Dịch giả: Phạm Văn Điểu
Hồi Thứ Hai Mươi Ba
Bị đánh đau, Trọng Võ phát điên,
Ham uống rượu, Khuất Thân bỏ mạng.

Nói về Kim Ca nhận được cậu và bà ngoại rồi, bèn đem chuyện tìm bà tới lúc bị cọp tha thuật lại, nhân nhắc tới cha mẹ thời khóc rống lên. Bạch Hùng dỗ rằng: "Cháu đừng khóc nữa, bữa nay trời đã tối rồi, đợi sáng mai cậu sẽ vào cửa Đông Sơn tìm cha mẹ cháu”. Kim Ca nghe nói cũng yên lòng.
Gà vừa gáy sáng, trời vừa tan sương, Bạch Hùng ăn sơ ít hột cơm rồi nhắm hướng Vạn Toàn sơn đi tới. Đi dọc đường gặp một người đàn ông tóc rối như tơ vò, máu chảy đầy mặt, tay trái xách áo, tay mặt xách một chiếc giày đỏ, thấy mặt Bạch Hùng không hỏi han gì xách giày lại đánh, vừa đánh vừa nói: "Đồ chó, mày giỏi đánh tao đi, mày giỏi giết tao đi! “. Bạch Hùng lấy làm lạ lắm, nhìn thời hình dáng giống anh rể mình là Phạm Trọng Võ, song hỏi thời người ấy nói điên nói khùng hoài, không biết làm sao, tính trở về cõng Kim Ca qua cho cha con nhận nhau. Nghĩ vậy liền chạy về thôn Bác Bảo.
Người ấy chính là Phạm Trọng Võ. Lúc Trọng Võ nghe ông tiều nói vợ mình bị Oai liệt hầu bắt, liền bươn bả tới nơi đứng ngoài cửa réo đòi vợ. Ai dè ác Đăng Vân lập mưu gạt Trọng Võ vào nhà, nửa đêm phao rằng vào nhà ăn trộm, hạ lệnh cho gia đình kẻ gậy người hèo đánh chết ngất đi, rồi bỏ vào hòm, sai người khiêng đem bỏ trong rừng hoang, vừa khiêng đi dọc đường gặp một tốp người đi tới, chúng nó hoảng bỏ chạy. Tốp ấy nguyên là người ở phủ Khai Phong, lúc điểm danh biết Trọng Võ đậu trạng, nên lại nhà trọ báo tin, thấy cửa khóa then gài, người không bóng vắng, hỏi chủ phòng mới biết là Trạng nguyên đi Vạn Toàn sơn tìm mẹ, liền tức tốc đi tìm, bất kỳ nửa đường gặp hai đứa khiêng rương tưởng là kẻ trộm, vừa đón bắt, thời chúng đã chạy dài, lật đật mở rương ra xem, ai dè Trọng Võ chết đi sống lại, ở trong rương nhảy tót rạ, xách giày đập bậy, đụng ai đập nấy, nói xàm như điên. Bọn người đi báo tin đỗ trạng thấy kẻ đó mặt mày máu nhuộm, tóc tai rối bù, nói năng lảm nhảm, cho là người điên nên bỏ đi thẳng. Còn Trọng Võ thời nghêu ngao nơi đường sá, ăn bậy nói xàm, may gặp Bạch Hùng. Bạch Hùng chạy riết về nhà cõng Kim Ca, khi tới nơi, người điên khi nãy đâu mất, không biết liệu làm sao, lại cõng về. Về nhà hỏi kỹ Kim Ca xem nơi trọ của cha mẹ nó mướn ở chỗ nào, bèn lặn lội vào. kinh tìm kiếm.  Đường xa hơn bốn chục dặm, tưởng tới nơi là gặp chị và anh, ai dè chẳng thấy, cửa khóa then gài, đành ôm sầu nuốt thảm mà trở lại. Đi bơ vơ ở chợ nghe người nói: "Tân Trạng nguyên là Phạm Trọng Võ, bỏ chỗ ở đi đâu mất, tìm mãi chưa gặp". Bạch Hùng nghe vậy hơi yên lòng, vì nếu Trọng Võ mà thi đậu thời có người tìm kiếm, bất tất phải bận lòng lo, nên quay trở về.
Ngày mà Bạch Hùng đi tìm Trọng Võ đó, có lắm chuyện rắc rối xảy ra. Nguyên tại đường Cổ Lầu trong thành có một xưởng cây tên là Hưng Long của hai anh em người ở Sơn Tây là Khuất Thân và Khuất Lương. Khuất Thân hay uống rượu say sưa nên thiên hạ đều gọi là Khuất hồ tử, còn Khuất Lương là người tử tế lanh lợi nên xưởng cây nhờ đó mà được khá giả.  Ngày kia Khuất Thân nói với em rằng: "Ta nghe bên trại cây phía nam núi Vạn Toàn, mới chở cây về nhiều lắm, vậy ta tính qua trả giá mua ít nhiều, em nhắm có được hay không?". Khuất Lương đáp: "Anh lo lắng như vậy là tốt”. Nói rồi vào trong lấy ra bốn trăm lượng bạc đưa cho Khuất Thân và sai gia đinh dắt ra một con lừa trắng cho anh cưỡi. Con lừa ấy tính hay nhập bầy, khi đi đường một mình thời đi dở lắm. Hễ có bóng lừa khác đi trước thời hoang mang chạy theo rất giỏi. Khuất thân lĩnh bạc cỡi lừa nhắm trại cây mé nam núi Vạn Toàn đi tới. Khi ra mắt, chủ trại tính toán giá cả không xong, chẳng bằng lòng mua. Song thường thói con buôn hay chiêu mối hàng, nên bày tiệc rượu đãi Khuất Thân rất hậu. Khuất thân bị tiệc rượu ấy, cù cưa cù nhằm tới tối mới kiếu ra về. Vừa đi ngang một chỗ kia, lừa bỗng dở chứng, co đầu, rùng cổ, nhảy đá lăng xăng, Khuất Thân biết ở trước chắc có lừa khác, liền nới cương chạy tới, quả thấy trong bụi đầu kia có một con lừa đen rất tốt, yên lạc còn đủ.  (Nguyên lừa ấy của Phạm Trọng Võ vợ mất con cọp bị tha, Trọng Võ bỏ đi để lừa lại đó). Khuất Thân liền kêu lớn: "Lừa của ai bỏ đây?". Kêu năm bảy lần cũng không nghe trả lời, liền nghĩ trong bụng rằng: "Nay gặp được lừa này, yên lạc rất tốt, lại mập mạp, ta cũng nên đổi quách con lừa này đi". Nghĩ rồi nhảy xuống, mở túi bạc buộc qua lưng con lừa đen, nhảy lên quất một roi, bỏ lừa trắng của mình lại đó.
Trời bấy giờ tối lắm, lại không có trăng, phần thời đường núi khó khăn nên Khuất Thân tìm kiếm nhà ngủ đậu, chợt thấy trước mặt có bóng đèn, bèn giục lừa tới gõ cửa, một lát chủ nhà ra mở cửa và mời vào trong. Khuất Thân tỏ ý xin nghỉ nhờ, chủ nhà bằng lòng. Khuất Thân buộc lừa cởi yên và đem túi bạc để trên chõng, rồi cùng nhau ngồi nói chuyện. Chủ nhà ấy nguyên là Lý Bảo quản gia của Lý Thiên Quan cho theo Bao Công đi trước. Ngày Bao Công bị cách chức, nó mới gom góp của cải trốn đi, rồi ăn chơi sa đọa nên tiền của đã sạch bách, sau trôi nổi các nơi, may gặp người gả con cho, và mở hàng buôn bán. Ngựa quen đường cũ, rượu gặp bợm ghiền. Lý Bảo được tiền cứ theo thói trước, xài phá đến tiêu sự nghiệp. Lý lão rầu mà chết, còn có hai vợ chồng, không biết lấy gì ăn, bán lần bán hồi gian hàng cũng xẹp, đồ đạc hết trơn, nay chỉ còn ba gian nhà rách đó. Lý Bảo đương ngồi nói chuyện với Khuất Thân, thấy chong đèn cạn dầu, bèn bước vào trong múc thêm. Người vợ buồn rầu, thấy chồng mới kề miệng vào tai nói nhỏ rằng: "Người khách bỏ gói gì trên chõng khi nãy mà khua đó?". Lý Bảo đáp: "Ấy là gói bạc". Người” vợ nói: "Chắc là nhiều lắm nên coi bộ nặng, thôi vợ chồng mình phát tài rồi!". Lý Bảo hỏi: "Làm sao được?". Người vợ đáp: "Có khó gì, mình trở ra hỏi y coi muốn uống rượu không, như y chịu uống, thời sẵn rượu ngon đây, mình ép cho thật say, rồi chừng đó thiếp sẽ có kế... ". Lý Bảo hội ý bưng dầu ra châm ngồi lại nói chuyện rất là thân thiết. Nói bao la thế giới một hồi bèn hỏi Khuất Thân rằng: "Đại ca tới đây cũng tối không biết lấy chi khoản đãi, xin tạm bày tiệc rượu cùng nhau chuốc chén, gọi là chút nghĩa sơ giao". Khuất Thân nghe nói tới rượu thì khoái chí lắm, lật đật đáp rằng: "Trong lúc lỡ chân trái bước này, nếu hiền huynh hạ cố tới thời còn chi vui bằng”. Lý Bảo thấy Khuất Thân trúng kế, lật đật vào trong hâm rượu bưng ra, rồi cùng nhau ngồi lại chén chú chén anh. Khuất Thân nào dè mưu quỷ, tưởng thật nên cứ việc uống hoài, uống đến nỗi say mèm, nằm ngủ mê ngáy như trâu thở. Bấy giờ vợ Lý Bảo trong buồng bước ra, Lý Bảo hỏi rằng: "Nó đã say rồi, phải nghĩ mưu nào lấy tiền cho yên?". Người vợ không đáp, trở xuống bếp lấy một sợi dây luộc rất dài, đưa cho Lý Bảo mà rằng: "Cầm sợi dây này thời biết". Lý Bảo dùng dằng không chịu, người vợ gắt rằng: "Đã tham tiền mà còn làm mặt hiền từ nhân đức". Lý Bảo cực chẳng đã phải cầm dây, người vợ liền làm vòng đút vào cổ Khuất Thân, chồng một mối vợ một mối, ráng hết sức kéo thẳng ra,  Khuất Thân nghẹt cổ giãy giụa một hồi rồi trợn trắng mắt lên, duỗi tay chết thẳng cẳng. Vợ chồng Lý Bảo giết Khuất Thân rồi, bèn mở túi bạc ra đếm, thấy trong ấy cả thảy đến tám gói thời vui mừng khôn xiết:
Thật là:
Tham của giết người không sợ tội.
Thấy tiền tối mắt có sai đâu!

Truyện Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Lời Giới thiệu Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi Thứ Mười Năm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Thứ Ba Mươi Ba Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Hồi Thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi Thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Hồi Thứ Tám Mươi Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Hồi Thứ Tám Mươi Hai Hồi Thứ Tám Mươi Ba Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Hồi Thứ Tám Mươi Tám Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hồi Thứ Chín Mươi Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Hồi Thứ Chín Mươi Hai Hồi Thứ Chín Mươi Ba Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Hồi Thứ Chín Mươi Tám Hồi Thứ Chín Mươi Chín Hồi Thứ Một Trăm