Biên dịch: HƯƠNG PHONG
GHI TÊN VÀO LỚP

Vài tuần sau, tôi bay tới London theo dõi giải Wimbledon. Đó là nơi tranh tài của các tay vợt tennis siêu hạng thế giới, nơi duy nhất khán giả không la ó và nơi duy nhất bạn không gặp những kẻ say rượu ngật ngưỡng trên bãi đậu xe. Nước Anh đang mùa ấm áp và đầy mây. Mỗi sáng tôi tản bộ dọc theo những đường phố quanh sân tennis, phớt lờ những lời chào mời mua vé "dư" của các cậu trai, bỏ ngoài tai những tiếng rao chua lòm của mấy người bán dạo dâu tây, kem. Ngay cổng có một sạp báo bày bán hàng chục loại báo khổ nhỏ in màu sặc sỡ. Những đầu đề giật gân được viết lem nhem bằng phấn trên một tấm bảng đặt ngay trên đống báo. Các trang bìa đầy rẫy hình ảnh đàn bà hở hang, những bức chụp Hoàng gia do các tay săn ảnh chộp được. Những trang ruột ngập những chuyện thể thao, tử vi bói toán, các cuộc đánh cá, xổ số và cuối cùng một chút xíu cái gọi là tin tức.
Người qua đường vơ vội lấy những tờ báo đó, ngấu nghiến những chuyện đồn đãi trong ruột chúng. Tôi cũng dã từng làm vậy trong những chuyến tới Anh trước đây. Nhưng lần này, không hiểu vì cớ gì, tôi cứ nghĩ tới thầy Morrie mỗi khi đọc được chuyện gì đó ngớ ngẩn và vô nghĩa. Trong lúc tôi tiêu phí hàng giờ đồng hồ đọc những chuyện chẳng liên quan gì tới mình: nào Công nương Di, nào Madonna hay John F. Kennedy. Còn thầy Morrie đang đếm từng hơi thở của mình, cố tranh thủ từng giây, từng phút quý báu cho những người thân yêu của ông. Tôi cảm thấy ghen tỵ với những hơi thở gấp gáp ngắn ngủi của thầy. Tại sao chúng ta lại cứ phải để tâm với những trò điên cuồng do chính chúng ta bày ra?
Tôi trở về Mỹ đúng lúc phiên toà xử vụ O.J. Simpson đang vào giai đoạn cao trào. Có nhiều người bỏ cả bữa trưa chỉ để xem tường thuật trên tivi, thậm chí còn ghi băng để tối coi lại. Họ chẳng hề quen biết Simpson, chẳng quen biết bất kỳ người nào liên quan tới vụ án, thế nhưng họ vứt bỏ nhiều tuần của cuộc đời mình chỉ để tò mò gặm nhấm bi kịch của người khác.
Tôi nhớ lại lời thầy Morrie nói với tôi: "Lối sống của chúng ta không làm cho người ta cảm thấy thoả mãn chính mình. Anh phải là người thật mạnh mẽ để từ chối nếu nó không thích hợp".
Từ rất lâu trước khi rơi vào cảnh bệnh tật, thầy Morrie đã tự tạo cho mình một lối sống riêng. Ngoài những nhóm thảo luận, những cuộc đi dạo đàm đạo với bạn bè, thói quen đi nhảy ở nhà thờ Quảng trường Havard, thầy còn theo đuổi dự án Ngôi nhà Xanh, nơi nhận chăm sóc những vết thương tâm thần cho những kẻ nghèo khó. Thầy Morrie đọc sách không ngừng, chắt lọc những ý tưởng mới mẻ cho các bài giảng. Ông thăm viếng các bạn đồng nghiệp, trao đổi thư từ với sinh viên cũ, bạn bè phương xa. Thầy Morrie dành ngày càng nhiều thời gian sống với thiên nhiên, từ chối ngồi lì trước máy truyền hình. Ông đặt mình trong một thế giới giao tiếp người với người.
Tôi cũng chọn cho mình một lối sống riêng: Công việc. Trong thời gian lưu lại nước Anh, tôi nhận làm việc đồng thời cho vài tờ báo, tung hứng chúng như anh hề. Mỗi ngày tôi dán mắt vào màn hình máy tính suốt 8 tiếng đồng hồ, bóp óc cho đủ bài gởi về Mỹ. Rồi tôi lang thang cùng với nhóm quay phim khắp các xó xỉnh của London làm phóng sự truyền hình. Chưa hết, sáng tinh mơ và chiều tối là giờ tôi gào vào máy điện thoại để chuyển các bản tin cho một đài phát thanh ở Mỹ thuê tôi làm thêm. Một gánh nặng quá sức. Được hơn một năm, tôi thuê một người phụ tá và đẩy cho hắn một mớ việc.
Ở Wimbledon, chẳng cần phải nghĩ ngợi, tôi dùng bữa ngay trên chiếc bàn làm việc trong căn phòng hẹp. Một ngày nọ, trong lúc cùng đám phóng viên đuổi bám theo Andre Agassi và Brooke Shields - cô bạn gái nổi tiếng của anh ta, tôi bị một tay săn ảnh người Anh xô bật ngửa. Không thèm ngoái cổ lại, thằng cha đó chỉ lầm bầm trong họng vỏn vẹn hai chữ "Xin lỗi" và mải miết lao về phía trước với cái máy ảnh to đùng lủng lẳng trước cổ như đeo gông. Tôi nghĩ về một câu khác của thầy Morrie: "Nhiều người cứ lòng vòng với một cuộc sống vô nghĩa. Họ dường như đang mê ngủ mặc dù họ đang làm những điều họ cho là quan trọng. Đó là vì họ sai lầm. Con đường dẫn tới ý nghĩa đích thực của cuộc sống đòi hỏi người ta phải biết yêu người khác, biết hiến mình cho cộng đồng, làm những việc khiến cuộc sống trở nên có mục đích".
Tôi nhận ra rằng những lời thầy Morrie hoàn toàn đúng.
Giải Wimbledon kết thúc, tôi tắt máy tính, dọn dẹp phòng làm việc, trở về khách sạn đóng gói đồ đạc.
Tôi bay tới Detroit vào lúc gần nửa đêm, cố lê bước về tới nhà chui vào giường ngủ. Sáng hôm sau, tôi bừng tỉnh giấc với tin choáng váng: Công đoàn tờ báo nơi tôi làm việc quyết định đình công. Lối vào cửa bị chặn bởi những hàng rào, nhân viên tuần hành dọc theo quãng phố trước cửa toà soạn. Là thành viên công đoàn, tôi không còn chọn lựa nào khác. Lần đầu tiên trong đời, tôi bỏ việc, chống lại các ông chủ. Những người lãnh đạo Công đoàn gọi điện cảnh cáo tôi không được liên lạc với ban biên tập mà trong đó có nhiều người là bạn tôi, và phải treo máy nếu họ gọi lại giải thích sự việc.
"Chúng ta sẽ đấu tranh tới ngày thắng lợi”, các nhà lãnh đạo Công đoàn thề thốt.
Tôi cảm thấy bối rối và chán nản. Mặc dầu tôi còn làm thêm cho mạng truyền hình và phát thanh, thế nhưng báo chí vẫn là công việc chính. Với tôi, tờ báo như khí trời tôi hít thở để sống. Mỗi sáng nhìn thấy những bài viết của mình được đăng, ít nhất tôi cũng biết rằng mình vẫn còn sống.
Bây giờ mọi chuyện đã khác. Cuộc đình công kéo dài sang ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba và xuất hiện những cú điện thoại, những tin đồn nói nó sẽ kéo dài vài tháng. Mọi việc đều bị đảo lộn tùng phèo. Đang diễn ra biết bao nhiêu sự kiện thể thao đáng ra tôi phải có mặt để đưa tin, thế mà tôi lại nằm khoèo ở nhà coi chúng qua tivi. Quen nghĩ rằng bạn đọc đang hau háu chờ những bài bình luận sốt dẻo của tôi, tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng dẫu không có tôi dòng đời vẫn trôi qua bình thản.
Một tuần trôi qua. Tôi nhấc ống nghe và quay số của thầy Morrie. Chị Connie đỡ ông tới bên máy.
"Con đến chỗ ta nhé”, giọng thầy nói như ra lệnh.
"Vâng".
"Thứ Ba được không?"
Thứ Ba cũng được. Có khi lại tốt nữa.
Sang năm thứ hai, tôi học thêm hai môn với thầy Morrie. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ngoài giảng đường để đàm đạo. Trước đây, tôi chưa nói chuyện lâu với người lớn, trừ phi đó là người thân trong gia đình. Thế nhưng, tôi rất thích những cuộc thảo luận với thầy Morrie, và có lẽ ông cũng cảm thấy như vậy đối với tôi.
“Hôm nay chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu nhỉ?”, thầy vui vẻ hỏi khi tôi bước vào phòng làm việc của ông.
Mùa Xuân, chúng tôi ngồi dưới những gốc cây tán lá rộng bên ngoài toà nhà khoa Xã hội học. Tới mùa đông hai thầy trò chuyện trò với nhau bên chiếc bàn làm việc. Tôi lúc nào cũng đánh chiếc áo trấn thú xám không ống tay áo, chân xỏ đôi giày thể thao Adidas. Dưới ống quần nhung kẻ sọc của thầy ló ra mũi giày Rockport. Lần nào, thầy cũng kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện lan man của tôi, cố hướng nó thành một bài học về cuộc sống. Ngược lại với cái nhìn rất phổ biến trong sinh viên, thầy Morrie cảnh cáo tôi rằng trong đời tiền tài không phải là thứ chính yếu nhất. Thầy khuyên tôi cần phải làm một "con người hoàn toàn”, phải hoà nhập với xã hội... trong những điều thầy nói ra, có cái tôi hiểu, có cái không. Nhưng hiểu hay không hiểu không thành vấn đề. Những cuộc thảo luận cho tôi cái cớ để được nói chuyện với thầy như với người cha. Cha tôi không mấy khi nói chuyện với tôi và ông mong tôi theo nghề luật sư, còn thầy Morrie lại chúa ghét luật sư.
"Con định làm gì sau khi tốt nghiệp?”,  thầy hỏi.
Tôi muốn trở thành nhạc công. Nhạc công piano.
"Tuyệt”, thầy nói. "Nhưng khó đấy”.
Vâng.
“Có nhiều tay cự phách”.
Tôi có nghe nói.
"Thế nhưng", thầy ngưng một thoáng, “Nếu con thực muốn như vậy, con sẽ làm được”.
Tôi muốn ôm lấy thầy và nói câu cám ơn, nhưng rồi tôi cố nén mình, chỉ lặng lẽ gật đầu.
"Ta dám cá là con sẽ chơi piano hăng hái lắm đấy.”
Tôi cười. Hăng hái ư?
Thầy Morrie cười đáp: "Hăng hái. Thì sao nào?”