Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê
Chương 1 (C)

30

 
以道佐人主者, 不以兵强天下. 其事好還. 師之所處, 荊棘生焉. 大軍之後, 必有凶年. 善者果而已, 不敢以取强. 果而勿矜, 果而勿伐, 果而勿驕, 果而不得已, 果而勿强.
物壯則老, 是謂不道, 不道早已.
 

°

 
Dĩ đạo tá nhân chủ giả, bất dĩ binh cường thiên hạ. Kì sự hảo hoàn. Sư chi sở xử, kinh cức sanh yên. Đại quân chi hậu, tất hữu hung niên. Thiện giả quả nhi dĩ, bất cảm dĩ thủ cường. Quả nhi vật căng, quả nhi vật phạt, quả nhi vật kiêu, quả nhi bất đắc dĩ, quả nhi vật cường.
 
Vật tráng tắc lão, thị vị bất đạo, bất đạo tảo dĩ.
 

°

 
Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ. Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại [hiếu chiến thì lại chết vì chiến tranh].
 
Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị mất mùa.
 
Người khéo dùng binh hễ có hiệu quả, đạt được mục đích thì thôi, không dám ỷ mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích mà không tự phụ, đạt được mục đích mà không khoe công, đạt được mục đích mà không kiêu căng, đạt được mục đích mà bất đắc dĩ, đạt được mục đích mà không lấy làm mạnh.
 
Vật gì cũng vậy, cường tráng rồi thì sẽ già, như vậy cường tráng là không hợp với đạo. Không hợp đạo thì sớm chết.
 

°

 
Câu đầu, chữ , có bản chép là tác 作 (làm): giữ đạo mà làm vua. Chữ cường có thể đọc là cưỡng = ức hiếp [thiên hạ]; dưới cũng vậy. Câu thứ ba: đạt được mục đích thì thôi. Mục đích đó tất không phải là xâm lăng hay trừng phạt nước khác mà chỉ có thể là tự vệ.
 
Câu cuối: cường tráng không hợp với đạo vì đạo vốn nhu nhược.
 
Nên so sánh chương này với chương 68.
 

31

 
夫佳兵者, 不祥之器. 物或惡之, 故有道者不處. 君子居則貴左, 用兵則貴右.
兵者不祥之器, 非君子之器, 不得已而用之, 恬淡爲上. 勝而不美, 而美之者, 是樂殺人. 夫樂殺人者, 則得志於天下矣.
吉事尚左, 凶事尚右. 偏將軍居左, 上將軍居右, 言以喪禮處之. 殺人之眾, 以悲哀泣之, 戰勝以喪禮處之.
 

°

 
Phù giai binh giả, bất tường chi khí. Vật hoặc ố chi, cố hữu đạo giả bất xử. Quân tử cư tắc quí tả, dụng binh tắc quí hữu;
 
[Binh giả bất tường chi khí, phi quân tử chi khí, bất đắc dĩ nhi dụng chi, điềm đạm vi thượng. Thắng nhi bất mĩ, nhi mĩ chi giả, thị lạc sát nhân. Phù lạc sát nhân giả, tắc bất khả đắc chí ư thiên hạ hĩ].
 
Cát sự thượng tả, hung sự thượng hữu. Thiên tướng quân cư tả, thượng tướng quân cư hữu, ngôn dĩ tang lễ xử chi. Sát nhân chi chúng, dĩ bi ai khấp chi, chiến thắng dĩ tang lễ xử chi.

°

 
Đa số các nhà hiệu đính đều cho rằng chương này chỉ có đoạn giữa – đoạn đặt trong dấu móc [ ] – từ “Binh giả bất tường chi khí” đến “tắc bất khả đắc chí ư thiên hạ hĩ” là lời “kinh”, lời Lão tử, ngoài ra toàn là lời chú thích cả, rõ ràng nhất là đoạn cuối có chữ ngôn (ngôn dĩ tang lễ xử chi); ngôn là “có ý nói rằng”, là lời giải thích.
 
Lời kinh và lời chú thích xen lẫn nhau, cho nên ý nghĩa lộn xộn, đáng lẽ nên đưa đoạn giữa đó lên đầu, thì có lí hơn, nhưng các bản cũ đều chép như vậy, nên không sắp đặt lại nữa.
 
Câu đầu, chữ giai, Vương Niệm Tôn bảo nên đổi là chuy 隹, mà chữ chuy tức là chữ duy 唯, 惟; vả lại trong Đạo Đức kinh, có tám, chín chỗ dùng hai chữ phù duy 夫唯[1] ở đầu câu như vậy. Để là giai binh thì có nghĩa là những binh khí tốt, sắc bén là vật bất tường. Chúng tôi nghĩ đã là binh khí thì dù tốt hay xấu đều là vật bất tường cả, cho nên hiểu theo Vương Niệm Tôn.
 
Câu cuối, chữ khấp 泣, có nhà cho là chữ lị 蒞 (đến).
Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không thích dùng nó. Người quân tử ở nhà thì trọng bên trái, khi dùng binh thì trọng bên phải.
 
[Binh khí là vật bất tường, không phải là của người quân tử, cho nên bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm (bình tĩnh, giữ được hòa khí, tránh cực đoan) là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lí tưởng trị thiên hạ].
 
Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trong bên phải. Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải, như vậy có nghĩa là coi việc dùng binh như một tang lễ. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc; chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
 
Bên trái là dương, bên phải là âm; dương thì sinh, âm thì sát, cho nên người quân tử khi ở nhà thì trọng bên trái (bên sinh); nhưng khi dùng binh, phải giết người, thì lại trọng bên phải, và để viên thượng tướng ở bên phải, viên phó tướng ở bên trái. Trong các tang lễ cũng vậy, trọng bên phải hơn bên trái, vì tang lễ là việc hung.
 

32

 
道常無名, 樸, 雖小, 天下莫能臣也. 王侯若能守之, 萬物將自賓.
天地相合, 以降甘露, 民莫之令而自均. 始制有名, 名亦既有, 夫亦將知止. 知所止所以不殆.
譬道之在天下, 猶川谷之與江海.
 

°

 
Đạo thường vô danh, phác,tuy tiểu, thiên hạ mạc năng thần dã. Vương hầu nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân.
 
Thiên địa tương hợp, dĩ giáng cam lộ, dân mạc chi linh nhi tự quân. Thủy chế hữu danh, danh diệc kí hữu, phù diệc tương tri chỉ. Tri sở chỉ khả dĩ bất đãi.
 
Thí đạo chi tại thiên hạ, do xuyên cố chi dữ giang hải.
 

°

 
Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được [coi nó như bề tôi được]. Các bậc vương hầu biết giữ nó, thì vạn vật sẽ tự động qui phục.
 
Trời đất hòa hợp với nhau cho móc ngọt rơi xuống, nhân dân không ra lệnh cho móc ngọt mà tự nó điều hòa.
 
Đạo sáng tạo vật rồi vạn vật mới có danh phận, khi đã có danh phận rồi thì nên biết ngừng lại; vì biết ngừng lại cho nên mới không nguy.
 
Đạo đối với thiên hạ cũng giống như sông biển đối với suối khe.
 

°

 
Câu đầu còn hai cách chấm nữa:
 
1- Đạo thường vô danh phác; 2- Đạo thường vô danh, phác tuy tiểu.
 
Cách 1 không ổn vì cho “vô danh phác” đi liền thì không ứng với “thủy chế hữu danh” ở dưới; mà ý cũng không xuôi. Cách 2 không ổn vì nếu không ngắt ở sau chữ phác thì phải dịch là cái chất phác của đạo tuy nhỏ: vô nghĩa.
 
Câu “dân mạc chi linh nhi tự quân” có người dịch là dân không ai khiến mà tự họ [dân] cùng đều.
 
Câu áp chót có ý khuyên nhà cầm quyền khi đã đặt ra danh phận cho các quan để phân biệt rồi thì đừng bày thêm việc, để lầm lạc vì danh, mà nên trở về với mộc mạc tự nhiên.
 
Câu cuối chúng tôi hiểu là sông biển là nơi qui tụ của suối khe, cũng như đạo là nơi qui tụ của thiên hạ. Có người hiểu khác: suối khe, sông biển làm lợi, gia ân cho mọi người thì đạo cũng vậy; hiểu như vậy thì phải dịch là: đạo ở trong thiên hạ cũng như suối khe, sông biển.
 
Đại ý cả chương không có gì mới: vẫn là khuyên nhà cầm quyền phải thuận tự nhiên, vô vi, chất phác. Nhưng ý tối mà lời cũng tầm thường.
 

33

 
知人者智, 自知者明. 勝人者力, 自勝者强.
知足者富, 强行者有志. 不失其所者久, 死而不亡者壽.
 

°

 
Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường.
 
Tri túc giả phú, cường [hoặc cưỡng] hành giả hữu chí. Bất thất kì sở giả cửu, tử nhi bất vong giả thọ.
 

°

 
 
Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường.
 
Kẻ tri túc (biết thế nào là đủ) là người giàu; kẻ mạnh mẽ [hoặc gắng sức] làm là người có chí. Không rời nơi chốn của mình [tức đạo] thì được lâu dài; chết mà không mất [đạo] là trường thọ.
 

°

 
Câu cuối: không mất đạo có nghĩa là mình hòa đồng với đạo thì cùng với đạo trường tồn. Các đạo gia đời sau hiểu lầm câu đó nên tìm thuốc trường sinh và thực hành lối tu tiên.
 

34

 
大道氾兮, 其可左右. 萬物恃之而生而不辭, 功成而不有. 衣養萬物而不主. 常無欲, 可名於小; 萬物歸焉而不主, 可名爲大. 以其終不自爲大, 故能成其大.
 

°

 
Đại đạo phiếm hề, kì khả tả hữu. Vạn vật thị chi nhi sinh nhi bất từ, công thành nhi bất hữu, y dưỡng vạn vật nhi bất chủ. Thường vô dục, khả danh ư tiểu; vạn vật qui yên nhi bất chủ, khả danh vi đại. Dĩ kì chung bất tự vi đại, cố năng thành kì đại.
 

°

 
Đạo lớn lan tràn khắp có thể qua bên trái, qua bên phải. Vạn vật nhờ nó mà sinh trưởng mà nó không can thiệp vào, công thành rồi mà không nhận là của mình; nó nuôi dưỡng vạn vật mà không làm chủ vạn vật. Nó vĩnh viễn là “không”, vô vi, cho nên có thể bảo nó là ẩn vi, [vô hình]; muôn vật qui về nó mà nó không làm chủ, cho nên có thể bảo nó là lớn. Vì cho tới cùng, nó không tự nhận nó là lớn cho nên mới hoàn thành được cái vĩ đại của nó.
 

°

 
Câu nhì: “Vạn vật thị chi sinh nhi bất từ”, y như câu “vạn vật tác yên nhi bất từ” ở chương 2. Ở chữ từ đó có người dịch là từ chối.
 
Câu thứ ba: “Khả danh ư tiểu”, chữ tiểu, nghĩa cũng như chữ tiểu trong “tuy tiểu, thiên hạ mạc năng thần dã” chương 32. Ở đây nói về cái thể của đạo rất ẩn vi; còn chữ đại ở dưới, nói về cái dụng của đạo rất lớn.
 
Chương này chỉ diễn lại những ý đã nói rồi, không thêm ý gì mới.
 

35

 
執大象, 天下往. 往而不害, 安平太.
樂與餌, 過客止. 道之出口, 淡乎其無味, 視之不足見, 聽之不足聞, 用之不足既.
 

°

 
Chấp đại tượng, thiên hạ vãng. Vãng nhi bất hại, an bình thái.
 
Nhạc dữ nhị, quá khách chỉ. Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kì vô vị, thị chi bất túc kiến, thính chi bất túc văn,dụng chi bất túc kí.
 

°

 
[Bậc vua chúa] giữ đạo lớn thì thiên hạ tới qui phục; qui phục mà không hại, được an lạc thái bình.
 
Âm nhạc với mĩ vị làm cho khách qua đường ngừng lại; còn đạo mà nói ra thì nó nhạt nhẽo, vô vị; nhìn kĩ nó không thấy, lắng nghe cũng không thấy, nhưng dùng nó thì không bao giờ hết.
 

°

 
Câu đầu: “đại tượng”, chữ tượng đó như chữ tượng trong chương 21 “kì trung hữu tượng”: ở trong [đạo] có hình tượng. Có nhà dịch là: Ai nắm được cái hình tượng lớn [cái trực giác về đạo] thì có thể đi khắp thiên hạ mà không nguy, vì ở đâu cũng thấy cảnh an lạc, thái bình.
 
Câu thứ ba: “đạo chi xuất khẩu”, có người dịch là “đạo hiển hiện ra”.
 
Đại ý chương này là đạo không hấp dẫn người ta như âm nhạc, mĩ vị, thể của nó nhạt nhẽo, vô thanh vô hình, nhưng dụng của nó vô cùng.
 

36

 
將欲歙之, 必固張之. 將欲弱之. 必固强之. 將欲廢之, 必固舉之. 將欲奪之, 必固與之. 是謂微明. 柔弱勝剛强.
魚不可脫於淵, 國之利器不可以示人.
 

°

 
Tương dục hấp chi, tất cố trương chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố cử chi. Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi. Thị vị vi minh. Nhu nhược thắng cương cường.
 
Ngư bất khả thoát ư uyên; quốc chi lợi khí bất khả dĩ thị nhân.
 

°

 
Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. [Hiểu] như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường.
 
Cá không nên rời khỏi vực. Lợi khí của nước không nên khoe cho dân thấy.
 

°

 
Đoạn trên dễ hiểu. Luật tạo hóa là “vật cực tắc phản”; hễ mạnh rồi thì sẽ yếu, yếu rồi thì sẽ mạnh; thịnh rồi tới suy, suy rồi sẽ thịnh. Mà nhu nhược thắng cương cường là chủ trương của Lão tử.
 
Có người cho như vậy là Lão tử khuyên người cầm quyền dùng âm mưu, trá thuật như các chính trị gia thời Chiến Quốc: chẳng hạn như Tấn Hiến Công muốn đánh nước Ngu, mới đầu đem tặng vua Ngu ngọc bích và ngựa; Hàn Khang tử đem đất dâng Trí Bá để Trí Bá hóa kiêu, đòi đất của Ngụy; các nước khác thấy Trí Bá quá tham, liên kết nhau diệt Trí Bá…
 
Chúng tôi nghĩ Lão tử ghét xảo trá, theo vô vi, đâu lại khuyên người ta dùng âm mưu; ông chỉ muốn phá thuật của bọn âm mưu và dặn chúng nên cẩn thận coi chừng đấy thôi.
 
Nhưng đoạn sau thì có phần khó hiểu, chúng tôi không thấy liên lạc với đoạn trên ra sao. Mà “lợi khí” là cái gì? Có người bảo là khí giới sắc bén; có người là dịch là “tài lợi”, là chủ quyền của quốc gia; có người lại giảng: “thánh nhân là đồ dùng ích nước lợi dân” nên ẩn náu như cá ở trong vực; như vậy không liên lạc gì với đoạn trên cả. Sau cùng có người cho “quyền mưu” là lợi khí của nhà cầm quyền, không nên để cho người ta thấy; ý này trái với chủ trương của Lão.
 
Hay là đoạn cuối đó, nên tách ra, đưa vào một chương khác chăng; mà hiểu như sau: Cá ra khỏi vực thì chết, những tài lợi trong nước không nên khoe khoang, cứ sống trong bóng tối thì mới an thân được?
 

37

 
道常無爲而無不爲, 侯王若能守之, 萬物將自化. 化而欲作, 吾將鎭之以無名之樸. (無名之樸). 夫亦將無欲. 不欲以靜, 天下將自定.
 

°

 
Đạo thường vô vi nhi vô bất vi, hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa. Hóa nhi dục tác, ngô tương trấn chi dĩ vô danh chi phác. (Vô danh chi phác). Phù diệc tương vô dục. Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định.
 

°

 
Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi - vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi - vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa (sinh, lớn). Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái mộc mạc vô danh (tức bản chất của đạo) mà trấn áp hiện tượng đó, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định.
 

°

 
Bốn chữ “vô danh chi phác” đặt trong dấu ngoặc, các nhà hiệu đính cho là lặp lại, dư.
Chú thích:
[1] Trong sách bỏ trống, tôi tạm thêm hai chữ 夫唯 (Phù duy). (Goldfish).