Chương 6
LẬP GIA ĐÌNH: ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC

Kẻ nào tìm được người vợ

là tìm được hạnh phúc và tất cả ân huệ của trời

Ngạn Ngữ Kinh

 

 

Trước khi lập gia đình phải “học yêu”.

 Ái tình đã là sự nhu cầu tự nhiên của con người thì người bạn trẻ không sao tránh khỏi việc “yêu đương”. Khi tuổi xuân đến độ, sức khỏe sung mãn, trí tuệ phát khởi, óc tưởng tượng dồi dào thì lòng trai cũng bắt đầu xao xuyến. Có người bạn trẻ nào đã không một lần cảm thấy:

 

“Lòng ta tha thiết đượm tình yêu.

Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều”

Thế Lữ
Hoặc thấy tâm hồn mình xâm chiếm bởi những mối tình vẩn vơ:
“Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹn gió hiu hiu”
Xuân Diệu
Giờ khắc mà lòng người bạn trẻ đã bén lửa yêu đường là giờ khắc quan trọng có khi quyết định cả một đời họ. Tùy theo cách đối phó của họ, ái tình sẽ là một tình cảm thanh cao, trong sạch như bầu trời xuân hoặc nó sẽ là một thứ tình đắm mê đê tiện, vẩn đục như vũng bùn. Nó sẽ là một thứ nước cam lồ làm dịu mát đời họ, giúp họ có đủ sức để gánh vác những phận sự vất vả của kiếp người. Hoặc nó sẽ là một mãnh lực tàn hại có thể xô đẩy họ vào vòng tội lỗi.
Đời của họ sẽ tốt đẹp hay nhơ nhớp, thanh cao hay đê tiện, họ sẽ nên người hay hư đốn một phần cũng do họ biết cách chế ngự tình yêu hay họ để cho bản năng tính sai khiến, là do họ có “biết yêu” cùng không.
Nhưng có ai dạy cho họ biết thế nào là yêu đương? Đâu là hạnh phúc, đâu là bổn phận trong việc yêu? Có ai đã thành thật vạch cho họ thấy rõ “mặt thật của ái tình”? Bàn về văn chương, thi phú, bàn về các khoa học người ta không tiếc lời với họ, song về vấn đề mà hầu hết các bạn trẻ đều bâng khuâng muốn hiểu và cần phải hiểu thì người ta hoặc xao lãng hoặc trốn tránh không muốn đá động đến. Một nhà giáo nói: “Người ta chỉ lo giồi mài khối óc, ít ai nghĩ đến việc huấn luyện quả tim”.
 
Nhiều cha mẹ vẫn thấy cần phải nói rõ cho con biết tất cả những điều đáng nói về vấn đề yêu đương, song đến khi phải làm thì họ thấy ái ngại và cho rằng đó là vấn đề “cấm kỵ”, “khó nói” hoặc nói ra sợ e làm vẩn đục tâm hồn trong trẻo của chúng nó. Họ quên rằng “sự dốt nát không phải là sự trong sạch”. Trái lại, biết bao nhiêu tội lỗi người ta đã phạm chỉ vì người ta dốt nát.
Một số người khác lười biếng hơn, không muốn nghĩ đến việc ấy. Họ nói: “Dạy chúng nó yêu phải chăng làm một việc thừa? Bản tính của nó sẽ dạy nó. Đời sẽ dạy nó”. Thái độ “trối kệ” này đã gây nhiều thảm trọng. Học với đời, người bạn trẻ chưa đủ óc phán đoán, rất dễ bị đời lừa dối. Những mẫu chuyện vụn vặt mà họ được nghe lóm trong khi gần gũi bạn bè, những sự từng trải về “đàn bà”, về ái tình mà các văn sĩ thường “vẽ vời” trong tiểu thuyết không phải là những bài học thiết thực bổ ích cho họ.
Một nhà giáo dục, bà Lambert nói: “Biết bao nhiêu cuộc hôn nhân phải xào xáo, có khi phải tan vỡ chỉ vì người con gái không nhận thấy ở người chồng của họ người anh hùng tưởng tượng trong tiểu thuyết”. Để đời dạy họ, cũng có khi được, song thường khi họ phải mua những bài học ấy với một giá rất đắt, có khi họ được sáng mắt thì đã lỡ một kiếp người.
Cũng có người viện câu: “Trái tim có lý lẽ mà lý trí không thể hiểu” mà cho rằng người ta chỉ có thể huấn luyện khối óc không ai có thể huấn luyện quả tim. Nhưng: “Về ái tình cũng như về ý chí hoặc về vệ sinh, cần phải khôn ngoan”. Nếu mỗi người trong chúng ta có quyền yêu thì chúng ta cũng có bổn phận là chống lại tất cả những cuộc tình duyên trái lẽ để bảo tồn hạnh phúc cho mình.
Trước khi lựa chọn người yêu chúng ta phải suy nghĩ kỹ. Chúng ta không thể nhầm lẫn một “mảnh tình” với một “tình yêu”. Chúng ta không điên dại lôi kéo vào lưới tình một người mà mình biết không sao phối được. Chúng ta không lãng mạn ra công đi vớt những “cánh hoa rơi” để rồi nhận thấy sự hy sinh của mình là vô ích.
Nếu chúng ta đã biết sống theo một quy phạm khắc khe thì chúng ta rất có thể điều khiển quả tim cũng như chúng ta điều khiển bắp thịt hoặc khối óc. Và chúng ta chỉ biết có một thứ tình yêu: thứ tình yêu chân chính do lẽ phải dạy.
Ái tình không phải là thần tượng, cũng không phải là trò chơi. Bởi không “học yêu” nên một số đông bạn trẻ bước vào đường tình ái mà chưa hiểu gì về ái tình cả. Bởi không ai giảng dạy cho họ rõ “mặt thật của ái tình”, nên với những bài học cóp nhặt qua tiểu thuyết hoặc trong những câu chuyện nghe lóm, phụ họa vào đó sức tưởng tượng mạnh mẽ của tuổi trẻ họ thường hiểu ái tình một cách riêng biệt, có khi rất sai lạc và họ cho đó là “chân ái tình”.
Ở đây chúng tôi không hoài công đi tìm những định nghĩa xác đáng cho “ái tình”, vì rằng mỗi người tùy theo bản năng, theo tình cảm hoặc theo trình độ trí thức của họ, họ sẽ quan niệm “ái tình” một cách riêng. Ái tình của một ông giáo sư không giống ái tình của một anh phu vác gạo. Hơn nữa, ái tình của ông giáo sư ấy khi tóc bạc cũng không còn giống ái tình của ông đã quan niệm lúc hai mươi tuổi.
Cho nên các nhà tâm lý học, trong khi “mổ xẻ” quả tim con người đã từng thấy bao nhiêu loại ái tình. Từ thứ ái tình vật chất, ái tình khoái lạc mà người ta chỉ thấy đó là những dịp để thỏa mãn những đòi hỏi của xác thịt, qua các thứ ái tình cảm tính, ái tình lãng mạn, cho đến các thứ ái tình vọng kỷ, ái tình lý tưởng, ái tình cao thượng, là người ta đã đi tận mây xanh và chúng ta không còn hiểu thế nào là ái tình nữa.
Nói rằng khó mà định nghĩa ái tình một cách đích xác cho mỗi người có thể nhận thấy rằng đó là “chân ái tình”, không phải là nói: mỗi người có quyền tự do muốn yêu thế nào cũng được. Vì trong việc yêu đương, cũng như mọi việc ở đời, có cái chừng mực mà chúng ta không thể vượt qua mà không bị trừng phạt: ăn nhiều bị trúng thực, xem sách nhiều nhức đầu, chơi thể thao nhiều đau tim. Vậy chúng ta thử xem đâu là ranh giới của ái tình chân chính do lẽ phải dạy.
Ái tình không phải là thần tượng để chúng ta thờ. Có một hạng người quá chú trọng đến vấn đề tình ái. Họ là những tín đồ rất sốt sắng của “đạo ái tình”. Họ là những người chỉ biết “sống để mà yêu”. Đầu óc họ luôn luôn nghĩ đến việc yêu đương, tâm họ lúc nào cũng ấp ủ chứa chất một mầm tình ái, mở miệng ra là họ nói “em với anh”. Họ là những chàng thư sinh, những thiếu nữ đã tiêm nhiễm các tiểu thuyết sặc sụa mùi lãng mạn, trong đó người ta hay ca tụng, hay thi vị hóa ái tình.
Đó là những thanh niên đã đúng tuổi, đáng lẽ phải đem hết tâm lực để phụng sự lý tưởng cao siêu, để đeo đuổi một mục đích chính đáng, song bởi sống không mục đích, họ chỉ biết đem sức thừa để phụng sự ái tình. Lo ăn mặc cho đẹp, lo ngâm nga mấy câu vọng cổ cho mùi, khiêu vũ thật hay, tất cả những cái gì mà họ tưởng có thể làm cho các cô gái “cảm”.
Họ đặt danh dự ở chỗ tranh giành một sắc đẹp. Họ hạ mình đi “ăn mày chút tình yêu” và họ rất lấy làm tự đắc: “Mõa quen với Cúc”, “Mõa vừa đi xi nê với Lan”.
Họ cho rằng ở đời chỉ có ái tình là trọng hơn cả. “Đời anh nếu thiếu em thì thật là đời không đáng sống”. Song một ngày kia họ sẽ thấy, ngoài ái tình ở đời còn lắm việc quan trọng hơn, đáng cho họ lưu tâm hơn.
Ái tình không phải là một trò chơi. Một hạng người khác, trái lại rất khinh miệt ái tình. Họ cho nó là một việc “xấu xa” không đáng nói tên nó là hơn, hoặc chỉ có thể xem nó như một trò chơi.
Đó là những người hay đùa với ái tình, xem nó như một cuộc thí nghiệm của quả tim. Trong việc yêu đương, họ chỉ thấy khoái lạc, hạnh phúc (?) mà không bao giờ nghĩ đến bổn phận, đến trách nhiệm, đến hy sinh. Họ tuyên bố tự do yêu đương, tự do kết hôn mà họ không hiểu chỉ có một thứ tự do chính đáng là tự do chọn lựa một quy phạm để buộc mình tuân theo đó. Bởi xem ái tình như một trò chơi nên họ không thấy chút gì thiêng liêng trong việc yêu. Họ không ngượng ngùng đem việc tâm tình của họ phơi bày trước mọi người? Trong tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy độ nọ, chúng ta thường có dịp thấy trong mục “Biết ai tâm sự” nhiều câu hỏi ngớ ngần: Cô X… hỏi: em có yêu chàng Y… chăng? Chàng Y… hỏi: tôi phải làm thế nào để gây nên hạnh phúc (?) cho cô X… v.v… Hiện giờ những trò chơi ái tình ấy vẫn còn thấy nhan nhản trên mặt một vài tờ báo.
Đã khinh miệt ái tình họ cũng không còn biết kính nể đàn bà. Đó là những thanh niên “mất dạy” mà chúng ta thường thấy lượn qua các phố, ăn mặc thật đúng đắn mà tư cách không đúng đắn chút nào. Đối với đàn bà họ có những cử chỉ, những ngôn ngữ suồng sã gần như “đàng điếm”.
Đó là những thanh niên đã đem về nhà vợ một thân thể dơ bẩn, bệnh hoạn, kết quả của những cuộc hành lạc; trong khi ấy họ đòi hỏi ở người vợ những “tuyết trong giá sạch”.
Đối với ái tình chúng ta phải có thái độ như thế nào? Ái tình là sự thỏa mãn về ba mặt: Thể chất, tâm hồn và trí thức của mỗi con người. Con người mà Pascal nói: “Không phải là thần minh cũng không phải là con vật”. Chúng ta biết kính nể ái tình trong phần thiêng liêng của nó, biết kính nể mà không thờ phượng nó. Chúng ta cũng biết xem thường nó, nghĩa là không xem nó như mục đích đời sống để cho con vật hoàn toàn làm chủ mình, nhưng cũng không miệt thị nó như một trò chơi, đùa với ái tình là điều nguy hiểm.
Lập gia đình là một bổn phận. Một khi biết để cho lẽ phải điều khiển quả tim thì bạn trẻ rất có quyền nghĩ đến tình yêu. Và khi nghĩ đến tình yêu là phải nghĩ đến việc lập gia đình, bởi đó là một bổn phận trong những bổn phận làm người.
Ở nhiều xã hội ngày xưa, những người chưa thành gia thất không được quyền giữ một chức vụ nào trong xã hội cả. Một người được trở nên người thật là khi họ được làm chủ một gia đình.
Nói rằng ái tình là sự thỏa mãn những đòi hỏi của con người về xác thịt, về tinh thần, về trí thức là nói về những mục đích “gần” của nó. Ngoài ra còn mục đích xa xôi hơn là sự sinh con nối dõi. Bởi con người vốn ích kỷ nên cần phải có “chất rượu ngọt ái tình” cho họ nếm, họ say và họ có đủ gan góc để gánh vác bổn phận nặng nhọc mà họ rất có thể trốn tránh. Nếu chúng ta có quyền sống, chúng ta cũng có bổn phận phải trả lại sự sống. Đó là bổn phận thiên nhiên.
Sinh con nối dõi chưa đủ, chúng ta phải lo nuôi nấng dạy dỗ chúng nó. Nhất là dạy dỗ chúng, ta có câu: “Nuôi con chẳng dạy, chẳng răn, thà rằng nuôi lớn mà ăn lấy lòng” để chỉ rõ sự quan trọng của bổn phận luân lý này. Muốn giáo hóa đứa con cần phải có sự liên lạc chặt chẽ giữa người cha và người mẹ, cần phải có một gia đình để trói buộc cha mẹ vào bổn phận, để bắt buộc họ làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng ấy. Bao nhiêu đứa con đã “hư hỏng” chỉ vì chúng nó thiếu một gia đình hoặc không được hấp thụ cái không khí ấm áp của một gia đình hòa thuận. Nếu cha mẹ chúng mỗi người cứ lo sống đời sống riêng của mình, chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, thì còn ai nghĩ đến phận sự chung là bảo hộ, giáo dục đứa con. Vì mục đích ấy nên tôn giáo hay luật pháp bao giờ cũng bảo vệ gia đình, bài xích những cuộc ly dị.
Lập gia đình cũng là một bổn phận đối với xã hội. Xã hội là một hội, một nhóm do nhiều gia đình hợp lại mà nên. Sự hưng vượng của xã hội bao giờ cũng đi đôi với sự hưng vong của gia đình. Tinh thần dân tộc bị suy kém là triệu chứng sự sụp đổ của xã hội.
Lập gia đình là một bổn phận nặng nhọc, song thường khi nó cũng là một bổn phận êm dịu, nếu nó được một tình yêu chân thật làm căn bản, còn gì đáng mơ ước hơn một cuộc đời mở đầu bằng một mối tình nồng nàn, chân chính, kết liễu bởi một cuộc hôn nhân trong đó hai người bạn trẻ mang lại cho nhau những cái gì quý nhất: một tình yêu chân thật, một sức thừa tuổi trẻ, tất cả tương lai đời họ.
Đáng tiếc có một số đông thanh niên vì quan thiên về vật chất, tin theo những thuyết cá nhân ích kỷ, không còn lo nghĩ đến việc lập gia đình. Để bào chữa sự trốn thoát của họ, họ viện ra nhiều lý lẽ mà sau khi suy xét kỹ chúng ta không thấy gì làm vững chắc. Họ viện những lẽ gì?
“Chưa làm giàu nên chưa nghĩ đến”.
Họ là những người thiết thực lắm, họ hiểu rằng “ái tình không thể sống bằng nước lã”. Chúng tôi không nghĩ khác. Một khi chưa nuôi nổi thân mình, chưa có một địa vị vững chắc để bảo đảm tương lai thì khoan vội nghĩ đến việc lập gia đình. Song những người đã thốt ra câu nói trên thường không phải là những người tay không rỗng túi. Công việc làm ăn có, tiền bạc cũng đủ nuôi sống, nhưng bởi họ hiểu chữ “giàu nghèo” một cách tuyệt đối quá, thành ra họ cứ tưởng rằng họ nghèo. Mà làm sao định nghĩa được ranh giới mức “giàu nghèo”? Một người làm công ăn lương 1.000 mỗi tháng, nếu biết tiện tặn chỉ tiêu mất 800, còn dư 200 đồng là đã giàu hơn một người ăn lương 5.000 mà tháng nào cũng tiêu hết sạch. Giàu hay nghèo là tùy theo cách mình dùng đồng tiền. Vả lại nếu có thật là nghèo tiền bạc thì họ vẫn còn giàu sức khỏe, giàu hăng hái, giàu nghị lực, giàu tuổi trẻ, giàu tương lai. Với bao nhiêu tài sản ấy họ rất có thể lập nên một gia đình nếu biết kén chọn một người bạn lòng hiểu họ. Nghèo thì tìm vợ nghèo, biết lo làm ăn có ngày cũng khá. Nghèo mà đèo bòng đi rước những “búp bê” xinh xắn mà đắt tiền để đưa đi dạo phố thì nghèo lại nghèo thêm. Lỗi ấy tự mình chứ đấu bởi cảnh “nghèo”.
Vả lại nếu nói: “một khi đã làm giàu (nên hiểu theo họ là có ô tô, nhà lầu) sẽ lấy vợ” hóa ra mình tự khinh bỉ mình và khinh bỉ người đàn bà cách oan uổng. Tự khinh bỉ mình vì có chắc đâu người mình định cưới đã yêu mình vì mình hay là vì những chiếc ô tô, những gian nhà lầu? Mà như thế là mình tự nhận giá trị mình kém hơn một chiếc ô tô, một gian nhà lầu.
Khinh bỉ người đàn bà một cách oan uổng vì câu “còn xu, còn lúi, còn vợ còn chồng…” chỉ có thể gán cho một số ít đàn bà thôi. Ngoài ra vẫn còn nhiều đàn bà “thật đàn bà” biết lấy sự hy sinh làm hạnh phúc. Dòng giống những bà mẹ hiền đất Việt ngày xưa tảo tần nuôi con, nuôi chồng, hạng đàn bà mà nhà thi sĩ Tú Xương đã ca tụng:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”
chưa phải là hết hẳn.
Nếu ngày nay sống một cuộc đời mới, chúng ta không thể ung dung, an nhàn để nhờ vả một người đàn bà yếu đuối hơn mình, trái lại chúng ta rất có thể trông cậy ở đức hy sinh của họ để cùng nhau tạo nên một gia đình mà trong đó mối tình yêu thành thật, lòng tin cậy mãnh liệt ở nhau và ở tương lai sẽ là những số vốn đầu tiên hứa hẹn sự sung túc ở một ngày sẽ tới.
“Đợi thêm ít tuổi nữa, khi đã nếm trải đủ mùi đời sẽ hay”.
Câu này mới nghe qua rất hữu lý. Những cặp vợ chồng “son trẻ” quá khó lòng mà nhận thấy những trách nhiệm lớn lao đang chờ họ. Bởi thế, gia đình của họ có thể sụp đổ dễ dàng trước một vài nỗi khó khăn không đáng kể, hoặc vì một vài nguyên nhân cỏn con. Đợi cho đúng tuổi, khi đã hiểu biết ít nhiều việc đời sẽ lập gia thất là điều rất lẽ phải.
Nhưng, hãy con chừng, chúng ta phải hiểu thâm ý của những người đã thốt ra câu này. Họ đợi thêm ít tuổi nữa không phải là để hiểu đời hơn, song là để kéo dài đoạn đời trai trẻ, để cho họ có dịp ăn chơi cho thỏa thích. Còn nói “để nếm trải cho đủ mùi đời” chúng ta nên hiểu đây là mùi thuốc phiện, mùi nồng nặc của men rượu, của hương tình. Theo họ hiểu, phải là trai “tứ chiến” mới là người từng trải.
Nếu hiểu nghĩa “từng trải việc đời” theo họ hiểu thì chúng tôi chắc “mớ từng trải” ấy đã không ích lợi gì trong sự kiến thiết một gia đình, trái lại nó còn là một mối hại. Nhiều bạn trẻ đã lý luận như thế này: “Lúc trẻ phải nếm đủ mùi đời, ăn chơi cho thỏa thích, khi đã chán chê sẽ nghĩ đến việc lập gia đình, chừng ấy không còn sợ sự sa ngã bất ngờ”. Nguy hại hơn là nhiều cha mẹ cũng tin tưởng như thế. Họ bảo: “Có con gái chỉ nên gả cho những người thạo đời”. Họ quên rằng “ngựa quen đường cũ”, không phải trong đầu hôm sớm mai người ta có thể dứt bỏ những thói quen đã bám chặt vào người. Biết bao nhiêu người đã nói: “Đến khi lấy vợ sẽ tu cũng chẳng muộn”. Nhưng sau khi đã thành gia thất, chúng ta vẫn thấy họ đem về nhà những thói hư thân mất nết, mầm gốc sự tan rã gia đình.
“Lấy vợ là tự trói mình bằng những cùm xích của gia đình”.
Thậm phải, nhưng thử xét gia đình trói buộc chúng ta những gì?
Nó buộc chúng ta sống một đời mực thước, một đời đạo lý để xứng đáng làm chủ gia đình.
Nó buộc chúng ta phải nỗ lực làm việc để đảm bảo sự sống cho gia đình.
Nhiều khi nó buộc chúng ta phải “quên mình” để nghĩ đến những người thân yêu.
Đó phải chăng là những cùm xích đáng ghê sợ, hay đó là những sự trói buộc rất cần thiết mà dù có đời sống độc thân đi nữa chúng ta vẫn cần đến.
Tóm lại, lập gia đình là điều cần thiết, hơn nữa đó là một bổn phận mà không ai có thể viện lẽ gì để trốn tránh, trừ phi những người thiếu hẳn một vài điều kiện quan trọng: sức khỏe, phương kế sinh nhai.
Thế nào là một cặp vợ chồng “xứng đôi”. Muốn hưởng hạnh phúc gia đình sẽ là một cái tổ ấm để cho người chồng nghỉ sau những giờ vất vả tranh đấu ở ngoài đời, để cho người vợ nhận thấy: là một thế giới riêng biệt mà họ là chúa tể, và đó là nơi để cho họ hoạt động đem hết tài sức để làm tròn bổn phận một người vợ, một người mẹ, điều kiện cần thiết là hai vợ chồng phải “xứng đôi”.
Người ta thường hay hiểu lầm nghĩa hai chữ “xứng đôi”. Thấy con trai ông bá hộ X cưới con gái ông đại điển chủ Y là người ta khen dồi “môn đăng hộ đối, thật xứng đôi”. Ai biết đâu cậu ấy là một nạn nhân của trụy lạc, là một thân thể sắp tàn rụi vì vi trùng lao, vi trung giang mai, về thể chất cậu ta không sao “xứng” với con gái vị điền chủ nọ, vừa lành mạnh, vừa đẹp. Nếu nói: cuộc phối hợp hai gia tài rất “xứng” có lẽ đúng hơn. Thấy một vị bác sĩ nọ sánh duyên với một “hoa khôi” là người ta kết luận: “trai tài gái sắc còn đôi lứa nào xứng hơn”. Nhưng họ biết đâu giữa hai vợ chồng ấy có một sự cách biệt hẳn về trí thức, nếu dưới vẻ đẹp lộng lẫy của cô mà người chồng không thấy một khối óc thông minh đủ sức để hiểu mình thì sao gọi là xứng đôi.
 Sở dĩ có sự hiểu lầm như thế là bởi người ta thường xem việc hôn nhân như một công cuộc “làm ăn”, trong đó chỉ có mối lợi đáng kể, hoặc đó là một dịp để gây địa vị trong xã hội. Trong những cuộc đổi chác về tiền của, về tước quyền ấy lẽ cố nhiên ái tình là điều phụ thuộc. Chúng ta không lấy làm lạ thấy nhiều cặp vợ chồng rất “xứng đôi” theo kiểu nói trên mà ăn ở với nhau không được bền chặt.
Hôn nhân là sự phối hợp giữa hai người, trong đó thân thể, tâm hồn, trí thức và địa vị xã hội đều phải hòa hợp với nhau. Nếu giữa hai người có sự chênh lệch về một vài phần nào đó thì họ không còn “xứng” với nhau nữa.
Điều hòa về thể chất, đó là điều kiện tối cần thiết để tạo nên một cặp vợ chồng thật xứng lứa vừa đôi. Y học cho chúng ta biết: bao nhiêu gia đình phải tan rã, bao nhiêu cặp vợ cồng coi sự ăn ở với nhau như một “hình phạt” bởi giữa họ thiếu sự điều hòa về tình dục. Sức khỏe, nền tảng hạnh phúc cá nhân, cũng là nền tảng hạnh phúc gia đình. Chúng ta không thể tưởng tượng một gia đình êm thấm trong đó người vợ phí hết thời giờ để làm viên nữ khán hộ săn sóc bệnh cho người chồng, hoặc người chồng tiêu mất nửa phần lương bổng mỗi tháng để chạy thang thuốc cho vợ. Vả lại “cây lành sanh trái tốt”, nếu nửa thân cây bị hư hỏng thì trái thế nào được ngon lành? Bởi thế những cuộc hôn nhân thiếu sự điều hòa về thể chất là một mối nguy hại cho tương lai chủng tộc, nhiều bác sĩ đã đề nghị: chỉ có những người nào được giấy chứng chỉ sức khỏe do người thầy thuốc cấp mới có quyền làm phép cưới. Như vậy chẳng những vì sự ích lợi chung cho giống nòi mà cũng vì hạnh phúc riêng cho gia đình.
Sự điều hòa về tâm hồn cần thiết là điều dễ hiểu. Vì có yêu nhau gia đình mới mong sum họp. Những gia đình tẻ lạnh mà “mạnh ông, ông ăn chả; mạnh bà, bà ăn nem” là những gia đình thành lập vì lý trí hay vì lợi lộc, không vì tình yêu. Có yêu nhau mới có thể tha thứ cho nhau mà ở đời. Lấy vợ là lấy cho mình, nếu vì một lẽ gì mình nhận cưới một người mình không thành thật yêu, hết lòng yêu là mình lừa dối một người đàn bà vô tội. Một người biết trọng nhân phẩm không bao giờ làm một việc vô liêm sỉ như thế.
Đến sự điều hòa về trí thức, về địa vị xã hội cũng là điều quan trọng. Câu “môn đương hộ đối” mà nhiều người cho rằng quá khắt khe, bất hợp thời vẫn có nhiều phần đúng. Có cùng ở trong một giai cấp mới có cùng những tư tưởng, những lối sống phù hợp với nhau. Trong tiểu thuyết Trống Mái, Khái Hưng có tả cuộc tình duyên giữa Hiền, một cô gái thượng lưu ở Hà Nội, và Vọi, một anh chàng chài lưới ở Sầm Sơn. Cũng may tác giả không cho chúng ta thấy cuộc tình duyên lãng mạn ấy kết liễu bằng một cuộc hôn nhân. Vì nếu họ được thành vợ chồng, thật chúng ta khó nghĩ đến cảnh gia đình của họ khi “nàng” khoác tay “chàng” đi dạo phố hoặc đi ăn ở tiệm.
Nhiều bạn trẻ “gửi quả tim” của họ không nhằm chỗ. Khi thì họ đặt ở nơi quá cao, khi thì họ đem nó xuống dưới quá thấp. Bởi không nhắm trước xem sau nên khi phải chạm trán vào “bức rào xã hội” lắm người phải “ôm hận nghìn đời” vì cuộc tình duyên dang dở. Khôn ngoan hơn, họ sẽ tìm vợ ở những giai cấp của họ, cùng trong hoàn cảnh với họ. Như vậy họ sẽ dễ gặp người mà trí thức, tư tưởng có nhiều chỗ phù hợp với họ hơn.
Bàn về sự chọn vợ chồng, trong quyển Con Đường Hạnh Phúc, bác sĩ V. Pauchet có nói đại để: “Đến lúc phải chọn một người vợ, không những anh chỉ xét xem người ấy có đúng đắn, có khôn ngoan, có hiền lành chăng, song anh phải xin họ một tấm ảnh của họ chụp mà không sửa chữa để nhờ một nhà tướng học xem; anh đòi họ một trang chữ viết để cậy một nhà chiết tự xem và sau hết anh buộc họ đi chiếu điện (bây giờ hiểu là đi siêu âm, chụp cắt lớp) xem bộ ruột già có tống phân được điều chăng, nếu không thì đừng cưới, vì anh sẽ khổ… còn nếu anh trót thương thì anh phải lo chạy chữa đến khi họ được lành mạnh”. Đây chỉ là lời tiên đoán của một bác sĩ sáng suốt nhưng chúng ta phải ước mong nó sẽ thành sự thật. Đem ảnh cho nhà tướng học xem, đem chữ nhờ nhà chiết tự xem là để biết khí chất, tính tình của người mình sắp cưới; nhờ người thầy thuốc xem bộ ruột già có bón chăng là chăm lo sức khỏe cho người vợ tương lai. Đó là biết cách chọn một người mà từ thể chất đến tính tình đều hòa hợp với mình, một người vợ thật “xứng” với mình vậy.