113. PHÂN XỬ TÀI TÌNH

Ngày xưa, có một ông quan huyện có tài xét xử. Trong dân gian có vụ nào rắc rối gay go nhất, ông đều có cách tìm ra manh mối và phân xử công bằng.
Một hôm, có hai người đàn bà dắt nhau đến công đường với một tấm vải. Trước mặt quan một người mếu máo thưa:
- Bẩm quan, sáng nay con mang một tấm vải đi chợ bán, bà này hỏi mua, con đưa ra cho bà ấy xem. Thế rồi tự dưng nó cướp không tấm vải bảo là của nó, nhất định không chịu trả lại cho con nữa. Thật là chuyện ngược đời! Xin quan đèn trời soi xét.
Quan nhìn người đàn bà thứ hai thì thấy bà này cũng rưng rưng nước mắt kể:
- Bẩm quan, chính nó mới là đồ ăn cắp. Tấm vải này là của con vừa dệt xong mang đi chợ. Con để nó trong cái thúng khảo thế mà vừa ngoảnh đi một lát nó dám thò tay vào lấy, chính con bắt được quả tang. Thế mà nó còn dám đặt điều để vu oan giá họa...
Quan ngắt lời hai người, mỗi bên phải cử ra một người ít nhất cũng đã chứng kiến vải của mình bị lấy mất. Nhưng cả hai đều không tìm ra được người làm chứng chỉ vì sự việc xảy ra ở một nơi vắng vẻ, lúc đó chưa có người qua lại. Quan lại gọi hai người lính lệ, bảo chúng đi về tận nhà mỗi bên thử xem có phải đúng vải của họ dệt ra như lời khai hay không. Nhưng khi hai người lính trở về thuật lại thì quan rất lấy làm ngạc nhiên, vì cả hai đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau và chính sáng sớm ngày xảy ra câu chuyện bên nào cũng mang một tấm vải đi chợ bán. Thật rắc rối làm sao! Quan cố nhìn vào thần sắc từng người để dò ý tứ. Nhưng quan chỉ thấy vẻ đau đớn vì mất của hiện trên nét mặt của cả hai người, không có gì khác hơn. Suy nghĩ một chốc, quan ôn tồn bảo họ:
- Cả hai mụ đều có lý do cả. Biết làm sao bây giờ. Thôi ta phân xử cho thế này: giờ đem cắt tấm vải ra làm đôi, chia cho mỗi người một nửa. Thế là ổn. Hãy đi về nhà mà làm ăn!
Nói xong, quan sai lính đo vải xé ngay giao cho mỗi người một nửa. Thấy thế, một người đàn bà bỗng ôm mặt khóc thút thít. Lập tức quan sai trả cả tấm cho người đàn bà ấy rồi thét lính trói người kia lại vì chỉ có chủ nhân thực sự của tấm vải mới đau xót bật ra tiếng khóc kia. Quả nhiên, sau một hồi tra khảo, người đàn bà kia đành cúi đầu nhận tội.
Một hôm khác, quan đi hành hạt qua một cái chợ. Bỗng nghe tiếng chửi rủa huyên náo, vội tiến lại xem có việc gì. Đến nơi, thấy một người đàn bà đang gân cổ lớn tiếng chửi kẻ bắt trộm con gà của mình. Hỏi người xung quanh thì họ cho biết là mụ ta chửi như thế đã được hai ngày, ai cũng lấy làm khó chịu. Quan vội sai người hầu bước tới dùng lời khuyên can:
- Này mụ kia, sao lắm lời thế?
- Của tôi, tôi xót - người đàn bà đáp - can gì đến chú.
Nói xong lại tiếp tục chửi. Quan bèn cho chức dịch đòi người đàn bà lại hỏi:
- Sao mụ ác khẩu thế! Một con gà phỏng có bao nhiêu mà mụ chửi rủa nặng lời?
Người đàn bà nói:
- Bẩm quan, con chăm chút bấy lâu mới được một ổ gà. Nay nó lấy mất cả gà lẫn trứng, không căm tức sao được! Quan hất hàm bảo bọn chức dịch:
- Ta ghét con mụ này ngoa ngoắt, độc mồm độc miệng làm cho xóm giềng điếc tai nhức óc đã hai ngày, không thể không trị tội được. Vậy cho đi rao trong xóm đòi tất cả mọi người lại đây. Cho mỗi người tát cho mụ một cái vào má, cho rõ đau để trả nợ việc mụ xúc phạm đến sự yên tĩnh của hàng xóm.
Lệnh quan ban ra, mọi người không thể không tuân theo. Mặc dầu ai cũng ghét mụ ngoa ngoắt, người ta vẫn thấy thương con người đã mất gà lại bị đánh, cho nên ai cũng sẽ tay và nhẹ mỗi người một cái vào má cho xong. Chỉ có tên trộm căm mụ đã gào đến tam đại nhà mình nên hắn cứ theo đúng lệnh quan, vả mụ một cái thật đau cho bõ tức.
Nhưng khi hắn vừa bước ra khỏi đám đông thì quan đã gọi giật lại, vạch đúng tội trạng và tâm lý của hắn. Hắn không thể chối cãi được, đành thú nhận.
Một hôm khác, quan đi qua một ngôi chùa lớn, ghé vào vãn cảnh. Sư cụ trong chùa thấy quan, liền ra đón tiếp kính cẩn, mời vào phương trượng ngồi uống trà. Sư than thở với quan rằng mình có giữ cho chùa một số tiền lớn không may bị kẻ trộm trộm mất cả. Nhưng sư không biết ngờ cho một ai. Lại cũng không muốn trình quan, sợ làm khổ lây đồ đệ. Nay sư có ý nhờ quan kín đáo xét hộ mình một tý.
Quan hỏi rõ sự tình vụ trộm trước sau rồi chỉ lên tượng phật bảo với sư cụ:
- Đức Phật ngài thiêng lắm, sao hòa thượng không cầu người tìm giúp, chả hơn nhờ tôi ư? Đức Phật có phép làm cho kẻ gian cầm hạt thóc nảy mầm. Nếu hòa thượng muốn, tôi sẽ xin vì nhà chùa thử một phen.
Nói rồi bảo sư cụ biện lễ cúng Phật. Trong khi hòa thượng làm lễ, quan cho gọi tất cả sư vãi và những kẻ ăn người ở trong chùa ra để chay đàn. Quan bảo mỗi người một tay cầm cành phan và tay kia cầm một nắm thóc, đã ngấm nước, rồi nói:
- Sư cụ có cho biết chùa ta trước đây có mất một số tiền mà không biết rõ ai là người lấy trộm. Ta chắc chỉ có người trong chùa lấy mà thôi. Ta nghe đức Phật ngài rất thiêng. Bây giờ, mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước rồi vừa chạy vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc trong tay nảy mầm. Như vậy gian ngay tỏ rõ, khỏi phải tra khảo phiền phức.
Cả đoàn người mới chạy được vài vòng thì quan đã thấy có một chú tiểu thỉnh thoảng lại hé tay cầm thóc ra xem. Liền đấy, quan sai mọi người dừng lại, bắt lấy chú tiểu, vì chỉ kẻ có tật mới giật mình, nên thỉnh thoảng lại nhìn trộm như thế.
Chú tiểu thấy vạch đúng lý, nhận tội[1].
 

KHẢO DỊ

 
Một số sử sách chép những truyện trên cho là của Nguyễn Mại thời Lê và cho ông là viên quan xử kiện tài tình.
Trong chuyện này, tình tiết hai người đàn bà kiện giành nhau tấm vải gần giống với một số truyện cổ tích Đông Tây.
Ở phương Tây phổ biến nhất là truyện Vua Xa-lô-mông xử kiện:
Có hai người đàn bà mang hai đứa trẻ: một sống một chết, đến nhờ vua Xa-lô-mông phân xử; người này đổ cho người kia là mẹ của đứa con đã chết, tranh đứa con sống là con của mình. Vua cất tiếng truyền cho lính chặt đôi đứa trẻ còn sống chia cho mỗi người một nửa. Tức thời, một trong hai người đàn bà bỗng bật tiếng khóc. Thấy thế, vua xử cho người ấy đúng là mẹ của đứa trẻ còn sống, sai trả con lại và phạt tội người kia.
Người Khơ-me (Khmer) có hai truyện:
Truyện thứ nhất tương tự truyện Vua Xa-lô-mông xử kiện, nhưng kết cục có khác. Một người đàn bà bế con đi tắm ở sông về. Dọc đường, gặp một bà khác mang xác một đứa trẻ cùng trạc tuổi với con mình. Bà kia nói: "Con bà giống con tôi quá. Bà làm ơn cho tôi ôm hôn cháu một tý". Thế rồi sau khi được bế, bà ta nhất định không chịu trả nữa. Việc đưa lên vua. Vua sai đặt đứa bé sống nằm ngửa ở giữa, hai bà ngồi hai bên, rồi ra lệnh cho ai giật được thì đứa bé về người ấy. Hai bà vội vàng giành nhau, cố cướp cho được đứa bé. Nhưng trong đó có một bà giằng xé dữ dội, không kể da thịt non nớt của nó. Trái lại, bà kia thì gượng nhẹ hơn. Vua đủ chứng cớ để thấy rõ ai là mẹ thật của đứa bé sống.
Thứ hai là truyện phân xử một chiếc ô: một người đi đường tay cầm một cái ô che nắng. Đi được một quãng, gặp một người thứ hai đi không, hắn cho che chung ô. Được một chốc, người kia xin cầm lấy ô. Đến chỗ rẽ, chủ ô đòi lại, thì người kia làm bộ ngạc nhiên nói ô này là của mình. Việc đưa lên quan, quan không xử được. Đưa lên vua, vua sai chẻ đôi chiếc ô cho mỗi người một nửa. Sau đó vua bí mật sai hai người hầu lén theo mỗi người về nhà để nghe ngóng. Người hầu thứ nhất đi về kẻ lại rằng: "Lúc đến nhà, vợ hắn chạy ra hỏi: - Sao chỉ còn có một nửa ô thôi? Hắn khóc lóc kể lại chuyện bị cướp ô cho vợ nghe". Còn người hầu thứ hai về, kể: "Khi về đến nhà vợ hắn hỏi: - Kìa sao lại nhặt được nửa cái ô ở đâu về thế? Hắn đáp: - Tao chơi cho họ một vố và tao đã thắng được nửa cái ô..."
Vua lập tức cho đòi hai người kia đến, kể tội, và bắt người thứ hai phải đền cho người thứ nhất cái ô mới[2].
Trong Bao Công kỳ án cũng có truyện Cướp ô giống với truyện Khơ-me, nhưng kết cục phân xử có những nét độc đáo:
Sau khi Bao Công hỏi dấu vết chiếc ô, cả hai người tranh giành ô đều nói, vì ô là vật nhỏ mọn nên không có dấu vết. Bao Công cũng sai chẻ đôi chiếc ô cho mỗi người một nửa, rồi cũng cho sai nha đi theo để dò la. Sai nha về báo lại: một người ra khỏi công đường chửi quan là hồ đồ. Bao Công sai gọi cả hai trở lại, kết cả hai vào tội chửi quan. Một người đáp: - "Con đâu dám, chính nó chửi đại nhân, có dân phố chứng kiến". Bao Công cho người đi điều tra, quả đúng như lời hắn nói. Lập tức ông can vặn hắn như sau: - "Trong hai người, thế tất có một người oan nên oán trách ta, điều đó ta tha thứ. Còn mày là đứa che nhờ ô của nó rồi cướp giật, nay được nửa chiếc ô nên không oán thán gì". Tên kia cứng họng. Bao Công bắt hắn đền gấp đôi giá trị chiếc ô, và sai đánh bốn chục gậy vào mông.
Về tình tiết tát vào má người bị mất trộm, một truyện Mẹ chồng đổ tội cho nàng dâu có lẽ gốc từ Trung-quốc, cũng có đề tài tương tự, tuy kết cấu có khác.
Ở Thái-nguyên, có mẹ chồng và nàng dâu ở cùng một nhà, cả hai đều góa chồng. Trong khi nàng dâu giữ tiết, thì mẹ chồng lại lén lút đi lại với một người làng. Nàng dâu biết, tìm cách ngăn ngừa, bị mẹ chồng ghét, muốn đuổi khỏi nhà. Bèn lên quan vu cáo rằng nàng dâu đón trai về nhà. Quan hỏi tên, mẹ chồng bảo phải tra tấn mới biết được. Hỏi nàng dâu, nàng dâu chỉ đích danh người tình của mẹ chồng. Hỏi người này thì anh ta chối, nói vì mẹ chồng nàng dâu không ưa nhau nên kiếm điều nói xấu cho nhau. Đến khi bị tra tấn, anh ta lại khai rằng mình đi lại với nàng dâu. Quan sai gông nàng dâu lại, nàng dâu kêu oan và kiện lên tỉnh. Lâu rồi vụ án còn treo lại đó.
Hồi ấy có ông tiến sĩ họ Tôn làm tri huyện huyện Lâm Tấn. Quan tỉnh giao vụ kiện cho quan huyện bảo phân xử. Đến lỵ sở, quan lấy khẩu cung rồi sai người đi kiếm gạch đá, dao phay để sẵn chỗ tra tấn. Hôm sau đòi nguyên cáo bị cáo đến đối chất sơ qua, rồi quan phán bảo: - "Không cần tra khảo cũng biết được ai gian. Mẹ con nhà này vốn nhà tiết hạnh, chẳng qua mắc mưu tên này mới sinh chuyện. Nay ta cho phép mẹ con được trả thù đứa gian nhân, có gạch đá và dao đây, mẹ con muốn ném, muốn đâm, muốn chém như thế nào mặc ý, có ta đây chịu, đừng có lo gì cả!". Cả hai người đến chỗ đống gạch đá. Trong khi nàng dâu vì căm thù chứa chất nên lấy những hòn đá lớn mà ném, thì mẹ chồng lại nhặt những hòn đá nhỏ quăng nhẹ vào chân. Quan bảo mụ cầm dao mà đâm, tội vạ mình chịu, thì mụ từ chối.
Quan có đủ chứng cớ để kết thúc vụ án[3].
Người It-xra-en (Israel) có truyện Ba anh em và thây người bố:
Một người bố chết đi, để lại một con đẻ và hai con nuôi, trước khi chết trối trăng lại gia tài cho con đẻ. Vì không một ai nhận ra người nào là con đẻ, người nào là con nuôi, cho nên ba anh em tranh nhau đòi kiện lên quan, ai cũng tự cho mình là con đẻ. Quan cho treo thây người bố lên và giao cho mỗi người một mũi tên, bảo ai bắn đúng chỗ phạm nhất thì được. Người thứ nhất bắn vào giữa trán, người thứ hai bắn vào giữa tim, chỉ có người thứ ba khóc, không bắn. Quan có lý do để nhận ra người nào là con đẻ[4].
Về tình tiết xem hạt thóc nảy mầm, cổ tích thế giới cũng có những dị bản tương tự:
1. Vua Xa-lô-mông và kẻ trộm ngỗng. Một người đến thưa với vua Xa-lô-mông rằng y bị kẻ trộm bắt mất ngỗng, y đoán kẻ đó cũng chỉ là chỗ xóm giềng.
Vua cho gọi những người láng giềng của hắn đến thánh đường cầu nguyện. Giữa buổi lễ, vua nói: - "Một trong bọn chúng mày có đứa đã bắt trộm ngỗng, vì nay vào đây ta thấy còn có cái lông ngỗng trên đầu". Tự dưng có một người sờ tay lên đầu, vua nói to: "Bắt tên kia, chính nó ăn trộm ngỗng".
Tên trộm nhận tội.
2. Truyện Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie): Một vụ trộm xảy ra ở một cửa hàng nọ, tên trộm chui qua lỗ tường còn có dấu vết. Vua Ít-ma-in hội dân làng lại bảo: - "Ta đến cầu ở lỗ tường, tên trộm không thể thoát". Sau buổi cầu, vua nói: - "Rất đơn giản, cái lỗ tường vừa nói với ta tên trộm có bụi ở khăn trùm đầu". Một người đứng trong góc bèn phủi bụi ở khăn. Vua chỉ mặt: - "Chính là nó!".
3. Truyện Ba-tư (Iran): Có một tên kẻ trộm lấy trộm bông trong một cửa hàng nọ và nó tự vạch tội bằng cách vuốt râu khi quan trấn thủ nói: - "Có bông dính ở râu tên trộm"[5].

[1]. Theo Thực nghiệp dân báo (1929)
[2]. Theo BSEI, đã dẫn. Truyện này có người kể hơi khác: Một người có ô, nhân khát nước đặt ô trên bờ, xuống hồ uống. Trong khi đó có một người khác trộm lấy chiếc ô. Mất ô, người kia chạy đi tìm. Tìm thấy, hai bên tranh nhau, ai cũng nhận là ô của mình. Việc đưa đến Bồ-tát. Bồ-tát cũng xử như trên và sai hai người thơ lại đi theo về tận nhà, ghi lấy những điều nghe thấy. Người mất ô về đến nhà thì đứa con hỏi: - “Bố ơi, sao chỉ còn có nửa chiếc ô?”. Còn người thứ hai về đến nhà thì đứa con hỏi: - “Bố ơi, nửa chếc ô ở đâu ra thế?”. Bồ-tát đủ chứng cớ để bắt người sau đền ô cho người trước (Theo Truyện dân gian Căm-pu-chia, đã dẫn).
[3]. Theo Pô-luýt Của (Paulus Của). Tiếp theo chuyện giải buồn.
[4]. Theo Đinh Tú. Cô gái đẹp lấy chồng rắn.
[5]. Đều theo Bát-xxe (Basset). Nghìn lẻ một truyện cổ tích, truyện kể và truyền thuyết Ả-rập, quyển III.

Truyện Kho Tàng Truyện Cổ Tích Lời Dẫn CÙNG MỘT TÁC GIẢ Phần thứ nhất - I. BẢN CHẤT TRUYỆN CỔ TÍCH 6. PHÂN BIỆT TRUYỆN CỔ TÍCH VỚI LỊCH SỬ VÀ VỚI TIỂU THUYẾT II - LAI LỊCH TRUYỆN CỔ TÍCH III. TRUYỆN CỔ VIỆT NAM QUA CÁC THỜI ĐẠI PHẦN THỨ HAI - I. NGUỒN GỐC SỰ VẬT 2. SỰ TÍCH TRẦU, CAU VÀ VÔI 3. SỰ TÍCH TRÁI SẦU RIÊNG 4. SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ 5. SỰ TÍCH CHIM HÍT CÔ 6. SỰ TÍCH CHIM TU HÚ 7. SỰ TÍCH CHIM QUỐC 8. SỰ TÍCH CHIM NĂM-TRÂU-SÁU-CỘT VÀ CHIM BẮT-CÔ-TRÓI-CỘT 9. SỰ TÍCH CHIM ĐA ĐA 10. SỰ TÍCH CON NHÁI 11. SỰ TÍCH CON MUỖI 12. SỰ TÍCH CON KHỈ 13. SỰ TÍCH CÁ HE 14. SỰ TÍCH CON SAM 15. SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG 16. GỐC TÍCH BỘ LÔNG QUẠ VÀ BỘ LÔNG CÔNG 17. GỐC TÍCH TIẾNG KÊU CỦA VẠC, CỘC, DỦ DỈ, ĐA ĐA VÀ CHUỘT 18. GỐC TÍCH CÁI NỐT DƯỚI CỔ CON TRÂU 19. SỰ TÍCH CÁI CHÂN SAU CON CHÓ 20. SỰ TÍCH CÁI CHỔI 21. SỰ TÍCH ÔNG ĐẦU RAU 22. SỰ TÍCH ÔNG BÌNH VÔI 23. SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT 24. GỐC TÍCH BÁNH CHƯNG VÀ BÁNH DẦY 25. GỐC TÍCH RUỘNG THÁC ĐAO HAY LÀ TRUYỆN LÊ PHỤNG HIỂU II. SỰ TÍCH ĐẤT NƯỚC VIỆT
26. SỰ TÍCH HỒ GƯƠM
27. SỰ TÍCH HỒ BA-BỂ 28. SỰ TÍCH ĐẦM NHẤT-DẠ VÀ BÃI TỰ-NHIÊN 29. SỰ TÍCH ĐẦM MỰC 30. SỰ TÍCH SÔNG NHÀ-BÈ HAY LÀ TRUYỆN THỦ HUỒN 31. TẠI SAO SÔNG TÔ-LỊCH VÀ SÔNG THIÊN-PHÙ HẸP LẠI? 32. SỰ TÍCH ĐÁ VỌNG PHU 33. SỰ TÍCH ĐÁ BÀ-RẦU 34. SỰ TÍCH THÀNH LỒI 35. SỰ TÍCH NÚI NGŨ-HÀNH III. SỰ TÍCH CÁC CÂU VÍ
36. THẠCH SÙNG CÒN THIẾU MẺ KHO HAY LÀ SỰ TÍCH CON MỐI
37. BÒ BÉO BÒ GẦY 38. NỮ HÀNH GIÀNH BẠC 39. LẨY BẨY NHƯ CAO BIỀN DẬY NON 40. BỤNG LÀM DẠ CHỊU HAY LÀ TRUYỆN THẦY HÍT NGUYỄN ĐỔNG CHI - TRÉSOR DES CONTES VIETNAMIENS TẬP II III. CÁC TÍCH CÁC CÂU VÍ
41. ĐỒNG TIỀN VẠN LỊCH
42. CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA 43. NỢ TÌNH CHƯA TRẢ CHO AI, KHỐI TÌNH MANG XUỐNG TUYỀN ĐÀI CHƯA TAN 44. NỢ NHƯ CHÚA CHỔM 45. HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT 46. SINH CON RỒI MỚI SINH CHA SINH CHÁU GIỮ NHÀ RỒI MỚI SINH ÔNG 47. CON VỢ KHÔN LẤY THẰNG CHỒNG DẠI NHƯ BÔNG HOA LÀI CẮM BÃI CỨT TRÂU 48. CỨU VẬT VẬT TRẢ ÂN CỨU NHÂN NHÂN TRẢ OÁN 49. ĐỨA CON TRỜI ĐÁNH HAY LÀ TRUYỆN TIẾC GÀ CHÔN MẸ [50]. GIẾT CHÓ KHUYÊN CHỒNG 51. CHA MẸ NUÔI CON BỂ HỒ LAI LÁNG CON NUÔI CHA MẸ KỂ THÁNG KỂ NGÀY 52. CHƯA ĐỖ ÔNG NGHÈ ĐÃ ĐE HÀNG TỔNG 53. DÌ PHẢI THẰNG CHẾT TRÔI, TÔI PHẢI ĐÔI SẤU SÀNH 54. CÁI KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI 55. VẬN KHỨ HOÀI SƠN NĂNG TRÍ TỬ, THỜI LAI BẠCH THỦY KHẢ THÔI SINH 56. TRINH PHỤ HAI CHỒNG 57. KIỆN NGÀNH ĐA 58. TO ĐẦU MÀ DẠI, NHỎ DÁI MÀ KHÔN 59. NHÂN THAM TÀI NHI TỬ, ĐIỂU THAM THỰC NHI VONG 60. NÓI DỐI NHƯ CUỘI 61. CỦA TRỜI TRỜI LẠI LẤY ĐI GIƯƠNG ĐÔI MẮT ẾCH LÀM CHI ĐƯỢC TRỜI IV. THÔNG MINH TÀI TRÍ VÀ SỨC KHỎE
62. HAI ÔNG TƯỚNG ĐÁ RÃI
63. LÊ NHƯ HỔ 64. CHÀNG LÍA 65. ANH EM SINH NĂM 66. BỐN ANH TÀI 67. KHỔNG LỒ ĐÚC CHUÔNG HAY LÀ SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY 68. THẠCH SANH 69. ĐẠI VƯƠNG HAI HAY LÀ TRUYỆN GIẾT THUỒNG LUỒNG 70. ÔNG Ồ 71. ÂM DƯƠNG GIAO CHIẾN 72. YẾT KIÊU 73. LÝ ÔNG TRỌNG 74. BẢY GIAO, CHÍN QUỲ 75. NGƯỜI Ả ĐÀO VỚI GIẶC MINH 76. BỢM LẠI GẶP BỢM 77. QUẬN GIÓ 78. CON MỐI LÀM CHỨNG 79. BÙI CẦM HỔ 80. EM BÉ THÔNG MINH 81. TRẠNG HIỀN 82. THẦN GIỮ CỦA 83. KẺ TRỘM DẠY HỌC TRÒ 84. CON MỤ LƯỜNG 85. CON SÁO VÀ PHÚ TRƯỞNG GIẢ 86. CON THỎ, 87. CON THỎ VÀ CON HỔ 88. MƯU CON THỎ 89. BỢM GIÀ MẮC BẪY 90. GÁI NGOAN DẠY CHỒNG 91. BÀ LỚN ĐƯỜI ƯƠI 92. CON CHÓ, 93. NGƯỜI HỌ LIÊU VÀ DIÊM VƯƠNG KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM V. SỰ TÍCH ANH HÙNG NÔNG DÂN
94. CỐ GHÉP
95. ÔNG NAM CƯỜNG 96. CỐ BU 97. QUẬN HE 98. HẦU TẠO 99. LÊ LỢI 100. LÊ VĂN KHÔI 101. BA VÀNH 102. HAI NÀNG CÔNG CHÚA NHÀ TRẦN 103. VỢ BA CAI VÀNG 105. NGƯỜI THỢ MỘC NAM-HOA VI. TRUYỆN PHÂN XỬ
106. NGƯỜI ĐẦY TỚ VÀ NGƯỜI ĂN TRỘM
107. BA CHÀNG THIỆN NGHỆ 108. CHÀNG NGỐC ĐƯỢC KIỆN 109. NGƯỜI ĐÀN BÀ BỊ VU OAN 110. TRA TẤN HÒN ĐÁ 111. NGUYỄN KHOA ĐĂNG 112. SỢI BẤC TÌM RA THỦ PHẠM 113. PHÂN XỬ TÀI TÌNH 114. NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT TÍCH 115. TINH CON CHUỘT 116. HÀ Ô LÔI 117. MIẾNG TRẦU KỲ DIỆU 118. TÚ UYÊN 119. NỢ DUYÊN TRONG MỘNG 120. TỪ ĐẠO HẠNH HAY SỰ TÍCH THÁNH LÁNG 121. CHÀNG ĐỐN CỦI 122. NGƯỜI THỢ ĐÚC 123. SỰ TÍCH ĐÌNH LÀNG ĐA HÒA 124. CON CHIM KHÁCH MÀU NHIỆM 125. CÂY TRE TRĂM ĐỐT 126. NGƯỜI LẤY CÓC 127. CÂY THUỐC CẢI TỬ HOÀN SINH 128. LẤY CHỒNG DÊ 129. NGƯỜI LẤY ẾCH 130. SỰ TÍCH ĐỘNG TỪ THỨC 131. NGƯỜI HỌC TRÒ VÀ BA CON QUỶ 132. HAI CÔ GÁI VÀ CỤC BƯỚU 133. NGƯỜI HÓA DẾ 134. THÁNH GIÓNG 135. AI MUA HÀNH TÔI 136. NGƯỜI DÂN NGHÈO KHO TÀNG Phần II - 138. NGƯỜI THỢ SĂN VÀ MỤ CHẰNG 139. QUAN TRIỀU VIII. TRUYỆN ĐỀN ƠN TRẢ OÁN _140. THỬ THẦN 141. CON CÓC LIẾM NƯỚC MƯA 142. THẦY CỨU TRÒ 143. HAI CON CÒ VÀ CON RÙA 144. CÔ GÁI LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 145. NGƯỜI DÌ GHẺ ÁC NGHIỆT 146. LÀM ƠN HÓA HẠI 147. HUYỀN QUANG 148. TIÊU DIỆT MÃNG XÀ 149. GIÁP HẢI 150. TAM VÀ TỨ 151. BÍNH VÀ ĐINH 152. HÀ RẦM HÀ RẠC 153. ÔNG GIÀ HỌ LÊ 154. TẤM CÁM 156. PHẠM NHĨ 157. CON MA BÁO THÙ 158. RẮN BÁO OÁN 159. RẠCH ĐÙI GIẤU NGỌC 160. NGƯỜI HỌC TRÒ 161. SỰ TÍCH ĐỀN CỜN 163. QUÂN TỬ 164. CƯỜNG BẠO ĐẠI VƯƠNG 165. MŨI DÀI 166. BỐN CÔ GÁI MUỐN LẤY CHỒNG HOÀNG TỬ 167. ÔNG DÀI ÔNG CỘC 168. SỰ TÍCH THÁP BÁO ÂN 170. VỤ KIỆN CHÂU CHẤU IX - TÌNH BẠN, TÌNH YÊU VÀ NGHĨA VỤ
171. BÀ CHÚA ONG
172. ANH CHÀNG HỌ ĐÀO 173. DUYÊN NỢ TÁI SINH 174. MỴ CHÂU - TRỌNG THỦY 175. CÔ GÁI CON THẦN NƯỚC MÊ CHÀNG ĐÁNH CÁ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM TẬP V
176. QUAN ÂM THỊ KÍNH
178. SỰ TÍCH BÃI ÔNG NAM 180. BÁN TÓC ĐÃI BẠN 181. TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI 182. Ả CHỨC CHÀNG NGƯU 183. BỐN NGƯỜI BẠN 184. NGƯỜI CƯỚI MA 185. VỢ CHÀNG TRƯƠNG 186. SỰ TÍCH KHĂN TANG 187. NGẬM NGẢI TÌM TRẦM 188. CÁI VẾT ĐỎ TRÊN MÁ CÔNG NƯƠNG 189. CHÀNG NGỐC HỌC KHÔN 190. PHIÊU LƯU CỦA ANH CHÀNG NGỐC 191. THỊT GÀ THUỐC CHỒNG 192. HÒA THƯỢNG 193. HAI ANH EM 194. CHÀNG RỂ THONG MANH 195. LÀM CHO CÔNG CHÚA NÓI ĐƯỢC 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 196. RỦ NHAU ĐI KIẾM MẬT ONG 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 197. CÔ GÁI LỪA THÀY SÃI, 198. THẦY LANG BẤT ĐẮC DĨ 199. "GIẬN MÀY TAO Ở VỚI AI" 200. CÁI CHẾT CỦA BỐN ÔNG SƯ 201. HAI BẢY MƯỜI BA PHẦN THỨ BA
NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
IV. ĐẶC ĐIỂM CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 2. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM 3.TÍNH CÁCH PHÊ PHÁN HIỆN THỰC 4. TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM V. THỬ TÌM NGUỒN GỐC TRUYỆN CỐ TÍCH VIỆT - NAM 3. THU HÚT TINH HOA KHO TRUYỆN CỦA CÁC DÂN TỘC ANH EM LỜI SAU SÁCH II. BÁO VÀ TẠP CHÍ KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM NHÀ CỔ TÍCH HỌC NGUYỄN ĐỔNG CHI MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI BẢNG TRA CỨU TÊN TRUYỆN KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM