Đôi lời giới thiệu

MỤC LỤC
 

Đôi lời giới thiệu

Lời Nhà Xuất Bản

Tựa

1. Dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc Đại học

2. Tìm một giải pháp cho ngành xuất bản Việt Nam

3. Lật qua hồ sơ thanh niên

4. Vấn đề thông cảm lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân

5. Vấn đề tư thục

6. Phỏng vấn về vấn đề thời cuộc của báo Hoài Bão

7. Thân phận người dân các nước chậm tiến

8. Một nền giáo dục phục vụ

9. Tình hình xuất bản từ Tết Mậu Thân (1968) đến nay

10. Vấn đề kiểm duyệt

11. Sau mười tám năm tiếp xúc với người Mỹ và vài suy tư về phong trào về nguồn

12. Vài lời ngỏ với bạn trẻ

 

 

°

° °

 

Đôi lời giới thiệu

 

 
Trong cuốn Đời viết văn của tôi (ĐVVCT), chương VIII: Tôi tự nhận định tác phẩm của tôi, tiết Tiểu phẩm)[1], cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết:
 
Tiểu phẩm là những bài văn ngắn từ mươi trang trở xuống viết về bất kì vấn đề gì (tự sự, nghị luận, phê bình…) và có tính cách độc lập nghĩa là không trích từ một tác phẩm dài ra.
 
 
Trong loại tiểu phẩm tôi có thể kể nhiều bài mà tôi đã gom lại trong 2 cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hóa, Mười câu chuyện văn chương đã xuất bản, và trong hai tập Để tôi đọc lại, Mười tám câu chuyện thời sự chưa in thành sách.
Dưới đây tôi giới thiệu một số bài tôi
đắc ý vì có tính cách nghệ thuật ít nhiều, lý luận vững, và nhất vì cảm xúc chân thành, dạt dào, ghi được tâm tư, những nỗi vui buồn, phẩn uất của tôi. Nói như Hàn Dũ thì đây là những “Bất bình tắc minh” của tôi, “bất bình” hiểu theo nghĩa rộng là không có sự quân bình, là xúc động mạnh.
 
Trên các báo định kỳ tôi đã gởi đăng một số bài có tính cách bút chiến, như những bài về tư thục, về chuyển ngữ ở đại học (đã giới thiệu ở trên) hoặc những bài:
-
Vấn đề kiểm duyệt (Bách Khoa – 1969)
-
Nhà cầm quyền và dư luận (Bách Khoa – 1966), bài này bị kiểm duyệt bỏ nhiều quá, mất gần hết ý nghĩa.
-
Vấn đề thông cảm lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân (1961), bị kiểm duyệt bỏ trọn.
-
Thân phận người dân các nước chậm tiến (1966), Bách Khoa không đăng vì sợ “bị trù”.
Những bài trên tôi gom lại trong tập:
Mười tám câu chuyện thời sự. (Trang 238-239).
 
Trong ĐVVCT (trong Hồi kí cũng vậy), ta không thấy cụ đề cập đến cuốn sách nào có nhan đề là Vài lời ngỏ với bạn trẻ, mà chỉ thấy cụ nói đến bài báo có nhan đề Vài lời ngỏ cùng bạn trẻ đăng trên tờ Phù Đổng Thiên vương:
 
 
“Đặc biệt nhất là tờ báo cho thanh niên Phù Đổng Thiên Vương. Chủ nhiệm là kịch sĩ Kim Cương cùng với chồng, do Vũ Hạnh dắt lại yêu cầu tôi cộng tác. Tôi đáp không có thì giờ vì chương trình làm việc của tôi còn nhiều. Họ nói mãi, nễ lời tôi hứa chỉ viết giúp cho một bài duy nhất đăng trong số đầu thôi và ít bữa sau tôi giao cho họ bài Vài lời ngỏ cùng bạn trẻ, đăng trong số 30.1.75. Báo chưa ra hay vừa mới ra thì Vũ Hạnh bị bắt giam trở lại; vì lẽ đó ba tháng sau chưa ra được số nhì; rồi Sài Gòn giải phóng và báo đình bản luôn.
 
 
Về sau tôi mới biết Kim Cương là một cán bộ nằm vùng như Vũ Hạnh. Vậy là tôi vô tình hợp tác với hai tờ báo Cộng sản ở thành: tờ Tin Văn và tờ Phù Đổng Thiên Vương”. (Trang 198).
 
 
Nếu như trong phần Phụ lục cuốn ĐVVCT, ta thấy cụ Nguyễn Hiến Lê xếp tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự vào chương II: Tác phẩm chưa xuất bản (trang 347), thì trong bài Nguyễn Hiến Lê với sự nghiệp học thuật Việt Nam, tác giả Nguyễn Q. Thắng lại xếp tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ vào tiết: Các tác phẩm mới in gần đây[2], còn tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự thì ông Thắng không nhắc hề đến. Trong bài Lời Nhà Xuất bản trong tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ này, Nhà Xuất bản Văn học cũng chẳng nói gì đến tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự cả. Tuy nhiên, ta sẽ thấy được mối liên hệ giữa hai tập đó qua bài Tựa của cụ Nguyễn Hiến Lê được in tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ mà chúng ta đang đọc đây. Cụ viết:
 
“Năm 1974, tôi lựa thêm mười tám bài có tính cách thời sự cho vào tập này, định khi nhà Trí Đăng xuất bản cuốn Mười câu chuyện văn chương rồi thì cho xuất bản tiếp; nhưng nhà Trí Đăng bận nhiều việc mà thời cuộc chuyển mau quá, cho nên cuốn trên mới phát hành được mấy ngày thì Sài Gòn được Giải phóng, và tập này không còn lí do để ra mắt độc giả nữa”.
 
 
Và trong tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ, trong số 12 bài báo (xem mục lục), ta thấy có tên 5 bài được cụ Nguyễn Hiến Lê nói đến trong đoạn trích cuốn ĐVVCT ở trên: Dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở bậc Đại học, Vấn đề tư thục, Vấn đề kiểm duyệt, Vấn đề thông cảm lẫn nhau giữa chính quyền và nhân dân, Thân phận người dân các nước chậm tiến.
 
 
Như vậy, ta có thể tạm cho rằng, trong số 18 bài trong tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự, Nhà Xuất bản Văn học chỉ chọn 12 bài, rồi lấy nhan đề một bài trong số đó, bài Vài lời ngỏ với bạn trẻ[3], làm nhan đề cho tuyển tập, và bài Tựa của tuyển tập này chính là bài Tựa mà cụ Nguyễn Hiến Lê viết cho tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự.
 
 
Tôi nói “tạm cho rằng” là vì trong số 12 bài được chọn có một bài của ký giả Lê Phương Chi phỏng vấn cụ Nguyễn Hiến Lê, tức bài thứ năm: Phỏng vấn về thời cuộc của báo Hoài Bão. Tôi không hiểu tại sao tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ chỉ đề tên tác giả là Nguyễn Hiến Lê mà bài của Lê Phương Chi không được tách riêng ra? Phải chăng tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự gồm 18 bài của cụ Nguyễn Hiến Lê, 1 bài của Lê Phương Chi chép trong phần phụ lục và Nhà Xuất bản Văn hoá đã loại bỏ 7 bài của cụ Nguyễn Hiến Lê - chứ không phải loại bỏ 6 bài - rồi sắp bài của Lê Phương Chi chung với bài của cụ Nguyễn Hiến Lê theo thứ tự thời gian như lời cụ Nguyễn Hiến Lê nói trong bài Tựa: “Vì tính cách thời sự, tôi sắp các bài theo thời gian chứ không theo đề tài”? Hay là trong tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự gồm 17 bài của cụ Nguyễn Hiến Lê, 1 bài của Lê Phương Chi và cụ đã sắp 18 bài đó theo thứ tự thời gian rồi, còn Nhà Xuất bản thì chỉ làm một việc đơn giản là gạt bỏ 6 bài của cụ Nguyễn Hiến Lê mà thôi?
 
 
Trong 11 bài của cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ có 9 bài được đăng báo (Bách Khoa: 6 bài, Mai: 1 bài, Tân Văn: 1 bài, Phù Đổng thiên vương: 1 bài), 2 bài còn lại báo không đăng (Bách Khoa: 1 bài, Mai: 1 bài).
 
 
Còn những bài mà Nhà xuất bản Văn hoá gạt bỏ là những bài nào? Trong các bài mà cụ Nguyễn Hiến Lê nói rõ là cho vào tập Mười tám câu chuyện thời sự có một bài không được in trong truyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ này, đó là bài Nhà cầm quyền và dư luận. Một, hai hoặc ba bài nữa trong loạt bài có nhan đề Nguy cơ xuất não cũng bị gạt bỏ. Trong một chú thích trong bài Một nền giáo dục phục vụ, cụ Nguyễn Hiến Lê viết: “Bốn hàng này tôi mới thêm sau khi chúng tôi viết bài Nguy cơ xuất não coi trong tập này”. Hai chữ “tập này” có nghĩa là trong tập bản thảo Mười tám câu chuyện thời sự, nhưng trong tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ, ta không thấy bài nào trong loạt bài Nguy cơ xuất não cả.
 
 
Về loạt bài Nguy cơ xuất não, cụ Nguyễn Hiến Lê viết trong ĐVVCT như sau:
 
“Nguy cơ xuất não (đăng trên ba số Bách Khoa năm 1972) bàn về biện pháp để khuyến khích các sinh viên du học ngoại quốc về giúp nước, khỏi thiệt cho quốc gia một số nhân tài. Loạt bài này cũng được độc giả hoan nghênh, nhưng chính quyền lúc ấy không cho đó là vấn đề quan trọng, không muốn mà cũng không có khả năng thu dụng hạng thanh niên đó”. (trang 192).
 
Loạt bài Nguy cơ xuất não và loạt bài Cải tổ nền giáo dục Việt Nam là hai loạt bài mà cụ Nguyễn Hiến Lê cho là “quan trọng nhất”. Loạt bài Cải tổ nền giáo dục Việt Nam gồm năm bài, cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ chọn một, tức bài Vấn đề tư thục cho vào tập bản thảo Mười câu chuyện thời sự; còn trong loạt bài Nguy cơ xuất não cụ Nguyễn Hiến Lê chọn mấy bài? Dù cụ chọn cả ba bài và Nhà xuất bản Văn hoá xoá cả ba, cộng với bài Nhà cầm quyền và dư luận nữa là bốn thì vẫn còn hai hoặc ba bài nữa cũng bị Nhà xuất bản loại ra, mà hai hai ba bài đó là bài nào, thật khó mà biết được!
 
Cũng xin nói thêm là trong tuyển tập Vài lời ngỏ với bạn trẻ này, chỉ có mỗi một bài là lời cụ Nguyễn Hiến Lê “ngỏ với bạn trẻ”, còn những bài khác tuy cũng có vài chỗ cụ “ngỏ với bạn trẻ”, nhưng phần lớn là “ngỏ với nhà chính quyền” mà thái độ của cụ đối với chính quyền được cụ tỏ rõ trong bài Bọn cầm bút chúng ta làm được những gì lúc này? đăng trên Bách Khoa ngày 1.12.67 và được cụ chép lại trong ĐVVCT:
 
“Tôi nghĩ rằng cái thú nhất của người cầm bút là được độc lập và cái vinh dự lớn nhất của họ là giúp được chút ít gì cho quốc dân. Muốn giữ được độc lập và giúp được quốc dân thì nên ở ngoài chính quyền, đứng ở cương vị đối lập với chính quyền. Đối lập không nhất định là chỉ trích, lại càng không có nghĩa đả đảo. Đối lập là một cách kiểm soát, hợp tác hữu hiệu nhất và nghiêm chỉnh nhất. Ta không lệ thuộc vào chính quyền thì mới dám nói thẳng với chính quyền và chính quyền mới chú ý lời nói của ta. Alain và Maurois đều từ chối những chức trọng quyền cao để được là người tự do, được làm một công dân “giám thị các ông lớn”. (Trang 197).
 
 
 

Goldfish

Tháng 04 năm 2010

 
Chú thích:
[1] Tôi dùng bản của Nxb Văn hoá Thông tin, năm 2006.
[2] In trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê, Tập I: Triết học, Nxb Văn học 2006, trang 9.
[3] Trong ĐVVCT ghi là Vài lời ngỏ cùng bạn trẻ.