Biên dịch: HƯƠNG PHONG
TUẦN THỨ BA
CHÚNG TÔI BÀN VỀ SỰ NUỐI TIẾC

Thứ Ba sau tôi quay trở lại nhà thầy Morrie, lôi theo một bao to tướng chứa đầy thức ăn: bắp, xà lách, bánh nướng nhân táo... Ngoài ra, còn một thứ không ăn được: chiếc máy ghi âm hiệu Sony. Tôi giải thích rằng muốn ghi lại giọng nói của thầy. Sau này, tôi có thể nghe lại những lời giáo huấn, khi...
"Khi ta đã chết".
"Thầy đừng nói vậy".
Thầy Morrie cười lớn: "Mitch. Ta sắp chết thật mà. Không lâu nữa đâu".
Thầy săm soi cái máy mới và bình phẩm "Bự quá". Bằng sự nhạy cảm của người phóng viên, tôi hiểu ngay rằng trong cuộc nói chuyện giữa hai người bạn vong niên, sự hiện diện của chiếc máy ghi âm sẽ tạo ra không khí xa lạ. Nó gây ấn tượng là trong số tất cả những người quấy rầy thầy, có vẻ như tôi là người tham lam nhất, cố vắt được nhiều điều có lợi cho mình vào những ngày thứ Ba.
Thôi vậy, tôi vừa nói vừa nhấc chiếc máy lên. Chúng ta sẽ không dùng tới nó nếu thấy bất tiện.
Thầy ngăn tôi lại, ngọ nguậy mấy ngón tay rồi móc cặp kiếng trên mũi xuống, thả cho chúng lủng lẳng trên sợi dây cột lên cổ. Thầy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói "Bỏ xuống!".
Tôi đặt chiếc máy xuống bàn.
"Mitch", thầy nói tiếp, cũng vẫn bằng giọng nhẹ nhàng. "Con chưa hiểu. Ta muốn nói về cuộc đời ta, muốn kể cho con nghe kẻo nay mai ta không còn đủ sức."
Giọng thầy nhỏ hẳn như thì thầm. "Ta mong có người chịu nghe những câu chuyện của mình. Con thích nghe không?"
Tôi gật đầu.
Chúng tôi ngồi im lặng trong giây lát.
"Chúng ta tiếp tục được chưa?"
Lần đầu thấy thầy Morrie xuất hiện trong chương trình Câu chuyện hàng đêm, tôi tự hỏi: Không biết ông còn ân hận điều gì khi mà cái chết đã kề bên? Ông đau xót vì đã đánh mất nhiều bạn bè? Giá còn sống, phải chăng ông sẽ xử sự khác đi rất nhiều? Và tôi tự hỏi, nếu tôi rơi vào hoàn cảnh của ông, phải chăng tôi cũng sẽ bị chìm ngập trong những ý nghĩ buồn rầu về những lỗi lầm từng mắc phải trong quá khứ? Và những bí mật mà tôi giấu kín suốt đời cũng sẽ không để cho tôi yên?
Khi tôi đề cập vấn đề này với thầy Morrie, ông gật đầu. "Đó có phải là điều ở ta khiến mọi người quan tâm? Cái gì sẽ xảy ra nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời?" Nghe câu nói của thầy, tôi tưởng tượng ra cảnh mình gục xuống bàn làm việc thở hắt ra lần cuối. Trong lúc các nhân viên y tế đang khiêng xác tôi đi, biên tập viên hối hả lục lọi tìm kiếm bản thảo bài báo cuối cùng mà tôi đang viết dở dang.
"Mitch", thầy Morrie khẽ gọi.
Tôi lắc đầu không nói gì, nhưng rõ ràng thầy nắm bắt được ý nghĩ của tôi.
"Mitch", ông nói tiếp, "Lối sống của chúng ta không khuyến khích con người nghĩ trước chuyện đó, trừ phi anh ta sắp chết. Chúng ta còn mải loay hoay bó mình giữa những chuyện cá nhân, sự nghiệp, gia đình, kiếm cho nhiều tiền bạc, mua một chiếc xe hơi mới, sửa một cái lò sưởi khi nó bị hỏng... Nói tóm lại chúng ta tham dự vào hàng tỷ chuyện lặt vặt không bao giờ chấm dứt. Vì thế chúng ta không có thói quen dừng lại, ngoảnh nhìn về phía sau và tự hỏi: Tất cả chỉ có thế thôi sao? Phải chăng đó là tất cả những gì mà ta mong ước? Còn thiếu gì không?"
Thầy dừng lại một lát.
“Con cần một người giúp con trả lời câu hỏi đó, nhưng câu trả lời lại không tự nó xuất hiện".
Tôi biết thầy đang ám chỉ điều gì. Trong đời, tất cả chúng ta đều cần có những người thầy.
Người thầy của tôi đang ngồi đây, trước mặt tôi.
Được tôi quyết định. Nếu tôi phải làm học trò thì phải là một cậu học trò nghiêm chỉnh.
Ngồi trên chuyến bay trở về nhà sau cuộc gặp lần thứ tư với thầy Morrie, tôi lấy ra cuốn tập nhỏ đã vàng ố, ghi vào đó một danh sách nhỏ những vấn đề những câu hỏi mà trong cuộc đời chúng ta thường phải vật lộn với chúng, từ hạnh phúc, tuổi già cho tới con cái và chết chóc. Dĩ nhiên trên đời này có cả triệu cuốn sách dạy cách tự rèn luyện bản thân được in ra. Cùng đề tài, có rất nhiều chương trình truyền hình, rồi có cả những trung tâm tư vấn với giá 90 đôla/giờ. Nước Mỹ giống như một phiên chợ Ba Tư ồn ào và sặc sỡ chuyên bán cách tự hoàn thiện.
Nhưng hình như tất cả những cuốn sách, chương trình truyền hình ấy vẫn chưa giúp nổi người ta tìm được lời giải đáp rõ ràng cho những câu hỏi như: Nên chăm sóc tới người khác hay lo cho “đứa trẻ to đầu” trong người bạn? Trở về với những giá trị truyền thống hay vứt bỏ chúng như những thứ vô dụng? Chạy đuổi theo sự thành đạt hay hài lòng với với những gì sẵn có? Miệng nói Không hay thực sự Làm?
Còn với thầy Morrie, tôi biết chắc một điều: ông không hề bị mờ mắt bởi những thứ sách dạy người ta phải làm thế nọ thế kia. Ông đang đứng trên đường ray, mặt đối mặt với chuyến tàu tử thần đang lao tới và ông hiểu rành mạch những điều quan trọng nhất trong cuộc đời.
Tôi thèm muốn cái nhìn rành mạch của ông. Tôi biết rằng mỗi linh hồn lầm lạc và đau khổ đều khao khát sự rõ ràng đó.
“Con hỏi ta điều gì đi chứ?”, trong câu chuyện tay đôi thầy Morrie thường nhắc vậy.
Vì thế tôi lập danh mục gồm:
Cái chết
Sợ hãi
Tuổi tác
Tham lam
Hôn nhân
Gia đình
Xã hội
Tha thứ
Cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn
Danh sách trên nằm gọn trong chiếc cặp của tôi trong chuyến tới West Newton lần thứ tư. Đấy là một ngày thứ Ba cuối tháng Tám. Hệ thống máy lạnh ở phi trường Logan Airport không làm việc, hành khách vớ gì quạt nấy cho đỡ nóng, giận dữ gạt những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. Nhìn mặt họ, tôi cứ tưởng họ đang săn lùng kẻ nào đó để... giết cho hả nỗi bực bội, tức giận.
Tôi bước vào năm học cuối. Thầy Morrie đề nghị tôi viết khoá luận về môn học thầy dạy.
Tôi? Tôi sẽ viết gì đây?
“Vấn đề nào khiến con quan tâm?”, thầy hỏi.
Hai thầy trò đảo tới đảo lui, rà xét nhiều vấn đề và cuối cùng lựa chọn thể thao. Thế là tôi bắt tay vào công trình kéo dài một năm. Chủ đề của khoá luận là tại sao bóng đá lại trở thành một thứ thuốc phiện, một tôn giáo đối với dân Mỹ. Tôi không hề ngờ rằng việc viết khoá luận chính là cuộc thực tập cho nghề nghiệp tương lai của mình. Kì thực, tôi chỉ thấy mình có thêm cơ hội để được gặp thầy mỗi tuần.
Với sự giúp đỡ của thầy Morrie, tới đầu mùa Xuân, tôi đã hoàn tất bản khoá luận dài 112 trang. Cũng đầy đủ chương hồi với đủ loại ghi chú, trích dẫn tài liệu và được đóng bìa da đen. Tôi đem nó khoe thầy với đôi chút tự hào trẻ con.
“Ta chúc mừng con”, thầy Morrie điềm tĩnh nói.
Tôi cười toe toét trong lúc thầy mãi học công trình của tôi. Rồi tôi đưa mắt nhìn quanh phòng làm việc của thầy: cũng vẫn những kệ sách, cái sàn gỗ trải thảm, chiếc trường kỷ quen thuộc đã mấy năm nay. Tôi vẩn vơ nghĩ thầm: Chắc chẳng có chỗ nào trong cái phòng này mà mình chưa ngồi.
“Con biết không, Mitch?”, thầy đăm chiêu. Ông vừa đọc vừa nói, tay đưa lên mũi sửa gọng kính. “Với những khoá luận như thế này, có lẽ trường sẽ yêu cầu con quay lại đây để học Cao học.”
"Thế ạ?”
Tôi đáp và cười thầm mãn nguyện. Thế nhưng chỉ trong nháy mắt, những ý muốn trái ngược lại đã vật lộn trong đầu tôi. Nửa sợ phải từ biệt thầy, nửa thì hăm hở muốn bước vào đến. Tôi nhìn thầy Morrie vẫn đang mãi đọc bán khoá luận, trong đầu tự hỏi: Không hiểu thế giới to lớn mà tôi sắp bước nào sẽ bắt đầu như thế nào đây?