Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Tám Mươi
Trộm mũ Cửu Long, giao cho Đinh Triệu Huệ,
Đón kiệu Thừa Tướng, vạch chuyện Mã Triêu Hiền.

Hắc Yêu Hồ Trí Hóa tới Hoàng thành, dùng dây như ý leo vào vòng trong rồi ráng hết tài nghề lén lén leo truyền qua mấy lớp ngăn nữa, hễ tới chỗ nào thời chăm chú nhìn xem đường lối. Khi tới kho Tứ Chấp, Trí Hóa leo lên trên nóc giở ngói xếp một bên rồi mở túi bá bảo lấy cưa liên hoàn ra cưa rui, vừa chỗ chui mình vào, kế đụng lớp thiếc đóng trần, Trí Hóa vội vàng lấy dùi nhọn dùi ít lỗ rồi rút phát đao ra kéo một lỗ đút vừa bàn tay gần bên chỗ đóng liền mí. Đoạn nằm sấp trên cây thò tay đút kìm vặn những đinh ốc đóng mí thiếc ấy nhổ lần lần thành ra hở một đường khá dài. Nhổ được bao nhiêu bao nhiêu đinh đều bỏ cả vào túi bá bảo, rồi lấy dây như ý buộc vào cây đòn tay, cho dây ấy thòng vào chỗ chiếc mí thiếc hở, rồi đeo theo tuột xuống.
Khi vào được trong kho, đi lần tới một cái buồng, ngoài cửa có giấy niêm đề chữ Thiên, thời biết đó là chỗ để mũ Cửu Long bèn lẹ lưỡi liếm niêm ấy cho ướt mà gỡ ra, rồi lấy xâu thìa khóa giả mà mở khóa. Cửa mở, Trí Hóa liền bước vào thấy trên giường ngà có để một cái túi bằng lụa vàng, bên cạnh có một cái thẻ đề: "Chữ Thiên, số thứ nhất mũ Cửu Long một cái". Trí Hóa bụng mừng lắm, lật đật lấy hộp, bỏ mũ nai nịt vào lưng, rồi đi ra khóa cửa buồng lại, dán niêm y như cũ, lại e có dấu tay nên lấy vạt áo lau lia lịa. Đoạn đi trở lại mối dây như ý mà leo lên, rồi móc đinh ra vặn liền mí thiếc lại, sửa kín chỗ lỗ khoan y như cũ. Lên tới trên nóc cũng ráp mui lợp ngói, trét vôi đâu đó xong xuôi, ai vô ý thời không biết là có kẻ vừa cạy phá!
Trí Hóa lấy được mũ Cửu Long liền ra khỏi kho Tứ Chấp đi riết về chỗ để xe tại đình Huỳnh. Bùi Phúc giở chiếu lên, Trí Hóa để hộp mũ vào gói lại, rồi lấy nệm mền phủ lên sùm sụp. Trí Hóa lại bảo Bùi Phục giả bệnh rên rỉ gào la. Trời vừa hừng đông, Vương Đại đã tới rủ Trí Hóa đi làm như mọi khi, Trí Hóa liền nói: "Nay chẳng may cha tôi đau yếu, nhắm ở đây không tiện, thế nào cũng phải về quê". Vương Đại thấy tình cảnh như vậy cũng không ép, nên từ giã ra đi. Còn Anh Thơ không hiểu việc gì, thấy ông đau thì tưởng thật nên kêu khóc rầm rĩ. Trí Hóa đẩy xe đi, Bùi Phúc nằm trên xe rên, Anh Thơ đi lẫm đẫm theo coi rất thảm thương.
Ra tới chỗ vắng vẻ, Trí Hóa kêu Bùi Phúc dậy, ẵm Anh Thơ để lên xe, rồi người kéo kẻ đẩy đi vội qua khỏi Hà Nam tới Trường Giang mướn thuyền đưa về thôn Mạc Hoa. Thuyền về gần tới Đinh Gia trang thời thấy Song Hiệp và Ngại Hổ đem thuyền tới đón. Cùng nhau về tới nhà, dọn dẹp đồ đạc và giấu mũ Cửu Long xong xuôi, Trí Hóa bèn hỏi Triệu Huệ rằng: "Bây giờ mũ Cửu Long đã có rồi, vậy Nhị đệ sẽ làm thế nào?". Triệu Huệ đáp: "Đệ đã sắm đủ các giấy tiền vàng bạc nhang đèn, định lên Thiên Trúc dâng hương. Trí huynh nghĩ có được chăng?". Trí Hóa gật đầu.
Tối lại, đợi lúc trang đinh đều ngủ hết, anh em họ Đinh và Trí Hóa mới đem đãy lụa vàng, mở lấy mũ Cửu Long ra xem. Thật là tiếng đồn chẳng sai. Vua giàu không biết ngần nào. Mũ làm bằng vàng, dát đầy châu ngọc, giăng ngang nằm dọc tinh những hình rồng đếm cả thảy là chín con, nên tên là Cửu Long quan. Ai nấy xem rồi gói lại như cũ giao cho Đinh Triệu Huệ. Tới canh năm, Triệu Huệ bèn sai một tên tùy tùng gánh nhang đèn vàng bạc và túi mũ Cửu Long giấu lẫn trong ấy, theo mình lên Thiên Trúc.
Đinh Triệu Huệ đi được mấy ngày, trở lại thuật chuyện với Triệu Lang, Trí Hóa, và Ngại Hổ rằng: "Khi tôi tới Thiên Trúc, thuê lầu của Châu lão mà ở, ban ngày đi dâng hương, chiều lại giả bệnh lên lầu yên nghỉ, chờ tới canh hai đem mũ Cửu Long lén vào lầu Phật tại nhà Mã Cường, quả thấy ba cốt Phật thật lớn, rồi lại trở lại lầu của Châu lão không ai hay biết. Sáng ngày liền từ giã về đây".
Triệu Lang và Ngại Hổ nghe nói cả mừng, duy có Trí Hóa thời làm thinh chỉ đưa mắt ngó Ngại Hổ. Ngại Hổ bèn ung dung nói rằng: "Bây giờ chú Hai đã làm xong bổn phận rồi, còn phận của cháu, cháu cũng xin đi lo cho xong". Trí Hóa nói: "Ớ trò ơi! Chuyện này là chuyện của trung thần nghĩa sĩ chớ không phải chuyện chơi. Ta và chú mày đã vào nơi nguy hiểm, tới chốn gai chông, xếp đặt các việc yên thỏa rồi, mi có lên Đông Kinh nên cẩn thận chớ để lỡ chuyện ra mà hại tới tính mạng trung thần nghĩa sĩ!”. Hai anh em họ Đinh cũng nói: ”Cháu nên thận trọng kẻo lưu hại tới thầy cháu nữa”. Ngại Hổ nói: "Bẩm thầy và hai chú! Đi chuyến này, Ngại Hổ xin thề trước rằng: Dầu cho đầu đứt chớ lòng cũng chẳng dời”. Trí Hóa nói: "Ta cầu cho mi giữ được như lời, đây là bức thư gửi cho Bạch ngũ thúc của mi đây, lên tới Đông Kinh nhớ trao cho người". Ngại Hổ tiếp lấy thư đút vào túi áo rồi trở vào trong sửa soạn hành lý đi lên Đông Kinh. Anh em họ Đinh và Trí Hóa đưa tiễn ra đến cửa còn dặn rằng: "Cháu ráng nhớ mũ để sau tấm vách mé tả cốt Phật giữa nhé". Ngại Hổ dạ dạ rồi quảy túi hành lý lên vai.
Thật là:
Có chí lựa gì người tuổi nhỏ
Không tài càng hổ kẻ râu dài
Ngày kia Ngại Hổ đi tới Đông Kinh, vào thành đi qua phủ Khai Phong chớ chẳng tìm Bạch Ngọc Đường. Ngại Hổ đương đi dọc đường, bổng nghe có tiếng nạt rằng: “Tránh, tránh cho kiệu Thừa tướng đi" thời trong bụng cả mừng, bèn chờ kiệu đi tới ra quỳ đón mà kêu oan. Bao công liền bảo Trương Long bắt đem về phủ, rồi vội vã thăng đường sai đem Ngại Hổ vào hỏi rằng: "Trẻ nhỏ kia tên họ là gì?”. Ngại Hổ thấy Bao Công rất nghiêm, lại thêm các tráng sĩ đứng la liệt hai bên thời có ý khâm phục, bèn thưa rằng: "Tiểu nhân họ Ngại tên Hổ, năm nay mười lăm tuổi, vốn là tôi tớ của Viên ngoại Mã Cường". Bao Công hỏi: “Mi tới đây có việc gì?". Ngại Hổ thưa: “Tiểu nhân có rõ được một việc gian nghịch, lại nghe người ta nói hễ ai biết được điều gian nghịch mà không tố cáo quan trên thì mang tội nặng, vì vậy tiểu nhân sợ, nên phải tới đây bày tỏ với Tướng gia". Bao Công nói: "Có việc cho thời nói đi”. Ngại Hổ đáp: “Nhơn vì ba năm trước Đại lão gia đã nghỉ chức về quê". Bao Công hỏi: "Đại lão gia mi là ai?”. Ngại Hổ đáp: "Thưa Đại lão gia tôi là (vừa nói vừa đưa bốn ngón tay) Tứ Chấp khố Tổng quản Mã Triêu Hiền, là chú ruột của Viên ngoại tôi, lúc về quê ngồi kiệu xuống, rồi đuổi tả hữu đi ra, duy có tiểu nhân cho là nhỏ không biết gì nên để lại. Rồi Đại lão gia mới mở kiệu lấy ra một cái túi lụa vàng, nói nhỏ với Viên ngoại rằng: “Đây là mũ Cửu Long trân châu của Thánh thượng ta lén đem về đây, ngươi nên cất kín sau Phật lầu đừng cho ai biết, đợi chừng nào Tương Dương Vương khởi sự sẽ đem dâng cho người. Viên ngoại tôi liền tiếp lấy, sai tôi ôm theo người ra lầu Phật, rồi giấu vào sau tấm vách bên, cốt Phật giữa”. Ngại Hổ nói tới đó ai nghe cũng thất kinh rởn ốc. Bao Công liền hỏi tiếp: "Rồi sao nữa?”. Ngại Hổ đáp: "Sau này tiểu nhân nghe người ta nói biết tình gian mà không cáo thời đồng tội, tiểu nhân sợ lắm, kế Viên ngoại tôi bị đòi lên kinh, tôi e Viên ngoại tôi khai rõ chuyện năm xưa, thời tôi có dự vào, biết gian mà không cáo, chắc chẳng khỏi tội, vì vậy phải bôn ba tới đây tỏ bày đầu đuôi, xin Tướng gia xá tội cho tiểu nhân nhờ". Bao Công nghe xong ngồi suy nghĩ giây lâu, bỗng vỗ án hét to rằng: "Hay cho Ngại Hổ, mi dám già hàm lẻo mép, tố cáo quan Tổng quản trong triều, ai bày mưu chỉ lối cho mi, mau khai ngay kẻo chết". Tả hữu cũng hòa tiếng vặn hỏi om sòm.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm