Phần II - Chương 1
LẬP CHÍ: LUYỆN CHÍ ĐỂ THÀNH CÔNG

Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi
mà vì lòng người ngại núi e sông
Nguyễn Bá Học
Có chí là có tất cả. Muốn thành công trên đường đời cần nhiều điều kiện: sức khỏe, tài năng, học vấn, chí khí, hoàn cảnh. Không thể nói những người có chí khí đều thành công, song trái lại chúng ta có thể nói không sợ lầm: những người đã thành công là những người có chí khí. Bất luận ở một ngành hoạt động nào: một nhà buôn phát đạt, một nhà khoa học phát minh, một nhà văn nổi tiếng, một nhà chính trị đắc thắng, đều có khí giới bén nhọn ấy giúp họ lướt thắng hết mọi trở lực, làm hơn người cùng thời.
Nếu có ai hỏi những người đã "đến nơi đến chốn" ấy, cái gì đã giúp họ nhiều nhất để làm nên chắc chắn họ sẽ trả lời: chí khí.
Thiếu tiền bạc làm vốn? Có đủ chí khí để dành dụm tiện tặn lâu ngày rồi cũng được một số vốn.
Thiếu học? Có đủ chí khí để học thêm thì đầu óc mỗi ngày mở mang.
Thiếu sức khỏe? Có đủ chí để tuân giữ phép vệ sinh, tập thể dục hàng bữa, chắc chắn rồi cũng được khỏe mạnh.
Tiền bạc, học vấn, sức khỏe không có? Có chí khí chúng ta sẽ làm nên cho có. Trái lại, thiếu chí khí là thiếu tất cả.
Trong quyển Sách Của Con Tôi ông Paul Dumer viết: "Những kẻ nào muốn thành công trên đường đời phải ước mong một chí khí đanh thép; mọi sự khác tự nhiên rồi sẽ có sau".
Người như ông Paul Dumer, từ bậc con nhà hàn vi vượt lên ngôi Tổng thống nước Pháp, đã từng trải việc đời và thấu được bí quyết ấy, nói ra tưởng chúng ta có thể tin lắm.
Hoàng đế Napoléon, người mà mỗi khi nói đến chí khí, nghị lực người ta thường nhắc đến cũng nói: "Những chiến công ở trận mạc ba phần tư là nhờ ở sức mạnh tinh thần".
Trên trận đời, chúng ta nhận thấy câu nói ấy không sai mấy. Trong cuộc chiến đấu để giành lấy hạnh phúc, danh vọng, sức khỏe, tiền bạc, chức nghiệp, ái tình người bại trận là người yếu tinh thần.
Phần đắc thắng trên trận đời không dành để cho những "đại lực sĩ" họa chăng là trên bãi cỏ, trên võ đài. Hình ảnh một tấm thân bồ tượng song kém tinh thần bị một người bé nhỏ mà khôn lanh nắm dây dụi không phải là không đúng. Bắp thịt chỉ có một giá trị tương đối, nhắm mắt chạy ù theo phong trào vai u thịt nở, suốt ngày luyện tập cho được cái sức mạnh của con hổ là điều không khôn ngoan, vì mạnh như con hổ kia còn bị người đi cày lập mưu trói lại, đánh cho một trận nên thân.
Cũng không phải với khối óc thông minh, với sở học cao mà làm nên sự nghiệp. Trong trường học đưa ra đời hai cậu học sinh cùng một cỡ học, cùng một trí thông minh. Vài năm sau, người đã đi xa trên đường đời là người giàu chí khí hơn. Có nhiều người lúc còn ở nhà trường luôn luôn đứng trên chúng bạn mà khi ra đời lục đục đi sau người.
Trái lại, có nhiều ông "vua dê rô" khi ra đời lại làm nên nghiệp cả. Điều đó dễ hiểu, vì ở trường học người ta xếp hạng tùy theo khối óc thông minh, theo trí nhớ dẻo dai, khi ra trường đời trái lại, con người được đánh giá theo chí khí của họ. Có nhiều khối óc to, nhét đầy hiểu biết mà suốt đời chẳng làm nên một công việc gì xứng đáng với tài học của họ. Họ thường núp sau hai chữ "khiêm tốn" để che đậy nỗi bất lực. Thật ra bởi thiếu cái chí để thành công nên họ toan tính dự định thì nhiều mà không làm nên một trò trống gì cả.
Lịch sử xưa nay treo gương bao nhiêu người đã nhờ cái chí khí mà làm nên sự nghiệp. Chúng tôi không muốn nhắc đến mẫu đời cao cả của những bậc vĩ nhân ấy. Họ xa chúng ta quá, chúng tôi muốn các bạn nhìn lại chung quanh mình, để tìm một vài gương mẫu "sống" và gần các bạn hơn. Hạng người nhờ sức mạnh tinh thần mà làm nên "chúa tể trên đời" không thiếu.
Đây chúng ta hãy trông họ đi ngoài đường: người họ thẳng thắn, cằm đưa ra, ngực nẩy tới, cái nhìn sâu sắc ngó thẳng tới trước, họ mạnh dạn vẹt đám đông người mà tiến bước. Họ làm cái gì cũng thành tựu. Mở một gian hàng tạp hóa ở góc đường, khai khẩn một đồn điền hay tranh đua một địa vị, họ đều thành công. Họ đi từ đắc thắng này đến sự đắc thắng khác. Người nông nổi cho rằng họ sinh nhằm một vì sao tốt hoặc vận đỏ. Thiết thực hơn, đúng lý hơn chúng ta hãy tìm nguyên do sự thành công của họ ở cái chí khí làm người của họ. Rủi may không phải là không có, song nó không phải là vị thần đui mù như người ta lầm tưởng. Nó thường chiêu đãi những người nào biết lấy chí cả bền gan mà chinh phục nó. Trong quyển Tôi Muốn Thành Công H. Durville viết: "Khi anh đã quyết chiến đấu phần may mắn sẽ thuộc về anh, nó không phải là một thực thể hay dời đổi. Nó vâng lời kẻ nào biết muốn. Một khi chúng ta có thể điều khiển tư tưởng của chúng ta nổi thì chúng ta hấp dẫn nó được, chúng ta hấp dẫn nó như đá nam châm hút kim chỉ nam".
May rủi là một cái cớ cho người ươn hèn, biếng nhác tự an ủi họ sau những thất bại chua cay, hoặc để cam phận sống cuộc đời phẳng lỳ như mặt nước ao tù. Ông Thomas Edison người mà đời sống là một gương nghị lực đã thường nói: "Trong những công trình sáng chế của tôi, 10% là nhờ ở nguồn cảm hứng còn 90% là ở những mạch mồ hôi". (Thomas Edison: Nhà phát minh nước Mỹ, lúc 12 tuổi ông còn là một cậu bé bán báo trên xe lửa. Về sau lần mò học nghề sắp chữ nhà in rồi sang nghề đánh điện tín. Nhờ có chí để tự học và sức làm việc ít ai bì ông đã trở nên một nhà thông thái đã phát minh ra máy hát, đèn điện, điện thoại…).