Dịch giả : Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
Chương II
Tôi học tập

Trước khi chấp nhận hẳn quyền chỉ huy đơn vị mới của cơ quan Tình báo Chính trị, tôi chú tâm vào một công việc khá đặc biệt: Tôi tự bắt buộc phải nghiên cứu tất cả báo cáo sẵn có về hoạt động của các cảm tử quân Anh quốc. Tại Nga Sô, tôi đã thấy người ta có thể rút ra những bài học hữu ích nhờ quan sát một cách thông minh những phương pháp được đối phương sử dụng. Tại sao điều đó lại không thể áp dụng vào trong lãnh vực mới mẻ của tôi? Phải thú nhận rằng tôi hoàn toàn mù mịt trong khi nghiên cứu những khám phá của các nhóm cảm tử Anh, được đặt dưới quyền chỉ huy của Lord Mountbatten. Những báo cáo về các hoạt động táo bạo của cảm tử Anh thật đã mở cho tôi những viễn ảnh hoàn toàn mới lạ. Rõ ràng là ngay từ đầu cuộc chiến, Cơ quan Tình báo danh tiếng của Anh quốc (Intelligence Service) đã tăng gia hoạt động rất đáng kể, trong vòng bí mật hoàn toàn.
Mặt khác, tôi cũng đọc các báo cáo về những chiến dịch của Sư đoàn Brandebourg phía chúng tôi. Tôi thấy ngay là mọi phương tiện được cung cấp cho đơn vị này đều yếu kém hơn đối phương, tình trạng này không phải là đã ngăn cản không cho đơn vị đạt được một vài thành tích đáng kể.
Căn cứ vào những điều học hỏi được trong khi chăm chỉ nghiên cứu như một tên khùng – trong vòng hai tuần lễ tôi đã đọc đi đọc lại và ghi chú hàng núi tài liệu – tôi suy luận rằng sự lãnh đạo các cảm tử quân sẽ mang lại cho tôi khả năng tuyệt vời, không ngờ được, có thể đóng góp thật nhiều vào chiến thắng của Đức Quốc. Không phải như chúng tôi, đối phương không thể nào bảo vệ chặt chẽ được toàn diện hậu phương mênh mông của họ. Chúng tôi khám phá ra rằng một toán cảm tử không cần đông lắm nhưng cương quyết có thể tấn công, với mức độ hy vọng thành công khá lớn, vào một một số các trung tâm quan trọng sống còn của địch. Như vậy, với điều kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi đợt viễn chinh, và được cung cấp đầy đủ phương tiện vật chất cần thiết, chúng tôi phải đạt được các kết quả quan trọng. Mặt khác, chờ đến lúc đó sứ mạng này đối với tôi còn hấp dẫn hơn vì quân đội Đức chưa có nỗ lực nào được tổ chức theo chiều hướng này.
Tôi quyết định chấp nhận dứt khoát quyền chỉ huy các đơn vị cảm tử hiện hữu và sẽ được tổ chức. Cho đến lúc đó, khoá huấn luyện đặc biệt mà tôi sẽ điều khiển được một Đại Uý người Hoà Lan thuộc bộ tư lệnh Waffen SS chỉ huy. Các trưởng ban của một Đại đội duy nhất thuộc khoá huấn luyện là các quân nhân hoàn toàn rành nghề nhờ kinh nghiệm của nhiều năm chiến đấu - những người mà tôi có thể tin cậy được. Như vậy là tôi đã được sử dụng một số nhân sự nòng cốt khá đầy đủ. Ngược lại, về phương diện huấn luyện, tôi thiếu những cộng sự viên tài giỏi. May mắn đã đến với tôi. Trong khi đi thăm viếng các văn phòng của cơ quan tình báo chính trị, tôi gặp một bạn học cũ, Kark Radl, hiện là trưởng ban SS, anh ta chấp nhận giúp tôi ngay trong việc tổ chức đơn vị mới, và lại còn giới thiệu cho tôi 2 sĩ quan trẻ vừa mới rời khỏi Phòng VI. Tôi xin được một cách dễ dàng sự bổ nhiệm hai sĩ quan này về đơn vị tôi.
Rồi thì tôi bắt đầu công việc một cách nhiệt thành. Tôi nhận được lệnh bành trướng khoá huấn luyện lên đến tầm vóc quan trọng của một Tiểu đoàn. Hơn nữa, cấp lãnh đạo trong Bộ Tư Lệnh Waffen SS còn giao cho tôi tổ chức một đơn vị xung kích mới, Tiểu đoàn Friedenthal. Nhờ những tương quan tuyệt hảo với nhiều Sư đoàn Bộ binh, tôi tập trung được nhanh chóng một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, đủ để thành lập một đại đội thứ hai. Mặt khác, chúng tôi cũng tìm được một địa điểm lý tưởng để cho đơn vị mới đồn trú. Tại Friedenthal, gần Oranienbourg, một lâu đài nhỏ thời Đại Đế Fréderic le Grand, chìm khuất trong lòng một công viên mênh mông, thiếu săn sóc, dần dần biến thành hoang dã. Những cánh đồng cỏ rộng bao bọc chung quanh địa điểm chọn lựa cũng phù hợp với nhu cầu của chúng tôi. Tôi cho sửa soạn ngay các bãi tập, xây cất doanh trại, kho v.v... cần thiết. Soạn thảo các kế hoạch là một công việc rất dễ chịu, bù lại, các phương cách có thể áp dụng để rút ra một số phương tiện thi hành các kế hoạch đó, từ các sở, phòng, cơ quan, thì lại rất thiếu thốn. Trong khi dùng toàn lực vật lộn với guồng máy Hành chánh chí tôn với các đại giáo sĩ của nó, các đấng công chức, tôi thu thập được một số kinh nghiệm, và sau cùng tôi cũng bị lôi cuốn vào trong không khí chằng chịt những quyền hạn và thẩm quyền. Sự thật đã bắt buộc tôi phải thú nhận rằng Karl Radl, lúc đó là sĩ quan tuỳ viên của tôi, đã hạ tôi rất xa và trở thành một tay cừ khôi trong nghệ thuật khó khăn này.
Tôi đã nhìn rất rộng khi thiết lập chương trình huấn luyện. Tôi muốn cung ứng cho đơn vị mới của tôi một sự giáo huấn càng hoàn hảo càng tốt để có thể được sử dụng bất cứ lúc nào và vào bất cứ sứ mạng gì. Vì thế mỗi người trước hết được huấn luyện theo chương trình bộ binh và công binh thường lệ, sau đó phải làm quen với cách vận dụng súng phóng lựu, đại bác dã chiến, thiết giáp xa. Lẽ tất nhiên tất cả mọi người đều phải học lái, không những xe gắn máy và xe hơi, mà còn cả xuồng máy và đầu tàu hoả. Tôi dành cho thể thao một vị trí quan trọng trong chương trình huấn luyện, nhất là bơi lội. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức khoá huấn luyện nhảy dù cấp tốc.
Cũng trong thời gian đó, các lớp học chuyên môn đang sửa soạn cho những người được lựa chọn sẵn sàng thi hành các sứ mạng đã được chỉ định, chương trình của những lớp này gồm có: học một số ngoại ngữ, và chiến thuật tổng quát để tấn công các cơ sở kỹ nghệ của quân thù. Vào thời đó, một mặt tôi coi việc chiến đấu chống Nga Sô là nhiệm vụ chính, mặt khác tấn công các vị trí của Anh, Mỹ trong vùng Cận Đông. Rõ ràng là tôi không ý thức được rằng lúc đó đã là năm 1943, năm thứ tư của cuộc chiến. Có lẽ tiềm thức tôi đã xua đuổi ý nghĩ này để chỉ tập trung tư tưởng vào hiện tại, để ít ra cũng cố đạt các kết quả còn có thể đạt được. Tôi lập đi lập lại không ngừng rằng từ ngữ “quá muộn” không thể có trong ngôn ngữ của quân nhân. Không bao giờ quá trễ để tổ chức một chiến dịch quan trọng. Thời gian càng hạn chế, chúng tôi càng phải chuẩn bị nhanh hơn… tất cả chỉ có thế.