Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu
Bao Công xuống điện âm Dương,
Khuất, Bạch hai người đổi xác.
Trọng Võ vào phủ Khai Phong,
Triển Chiêu một lúc về làng.

Bao Công nghe Bao Hưng nói như vậy cả giận la rầy, song Bao Hưng cứ nhỏ nhẹ thưa rằng: "Việc ấy nếu Tướng công không xuống điện âm Dương thời chẳng còn cách nào nữa”. Bao Công hỏi rằng: "Điện âm Dương ở đâu?". Bao Hưng thưa: "Ở dưới cõi âm ti địa phủ”. Bao Công nghe nói càng thêm giận, nạt lớn rằng: "Đồ khốn ta bảo câm đi, còn lẻo mép hả, có ai sống mà xuống được âm ti bao giờ?". Bao Hưng nói rằng: "Tiểu nhân đâu dám lẻo mép, vì tiểu nhân có đi rồi". Bao Công hỏi: "Mi đi hồi nào?". Bao Hưng thưa: "Hồi ở trấn Tam Tinh, tiểu nhân lén thử gối Du Tiên, xuống tới điện Âm Dương bị Âm thần nói tôi giả mạo Tinh chủ nên đánh đuổi về”. Bao Công nghe nói tới hai tiếng Tinh chủ, thời nhỏ lúc xử án cái chậu đen và tại cung Ngọc Chấn xét hồn oan, cũng nghe quỷ gọi mình là Tinh chủ, nên cho lời nói ấy có lý phải, bèn nói: "Bây giờ gối ấy ở đâu?". Bao Hưng nói: "Dạ, để tiểu nhân đi lấy“. Nói rồi lật đật lui ra, một lát đem gối dâng lên. Bao Công tiếp lấy xem, thấy như một khúc cây mục, trên có chữ lăng quăng coi không rõ là ý gì. Bao Công xem rồi gật đầu trao lại cho Bao Hưng. Bao Hưng hiểu ý đem vào ngự phòng để lên giường buông màn trải nệm xong, ra rước Bao Công vào. Bao Công thấy xếp đặt màn gối xong xuôi, vừa lòng lắm, liền để áo leo lên nằm, còn Bao Hưng cũng ở đó hầu hạ.
Bao Công tuy muốn ngủ, song trong bụng có điều lo, nên cứ trăn trở mãi, tưởng lúc mình còn đứng bên ngai vàng tâu với Thiên tử những việc oan án, vừa xong bái tạ lui ra khỏi triều thấy có hai đồng tử áo xanh dắt tới một con ngựa đen, thưa rằng: "Thỉnh Tinh chủ lên ngựa“. Bao Công liền leo lên, quất một roi, ngựa chạy như bay, trong nháy mắt đã tới một tòa thành trì rất đồ sộ. Bao Công còn đương nghĩ ngợi, ngựa đã sải qua khỏi cửa thành, vào tới một nơi nha môn liền đứng lại. Có hai vị quan phán bước tới thi lễ và thưa rằng: "Thỉnh Tinh chủ thăng đường". Bao Công liền bước xuống ngựa đi thẳng lên đơn trì thấy giữa đại đường có treo ở trên một tấm biển đề bốn chữ: "Âm dương bảo điện" và thấy la liệt trên công vị những bàn ghế đều một màu đen, Bao Công vội vã ngồi trên ghế giữa. Hồng phán quan dâng lên một cuốn sổ nhỏ, Bao Công giở ra xem không thấy chữ, vừa muốn hỏi, lại thấy Hắc phán quan tiếp lật ra trải trên bàn. Bao Công xem kỹ thời thấy có tám câu chữ ngay ngắn: "Nguyên là sửu với dần, đã dùng mèo với thìn, thượng ti hay lầm lạc, cho nên hồn nhập nhầm, nếu muốn rõ việc ấy, mảnh gương xưa vẫn còn, trích máu ra rọi thử, ngón giữa mới là đúng”. Bao Công xem rồi, đương còn nghĩ ngợi, bất giác giật mình, kêu lên một tiếng, Bao Hưng bưng đèn vào xem, Bao Công hỏi rằng: "Bây giờ là chừng nào?". Bao Hưng đáp: "Mới hết canh ba". Bao Công dậy pha trà đem uống, bỗng thấy Lý Tài thưa có Công Tôn Sách tới ra mắt. Bao Công liền ra tiếp, Công Tôn Sách thưa rằng: "Bệnh của Phạm sinh, tiểu sinh đã cứu khỏi rồi". Bao Công cả mừng hỏi: "Bây giờ đã được như thường chưa?". Công Tôn Sách đáp: "Cơn điên đã hết, song còn yếu đuối lắm". Bao Công khen rằng: "Công tiên sinh thật kỳ tài, cảm phiền chịu nhọc một chút nữa cho y thật mạnh càng tốt". Công Tôn Sách vâng dạ, uống trà rồi lui ra. Bao Công ngồi nghỉ một lát, sai Bao Hưng vào lấy gương cũ và bảo Lý Tài ra truyền thăng đường. Bao Công an tọa rồi, sai Bao Hưng treo Cổ cảnh lên, và cho đòi hai người nhập nhầm hồn vào, bảo trích máu đầu ngón tay giữa nhỏ vào mặt gương. Khi nhỏ máu vào, gương ấy chói lòa ra, sáng rực cả công đường, ai nấy đều lòa mắt, hai vết máu cứ luân chuyển chạy hoài, không nhập lại, Bao Công bảo hai người nhầm hồn rọi mặt vào gương ấy Hai người đều kê mặt vào xem, thấy mình kẻ thời bị thắt cổ, kẻ thời treo cổ, họng nghẹt cứng, thở không ra hơi, ngã lăn xuống đất mê man. Ai nấy thấy vậy đều sợ nhìn lên thời gương không chói lòa như khi nãy. Còn hai người nọ lần lần tỉnh dậy, vẻ không còn lộn xộn như trước, Bao Công sai Bao Hưng lau gương đem cất chung với Cổ kim bồn, và gối Du tiên, truyền đưa Khuất Thân ra ở ngoài ban phòng, còn Bạch Thị thời giao cho nữ dịch nuôi dưỡng.
Qua ngày sau, Công Tôn Sách dắt Phạm Trọng võ tới tạ ơn Bao Công. Bao Công dạy Trọng Võ sao lục lại những bài làm ở trường thi, cho mình kẹp luôn với bản trình lên Thiên tử. Lại cho Trọng Võ hay rằng vợ con y đều đã bình an. Phạm Trọng Võ nghe tin như vậy mừng rỡ khôn xiết. Bao Công thấy người còn yếu nên bảo Công Tôn Sách đem về điều trị nữa. Hai người vừa ra khỏi cửa, Vương Triều, Mã Hán giải Oai liệt hầu Ác Đăng Vân tới. Bao Công liền thăng đường tra hỏi. Ác Đăng Vân ỷ mình là Hầu gia lại nhiều bạn thế lực, nhắm Bao Công không thể làm gì mình nên không chối cãi, cứ thật khai ngay. Bao Công nghe xong buộc ký khẩu cung, rồi bảo Mã Hán đem ngư bình ra dùng Hổ đầu trát chém Ác Đăng Vân, Cẩu đầu trát chém Lý Bảo, còn Ác Thọ thời xử trảm giam hậu, và vợ Lý Bảo cũng xử giảo giam hậu. Diệp đạo sĩ bị tội khui thây trộm của, đầy ra tỉnh Thiểm Tây, phủ Diêm An sung quân. Anh em Khuất Thân thời lĩnh bạc ra về, con lừa trắng nhập công, vì Khuất Thân có tính tham nên bị phạt. Lừa đen của Trọng Võ có công được đem về nuôi dưỡng ở phủ. Bấy giờ vợ chồng Phạm Trọng Võ cũng bái tạ Bao Công và đi tới thôn Bác Bảo. Mẹ con, chị em, vợ chồng, cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bao Công xử xong án ấy, viết tấu tâu lên Thánh thượng tỏ hết tội ác của Oai liệt hầu và điều oan uổng của Trọng Võ, lại xin hoãn lại mười ngày sẽ mở yến hội đãi tân trạng. Nhân Tôn vui lòng phê chuẩn. Lại thấy có một đạo tấu văn dâng lên nữa, coi ra là Hộ vệ Triển Chiêu tâu xin nghỉ chức về tế tổ. Thiên tử cũng ưng chuẩn cho nghỉ hai tháng như lời xin.
Nam Hiệp Triển Chiêu đã được Thiên tử y tấu, bọn Công Tôn Sách và bốn dũng sĩ bày tiệc tiễn hành, lưu luyến vài ngày xếp đặt hành trang rồi mới ra đi. Đi tới một chỗ rất vắng vẻ, Triển Hùng Phi liền thay đồ triều phục, giả dạng võ sinh như cũ, rồi nhắm phủ Thường Châu, làng Ngộ Truật mà trở lại. Về tới nhà gõ cửa thấy lão bộ Triển Trung ra mở. Triển Trung thấy Nam Hiệp về mừng quýnh chào hỏi lăng xăng, rồi chạy vào trong rót trà bưng ra. Triển Chiêu mời mọi người cùng uống. Triển Trung đứng một bên nói rằng: "Lúc quan nhân đi rồi ở phủ Khai Phong có sai người tới rước, và đem lễ vật rất nhiều, tôi không nhận, song họ cứ để đó về, lại có để thư lại”. Vừa nói vừa móc thư đưa ra, Triển Chiêu xem xong cười rằng: "Bây giờ ta đã làm quan võ thuộc tứ phẩm tại phủ Khai Phong rồi". Triển Trung cười: "Quan nhân nói chơi sao chớ, quan tứ phẩm mà ăn mặc như vậy?". Triển Chiêu đưa gói phẩm phục cho coi, Triển Trung xem xong sụp xuống đất lạy, Triển Chiêu đỡ dậy hỏi: "Ngươi làm cái gì lạ vậy?". Triển Trung đáp: "Bây giờ quan nhân được làm quan, tôi phải lạy ra mắt chớ". Triển Chiêu cười rằng: "Tình nghĩa thầy trò trước sao sau vậy, cần chi phải giữ lễ lắm?". Nói đoạn đưa tiền sai sắm lễ phẩm mai sẽ tế tổ tiên. Triển Trung lĩnh tiền ra đi, gặp ai khoe nấy, gặp ai nói nấy, chẳng bao lâu mà xóm làng đều rõ, có quan tứ phẩm hộ vệ về làng tế tổ, nên đúng ngày sau là ngày hỉ tế, người ta xúm lại rất đông. Triển Chiêu mặc sắc phục vào, cỡi ngựa đi trước oai nghiêm hùng dũng, tướng mạo đoan trang, ai nấy cũng khen. Tới phần mộ thấy bốn bề sạch sẽ, cây cối rườm rà, lòng khen thầm Triển Trung là tớ có nghĩa, tế lễ xong xuôi, đãi đằng làng xóm suốt ngày mới hết.
Nam hiệp tế tổ rồi ở lại nhà ít ngày, Triển Trung nhân lúc nhà hạ, bàn tới việc hôn nhân, thời Triển Chiêu tỏ ý rằng: "Ta cũng đương nghĩ tới việc đó, nhớ lại anh em bạn ta lúc trước có điềm chỉ ở Khanh Châu, vậy ta muốn qua đó xem thế nào sẽ liệu“.
Mấy hôm sau, Triển Chiêu giao cả nhà cửa mồ mả cho nghĩa bộc Triển Trung căn dặn ít lời, rồi từ giã, cùng lính theo ra cửa nhắm Khanh Châu rảo bước.
Đó thật là:
Áo gấm đã vinh vang hiệp sĩ,
Đuốc hoa còn chọn lựa giai nhân.

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm