CHÂN TÂM
Tác giả: Ma Trí
Nguồn: KTNN số 667, ngày 20.02.2009

Có một cư sĩ nghe danh vị cao tăng nọ, bèn tìm tới tham vấn. Hai người gặp nhau, chuyện trò rất tương đắc. Đến bữa trưa, chú tiểu trong chùa của cao tăng dọn ra hai dĩa cơm, một lớn một nhỏ, mời hai người.
 
Vị cao tăng nọ đẩy dĩa lớn đến mặt cư sĩ nói: “Ngươi dùng dĩa lớn đi!.”
 
Theo lẽ thường thì vị cư sĩ kia sẽ đẩy dĩa lớn nhường lại cho vị cao tăng để tỏ lòng kính trọng, nhưng vị cư sĩ này không làm thế mà cứ điềm nhiên ăn. Vị cao tăng thấy vậy không khỏi nhíu mày, nghĩ bụng: “Ta cứ tưởng hắn tuệ căn bất phàm, ai ngờ cả lễ nghĩa thông thường mà hắn cũng không biết!”.
 
Cư sĩ ăn xong, thấy vị cao tăng vẫn chưa động đũa mà vẻ mặt có vẻ không vui, bèn cười hỏi: “Sao ngài không ăn?”.
 
Vị cao tăng không trả lời. Cư sĩ lại cười, tiếp: “Tôi đang đói nên chỉ lo ăn mà quên mất cả chuyện kính nhường ngài. Nếu tôi đã nhường dĩa lớn ngài nhường cho tôi thì đó không phải là bản ý của tôi. Mà đã không phải là bản ý của tôi thì tôi phải làm như vậy để làm gì? Tôi muốn hỏi ngài rằng ngài nhường cho tôi với mục đích gì?”.
 
Vị cao tăng nói: “Thì để ngươi ăn!”.
 
Cư sĩ lại nói: “Nếu vậy ngài ăn cũng là ăn, mà tôi ăn cũng là ăn, hà tất ngài phải nhường cho tôi! Chẳng lẽ ngài nhường dĩa lớn cho tôi không phải xuất phát từ chân tâm? Nếu không xuất phát từ chân tâm thì tại sao ngài còn làm vậy?”.
 
Cao tăng nghe nói tới đó bỗng tỉnh ngộ, bèn xấu hổ cáo lui.
 
(Theo Chan Gushi)