay áo xé mây vào cõi tục … vầy duyên cầm sắc với một mối tình thơ.
Vô Lực  đỏ mặt:
- Không nhờ sư phụ hóa giải thì chiếc thuyền Bát Nhã đã chìm trong ánh mắt giai nhân.
Bỗng sư huynh ôm bụng cười ngặt nghẽo. Thông Luận ngơ ngác:
- Lại gì nữa đây?!
Vô Lực hỏi lại:
- Sư đệ đã bao nhiêu lần chịu không thấu món “Ngựa Xé” phải đóng cửa vào trong liêu ngồi tịnh?!
Hai anh em xử huề. Ngày tháng trôi qua. Phía sau đạo viện rừng cây khai phá xong. Ðất sỏi đá của triền đồi đã đắp thành luống. Hạt cải được gieo xuống.
Một ngày đẹp trời bỗng nhiên thiền sư Tâm Không đùng đùng nổi giận. Quăng đồ đạc, hành trang của Vô Lực ra cửa tam quan và đuổi đi. Sư huynh biết lỗi mình, lẳng lặng ra nhặt khệ nệ đem vào. Năn nỉ xin được ở lại tu tiếp.
Bên ngoài các luống cải đã mọc lên xanh tươi, chạy dài trên sườn đồi.
PHB

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 34

 
 
Bát Giới lão Trư
Dâm ô, lười biếng
Ham ngủ, ham ăn
Tu thành chánh quả
Cũng ăn, cũng ngủ
Ưa đẹp lại nhàn
Chẳng gì thay đổi
Khác chỗ vừa đủ
Ở ngay chánh giữa
Chẳng rộng chẳng hẹp
Trung Ðạo vậy mà.
NM
 
 
 
Luận
Bản tánh chúng ta thường thích hưởng thụ cầu an và ham thỏa mãn những cảm giác. Ðây là một lực, một thành phần trong chúng ta tương phản hoàn toàn với ý chí. Nhờ sự kích động và phản động của hai lực này mà tạo nên sự sống động, sự tỉnh thức và sự tiến hóa trong ta.
Ðiều lầm lẫn quan trọng là chúng ta tưởng rằng có thể diệt bỏ đi cái bản tánh hư hỏng đó mà thế vào bằng những đức hạnh thanh cao trong sạch. Nhưng sự thật thì rõ ràng là chúng ta chỉ dấu nhẹm và đè nén nó đi mà thôi. Chúng ta thích mang một cái áo tu, cái thể diện giả dối ra khoe với đời, nhưng bên trong chúng ta thì mâu thuẫn, dằng co và chiến tranh không dứt. Một hành động hủy diệt không thể tạo nên một nền hòa bình thật sự, mà chỉ tạo ra một cuộc sống giả dối với chính ta và với người. Một cuộc sống hời hợt, chai đá vì không biết thương yêu là gì cả.
Thật ra, hình ảnh Bát Giới có làm chúng ta bực mình đôi chút, nhưng không thù ghét, mà trái lại còn cảm mến vì sự hồn nhiên, chất phác và trẻ thơ của anh chàng. Ðó là vì chúng ta THẤY được Bát Giới một cách trọn vẹn. Anh chàng không giấu giếm con người thật của mình! Bí mật của Ðạo nằm ngay tại đây! Chúng ta phải thấy được tánh chúng ta rõ ràng như là thấy được Bát Giới vậy.
Khi tánh được bộc lộ công khai, nó sẽ được dư luận và chính ta điều chỉnh cho nó trở lại quân bình. Làm sao chúng ta có thể làm chuyện óai oăm tồi bại trước công khai ánh sáng?! Sự tthẹn thùng, xấu hổ với chính mình làm chúng ta tự nguyện trở về Trung Ðạo chứ không phải vì một kỷ luật sắt thép hay vì một mưu cầu cao đẹp nào đó.
Cuối cùng rồi thì toàn bộ cái tánh cũng đeo dính theo ta để trở về nguồn cội. Sống thong dong, nhàn hạ cũng nhờ nó. Ăn ngon, nhắp rượu, chơi cờ … cũng do nó. Cái khác chỉ là không dư, không thiếu. Ở ngay cái chỗ vừa đủ đó là đã sống trong Trung Ðạo rồi.
PVK
 
 
Truyện
Sư muội Hà Tiên làm cỏ trong khu vườn bên trái đạo viện. Mấy cây rau dền tía được nhổ đi hết. Băm đất nhỏ đắp thành luống để trồng các loại rau thơm. Thông Luận đi qua thấy vậy kêu lên:
- Thôi chết rồi, rau dền là một loại mà sư huynh thích vào bậc nhất.
Sư muội còn đang ngẩn ngơ và ngỡ ngàng thì Vô Lực chạy đến:
- Không sao, thôi tất cả rửa tay nghỉ ngơi, trưa rồi.
Ba anh em ngồi dưới tàng một cây cam đại thụ. Thanh Tu bưng ra một rổ bắp luột, khói lên nghi ngút. Tất cả quây quần vừa ăn vừa hàn huyên. Hà Tiên vẫn còn mặc cảm:
- Ðể chút nữa tiểu muội trồng lại mấy cây rau dền.
Sư huynh lắc đầu thú nhận:
- Thôi thôi! Có ngon lành gì thứ đó.
Thông Luận nói như trách móc:
Thế mà hồi giữ chức đạo trưởng tu viện Hồng Bích, sư huynh khen lấy khen để. Làm lúc đó ăn rau dền triền miên bất tận.
Vô Lực xuống giọng ôn tồn, pha một chút hài hước:
- Xin sư đệ niệm tình tha thứ. Lúc tụi nó dọn cơm lên, chỉ có độc nhất món rau dền luộc chấm chao, bần đạo cũng … nghẹn ngào lắm. Trót tuyên bố lập đại khổ hạnh trường chay rồi, biết ăn làm sao, nói làm sao bây giờ.
Cả bọn cười như pháo ran …
Do sức đồng lao cộng tác, nền kinh tế đạo viện ăn nên làm ra. Chế độ ẩm thực được bồi dưỡng quá phong phú. Thiền sư Tâm Không lại có biệt tài về nấu ăn. Thế là sư huynh càng ngày càng mập phì ra. Thông Luận đẫy đà và tươi tốt hơn xưa. Hai anh em dần dần tiến hóa ngược, đến chỗ tu ít mà … ngủ nhiều.
Một ngày kia thiền sư bỗng giật mình vì thể chất bắt đầu có nhiều chiều hướng phong phú và phúc hậu ra. Ðặt vấn đề cùng thảo luận. Tất cả đồng ý nhịn đói ba ngày, chỉ uống nước để thanh lọc bản thể. Hai vợ chồng Thanh Tu và Hà Tiên ở gần đạo viện cũng đến nhập thất. Vô Lực hăng hái nhất và cũng chóng chán nhất. Ngày đầu quá ngọ thiền sư đi tới đi lui, cười cười hỏi:
- Sao hà?!
Sư huynh cũng cười cầu tài lại, rồi nói vu vơ:
- Không biết nhịn để làm chi?! Thể xác trước sau hữu hình rồi cũng hoại diệt. Chỉ có tâm thức mới vĩnh cửu đời đời.
Thông Luận có vẻ đói lắm. Tuy nhiên giọng vẫn còn phảng phất mùi đạo đức giả:
- Ðây là phép Vô Úy. Trì chí trong ba ngày sẽ giải trừ được nhiều mầm mống bệnh hoạn.
Thiền sư hồn nhiên:
- Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Ai đói muốn đi ăn mì ngoài phố chợ dơ tay lên?!
Người ta đếm được tất cả là năm bàn tay.
Kể từ đó thiền sư nghiên cứu phép quân bình dưỡng sinh. Khu vườn bên trái đạo viện rau dền chen mọc với húng quế ăn phở và thì là để dậy mùi canh cá. Các loại rau được tự do đua mọc để cống hiến trong chương trình chay mặn đề huề.
PHB
 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 35

 
Sa Tăng có công
Cũng gánh, cũng vác
Ở ăn vừa phải
Chẳng động đến ai
Ai sai thì làm
Có mà như không
Không có không được.
NM
 
 
 
Luận
Vai trò mờ nhạt nhất trong bộ Tây Du Ký phải nói là Sa Tăng, tượng trưng cho thân xác. Thế nhưng, không có thân xác này thì không có phương tiện để mà đi thỉnh kinh. Ăn uống quá độ hoặc khổ hạnh hành xác chỉ là giai đoạn để dấn thân thấy tánh mà thôi. Một sự dưỡng sinh điều độ vẫn là thích hợp nhất cho thân thể.
Thân ta ví như một tấm gương, phản ảnh lại kết quả tu học của mình cụ thể nhất. Tâm tu như thế nào thì sẽ lộ ra pháp tướng y như vậy. Tánh mê chấp ra sao thì thân bịnh sẽ đi liền theo sau đó.
Dầu vậy, điểm đặc biệt của pháp tu giải thoát là không có một công thức nào cố định cả. Thành ra, nhiều khi thân xác cũng phải chịu hy sinh. Có khi ôm lấy bịnh của người để tâm lập hạnh vị tha cứu độ. Có khi ăn ngủ thất thường vì nhu cầu trí tuệ đang khai. Có khi phải làm chuyện trái ngược thói quen để phá đi một cái chấp mê của tánh.
Ðời người ngắn ngủi. Thời gian qua mau như vó ngựa bên song. Thân xác tưởng chừng như chỉ giới hạn trong một kiếp người, nhưng biết tận dụng nó để được cơ hội thức tâm giác ngộ, thì phần linh điển của thân xác sẽ hoá thành kim thân bất hoại, cùng nhập theo các thành phần kia mà trở về nguồn cội, an hưởng hạnh phúc đời đời. Ngay cả con ngựa mà Ðường Tăng cỡi, tượng trưng cho cái Pháp mà chúng ta hành để đạt đạo, cũng linh hiển hóa long mà bay khắp cùng bốn phương tám hướng. Do đó người hữu duyên ngộ chơn pháp cũng như cỡi rồng mà trực chỉ Tây Phương, giải thoát ngay trong một kiếp sống hiện tiền.
Thiên địa nhân đồng do một tâm mà sinh ra. Muôn vạn pháp đều do một thức mà biến hiện. Ðể trở về một tâm, một thức đó, người tu chỉ cốt sao thực hiện cho trọn vẹn một chữ HÒA.
PVK
 
 
Truyện
Mẫu thân sư muội Hà Tiên thường hay đau yếu. Nhờ có người mách Niệu Liệu pháp, lúc bài tiết đem uống thử nhiều lần thấy công hiệu. Khi đến đạo viện sư muội đem chuyện ra kể. Thiền sư Tâm Không nghiên cứu tài liệu, rồi ban hành lệnh … dấn thân.
Thanh Tu đi tiên phong phúc trình:
- Rất nồng, khai và mặn.
Vô Lực bỗng thấy cần phải tỏ thái độ. Sáng sớm thức dậy sư huynh chứa một ly cối. Dùng hết ý lực, nín thở làm một hơi như người uống thuốc độc. Thông Luận nhấm nháp từng ngụm nhỏ ra vẻ thưởng thức rượu bia. Từ từ Hà Tiên, Diệu Thanh, Không Ái đều có thử hết. Thiền sư Tâm Không hết sức cổ võ và … uống sau cùng.
Dần dần thành một phong trào. Niệu liệu không những là một dược phẩm, còn là một mỹ phẩm nữa. Nhóm Vô Minh dùng nó để gội đầu, tắm, thoa bóp. Tóc mướt và da cũng mịn ra. Thanh Tu rất nhiều chuyện nên sự việc không phải chỉ dừng ở đó. Bỗng một ngày sư đệ reo lên mừng rỡ:
- Này các huynh tỷ ơi! Dùng niệu liệu tra vào mắt, sáng long lanh lắm đấy.
Thế là thiền sư lại bắt áp dụng, đi nghịch hành để có … thực chất.
Vô Lực nghĩ thầm: “Cái tên Minh Linh thật đem đến nhiều rắc rối như tơ nhện. Uống niệu liệu đã khó. Tắm gội bằng nó lại càng khó hơn. Làm thuốc nhỏ mắt thì quả thật bất khả tư nghì. Chẳng lẽ không làm thì còn gì là mặt mũi một đấng trượng phu.”
Suy nghĩ lung lắm rồi sư huynh mới quyết định. Ðứng phắt dậy vào nhà tắm sản xuất một ly. Mới đầu chấm se sẽ hờ hờ vào … lông mi, sau đánh liều đổ ra tay vỗ luôn vào mắt. May quá không bị mù. Tắm rửa xong xuôi. Ưỡn ngực đi ra…
Về sau, mọi việc trở thành tầm thường. Ai cũng làm được cả. Không còn sợ hãi và kỳ thị thứ gì nữa.
Một bữa Tự Thiên Ái và Ðào Thất Miên ghé thăm đạo viện. Nghe kể chuyện, Thất Miên làm thử. Uống được nữa ly nhỏ rồi ói phun tóe ra. Thiên Ái hùng hổ đi vào. Uống được một lần. Sau đó cả hai không thấy nhắc đến chuyện đó nữa.
Tất cả thử nghiên cứu một thời gian rồi ngưng. Không Ái bớt rất nhiều chứng phong thấp. Duy có Diệu Thanh là áp dụng trường kỳ. Niệu liệu uống vào cơ thể tự điều chỉnh, bệnh hoa liễu nhập nội gần khỏi hẳn. Gương mặt trước kia xanh xao nay hồng hào, tiến bộ thấy rõ nhất. Lúc này tiểu sư muội vừa uống vừa nhâm nhi, ngon lành và khề khà như nhắp rượu Quỳnh Tương. Có người khen, Diệu Thanh chỉ cười nói:
- Cũng mình phá và cũng mình xây dựng lại. Chỉ tội nghiệp cái xác bị trôi nổi trong tình cảnh mười hai bến nước. Trong nhờ đục chịu.
Vô Lực và Thông Luận bỗng chạnh lòng nhớ tới các nguyên tội xa xưa của mình. Thức khuya, dậy sớm cặm cụi viết để xám hối.
Vì thế cuốn kinh này ra đời.
PHB
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 36

 

 
Kinh quí trong lòng
Thật ra không chữ
Viết ra để lại
Ðời sau tụng niệm
Vay pháp, trả pháp
Ðời đời bất diệt.
Kinh nay có chữ
Hữu duyên thời ngộ
Nhưng muốn đạt đạo
Phải tự thỉnh kinh
Cuốn kinh không chữ
Bàng bạc trong mình.
Duyên Thầy ta ngộ
Phật pháp ta nghe
Trì chí thực hành
Xứ Phật ta tới
Ơn Thầy ta trả
Ðồng đẳng mười phương.
NM
 
 
Luận
Ðến đây đã hoàn tất công cuộc thỉnh kinh, cuốn kinh sống của bao đời kiếp nổi trôi từ độ luân hồi. Thành tựu quyển kinh cũng là thành tựu muôn vạn hạnh nguyện của chư Phật và liệt vị Tổ Sư, Bồ Tát mười phương.
Phật là do từ con người tu thành, là tượng trưng cho trạng thái quân bình, an nhiên tự tại. Từ bi là trạng thái của Quán Thế Âm. Tiên gia là trạng thái thong dong, nhàn hạ. Những trạng thái này có sẵn và bàng bạc trong càn khôn vũ trụ, ngày càng vun bồi phát triển thêm do sự đóng góp của những người đạt đạo, chứ không thuộc riêng vào một cá thể, cá nhân nào. Ðạt một quả vị là hòa nhập vào trạng thái đó, ngay thời điểm đó, nào phải mang một chức tước danh hiệu mà thị uy cho đời sùng bái! Những trạng thái này nằm trong tầm tay chúng ta chứ không chỉ thuộc về những bậc siêu nhân, những đấng cứu thế siêu việt xuất phàm.
Chúng ta niệm danh hiệu Quán Thế Âm là muốn làm sống lại hạnh từ bi có sẵn trong ta để hòa ứng vào trạng thái từ bi của cộng đồng Tiên Phật mà cứu khổ ban vui cho mình, cho người, chứ không phải lệ thuộc, cầu cạnh một danh xưng hình tướng bên ngoài.
Trong ta có đủ mọi trạng thái mà ngoài đại thiên vốn có. Trong ta có đủ mọi quả vị của chư Phật và Bồ Tát mười phương. Thành Phật không phải là điều bất khả đối với chúng sanh vì con người vốn có sẵn Phật tánh trong mình.
Thiên nhiên và cuộc sống thay đổi không ngừng, biến thiên đủ mọi trạng thái. Nên cứu cánh của người tu là giải thoát ra khỏi mọi hoàn cảnh chứ không an trú trong một quả vị duy nhất nào. Ðang tự tại thong dong trong điều kiện an vui thoải mái, chợt động loạn cám dỗ đến. Khư khư giữ lấy sự thanh tinh rồi đóng cửa với bên ngoài là đã rơi vào kỳ thị, chấp mê. Giết Phật, phá đi cái trạng thái thanh tịnh khuôn thước đó mà hòa nhập vào hoàn cảnh động loạn kia để hiểu mình, để thấy mình có bị cám dỗ hay không?! Thấy được mình là quân bình trở lại, là đã giết đi con ma động loạn trong mình. Thấy tánh Ma, tánh Phật thay đổi liên tục là đang đọc từng trang kinh vô tự bên trong.
Giây phút này là Quán Thế Âm, phút kế lại thành con Ma động loạn, rồi lại thành Phật quân bình, làm Tiên thong dong. Rồi lại rơi vào con Yêu dâm dục, chuyển sang con Quỷ yếu hèn, rồi trở lại là Quán Thế Âm. Tầng số rung động thay đổi mau chậm tùy theo trình độ kiến tánh của mình. Cứ thế mà hoà mình vào tự nhiên, sống đủ mọi trạng thái không cưỡng cầu tính toán.
Trong môi trường sống, chúng ta thừa hưởng những trạng thái, những hợp lực tư tưởng thanh tịnh sáng suốt bên cạnh khối nghiệp báo oan gia bao gồm những tư tưởng động loạn si mê trần trược. Hai lực này đã tạo nên sự vận hành của trời đất và kích động sự tiến hóa trong ta. Hành trình thỉnh kinh nằm vỏn vẹn trong pháp môn Kiến Tánh. Dùng sự chơn thật để thấy mình. Sự tỉnh thức đó là Ðạo, lấy sáng suốt dẫn tiến phần tối tăm của chính ta là trả ơn thầy tổ, là hoà mình vào cộng đồng bao la của trời đất.
Tất cả là một.
PVK
 
 
Thơ
Gió hiền ru biển ngủ,
Phong vũ nổi ba đào,
Mây đen cuồn cuộn tới,
Là mất đi trăng sao.
Ðại thiên gió thét mưa gào,
Âm dương biến dịch, đổi trao dung hòa,
Thanh thanh trược trược một nhà,
Hết hồi cực động, hiện ra mây lành.
Mai vàng thương cúc trắng,
Ðá dựa kề cỏ xanh,
Trăm hoa cùng khởi sắc,
Dưới bầu trời thiên thanh,
Càn khôn nhựt nguyệt vận hành,
Nước bay hơi lại biến thành mưa rơi.
Thiên địa nhân một lý,
Tuy khắc mà không rời,
Hòa đồng trong mâu thuẫn,
Luật tiến hóa đời đời.
Ngàn năm dòng nước chẩy,
Sẽ lấp đầy chỗ  vơi,
Rồi soi mòn đỉnh núi,
Lập quân bình nơi nơi.
Nắng mưa là bệnh của trời,
Không nhìn thấy tánh, bệnh người trần gian,
Dấn thân để có luận bàn,
Thấy sai mới mở được màn u minh,
Trở về trung đạo nơi mình,
Vô cùng giải thoát hành trình thuận thiên.
Quân bình gọi là Ðạo,
Mà Ðạo là tự nhiên,
Sát na nhìn thấy tánh,
Tri kiến Phật hiện tiền.
Thấy mình lòe lẹt quá!
Và phô trương huyên thuyên,
Mấy năm trời tu học,
Bệnh phiếu diều còn nguyên.
Cho nên trên giấy hoa tiên,
Nàng Ly Tao đã ngưng liền bút thơ.
PHB

Lời chót

 

 
Ðến đây là chấm dứt TẬP II cuốn “Cõi Vô Hình”,  ba anh em tụi tui chỉ còn lại hai người. Sau ba mươi mấy năm tầm đạo hành thiền, tụi tui bây giờ chỉ là những người bình thường.
NM