-- 1 --
Dằng dặc Hành trình

Vé nước bạn mua cho các chuyên gia gửi sang đã khá lâu rồi mà mãi không đăng kí chỗ máy bay được. Từ Việt Nam đi Pháp chỉ có tuyến bay của Hãng Hàng không Pháp (Air France) mỗi tuần ba chuyến, thành phố Hồ Chí Minh-Pari. Hồi ấy lại đang rộ lên người Việt Nam di tản hợp pháp. Hẳn hãng này có ý ưu tiên cho họ, cho nên bất chấp yêu cầu của một nước thuộc dòng Pháp ngữ lại nằm trong vùng  ảnh hưởng của đồng phơ-răng Pháp, mỗi chuyến chỉ “xì” cho ba, bốn chỗ. Khi bọn y đến lượt thì đã là đầu tháng Mười hai (1988).
Từ Hà nội ra đi lúc ba giờ mười lăm để kịp sáu giờ rưỡi máy bay cất cánh bởi thủ tục  ở các ga bay của ta thời đó rất “nổi tiếng” về sự phiền hà. Xe xuyên qua thành phố vắng lặng đang giấc say. Trời mờ sao, chưa thấy ngôi nào có thể đoán được là Sao Mai. Y nhìn phố xá, cảnh vật lướt qua, đầu óc mu mơ không nghĩ ra điều gì rõ rệt. Không ra một người sắp rời nhà, rời nước dài lâu. Bốn giờ hơn đến Nội Bài, chiếc xe đầu tiên. Song chỉ lát sau đã đủ kiểu xe chở người đến. Người đi và người tiễn. Y yên trí mình với mỗi mình, các người thân đều đang ở xa. Y cũng không muốn “làm ồn“. Một chuyến đi nhiều người mong, nhưng phiền toái, nhọc nhằn và thật ra chẳng nhiều vinh hạnh như người ta nghĩ. Năm giờ, y đang chuẩn bị vào làm thủ tục thì nghe gọi. Vậy ra vẫn có người biết, tìm đến tiễn.
Chưa có đường bay Hà Nội-Pari, hãng máy bay Pháp gửi số hành khách của mình “quá giang” vào Tân Sơn Nhất với giá 170 USD, trong khi giá vé chính thức tuyến này chỉ khoảng 30 USD. Thế nhưng mấy vị khách “kí gửi” chẳng được một chút ưu tiên nào.
Mãi hơn tám giờ, chiếc IL18 mới cất cánh. Trời đầy mây. Đôi lúc, nhìn xuống được mặt đất thấy lở lói nhiều. Đất Việt Nam vẫn còn “bị thương”, không vì chiến tranh nữa. Một phần vì thiên tai; phần lớn hơn vì con người, hoặc do lòng tham, hoặc do sự thờ ơ, hoặc do dốt nát, hay do cả mấy thứ đó hợp lại.
Vào đến Tân Sơn Nhất, bọn y được ăn trưa và nghỉ ngồi trong ga để chờ chuyển sang máy bay của hãng Pháp. “Được đi Boeing của Air France một chuyến rồi có chết cũng sướng”, hôm trước, ở Hà Nội, một cán bộ ngoại vụ thường đi nước ngoài “như đi chợ” bảo y vậy. Cho tới lúc đó, và mấy năm sau nữa, việc xuất ngoại rất hiếm, và đi các nước xã hội chủ nghĩa là chủ yếu. Quen với những IL, TU, đã mấy ai biết mùi Boeing, biết mùi dịch vụ trên các chuyến bay tư bản. Người ta trầm trồ, người ta kháo nhau đến là lắm chuyện. Y chẳng phải thuộc lớp người dễ dàng “vi vu”, chẳng “ưu tiên”, chẳng “chiếu cố”, vậy là gặp may. Sắp được biết rồi. Một giờ rưỡi chiều đi làm thủ tục vấp ngay một sự cố “thót tim”: trong danh sách chuyến hành khách không có tên mười vị chuyên gia! Do cung cách làm ăn của nhân viên người Việt trong hãng Pháp này. Điện đi điện lại hàng  mấy tiếng đồng hồ mới thoát. Tưởng giờ giấc bay trong thế giới phương Tây hiện đại thì phải rất chi là chặt chẽ. Vậy mà chờ mãi mới thấy máy bay của hãng A.F. hạ cánh. Trễ hơn hai giờ đồng hồ. Trễ này kéo theo trễ khác. Gần tám giờ tối máy bay mới cất cánh được. Chiếc Boeing 747 lượn một vòng trên thành phố Hồ Chí Minh, mặt đất đầy “sao”, rồi lao vào đêm tối mênh mông. Với cớ cất cánh muộn, khi ghé các sân bay Băng-cốc, Đen-li, hành khách phải ngồi dí trong máy bay hàng mấy giờ đằng đẵng. Y tỉ mẩn quan sát xe cộ qua lại phía ngoài sân bay và nhận ra ở Thái Lan, ở Ấn Độ chiều thuận đường là bên trái. Y nhớ có lần, cũng đã lâu, đài phát thanh BBC đưa tin Chính phủ Ấn Độ đã ra quyết định đổi chiều thuận đường sang bên phải, kèm câu bình: “Như vậy là đến nay chỉ còn nước Anh vẫn duy trì chiều thuận đường về bên trái”  (nước Anh vẫn nổi tiếng là bảo thủ). Vẫn biết các đài cũng dễ “cuội”, song không ngờ họ lại “nói như thật” một chuyện trái sự thật sờ sờ như vậy. Càng ngày càng biết thêm có nhiều xứ mà chiều thuận đường là bên trái. Ngồi thu mình trong chiếc ghế chật của hạng “tiết kiệm”, ngoảnh nhìn mãi những dòng xe cộ lấp loáng xa ngoài hàng rào sân bay, y có cái cảm tưởng như người bị giam chặt. Như là để tự giải toả, thỉnh thoảng y lại gọi giải khát. Trên máy bay của hãng A.F., có thể yêu cầu tiếp viên mang tới thức uống bất cứ lúc nào, bất cứ thứ gì họ đang có. Ngày ấy, chưa nói hãng hàng không Việt Nam, ngay trên máy bay của một hãng lớn như hãng hàng không LiênXô (Aeroflot), đồ uống cũng rất hạn chế, mỗi bữa chỉ được cấp một lần, và chỉ một thứ, cho gì  chịu nấy không được yêu cầu. Của đáng tội giá vé của hãng LiênXô khá rẻ. Một lần y gặp một người Pháp làm việc tại Brazza lên  đường về Pháp, không theo tuyến thẳng Brazza-Pari mà lại bay tuyến gấp khúc Brazza-Matxcơva-Pari. Anh ta trả lời y: “Tôi ít tiền nên đi máy bay của hãng Aeroflot, tuy đường có xa hơn”.
Dằng dặc hành trình đêm, y chỉ có niềm khoái duy nhất những lúc phi cơ cất cánh, hạ cánh. Đầu óc y bốc theo tiếng xé gió  bay lên. Lòng dạ xốn xang nhẹ thênh theo vòng lượn hạ dần độ cao đáp xuống. Máy bay cứ bay hoài trong đêm. Xung quanh người ta ngủ cả. Đã quá nửa đêm. Y hỏi tiếp viên: “Có thức uống gì nóng nóng không?”. “Ông dùng cà phê nhé!”. Cà phê nóng thật nhưng nhạt hoét, y nhận xét; “Cà phê Bra-xin mà ông còn chê ư?”. “Nếu cô đến Việt nam thử uống cà phê của chúng tôi thì sẽ cảm nhận được lời tôi vừa nói”. Thật ra, y chẳng phải là người sành cà phê. Y vẫn cúi nhìn mặt đất, hầu như không bỏ sót một đốm sáng nào trong đêm. Y hỏi tiếp viên: “Chúng ta đang bay qua đâu?”. Cô ta đi rồi quay lại với một người đàn ông: “Đây là sếp của tôi”. Người này nói: “Máy bay đang trên trời Ba Lan. Xa kia đang sáng đèn là Varsovie (Vac-sa-va)”. Tiếp viên luôn luôn túc trực, có mặt ngay đúng lúc khách cần đến. Họ không trẻ bằng tiếp viên của ta, không xinh như y chờ đợi, nhưng lịch sự, mẫn cán, điều này thì tiếp viên ta không sẵn lắm, y nghĩ.