Chương 7
LẬP THÂN:
TỔ CHỨC CUỘC ĐỜI ĐỂ LÀM NÊN

Anh được tự do sống hay là để

mình bị lôi cuốn theo sự sống.

Bác sĩ V. Pauchet

 

 

Cần tổ chức cuộc đời.
Trước khi lên đường nhà du lịch khôn ngoan phải có trước mặt những chương trình rõ rệt. Họ phải có một hành trình nhất định, phải hỏi ngày giờ xe chạy, tìm xem bản đồ những thị thành sắp trải qua, chọn những khách sạn sẽ ngự, dự định số tiền sẽ tiêu dùng và nhất là phải có một mục đích rõ rệt: Đi đâu? Đi để làm gì? Như thế mới mong tránh khỏi những cảnh bất ngờ của những chàng lang thang đi đâu cũng trễ giờ tàu, lỡ bước ở nhiều nơi không có một khách sạn phải ngủ giữa trời hoặc thiếu hụt tiền.
Trên đường đời cũng không khác, muốn đi đến chốn, muốn tránh những bất ngờ chúng ta phải chuẩn bị và thảo trước một chương trình để sống, chúng ta cần tổ chức cuộc đời.
Một nhà văn nói: “Tương lai chẳng phải là điều sẵn có để ta chờ đợi, chúng ta phải biết tự tạo lấy nó”. Muốn tạo lấy tương lai chúng ta phải có gan nắm lấy vận mạng trong tay để điều khiển, song cũng phải biết tổ chức cuộc đời để đi mau đến nơi đến chốn.
Những người sống một cách vô ý thức, một cách luông tuồng, một cách thụ động, phú thác cuộc đời cho vận mạng, cho may rủi lôi kéo. Sống để làm gì? Họ không rõ. Năm tới, tháng tới, ngày mai sẽ làm gì, họ cũng không biết hoặc không cần biết; cho nên trên đường đời những bước vinh quang họ ít gặp, lại thường gặp những trở lực mà với một chút ý thức nếu họ đã lo trước, rất có thể tránh khỏi.
Tổ chức cuộc đời là xếp đặt một chương trình để do theo đó mà hành động. Nó cũng như bức địa đồ chúng ta sẽ do đó mà đi. Trước hết, phải có một chương trình tổng quát về đời sống; sau đó, những chương trình hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày.
Trong chương trình tổng quát chúng ta sẽ ghi những giai đoạn phải trải qua, những phương tiện để dùng, thời gian tiên liệu để đi đến mục đích.
Trong chương trình hàng năm, hàng tháng, hàng ngày chúng ta sẽ ghi những công việc phải làm để thực hiện chương trình nói trên.
Những chương trình ấy sẽ làm cho chúng ta thêm phấn khởi khi thấy rõ những đoạn đường đã trải qua, sẽ thúc giục chúng ta nỗ lực thêm để làm việc, để đi mau đến mục đích đã nhắm.
Với những chương trình ấy chúng ta sẽ dùng thời giờ một cách đắc lực, không hoang phí một giờ, một phút. Sáng thức dậy, chúng ta đã thấy những công việc phải làm, những công việc nào phải làm trước và như vậy suốt ngày không có giờ phút nào đầu óc chúng ta rỗng không, để than như nhiều người: “Độ này dư thời giờ, chán quá, chẳng biết làm gì cả”. Hoặc dư thời giờ để nói xấu, gièm pha, xoi bói hay hờn giận kẻ khác.
Có những chương trình ấy chúng ta mới tiến tuần tự, chắc chắn không sợ vấp ngã. Chúng ta đã định trước, đã biết trước cái gì chúng ta còn khuyết điểm cần phải bổ sung về phương diện thể chất cũng như về phương diện tri thức hoặc tâm thần hay xã hội. Không như nhiều người, thấy cái gì hay cũng muốn học, không hiểu điều ấy có đắc dụng với mình chăng? Có nhiều bạn trẻ thấy người ta xem sách triết lý cũng cố gắng nghiềm ngẫm nào là triết học Nietzsche, triết học Einstein, trong khi đó họ chưa biết sơ qua những điểm về tâm lý thực nghiệm để rèn luyện ý chí, để sử dụng trong khi giao tiếp với người. Hoặc có người thấy hô hào việc thể thao cũng nhảy ra chơi thể thao trong lúc ấy còn kém sức khỏe, đáng lẽ phải trải qua một thời gian tập thể dục cho có đủ sức vóc để chơi thể thao.
Nếu tôi nhớ rõ, trong quyển Guide de la santé, ông Gandhi đã nói đại để: “Họ làu thông ngọn núi Himaylaya cao bao nhiêu thước, con sông Gange dài bao nhiêu cây số mà những điều thiết thực cho sự sống của họ, ăn làm sao, thở làm sao cho đúng phép vệ sinh họ chưa bao giờ để ý đến”.
 
Tóm lại, người biết tổ chức đời sống là người lái thuyền khôn ngoan, trước khi xuất hành biết xem trời, xem nước, biết dò xét chỗ nào sông cạn, chỗ nào có đá nổi; khi cầm lái họ biết chiều theo gió, theo dòng nước mà lướt thuyền, biết nơi nào có đá nhọn để tránh. Cuộc hành trình của họ nhờ thế mà suông sẻ và họ có thể tin chắc rằng họ sẽ đến bên bình an. Với những bạn trẻ sắp rời bỏ ghế nhà trường để bước chân vào trường đời, chúng tôi muốn nhắn: “Hãy tổ chức cuộc đời”.
Muốn tổ chức cuộc đời trước phải tạo cho mình một mục đích để sống, phải tìm ra ý nghĩa đời sống. Do đó, chúng ta sẽ dàn xếp chương trình đời sống của chúng ta.
Ý nghĩa của đời sống.
Muốn tìm nguồn vui sống, muốn ham sống, muốn có can đảm để sống chúng ta phải tìm cho đời sống một ý nghĩa.
Muốn tổ chức cuộc đời, chúng ta cần phải đặt cho nó một mục đích, để theo đó mà dàn xếp cuộc đời.
Tìm một ý nghĩa cho đời sống? Nhiều người nói: “Sống là sống, đời sống chẳng có ý nghĩa gì cả, vì đời sống tự nó đã là cứu cánh rồi”. Định nghĩa như vậy có khi viễn vông và mù mờ quá chăng?
Chúng ta thử đi tìm ý nghĩa thiết thực của đời sống để làm phương hướng cho những hành động của chúng ta sau này.
Ý nghĩa của đời sống? Làm sao quy định nó được trong khi cuộc đời là một tấn tuồng trăm cảnh mà những vai tuồng cũng hết sức phức tạp. Mỗi người do khí chất, do giáo dục, do hoàn cảnh xã hội sẽ nhìn đời bằng cặp mắt khác nhau, họ sẽ gán cho đời những mục đích khác nhau.
Có người suốt đời chỉ lo luyện tập thân thể nở nang để thành những pho tượng, lo bổ dưỡng người họ bằng những ống thuốc chích, những liều thuốc bổ. Để mà chi? Để mà tận hưởng tất cả những khoái lạc ở trên đời. Với họ, đời chỉ là những trò khoái lạc, những chơi nhiều thì lãi, người nào không biết hưởng là thua thiệt. Song một khi con người họ mà được thỏa mãn đầy đủ, một khi họ đã tận hưởng tất cả những khoái lạc trên chợ đời họ vẫn thấy mình còn xa cõi hạnh phúc. Họ đã thấy chán chê, có khi ghê tởm những cái gì trước kia họ đã thờ phượng. Họ là những người sống chỉ biết phụng sự cái “tôi” vật chất của họ.
Trái với hạng trên, có người chỉ thiên về đời sống tinh thần. Họ ghét cay ghét đắng những cái gì dính dấp đến phần vật chất mà họ cho là quá tầm thường không đáng kể. Đó là những chàng thư sinh cắm đầu cắm vổ vào những đống sách mà không biết thâu lấy trong mớ hiểu biết kia một ích lợi thiết thực nào. Lớn lên, họ sẽ là nhà trí thức thuần túy, lúc nào cũng toang mang khối óc, đem lý trí ra để xử sự. Họ giải quyết vấn đề… song chỉ giải quyết trong óc tưởng tượng hoặc giải quyết trên mặt giấy. Họ là những người mà một chính khách đã tặng cho cái danh hiệu “Những nhà làm việc âm thầm”, bởi họ không thích sống giữa trận chiến ầm ĩ mà chỉ thích hành động trong sự lặng lẽ, âm thầm của buồng giấy. Chẳng những họ là những người bất lực mà cũng là những người hèn nhát, những người lười biếng.
Có người chỉ thiên về tâm thần, bị những thuyết thần bí ám ảnh. Mọi sự ở đời này họ không màng, cuộc đời thực tế họ không kể. Họ sống là sống gửi, sống tạm để chờ lúc thác về nơi non Bồng, nước Nhược hoặc một thiên đường nào đó. Họ là những người sợ sống, không dám sống, chỉ lo trốn tránh cuộc đời. Nhưng chạy trời sao khỏi nắng, nếu họ không muốn tiến, cuộc đời vẫn tiến, và lâu lâu nó sẽ nhắc chừng họ bằng những bài học đau đớn. Hạng này ta thấy rất nhiều ở những nước hậu tiến, nói ngược lại chính hạng này làm ngưng trệ cuộc tiến hóa của xứ sở họ.
Chúng tôi không nhớ đã xem đâu đây một truyện ngắn của M. C Poinsot: “Tiếng Lòng”, kể chuyện một triết nhân đi tìm chân lý bằng cách lắng nghe tiếng lòng, bởi ông nghĩ chỉ có cách đi sâu vào cõi lòng mới tìm thấy chân lý.
Bắt đầu ông lánh xa bè bạn, ngưng lại cuộc đời hoạt động để suy tưởng. Chưa vừa ý, ông đi lánh mình nơi đồng bái an tĩnh. Song rồi cũng bất mãn, ông ta phải xa hẳn cuộc đời văn minh bởi “tiếng ồn ào của nó vẫn còn lấp mãi tiếng lòng ta”. Ông bèn đi vào nơi rừng sâu tĩnh mịch, mỗi đêm ngồi suy gẫm để lắng nghe tiếng lòng và chờ đợi tia sáng của chân lý, song luống công vô ích. Ông bắt đầu nản chí rủn lòng, bỗng có một đấng tiên hiện xuống dạy cho ông ta biết ông ta đã lạc đường. Chính ông phải tìm nghe tiếng lòng ấy giữa loài người, giữa những tiếng reo hò hay than khóc, ở giữa sự yêu thương hoặc thù hiềm của loài người. Câu “mình biết mình” của Socrate chỉ có thể thực hiện là khi mình biết đến người khác, biết đến những loại.
Một hạng người khác chỉ thấy trước mắt những lợi danh. Họ gạt bỏ hết mọi tình cảm, vứt qua bên những giá trị tinh thần, đạp lên những bức rào luân lý, đạo đức để vơ vét thât nhiều tiền của, cố đoạt nhiều quyền thế trong tay. Đó là bọn người hãnh tiến. Về phương diện xã hội chúng ta có thể nói họ là những người đã sống một cách đầy đủ nhất, nhưng sự thật một khi những ham muốn họ đã đạt thành, một khi đã ngồi trên ô tô, ở nhà lầu, một khi họ có thể nhất hô bá ứng, một khi họ đã đến nơi đến chốn, họ vẫn cảm thấy đời trống trải một cách kỳ lạ. Chỉ sống đầy đủ về phương diện xã hội chưa có thể nói là biết sống.
Trong cuộc đi tìm ý nghĩa đời sống những hạng người nói trên không phải hoàn toàn lầm lạc. Nhưng họ bị chóa mắt không nhìn rõ toàn diện đời sống. Có thể ví họ như một người khách được mời đến dự một bữa tiệc linh đình mà chỉ sơ đũa qua một vài món mà thôi. Họ chỉ nếm miếng canh, hoặc chỉ ăn một miếng chả, còn bao nhiêu hảo vị khác, còn yến xào, còn quà ngon, còn trái ngọt, còn rượu nồng, còn chè thơm… họ quên không mó tay đến.
Con người không chỉ là một cánh tay, một khối óc hay một quả tim. Con người là tất cả. Không thể phân chia con người vật chất, trí thức, tâm thần hay xã hội. Cũng phải làm nẩy nở cách điều hòa và đến tận độ tất cả những phần ấy.
Lẽ dĩ nhiên không mấy ai được hoàn toàn về mọi phương diện, song mọi người đều có thể tiến hóa điều hòa về tất cả những phần ấy. Hoặc có thể chuyên lo một phần nào đó được phát triển cách đầy đủ, thí dụ nhà học giả muốn nổi tiếng phải chuyên luyện về phần trí thức, người ấy phải để nhiều thời gian mà học hỏi, mà biên soạn, song không vì thế mà xao nhãng việc mưu sống hoặc bỏ bê phần thể chất. Chúng ta đã từng thấy bao nhiêu nhân tài bị mai một vì thiếu một vài điều kiện hết sức tầm thường: sức khỏe, tiền bạc.
Phấn đấu để mà tiến, luôn luôn tiến hóa về mọi phương diện: thể chất, trí thức, tâm thần, xã hội. Ý nghĩa cuộc đời chỉ có thế.
Tiến đến đâu? Chúng ta không cần biết và cũng không cần đặt bờ bến là đâu cả.
Nên tổ chức đời sống như thế nào?
 Đã có một quan niệm chắc chắn về cuộc đời, đã hiểu, sống chỉ có một mục đích: phấn đấu để tiến hóa, tiến hóa để khỏi lùi, luôn luôn tiến hóa về mọi phương diện, bây giờ chúng ta sẽ theo những đích ấy mà dàn xếp đời sống.
Ở đây đáng lẽ ra chỉ nên nói đến chặng đời từ 18 đến 20 tuổi trở lên, vì chừng tuổi ấy chúng ta mới đủ điều kiện để tổ chức đời sống. Đoạn đời từ bé đến 20 tuổi chính thực là ở trong tay cha mẹ điều khiển.
Song ở đây chúng ta cứ bắt đầu ở chỗ đáng bắt đầu: sẽ theo dõi một người từ lúc lọt lòng mẹ. Như vậy nếu hiện giờ cái thời gian ấy đã qua hẳn chúng ta không còn mong gì tổ chức đoạn đời ấy, chúng ta còn cái hy vọng sẽ biết để điều khiển đời sống những đứa con chúng ta sau này.
Ở một xã hội tân tiến, người ta săn sóc đứa trẻ từ khi còn trong bào thai hoặc trước hơn nữa, như một nhà giáo dục nào đã nói: “Sự giáo dục đứa trẻ bắt đầu từ 25 năm trước bằng sự giáo dục người cha và người mẹ”.
Người ta phòng ngừa chẳng để cho những người mắc bệnh di truyền, những người loạn óc, những người nghiện rượu sinh con nối dõi. Vì nếu họ có sinh sản thì những đứa con đã thọ hưởng cái di truyền khốc hại ấy sẽ là những đứa trẻ đần độn hoặc èo uột, những mối nợ cho xã hội.
Từ lúc sinh đến 7 tuổi.
Chúng tôi muốn tưởng tượng một đứa bé do những cha mẹ thật khỏe mạnh sinh ra và đã được dưỡng nuôi cách hợp lý. Chăn nuôi cách nào? Lẽ cố nhiên không phải nuôi nó trên đệm êm chăn ấm như ta thường thấy. Đứa trẻ muốn được nở nang khỏe mạnh cũng như cây cỏ, cần sống giữa thiên nhiên, cần nhiều khí trời, nhiều ánh sáng mặt trời. Những trẻ con sống giữa đồng bái, vì cha mẹ phải lo làm ăn hơn là lo nuôi con, bị bỏ lăn lóc đã vô tình hưởng được những món thuốc bổ thiên nhiên nói trên. Chúng nó khỏe mạnh vạm vỡ hơn những đứa con nhà giàu luôn luôn ấp ủ trong nhà, luôn luôn có người bồng bế, những đứa con mà “nắng không ưa, mưa không chịu” ấy càng được ấp ủ bao nhiêu càng yếu đuối bấy nhiêu. Họ cũng tránh sự “dồn nhét” thức ăn cho đứa bé. Nhiều người mỗi lần con kêu khóc là cho chúng nó bú hoặc ăn. Họ có biết chăng số người chết vì đói ít hơn số người chết vì ăn vô độ, ăn tạp nhạp.
Từ 7 đến 15 tuổi.
Chúng tôi vẫn nói đến đứa trẻ có phước được cha mẹ nuôi khéo ấy. Bảy tuổi: Sau khi đã tạo cho nó một số vốn sức khỏe kha khá, cha mẹ sẽ dẫn nó đến trường nhờ thầy khai thác mở mang khối óc của nó. Mở mang trí óc mà cũng không quên việc luyện tập thân thể, vì sức khỏe có dồi dào trí óc mới dễ phát triển. Những trò chơi giữa trời, tập thể dục theo lối thiên nhiên của G. Hébert là những phương tiện đắc lực để tạo cho nó “một tinh thần mạnh chứa đựng trong một thân thể khỏe”.
 
Từ độ này cha mẹ bắt đầu săn sóc nhiều về tinh thần của nó. Trí óc nó đang độ nở nang, còn mềm dẻo rất dễ uốn nắn. Người thầy phải chuyên lo mở mang việc họ vấn. Việc giáo dục của nó cha mẹ nó phải chăm lo lấy. Đứa con hư hay nên là do ở cha mẹ biết dạy dỗ nó cùng không. Dạy dỗ nó không phải là đánh đập chửi mắng mỗi khi nó lầm lỗi. Dạy bảo nó chỉ có cách hay hơn hết là dạy nó bằng cách trực tiếp, nghĩa là làm gương cho nó noi theo.
Muốn cho con mình trở nên hùng dũng, ta phải là người mộ việc võ, cứ cho nó tập võ, múa kiếm, đánh roi, thường thấy những nguy hiểm đi qua trước mắt, lần hồi nó quen không còn nhát nữa.
Muốn nó trở nên hép hát hãy cho nó nghe đờn ca hát xướng mãi rồi nó sẽ nhiễm.
Muốn cho con hiếu học hãy tỏ cho nó thấy ta đây rất chăm học. Nhiều người khuyên con nên chăm họ mà ở nhà thì bài bạc suốt đêm, cả năm không bao giờ đứa con thấy cha nó mó đến quyển sách, thì dù cha nó khuyên lơn cách nào cũng như nước đổ lá môn. Đứa trẻ chỉ tin, chỉ làm theo những gì nó thấy trước mắt, nó không hiểu nổi câu: “Lam theo những lời tạo dạy, đừng làm theo những gì tao làm”.
Giáo dục nó là buộc nó sống theo một quy phạm. Thảo cho nó một chương trình sống hằng bữa: giờ nào thức dậy, tập thể dục, học, giải trí v.v… rồi cứ theo đó mà xem chừng coi nó có tuân giữ đúng chăng. Nếu nó sai lệnh, phải buộc nó, nếu cần phải dùng con roi để ép buộc nó biết chịu khó, biết ráng sức. Đó là rèn cho nó tinh thần rắn chắc vậy.
Từ 15 đến 23 tuổi.
Nếu đã được nuôi dưỡng cách hợp lý như đã nói trên, đến tuổi này, người bạn trẻ của chúng ta đã thành một người khỏe xác mà cũng mạnh hồn.
Tuổi này sức khỏe còn nguyên vẹn, tinh thần chưa nao núng, sinh lực dồi dào, đầu óc còn thảnh thơi chưa bận nghĩ đến việc mưu sống, họ phải biết dùng thời gian này để hết tâm trí vào việc học vấn, còn chút thì giờ rảnh thì vui đùa chơi thể thao, giải trí bằng sách vở, khoan vội nghĩ đến việc xã hội. Có anh còn mang sách đến trường cũng tập tành viết báo, lập văn đàn, đua nhau làm thơ. Có anh lại lên mặt người lớn, tối tối thả vào các tiệm khiêu vũ, chủ nhật cũng lên trường đua góp tiền “cỏ lúa” cho ngựa. Tại sao họ không giữ tâm hồn trẻ trung, lòng trong sạch của tuổi xuân lâu dài? Những thú vui trong sạch không thiếu: có thân hình được nở nang, sức khỏe đầy đủ họ có thể chơi các môn thể thao tranh đấu mà không bị hại.
Đem dùng sức thừa của họ trong những cuộc tranh đua mệt nhọc là một cách để tránh xa những quyến rũ của xác thịt. Đương tuổi ấy, họ phải đặt danh dự ở chỗ được chọn vào một đội banh quốc tế hơn là được đi cặp với một nhan sắc trong tiệm khiêu vũ.
Đến tuổi này, một người dù trí óc kém cũng đã có thể chiếm được bằng tú tài hoặc ít hơn nữa bằng thành chung. Việc học phổ thông đã xong, bây giờ họ có hai con đường để chọn:
1) Bước lên nền học cao đẳng.
2) Xoay qua học nền học chuyên nghiệp.
Nếu gia đình có đủ điều kiện, nếu sức học người đó còn phát triển, quý hơn là họ đeo đuổi việc học đến cùng. Học đây không có ý nghĩa là chạy theo một mảnh bằng. Học là để trở nên một “giá trị”, để trở nên một “thượng lưu” đúng với ý nghĩa của chữ này. Hạng thượng lưu bao giờ cũng cần thiết cho xã hội. Những cuộc phát minh lớn lao, những cuộc tranh cải có nhiều ảnh hưởng xưa nay đều là công việc của “một người”.
Cha mẹ nên cố gắng, nên hy sinh để giúp cho con cái kéo dài thời gian học hành, nếu nhận thấy đứa con có khiếu về học vấn nên chịu tốn kém cho nó học, số tiền ấy không mất. Đó là cách để dành tiền chắc chắn và có lợi nhất.
Song không phải mọi người đều được cái may mắn ấy. Nhiều người vì gia đình túng thiếu phải ngưng việc học, họ phải nghĩ đến việc chọn một nghề để sống. Nếu đã chọn lấy một nghề thì lúc này họ chỉ có hai phận sự: học nghề và rèn nghề. Họ sẽ mong ước sao được trở nên một tay vô địch trong nghề nghiệp. Ngoài những giờ làm nghề, học nghề họ còn phải lo tự học để mở mang thêm phần tri thức. Tự học bằng cách đến xem sách ở thư viện, bằng cách nghe diễn thuyết, bằng cách xem những báo chí hữu ích. Lắm người khi ra đời làm ăn bỏ phế tất cả việc học, họ cũng xem sách, xem báo, song họ xem để giải trí, để tiêu khiển hơn là để học.
Từ 23 đến 30 tuổi.
Lập thân: Đó là phần quan trọng nhất ở giai đoạn này. Dù hoàn cảnh gia đình ra sao, đến tuổi này người bạn trẻ cũng phải nghĩ đến việc đó. Có nuôi sống thân họ mới có thể nghĩ đến việc giúp dân giúp nước. Có nuôi sống nổi thân họ mới mong sống đời độc lập, mới có thể đeo đuổi theo chí hướng của họ.
Có gầy dựng một địa vị chắc chắn đủ đảm bảo sự sống cho gia đình, họ mới có thể nghĩ đến việc lập gia đình, phận sự mà mỗi người phải gánh vác. Mỗi khi đủ sức khỏe, đủ tiền bạc họ phải nghĩ đến việc lập gia đình, không thể vì lòng ích kỷ, vì muốn tránh gánh nặng gia đình mà thối thác. Họ cũng không nên xem phận sự ấy như một trò chơi hoặc một cuộc thí nghiệm dễ dàng, sung sướng thì bước tới, đến khi gặp khó khăn thì rút êm. Theo tục lệ người Pháp, trong chiếc nhẫn xin cưới người ta cho khắc một cành lá của những người tử đạo, biểu hiện sự hy sinh để nhắc nhở đôi vợ chồng mới: mục đích của hôn nhân là hy sinh chứ không phải là hạnh phúc, theo nghĩa hạnh phúc ái tình người ta thường hiểu.
Tuổi này cũng là tuổi “tập sự” để vào đời, họ phải lăn xả vào cuộc đời, đừng sợ những thất bại. Nếu suy tính đắn đo mãi thì họ không dám ra thi thố một công việc gì. Chúng tôi không nhớ rõ một nhân vật nào đã nói: “Người nào không làm gì cả thì suốt đời không lầm lỗi, nhưng đời họ là một lầm lỗi to”. Có thất bại họ sẽ được thêm mớ kinh nghiệm; có thất bại, có phấn đấu, gan, chí của họ mới được rắn chắc thêm. Sắt mà sợ lửa nóng thì có mong gì trở nên thép.
Từ 30 đến 50 tuổi.
Đây là lúc đem tất cả những khí giới chúng ta đã rèn luyện để xông pha ra trận đời. Đây là lúc hoạt động, nỗ lực làm việc để tranh sống với đời, để chiếm lấy một địa vị trong xã hội, hoặc lập nên một cơ nghiệp gì cho xứng với thiên chức làm người, như nhà thi sĩ đã nói:
Đã mang danh đứng trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Nguyễn Công Trứ
Một khi đã nên danh phận, chúng ta phải nghĩ đến người khác, đưa tay ra dìu dắt một bạn trẻ, giúp họ một tay nếu thấy họ quyết chí làm ăn nhưng thiếu tiền bạc. Người Mỹ gọi là “đem sự may mắn cho một người”. Nếu tiền bạc đã dư dã nhiều chúng ta nên mở mang nhiều công cuộc xã hội: lập thư viện, giải thưởng văn chương, lập những viện để nghiên cứu, tìm tòi về khoa học hoặc về một vấn đề gì. Công đức chúng ta có kém gì những người dùng tiền cúng chùa, cúng miếu, đúc chuông, đúc tượng.
Từ 50 tuổi trở đi.
Mùa trồng trọt đã qua. Ở tuổi này chúng ta chỉ còn mong gặt lấy những cái gì chúng ta đã gieo. Nếu lúc thiếu thời chúng ta ăn chơi trác táng, lúc này chúng ta phải chịu bệnh tật giày vò. Nếu lúc trước chúng ta lo nỗ lực làm ăn, lo cần kiệm, bây giờ chúng ta sẽ hưởng tuổi già trong sự sung túc. Chúng ta chỉ gặt những gì chúng ta đã gieo và không gieo gì cả thì chúng ta cũng chẳng có gì mà gặt.
Đã dàn xếp đời sống chúng ta cứ theo đó mà thi hành. Chúng ta có thể tự bằng lòng. Dù thành công hay thất bại có hề gì? Chúng ta có thể an ủi rằng mình đã làm hết sức mình. Nếu tử thần đến rước chúng ta sẽ bĩu môi nói như nhà thi sĩ:
“Một mai tôi có thác, người ta sẽ nói: có hề gì, nó đã sống”.

 

Chọn lấy một mục đích để sống.

Anh hãy chọn lấy một mục đích, nó có thể là mục đích duy nhất của đời anh.

Diderot

 

Chúng tôi đã nói qua về mục đích của đời sống, về cách tổ chức cuộc đời. Bàn một cách tổng quát như thế có khi chưa được thiết dụng cho bạn trẻ cho lắm. Chúng ta hãy đi sát vào vấn đề hơn, bàn về sự chọn lấy một mục đích để sống.
Tìm hiểu mục đích của đời sống là để biết phương hướng chúng ta sẽ đi. Chọn lấy một mục đích để sống là quyết định một con đường đi. Mục đích đây phải là một mục đích rõ rệt, thiết thực, một mục đích chúng ta có thể thực hiện được. Mục đích đây phải là một mục đích chính đáng, lớn hay nhỏ, cao hay thấp đó là tùy tài sức, tùy hoàn cảnh mỗi người, song mục đích ấy phải là một chân mục đích, nghĩa là phải hữu dụng cho mình hoặc cho người khác. Nếu bạn có hoài bão trở nên một tay chơi bi da đại tài, hoặc trở nên một nhà vô địch cờ tướng bạn không thể cho rằng đã nuôi một mục đích.
Mục đích như con chim, càng nhắm xa bao nhiêu chúng ta càng khó bắn trúng bấy nhiêu.
 Nói đến sự chọn lấy mục đích, nhiều người nghĩ ngay đến cái gì “siêu phạm”, “vĩ đại”. Nói đến mục đích là ngó lên chót vót nấc thang trong xã hội. Họ chỉ muốn làm ông “thánh” để cứu vớt chúng sinh khỏi bể khổ, họ muốn làm một “đại văn hào” để đưa đường dắt lối cho quần chúng, họ chỉ muốn làm một “vua tiền bạc” để có thể “nhất hô bá ứng”. Họ chỉ thấy những mục đích đẹp đẽ nhất, to tát nhất, họ không cần biết mục đích ấy họ có thể thực hiện nổi chăng? Mục đích cũng như con chim, càng nhắm xa bao nhiêu chúng ta càng khó bắn trúng bấy nhiêu. Chọn lấy một mục đích xa vời mà chúng ta không bao giờ thực hiện được có ích lợi gì hay là gieo mối chán nản, căm hờn vào lòng chúng ta? Trong quyển Lập Thân, Ch. Rivet đã khuyên ta nên thiết thực: “hãy làm việc cho một mục đích rõ rệt hơn là một mục đích viễn vông”.
Phải lẽ hơn, chúng ta nên chọn một con đường nào ít người chen lấn, hoặc tài sức của những kẻ đồng hành hoặc kém hơn hoặc bằng ta, như vậy chúng ta mới mong đi đến nơi, đến chốn cách dễ dàng. Lời khuyên của ông A. Carnegie: “Chỗ ngồi tôi ở trên đỉnh” rất nguy hiểm và chỉ có một số ít người có thể tin dùng.
Trước khi chọn lấy mục đích ấy, chúng ta nên tự hỏi: Hoàn cảnh chúng ta đang sống có thuận tiện để thực hiện mục đích ấy chăng? Một thanh niên học cỡ sơ đẳng mà muốn trở nên nhà học giả, một tiểu thương gia xứ này mà muốn trở nên một “vua cao su” hay “chủ nhà băng” là nhằm những đích xa vời quá. Người thanh niên kia với sức học ấy có thể mong trở nên một tay thợ khéo, nhà buôn nọ có thể mong làm chủ một cửa hiệu to, đó là những mục đích, ngoài ra những mộng ảo.
Đừng bắt cá hai tay, phải biết chọn lấy một mục đích.
Ít có người an phận sống một mục đích. Túi tham chúng ta thật không đáy, trong một khoảng đời ngắn ngủi chúng ta muốn “sống” thật nhiều cảnh, đóng nhiều vai tuồng để vơ vét thật nhiều tài sản về tinh thần cũng như về vật chất. Có khi vì hấp tấp muốn mau “đến nơi đến chốn” nên chúng ta luôn luôn đổi chí hướng, mỗi khi gặp sự khó làm chậm tiến những hoài bão chúng ta ôm ấp. Có người đang an phận về nghề viết văn, thấy người ta phát tài nhờ làm thầu khoán liền gác bút nhảy ra làm thầu thầu khoán hoặc có người đang làm nhà viết tiểu thuyết có biệt tài, thấy có phong trào khảo cứu lịch sử thế là họ cũng tập tễnh sang lĩnh vực khảo cứu.
Trong quyển Một Nghệ Thuật Sống, ở đoạn nói về nghệ thuật làm việc, A. Maurois có viết: “Chúng ta được thấy những kẻ không biết đích xác là mình có khiếu về gì và lúc thì nói: “Tôi có thể thành một nhạc sĩ đại tài”, lúc thì: “Nếu tôi kinh doanh chắc tôi sẽ thành công rất dễ”, lúc thì: “Tôi là chính trị tôi sẽ đắc thắng”. Hãy tin chắc rằng những kẻ ấy suốt đời là những nhạc sĩ tầm thường, những nhà công nghệ phá sản và những nhà chính trị thất bại. Napoléon dạy ta rằng: “Bí thuật để chiến thắng là hơn người về một điểm, bí thuật của cuộc đời là lựa chọn lấy một việc rồi tập trung tất cả lực lượng của mình vào đó…”.
 
Một mục đích chính với một mục đích phụ.
Đã nhận: mục đích tối cao của đời sống là luôn luôn tiến hóa về mọi phương diện, vậy nếu sống mà chỉ nuôi một mục đích chẳng hóa ra mâu thuẫn? Không, chúng ta vẫn có thể theo đuổi một mục đích chính và tạo thêm một vài mục đích phụ. Thường chúng ta nên có một mục đích chính về đời sống vật chất (một địa vị, một công việc làm ăn, một nghề nghiệp) và một vài mục đích phụ thuộc về đời sống tinh thần (đeo đuổi một môn học nào, chuyên luyện về một vài môn kỹ thuật gì). Đây là chủ nhân ngôi hàng tạp hóa ở một góc đường, người ấy đã quyết trở nên một “đại thương gia” và mục đích chính của y là mở một cửa hiệu đồ sộ ở một đại lộ sang trọng. Trong khi học đòi theo đường doanh thương, người ấy có thể theo đuổi vài mục đích phụ như học thêm nghề nhiếp ảnh và nghiên cứu về nghệ thuật ấy. Mục đích phụ này cốt để tô điểm thêm đời sống (biết thưởng thức một nghệ thuật), song cũng có khi nó sẽ giúp y lập nghiệp nếu y thấy đã thông thuộc nghề ấy để có thể đem ra làm một nghề.
Mục đích của mỗi người riêng ôm ấp tuy khác nhau song vẫn có giá trị ngang nhau.
Có người chia loài người ra làm bốn hạng.
Người hạ đẳng sống vì thị dục.
Người sơ đẳng sống vì mình.
Người trung đẳng sống vì quốc gia xã hội.
Người thượng đẳng sống vì nhân loại.
Như vậy không đúng. Ngoại trừ hạng người sống vì thị dục là người sống vô chủ đích thì không đáng kể. Còn những hạng người kia nếu họ đã có một mục đích chính đáng để sống thì dù họ sống cho họ, cho xã hội hội hay cho nhân loại thì những mục đích ấy tuy có khác song vẫn có giá trị ngang nhau. Có ai dám bảo rằng cái mộng của nhà bác học trên con đường phát minh đáng quý hơn cái mộng của một ông phán ôm ấp trong đầu mặc dù cái mộng của viên chức ấy chỉ gồm có một gian nhà nhỏ, một khoảnh sân vườn xinh xinh để dưỡng già lúc về hưu.
Sau khi đã đắn do suy nghĩ, anh đã chọn lấy một mục đích. Anh hãy ghi mục đích ấy vào giấy, bằng vài câu vắn tắt đủ bày tỏ chí nguyện của anh. Viết xong, anh đem treo tấm bảng ấy vào buồng riêng, hoặc một nơi nào anh thường lui tới để có dịp đọc đi đọc lại để tiêm nhiễm quyết định ấy. Khi nào những cám dỗ chợt lôi kéo anh xa con đường bổn phận, anh nhìn lên tấm bảng ấy, nó sẽ nhắc nhở: “Coi chừng, khéo lạc đường”. Gặp phải những thất bại làm rủn chí nản lòng, nhìn lên tấm bảng ấy nó sẽ nhắc anh: cố gắng lên, mục đích xa kia đang chờ ta.
Và từ đây với một lòng sắt đá, anh quyết theo đuổi mục đích đến ngày thành đạt. Anh sẽ thành công vì anh đã hơn là một người: anh là người sống với một mục đích.
 
Một cách sống để thành công.
 Đã chọn lấy một mục đích để sống, bổn phận chúng ta là làm thế nào để đạt được mục đích ấy. Hạnh phúc chúng ta từ đây là ở chỗ có thực hiện được mục đích ấy chăng. Những người có đủ hùng tâm để như nhà chí sĩ nào thốt ra câu khẳng khái: “Có  cần gì cậy trông để khởi việc, cũng chẳng cần thành tựu để kiên tâm” thật hiếm lắm. Sự thành công là yếu tố quan trọng để tạo nên hạnh phúc. Bao nhiêu người đã thành “phế nhân”, sống một cách gượng những ngày sống thừa chỉ vì họ không thể thực hiện được chí nguyện họ ôm ấp.
Muốn thành công, có những phương pháp chúng ta phải do theo đó mà rèn tập, có những lề luật chúng ta phải tuân giữ, có cả một nghệ thuật chúng ta cần phải thấu hiểu. Chúng tôi muốn trình bày một lối sống để thành công: lối “sống đắc lực”.
Thế nào là sống “đắc lực”?
Sống đắc lực là sống cách nào để sinh lợi thật nhiều và tiêu tốn thật ít trong một lĩnh vực nào bất luận: về sức khỏe, về tinh thần, về nghề nghiệp cũng như về tiền bạc.
Nói một cách khác, người đắc lực là người luôn luôn có thâu một mối lợi nào, không những lợi về tiền bạc mà lợi về sức khỏe, lợi về hiểu biết, lợi về tính khí, nếu được lợi về hạnh phúc nữa thì thật là người đã sống đầy đủ trăm phần trăm, tức là sống đắc lực.
Anh muốn cho một vài thí dụ?
Đây là một người giữ chức thư ký trong một công sở. Y không cho thế là an phận nên lo học thêm, trước để mở mang đường tri thức của mình, sau để ra gánh vác trách nhiệm khai hóa, thức tỉnh đồng bào. Một khi cái vốn tri thức y đã dồi dào, y buông nghề thư ký, nhảy ra viết báo, viết sách. Người ấy biết sống cách đắc lực.
Đây là một người đứng bán cà phê trên tàu thủy, tuy làm một công việc nhỏ mọn, song y mang một hoài bão to. Y quyết làm giàu, và với một chí khí làm vốn, y đã gây nên cơ nghiệp đồ sộ. Từ một anh bồi tàu y đã trở nên chủ hãng tàu, chủ hầm mỏ, đó là một gương sống đắc lực.
Một người “đắc lực”?
Người ấy có thể là môt Trương Vĩnh Ký, một Nguyễn Văn Vĩnh trên lĩnh vực văn chương, một Bạch Thái Bưởi, một Trương Văn Bền trên lĩnh vực doanh nghiệp. Chúng tôi không nói về “người”, chúng tôi chỉ nói về “tính khí”.
Nhiều người không “sống” hoặc giả họ chỉ “sống nửa chừng” nghĩa là không bao giờ họ dùng hết tất cả những năng lực của họ. Họ có khiếu thông minh, song óc thông minh ấy họ không mang dùng. Ở trường học, ông thầy cho điểm về sự học hành của học trò: “sáng dạ song không ráng học”; một anh học trò sáng dạ mà không ráng sức học có giỏi giắn hơn gì một anh tối trí mà chăm chỉ học? Một người thừa hưởng của cha mẹ những “tiền của”, những “địa vị”, những bề “giao du” có thể giúp họ dựng nên cơ nghiệp to tát, song họ chỉ an phận sống một đời sống dễ dãi với rượu ngon, với gái đẹp, không biết dùng những “dịp may” ấy để làm hơn; trên đường sự nghiệp họ nào có xa hơn một người tay trắng xuất thân song có chí tiến thủ, biết dùng tất cả những năng lực của họ cách triệt để.
“Cao hơn, càng cao hơn”, đó là châm ngôn của những người đắc lực. Luôn luôn họ tìm cách phá tan những “kỷ lục” họ đã lập, bất luận về phương diện nào: đã có tiền, họ lo làm thêm nhiều tiền của; đã có học, họ lo mở mang thêm đường học vấn; đã khỏe, họ càng súc tính thêm nhiều sinh lực.
Luôn luôn cố gắng để hơn mình hơn người, họ đã biết sống “đắc lực”, tức là sống đầy đủ, sống trăm phần trăm và như thế chắc chắn trăm phần trăm họ sẽ thành công.
Một nước có nhiều tên dân “đắc lực” biết cố gắng, biết phấn đấu, biết tiến bộ là một nước chóng đi đến cường thịnh.

 

---- HẾT ----

 

Xem Tiếp: ----