Dịch giả: Nhất Cư
Gượng không chết

Một phóng viên trở về từ chiến trường Việt Nam, gặp tôi ở phòng dựng, liền đưa cho tôi một cuốn băng quay cảnh những người chạy trốn khỏi bom đạn, và từ xa có nhiều người gục ngã.
Trong trận động đất lớn ở Armenia, một kỳ tích đã xảy ra tại thủ Erevan: người ta cứu được hai mẹ con bị vùi trong đống đổ nát suốt tám ngày. Tám ngày không đồ ăn, không nước uống, lại thiếu dưỡng khí, cậu bé sống được là nhờ vòng tay che chở của người mẹ. Hơn nữa, người mẹ đã trích máu đầu ngón tay ra cho đứa con ngậm.
Đọc tin đó tôi rưng rưng nước mắt, cảnh tượng người mẹ ôm con lẩn quất trong đầu. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh người mẹ dùng cả thân mình để che chở, trông đợi, lại hiện ra.
Cảnh tượng đó khiến tôi nhớ lại bài báo đọc từ nhiều năm trước. 
Các nhà khảo cổ đã khai quật trong lớp chôn vùi của thảm họa Pompei một tượng hóa thạch người mẹ ôm con.
Cảnh tượng thảm họa núi lửa Pompei một nghìn chín trăm bảy mươi năm trước như hiện ra mồn một. Trong chớp mắt, dòng nham thạch bao trùm những người không kịp chạy trốn. Một người mẹ thấy không còn đường thoát, đã dùng lưng và đầu mình để che kín đứa con, chống lại dòng nham thạch mà bà biết rõ không thể chống lại được.
Và người mẹ đã đông cứng trong nham thạch. 
Tượng nham thạch đó là gì? Là tình yêu vĩ đại, vĩnh hằng của người mẹ khiến người đời nghìn năm sau còn thương tâm…
Sáng tạo vĩ đại nhất của Thượng Đế không phải là muôn loài, không phải là vũ trụ, mà là tình yêu! Dù không có logic nào cả, tôi vẫn khăng khăng cho rằng, điều Thượng Đế sáng tạo ra đầu tiên chính là tình yêu, mà tình yêu cao cả nhất chính là Tình mẹ!
Mà đâu phải chỉ con người mới có tình mẫu tử?!
Có lần xem tạp chí Nature, thấy trăm ngàn con chim cánh cụt đứng hướng về một phía. Lúc đầu tôi không hiểu vì sao chúng phải đứng chỉnh tề như vậy, quan sát kỹ, mới thấy trước mỗi chim cánh cụt lớn đều có một chim cánh cụt con với bộ lông mượt như nhung.
Hóa ra đó là những bà mẹ đang che chở những đứa con: bụng chim cánh cụt quá tròn, không phủ kín con được nên chúng phải đứng sát nhau để chắn gió lạnh cho con.
Thật vĩ đại làm sao, những bà mẹ chim cánh cụt!
Một lần khác đọc sách về loài nhện xanh, nhện mẹ đan tấm lưới lớn, đẻ trứng, đợi trứng nở rồi nuôi nấng hàng trăm đứa con. Sau đó từng con, từng con nhện theo dây tơ thả mình theo gió. 
Tôi gấp sách lại, nghĩ, liệu nhện mẹ có cảm thấy một nỗi buồn lặng lẽ không?
Có lẽ, “sống” chính là tạo ra một sự sống khác? Chỉ cần thấy sự sống từ mình được kéo dài là cảm thấy hạnh phúc?
Không bao giờ tôi có thể quên giờ khắc con gái tôi ra đời tại một bệnh viện ở New York.
Cũng giống như bệnh viện ở Đài Loan, trẻ mới ra đời lập tức được đưa tới phòng sơ sinh, sau khi cắt rốn thì đưa đến cho mẹ ôm ấp mấy phút.
Vợ tôi sau một hồi la hét, giãy giụa cuối cùng cũng sinh được, song sức lực đã cạn kiệt. Nào hay khi con được đưa đến, mặt vợ tôi vẫn bợt vì mất máu nhưng mắt thì phát ra ánh sáng lấp lánh!
Đúng là ánh sáng! Một thứ ánh sáng hiền hòa mà cao quý phát ra từ đôi mắt còn ngấn lệ. Đúng là đổi nửa đời mình lấy một cuộc đời nhỏ! Nhìn vợ ôm ấp con, tuy không phải là phụ nữ nhưng tôi cũng có thể cảm nhận niềm xúc động của vợ.
Con là cuộc sống nối dài của mẹ, cũng chính là cuộc sống của mẹ! Hãy để tôi kể một câu chuyện từ lâu đã không định kể, thậm chí còn muốn quên đi. 
Một phóng viên trở về từ chiến trường Việt Nam, gặp tôi ở phòng dựng, liền đưa cho tôi một cuốn băng, vẻ xúc động.
Anh ta không nói gì, tua lại đoạn băng, chỉ cho tôi hình ảnh một người:
“Anh xem! Tất cả cùng gục ngã, chỉ có một người ngã rất chậm, lại không ngã sấp mà chầm chậm khụy xuống…”
Tôi không hiểu, sau đó anh ta mới kể:
“Lúc tan bom đạn, tôi tới gần, nhận ra đó là một người mẹ trẻ đang ôm con. Bị trúng đạn, người mẹ sợ làm ngã con nên gục xuống chầm chậm. “Người mẹ đã gượng không chết!”
“Gượng không chết!”
Mỗi lần nhớ đến câu nói đó là hình ảnh từ xa một người đang gục ngã lại hiện ra, và tôi không ghìm được nước mắt….