Cảnh 4

Cổ Loa. Phòng Mị Châu.
 
NÀNG SEN: -Ôi chao! Cao công tử vừa bất đắc kì tử mà công chúa đã mang viên ngọc Như Ý đẹp chưa kìa!
MỊ CHÂU: -Ô hay! Chẳng lẽ em bảo chị để tang công tử sao?
NÀNG SEN: -Em chẳng nói thế. Nhưng xem ra công chúa chẳng chút nào cảm thương công tử cả.
MỊ CHÂU: -Chị cũng buồn vì một đấng nam nhi như thế mà sớm mất đi.
NÀNG SEN: -Chỉ vậy thôi ư?
MỊ CHÂU: -Em muốn gì chị nữa nào? Chị với Cao công tử không như em với Đống. Chị chẳng thể nghĩ xa xôi hơn.
NÀNG SEN: -Chao ôi là tình đời!
MỊ CHÂU: -Em nói gì vậy?
NÀNG SEN: -Em nói công chúa nghĩ đến viên ngọc kia hơn là nghĩ đến tình tri ngộ.
MỊ CHÂU: -Em không được quá quắt! Nếu nói đến tình tri ngộ thì Triệu hoàng tử và Cao công tử ai nặng tình với ta hơn? Bao nhiêu lâu nay Cao công tử có nghĩ gì đến ta. Ta cô đơn, ta buồn tủi, nào ai hay? Còn Triệu hoàng tử thì ngày nào cũng muốn làm cho ta khuây khỏa.
NÀNG SEN: -Cao công tử còn phải đem thân làm phên dậu nơi biên địa, nào có rỗi mà nhởn nhơ, nay tiệc tùng, mai múa hát đâu. Mà nếu công chúa vẫn thích những công việc dệt vải, chăn tằm, nếu công chúa không xa bạn bè cũ thì sao mà cô quạnh được! Chẳng qua là công chúa thích thế thôi.
MỊ CHÂU: -Em nói như một mụ già cay nghiệt. Thân thế như ta lẽ đâu cứ suốt đời sống kiểu hồn nhiên dân dã. Ta phải lo đến phận ta chứ!
 
 Thục Phán đi vào.
 
NÀNG SEN (thoáng thấy, bảo khẽ Mị Châu): -Vua cha đến. (Cúi chào) Kính lạy vua cha.
MỊ CHÂU (quì gối chào kiểu phương bắc): -Phụ vương muôn tuổi!
THỤC PHÁN: -Các con ta có khoẻ không? (Nói với Mị Châu) Chà! Con gái ta trang sức lộng lẫy quá.
NÀNG SEN: -Tâu vua cha, quà của Triệu công tử đấy ạ.
THỤC PHÁN (thấy Mị châu vẫn ở tư thế cung kính xa cách, dịu dàng bảo): -Mị, Sen! Các con lại gần đây! Ta muốn các con đối với ta vẫn hồn nhiên như xưa nay vẫn thế.
MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, tình là cha con nhưng lễ là vua tôi. Phụ vương cho phép chúng con được giữ lễ ạ.
NÀNG SEN: -Tâu vua cha, chị con thông hiểu phép tắc bắc triều lắm ạ.
THỤC PHÁN: -Ờ, người phương bắc có nói: trong phép tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì lễ là gốc.
NÀNG SEN: -Nhưng ta ở phương nam. Và như vua cha đã nhiều lần phán bảo: ta chỉ lo giữ bờ cõi, chẳng đi “bình” ai cả. Họ nói, nghe bao giờ cũng hay ho “lễ là rường mối, là khuôn phép cho đại trị”, mà thật sự thì chữ “lễ” họ dùng như một thứ xiềng xích vạn năng để ràng buộc kẻ dưới, ràng buộc người dân.
THỤC PHÁN: -Ha, ha,... Con ta giỏi biện bác thật! Có thể đối đáp với mọi biện sĩ bắc triều đó.
MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, em con hay lí sự, nhiều khi vượt ra ngoài khuôn phép nữ nhi.
NÀNG SEN: -Tâu vua cha, từ ngày kết giao với Triệu công tử, chị con hay răn đe con về phép tắc nữ nhi. Nhưng phép tắc nữ nhi bắc phương lại là “nam nữ thụ thụ bất thân” cơ đấy!
THỤC PHÁN: -Khuôn phép bắc phương nghiệt ngã nhưng trong phép trị dân cũng có chỗ dùng được.
MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, rõ là họ văn hiến hơn ta.
THỤC PHÁN: -Ừ, có những cái đáng để cho ta noi theo.
NÀNG SEN (không nén được): -Tâu vua cha, xin cho con được nói hết ý nghĩ của con.
THỤC PHÁN: -Được! Con cứ nói.
NÀNG SEN: -Người phương bắc tự cho mình là văn hiến, coi các dân tộc khác là man muội. Hãy xem thứ văn hiến mà họ muốn ban phát ra bốn phương là thứ văn hiến nào? Có phải thứ văn hiến coi mạng ngưòi như ngóe; coi dân đen là hạng “tiểu nhân” chỉ để sai khiến; coi đàn bà là khó dạy? Thứ văn hiến lấy lừa lọc, phản trắc, dối trá làm quốc sách? Những kẻ chễm chệ ngồi trên làm ra vẻ “quân tử”, nói toàn giọng triết nhân, mà mưu đồ thì thấp hèn, vô đạo; hành động thì tàn bạo, bất lương; đối xử thì thâm hiểm, ích kỉ; và lúc đã phơi mặt ra thì trắng trợn, hung hăng, bất cố liêm sỉ. Hãy xem một hào kiệt Yêu Li tự hoại thân thể, thí bỏ vợ con, để được thẳng tay đâm ngọn giáo vào bụng người tin yêu đùm bọc mình, nêu gương một thứ lí tưởng gia nô cuồng tín, hòng làm vững ngôi cho bạo chúa. Một thánh nhân Khổng Khâu gần suốt đời chạy vạy mong hiến “đạo” mình cho các vua chư hầu, lúc đang đắc thế nhất phải cược tiền đồ, sự nghiệp của mình vào miếng thịt tế, và đành phải ra đi, để rồi có lúc phải nói ra miệng là sẵn sàng đi theo tướng cướp. Văn hiến của họ cao siêu lí lẽ mà thực tế lại rải bằng xương trắng máu đào của hàng triệu sinh linh. Cái gọi là luân thường đạo lí của họ nặng mùi thịt người (9), là cái lồng vô hình chụp lên người dân thấp cổ bé miệng. Họ chê ta man di vì ta không biết như họ rằng quì lạy thì phải bước mấy bước và quì chân nào trước. Họ chê ta man di vì đàn bà con gái ta không chịu bó chân ngồi trốn trong nhà, mà dám lo việc làng việc nước, vì con trai con gái dám tự do trò chuyện và tìm bạn trăm năm (10). Họ chê ta man di trước hết vì ta khác giống với họ và vì ta sống khác họ.
THỤC PHÁN: Sao con thù ghét người phương bắc vậy?
NÀNG SEN: -Tâu vua cha, con nói đây là nói những kẻ mũ cao áo dài của Bắc triều, những kẻ tự cho là “quân tử”. Còn những người Hoa bình thường thì chính họ cũng chẳng mấy quan tâm những cái văn hiến của mấy vị quân tử. Có những lễ nghi ràng buộc họ lâu đời thành quen. Xem ra họ chỉ có quyền theo mà không có quyền biết. Con cho rằng mỗi dân tộc đều có cái hay, cái dở, không nên quá tự tôn, mà cũng đừng quá tự ti.
MỊ CHÂU: -Tâu phụ vương, em con vì chưa hiểu những người như Triệu hoàng tử nên nhận nhầm như vậy.
NÀNG SEN: -Tâu vua cha, chính vì con rất hiểu Triệu công tử nên nhận rõ như vậy.
THỤC PHÁN: -Thôi các con đừng tranh biện nữa. Mị con, cha muốn biết ý con về một chuyện hệ trọng không chỉ đối với con mà thôi. (Nói với Nàng Sen đang định cáo lui) Con cũng ở lại. (Ngừng một lát. Mị Châu và Nàng Sen ở trong tâm trạng phấp phỏng chờ đợi). Mẹ con mất đi, cha được mỗi mình con. Em Sen con đây là con một người dân đã liều mình cứu giá trong một trận chống quân phương bắc xâm lăng, và cũng sớm mồ côi mẹ, cha coi như con đẻ. Có hai con bên cạnh cha cũng vui tuổi già. Nhưng các con không thể ở mãi bên cha. Em Sen con đã có nơi. Mị con cũng đến lúc phải tính chuyện lứa đôi. Triệu vương có quốc thư cầu thân. Trong thư có nói sẵn sàng để Trọng Thủy ở hẳn bên này. Ta thấy Trọng Thủy cũng khôi ngô, lanh lợi. Ta hơi ngại Nam, Bắc có chỗ dị biệt. Nhưng Trọng Trủy là người không câu nệ. Từ khi sang đây, hoàng tử đã học cách ăn ở, cư xử của người Âu Lạc. (Ngừng lại nhìn hai người. Nàng Sen nhìn Mị Châu; cô chị cúi đầu mân mê tà áo, hai má ửng đỏ).
NÀNG SEN: -Tâu vua cha, lòng họ khôn dò, con e không thật bụng.
THỤC PHÁN: -Con đa nghi quá. Nhưng dù họ có manh tâm, ta đem tình thực mà đãi thì cũng có thể cảm hóa được.
NÀNG SEN: -Con lang chui được vào chuồng con bê, con e rằng con lang vẫn là con lang.
THỤC PHÁN (phật ý): -Con đâm ra cố chấp rồi đó. Ta đã nghĩ nhiều rồi. Duyên phận này của chị con liên quan đến sự an nguy của đất nước. Hôn phối sẽ xoá cừu thù. Nam Bắc thông gia thì biên giới sẽ không bị họ quấy nhiễu nữa. Ta có thể thư tâm mà lo cho dân giàu nước mạnh.
NÀNG SEN: -Con sợ cái nhọt ngoài biên cảnh không tan mà lại thêm cái ung nơi kinh đô ủ mầm độc.
THỤC PHÁN (bực mình): -Con nói y như bọn Cao Lỗ. Người phương bắc nói không sai: không tề gia thì khó mà trị quốc! Ta thật đã quá nuông con. Thôi! Cho con lui! (Nàng Sen thở dài, vái, lui ra). Thế nào, Mị con? Ý con ra sao? Nếu con không ưng thì cha cũng không ép.
MỊ CHÂU: -Dạ, con luôn luôn tuân mệnh phụ vương.
THỤC PHÁN: -Được rồi! Con hãy cư xử sao cho họ Triệu không trách nhà ta kém giáo huấn. Con cũng liệu khuyên giải em con sao cho trong ấm, ngoài êm. Ta phải ra ngự triều đây.
 
MÀN
-------------- 
Ý của Lỗ Tấn, văn hào Trung Quốc.
Người Âu Lạc chưa bị ảnh hưởng  lễ giáo phong kién phương bắc.