Dịch giả : Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
Chương I
Khai sinh các đội cảm tử

Thế là tôi đã phải tức tối chịu đựng suốt một năm qua. Bị bệnh tả lỵ mắc phải từ những ngày đầu của chiến dịch xâm lấn Nga Sô làm cho yếu hẳn đi, tôi phải chịu đầu hàng trước bản án của các ông Bác sĩ, họ tuyên bố tôi không đủ sức phục vụ trong một đơn vị tác chiến, ít ra là trong lúc này. Được bổ nhiệm vào ngạch kỹ sư quân đội, tôi đang bị bỏ mốc meo trong một cơ xưởng thuộc ngoại ô Bá – linh. Như tôi được biết, vào mùa thu năm 1942, các Sư đoàn SS sắp được cải biến thành các Sư đoàn Thiết kỵ, tôi đã xin phép theo học khoá Sĩ quan Thiết giáp. Quả nhiên tôi được thuyên chuyển đến Sư đoàn 3 Thiết kỵ SS. Nhưng chẳng được bao lâu cơn bệnh kiết lị tái phát, đã chứng tỏ rằng tình trạng sức khoẻ của tôi không còn cho phép tôi chịu đựng những nhọc nhằn quá sức. Sau một vài tuần lễ ở bệnh viện, tôi lại bị trả lại cơ xưởng tại Bá – linh. May cho tôi là thời gian này cũng không quá lâu. Vào đầu tháng Tư năm 1943, tôi được gởi về Bản doanh của Binh chủng Waffen SS. Tại đây một viên chức cao cấp cho tôi hay người ta đang tìm một sĩ quan có trình độ kỹ thuật cao để tổ chức một “Đơn vị đặc biệt”[1]. Để cho tôi có một ý niệm chính xác hơn về nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh tối cao có ý định giao phó cho đơn vị này, người đối thoại với tôi phác hoạ vắn tắt một sơ đồ gồm nhiều cơ quan tập trung dưới một danh hiệu chung là: “Ausland Abwehr” (Cơ quan tình báo quân đội”. Như vậy, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào lãnh vực tối mật, dành riêng cho một số rất hiếm người đã được huấn luyện, mà lúc bấy giờ tôi chỉ được nghe nói đến một cách lờ mờ. Để có thể định nghĩa một cách chính xác vai trò của tôi, tôi phải giải thích tóm lược cơ cấu tổ chức cơ quan này.
Cơ quan Abwehr trực thuộc Bộ Tư lệnh Tối cao của quân đội, gồm ba bộ phận: Bộ phận đầu tiên phụ trách công tác gián điệp quân sự đích danh. Bộ phận thứ hai chỉ hoạt động tích cực trong thời chiến, nhiệm vụ chính của cơ cấu này là chuẩn bị và thi hành các công tác phá hoại ở hậu tuyến địch và các hoạt động tuyên truyền thích nghi làm giảm tinh thần chiến đấu của quân đội đối phương. Bộ phận thứ ba có nhiệm vụ tổ chức phản gián điệp nghĩa là chiến đấu chống gián điệp và hoạt động phá hoại của địch.
Biết rằng các danh từ như “gián điệp”, “phá hoại” có ý nghĩa xấu xa, ô nhục với một số người không am hiểu, tôi cần xác nhận ở đây rằng các cơ quan tương tự, dầu cho được nguỵ trang dưới danh nghĩa nào, cũng được tất cả các quốc gia tổ chức. Hiện nay, tất cả các đại cường đều bị bắt buộc phải tổ chức một “cơ quan tình báo” hoặc như người Pháp nói một cách khiêm nhượng hơn, một “Phòng Nhì”.
Khi chiến tranh mới bùng nổ. Bộ Tư lệnh Tối cao đã đặt tiểu đoàn xung kích Brandebourg dưới quyền điều động của các cấp chỉ huy cơ quan tình báo. Dần dần tiểu đoàn duy nhất này bành trướng cho đến tháng Giêng năm 1943, thì trở thành Sư đoàn xung kích Brandebourg. Đơn vị này đã lãnh thi hành một vài sứ mạng đặc biệt do các cơ quan thuộc Bộ Quốc  Phòng giao phó. Màn bí mật được giữ kín đến nỗi công chúng không hề biết có Sư đoàn này.
Và từ một năm nay, cơ quan Waffen SS cũng cố gắng tổ chức một đơn vị thứ hai thuộc loại này: khoá huấn luyện đặc biệt Oranienbourg. Trưởng cơ quan này đang tìm một sĩ quan có tầm hiểu biết rộng rãi các lĩnh vực quân sự cũng như kỹ thuật để giao phó trách nhiệm bành trướng đơn vị này và đẩy mạnh công cuộc huấn luyện.
Đây là chức vụ mà người đối thoại giao cho tôi. Ngay lúc đó, tôi chưa ý thức được tầm mức của sự bổ nhiệm ấy. Khi chấp nhận đề nghị thật bất ngờ này, tôi chỉ quả quyết rời bỏ cuộc sống quân ngũ bình thường để có việc làm tại một nơi mà không phải bất cứ ai cũng đến được. Tôi nhớ lại một tư tưởng của Nietzsche: “Phải sống một cách đầy hiểm nguy!”. Như vậy, tôi sẽ có thể phục vụ tổ quốc một cách đặc biệt hữu hiệu vào lúc mà Đức quốc đang trải qua cơn thử thách nhọc nhằn khó khăn. Chính ý nghĩ đó sau cùng đã giúp tôi quyết định. Tôi nhận lời nhưng dành quyền từ chức trong trường hợp tôi thấy khả năng của mình không đủ đối với một chức vụ cực kỳ tế nhị như vậy.
Ngày 20 tháng 4 năm 1943, tôi nhận được lệnh bổ nhiệm mới với cấp bậc Đại uý trừ bị. Để thích ứng ngay với hoàn cảnh mới, ngay hôm đó tôi đã đến trình diện trưởng cơ quan Tình báo Chính trị, chỉ huy trưởng đoàn xung kích Schellenberg, đây là một người khá trẻ, hào hoa và tỏ ra rất dễ thương. Thật tình mà nói, tôi chẳng hiểu được gì nhiều về những điều do ông ta giải thích. Dầu sao, tôi mới chỉ vừa bước qua ngưỡng cửa vào một lãnh vực mà cho đến lúc bấy giờ tôi còn hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi cũng biết rằng đơn vị mà tôi sắp chỉ huy đang chuẩn bị cho một cuộc đột kích và cảm tử quân đầu tiên đã sẵn sàng lên đường. Sứ mạng của đơn vị là:
Những khu vực dầu hoả phía Nam Iran đã bị quân Anh chiếm giữ ngay từ đầu cuộc chiến, trong khi khu vực phía Bắc lại đặt dưới sự “bảo vệ” của nhiều Sư đoàn Nga Sô. Mặt khác, phía Đồng minh sử dụng tối đa thiết lộ tại Iran để đổ vào Nga Sô một số chiến cụ càng ngày càng lớn. Đặc biệt là Hoa Kỳ, từ khi lâm chiến ngày 11-12-1941 đã giúp củng cố chặt chẽ sức đề kháng của Nga Sô nhờ hàng loạt cung cấp ồ ạt. Tôi cũng đã biết đại khái về sự kiện này nhưng mãi cho đến hôm nay, sau khi biết được trọng lượng chuyên chở như thế, tôi mới ý thức được viện trợ của Đồng minh cho Nga Sô có tầm rộng lớn vô cùng. Hiện tại vấn đề đặt ra là cần phải cắt đứt hoặc ít ra là phải đe doạ các trục giao thông này bằng cách tấn công chúng ngay trung tâm xứ Iran. Schellenberg hy vọng có thể đạt được mục tiêu này bằng cách xúi giục các bộ lạc người thượng nổi loạn, vì từ lâu các bộ lạc này rất uất hận chính quyền Iran. Từng toán nhỏ quân Đức cung cấp vũ khí cho những (người?) Kashgais và các bộ lạc khác và nhất là đóng vai trò huấn luyện viên. Một khi đã ở tại chỗ, các toán cảm tử này sẽ dùng phương tiện liên lạc vô tuyến để nhận chỉ thị về các biện pháp cần yếu, cơ hội và điểm tấn công.
Đã từ nhiều tháng qua, một toán chừng hai mươi học viên của khoá huấn luyện đặc biệt – danh xưng tạm thời của đơn vị do tôi sẽ chỉ huy – đang học ngôn ngữ Iran do một người bản xứ hướng dẫn. Người ta lại còn tổ chức cho mỗi toán một người Iran với nhiệm vụ hướng dẫn toán cảm tử khi dấn thân bắt đầu cuộc phiêu lưu vĩ đại. Dụng cụ cũng đã sẵn sàng, đến nỗi chỉ cần một sĩ quan Đức ra hiệu lệnh là tất cả đã có thể có mặt ngay tại Téhéran – lẽ tất nhiên là bằng cách bí mật lén lút.
Để ngụy trang tất cả các hoạt động này, các cơ quan tình báo đã đặt tên cho chiến dịch là François. Địa điểm được chọn lựa làm bãi đáp cho quân cảm tử nhảy dù là khu vực ven hồ nước mặn nằm về phía đông nam Téhéran. Toán cảm tử đầu tiên gồm một sĩ quan, ba hạ sĩ quan và một người Iran đã sẵn sàng để khởi hành. Sau nhiều cuộc bàn cãi vô vị và bất tận với Không quân (Luftwaffe – Không quân Đức Quốc Xã) phi đoàn săn giặc thứ 200 thuận cấp cho chúng tôi một chiếc Junker 290, loại duy nhất có tầm hoạt động thích hợp. Như vậy, chúng tôi phải tính toán cẩn thận từng kí – lô trọng lượng dụng cụ mang theo mà phi cơ có thể chuyên chở, bởi vì rõ rệt là không thể nào giảm bớt số lượng xăng cần thiết cho phi cơ thực hiện chuyến bay đi và trở về. Chỉ có những người tham dự vào một cuộc viễn chinh tương tự mới biết được là phải soát xét lại, phải thay đổi, phải lập lại danh mục các dụng cụ đến bao nhiêu lần, và phải cân lường cẩn thận như thế nào từng thức một: vũ khí, lương thực, y phục, đạn dược, chất nổ và ngay cả quà kỉ niệm để tặng tù trưởng các bộ lạc nữa. Đối với các quà tặng này, tôi còn nhờ các nỗ lực điên cuồng để tìm cho ra các loại súng săn cán bạc và các loại súng lục có báng nạm vàng.
Người ta đã chọn một phi trường trong vùng Crimée để làm điểm khởi hành. Khốn nỗi, phi đạo lại quá ngắn nên lại phải làm cho phi cơ nhẹ bớt thêm, điều này có nghĩa là chỉ có thể hi sinh bỏ lại bớt một số dụng cụ nữa. Và rồi chúng tôi chỉ còn chờ đợi thời tiết tốt, những đêm không trăng để có thể bay trên lãnh thổ Nga Sô. Sau cùng, khi có lệnh khởi hành, chúng tôi lại thấy phi cơ còn quá nặng, bởi vì trong khi chờ đợi, một cơn mưa như thác đổ đã làm phi đạo trở nên lầy lội. Lại một lần nữa, chúng tôi bắt buộc phải hi sinh một số dụng cụ, nhưng chúng tôi quyết định sẽ gửi thêm một chuyến phi cơ về sau để thả dù những tiếp liệu mà chuyến thứ nhất không mang theo hết được. Cuối cùng, mọi sự đều sẵn sàng và lần này, phi cơ cất cánh thành công. Sau 14 tiếng đồng hồ lo âu, chúng tôi nhận được điện văn đầu tiên cho biết người của chúng tôi đã đặt chân được lên đất Iran bình an vô sự.
Lúc bấy giờ là đầu mùa hè năm 1943, tình hình chiến sự trên các mặt trận không có gì sáng sủa lắm. Vả chăng, mặc dù không đọc được các thông cáo, tôi cũng đã ý thức được tình trạng này bởi vì trong mọi giai đoạn tổ chức và hoạt động, tôi đều phải đương đầu với sức đề kháng bền bỉ. Mặt khác, không một cơ quan nào khi được yêu cầu của tôi, tỏ ra mau lẹ cung cấp cho tôi đủ người và dụng cụ cần thiết. Họ cho tôi theo kiểu nhỏ giọt.
Thoạt tiên, toán cảm tử được thả dù xuống Iran đã thu đạt được một vài kết quả, thành thật mà nói, còn rất khiêm nhường. Sau khi liên lạc thành công với các bộ lạc nổi loạn, họ đã hoàn thành sứ mạng đầu tiên trong giới hạn khả hữu càng ngày càng thu hẹp, bởi vì chúng tôi không thể đưa thêm lực lượng tăng cường cũng như tiếp liệu đến như họ yêu cầu. Chúng tôi luôn luôn thiếu hụt loại phi cơ nổi tiếng Junker 290, loại duy nhất của Đức có thể hoàn thành các chuyến bay xa như vậy mà không cần tiếp tế nhiên liệu.
Trong khoảng thời gian đó, khoá huấn luyện đặc biệt Oranienbourg đã tổ chức một toán cảm tử thứ nhì gồm sáu binh sĩ và một sĩ quan. Đến phút chót, cuộc khởi hành lại bị trì hoãn ngay khi phi cơ sắp cất cánh vì bị trục trặc. Ngày hôm sau chúng tôi mới biết đây là một trục trặc do trời định. Thật vậy, một trong các sĩ quan từ Téhéran vừa trốn chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ, từ Constantinople, đương sự đã bảo cho chúng tôi biết thật đúng lúc rằng trung tâm liên lạc của chúng tôi tại Téhéran đã bị khám phá, tất cả nhân viên bị bắt ngoại trừ y chạy thoát được.
Trong những điều kiện như thế, hoạ là có điên mới gởi thêm toán cảm tử thứ nhì bởi vì họ sẽ bị hoàn toàn cô lập, không thể liên lạc được với cả Téhéran lẫn toán cảm tử đầu tiên. Chúng tôi phải từ bỏ việc theo đuổi chiến dịch François. Vài tháng sau, các bộ lạc nổi loạn tại Iran cũng bỏ ngang cuộc chiến đấu, họ để cho binh sĩ của chúng tôi tự ý chọn lựa, hoặc là ở lại hoặc là trốn chạy. Thế nhưng đối với các quân nhân ít thông thạo ngôn ngữ địa phương này, cuộc chạy trốn đến biên giới một Quốc gia Trung lập – Thổ Nhĩ Kỳ - là một hành động tuyệt vọng. Sau đó, tù trưởng các bộ lạc nói trên bị bắt buộc phải giao các cảm tử quân Đức cho quân đội Anh. Thấy rõ là sắp bị cầm tù, một sĩ quan đã chọn cái chết. Người còn lại cùng với ba hạ sĩ quan bị giam trong một trại thuộc khu vực Cận – Đông. Mãi đến năm 1948, cả bốn người mới được thả về Đức.
 
°
 
Như vậy, chiến dịch François đã hoàn toàn thất bại. Nhưng tôi phải nói rằng vào thời kỳ đó, nhiều nhiệm vụ khác đối với tôi có vẻ thích thú hơn. Một hôm, Ban Kỹ thuật thuộc Phòng VI đưa cho tôi những kế hoạch liên quan đến sự phát triển kỹ nghệ của Nga Sô. Bởi lẽ vào thời đó, người ta không thể tìm thấy được tin tức nào về vấn đề này trên báo chí cũng như trong các tác phẩm địa lý hay kinh tế chính trị, bộ sưu tập gồm nhiều thống kê, bản đồ v.v… đã làm tôi khích động đặc biệt. Các chuyên viên đã thảo hoạch sẵn một chương trình phá hoại (được mệnh danh là chiến dịch ULM) nhằm tấn công để huỷ diệt toàn phần hay từng phần một số cơ sở kỹ nghệ đó. Tôi biết ngay là chiến dịch này có thể làm cho tiềm lực kỹ nghệ của kẻ thù yếu đi một cách rất đáng kể, và mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng cách giao phó nhiệm vụ cho một đơn vị duy nhất là cảm tử quân. Tuy nhiên, lúc này, chúng tôi chưa thể thực hiện chiến dịch. Tổ chức đơn vị tương lai của tôi chưa hoàn thành và nhất là tôi cảm thấy còn có nhiều điều phải học hỏi.

[1] Xin xem "Những Trận Đánh Lịch Sử của Hitler", sách đã xuất bản.