Biên dịch: HƯƠNG PHONG
TUẦN THỨ MƯỜI BỐN
CHÚNG TÔI NÓI LỜI VĨNH BIỆT

Tôi bước lên bậc thềm nhà thầy. Trời lạnh và nhớp nháp. Vừa bước chậm rãi, uể oải nghe tiếng lá cây ướt nhẹp lạo xạo dưới chân, tôi vừa nhìn kỹ mọi vật, sườn đồi, mặt tiền hào nhoáng của ngôi nhà, cây pachysandra, và rượu pha..., lòng thầm trách mình sao quá ơ hờ, không chịu chú ý đến chúng trong những lần trước tới đây.
Hôm kia cô Charlotte gọi điện, báo rằng "thầy nguy lắm" (đó là cách cô biểu đạt ngày cuối cùng của thầy đã điểm). Thầy đã gác lại tất cả các cuộc hẹn và ngủ li bì - một điều lạ lùng đáng lo ngại. Thầy không bao giờ màng đến chuyện ngủ nghê, nhất là khi vẫn còn có người mong chờ được nói chuyện với thầy.
"Thầy muốn anh tới thăm". Cô bảo "Nhưng mà Mitch này..."
"Dạ có gì vậy cô?"
"Ông ấy yếu lắm".
Từng bậc thang dẫn vào tiền sảnh, mặt kính cửa trước... Tôi nuốt tất cả vào tầm mắt, thật chậm - như một người có óc quan sát tinh tế, như thể chưa từng được thấy chúng.
Tôi cảm thấy chiếc máy ghi âm chà sát hông mình, bèn luống cuống kéo khóa chiếc giỏ đang khoác trên vai ra, hầu kiểm tra thật cẩn thận xem mình có mang theo nó không. Chẳng hiểu sao dạo này nó đã trở thành vật bất ly thân của tôi.
Connie ra mở của với vẻ đượm buồn đọng trên gương mặt. Cô chào nhẹ ru.
"Thầy ra sao rồi". Tôi nôn nóng hỏi.
"Không tốt đâu”. Miệng cô trễ xuống. "Tôi không thích thế, ông ấy thật tốt bụng, anh biết đấy".
Tôi biết.
"Chúa trời sao quá bất công".
Cô Charlotte ra tận hành lang đón và ôm hôn tôi. Cô bảo thầy vẫn còn đang ngủ dù đã 10 giờ sáng. Chúng tôi đi vào bếp. Tôi giúp cô dọn dẹp. Dãy lọ thuốc nằm la liệt trên bàn nom giống như một đội quân tròn trùng trục đội nón trắng. Thầy buộc phải chích morphine để trấn áp nhịp thở.
Tôi bỏ thức ăn mang theo vào tủ lạnh - xúp, bánh rau, xà lách trộn. Tôi xin lỗi cô Charlotte vì đã mang theo. Thầy chẳng thể nhai được từ mấy tháng nay - cả hai chúng tôi đều biết - nhưng hình như chuyện mang thức ăn theo đã trở thành một nghi thức truyền thống. Khi người ta sắp mất một người thân, người ta thường níu kéo bất kỳ nghi thức nào.
Tôi chờ trong phòng khách, nơi Koppel phỏng vấn thầy Morrie lần đầu, rồi với tờ báo trên bàn cầm đọc. Hai đứa trẻ ở bang Minnesota bắn chết nhau trong khi nghịch súng của cha. Một đứa trẻ bị vùi chết trong thùng rác ở một ngõ hẻm thuộc Los Angeles.
Tôi đặt tờ báo xuống, nhìn đăm đăm vào chiếc lò sưởi bỏ không, nhịp mũi giày nhè nhẹ xuống sàn. Cuối cùng tôi nghe tiếng cửa mở ra khép vào, rồi tiếng bước chân cô Charlotte.
"Rồi đấy" - Cô nói khẽ - "Ông ấy đang chờ anh".
Tôi nhổm lên chạy bổ về hướng quen thuộc, nhưng chỉ trông thấy một phụ nữ lạ hoắc đang ngồi trên chiếc ghế xếp của thầy đọc sách, chân bắt chữ ngũ.
À đó là cô y tá trông chừng thầy 24/24.
Phòng làm việc của thầy trống trơn. Bủn rủn cả tay chân, tôi bổ nhào trở lại phòng ngủ, lần khân mấy giây rồi chợt reo thầm như mở cờ trong bụng:
"Thầy kia rồi!".
Thầy nằm im trên giường, đắp chăn kín mít. Tôi nhớ lại, thầy chỉ nằm trong tư thế đó có mỗi một lần - khi người ta mát xa cho thầy. Câu cách ngôn của thầy: "Khi ta nằm trên giường tức là ta chết” lại hiện ra chập chờn.
Tôi bước vào, cố nặn nụ cười. Thầy mặc chiếc áo pyjama màu vàng, đắp chăn từ ngực trở xuống. Hình hài thầy teo nhỏ lại đến nỗi tôi có cảm tưởng hình như có cái gì đó mất đi. Thầy chỉ còn bé tí như một đứa trẻ.
Miệng thầy há ra, da xám ngoét dán chặt vào xương gò má. Thầy đảo mắt về phía tôi, muốn nói nhưng chỉ phát ra được những âm thanh lầm rầm.
"Ôi thầy!" Tôi reo lên như muốn biểu cảm tất cả nỗi phấn khích của mình.
Thầy thở hắt, nhắm mắt, rồi mỉm cười. Cố gắng đó khiến thầy mệt rũ.
"Ồ anh bạn... thân mến... của ta". Cuối cùng thầy cũng thốt nên lời.
"Con là bạn của thầy mà". Tôi bảo.
"Hôm nay... ta không khỏe".
"Ngày mai thầy sẽ khá hơn".
Thầy cố thở thêm một cái nữa để gật đầu. Hình như thầy đang giằng co với một cái gì đó trong chăn, thầy cố chìa tay ra.
"Hãy nắm..." - Thầy thều thào.
Tôi vén chăn lên, bóp chặt lấy tay thầy - những ngón tay tí xíu nằm gọn lỏn trong tay tôi. Tôi cúi xuống nhìn kỹ mặt thầy. Đây là lần đầu tiên tôi thấy thầy không cạo râu. Những sợi râu bạc trắng lún phún chĩa ra, như thể có ai đó trét muối xung quanh cằm và má thầy. Làm sao chúng có thể trồi lên được trên “mảnh đất" đã gần như mất hết sức sống này nhỉ?!
"Thầy Morrie ơi" - Tôi gọi nhỏ.
"Con phải gọi ta là huấn luyện viên chứ". Thầy chữa lại.
“Dạ, huấn luyện viên của con ơi" - Tôi run bắn.
Thầy nói giữa tiếng nấc nghẹn - hít không khí vào và thở ra từ vựng. Giọng thầy mỏng manh. Thầy có mùi ngai ngái của thuốc mỡ.
"Con... con thật là một linh hồn thánh thiện".
"Một linh hồn thánh thiện?". Tôi hoang mang.
"Hãy sờ... vào chỗ này... của ta này". Thầy lần mò bàn tay lên trái tim.
Tôi thấy có cái gì mắc mứu trong cổ họng.
"Thầy ơi thầy..."
“Hả?”
"Con không biết làm thế nào để nói lời từ biệt".
Thầy vỗ nhè nhẹ bàn tay tôi, giữ nó trên ngực mình.
"Đây... là cách để... nói lời vĩnh biệt...”
Hơi thở thầy nhẹ dần, thấy rõ xương sườn phập phồng. Tiếp đến, thầy nhìn thẳng ngay mặt tôi.
"Ta yêu... con..." - Thầy cố thầm thì.
"Con cũng yêu thầy, thầy ơi".
"Hãy tin vào điều con làm... và hãy biết... rằng..."
"Dạ biết gì cơ?"
"Con... luôn... có..."
Mắt thầy dại đi, rồi thầy khóc, khuôn mặt dúm lại như đứa trẻ không thể kiểm soát được tuyến lệ của mình. Tôi ôm ghì và xoa làn da chảy xệ của thầy. Xong tôi lại vuốt tóc thầy và đặt lòng bàn tay mình vào mặt thầy, cảm nhận xương thịt thầy nhạt nhòa trong làn nước mắt.
Khi nhịp thở thầy trở lại bình thường, tôi hắng giọng:
"Thầy mệt quá ạ. Hay là để thứ Ba tuần sau con sẽ trở lại thăm thầy - lúc đó con mong là thầy tỉnh táo hơn. Con cám ơn thầy nhiều".
Thầy khụt khịt như sắp cười ha hả. Có lẽ âm thanh thần chết cũng buồn thảm như thế!
Tôi với cái giỏ mở toang có đựng chiếc máy ghi âm. Mình lại mang theo cái này làm quái gì nhỉ? Chúng tôi sẽ không bao giờ còn sử dụng tới nó nữa.
Tôi cúi xuống hôn thầy, dí sát mặt mình vào mặt thầy và giữ nguyên đó lâu hơn thường lệ - như vậy sẽ mang lại cho thầy niềm vui ngắn ngủi.
"Dạ. con đi đây". Tôi vùng ra.
Tôi chớp mắt cho nước mắt rơi xuống, còn thầy thì mím môi lại, nhướng mắt cố nhìn lên. Tôi cảm tưởng như đó là giây phút mãn nguyện đối với người thầy thân yêu của tôi. Cuối cùng thầy khiến tôi khóc nức nở.
"Nào, nào...". Thầy sẽ sàng.