178. SỰ TÍCH BÃI ÔNG NAM

Ngày ấy, những người dân chài vùng biển Nam trong khi ra khơi làm ăn thường bị nạn bão tố. Mỗi lần bão tố thình lình xảy ra, nếu trên đất liền chỉ đổ cửa đổ nhà thì trên mặt biển khơi có thể chết hàng trăm hàng ngàn mạng người. Không những thế, nó còn chôn vùi xuống đáy biển biết bao nhiêu là chài lưới thuyền mảng, những của cải mồ hôi nước mắt tích góp không phải chỉ một ngày. Vì vậy, những dân chài vùng biển Nam luôn luôn kêu gào oán trời trách đất độc ác phũ phàng, làm cho con mất cha, vợ lìa chồng, táng gia bại sản. Cuối cùng lời kêu gào của họ cũng động đến tòa sen.
Một hôm, đức Bồ tát ngự trên tòa sen nghe tiếng than khóc, bèn cúi nhìn xuống toàn cõi biển Nam. Nhận thấy muôn ngàn sinh linh bỏ mạng đều là những con người nghèo khổ, lương thiện, chất phác, thì động lòng thương, bèn cởi ngay chiếc pháp y mình đang mặc, xé thành từng mảnh ném xuống mặt biển rồi niệm chú cho mỗi mảnh hóa thành một con vật để chúng làm công việc cứu giúp dân chài. Vừa xuất hiện ở Nam hải, những con vật ấy bèn bơi lội khắp nơi, cố gắng làm những việc được giao, nhưng tiếc thay, thân tuy dài nhưng không lớn mấy, không thể chống chọi với những cơn bão tố, chẳng đủ sức che chở cho ghe thuyền, nên cuối cùng kết quả không có bao lăm. Bởi vậy, một hôm chúng họp lại trình lên tòa sen để Bồ tát biết sự bất lực của chúng.
Thấy vậy Bồ tát bèn lại mượn mấy bộ xương voi ném xuống biển, biến vật nhỏ bé trước thành những con vật vừa dài vừa có vóc dáng khổng lồ. Bồ tát dặn:
- Ta đã làm cho thân thể các ngươi đủ sức đương đầu với bão tố. Từ nay ta giao cho các ngươi chuyên giữ phận sự cứu nguy trên vùng Nam hải. Các người hãy cố gắng làm tròn bổn phận. Để giúp đỡ các ngươi, ta sẽ cho một số quân đi theo hầu hạ, đồng thời nhắc nhở các ngươi không được lơ là với công việc.
Nghe lời truyền phán, những con vật mới vui lòng chia nhau bơi đi các nơi làm chức trách của mình. Bọn quân hầu cũng chia nhau đi theo hết lòng giúp rập.
Nhưng rồi Bồ tát vẫn chưa vừa ý. Nhận thấy mấy con vật mới sáng tạo vì quá to xác nên không được hoạt bát nhanh nhẹn, Bồ tát lại ban cho chúng phép thần thông để có thể sớm phát hiện ra tiếng kêu cứu xa hàng nghìn dặm. Đối với bọn quân hầu của chúng, Bồ tát cũng cho một tên dùng mực để chỉ đường vạch lối cho chủ chúng đi được nhanh, một tên thì cầm một ngọn đao luôn luôn hộ vệ tả hữu. Như vậy là Bồ tát đã tạo nên cá voi, cá mực và cá đao.
Nhờ thế, dân chài vùng biển Nam cũng được an ủi đôi phần, từ đó họ gọi cá voi bằng cái tên ông Nam hay cá Ông[1].
°
°
Bấy giờ ở một cửa biển Nam có một vàm sông[2] quen gọi là vàm Ông-đốc, cá một cá ông làm trấn thủ tại đây. Cá ông làm việc tận tụy, ít khi xa rời vùng mình cai quản. Nhưng một hôm nó có ý muốn được ngao du một chuyến ra khỏi cõi bờ đi ngắm xem cho thỏa thích. Bèn tỏ ý ấy với những kẻ tùy tòng. Cá mực và cá đao đều trả lời:
- Hiện nay chưa phải là mùa dông bão, ngài có đi xa cũng chẳng sao. Chỉ mong ngài phải nhớ trở về sớm, đừng có la cà mà hồi không kịp. Hơn nữa cũng cần phải bảo vệ tấm thân vì ngài đang kỳ thai nghén.
Được lời, cá Ông bèn quyết chí xuất hành cùng với cá mực và cá đao. Chương trình đã định là sẽ vòng theo mũi biển, cứ như bây giờ gọi là mũi Cà-mau, lần lượt tiến dần về phía Đông bắc đi thăm các vàm khác, ở đó sẽ gặp một số bạn bè và người thân thuộc, cuối cùng lại vòng theo mũi biển trở về chỗ cũ. Nhằm một buổi tối trời, cả đoàn kéo nhau ra đi. Vừa qua khỏi mũi đất, họ tiến vào vàm sông Bồ-đề. Đối với cá Ông, cuộc ngao du trở nên ngày một thú vị khi được gặp lại những người quen thuộc và được thấy những cảnh đẹp ở vùng biển Đông. Cho nên cả đoàn lưu lại nhiều ngày ở vàm sông Bồ-đề để xem cho thỏa thích trước khi rời lên phía Bắc.
Nhưng một đêm nọ, bỗng nhiên khi lạnh làm rởn da mọi người: báo hiệu một con sóng gió hãi hùng sắp nổ ra. Không ngờ bão tố lại xuất hiện bất thường như vậy, cả đoàn hết sức hoảng hốt. - "Trời nổi bão rồi. Chúng ta phải mau mau trở về đi thôi, vì thế nào cũng có người bị nạn". Tiếng chủ tướng kêu lên. Và nó ra lệnh cho cả đoàn tập hợp đông đủ để chuẩn bị trở về.
Nhưng khi quay về, vì có phép thần nên cá Ông đã biết tin có một chiếc ghe đang vô tình vượt ra khơi thuộc vàm sông Ông-đốc. Cá Ông than thở: - "Ôi! vẫn còn có một chiếc ghe vật vờ ngoài vàm. Bây giờ mà trở về vùng ấy nhanh nhất cũng phải mất một ngày. Biết làm sao bây giờ?".
Thấy cá đao thỉnh thoảng lại thúc bên hông, cá Ông hết sức lo lắng.
Bây giờ về đường biển thì e không kịp vì phải đi quanh. Chỉ có cách là chúng ta chịu liều đi tắt và vàm sông Bồ-đề, tuy có nguy hiểm nhưng may ra có thể cứu kịp.
Bèn nói sao làm vậy. Cả đoàn lại tiến phát. Nhưng khi lọt vào vàm thì bão đã nổi lên mỗi lúc một mạnh. Hơn nữa, sông Bồ-đề thì nước cạn mà thân của Ông Nam lại quá vĩ đại. Tuy vậy, theo dấu cá mực, nó vẫn cố trườn, có lúc phải trườn trên bãi đầy cây tràm và cây đước xây xát cả mình mẩy. Hồi này nó đang mang thai. Vì phải cố gắng dùng hết sức lực nên cái thai bị sảy. Cá bé ra đời đáng lý có thể sống được, nhưng vì nước cạn nên chẳng mấy chốc thì tắt thở. Tuy lòng đau như cắt và mệt hết sức, Ông Nam vẫn không bịn rịn, vẫn cố xuyên qua dòng nước để về cho kịp vàm sông Ông-đốc, nơi mình có trách nhiệm với dân chài.
Chẳng mấy chốc cả đoàn về được đến nơi. Bão khi ấy đang tung hoành dữ dội hết mức. Cá Ông vùng ngay ra khơi, chỉ một nhoáng nó đã đội chiếc ghe sắp bị chìm lên lưng đưa vào bờ. Dọc đường nó còn cứu được năm chiếc khác đang vật vờ trong sóng hiển.
Vì đuối sức nên chuyến ấy Ông Nam bị đau đến mấy tuần. Biết được mọi việc xảy ra, Bồ tát cũng vui lòng xá cho đoàn đệ tử tội tự ý rong chơi mà không bẩm báo.
Từ đó, dân chài vàm sông Bồ-đề lập miếu thờ đứa con vô tội của cá Ông đẻ rơi trong khi làm phận sự.
Hiện nay cái miếu ấy vẫn còn, người ta quen gọi là miếu Ông Nam. Cả cái dòng nước mà Ông vượt qua ngày nay đã bồi thành bãi, người ta cũng gọi là bãi Ông Nam[3].
179. CHIẾC GIÀY THƠM
Ngày xưa, ở chợ Đồng-xuân có cô gái họ Trương, con một gia đình giàu có lớn. Cô gái mặt hoa da phấn và đã đến tuổi yêu đương. Thường ngày sống trong nhung lụa, có kẻ hầu người hạ nên cô ít khi bước chân ra ngoài.
Một hôm cô ngồi hóng mát trên lầu tây. Đang dựa bao lơn nhìn xuống đường phố, cô trông thấy có chàng trẻ tuổi cưỡi ngựa đi qua. Bên phía chàng trai nhác thấy bóng hồng thì say vì nhan sắc, đứng lại ngắm mãi không rời. Cô gái họ Trương thấy có người nhìn chòng chọc vào mình liền thẹn thò lui gót. Chàng trẻ tuổi tên là Lý Quốc Hoa còn đang dùi mài kinh sử, là con một vị tướng ở vệ Kim Ngô đóng tại kinh thành. Hôm ấy, sau khi nhìn thấy người đẹp chàng đâm ra thẫn thờ, không còn muốn giục ngựa đi tiếp. Nhưng khi nhìn lại nhà cô gái, thấy tường cao cổng kín, chàng mới biết đó là người không phải dễ dàng gặp gỡ. Mặc dầu vậy, chàng vẫn không quên ngôi nhà lầu, chỗ giai nhân vừa ngồi ngắm cảnh, có bao lơn con tiện và rèm the, bụng bảo dạ:
- Thật là một trang phong lưu tuyệt sắc! Thế nào cũng phải tìm cách gần gũi nàng mới thỏa dạ.
Từ đó chàng ra công dò la tông tích, hy vọng có ngày được mắt xanh.
Một hôm chàng đi qua cửa, gặp mặt người ra dáng con hầu từ nhà ấy đi ra. Chàng sán đến gần, làm quen. Qua trao đổi một vài câu chàng mới biết đó là người nữ tỳ của nhà họ Trương tên là Hồng Hạnh, đi mua phấn cho cô chủ. Chàng khẩn khoản nhờ nàng làm ơn giúp mình trao cho cô chủ một bức hoa tiên. Thấy Hồng Hạnh nhận lời, chàng mừng rỡ cảm ơn.
Lần đầu tiên đọc bức thư cầu thân, cô gái họ Trương cảm thấy trong lòng nở hoa. Đoán biết đó là ánh chàng cưỡi ngựa chòng chọc nhìn mình hôm nọ, nàng mỉm cười, nhớ lại khuôn mặt tuấn tú của chàng. Hàng ngày nàng đọc đi đọc lại bức thư không chán. Rồi cuối cùng nàng cũng viết mấy dòng lên hoa tiên trả lời.
Hồng Hạnh từ đấy trở thành con thoi thông tin tức cho hai bên, vì vậy không mấy chốc họ đã trở thành cặp bạn tình. Lần đầu cô gái họ Trương hẹn chàng đến vườn hoa nhà mình một đêm trăng. Chàng họ Lý lén lút tìm đến, cảm thấy vừa hồi hộp vừa thích thú. Và chàng sung sướng vô hạn khi được đối diện và người ngọc. Cuộc tình duyên cứ thế nảy nở thuận lợi. Sau bao lần gặp gỡ khác, họ lại hẹn vào mồng ba tháng Ba sẽ gặp nhau trên một chiếc cầu vắng ở phía cửa Đông.
Nhưng không may cho cặp bạn tình, đêm ấy quan Kim Ngô giữ anh chàng lại ở dinh để thảo hộ cho ông một tờ trình rất dài mãi đến canh ba rồi canh tư mà vẫn chưa xong. Cô gái họ Trương lần đầu một mình ra khỏi nhà trong đêm tối. Nàng đã giấu cha giấu mẹ, giấu cả bọn con hầu đầy tớ, trừ có một mình Hồng Hạnh. Nhưng Hồng Hạnh phải ở nhà để đề phòng bất trắc. Một mình nàng lủi thủi đến cầu, chờ mãi không thấy tăm hơi người yêu đâu cả. Cầu vắng tanh. Nép sau bụi cây, nàng thấy mỗi lúc một sốt ruột: - "Chẳng lẽ chàng lại lừa dối ta". Nhưng trống lầu đã đổ canh hai mà vẫn biệt vô âm tín. -"Chàng tệ thật!" Đêm hôm khuya khoắt, lại thân gái một mình, nàng đành phải trở về không thể rốn đợi. Nhưng nàng đã hữu ý để lại một chiếc giày của mình ở chỗ hẹn, cũng là một cách báo cho chàng biết rằng mình có tới.
Mãi đến gần canh năm, Lý Quốc Hoa mới làm xong công việc khẩn cho bố. Vừa đặt bút xuống, chàng đã ba chân bốn cẳng chạy đến nơi hẹn đầu cầu. Nhưng ôi thôi, người ngọc đâu còn ở đó. Nhờ có chiếc giày của nàng để lại mùi thơm phảng phất, nên chàng không nghi ngờ gì nữa. Chàng đoán là nàng đã đợi mình sốt ruột, đã trách mình hết lời và chắc là từ nay nàng mất lòng tin cậy ở mình. -"Ôi! Bố ta đã báo hại ta, bây giờ thì nàng còn coi ta ra gì nữa". Chàng cảm thấy như có một sự đổ vỡ ghê gớm, không cứu vãn được. Cầm lấy chiếc giày, chàng âu yếm mãi và trong một lúc rầu lòng đến cực điểm, tự nhiên hồn lìa khỏi xác. Và chàng ngã vật xuống bên cầu bất tỉnh nhân sự.
Sáng dậy, người nhà quan tướng Kim Ngô không thấy Lý Quốc Hoa, đâm bổ đi tìm nháo nhác. Họ ra đến cầu thì thấy xác công tử với chiếc giày thơm còn ôm ở ngực. Cả nhà họ Lý xúm quanh khóc nức nở. Câu chuyện đưa lên quan. Bấy giờ coi việc kinh thành có quan thiếu sư họ Trần. Nhìn thấy chiếc giày trong tay xác người trẻ tuổi, ông đoán đây hẳn là một vụ án về tình duyên. Bèn sai người đem chiếc giày để đi tìm chủ nhân của nó. Không bao lâu đến nhà họ Trương, họ đã tìm ra cô gái. Nghe tin người yêu nằm chết bên cầu, cô gái họ Trương kinh ngạc và bội phần đau xót. Nàng không đợi viên sai nhân bắt mình ướm giày nữa mà cầm luôn chiếc còn lại, ra thú thực với thiếu sư, và xin quan cho mình được phép đến than khóc trước người bạc mệnh. Đến nơi, giữa đám người đông nghịt, nàng chen đại vào, gục đầu vào thây chàng than khóc rất thảm thiết.

Không ngờ "âm dương cảm cách", Lý Quốc Hoa như được truyền hơi thở, tự nhiên bừng tỉnh rồi vùng ngồi dậy y như sau một cơn mê. Nhà họ Lý khôn xiết mừng rỡ, lạy tạ quan thiếu sự họ Trần. Thiếu sư xoa tay vui vẻ nói:
- Đôi lứa xứng đôi đấy, còn đợi gì mà không cho họ kết hôn với nhau. Ta vì vụ này vô tình trở thành mụ mối cho hai nhà.
Cả hai gia đình vui vẻ nhận lời. Thế là sau một tiệc cưới mà tiếng đồn vang dậy kinh thành, chàng và nàng trở thành vợ chồng[4].

KHẢO DỊ

Truyện này đã có người dặt thành thơ thất ngôn cổ phong chữ Hán mà Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục xếp vào văn học đời Trần.
Có những đoạn miêu tả khá đẹp, như: (dịch)
Ai ngờ việc đời khó vừa ý,
Kim Ngô cầm chân chàng họ Lý.
Cô nàng đêm ấy một mình ra,
Nào tìm thấy đâu người yêu ta?
Khá thương, trên cầu trăng một vùng,
Sông chảy dưới cầu, nước lạnh lùng.
Thấy cảnh khôn khuây niềm tưởng nhớ,
Đau lòng chẳng nói, lệ tuôn dòng.
Chuông điểm canh đầu đồng hồ giọt,
Chờ lâu sai hẹn giận càng xót.
Bèn để chiếc giày tỏ tình sâu,
Khi chàng Lý đến hiểu lòng nhau.
Canh năm chàng Lý được ra đi,
Đi đến đầu cầu trời vẫn khuya.
Ngoài cột mùi thơm còn phảng phất,
Bốn bề không ai, lòng héo hắt.
Non Vu mây tỏa, vượn dứt hồn,
Giang nam xuân già, quốc máu tuôn.
Máu khô ruột đứt tình chửa hết,
Ôm giày ngủ mãi, sức mỏi mệt.
Hương hồn bay tới lầu họ Trương,
Tương tư bên cầu chàng đã chết.
Buổi ấy may gặp Trần thiếu sư,
Chuyện tình gái trai ông biết thừa.
Sai đem chiếc giày tìm tung tích,
Đến nhà họ Trương quả thấy vừa.
Thoạt đầu cô nàng chưa nói rõ,
Ngập ngừng câu được, câu nức nở.
Bỗng nhảy ôm khóc thây Lý lang-
- "Duyên đà chẳng hợp, xin cùng lỗ!"
Nhờ thế âm dương cảm cách nhau,
Giấc mơ biền biệt lại tỉnh mau.
Ná Sở không chiêu, hồn tự lại,
Cung Tần có hẹn, phượng càng gào.
Sống lại ngày nay nhờ ai hỡi,
Cùng lạy thiếu sư ơn đức xối.
Thiếu sư bỏ về cười mà rằng.
Ta vì các ngươi thành mụ mối...

 
Trung-quốc có quyển Chiếc giày để lại làm chứng mà các nhà sân khấu đã biên soạn thành vở tuồng vào đầu thế kỷ XIX, gần với truyện của ta:
Một cô gái mười tám tuổi coi một cửa hàng hương. Nàng yêu một học sinh tên Quốc Loa và được yêu lại. Một hôm nàng hẹn tình nhân đến một ngôi chùa. Anh đến quá sớm và nhân ngồi chờ, có làm mấy chén rượu hâm nóng của một quán hàng gần đấy. Uống xong nằm say như chết. Khi cô nàng đến, anh còn say lử, cô bèn đặt lên thân người yêu một chiếu giày thêu của mình bọc trong một khăn là, rồi bỏ về. Quốc Loa tỉnh dậy thấy chiếc giày thì hối hận vì đã lỡ hẹn với bạn tình. Chàng bèn nuốt luôn chiếc khăn, rồi bỗng nhiên nằm vật xuống.

Tiểu đồng của người học trò đi tìm chủ, đến chùa thì đã thấy chủ bất tỉnh nhân sự. Cho là sư chùa đã giết chủ mình, hắn vội cáo lên quan. Quan bắt sư tra khảo. Nhưng vì có chiếc giày thêu, người ta bổ đi tìm. Bắt được cô gái hàng hương đem về tra hỏi. Cô đến, thấy có tý góc khăn thò ra ở miệng anh chàng, bèn kéo mạnh. Khăn vừa lôi khỏi miệng thì anh chàng cũng tỉnh dậy như không việc gì.

Kết quả quan mắng cho chị ta một trận vì tội dùng chùa làm nơi hẹn hò dâm đãng, và buộc hai người lấy nhau. Họ không mong gì hơn thế[5].
Sách U minh lục (Trung-quốc) có quyển Cô mái bán phấn, cũng là dị bản của các truyện trên:
Một anh chàng con nhà giàu một hôm đi chợ, gặp một cô gái đẹp bán phấn làm trang sức. Ngày nào anh cũng đem tiền đến mua phấn để được ngắm cô nàng. Cô gái dần dần sinh nghi. - "Chàng mua phấn hàng tôi làm gì mà mua luôn vậy?", một lần cô hỏi thế. Anh đáp: - "Vì yêu cô". Từ đấy họ gắn bó với nhau. Một hôm, trong cuộc hẹn đầu, anh chàng quá sung sướng ngất đi. Thấy anh ngã xuống, cô gái sợ, bỏ về. Bố mẹ đi tìm con trai thấy con đã chết, vào buồng học thấy có nhiều gói phấn. - "Có lẽ vì phấn này mà con ta chết đây". Bèn đi tìm ở chợ thì thấy cô gái bán phấn có những gói giống như ở buồng con mình, bèn bắt giải quan. Cô gái thú là mình có yêu chàng và xin phép được khóc trước xác người yêu. Quan cho phép.

Thấy áo quan còn mở nắp, cô ôm lấy xác người yêu hôn hít Chàng trai tự nhiên sống lại. Hai người được phép lấy nhau. Họ đẻ nhiều con[6].
Một truyện Lửa tình cũng của Trung-quốc, cũng là một dị bản, tuy kết thúc có khác:

Công chúa nước Bắc Tề cùng một thiếu niên họ Trần hẹn gặp nhau tình tự ở một cảnh chùa nọ vào ngày Tết. Thiếu niên đến trước nằm đợi, rồi ngủ quên. Công chúa đến thấy người yêu ngủ say thì giận, nhưng hữu ý để lại một vòng ngọc trên người chàng, rồi bỏ về. Chàng họ Trần tỉnh dậy thấy vòng ngọc thì uất lên vì hối hận. Lửa trong tim chàng phát ra đốt cháy cơ thể lại thiêu luôn cả cảnh chùa[7].
Chú thích:
[1] Đoạn này theo Toan Ánh. Nếp cũ hội hè đình đám, quyển Hạ; và Văn hóa tập san, số 3 (1973).
[2] Vàm sông: tức cửa sông hoặc cửa biển, chỗ sông đổ ra biển.
[3] Theo Sơn Nam. Truyện xưa tích cũ, tập I.
Người dân chài ở vùng Côn-lôn cho rằng mỗi lần cá voi đi đâu thì ở phía trước có cặp cá đao rất lớn, kế đó là một cặp cá mực rất to, nhưng là để kiếm mồi cho cá voi. Cá đao phải dùng "gươm" của mình để lùa các loài cá nhỏ vào cái miệng khổng lồ của chủ tướng, còn cá mực thì phun chất mực đen trong nước biển khiến cho các loại cá nhỏ không thấy đường mà đi, phải chạy vào miệng chủ tướng. Khi miệng đã đầy cá, cá Ông bèn ngậm lại, ăn một cách ngon lành, lại còn xịt nước lên cao thành vòi để cảm ơn những kẻ tùy tòng đã giúp cho mình ngon miệng. Còn ở một số vùng khác thì cho rằng cá Ông đi đâu, tiền đội thường có cá mực dẫn đường, lại phun chất mực như để đánh dấu cho chủ tướng biết đường mà đi, còn hai bên sườn thì có cá đao đi hộ vệ.
[4] Theo bài Hương miết hành trong Toàn Việt thi lục.
[5] Theo Việt-nam cổ văn học sử, Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Hà-nội, 1942.
[6] Theo An-mơ-ra (Almeras). Người đàn bà yêu đương trong đời sống vở trong văn học (nghiên cứu tâm sinh lý học), Pa-ri.
[7] Theo Lưu Kính Thúc. Dị uyển.

Truyện Kho Tàng Truyện Cổ Tích Lời Dẫn CÙNG MỘT TÁC GIẢ Phần thứ nhất - I. BẢN CHẤT TRUYỆN CỔ TÍCH 6. PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT II - LAI LỊCH TRUYỆN CỔ TÍCH III. TRUYỆN CỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI PHẦN THỨ HAI - I. NGUỒN GỐC SỰ VẬT 2. SỰ TÍCH TRẦU, CAU VÀ VÔI 3. SỰ TÍCH TRÁI SẦU RIÊNG 4. SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ 5. SỰ TÍCH CHIM HÍT CÔ 6. SỰ TÍCH CHIM TU HÚ 7. SỰ TÍCH CHIM QUỐC 8. SỰ TÍCH CHIM NĂM-TRÂU-SÁU-CỘT VÀ CHIM BẮT-CÔ-TRÓI-CỘT 9. SỰ TÍCH CHIM ĐA ĐA 10. SỰ TÍCH CON NHÁI 11. SỰ TÍCH CON MUỖI 12. SỰ TÍCH CON KHỈ 13. SỰ TÍCH CÁ HE 14. SỰ TÍCH CON SAM 15. SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG 16. GỐC TÍCH BỘ LÔNG QUẠ VÀ BỘ LÔNG CÔNG 17. GỐC TÍCH TIẾNG KÊU CỦA VẠC, CỘC, DỦ DỈ, ĐA ĐA VÀ CHUỘT 18. GỐC TÍCH CÁI NỐT DƯỚI CỔ CON TRÂU 19. SỰ TÍCH CÁI CHÂN SAU CON CHÓ 20. SỰ TÍCH CÁI CHỔI 21. SỰ TÍCH ÔNG ĐẦU RAU 22. SỰ TÍCH ÔNG BÌNH VÔI 23. SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT 24. GỐC TÍCH BÁNH CHƯNG VÀ BÁNH DẦY 25. GỐC TÍCH RUỘNG THÁC ĐAO HAY LÀ TRUYỆN LÊ PHỤNG HIỂU II. SỰ TÍCH ĐẤT NƯỚC VIỆT
26. SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
27. SỰ TÍCH HỒ BA-BỂ 28. SỰ TÍCH ĐẦM NHẤT-DẠ VÀ BÃI TỰ-NHIÊN 29. SỰ TÍCH ĐẦM MỰC 30. SỰ TÍCH SÔNG NHÀ-BÈ HAY LÀ TRUYỆN THỦ HUỒN 31. TẠI SAO SÔNG TÔ-LỊCH VÀ SÔNG THIÊN-PHÙ HẸP LẠI? 32. SỰ TÍCH ĐÁ VỌNG PHU 33. SỰ TÍCH ĐÁ BÀ-RẦU 34. SỰ TÍCH THÀNH LỒI 35. SỰ TÍCH NÚI NGŨ-HÀNH III. SỰ TÍCH CÁC CÂU VÍ
36. THẠCH SÙNG CÒN THIẾU MẺ KHO HAY LÀ SỰ TÍCH CON MỐI
37. BÒ BÉO BÒ GẦY 38. NỮ HÀNH GIÀNH BẠC 39. LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON 40. BỤNG LÀM DẠ CHỊU HAY LÀ TRUYỆN THẦY HÍT NGUYỄN ĐỔNG CHI - TRÉSOR DES CONTES VIETNAMIENS TẬP II III. CÁC TÍCH CÁC CÂU VÍ
41. ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
42. CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA 43. NỢ TÌNH CHƯA TRẢ CHO AI, KHỐI TÌNH MANG XUỐNG TUYỀN ĐÀI CHƯA TAN 44. NỢ NHƯ CHÚA CHỔM 45. HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT 46. SINH CON RỒI MỚI SINH CHA SINH CHÁU GIỮ NHÀ RỒI MỚI SINH ÔNG 47. CON VỢ KHÔN LẤY THẰNG CHỒNG DẠI NHƯ BÔNG HOA LÀI CẮM BÃI CỨT TRÂU 48. CỨU VẬT VẬT TRẢ ÂN CỨU NHÂN NHÂN TRẢ OÁN 49. ĐỨA CON TRỜI ĐÁNH HAY LÀ TRUYỆN TIẾC GÀ CHÔN MẸ [50]. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG 51. CHA MẸ NUÔI CON BỂ HỒ LAI LÁNG CON NUÔI CHA MẸ KỂ THÁNG KỂ NGÀY 52. CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG 53. DÌ PHẢI THẰNG CHẾT TRÔI, TÔI PHẢI ĐÔI SẤU SÀNH 54. CÁI KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI 55. VẬN KHỨ HOÀI SƠN NĂNG TRÍ TỬ, THỜI LAI BẠCH THỦY KHẢ THÔI SINH 56. TRINH PHỤ HAI CHỒNG 57. KIỆN NGÀNH ĐA 58. TO ĐẦU MÀ DẠI, NHỎ DÁI MÀ KHÔN 59. NHÂN THAM TÀI NHI TỬ, ĐIỂU THAM THỰC NHI VONG 60. NÓI DỐI NHƯ CUỘI 61. CỦA TRỜI TRỜI LẠI LẤY ĐI GIƯƠNG ĐÔI MẮT ẾCH LÀM CHI ĐƯỢC TRỜI IV. THÔNG MINH TÀI TRÍ VÀ SỨC KHỎE
62. HAI ÔNG TƯỚNG ĐÁ RÃI
63. LÊ NHƯ HỔ 64. CHÀNG LÍA 65. ANH EM SINH NĂM 66. BỐN ANH TÀI 67. KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG HAY LÀ SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY 68. THẠCH SANH 69. ĐẠI VƯƠNG HAI HAY LÀ TRUYỆN GIẾT THUỒNG LUỒNG 70. ÔNG Ồ 71. ÂM DƯƠNG GIAO CHIẾN 72. YẾT KIÊU 73. LÝ ÔNG TRỌNG 74. BẢY GIAO, CHÍN QUỲ 75. NGƯỜI Ả ĐÀO VỚI GIẶC MINH 76. BỢM LẠI GẶP BỢM 77. QUẬN GIÓ 78. CON MỐI LÀM CHỨNG 79. BÙI CẦM HỔ 80. EM BÉ THÔNG MINH 81. TRẠNG HIỀN 82. THẦN GIỮ CỦA 83. KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ 84. CON MỤ LƯỜNG 85. CON SÁO VÀ PHÚ TRƯỞNG GIẢ 86. CON THỎ, 87. CON THỎ VÀ CON HỔ 88. MƯU CON THỎ 89. BỢM GIÀ MẮC BẪY 90. GÁI NGOAN DẠY CHỒNG 91. BÀ LỚN ĐƯỜI ƯƠI 92. CON CHÓ, 93. NGƯỜI HỌ LIÊU VÀ DIÊM VƯƠNG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM V. SỰ TÍCH ANH HÙNG NÔNG DÂN
94. CỐ GHÉP
95. ÔNG NAM CƯỜNG 96. CỐ BU 97. QUẬN HE 98. HẦU TẠO 99. LÊ LỢI 100. LÊ VĂN KHÔI 101. BA VÀNH 102. HAI NÀNG CÔNG CHÚA NHÀ TRẦN 103. VỢ BA CAI VÀNG 105. NGƯỜI THỢ MỘC NAM-HOA VI. TRUYỆN PHÂN XỬ
106. NGƯỜI ĐẦY TỚ VÀ NGƯỜI ĂN TRỘM
107. BA CHÀNG THIỆN NGHỆ 108. CHÀNG NGỐC ĐƯỢC KIỆN 109. NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ VU OAN 110. TRA TẤN HÒN ĐÁ 111. NGUYỄN KHOA ĐĂNG 112. SỢI BẤC TÌM RA THỦ PHẠM 113. PHÂN XỬ TÀI TÌNH 114. NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT TÍCH 115. TINH CON CHUỘT 116. HÀ Ô LÔI 117. MIẾNG TRẦU KỲ DIỆU 118. TÚ UYÊN 119. NỢ DUYÊN TRONG MỘNG 120. TỪ ĐẠO HẠNH HAY SỰ TÍCH THÁNH LÁNG 121. CHÀNG ĐỐN CỦI 122. NGƯỜI THỢ ĐÚC 123. SỰ TÍCH ĐÌNH LÀNG ĐA HÒA 124. CON CHIM KHÁCH MÀU NHIỆM 125. CÂY TRE TRĂM ĐỐT 126. NGƯỜI LẤY CÓC 127. CÂY THUỐC CẢI TỬ HOÀN SINH 128. LẤY CHỒNG DÊ 129. NGƯỜI LẤY ẾCH 130. SỰ TÍCH ĐỘNG TỪ THỨC 131. NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ BA CON QUỶ 132. HAI CÔ GÁI VÀ CỤC BƯỚU 133. NGƯỜI HÓA DẾ 134. THÁNH GIÓNG 135. AI MUA HÀNH TÔI 136. NGƯỜI DÂN NGHÈO KHO TÀNG Phần II - 138. NGƯỜI THỢ SĂN VÀ MỤ CHẰNG 139. QUAN TRIỀU VIII. TRUYỆN ĐỀN ƠN TRẢ OÁN _140. THỬ THẦN 141. CON CÓC LIẾM NƯỚC MƯA 142. THẦY CỨU TRÒ 143. HAI CON CÒ VÀ CON RÙA 144. CÔ GÁI LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 145. NGƯỜI DÌ GHẺ ÁC NGHIỆT 146. LÀM ƠN HÓA HẠI 147. HUYỀN QUANG 148. TIÊU DIỆT MÃNG XÀ 149. GIÁP HẢI 150. TAM VÀ TỨ 151. BÍNH VÀ ĐINH 152. HÀ RẦM HÀ RẠC 153. ÔNG GIÀ HỌ LÊ 154. TẤM CÁM 156. PHẠM NHĨ 157. CON MA BÁO THÙ 158. RẮN BÁO OÁN 159. RẠCH ĐÙI GIẤU NGỌC 160. NGƯỜI HỌC TRÒ 161. SỰ TÍCH ĐỀN CỜN 163. QUÂN TỬ 164. CƯỜNG BẠO ĐẠI VƯƠNG 165. MŨI DÀI 166. BỐN CÔ GÁI MUỐN LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 167. ÔNG DÀI ÔNG CỘC 168. SỰ TÍCH THÁP BÁO ÂN 170. VỤ KIỆN CHÂU CHẤU IX - TÌNH BẠN, TÌNH YÊU VÀ NGHĨA VỤ
171. BÀ CHÚA ONG
172. ANH CHÀNG HỌ ĐÀO 173. DUYÊN NỢ TÁI SINH 174. MỴ CHÂU - TRỌNG THỦY 175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM TẬP V
176. QUAN ÂM THỊ KÍNH
178. SỰ TÍCH BÃI ÔNG NAM 180. BÁN TÓC ĐÃI BẠN 181. TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI 182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU 183. BỐN NGƯỜI BẠN 184. NGƯỜI CƯỚI MA 185. VỢ CHÀNG TRƯƠNG 186. SỰ TÍCH KHĂN TANG 187. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM 188. CÁI VẾT ĐỎ TRÊN MÁ CÔNG NƯƠNG 189. CHÀNG NGỐC HỌC KHÔN 190. PHIÊU LƯU CỦA ANH CHÀNG NGỐC 191. THỊT GÀ THUỐC CHỒNG 192. HÒA THƯỢNG 193. HAI ANH EM 194. CHÀNG RỂ THONG MANH 195. LÀM CHO CÔNG CHÚA NÓI ĐƯỢC 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 198. THẦY LANG BẤT ĐẮC DĨ 199. "GIẬN MÀY TAO Ở VỚI AI" 200. CÁI CHẾT CỦA BỐN ÔNG SƯ 201. HAI BẢY MƯỜI BA PHẦN THỨ BA
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 2. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 3.TÍNH CÁCH PHÊ PHÁN HIỆN THỰC 4. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM V. THỬ TÌM NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT - NAM 3. THU HÚT TINH HOA KHO TRUYỆN CỦA CÁC DÂN TỘC ANH EM LỜI SAU SÁCH II. BÁO VÀ TẠP CHÍ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM NHÀ CỔ TÍCH HỌC NGUYỄN ĐỔNG CHI MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI BẢNG TRA CỨU TÊN TRUYỆN KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM