Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm
Lập mưu lấy thuốc, chọc giận Hàng Chương.
Rảo bước thăm tin, cho cơm Triệu Khánh.

Lư Phương ở tại lầu Văn Quang, tới hết canh ba mới thấy Hàng Chương và Tưởng Bình trở về. Hai người trông thấy Lư Phương lấy làm lạ lắm bèn hỏi: "Tại sao đại ca lại ra được nơi đây?". Lư Phương liền đem mọi chuyện mà thuật lại. Tưởng Bình nghe dứt, nói với Hàng Chương và Bạch Ngọc Đường rằng: "Đó! Tôi nói như vậy mà anh ba không nghe, thật là đi tìm cái khổ”. Hàng Chương bèn đem quang cảnh lúc vào phủ thuật lại cho Lư Phương và Bạch Ngọc Đường nghe. Lư Phương nghe xong nói: "Muôn ngàn sự đều tại Ngũ đệ hết thảy". Tưởng Bình hỏi: "Cớ nào lại đổ lỗi cho Ngũ đệ?". Lư Phương đáp: "Nếu Ngũ đệ không đi tìm họ Triển thời chúng ta có tới đây làm chi cho sinh sự". Hàng Chương làm thinh, Tưởng Bình nói: "Không trách được, nếu chú năm được thanh danh, bọn ta há chẳng được rỡ mày đẹp mặt sao? Thôi chuyện ấy bỏ qua. Bây giờ anh nghĩ sao đây?". Lư Phương đáp: "Nghĩ sao bây giờ? Tốt hơn là đem Ngũ đệ tới phủ Khai Phong, cầu Bao Thừa tướng tâu với Thiên tử mà gỡ tội. Còn bọn mình thời bồi lễ với Triển Nam Hiệp là xong". Ngọc Đường nghe nói trợn mắt mà rằng: "Lời đại ca nói đó, dẫu chết tôi cũng chẳng nghe". Tưởng Bình nói: "Anh em đều có ý khác nhau, không nên tranh cãi". Lư Phương nói: "Cứ như lời Ngũ đệ nói, vậy chớ có thù khích chi với Triển Nam hiệp không?". Ngọc Đường đáp: "Không có thù khích chi cả". Lư Phương hỏi: "Không thù khích sao lại muốn tranh hơn giành giỏi làm chi?". Ngọc Đường đáp: "Tôi không giận Triển Chiêu, song ghét cái gì mà Ngự miêu mèo quằng đó, nên quyết trừng trị chơi một trận. Nếu không vậy thời đại ca nên cầu Bao Công tâu với Thiên tử lột cái hàm Ngự miêu đi, thời tôi mới chịu tội". Lư Phương nói: "Em muốn làm khó cho ta? Ta đã được người đãi tử tế, mới hứa đi tìm em, nay gặp rồi, lại trỏ mặt lại nói như vậy, mở miệng sao cho được?”. Ngọc Đường nghe nói cười rằng: "Thôi đại ca đã chịu ơn tri ngộ với Bao Công, thời mau mau bắt tôi nộp cho người được lĩnh thưởng công hầu cho sướng”.
Một lời nói ấy cứ như mũi dao đâm vào lòng Lư Phương, làm cho Lư Phương nghẹn ngào tủi hổ, không đáp được một lời, lật đật đứng dậy đi ra khỏi cửa lầu Văn Quang, nhảy xuống đi ra mé sau, bụng nghĩ rằng: "Ôi! Lư Phương này, từ lúc kết bạn với bốn em lòng dạ thế nào, các em cũng biết chứ. Nay vì chút ơn tri ngộ mà phải đi tìm Ngũ đệ đến nỗi Ngũ đệ nghi lòng, nói đường đột như vậy, xấu hổ biết bao nhiêu? Ta biết tính làm sao, không lẽ để cho Ngũ đệ dọc ngang gây họa, mà cũng không biết trả lời với phủ Khai Phong thế nào? Âu là một thác còn hơn!". Nghĩ rồi nhìn lên thấy bức tường trước mặt có nhành cây giơ ra bèn mở dây lưng buộc vào, tính sẽ treo cổ tự vẫn. Vừa sửa soạn đút cổ vào, bỗng thấy một người đi lại, nhìn ra là Tưởng Bình. Tưởng Bình nói: "Đại ca chớ làm như vậy. Ngũ đệ nóng nảy, ăn nói hồ đồ giận nó làm chi?".
Lư Phương nói: "Tứ đệ chẳng nghe lời Ngũ đệ nói hay sao? Ta còn mặt mũi nào mà sống trong trời đất". Lư Phương vừa nói vừa nhỏ nước mắt.
Tưởng Bình nói rằng: "Thói thường tài cao hay ngạo. Nếu chẳng vậy tôi có theo nó làm gì? Vì muốn trị phục nó, nhưng chưa có chước gì. Vậy bây giờ tôi với Đại ca nên vào phủ Khai Phong đem lời nó mới nó mà đọc lại, một là tạ tội, hai là xem Tam ca hạ lạc nơi nào?". Lư Phương nghe nói phải, liền buộc dây lưng vào rồi cùng Tưởng Bình tới phủ Khai Phong.
Khi Bao Công nghe bẩm sai Triển Chiêu ra mời vào. Hai anh em vào tới thư phòng thấy Bao Công ngồi trên, bèn quỳ mọp dưới đất. Từ Khánh đương ngồi trên ghế thấy vậy cũng tuột xuống quỳ theo. Bao Công vội vã truyền rằng: "Nghĩa sĩ đã tới đây, xin cứ ngồi chuyện vãn, có tội tình chi mà phải quỳ lạy". Ba người nghe truyền liền đứng dậy, tả hữu nhắc ghế cùng ngồi. Triển Chiêu và Công Tôn Sách cũng ngồi lại đàm đạo. Bao Công thấy Tưởng Bình người ốm như mai, tướng như người bệnh, liền hỏi mới biết đó là Phiên giang thử Tưởng Trạch Tường vậy. Bao Công liền đem chuyện Mã Hán bị trúng tên thuật lại cho hai người nghe, rồi cậy Lư Phương trở về hỏi Hàng Chương xin thuốc lại cứu. Tưởng Bình nói: "Đại ca bây giờ xin thuốc chắc Nhị ca không cho, vì anh đương a tòng với Ngũ đệ, chi bằng nghe theo mưu tôi có lẽ đoạt được thuốc, mà khi Nhị ca đi rồi, còn một mình Ngũ đệ dễ cho mình bắt được nữa". Lư Phương hỏi: "Kế ấy thế nào?". Tưởng Bình kề miệng vào tai nói nhỏ rằng: "Làm như vậy... như vậy... thời Nhị ca có lẽ nào không đi". Lư Phương nói: "E làm như vậy ta với Nhị đệ chia rẽ nhau”. Tưởng Bình nói: "Tuy bây giờ coi như chia rẽ mà lại đoàn viên. Vả chăng bây giờ đã canh năm rồi, không còn nấn ná được nữa, phải đi lấy thuốc cho gấp". Lại nói với Công Tôn Sách mượn giấy mực. Công Tôn Sách đưa ra, Tưởng Bình cầm viết, viết xong bảo Lư Phương ký tên, rồi từ tạ ra khỏi phủ trở về lầu Văn Quang.
Tưởng Bình về đến nơi nghe Hàng Chương đương khuyên giải Ngọc Đường, liền bước vào nói rằng: "Tam ca tôi đã bị tên độc, Đại ca cõng về tới cụm rừng trước kia, đi không nổi nữa đành để nằm đó, vậy Nhị ca mau mau đem thuốc lại cứu”. Hàng Chương nghe nói vội vã ra đi. Tưởng Bình hỏi: "Còn thuốc ở đâu?" Hàng Chương móc túi đưa ra một gói, Tưởng Bình tiếp lấy xem trong ấy có hai hoàn, bèn móc ra bỏ vào túi, rồi cắn hai cái nút áo, lấy thơ của Lư Phương khi nãy, gói lại rồi nhét vào đưa trả cho Hàng Chương. Hàng Chương tiếp lấy bỏ vào túi. Đi một đỗi Tưởng Bình lẻn mất. Hàng Chương đi riết tới cụm rừng không thấy đại ca, tam đệ, tứ đệ gì cả, liền trở lại lầu Văn Quang thuật chuyện cho Ngọc Đường nghe. Hai người nghi lắm, Hàng Chương rờ tay vào túi thấy hai viên thuốc cộm cứng quá, liền móc ra coi, té ra thuốc biến mất, chỉ có một miếng giấy có viết chữ gói hai cái nút áo mà thôi. Hàng Chương liền bảo Ngọc Đường cùng mình lại góc tường, đánh lửa lên xem, giấy ấy có chữ Lư Phương ký tên, viết tóm tắt: "Nhị đệ mau trói Ngọc Đường lại làm kế nội ứng không vậy khó bắt nó lắm". Bạch Ngọc Đường thấy vậy lòng nghi hoặc liền nói: "Thôi Nhị ca trói tôi lại nộp cho phủ Khai Phong đi”. Hàng Chương nói: "Tứ đệ muốn lập kế phản gián mà. Thôi ta cũng không a tòng theo Tứ đệ mà làm nội ứng đâu, ta đi a!" Nói rồi bỏ ra đi.
Bấy giờ Tưởng Bình lấy được thuốc trở lại phủ Khai Phong, tán một viên đổ cho Mã Hán, giây lâu Mã Hán mửa nhiều nước độc tỉnh lại như thường, ai nấy mới yên lòng. Chiều ngày sau, Tưởng Bình lén lén trở lại lầu Văn Quang, ai dè Ngọc Đường không còn ở đó nữa. Lư Phương về chỗ trọ, sai bạn đương đem hành lý vào ở tại phủ Khai Phong, nên trong phủ được thêm ba nghĩa sĩ nữa. Mới chia ra hai bọn để dò phòng việc đề thơ trong đền Trung Liệt và giết Quách An. Ban ngày bốn người, Vương, Mã, Trương, Triệu, ban đêm Lư Phương, Tử Khánh, Tưởng Bình và Triển Chiêu thám thính.
Một ngày kia nhân lúc vô sự, Triệu Hổ giả dạng khách đi đường dạo chơi ngoài thành, đi một đỗi bụng đói như cào, liền vào quán ở đầu làng ăn lót lòng. Khi ngồi ăn thấy bàn bên cạnh có một ông già, bộ ở nhà quê, mặt mày buồn xo thỉnh thoảng đưa mắt dòm lén. Triệu Hổ bèn hỏi rằng: "Ông lão dòm tôi có ý gì?". Ông già đáp: "Nhân vì bụng đói lắm, thấy khách quan vào uống rượu mà thèm nhưng túi không tiền, chứ có dòm lén chi đâu”. Triệu Hổ nói: "Vậy có ngại gì, ông cứ qua ngồi chung với tôi một bàn ăn uống chơi". Ông già nghe mời cả mừng đi lại ngồi ăn chung với Triệu Hổ.
Ông già ấy vừa ngồi ăn, vừa sa giọt lụy, Triệu Hổ, ngó thấy hỏi rằng: "Ông đã nói đói thời tôi cho ăn, sao lại còn khóc là cớ gì?" Ông già đáp: "Vì tôi có chút tâm sự nên tủi lòng mà khóc". Triệu Hổ hỏi: "Vậy ông tên họ là chi?". Ông già đáp: "Nào dám giấu nhưng nói càng khổ tâm mà thôi, giấu cũng thiệt phận. Vậy xin khách quan nghe nỗi nguy khốn của tôi! Tôi họ Triệu tên Khánh làm thừa sai huyện Nhân Hòa. Một lần Bao công tử thứ ba qua Thái Nguyên dâng hương, ngài cố ý đi vòng ngã Tô Châu, một là dạo xem phong cảnh, hai là bóc lột tiền bạc của châu huyện, cho nên quan huyện sai tôi đặc biệt ở công quán khoản đãi ngài. Ai dè khi ngài đến, chê công quán dơ dáy chật hẹp, tiệc rượu hèn hạ sơ sài, đã không nhận, lại còn bắt quan huyện tôi nộp ba trăm lượng bạc. Trời ôi! Quan huyện tôi thanh liêm rất mực, tiền bạc đâu có mà dâng, vì vậy mà ngài nóng giận, bắt tôi treo sau ngựa, khốn khổ quá tôi lén trốn, tính vào kinh tìm bà con mà nương nhờ, ai dè không gặp, bây giờ biết đi đâu cho được, con nước ở không yên, áo quần không có, cơm nước cũng không, cái họa đói rách không thể khỏi chết". Nói rồi bưng mặt khóc rống lên. Triệu Hổ nói: "Vậy thời ông nên viết một tờ trạng, đội lên thượng ti, kêu oan sự bị hiếp bức này “.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm