- 2 -

6- Quá khứ của Trịnh Khả/ Quán nước. Ngày.
Một quán ven đường huyện Kiến An.
Tấm biển sơn dòng chữ: “Bán buôn thuốc lào Kiến An”.
Chủ quán là một người đàn bà phốp pháp.
Mụ đang gói từng chồng bánh thuốc lào.
Vài khách hàng đang trả tiền, cân thuốc.
Một gã đàn ông to vật vã, cợt nhả:
- Bà chủ, ông xã thầy đồ đâu rồi, đi cất thuốc hả?
Mụ béo nổi đóa:
- Biến suốt nửa tháng nay, cầm bao nhiêu tiền hàng. Xã xiếc gì, đận này về… 
Gã kia cười khành khạch:
- Thôi cho tầu suốt đi, cùng cánh thuốc lào ta cưu nhau lại chả chán vạn lần hơn ư?
- Nỡm ạ, đang nẫu hết cả lòng ruột.
Gã kia chưa tha:
- Nhỡ hắn biến về quê thì sao. Tớ bảo thật đấy. Hắn vợ con đùm đề. Hề, hề… 
Mụ béo mặt đuỗi ra. Chợt mụ phắt lên:
- Phải rồi, sao mà tôi ngu thế không biết. Lão bám vào cái váy già này để bòn rút. Trời ơi là trời. Được, đây sẽ đến tận trường làm ra nhẽ. 
 
7- Quá khứ của Trịnh Khả/ Phòng tổ chức trường. Ngày.
Phòng tổ chức trường. Trưởng phòng tổ chức:
- Anh Khả còn ý kiến gì không?
Khả vuốt tóc, buồn rầu:
- Không! Sau vụ xô xát vừa rồi, tôi thấy không thể tiếp tục giảng dạy đươc nữa. Tôi xin nghỉ.
- Chúng tôi thông cảm với anh. Anh nghĩ thế là phải. Tuy chưa đủ tuổi hưu nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn chấp nhận giải quyết chế độ cho anh. 
 
8- Nhà Trịnh Khả. Chiều.
Cảnh quá khứ lút dần trong mắt Khả. Nhưng là Khả đang ở nhà mình. Bữa cơm chiều đông đủ cả nhà. Khả lùa vội vàng bát cơm. Chiêu ngụm canh, súc òng ọc rồi đứng dậy.
Liên ái ngại:
- Thầy nó ăn ít thế.
- Tôi mệt, không nuốt được.
Tiếng Liên chuyển sang ca cẩm:
- Khổ, tùng tiệm thế mà đã yên đâu. Cứ đà này, tôi sợ đến tương cà cũng không có.
Khả cằm bạnh ra:
- Không ngờ nhà mình lại sa sút đến vậy. Dân làng mình có kém thiên hạ thật nhưng đâu đến nỗi. Tôi định sẽ mở lò gạch. Nhà toàn người sức dài, vai rộng không nhẽ lại thua hàng xóm.
Liên giãy nảy:
- Thôi, tôi xin thầy nó. Từ ngày thầy nó về hết ấp trứng lại gột vịt, bao nhiêu vốn liếng tích cóp đều nước lã ra sông hết. Cái số thầy nó không cưỡng lại được đâu. Làm gạch nhiều vốn lắm, tôi chịu. Cố đấm ăn xôi không khéo lại dắt díu ăn mày cả lũ.
Khả trợn mắt:
- Mụ im đi. Biết cái gì mà số với má. Khả này đã quyết là làm. Thẳng Khảm đâu.
Khảm vớ cái bình tích tu một ngụm rõ dài, không nói, lừ lừ kéo ghế ngồi đối diện với Khả. Khả lắc lắc đầu:
- Con với cái, mồm lúc nào cũng như thóc điếc. Từ mai mày đi làm gạch với tao. Trúng vài lò ắt có bình bịch cưỡi con ạ.
Khảm thản nhiên đi khỏi nhà, buông lại cộc lốc:
- Thiết gì.
Khả châm thuốc hút, dằn từng tiếng:
- Con cái hỏng hết. Con Lụa đâu, xem có thằng nào rước, biến quách đi cho rồi.
Lụa không nói gì, bê mâm bát xuống bếp. Có tiếng chó sủa.
Vợ Khả suỵt chó.
Cô giáo Vân đon đả:
- Bác Khả có nhà không nhỉ?
- Tôi đây, chào cô giáo Vân.
Khả rót nước đưa cho Vân:
- Cô lại chơi. Có việc gì mà rồng phải đến nhà tôm thế này?
- Chết, bác quá lời. Em với bác là chỗ họ hàng. Vả lại, bác là người danh giá của họ Trịnh. Chả là hôm nọ ông Nhút bí thư xã đến thăm trường có gợi ý muốn nhờ bác giúp đỡ chúng em ít giờ ngoại khóa để học sinh được mở mang thêm.
Khả cười khẩy:
- Tôi dạy làm sao được học sinh của cô.
- Vẫn biết, bác dạy đại học nên chỉ dám phiền bác in ít thôi. Gọi là kèm cặp thêm cho các em vài tiết.
- Cảm ơn cô và ông bí thư xã. Vốn liếng của tôi bây giờ không phải là chữ nghĩa nữa mà là gạch. Cô hiểu không, tôi bây giờ là thợ đốt lò gạch.
Cô giáo Vân năn nỉ:
- Bác Khả ạ, trong đám học sinh, con cháu họ Trịnh nhà mình nhiều lắm.
Khả đứng dậy, cười toanh toách:
- Học nhiều cũng đến như tôi là cùng. Cô Vân lấy chồng đi. Cô cưới tôi sẽ đến mừng. Còn dạy thêm, thư thư đã nhé, cứ bảo ông bí thư thế. Khả này còn lo vực kinh tế gia đình đã. Cá nhân có mạnh, cộng đồng mới tươm. Thế nhé!
 
9- Cánh đồng- Ngày.
Giữa cánh đồng. Khu lò gạch ngổn ngang.
Gạch mộc rải đầy sân. Gạch đã đốt xếp thành kiêu.
Chiếc xe trâu đỗ trên con đường mương thủy lợi.
Người đánh xe bé choắt:
- Gạch này thì tôi vái. Bở bùng bục, có xây chuồng lợn cũng không xong.
Đoạn gã đánh xe đi. Thằng Khảm mắt gườm gườm cũng nhảy phắt lên xe.
Còn mình Khả chán nản:
- Sạch bách, cả vốn lẫn lãi. Mẹ kiếp.
Đúng lúc ấy Khê là em rể Khả, chủ nhiệm hợp tác xã làng Nhô đến. Khê đon đả:
- Chà, công việc đến đâu bác Khả? Phải công nhận chủ trương khoán của chính phủ hết ý thật. Đúng là nông dân làm chủ ruộng đất, muốn mần gì cũng được hết, bác Khả nhỉ?
Khả mát mẻ:
- Chú giễu cợt tôi phải không?
- Ấy chết, không dám, bỗng dưng sao bác lại nổi đóa lên thế?
- Chú biết tôi bại hẳn vố gạch này, chú hể hả lắm. Tôi đi guốc vào bụng chú. Này, ông chủ nhiệm, bây giờ xênh xang rồi, có nhớ đến ngày xưa, lúc nhà tôi còn mười mẫu ruộng, ông phải quỵ lụy thế nào mới lấy được con Khắt, em tôi…
Bỗng Khả dừng lời. Như có tiếng sét xoẹt trong đầu Khả. Giọng Khả chuyển cung bậc rất nhanh:
- Chú Khê, cảm ơn chú nhé.
Khê ngạc nhiên:
- Bác cảm ơn gì em?
Khả cười sằng sặc:
- Cảm ơn lời xỏ xiên của chú khiến cho tôi vụt nhớ đến ngày xưa.
- Em không hiểu.
- Ha ha, ha, chú về đi, cảm ơn chú… ha ha,
Âm thanh tràng cười của Khả rền lên ghê rợn. Khuôn mặt Khả trùm kín màn hình. 
 
10- Quá khứ của Khả/ Cánh đồng. Ngày.
Quãng năm 1961- 1962. Khả, Khê và một số thanh niên xung kích đang bì bõm lội ruộng, căng thước dây đo đất. Chính quyền điều 70 mẫu ruộng của làng Nhô cho Tam san để cân bằng nhân lực và diện tích cấy trồng. Tam San người đông, ruộng ít.
Khả bảo Khê:
- Chú đã cưới cái Khắt, mình là anh em rồi. Khoảnh ruộng này là của nhà mình đấy.
- Em biết tỏng. Ông cụ cao kiến thật.
- Sao?
- Anh lại còn vờ. Ông cụ hiến tất tần tần 10 mẫu ruộng vào đúng dịp làng mình phá tề. Cao đến thế thì thôi.
- Be bé cái mồm.
- Hì, hì… chính thế nên dạo cải cách ông cụ tránh được họa địa chủ. Nhờ thành phần trung nông lớp trên, nên anh mới được đi học nước ngoài. Giỏi, giỏi, Gia Cát có sống lại cũng phải gọi ông cụ nhà mình bằng anh.
- Kìa, đã bảo bé mồm thôi.
- Chỉ có điều, em vẫn thắc mắc. Tại sao lúc mọi việc đã yên ổn cả thì ông cụ lại tự tử?
- Trời, tao lạy mày. Có im đi không?
- Sợ qué gì, chỉ người nhà mình mới biết cụ tự lao đầu xuống giếng. Còn thì cả làng ai cũng tưởng cụ say rượu bị ngã. A, hay là ông cụ tiếc đất, tiếc của nên chết hận?
Khả cắn chặt răng im lặng.
 
11- Cánh đồng- Hoàng hôn.
Hiện tại. Bóng Khả thành khối lút trong hoàng hôn. Khả đứng ở bờ ruộng tiếp giáp làng Nhô và Tam San. Mặt Khả thầm thẫm. Tiếng Khả rít vào gió:
- 70 mẫu ruộng của làng Nhô cắt cho Tam San. Trời cứu ta rồi. Chỉ nay mai làng Nhô này sẽ nằm trong tay Khả. Cha ơi, mười mẫu ruộng của nhà mình…
Có bóng người lúi húi phía trước. Đó là Xinh. Chồng liệt sĩ. Ở vậy nuôi một đứa con.
Khả giật thột, vội vã tiến lại. Khả hắng giọng:
- Ai như cô Xinh.
- Ô kìa, bác Khả. Bác làm gì muộn thế?
Khả tủm tỉm cười:
- Còn cô?
- Bác còn lạ gì gia cảnh nhà em. Mẹ góa, con côi, neo người nên phải tranh thủ sớm tối mà có xong đâu.
Khả chép miệng, tỏ vẻ ái ngại thật sự. Mắt Khả nhìn Xinh chòng chọc. Ở độ tuổi 40 nom Xinh vẫn gọn ghẽ, mặn mòi.
Giọng Khả mềm mại:
- Anh biết mẹ con Xinh quá vất vả.
Xinh nhận ra ngay sự khang khác trong giọng nói của Khả. Cô luống cuống:
- Ấy chết, à em cảm ơn bác.
Khả ranh mãnh:
- Với anh, Xinh khách sáo làm gì. Cũng đừng gọi bác. Anh đã già đâu. Không biết anh có giúp được mẹ con Xinh điều gì không?
- Anh đừng nói thế, còn chị với các cháu bên nhà.
- Anh… Ta đi về đi Xinh.
Khả khôn ngoan vờ ngập ngừng. Hai người đi sóng đôi trên đường mương. Khả đỡ gánh cỏ của Xinh:
- Để anh gánh đỡ cho.
Xinh xấu hổ:
- Ai người ta nhìn thấy thì chết:
Khả cười to:
- Chết thì đã sao. Đời đằng nào chả một lần chết.
Chợt Khả dừng lại. Trời đã sâm sẩm tối vẫn nhìn thấy mắt Khả lóe sáng. Hắn nói rất nhanh:
- Ta nghỉ một lát. Anh muốn nói với Xinh chuyện này.
- Không... Không.
- Xinh có biết vì sao anh ra đây không?
- Không… Không.
- Chỗ đất Tam San tiếp đất với ruộng nhà Xinh là đất của làng Nhô đấy.
- Ơ, sao lại thế?
- Chính tay anh đo mà. Ngày ấy làng mình không làm hết ruộng nên trên điều chỉnh cắt cho Tam San…
- Nhưng thế thì sao ạ?
Giọng Khả đanh lại, nham hiểm:
- Phải đòi lại. Đất làng mình bây giờ hiếm như vàng.
- Đòi được không anh?
- Được hay không là do quyết tâm của làng. Anh nắm rất rõ chủ trương chính sách, anh sẽ giúp đỡ dân làng đòi lại. Nếu đòi được, ruộng sẽ chia cho các gia đình, thương binh, liệt sỹ trước.
- Thế thì cả làng Nhô sẽ mang ơn anh.
Khả ỡm ờ:
- Anh chỉ cần một người thôi.
Xinh ngây thơ:
- Ai thế hả anh?
- Em!
Bất ngờ, Khả chụp lấy vai Xinh.
Xinh sợ hãi hất tay Khả ra:
- Kìa, anh Khả làm gì thế.
Khả ôm Xinh, vật ngã ra vệ cỏ. Xinh cuống cuống:
- Bỏ ra đi, không tôi kêu lên đây này.
Khả cười man dại:
- Kêu đi.
Khả chồm lên Xinh.
Bóng đêm như đồng lõa với Khả. 
 
12- Cánh đồng- Tối.
Xong việc, Khả nằm vật ra, thở hổn hển.
Xinh, tay ôm ngực trần, ngồi co ro, khóc thút thít:
- Đồ tồi. Anh là thằng khốn nạn.
Khả bật dậy. Hắn nhìn Xinh chằm chằm.
Khả đưa tay vuốt ve Xinh.
Bây giờ, Xinh không phản ứng gì.
Khả nói rất âu yếm:
- Anh đúng là thằng khốn nạn nhưng Xinh ạ, tha lỗi cho anh. Anh không đành được. Anh yêu Xinh.
- Anh im đi.
- Không, anh nói thật đấy. Anh yêu Xinh, từ lâu rồi cơ. Anh muốn bù đắp những mất mát của Xinh.
Tủi thân, Xinh òa to hơn.
Khả hôn vào mặt Xinh.
- Anh muốn như thế này mãi với em.
Sau những chuyện vừa xảy ra, Xinh đã trấn tĩnh lại:
- Anh nói thế để làm gì?
Khả ranh mãnh:
- Để em hiểu lòng anh.
Xinh thở dài:
- Em không tin. Em là gái già… Em …
Xinh lại thổn thức. Khả ôm lấy Xinh.
- Không, với anh, em vẫn đẹp… 
- Thế này thì em càng thêm khổ.
- Có anh bên cạnh em.
Đột ngột, Xinh vằng ra khỏi tay Khả:
- Anh còn vợ anh. Nhưng anh thề đi.
Khả cười. Tiếng cười đầy nhục cảm và đắc thắng:
- Anh thề sẽ luôn ở bên cạnh em.
Lần này, Xinh chủ động ôm Khả:
- Mười mấy năm nay… Anh là người đàn ông đầu tiên sau…
Khả bịt ngay mồm Xinh:
- Anh hiểu. Cảm ơn Xinh. À, việc đòi đất anh cần em giúp sức.
- Gái góa này thì làm được gì.
- Em là vợ liệt sỹ. Em đi vận động các gia đình thương binh, liệt sỹ và các gia đình khác. Em phải ủng hộ anh.
Xinh cúi đầu, ngẫm nghĩ, trả lời rất nhỏ:
- Vâng.
Khả cười mãn nguyện:
- Nhưng ủng hộ anh cái này là chính.
Xinh né người, cùng cười.
- Đồ nỡm. Tham!
Bóng tối nuốt gọn hai người.
13- Nhà Khê - Tối.
Buổi tối, tại nhà Khê. Cả nhà vừa ăn cơm xong.
Khê xỉa răng, mồm ngoác rộng. Chân bỏ cả lên ghế.
Mấy đứa con Khê xúm vào chiếc tivi màu Sony 21 inh đang phát kết quả xổ số. Cả bọn reo ầm lên:
- Tám mốt, ăn kép rồi, a ha,
Khê vứt tăm, nâng chén trà uống đánh soạt, quát:
- Có dẹp ngay đề đóm đi không thì bảo. Sung sướng quá hóa rồ. Bưng cái mâm rếch đi cho tao. Thức ăn thừa cứ bầy ra thế kia, khác gì trêu ngươi thiên hạ.
Khả bước vào nhà rất nhanh, chó không kịp sủa:
- Thiên hạ thì không biết nhưng Khả này thì đúng là cũng tức mắt đấy.
Khê đon đả:
- A, chào bác Khả, bác lại chơi nhà em cơ đấy.
Khả đánh mắt lướt hết thảy mọi đồ đạc sang trọng trong nhà. Đoạn nhếch mép nham hiểm:
- Chơi thì không. Ông chủ nhiệm đời nào lại chơi với thằng dân đen này.
- Ấy chết, bác là cứ hay đùa. Văn nghệ quá…
Mặt Khả đanh lại:
- Tôi không đùa đâu. Có việc cần đấy.
- Bác cần gì ở em?
Mặt Khả lạnh như kem:
- Trước hết, cần ông chủ nhiệm phân phối lại thu nhập.
- Bác nói gì em không hiểu?
- Có gì đâu, ông chủ nhiệm viện trợ cho Khả này dăm tấn thóc.
Khê giãy nảy:
- Ấy chết, bác nói gì lạ thế. Nhà em cũng hoàn cảnh lắm, lấy đâu thóc mà giúp bác.
Khả nói to:
- Hoàn cảnh, tivi này, xe máy này, vàng đeo nứt kẽ thịt, đồ tồi! Tao không cần mày giúp. Nghe chửa?
- Thế ông định trấn lột tôi chắc?
- Hừ, mày còn dám cao giọng. Phành tai ra mà nghe cho rõ. Những thứ mày có kia cũng không phải của mày làm ra.
- Ông bảo tôi đi ăn cướp à? Anh em gì mà thế!
- Không ăn cướp thì còn gọi là cái gì. Chúng mày, một lũ mọt dân, của cải của dân, chúng mày khuân kìn kìn về nhà. Không thế lấy đâu ra cơ ngơi này. Đừng qua mắt tao. Dùng vi tính còn không qua được mắt Khả, huống hồ tính đốt ngón tay như chúng mày.
Khê lúng túng, mắt lấm lét:
- Ấy bác. Kìa, chúng mày đi chơi hết. Tắt tivi ngay.
Bọn trẻ con nãy giờ tròn mắt nhìn bố và bác đấu khẩu, nhận được lệnh vội tản đi hết.
Khê:
- Để em pha ấm trà đãi bác.
- Không cần. Tao nói tiếp đây. Tao đã nghiên cứu kỹ. Chúng mày bè đảng với nhau khiếp lắm. Kể cũng tinh vi đấy. Riêng vụ này, ban chủ nhiệm đã…
Khê hạ giọng hết cung bậc:
- Có gì anh bảo ban khe khẽ. Em cũng chỉ vì gia đình. Lo cho đàn cháu của bác mà thôi.
Bây giờ thì Khả cười, mặt vẫn lạnh:
- Biết điều thế phải hay hơn không. Nếu không nghĩ chú là em rể, Khả này đã tố cáo. Dân làng Nhô này, ta chỉ cần nảy ba tấc lưỡi, ban chủ nhiệm của chú, đến bùn cũng không còn mà tọng.
- Dạ, em hiểu rồi. Thế bác cần gì ạ?
- Năm tấn thóc.
- Ôi giời ơi, sao nhiều thế?
- Tùy chú chọn. Điều kiện thì biết rồi đấy.
- Bác để thư thư rổi em tính. Việc này phải thông qua ban chủ nhiệm mới được.
Khả giằn giọng:
- Năm tấn thóc quy ra tiền. Lấy ngay ngày mai. Còn việc nữa, cũng bằng giờ ngày mai, tay Khả phải được cầm tập biên bản giao ruộng cho Tam San ngày xưa.
Mặt Khê méo xệch:
- Thế này quá bằng bác giết em.
- Không chết đâu, vây cánh của chú đầy ủy ban, cùng một giuộc hết. Mấy tờ giấy nát trong tủ hồ sơ nào có khó khăn gì. Thế nhé, ngày mai tiền và hồ sơ hiểu không? Chậm trễ đừng có trách Khả này tàn nhẫn.
 
14- Quán thịt chó - Ngày.
Quán thịt chó ở phố huyện, buổi trưa, Khả và lão Bong.
Khả gọi một mâm đầy. Rót rượu tràn hai chén, trịnh trọng:
- Nào, ta nâng cốc, chúc mừng sức khỏe ông Bong nhé!
Lão Bong tợp một hơi cạn sạch chén rượu, hồ hởi:
- Mec xi, mec xi… ông Khả quý hóa quá.
Khả xoa tay, mắt đảo rất nhanh:
- Hôm nay, may mắn gặp ông Bong, Khả này có chuyện muốn thưa. Ông là lão làng lại là người đi đông, đi tây…
- Cái hồi tôi ở bên tây ấy mà… Phải biết…
Lão Bong nghẹn lời vì miếng nhựa mận quá to.
Lão lồi mắt nuốt. Miệng tóp tép:
- Chà, khoái tỷ thật, con mụ đầm tóc vàng. Nhưng bọn tây ngu, đếch có nhựa mận. Trên đời này…
Khả cắt ngang:
- Ông Bong là người thẳng thắn.
Lão Bong dùng tay gại miếng thịt giắt răng:
- Tôi là cứ chửi thẳng vào mặt chứ sợ gì.
- Ông là người từng trải
- Cuộc đời phức tạp lắm. Tỷ như món nhựa mận…
Khả nheo mắt nhìn lão Bong thăm dò:
- Vì vậy, giời cho Khả này được gặp ông để bàn chuyện lớn.
- Hả?
Khả vào thẳng chuyện:
- Chắc ông Bong còn nhớ 70 mẫu ruộng làng Nhô cắt cho Tam San dạo trước. Lúc đó, dân làng ta ngây thơ quá. Bây giờ, chính phủ có chính sách giao ruộng cho dân. Vậy, Khả này đề nghị đòi lại đất cho làng.
- Ồ, thế mà tôi quên phắt đi đấy. Đúng, phải đòi ngay tắp lự. Không trả, kiện tận trung ương chứ sợ đếch.
Khả ghé sát mặt lão Bong:
- Việc này phải thận trọng. Ta phải vận động người làng Nhô.
- Đúng! Nhựa mận ngon quá. Anh bảo chúng tôi phải làm gì?
- Ông có uy tín lại là lão làng.
- Anh dạy quá lời.
- Ông kín đáo nói chuyện với các cụ trong làng. Cốt nhất là ở các cụ quyết. Con cháu chỉ việc theo.
Lão Bong dùng thìa múc hẳn thìa tướng nhựa mận cho vào bát mình:
- Đúng, đúng, kìa anh xơi đi chứ, nhựa mận cứ phải chén nóng mới sánh.
- Cuối tháng này, tôi thịt con chó, làm bữa rượu mời các cụ, tiện thể ta bàn bạc xem sao.
- Đúng, đúng, thịt chó….
- Vậy, cứ thế ông Bong nhé.
- Được! Việc mời các cụ dễ ợt, tôi lo. Mà này, hôm ấy, cuối tháng ấy mà, bảo Tứ sứt một tiếng. Khoản bóp tiết ướp nhựa mận, làng Nhô, nó là nhất thống.
- Vâng, Khả này tuân lời ông dạy.
- Tốt, tốt, … Méc xi, mec xi… ( Tiếp Pháp cám ơn )