Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Chín Mươi Bốn
Người dê ngầm, bị kế hạ ngầm,
Kẻ chuộng nghĩa, hay làm việc nghĩa.

Nguyên tiểu đồng đó là đứa hầu hạ Bình Sơn lúc ở nhà Kim Huy, mà Bình Sơn tức là vị hạ khách đã tư tình với Xảo Nương dạo trước. Tiểu đồng tay cầm phong thư nói với Bình Sơn rằng: "Bà bảo đem thư cho tiên sinh xé coi bây giờ". Bình Sơn lấy thư, xé ra kê dưới bóng trăng mà xem, rồi nói nhỏ rằng: “Ừ! Mày về thưa với bà, nói chờ chừng nào người ta ngủ hết rồi tao qua". Tưởng Bình ngồi trong nghe rõ mấy lời, thời nghĩ thầm rằng: "Người thế ấy lại làm việc quấy quá thế này à?”. Nghĩ đoạn lại nghe khua đòn mỏng, biết tiểu đồng trở về rồi, bèn lên chõng giả đò ngủ. Bình Sơn bước vào thấy Tưởng Bình ngủ cũng nằm xuống giả đò ngủ. Một lát lâu lén lén ngồi dậy rồi đi nhẹ nhẹ ra khỏi cửa khoang còn ngoái đầu ngó lại. Tưởng Bình thấy Bình Sơn đi rồi cũng đi ra, biết Bình Sơn qua bên chiếc thuyền lớn, bèn cởi áo rồi lấy đòn mỏng thả xuống nước, ngồi lên trên rồi lén bơi lại gần bên thuyền lớn, nghe trong ấy có tiếng trai gái đương hú hí với nhau, bèn la lớn rằng: "Trong thuyền thứ ba có kẻ trộm", la rồi tụt êm xuống nước.
Kim Phúc Lộc nghe tiếng kêu đem người qua thuyền thứ ba thấy Lý Bình Sơn đương lính quýnh, tìm không ra đòn mỏng để chạy về thuyền mình. Kim Phúc Lộc bèn bắt Bình Sơn đem tới thuyền trước bẩm với Kim lão gia. Bình Sơn vào khoang thuyền ra mắt Kim Huy, ngẩn ngơ không nói được lời gì. Kim Huy thấy bộ tịch y kỳ quá, nào là vuốt áo, nào sửa quần, thời lấy làm lạ, đến chừng thấy hai chân y không có giày thời hiểu ý ngay, ngồi suy nghĩ một lát rồi dặn Phúc Lộc coi chừng Bình Sơn. Còn ông thời xách lồng đèn đi ra thuyền thứ ba kêu rằng: “Xảo Nương! Xảo Nương! Ngủ rồi sao?”. Trong thuyền có tiếng đáp: "Phải lão gia tới đó chăng?". Kim Huy xô cửa đi vào, giơ đèn rọi thì thấy Xảo Nương đầu tóc rối bù, thấy ông tới thì hỏi: ”Sao lão gia chưa ngủ?". Kim Huy nói: "Vừa ngủ ngon nghe kêu có trộm, nên tới xem”. Vừa nói ông vừa đưa đèn rọi tới, thấy dưới giường có đôi giày đàn ông nhưng giả đò không thấy. Xảo Nương miệng thời nói chuyện mà chân lén hất đôi giày vô trong sàng. Kim Huy thấy nhưng không thèm hỏi, lại nói ôn tồn: "Khi nãy có tiếng la, không biết phu nhân có hay không, vậy ta với nàng qua đó hỏi coi, rồi trở lại ta sẽ ở đây nghỉ đêm nay". Nói dứt lời nắm tay Xảo Nương dắt ra ngoài mũi thuyền, thình lình xô phứt xuống sông, chờ chừng Xảo Nương chìm rồi bèn kêu rằng: "Xảo Nương té, Xảo Nương té xuống sông rồi!”. Bạn bè chạy tới cứu không kịp.
Kim Huy dứt dây oan trái đó rồi, bèn trở lại thuyền trước nói với Lý Bình Sơn rằng: "Bây giờ có nhiều người quá, ta không dùng ngươi nữa, thôi đi về đi". Kim Phúc Lộc dắt Lý Bình Sơn trở lại thuyền thứ ba. Bấy giờ bọn thủy thủ thấy mất đòn mỏng, liền chạy kiếm, thấy trôi lều bều dưới nước, nên đã vớt gác qua thuyền bên kia rồi. Lý Bình Sơn xẻn lẻn về thuyền mình, vào mui thấy trên chõng có áo bỏ đó, mà Tưởng Bình thời đi đâu mất. Bỗng nghe sau lái thuyền có tiếng kêu: "Ai làm gì té dưới nước đó, leo lên". Rồi thấy Tưởng Bình chui vào mui, áo quần ướt loi ngoi, run lập cập, coi bộ lạnh lắm. Lý Bình Sơn kêu hỏi: "Sao Tưởng huynh lại như vậy?". Tưởng Bình nói: "Tôi ra đi tiểu, rủi trật chân té xuống nước, nhờ níu được bánh lái, nếu không, chắc là chết chìm". Lý Bình Sơn liền lấy quần áo cũ của mình đưa cho Tưởng Bình thay, còn mình thời mang vớ xỏ giày, lại cũng thay quần nữa.
Tưởng Bình thay rồi, đem đồ ướt căng ra hong cho khô, dòm lại thấy Lý Bình Sơn mặt dàu dàu, khi khoanh tay, khi lắc đầu, rồi thở dài liền hỏi rằng: "Tiên sinh có chuyện chi mà buồn lắm vậy?". Bình Sơn đáp: "Tôi có tâm sự không thể nói cho người ngoài biết, tôi chỉ xin hỏi Tưởng huynh tới huyện Tương Âm làm gì?". Tưởng Bình nói: "Tôi đã nói với tiên sinh rằng tới đó tìm bạn, sao lại mau quên như vậy?". Bình Sơn nói: “Bây giờ tôi kinh hoảng lắm nên không nhớ gì nữa. Tưởng huynh tới Tương Âm tìm bạn, tôi cũng tới đó tìm bạn". Tưởng Bình nói: "Tiên sinh đã nói với tôi rằng đi với Kim Công ra Tương Dương mà?”. Bình Sơn nói: ”Tôi coi lại ông ta là người không tốt, nên tôi đã khước lời ông, không chịu đi". Tưởng Bình nghe nói cười thầm rằng: "Thằng này nói dóc chớ". Cười rồi hỏi: "Còn tiền mướn thuyền thời sao?”. Bình Sơn nói: "Thời chia nhau mà chịu”.
Sáng ngày thuyền đi, Bình Sơn vẫn buồn bã, không vui lúc nào. Tối lại, ông Đại tìm nơi hoang tịch vắng vẻ đậu thuyền. Tưởng Bình khen rằng: "À! Chỗ này núp gió tốt lắm". Ông Đại thấy trúng kế mình bèn cười thầm. Bình Sơn nói với Tưởng Bình rằng: “ Hồi hôm tôi không ngủ được, nay thấy mệt mỏi lắm, vậy xin lỗi cho tôi ngủ trước". Tưởng Bình nói: "Tiên sinh yên nghỉ đi". Bình Sơn liền leo lên chõng nằm ngủ. Tưởng Bình nghĩ thầm rằng: "Lẽ ra thời ta phải cứu nó, song nó làm cho Xảo Nương chết thình lình, nếu ta cứu sống nó thời Xảo Nương ngậm oan dưới suối vàng!”. Đương còn suy nghĩ, chợt nghe ông Đại hỏi: "Bây giờ mày hay là tao?”. Ông Nhị nói: "Ai cũng được”, Tưởng Bình nói thầm rằng: "Tới chuyện rồi". Nói đoạn lén bò ra ngoài trước, leo lên mui thấy cây sào có phơi cái áo, bèn ôm lấy vào lòng, nằm mọp xuống dòm xem tình thế. Thấy ông Nhị cầm dao ở sau chui vào khoang, ông Đại cũng cầm đao đứng giữ cửa khoang. Tưởng Bình nghe trên chõng tre có tiếng bập bập... bập biết Bình Sơn đã xong đời rồi, bèn quấn áo lại thật chặt, nhắm ngay đầu ông Đại chọi xuống. Ông Đại không hiểu là vật gì bèn day đầu dòm lại. Tưởng Bình thừa cơ giật đao chém ông Đại té nhào xuống nước. Ông Nhị đương ở trong khoang nói: "Còn thằng ốm đâu mất rồi?". Tưởng Bình nói: "Tao ở đây!". Ông Nhị mới ló đầu ra bị Tưởng Bình cho một đao chết tươi.
Tưởng Bình giết cả hai anh em ông Đại rồi, bèn chui vào khoang thấy Bình Sơn nằm chết trên chõng thời than thở chẳng xiết. Rồi gom góp đồ vật của mình, kéo ghe vào bờ, mang gói nhảy lên, và đạp bung ghe trôi ra. Tưởng Bình lên bờ đi riết ra tới lộ cái. Bây giờ trời đã sáng, bỗng gió thổi ầm ầm cát bay mù mịt. Tưởng Bình bị gió thổi nhắm mắt lại, không đi được nữa, thêm suốt đêm không ngủ, thấy trong mình nhọc lắm, bèn kiếm nơi vắng vẻ tính ngủ một giấc. Chợt thấy trước mặt có lùm cây, Tưởng Bình bèn đi thẳng tới, thời chỗ đó là cái nhà mồ, vừa xăm xăm. đi vào bỗng thấy trên cây có đứa nhỏ đương buộc dây tự vẫn. Tưởng Bình liền la lớn rằng: ”Mày là con ai mà tới đây liều mạng vậy?". Tiểu đồng nói: "Để cho tôi chết còn cản làm chi?". Nói vừa dứt lời mở dây cầm đi. Tưởng Bình nói: “ Mày hãy trở lại, ta hỏi đã! Mày là con nít, có việc gì buồn rầu uất ức đến phải bỏ liều kiếp xuân xanh như vậy?". Tiểu đồng đáp: "Tôi không muốn sống làm gì, thà chết còn hơn?". Tưởng Bình nói: "Mày hãy thuật lại cảnh khổ cho ta nghe coi thế nào?". Tiểu đồng liền thuật rõ đầu đuôi cho Tưởng Bình nghe. Tưởng Bình thấy tiểu đồng còn nhỏ mà lanh lợi ăn nói có chí khí thời thương liền hỏi: "Tình thế đã vậy, ví như bây giờ có tiền mày còn chết hay thôi?". Tiểu đồng nói: "Nếu có tiền thời mạng con kiến này cũng nguyện chưa chết". Tưởng Bình liền thò tay vào lưng móc ra hai nén bạc đưa cho tiểu đồng và hỏi: “Bây nhiêu đủ hay không?". Tiểu đồng đáp: "Chừng ấy là nhiều rồi". Nói dứt lời giơ tay lấy rồi quỳ mọp dưới đất tạ ơn và nói: "Xin ân nhân cho biết quý danh". Tưởng Bình nói: ”Mày chớ hỏi, phải mau lên Trường Sa đi".

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm