Chương 5 (B)

Cái chuyện mơ mộng chỉ là một kế sách của Cả Quận, thực ra ông ta làm theo lời dặn dò của cha trước khi mất, xem ra cả mấy đời dòng họ nhà Cả Quận đã bỏ công sức cho việc này nhưng chưa thành công. Phần vì chiến tranh, phần vì sợ chính quyền dòm ngó, có đào được thì chưa chắc đã có thể giữ được nên công việc không được thực hiện liên tục. Lần này ông Cả Quận sợ mình sắp chết, còn mỗi thằng con trai bị khùng thì coi như di chúc của ông cha không còn ai làm nữa, nên ông ta quyết tâm tìm cho bằng được. Cái lời đồn về “thần giữ của” không biết ở đâu mà có, có khi do Cả Quận tung ra cũng không chừng. Có điều lần đào vừa rồi tay trùm cũng là một Địa sư khá nổi tiếng...Buổi sáng hôm đó thằng Quýnh chạy vào, nó khoe với Cả Quận “Thày ơi, có con chim trên cây Gạo tự nhiên nó sa xuống tay con”, Cả Quận nhìn thấy con chim bất giác giựt mình, con chim đó chính là con chim Lợn, cái mặt nó tròn quay, hai mắt nhắm nghiền, có lẽ trời sáng mắt nó bị chóa nên mới sa vào tay thằng Quýnh. Đúng là điềm trời báo trước. Tối hôm đó ông thầy địa lý nằm ngủ ngay trong nhà Cả Quận đến sáng hôm sau thì đã trở thành một cái xác lạnh ngắt. Vụ việc đâm ra trở nên phiền phức vì chính quyền tới lui để điều tra, rồi bên ngoài tiếng đời đồn thổi “một xé ra mười” nên bẵng đi hàng mấy năm làm Cả Quận điêu đứng và chẳng có nhóm nào dám đến tìm của nữa.
Lần này Tư Hường cho đào thật sâu xuống gốc cây Gạo, xuyên qua lớp cát và lớp than củi thì phát hiện ra cái quan tài chôn theo thế đầu chúc xuống dưới, cái này người ta gọi là “mả dựng”. Thường người thành niên chết bất đắc kỳ tử mà còn là đồng nam (điều này rất hiếm), không cam chịu mà hay về quậy phá thì gia đình phải cải táng chôn đứng cái quan tài, đầu phải chúc xuống. Nhìn kiểu dáng cái quan tài thì chắc nó đã được chôn trên trăm năm rồi, ký ức về nó hầu như không còn ai nhớ nữa. Hồi mới chôn chắc nó không ở vị trí sâu như vậy, nhưng thời gia đã làm nó ngày một lún xuống và nghiêng hẳn một bên, cái này còn gọi là “mả động”, rất nguy hiểm cho những người sống xung quanh. Xem ra những lời đồn về ma ở cây gạo này không phải là ngẫu nhiên mà có.
Gặp phải “mả dựng” thì phải lấp đất lại ngay, sau đó lập đàn cúng tế, nếu không thì phải có pháp sư cao tay làm phép trấn yểm, lại phải xây một cái miếu để thờ hương khói. Đến lúc này thì Cả Quận mới nhớ ra là hồi xa xưa lúc ông còn là một đứa trẻ nơi đây cũng đã từng có một cái miếu, qua năm 45 nạn đói xảy ra, người chết chất đống bên gốc cây gạo, rồi không hiểu sao tới thời cải cách thì cái miếu bị phá mất.
Trước lúc đào ĐHC đã đưa cho cha con ông Cả Quận hai tấm phù nhỏ bằng gỗ đeo trước ngực để “hộ tâm”. Những tấm linh phù này là đồ gia bảo của Tư Hường, chỉ các pháp sư người Hoa mới biết, mới có, mà Tư Hường thì đích thị là người Việt gốc Hoa rồi. Đúng ra y có bố là một ông thầy địa lý người Tiều còn mẹ thì là người Việt, hai ông bà gặp nhau ở tận xứ Cà Mau. Ông Văn Tích Chúc là người của Thiên Địa Hội, chạy loạn qua đây chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng ông biết coi phong thủy, địa lý nên đoán được vùng đất nào có thể đại phát. Chưa đến chục năm ông đã dựng được một cơ ngơi kha khá và lấy được vợ. Tư Hường là người con thứ tám trong gia đình cả thảy 14 anh chị em. Y có cặp mắt hí hí, đôi môi mỏng quẹt, hai mép trễ xuống còn cái trán thì sói sọi, lỗ mũi khoằm khoặm. Nom mặt y nhìn giống như Tăng Quốc Phiên của Thanh triều vậy, đó là một gương mặt nhìn thấu cả tâm can người khác, đố ai có thể qua mặt được. Nhưng Tư Hường từ nhỏ đã thoát ly gia đình, theo Việt Minh nên không học được ở cha bao nhiêu. Trong nhà chỉ có người anh thứ sáu là theo nghề của dòng họ, nhưng về sau ông lại lên núi tu hành, không lấy vợ và cũng không dính gì tới trần thế nữa nên xem như sở học của ông thầy Văn Tích Chúc là thất truyền.
Có rất nhiều kiểu “Thần giữ cửa”, ví như thần canh giữ đền đài, thần canh giữ kho tàng binh khí, thần canh giữ kho tàng là các đồ vàng bạc trân quý của vua chúa, thần canh giữ các mỏ quặng, thần canh giữ cả một vùng đất… Mỗi một vị thần đều có một cách tạo tác khác nhau tùy theo vị Pháp sư. Có một điều chung nhất là khi kêu gọi âm binh hay quỷ thần đều phải thực hiện các nghi lễ hiến tế. Đặc biệt “thần giữ cửa” đền đài, thành quách thường phải hiến nhiều trinh nữ sùng đạo và các trinh nữ này chấp nhận hy sinh một cách tự nguyện.
Riêng cái cách trấn yểm “thần giữ cửa” kho tàng trân quý là một việc làm hết sức tàn bạo mà chỉ có các pháp sư người Trung Hoa mới nghĩ ra được để phục vụ cho đám vua chúa, quan lại thống trị, tuyệt nhiên người Việt không có vụ này, vì thế cách hóa giải cũng chỉ các pháp sư người Hoa mới biết được tường tận. “Thần giữ cửa” thường là một cô gái đồng trinh, cô gái này được chay tịnh hàng tháng trời và phải tắm bằng thứ nước có ngâm tẩm những hương liệu đặc biệt. Sau đó trinh nữ bị ép buộc ngậm trong miệng một củ “thiên niên tuyết sâm”, mắt và miệng sẽ được hàn kín bằng nhựa hổ phách. Trinh nữ bị cột ngồi trong tư thế bó gối trên một tấm gỗ dầy, hai tay quặt ra sau lưng choàng lấy một thanh gỗ dài có ghi những chữ bùa do pháp sư đích thân dùng “xạ mực” để viết. Sau đó trinh nữ lúc này đang còn sống sẽ được trang trọng đặt ở nơi hội tụ linh khí nhất trong kho tàng, trên đầu sẽ đội một ngọn đèn cháy trong 7 ngày. Kho tàng hay huyệt mộ sẽ được lấp lại, như vậy cô gái xem như bị chôn sống và sẽ trở thành “thần giữ cửa”, có nhiệm vụ vật chết bất cứ người nào xâm nhập kho tàng, chỉ có vị pháp sư trấn yểm là biết được cách hóa giải. Thực ra bí quyết là ở chỗ “thần giữ cửa” chỉ giữ cửa thôi chứ không “giữ của”, tức là nếu lúc “đi xuyên qua cửa” mà thần không nhận ra được thì xem như không có vấn đề gì xảy cả. Ngoài cách dùng thần quyền, âm binh để giữ mộ, người xưa còn dùng vô số các cách khác nữa. Ví  như đổ hàng triệu mét khối cát vào bên trong và che phủ ngôi mộ, gặp cách này thì không thể đào trôm được vì đào đến đâu cát sẽ đổ xuống đến đó. Có khi họ xây những bể thủy ngân khổng lồ, hơi độc của nó bốc lên giết chết tức thì bất cứ ai xâm nhập vào ngôi mộ. Có những ngôi mộ xây chìm hẳn trong hồ nước sâu cả chục mét, kẻ trộm vô phương vào được.
Ít có người biết rằng loại gỗ dùng để trấn yểm trong việc này không phải là gỗ thường mà bắt buộc phải là một loại gỗ rất đặc biệt, có những tính năng tâm linh phi thường mà nếu không dùng thứ gỗ này thì việc trấn yểm “thần giữ cửa” sẽ không thành công. Loại gỗ này có tên là Trắc hương, người Việt còn gọi là Trắc thối, Huê xà, hay cây Sưa…nó có vân màu vàng nhạt, lõi màu đỏ thẫm, để tự nhiên có mùi thơm như trầm, lan tỏa xa hàng chục mét và âm ỉ thơm trong nhiều ngày. Thứ gỗ này có vân bốn mặt, khi đưa nghiêng ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu đẹp như xà cừ. Vua chúa Trung Hoa dùng gỗ này để xây cột và kèo trong cung đình. Nếu dùng làm “Long sàng” thì sẽ duy trì cho người nằm không bao giờ bị cảm cúm, đau lưng, nhức mỏi, và một khả năng tình dục lâu dài. Các quan tài ướp xác của các hoàng đế đều dùng loại gỗ này, bên trong phủ bột gỗ, trải qua hàng ngàn năm nó vẫn như nguyên, không hề bị mối mọt hay mất mùi,  xác giữ được lâu, không bị phân hủy, linh hồn người chết mau được siêu thoát, đem lại điều may mắn hiển đạt cho dòng họ. Ngọn đèn đội trên đầu trinh nữ chính là thứ bột gỗ này trộn với nhựa thông và “xạ hương” của một con cầy vàng, khi cháy sẽ tỏa ra một mùi thơm mạnh khủng khiếp, diệt sạch tất cả các loại vi khuẩn trong huyệt mộ. Thứ gỗ này khi đốt lại không cho bột đen mà bột của nó lại có màu trắng đục, cực kỳ mịn, khi đốt để một chậu hoa Mẫu đơn kế bên sẽ tỏa mùi hương vô cùng quyến rũ.
Chính vì thế tấm linh phù khắc chế “Thần giữ cửa” bắt buộc phải làm bằng loại gỗ này, và dùng phần lõi có màu đỏ sậm, đó là lý do vì sao nó rất khó có. Hơn nữa khi sử dụng pháp sư phải dùng loại xạ mực để viết chữ bùa và tên của người sẽ đeo nó. Loại mực này đắt như vàng, có thể dùng làm thuốc uống, bên trong có pha trộn rất nhiều xạ hương và bột vàng nên mùi thơm của nó tràn ngập cả không gian, khi viết thứ mực xạ này lên tấm phù, mùi của nó lại càng lan tỏa nhiều hơn nữa. Tùy theo từng trường hợp,tấm phù được đốt trước hoặc sau khi khởi sự. Chính cái “mả dựng” đã làm linh cảm của người Địa sư bị sai lệch, dẫn đến phải tổn phí rất nhiều công sức và tiền bạc, thậm chí trả giá bằng cả sinh mạng.
Sau khi nghỉ ngơi vài ngày thì công việc bắt đầu lại. Lần này phải xác định phương hướng thật chính xác bằng nhiều cái La bàn và căng dây chia ô, đánh dấu và ghi chú kỹ lưỡng, dùng máy quan trắc đo độ cao và đào các hố thám sát để xác định địa tầng, treo dây dọi và dùng que để định vị các tia xạ. Khu vực này nhìn chung thuộc loại đất phù sa cổ, sâu xuống phía dưới có rất nhiều than củi nhưng chưa đủ thời gian để biến thành than đá, có nhiều chỗ pha cát, khả năng nơi đây nằm trên vết nứt thuộc lưu vực sông Hồng, một dạng long mạch mà ngày xưa Cao Biền đã từng trấn yểm mà không được, nếu đúng như thế thì khả năng có kho tàng là rất lớn. Sau hơn năm ngày thám sát cật lực, cuối cùng thì cũng giả định được vị trí có khả năng chôn giấu nhiều nhất, chỗ này nằm trong vườn nhà, cách khá xa cây Gạo nơi có cái “mả dựng”.
Sau mấy lần đào thất bại, chẳng còn con cháu nào dám theo Ông Cả Quận, đành phải thuê ba thợ đấu bên ngoài là Bình Sứt, Tiến Chài và một tay thương binh là Thắng Còi.
Bình Sứt không phải bị sứt môi, mà là do con của ông Tám Sứt nên mới có tên là Bình Sứt, tuy còn nhỏ tuổi nhưng rất lẻo mép “Thầy U nhà cháu cho cháu đi làm với các bác, ngày được ăn hai bữa cơm có trái cà pháo, có con săn sắt rán vàng là Thầy U mừng lắm rồi, ông Cả cần gì chỉ nói một tiếng cháu xin sẵn sàng làm hết ạ”. Tiến Chài thì có cặp mắt láo liên, chắc là người của phe nào đó trong làng cài vào, việc Cả Quận đào của chôn giấu tuy hết sức bí mật nhưng người trong làng chắc cũng đã biết. Còn Thắng Còi thì nhỏ con, ốm nhách, mỏ dơi, tai chuột, lúc nào cũng mặc cái áo bộ đội cũ xì, đầu đội cái nón cối, chín phần mười là “tai mắt” của chính quyền. Cả Quận hiển nhiên là tương kế tựu kế, dùng cả hai tên để cho chúng canh chừng lẫn nhau.
Khó có thể biết được kho tàng nào là có phù phép trấn yểm và kho tàng nào là không, nên khi khai quật cứ nên phòng bị cho chắc chắn. Vì thế từ sáng sớm Ông Cả Quận đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho lễ cúng. Một cái bàn trải khăn đỏ, một cặp nến đại, bảy cốc riệu trắng, con gà sống thiến luộc vàng ươm, một mâm ngũ quả  gồm nải Chuối, quả Phật Thủ, Đào, Lê, Cam và mấy quả Bòng, vàng mã kim tiền đầy đủ, chỉ chờ đúng giờ ngọ là động thổ. Ngoài ra Tư Hường còn bắt Cả Quận cố tìm cho được hơn chục chậu hoa Hải Đường để khắp trong vườn. Hôm đó may sao trời không mưa mà lại hoe hoe nắng, thời khắc đang tốt đẹp thì mới khoảng hơn mười giờ nghe phía xa xa gần sân đình trở nên ồn ào. Thì ra một bà ở đó tên là Nụ, buổi sáng bà ta giặt đồ mang ra phơi ngoài sào, mới có một lát ra xem thì thấy đâu mất mấy cái quần nên tức quá chửi bới om sòm “tiên sư bố thằng lào con nào đang tâm lấy mất cái quần của bà, bà mà bắt được thì bà cho mày đội lên đầu cái quần của bà… Con nào lấy cái quần của bà mặc đi ra đường thì bị xe cán chết thây phanh làm ba, làm bốn, mà ở nhà thì bị chết tươi, hộc máu mồm máu mũi… mày ăn không ngon, mày ngủ không yên...bà trù cho cả tam đại dòng họ nhà đứa lấy quần của bà phải chết đường, chết chợ, chết sông, chết suối…”. Bà ta chống nạnh đứng chửi vang khắp cả làng, đến cao trào bà ta nhảy dựng lên, hai tay vỗ phành phạch vào hai đùi, tru tréo thêm một hồi. Cái lạ là bà ta cứ ngó về phía nhà Cả Quận, nơi có đám thợ đấu là Bình Sứt, Tiến Chài…đang đứng, đang kê bàn chuẩn bị thắp hương làm lễ, nên Cả Quận giận tím cả mặt mà đố dám nói gì. Chắc có bọn nào tư thù với Cả Quận gây ra việc này. Đúng là cái điềm chẳng lành trước lúc khởi sự. Còn Tư Hường đứng xem một hồi thì như bị nhập tâm hay sao, lúc quay vào mặt đỏ ké, miệng lảm nhảm “tiên sư bố thằng lào con nào…lần này ông mà đào không được thì ông bỏ nghề luôn”.