Chương 39

Trước sự im lặng đầy dò xét của Vĩnh, thật kỳ quặc, anh có cảm giác như vừa làm một điều gì thiếu minh bạch, và bị bắt gặp. Để phá vỡ sự im lặng nặng nề, Hải muốn nói muốn nói một điều gì đó, vui vẻ và thân thiện, thế rồi anh cũng không mở miệng nói gì. Mấy năm đại học, họ chơi với nhau quá thân, thân đến nỗi chẳng bao giờ có thể nói với nhau những lời xã giao khách khí. Ngay cả khi khoảng cách và các mối nối đứt vỡ hiện ra, thì họ cứ giữ nguyên cái thông lệ ấy. Cả hai lẳng lặng nối nhau đi xuống tầng trệt, bước ra khoảng sân trước nhà. Từ phía sau, anh mắt Vĩnh vẫn lạnh lẽo chiếu vào gáy Hải. Anh chỉ muốn lấy xe, ngay lập tức ra khỏi ngôi nhà lớn. Lúc này, Vĩnh mới lên tiếng:
-Cậu đi xe tớ, tụi mình cùng lên trường!
-Xài xe tớ thì hơn! – Hải nói khẽ.
-Tại sao không đi xe tớ? – Vĩnh nhướn mày – Cậu nghĩ rằng tớ nên bắt chước Hữu, làm trò mị dân, đi xe cũ và xấu để tỏ ra gần gũi mọi người sao?
-Không, cậu nghĩ xa xôi quá. Đơn giản là tớ đến đây bằng xe của tớ, và tớ muốn ra khỏi đây cũng bằng xe của tớ. Vậy thôi!
Vĩnh gật đầu, chấp nhận ý kiến của bạn. Bao giờ cũng vậy, bằng óc phán đoán sắc bén cũng như sự nhạy cảm đặc biệt, anh dễ dàng đọc rõ những ngầm ý bên dưới các câu nói ngỡ như vô thưởng vô phạt của người xung quanh. Mặt khác, việc tranh luận “đi xe ai” nhỏ nhặt giữa anh và cậu bạn thân ẩn giấu một sự thật mới: Hải đang ngày càng vững chãi hơn, tự tin hơn. Ảnh hưởng của anh lên bạn đã thu hẹp. Cậu ấy không muốn phụ thuộc vào anh như trước. Ngay cả việc Hải đến gặp ba anh vào sáng sớm, anh không hề được biết cũng là một điểm hết sức khác lạ. Quá nhiều thay đổi trong thời gian qua, vì đi công tác vắng mặt, mà anh hoàn toàn không nắm bắt. Ngồi sau xe, Vĩnh đặt một tay lên vai bạn. Đôi vai rắn chắc và vững chãi. Sự tiếp xúc thân thiện thoáng qua bất giác xóa mờ cảm giác xa cách. Hải hơi ngoái lại hỏi, giọng nói đã bớt đi sự căng thẳng:
-Cậu ăn sáng chưa? Tớ ăn rồi đấy. Ba cậu mời.
-Tớ ra ngoài ăn sáng một mình. Nghe chị Năm nói cậu tới gặp ba tớ, tớ ngạc nhiên quá. Hiếm khi nào một người như ba tớ lại có thời gian mời ai đó ăn sáng. Ăn sáng và nói chuyện trong phòng làm việc của ông ở nhà lại càng không! – Vĩnh nhận xét, không phải không có chút ghen tị.
-Cậu có muốn biết ba cậu nói gì với tớ không?
-Đó là điều tớ muốn biết. Nhưng nếu cậu không thể nói, thì không sao đâu.
-Không, chẳng có gì phải bí mật. Trước sau gì cậu cũng nên biết. Ba cậu muốn bảo trợ cho tớ đi du học ở bên Sing.
-Sang đó học và để mắt đến Thái Vinh? – Vĩnh hiểu ngay ra vấn đề. Cũng như Hải, anh lặng đi trong vài giây.
-Đúng vậy. Một lời đề nghị bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng, phải không?
-Cậu sẽ nhận lời ba tớ chứ? – Vĩnh hơi căng thẳng và ngạc nhiên. Xưa nay, Hải là người thẳng thắn, luôn bày tỏ thật các ý nghĩ và có những quyết định nhanh chóng, cương quyết.
-Tớ chưa thể nghĩ gì vào lúc này đâu, Vĩnh ạ.
Bất chợt, Vĩnh nhận ra mình cư xử khá thô lỗ. Dù Hải nghèo, nhưng chưa bao giờ anh có thể nghĩ cậu ấy thiếu tự trọng. Trong sự kiện khá bất ngờ thế này, anh hiểu, đừng chờ đợi một sự mừng rỡ hay vui sướng bồng bột ở một người như Hải.
Suốt thời gian học buổi sáng, Hải không ghi chép được gì nhiều. Đầu óc anh cũng tiếp nhận được rất ít thông tin từ bài giảng. Những đề nghị của ông Quang vẫn vang lên, rõ ràng từng lời một, trong tai anh. Giá như cách đây một năm, nhận được lời đề nghị ấy, anh sẽ mừng rỡ không để đâu cho hết. Nhưng giờ đây, những trải nghiệm đã dạy cho anh thấy, bất kỳ điều gì càng tốt đẹp, thì càng phải cân nhắc đắn đo. Du học là giấc mơ đã biến thành sự thật, được ba Vĩnh đích thân đặt vào tay anh. Thật lạ, lúc này trong anh lại là vô số cảm giác xáo trộn. Mừng? Có, anh biết đây là một cơ hội rất lớn, nếu bỏ qua sẽ chẳng biết khi nào mới lặp lại. Hy vọng? Chắc chắn là có. Càng ngày anh càng thấm thía, hơn bất cứ điều gì khác, chỉ có học thức mới là chìa khóa mở ra những cánh cửa tốt đẹp, giúp anh vượt qua không chỉ mặc cảm nghèo khó tăm tối hay bảo đảm một tương lai tốt lành, mà quan trọng nhất, chính nó đã trao tặng cho anh cảm giác tràn đầy, vững tin, ngay cả khi anh vững tin đơn độc một mình giữa hàng ngàn kẻ lạ. Đi làm cho ông Quyền, mới chỉ tập tành quản lý điều hành một cái resort nhỏ, mà anh đã phát hiện ra vô số lỗ hổng, cả về kiến thức chuyên môn lẫn vốn liếng văn hóa, khả năng giao tiếp ứng xử. Mỗi lần vấp váp, bị sốc, điều duy nhất ám ảnh Hải luôn là cái ý nghĩ “giá như mình học được nhiều hơn, sâu hơn, có kỹ năng hiện đại hơn thì tốt biết bao…”. Với kinh nghiệm làm ăn, ông Quyền chỉ dạy cho anh khá nhiều mẹo mực mánh lới kinh doanh hiệu quả. Thế nhưng Hải vẫn biết, nó chỉ giúp ích anh trong một số trường hợp nhất định. Còn để đi đường xa, anh cần học hành bài bản, có cái nhìn bao quát và văn minh. Hồi còn là thằng bé nhà nghèo ở quê, Hải đã ham học. Lên thành phố, môi trường học tập thuận lợi, anh như cá thả vào nước. Từ lúc nào đó, việc học với anh đã thành niềm vui. Chính xác, nó là một thứ khoái cảm tinh thần đặc biệt.
“Có lẽ mình sẽ đồng ý. Nghèo như mình, chẳng nên quá kiêu hãnh. Chỉ cần học hai năm thôi, mình sẽ về nước. Có bằng cấp tốt, nếu không làm cho công ty nhà Vĩnh thì cũng kiếm được chỗ làm tốt. Mình cố gắng trả ơn ba Vĩnh bất cứ khi nào bác ấy cần. Cho mình đi học như vậy, bác ấy tốn cả đống tiền chứ chẳng chơi… - Đầu bút bi trong tay Hải nguệch ngoạc trên mặt giấy theo dòng suy tính miên man. Hơi cắn môi, anh lập luận tiếp – Thế nhưng sao mình thấy thật áy náy và khó nhìn mặt Vĩnh khi dựa dẫm vào gia đình cậu ấy như vậy. Kể ra, nếu nhìn nhận thẳng thắn, thì đây cũng là một cuộc trao đổi. Hai bên cùng được lợi. Có phải mình sĩ diện quá không vậy? Có phải đôi khi, bất chấp và liều lĩnh, sẽ được lợi hơn không?”
Khi lời tạm biệt của giảng viên vang lên trên micro, cũng là lúc Hải đi đến quyết định: Anh sẽ gọi điện thoại cho ông Quang. Sáng mai. Anh thực sự muốn được du học.
Một cuộc chạy đua bỗng vỡ ra trên hành lang. Từ phía sau, vài bạn trong lớp chen bật cả Hải và Vĩnh. “Có việc gì vậy?” – Vĩnh kinh ngạc. Hải cũng bàng hoàng không kém. Hình như dưới sân có sự vụ gì đó. Túm lấy một bạn vừa chạy ngang qua, Vĩnh nói: “Có chuyện gì mà ồn ào vậy?”. Anh chàng ngoác miệng cười, giọng hồn hậu: “Hữu mới nhắn tin. Cậu ta nói lô mũ bảo hiểm mà cậu ta xin tài trợ, phát không cho sinh viên trong khoa đã về tới. Cậu ấy còn nói có thể số lượng kỳ này chưa đủ, nên ai tới trước, phát trước. Còn mấy bạn đã đăng ký thì phải đợi kỳ sau. Nhưng tui cứ chạy lấy trước cho chắc ăn. Sắp tới ngày bắt buộc ai cũng phải đội nồi cơm điện ra đường rồi…”. Mọi người đã chạy gần hết xuống cầu thang, Vĩnh hơi nhún vai:
-Lại trò kỹ xảo của Hữu nữa, đúng không hả?
-Ừ, tớ bảo đảm là nó xin một hãng nào đó tài trợ mũ bảo hiểm cho sinh viên trường mình. Rồi dán chi chít logo nón. Được sinh viên Kinh tế quảng cáo đâu có phải chuyện đùa! – Hải cười.
-Đừng coi nhẹ Hữu nữa, Hải ạ. Nó là đứa biết cách để đạt được mục đích. Cách nào không quan trọng, miễn là có được thứ nó muốn. Chẳng ai trong các bạn muốn biết làm cách nào Hữu có mũ bảo hiểm. Họ chỉ quan tâm liệu họ có mũ miễn phí không mà thôi…
-Cậu nói đúng. Chắc chắn cứ đà này, thằng ma lanh ấy thắng cử đến bảy mươi phần trăm. Điều ấy có khiến cậu suy nghĩ không? Ngày bầu cử đã rất gần rồi đó! – Hải nhắc, thoáng bực dọc vì vẻ lãnh đạm của Vĩnh – Cậu có định làm một điều gì đó, để đối lại cái màn này của Hữu không?
-Tớ sẽ cân nhắc! Bây giờ tớ phải qua công ty xem lại hồ sơ thuế cho ba tớ. Gặp lại sau nhé! – Một cách vội vã hơn mức cần thiết, Vĩnh chấm dứt cuộc nói chuyện, chia tay Hải ở khúc quanh cầu thang.
Buổi chiều, Hải ngồi ở văn phòng đại diện của resort. Mùa cuối năm, khách lẻ đến mua phòng kha đông. Những ngày cuối tuần resort đều kín khách. Dân phương Tây đổ dồn đến những miền biển nhiệt đới trốn lạnh. Năm nay, khách đoàn của Nga đăng ký nhiều. Các nhân viên sales liên tục trả lời các cuộc điện thoại, chốc chốc lại hỏi ý kiến anh về chính sách giá cả và dịch vụ tặng kèm. Chỉ ba phần tư trí óc Hải dành cho công việc. Một phần tư còn lại, anh nghĩ rất căng, tìm kiếm một chiêu thức nào đó, nằm trong khả năng thực hiện, càng sớm càng tốt, giúp Vĩnh chiếm lại sự quan tâm và thiện cảm của cử tri.
Một cậu sinh viên sales hốt hoạng lao đến, đưa máy cho anh: “Ông khách này người Pháp thì phải. Ổng không nói được tiếng Anh. Em chẳng hiểu gì hết. Anh Hải trả lời giùm đi!”. Khi xong thỏa thuận, thay cho lời cảm ơn, cậu nhân viên sales lại nhăn nhó gương mặt nhàu nhĩ vì thèm ngủ, phàn nàn: “Lúc không có việc làm, thì cầu mong được làm việc. Làm gì cũng được. Có rồi, thì khốn khổ như thế này đây!”.
Một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu Hải. Chìa khóa cho chiến dịch trang cử của Vĩnh đã tìm ra. Anh vội vã gọi điện, hẹn gạp bạn lúc bảy giờ tối.
Họ ngồi ở quán cà phê cóc gần cổng trường. Tối, trên vỉa hè hiện ra thêm mấy xe bánh mì, bánh chưng nóng, những quán hàng ăn. Một cách phấn chấn, Hải nói với Vĩnh kế hoạch lập dự án mang tên Liên kết tài năng, giúp các bạn sinh viên trong khoa tìm việc làm phù hợp với năng lực. Anh nói say sưa về tính khả thi của dự án, về từng bước thực hiện, nhấn mạnh vào sức hấp dẫn và khả năng giành lại quan tâm của sinh viên:
-Đây là kế hoạch tốt, ha. Tớ sẽ hỗ trợ cậu hết lòng. Một việc làm tốt là cách giúp đỡ các bạn khoa mình thiết thực nhất, chứ không phải chuyện tặng vài món quà quảng cáo trá hình!
Từ lúc bắt đầu câu chuyện, phần lớn thời gian Vĩnh im lặng, chỉ lắng nghe. Bất chợt, anh ngước lên, nhìn thẳng vào mắt bạn:
Tớ đã suy nghĩ kỹ. Tớ không thích hợp với vị trí chủ tịch Hội nữa. Cậu mới là ứng viên đủ sức cạnh tranh với Hữu. Tớ sẽ đứng sau, hết lòng hỗ trợ cậu, Hải ạ!