Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Bảy Mươi Hai
Nghê Trung rủi gặp Giao Thành,
Giáng Trinh tính cứu Kế Tổ.

Mã Cường đương nghĩ cách tìm kẻ viết cáo trạng giùm cho Cửu Thành, bỗng thấy thầy trò Nghê Kế Tổ đi tới, trong lòng sinh nghi, liền nghĩ ra một kế, bước tới chắp tay chào rằng: "Tôn huynh mạnh giỏi, chẳng hay phải lên chùa Thiên Trúc dâng hương chăng?”. Nghê Kế Tổ đáp: "Phải, vậy túc hạ là ai?". Mã Cường nói: "Tiểu đệ họ Mã, nhà ở mé trước kia, tiểu đệ có lời nguyện hễ ai đi dâng hương thời mời về nhà mà đãi trà”. Nói đoạn đưa mắt một cái, bọn gia nô hiểu ý, không cần Kế Tổ y lời mời hay không, áp lại nắm hàm thiết ngựa kéo đi. Nghê Trung biết việc không êm, phải lủi thủi đi theo. Đi tới trang môn, Mã Cường vào trước, đi thẳng tới quán Chiêu Hiền hội các hào kiệt lại, đem việc bắt Cửu Thành, gặp tờ cáo trạng, gạt khách vào nhà thuật lại, rồi đưa tờ trạng cho Trẩm Trọng Nguyên coi. Trọng Nguyên coi xong nói: "Tờ trạng này viết hay đặt khéo, nhưng chưa ắt là kẻ tú sĩ đó làm giùm". Mã Cường nói: "Phải hay không cũng cứ treo y lên khảo cho đau rồi hỏi thử". Trọng Nguyên nói: "Viên ngoại chẳng nên làm như vậy. Y là người học trò, nên lấy lễ nghĩa mà đãi, dùng lời lẽ mà hỏi, chừng nào chẳng nhận sẽ tra khảo có vội chi". Mã Cường nghe nói gật đầu, sai gia nô ra mời Kế Tổ vào.
Nghê Kế Tổ đứng trước ngõ đương nghĩ thầm: ”Ta có ý dò phỏng nó, may nay lại có dịp này, nhưng còn e nó không lấy lòng tốt mà đãi thời sao?". Đang suy nghĩ, thấy gia nô ra mời, đi theo tới thính phòng thấy treo có tấm biển đề chữ quán Chiêu Hiền. Mã Cường ngồi chễm chệ ở trên, hai bên sắp hàng rất đông những bọn dao búa vô lại. Kế Tổ còn ngơ ngác thời Trẩm Trọng Nguyên mời ngồi và hỏi rằng: "Chẳng rõ được tên họ của ngài là chi?". Kế Tổ đáp: "Tôi họ Lý tên Đế Thanh". Trí Hóa hỏi: "Ngài tới đây làm gì?". Kế Tổ thưa: "Nhân vâng lệnh mẹ cha lên chùa Thiên Trúc dâng hương". Mã Cường cười ha hả mà nói rằng: “Mi làm sao vậy? Đi dâng hương mà hương đèn vàng bạc ở đâu, sao không mang theo?". Kế Tổ đáp: "Đã sai người đem tới trước rồi, bây giờ chỉ đi với một tớ, thỉnh thoảng xem thưởng phong cảnh dọc đường thôi". Trẩm Trọng Nguyên nói: "Phải xem thưởng phong cảnh là cách phong nhã của người học trò, đến như viết trạng đặt cáo có phải việc của kẻ đọc sách không?". Kế Tổ nói: "Nói thế ấy là có ý gì? Tôi viết trạng đặt cáo cho ai bao giờ đâu?". Trí Hóa hỏi: "Ngài có biết được Hoát Cửu Thành không?". Kế Tổ nói: "Tôi thật chẳng biết ai là họ Hoát cả”. Trí Hóa nói: "Đã chẳng biết thời thôi xin mời vào thư phòng ngồi nghỉ". Dứt lời bọn gia nô đem hai thầy trò Kế Tổ ra khỏi quán Chiêu Hiền.
Vừa ra tới nhà khách thấy một người đầu đội mũ lông mình mặc áo xanh, lưng thắt đai da, chân đi giày rơm, tay cầm roi ngựa đi lại, thấy thầy trò Kế Tổ bèn đứng lại nhìn sững. Nghê Trung thấy người ấy mặt biến sắc, nghĩ thầm rằng: "Thôi không xong, lại gặp oan gia nữa”.
Người ấy là ai? Nguyên đó là Đào Tôn năm xưa trên thuyền. Lúc tỉnh rượu thấy mất Lý Thị và Dương Phương thời nghi là hai người đã cùng nhau trốn lánh. Sau dò hỏi mới hay Dương Phương đầu thân vào nhà họ Nghê, đổi tên là Nghê Trung còn Lý Thị thời tìm không ra tung tích. Hạ Báo và Đào Tôn nhờ dịp phát tài, Hạ Báo lấy một người đàn bà, hủ hỉ sớm khuya, còn Đào Tôn thời gặp Bệnh Thái Tuế Trương Hoa trọng dụng, Mã Cường dùng làm tay tâm phúc đổi tên là Giao Thành. Nhân nghe quan Thái thú mới nhận chức ở Khánh Châu là Nghê Kế Tổ, đương triều Bảng nhãn, lại là môn sinh của Bao Thừa tướng, nên Mã Cường sợ có điều gì quan hệ tới mình, liền sai Giao Thành giả kẻ đi đường dò la tin tức. Giao Thành dò la xong, vừa trở về gặp Dương Phương (tên thật là Nghê Trung) nên nhìn sững đó.
Giao Thành nhìn một hồi, rồi vào ra mắt Mã Cường và các vị hào kiệt, thuật chuyện rằng: "Tiểu nhân vâng lịnh xuống tỉnh, dò xét quan Thái thú là Bảng nhãn Nghê Kế Tổ, người vừa tới nơi, thấu được nhiều cáo trạng có quan hệ với Viên ngoại”. Mã Cường nói: "Nếu có quan hệ tới ta sao chưa thấy đòi?". Giao Thành nói: ”Nhân vì Thái thú đi đường dầm sương dãi nắng, sinh chứng cảm mạo, nên mấy ngày rày dưỡng bệnh, đến các quan liêu cũng chẳng tiếp ai, vì vậy tiểu nhân lập tức về bẩm lại. À, mà hai chủ tới người mới đi đó là ai?". Mã Cường liền đem việc Cửu Thành mà thuật lại. Giao Thành nói: "Viên ngoại chưa rõ, người tớ đó tôi biết lắm, y tên là Dương Phương, tới nhà họ Nghê đã từ lâu lắm ước vài mươi năm nay". Trẩm Trọng Nguyên nghe nói la rằng: "Ối không xong rồi, Viên ngoại đã gạt Thái thú tới nhà đó". Mã Cường lật đật hỏi: "Sao hiền đệ lại biết. ". Trọng Nguyên đáp: "Giao Thành đã nhìn được người tớ già là Nghê Trung, thời chủ chắc là Nghê Kế Tổ chớ ai?". Mã Cường hoảng kinh hỏi rằng: "Việc đã như vậy, giờ tính làm sao?". Tiểu Gia Các Phẩm Trọng Nguyên đáp: "Nhắm không khó gì, bây giờ đợi tới đêm khuya canh vắng, thỉnh Thái thú tới phòng khách lớn chúng ta lấy lễ ra mắt, nói dối là biết Thái thú tới nơi, nên lập kế rước và sơn trang tỏ bày các tình tiết trong các án của người đã cáo. Vậy rồi đem tiền bạc cho nhiều mua chuộc lòng người, xin cho đóng triện làm tin. Nếu người bằng lòng thời các án xong xuôi, lại chúng ta dọn nghi vệ long trọng đưa người về nhà. Sau này ai cũng khiếp sợ chúng ta mà không dám tố cáo nữa. Nếu chẳng được chúng ta đem ra xử tử cho rồi". Trí Hòa nghe nói khen là kế hay. Mã Cường lật đật sai gia nô đem hai thầy trò Kế Tổ nhốt vào phòng không rồi khóa cửa lại, còn mình thì vào trong gặp vợ là Quách Thị.
Quách Thị là cháu của Quách Hòe, thấy chồng mặt có sắc buồn, bèn hỏi rằng: ”Vì sao phu quân chẳng được vui như vậy?”. Mã Cường liền kể việc ấy cho vợ nghe. Quách Thị nghe dứt rầy rằng: “A! Tôi đã nói, bọn người kết giao với phu quân toàn là lũ sói cáo cả, phu quân chẳng nghe. Tin lời chúng nó rồi đây oan nghiệt báo tới cho mà coi. Tôi nghe phu quân mới bắt nàng Cẩm Nương, thiếu chút nữa bị đâm mà chết, nay lại bắt quan Thái thú nữa, đó là ý gì vậy?". Mã Cường liền đem lời của Trọng Nguyên mà thuật lại cho vợ nghe, Quách Thị mới chịu nín, sai con hầu bày tiệc rượu, cùng chồng ăn uống chuyện trò.
Nào dè đâu câu chuyện của vợ chồng Mã Cường nói với nhau đó có con hầu Giáng Trinh nghe rõ cả.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm