Dịch giả: Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết
Chương 12 - 13

Trong lúc Sa đi vơ vẩn buồn rầu và lúc nào cũng yên lặng trong rừng cây, trong vườn hoa, mắt gần như lúc nào cũng không ráo lệ; trong lúc Kha giam mình với những cuốn sách không bao giờ mở coi, trong lòng bứt rứt vì đợi vợ biết hối, tự ý đến xin lỗi và làm lành; trong lúc Liên khăng khăng nhịn đói, cho là chồng mỗi bữa ăn không thấy mình xuống chắc nghẹn ngào lắm nhưng chỉ vì tự kiêu nên không chạy đến quỳ sụp dưới chân mình; trong lúc đó thì tôi vẫn tiếp tục công việc hàng ngày và yên trí là ở giữa bốn bức tường bao bọc Họa Mi Trang, chỉ có một người đủ sáng suốt, đó là tôi. Tôi không tỏ lời chia buồn cùng Sa, tôi cũng không khuyên răn Liên, cũng không để ý đến những tiếng thở dài của Kha chắc nóng lòng muốn người khác nói đến vợ mình vì mình không được nghe tiếng vợ nói; tôi định cứ để mặc họ xử sự với nhau theo ý họ muốn. Tuy cách ấy rất chậm có kết quả nhưng sau cùng tôi cũng vui vẻ thoáng nhận thấy một tia hy vọng thành công. Ấy là lúc đầu tôi tưởng thế.
Ngày thứ ba, Liên mở then cửa và vì bình nước uống và nước rửa đều cạn, nàng bảo lấy thêm và đem lên một bát cháo vì nàng cảm thấy mình sắp chết. Tôi coi những lời đó nói ra chỉ cốt để tôi nhắc lại cho Kha nghe. Tôi không tin một lời nào thành thử tôi cứ yên lặng đem cho Liên bánh mì nướng và một ít nước trà. Liên ăn và uống có vẻ ngon lành rồi nàng vật mình xuống gối, hai bàn tay nắm chặt và kêu rền rĩ:
“Trời ơi! Tôi chết mất chẳng ai thèm để ý đến tôi! Biết thế thà đừng ăn cho xong.”
Một lúc lâu sau, tôi nghe nàng lẩm bẩm:
“Không, tội gì mà chết! Mình có chết thì nó sướng hơn! Nó có yêu gì mình. Mình có chết thì nó cũng kệ thây kệ xác mình.”
Thấy nàng sắc mặt lợt lạt như thây ma và bồng bột một cách thái quá, tôi hỏi:
“Thưa mợ, mợ cần thứ gì ạ?”
Liên hất những lọn tóc quăn rũ xuống, nét mặt bần thần hỏi tôi:
“Con người bất nhẫn ấy đương làm gì vậy? Ngủ gục hay là chết rồi?”
Tôi đáp:
“Chẳng phải ngủ cũng chẳng phải chết gì cả, nếu mợ định nói cậu Kha. Câu ấy khỏe như vâm, lúc nào cũng chúi mũi vào sách vở!”
Nếu tôi biết rõ bệnh trạng của Liên thì tôi đã không nói thế, nhưng tôi vẫn yên trí nàng ốm giả nhiều hơn là ốm thật. Liên sửng sốt kêu lên:
“Chúi mũi vào sách? Mà ngay trong lúc mình gần kề miệng lỗ. Trời ơi!”
Nàng nhìn lên chiếc gương treo trước mặt:
“Không biết Kha có biết mình khác đi nhiều như thế này không? Có phải đây là Yên Liên thật không? Có lẽ Kha tưởng mình giả vờ. Vú không nói với cậu để cậu biết tôi thật sự nguy kịch đến thế nào sao, vú Diễn? Khi tôi mà biết được ý nghĩ của cậu ấy thế nào rồi và nếu còn kịp, thì tôi sẽ chọn một trong hai đường - hoặc là cứ nhịn đói cho chết quách đi, như vậy có thể là một hình phạt cho cậu ấy nếu cậu ấy còn đôi chút lương tâm - hoặc là ráng khỏi bệnh đi rồi đi khỏi nơi đây. Vú này, vú phải thận trọng, vú có nói thật với tôi không đó? Có thực là Kha cứ để mặc xác tôi muốn sống chết ra sao thì ra, có phải không?”
Tôi đáp:
“Dạ, thưa mợ, cậu đâu có hay biết đầu óc mợ lộn xộn như thế và cố nhiên là cậu ấy đâu có lo tới chuyện mợ định nhịn ăn cho tới khi chết đói.”
“Vú không tin hả? Vú không thể nói với cậu ấy rằng tôi sẽ nhịn đói cho đến chết hoặc tôi bỏ nhà ra đi sao? Vú phải nói làm sao cho cậu ấy tin. Vú cứ bảo là vú nghĩ thế, vú tin chắc rằng tôi sẽ làm như vậy.”
Tôi nhắc:
“Thôi, mợ. Mợ quên là chiều nay mợ vừa ăn bát cháo ngon lành đấy ư và ngày mai mợ sẽ thấy kiến hiệu ngay.”
Nàng ngắt lời:
“Nếu tôi biết chắc là tôi chết đi cậu ấy sẽ chết theo thì tôi tự tử ngay lập tức. Trong ba đêm ghê rợn vừa qua tôi đâu có chợp mắt được phút nào! Trời ơi, tôi đau khổ quá chừng. Tôi bị ma ám, vú Diễn ạ! Tôi có cảm tưởng vú không ưa tôi. Thật lạ, tôi cứ tưởng là mọi người tuy oán ghét khinh bỉ nhau nhưng không thế nào không yêu tôi được... ấy thế mà chỉ trong vòng có vài tiếng đồng hồ, tất cả đều trở thành thù nghịch tôi. Tôi quả quyết là họ thù oán tôi... những người ở trong nhà này. Sắp chết đến nơi mà chung quanh chỉ toàn những bộ mặt lạnh như tiền! Sa thì khiếp sợ không dám nhìn con Liên này chết. Ghê quá mà! Còn Kha thì lạnh lùng đứng bên giường xem ta chết rồi cầu nguyện cảm ơn Chúa đã vãn hồi được cảnh yên vui cho gia đình hắn và sau đó lại quay về với những cuốn sách! Trong lúc mình đương ngắc ngoải chết không biết sách vở giúp hắn được cái trò trống gì cho đời!
Liên không thể nào chịu nổi cái ý tưởng tôi đã nêu ra rằng Kha đã chịu đựng cảnh ngộ một cách điềm tĩnh như một triết gia. Nàng vật mình vật mẩy, lăn lộn trên giường, rồi cơn giận nổi lên đùng đùng như điên dại; nàng cắn rách chiếc gối, chồm dậy sùng sục đòi tôi mở cửa sổ. Tôi không mở vì bấy giờ đương giữa mùa đông, gió bấc đang ào ào thổi. Tôi đâm hoảng thấy sắc mặt và tính khí nàng biến đổi bất thường và sực nhớ lại trận ốm trước, bác sĩ dặn không nên làm nàng phật ý. Mới phút trước nàng còn hung hăng làm dữ thế mà chỉ phút sau, nàng đã hiền khô, chống một tay lên giường, không còn để ý đến việc tôi từ chối không làm theo ý nàng nữa. Rồi hình như nghĩ ra được trò chơi con nít, nàng ngồi rút ra những chiếc lông chim từ những chiếc gối nàng vừa cắn rách, xếp ra từng loại một, bày lên vải giường để chơi: trí óc nàng đã lạc tận đâu đâu mất rồi!”
Liên lẩm bẩm nói một mình:
“Lông kia là lông gà, lông này là lông vịt, lông này là lông bồ câu. A, người ta nhồi lông bồ câu vào gối.. thảo nào mà mình không sao chết được! Thôi chốc nữa nằm xuống mình nhớ vứt nó xuống sàn... đây là lông gà rừng còn đây đích thị là lông con te-te không lẫn vào đâu được. Giống chim dễ thương này vẫn lượn trên đầu mình giữa đồng cỏ hoang. Nó muốn về tổ vì nó thấy mây đen kéo tới báo trời sắp mưa. Chiếc lông này người ta nhặt trên cây thạch thảo, com chim không bị bắn...bọn này thấy tổ nó mùa đông, tổ đầy những bộ xương nho nhỏ. Hy đặt cái bẫy phía trên và mấy con chim lớn không dám trở về. Sau lần ấy mình bắt Hy phải thề không được bắn te-te và Hy đã giữ lời. A, đây lại có nữa này! Anh Hy có bắn te-te không, vú Diễn? Có con nào lông đỏ không? Để tôi xem nào...”
Tôi ngắt lời Liên:
“Thôi, bỏ cái trò con nít ấy đi! Mợ nằm xuống đi và nhắm mắt lại, mợ nói sảng rồi. Bừa quá đi mất. Lông bay tứ tung như tuyết thế này này!”
Tôi giựt lấy chiếc gối, lật úp những lỗ thủng xuống nệm. Vì Liên lôi ra từng nắm lông tôi phải đi khắp phòng nhặt lên.
Liên lại nói như người mơ ngủ:
“Vú Diễn này, tôi thấy vú là một bà già tóc bạc lưng còng... Đấy năm mươi năm sau thì vú sẽ như thế đấy. Còn bây giờ thì tôi biết vú chưa đến nỗi như vậy. Vú nhầm rồi, tôi đâu có nói sảng! Nếu tôi mê sảng thì tôi đã tin rằng hiện thời vú là cái mụ già khoằm kia còn tôi thì đang nằm ở dưới ngọn Băng-Thạch Nham. Tôi rất sáng suốt, tôi biết rõ lúc này đang đêm trên bàn có hai ngọn nến chiếu sáng vào cái tủ đen bóng.”
Tôi hỏi:
“Cái tủ đen? Đâu? Đúng là mợ nó mê rồi!”
Liên đáp:
“Tủ kê sát tường kia, nó vẫn ở đấy từ bao giở bao giờ. Trông nó thực là kỳ quái... Tôi thấy một cái mặt ở trong ấy!”
“Từ trước đến giờ làm gì có cái tủ nào trong phòng?”
Tôi ngồi xuống, vén màn lên để xem chừng nàng. Liên vừa hỏi lại, vừa chăm chú nhìn vào tấm gương:
“Thế vú không thấy cái mặt kia sao?”
Tôi nói mãi mà không sao làm cho nàng hiểu đó chính là bóng của nàng, sau cùng tôi phải đứng dậy lấy một chiếc khăn phủ lên tấm gương.
Liên vẫn nói, giọng sợ sệt:
“Nó vẫn ở đằng sau ấy! Nó đang cựa quậy đấy. Ai thế? Khi nào vú đi khỏi rồi tôi chỉ cầu nó đừng ra đây! Trời đất! Vú Diễn ơi! Phòng này có ma! Ở đây một mình tôi sợ lắm!”
Người nàng cứ run lên bần bật, mắt nàng không rời nhìn về phía cái gương nên tôi phải cầm lấy tay nàng, vỗ về cho nàng trấn tĩnh lại.
Tôi cố giải thích:
“Có ai ở đấy đâu nào! Chính mợ đấy, mợ Kha ạ! Vừa lúc nãy mợ cũng biết thế mà.”
Liên giật mình nói:
“Chính tôi à? Kìa, đồng hồ đánh mười hai tiếng. Thế là đúng rồi. Ghê quá đi mất!”
Nàng túm lấy tấm vải giường kéo lên che mắt. Tôi định lẻn ra cửa gọi Kha nhưng một tiếng hét thất thanh giữ tôi lại. Chiếc khăn rớt khỏi tấm gương.
Tôi quát lên:
“Cái gì thế? Bây giờ thì ai nhát gan nào? Tỉnh dậy! Tấm kính... tấm gương đó mà, mợ Kha. Mợ soi hình mợ trong đó, có cả tôi nữa, tôi đứng cạnh mợ đấy mà.”
Liên run lẩy bẩy, mặt ngơ ngác, túm chặt lấy tôi.Nhưng vẻ kinh hãi trên mặt nàng biến dần đi, sắc diện tái mét bây giờ đỏ lên vì thẹn. Nàng thở dài:
“Trời ơi! Tôi cứ ngỡ tôi đương ở nhà, tôi tưởng tôi đang nằm trong phòng của tôi ở Gió Hú. Tôi yếu quá nên đầu óc cứ rối loạn lên, tôi la hét mà không biết. Vú đừng nói gì nhé, ở lại đây với tôi. Tôi sợ ngủ lắm, những cơn mê làm tôi sợ hết hồn.”
“Mợ cố ngủ đi. Ngủ được nó khỏe người ra. Có như thế này mợ mới biết và không nhịn đói nữa.”
Liên vặn tay nói chua chát:
“Trời ơi! Giá tôi được nằm trên giường trong ngôi nhà cũ của tôi! Và tiếng gió vi vu thổi trong lá thông bên cửa sổ. Để yên cho tôi cảm thấy hơi gió ấy một chút... nó chạy thẳng xuống rừng cỏ... để yên cho tôi hít một hơi cho thỏa!”
Tôi ra mở cửa sổ để ngỏ vài giây cốt cho nàng bình tĩnh lại. Một cơn gió lạnh lùa vào, tôi vội đóng cửa ngay và quay về ghế ngồi. Lúc này, Liên đã ngồi yên, mặt đầm đìa nước mắt. Thân thể quá mỏi mệt làm cho tinh thần nàng dịu hẳn. Mợ chủ nóng tính của tôi bây giờ chẳng khác nào một đứa con nít rên rỉ hờn giỗi.
Đột nhiên như chợt tỉnh, Liên hỏi:
“Tôi tự giam ở đây bao lâu rồi, vú Diễn?”
“Từ chiều thứ hai cho đến giờ là đêm thứ năm. Đúng ra phải nói là sáng thứ sáu rồi đấy.”
Nàng ngạc nhiên:
“Sao? Chưa được một tuần à? Mới có mấy hôm thôi à?”
“Thưa, chỉ có mấy hôm nhưng sống toàn bằng nước lã với giận hờn thì kể cũng là lâu rồi đó.”
Nàng có vẻ nghi ngờ, lẩm bẩm:
“Hừ, mấy hôm mà như một chuỗi giờ chán ngắt. Lẽ ra phải lâu hơn nhiều nữa... tôi nhớ đương ở phòng khách nhỏ sau khi họ cãi nhau. Kha đã khiêu khích ác liệt và tôi thì thất vọng chạy vội về phòng này. Tôi chỉ kịp gài then cửa xong thì bóng đen bao trùm lấy tôi và tôi ngã vật xuống sàn... Tôi không thể giải thích cho Kha hiểu rằng tôi tin chắc mình đang lên cơn hoặc sắp phát điên nếu Kha cứ một mực trêu tức tôi! Tôi không điều khiển nổi lưỡi và óc mình nữa và tôi chắc Kha không đoán được nỗi đau khổ của tôi. Tôi chỉ còn vừa đủ lý trí để chạy trốn khỏi bộ mặt và tiếng nói của Kha mà thôi. Trước khi tôi bắt đầu tỉnh lại để có thể nghe thấy, trông thấy được thì trời đã sáng rồi. Vú Diễn này, để tôi nói vú nghe những ý nghĩ của tôi, chúng cứ lởn vởn trong đầu tôi đến nỗi tôi đâm sợ không khéo mình sẽ mất trí... Trong khi tôi nằm đầu kê sát chân bàn kia mắt lờ mờ nhận ra cái khung vuông màu xám cửa sổ, tôi ngỡ mình đang nằm trong cái giường quây ván gỗ sồi ở Gió Hú và tim tôi quặn đau với một nỗi buồn da diết quá mà khi tỉnh giấc tôi không sao nhớ ra nổi. Tôi cố sức nhớ lại xem vì lẽ gì thì lạ quá đi mất: toàn bộ bẩy năm vừa qua của đời tôi là một khoảng rỗng! Tôi hoàn toàn không nhớ tí gì trong bẩy năm ấy. Chỉ nhớ hồi tôi còn là một đứa bé, cha tôi vừa được chôn cất xong, tôi đau khổ vì anh Hạnh bắt tôi phải xa Hy. Đó là lần đầu tiên tôi bị bỏ trơ trọi một mình, tôi khóc suốt đêm rồi mệt ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy đưa tay lên để đẩy tấm ván giường thì lại đụng phải cái gầm bàn! Tôi quệt tay dọc theo tấm thảm và vụt nhớ ra: nỗi buồn khổ vừa rồi bỗng chìm vào cơn tuyệt vọng đến cùng độ. Tôi không hiểu tại sao mình lại buồn khủng khiếp đến thế, chả có nguyên do gì cả, như thể có một lúc thần trí tôi bị thác loạn. Nhưng giả sử hồi tôi mới mười hai tuổi tôi bị đẩy ra khỏi Gió Hú, đẩy ra khỏi những liên hệ thời thơ ấu và toàn bộ thế giới của tôi với Hy, để - đùng một cái - trở thành bà Kha, bà chủ Họa Mi Trang, vợ của một người xa lạ. Tôi bị tống xuất ra khỏi thế giới của tôi, bơ vơ trong cảnh lưu đầy. Vú Diễn, vú có thể tưởng tượng được không, chỉ một thoáng thôi, cái vực thẳm mà tôi bị lăn xuống! Vú cứ việc lắc đầu, tôi đảo điên cũng một phần tại vú đấy! Lẽ ra vú phải nói với Kha, ừ đúng thế, vú phải bắt anh ấy để tôi yên! Trời ơi! Nóng quá đi mất! Ước gì mình đang ở ngoài trời. Ước gì mình trở lại thời con gái, thời man dại, can trường, tự do... Ai chửi cũng chỉ cười, không phát điên phát cuồng lên! Sao tôi lại thay đổi đến thế nhỉ? Tại sao chỉ mới nghe có mấy lời mà máu tôi đã sôi lên sùng sục? Nếu tôi được sống trở lại giữa đám thạch thảo trên mấy ngọn đồi kia thì chắc chắn tôi bình phục ngay... Mở cửa sổ ra! Mở rộng ra! Cứ để cửa ngỏ cho tôi! Nhanh lên...”
Tôi đáp:
“Tôi không muốn mợ chết cóng.”
Liên buồn bã nói:
“Vú không muốn cho tôi sống thì có. Nhưng tôi đâu đến nỗi kiệt sức! Tôi mở lấy cho mà xem!”
Tôi chưa kịp ngăn thì nàng đã tụt xuống giường, đi loạng quạng qua phòng, đẩy cánh cửa thò hẳn đầu ra ngoài, bất chấp hơi lạnh buốt bên ngoài như lưỡi dao cắt đôi vai nàng. Lúc đầu còn năn nỉ sau tôi phải dùng sức kéo nàng vào. Không ngờ trong cơn mê sảng sức nàng lại mạnh hơn tôi nhiều (về sau qua cử chỉ và lời nói, tôi mới biết là nàng mê sảng thực).
Trời không trăng. Qua làn sương phủ mơ hồ vạn vật chìm trong bóng tối. Không một căn nhà nào, xa cũng như gần, còn ánh đèn; tất cả đều tắt ngúm từ lâu. Còn đèn ở Gió Hú thì không bao giờ thấy cả... Thế mà nàng cứ bảo là có ánh sáng le lói.
Nàng hăm hở reo lên:
“Vú trông kìa! Phòng tôi đấy, với ngọn đèn bên trong và hàng cây đong đưa phía trước... Còn ngọn đèn kia ở trong phòng Dọi sát mái nhà... Dọi thức khuya thật, phải không vú? Bác ta đợi tôi về để còn khóa cổng. Thôi, cứ để bác ấy đợi một lúc nữa. Đường đi vất vả, lại qua nghĩa địa Diên Mễ Tôn nữa chứ! Chúng tôi bất chấp những hồn ma ỏ đấy, thách nhau đứng giữa mồ mà gọi ma tới. Này anh Hy, bây giờ em thách anh đấy, anh có dám đi ra đấy không? Nếu anh dám, em sẽ giữ anh lại. Em không muốn nằm đấy một mình, người ta có thể chôn em dưới bốn thước sâu và xô cả nhà thờ đổ ụp lên, em chưa thể nào yên được chừng nào anh chưa ở bên em.”
Nàng ngừng lại một lát rồi nói tiếp, miệng cười quái gở:
“Anh ấy còn đắn đo... có ý muốn mình đến cơ! Hãy kiếm cách đi chứ! Đừng có đi qua nghĩa địa nghe! Sao chậm thế! Bằng lòng đi nhé, xưa nay anh vẫn theo em cơ mà...”
Thấy cãi lý với người điên cũng vô ích, tôi tính làm cách nào để vừa tìm được cái gì phủ lên người nàng vừa không phải buông tay giữ nàng ra, vì tôi thấy không thể nào bỏ nàng một mình trước cửa sổ mở rộng ấy. Trong lúc còn đang loay hoay tôi giật mình nghe tiếng quả đấm cửa quay lách cách và cậu Kha bước vào. Lúc ấy cậu Kha vừa rời phòng sách, đi qua hành lang cậu nghe thấy chúng tôi nói chuyện và sự tò mò hoặc lo sợ đã khiến cậu vào xem có chuyện gì xẩy ra vào cái giờ khuya khoắt này.
Thấy cảnh tượng và không khí giá lạnh trong phòng, cậu Kha chưa kịp kêu lên thì tôi đã chặn ngay:
“Ồ, thưa cậu! Mợ bị bệnh và liều lĩnh quá, tôi không thể nào giữ nổi. Tôi van cậu, cậu lại dỗ mợ lên giường ngủ đi, cậu đừng giận mợ nữa. Lúc này mợ khó bảo lắm, mợ cứ khăng khăng làm theo ý mình thôi!”
Kha chạy vội tới kêu lên:
“Liên bệnh sao? Vú đóng cửa lại đi! Liên! Làm sao...”
Kha im bặt. Vẻ hốc hác của Liên khiến cậu lặng người đi không nói được nữa. Cậu đưa mắt thất kinh hết nhìn Liên lại nhìn tôi.
Tôi nói tiếp:
“Mợ nằm đây hờn dỗi mấy hôm nay không ăn uống gì cả, cũng không than vãn gì cả. Mợ lại không cho một ai vào phòng cho đến tận chiều nay, cho nên chúng tôi không rõ tình trạng ra sao để trình với cậu. Nhưng chắc cũng không sao đâu...”
Tôi thấy mình tự bào chữa vụng về quá. Kha cau mày nghiêm giọng nói:
“Có thật không sao không, vú Diễn? Rồi đây vú phải nói rõ tôi nghe vì sao vú lại không cho tôi biết về tình trạng của mợ!”
Rồi chàng ôm vợ trong tay, đau khổ nhìn nàng. Thoạt đầu Liên không nhận ra chồng; đôi mắt nàng lơ láo không nhìn thấy Kha. Tuy nhiên, chứng mê sảng không lâu; sau khi thôi ngắm cảnh tối đen bên ngoài, Liên dần dần chú ý đến chàng và nhận ra người đang ôm mình. Nàng giận dỗi nói:
“À, anh đã đến đấy à, anh Tôn Kha. Anh đúng là cái loại khi cần đến thì chả bao giờ thấy mặt, khi không cần thì lại lu lù dẫn xác đến. Chắc bây giờ mình lại sắp sửa được nghe những lời than khóc não nùng đây... Tôi biết trước rồi mà... nhưng có than khóc cũng chả ngăn nổi tôi tới nơi yên nghỉ chật hẹp của tôi ở đằng kia trước khi hết mùa xuân này. Nơi yên nghỉ đó không nằm dưới mái nhà thờ của nhà họ Tôn anh đâu, mà nó ở giữa trời với một tấm bia đá. Và anh tùy thích, muốn đi với họ thì đi, muốn đến với tôi thì đến.”
Kha nói:
“Liên, em làm sao thế? Em chẳng coi anh ra gì nữa sao? Em yêu cái thằng khốn, thằng Hy...”
Liên lớn tiếng:
“Anh im ngay! Anh mà còn đá động đến cái tên ấy thì tôi sẽ lao mình ra ngoài cửa sổ ngay lập tức cho xong đời! Cái thân xác anh đang ôm đây bây giờ còn là của anh, nhưng sau này khi mà anh đặt được tay lên người tôi lần nữa thì hồn tôi đã ở trên ngọn đồi kia rồi... Anh Kha, tôi không cần anh nữa...tôi hết cần anh rồi...đi mà ôm lấy đống sách vở của anh... tôi cũng mừng cho cái thân anh có cái để mà an ủi vì những gì anh có nơi tôi đã hết rồi...”
Tôi xen vào nói:
“Mợ mê sảng đó cậu ạ. Suốt từ chiều đến giờ mợ cứ nói chả ra đâu vào đâu. Nhưng cứ để mợ yên và săn sóc cẩn thận mợ sẽ hồi lại ngay. Thôi từ nay trở đi mình phải cẩn thận nên tránh làm mợ phật ý...”
Kha đáp:
“Tôi không khiến vú dậy tôi. Vú biết tính mợ đấy thế mà vú cứ xúi tôi làm phiền mợ. Bệnh tình mợ như thế đấy mà vú để ba ngày nay không cho tôi biết một tí gì. Thật là nhẫn tâm! Giá có ốm mấy tháng cũng không đến nỗi tiều tụy thế này!”
Thấy mình bị mắng oan tôi tức quá cãi lại:
“Tôi biết tính mợ ương ngạnh và độc đoán nhưng tôi lại không thể ngờ là cậu muốn nuông cái tính hung dữ của mợ như thế! Tôi đâu biết là muốn chiều lòng mợ tôi phải làm ngơ cho cậu Hy. Tôi có bổn phận của một người đầy tớ ăn ở hết lòng với chủ nên mới nói cho cậu biết chuyện, thế mà cậu còn trách tôi. Thôi được, cái đó dậy tôi lần sau tôi phải cẩn thận. Lần sau thì cậu ráng mà tìm hiểu lấy.”
Kha nói:
“Lần sau vú còn mách lẻo nữa thì tôi sẽ cho vú nghỉ việc ngay.”
“Vậy tôi chắc cậu không muốn nghe chuyện gì hết. Thưa cậu có phải như vậy không? Hy được cậu cho phép lại tán tỉnh cô Sa và hễ có dịp cậu vắng nhà là mò tới với mục đích đầu độc mợ phản bội cậu, có phải không?”
Liên tuy đầu óc rối loạn nhưng vẫn còn đủ sáng suốt để theo rõi cuộc đấu khẩu giữa cậu Kha và tôi. Nàng tức giận kêu lên:
“A! Vú Diễn chơi trò phản bội. Vú là kẻ thù dấu mặt của tôi... vú ma quái! Đòn xóc hai đầu phải không? Buông tôi ra, để tôi cho nó một trận, cho nó chừa cái thói đó đi!”
Dưới đôi mày của Liên loé lên một ánh điên cuồng nộ. Nàng vùng vẫy nhưng không thoát ra khỏi vòng tay Kha. Thấy chẳng nên đợi xem kết cuộc ra sao tôi bỏ đi tìm thầy tìm thuốc cho nàng.
Khi tôi đi qua vườn để ra đường cái, đến chỗ cái móc buộc cương ngựa vào tường, tôi thấy có một vật gì trăng trắng lúc lắc một cách khác thường. Tuy vội tôi cũng đến xem và ngạc nhiên lo sợ hết sức vì con chó của cô Sa, con Phan-Nhi, bị treo lên bằng một chiếc khăn tay và sắp chết ngạt. Tôi vội gỡ nó xuống và đỡ nó vào trong vườn. Trước khi cô Sa đi ngủ tôi đã thấy con chó theo cô lên lầu, không hiểu sao nó lại bị treo cổ ở đây, mà người nào lại độc ác đối xử với nó như vậy.
Trong lúc tôi loay hoay mở cái nút buộc ở móc, có mấy lần dường như tôi nghe mơ hồ có tiếng chân ngựa chạy ở xa xa. Lúc bấy giờ đầu óc tôi rối bời nhiều chuyện nên trí tôi không suy nghĩ gì về chi tiết đó, mặc dầu đó là tiếng tiếng động khác thường ở vùng này vào lúc hai giờ sáng.
Khi tôi đến đầu đường thì may quá gặp ông đốc tờ Kiên ở nhà đi ra thăm một bệnh nhân trong làng; nghe tôi kể về bệnh trạng Liên, ông vội theo tôi về ngay. Ông Kiên là người ngay thẳng, bộc trực, ông tuyên bố trắng ra là Liên lên cơn đau lần này e khó thoát chết, trừ khi nàng chịu nghe lời chỉ dẫn của ông thật cẩn thận hơn lần trước. Ông nói:
“Bà Diễn này, tôi chắc thế nào cũng có một nguyên do gì khác về vụ này. Có chuyện gì xẩy ra ở Họa Mi Trang thế? Tôi nghe người ta nói có nhiều chuyện lạ lắm. Một người to khỏe như cô Liên đâu có thể hơi một chút là ốm như thế được. Chỉ có chuyện gì ghê gớm lắm mới làm cho những người như cô ấy lên cơn sốt và giở chứng như vậy. Thế nào, sự thể bắt đầu ra sao?”
Tôi đáp:
“Cậu chủ tôi sẽ kể ông nghe. Ông đã quen với tính khí nóng nẩy của mấy người họ Yên như thế nào rồi, mà mợ Liên thì thật là hết chỗ nói. Tôi có thể nói như thế này... câu truyện xẩy ra bắt đầu bằng một trận cãi nhau. Trong cơn giận dữ, mợ tôi lên cơn sốt. Ấy là mợ tôi kể lại như vậy vì lúc lên cơn, mợ tôi chạy vào phòng khóa cửa lại. Sau đó mợ không chịu ăn uống gì cả. Bây giờ thì hết nói mê nói sảng lại như nửa tỉnh nửa mê, trong đầu toàn những ý tưởng mơ hồ, quái gở, tuy mợ vẫn nhận ra được những người xung quanh.”
Ông Đốc Kiên dò hỏi:
“Chắc cậu Kha buồn lắm nhỉ?”
“Buồn? Cậu tôi đau lòng lắm nếu có chuyện gì xẩy ra. Nếu không cần thiết xin ông Đốc đừng nói gì để cho cậu tôi phải lo nhớ!”
“Hừ, tôi đã bảo cậu ấy phải coi chừng, cậu ấy không nghe thì cứ ráng mà chịu lấy! Gần đây cậu ấy có thân thiện với Hy không?”
Tôi đáp:
“Hy thường đến thăm Họa Mi Trang, nhưng đến là vì mợ tôi quen biết Hy từ thuở nhỏ hơn là vì cậu tôi thích giao thiệp với Hy. Bây giờ thì hắn khỏi phải mất công đến nữa, hắn đã tỏ ra ngấp nghé cô Sa một cách lếu láo, chắc chẳng ai cho hắn ta tới nữa đâu.”
Ông Đốc lại hỏi:
“Thế còn cô Sa, có cảm tình gì với hắn không?”
Không muốn kéo dài câu chuyện, tôi đáp:
“Cô ấy có tâm sự với tôi đâu mà tôi biết.”
Ông Kiên lắc đầu nói:
“Chính thế, cô ấy kín đáo lắm, nghĩ sao làm vậy chả bao giờ hỏi ý kiến ai cả. Nhưng cô ấy khờ lắm! Tôi được một người đáng tin cậy cho biết là đêm qua, một đêm đẹp trời, Sa và Hy đã dắt nhau đi chơi ở đồn điền ngay phía sau Họa Mi Trang đến hơn hai tiếng đồng hồ. Hy đã không cho Sa về nhà mà ép lên ngựa đi luôn với hắn. Người ấy nói Sa không biết cách nào khác đành phải thề danh dự là lần tới gặp nhau sẽ đi, để cô về chuẩn bị đã. Lần sau là bao giờ thì người ấy không nghe rõ nhưng bà phải nói cho cậu Kha biết, thúc cậu ấy lưu ý cẩn thận.”
Tin này lại làm cho tôi thêm một mối lo nữa. Tôi vội đi trước ông Kiên, gần như vừa đi vừa chạy. Con chó con vẫn còn sủa ăng ẳng trong vườn. Tôi mất một phút mở cổng cho nó, nhưng thay vì chạy về phía cổng nhà, nó lại chạy đi chạy lại hít hít ngọn cỏ và nếu tôi không giữ lại kịp đưa nó vào nhà thì nó đã chạy ra đường cái rồi.
Khi lên tới phòng Sa, điều tôi nghi ngờ đã thành sự thật: phòng Sa trống trơn. Giá tôi phát hiện sớm hơn vài tiếng đồng hồ thì có lẽ tin Liên ốm nặng sẽ cầm chân cô bé dại dột kia lại, giờ thì còn làm gì được nữa! Nếu đuổi theo ngay tức khắc thì may ra có thể bắt kịp họ. Nhưng tôi không thể đuổi theo họ, tôi không muốn đánh thức mọi người trong nhà dậy và làm cả nhà nhốn nháo lên...tôi cũng lại không thể cho cậu tôi biết trong lúc cậu còn đương mải lo chuyện rắc rối buồn phiền và không còn lòng dạ nào để lo thêm một chuyện buồn nữa!
Tôi thấy mình chẳng làm gì khác hơn được là ngậm miệng, để mặc câu chuyện đó đã. Khi ông Kiên tới nơi, tôi cố tạo một bộ mặt thật bình tĩnh gượng gạo để báo tin.
Liên đương ngủ nhưng không yên giấc. Người chồng đã xoa dịu cơn điên cuồng của nàng, giờ đây đang cúi xuống chiếc gối theo dõi từng nét thay đổi trên gương mặt đau khổ của vợ.
Khám bệnh xong, giọng đầy tin tưởng, ông Đốc bảo cậu tôi rằng bệnh có thể chữa được nếu chúng tôi giữ cho Liên được hoàn toàn yên tĩnh. Tuy nhiên ông nói riêng cho tôi biết là điều đáng lo không phải là cái chết mà là sợ nàng sẽ bị loạn óc luôn không chữa khỏi được.
Đêm đó, tôi không sao nhắm mắt được, cả cậu tôi cũng thế. Thực ra, chúng tôi không hề ngả lưng lấy được một phút. Đám gia nhân cũng dậy sớm hơn thường lệ, đi lại rón rén, gặp nhau chỉ thì thầm chứ không dám to tiếng. Người nào cũng bận rộn, duy chỉ có Sa là không thấy bóng dáng đâu; mãi rồi mọi người mới để ý bảo nhau sao cô ấy ngủ trưa thế. Cả cậu Kha cũng phải hỏi cô em đã dậy chưa, chàng tỏ vẻ sốt ruột thấy vắng mặt cô và mích lòng thấy cô em lãnh đạm đối với chị dâu. Tôi thì tôi chỉ lo cậu ấy sai tôi đi gọi Sa, nhưng may quá đã có người giúp tôi khỏi cái nạn là người đầu tiên báo tin Sa đã bỏ nhà ra đi. Chả là có một chị người làm có tính láu táu đi Diên Mễ Tôn từ sớm mua đồ, chị ta hộc tốc chạy lên lầu, miệng há hốc ra, phăng phăng đi vào phòng, kêu bô bô lên:
“Ôi trời đất ơi! Khổ quá! Không biết rồi ra còn chuyện gì nữa đây? Ông chủ ơi, ông chủ, cô...”
Thấy nó làm ầm ỹ lên, tôi giận quá, mắng át đi:
“Có câm cái miệng đi không!”
Cậu Kha nói:
“Nói khẽ chứ, Mai, cái gì thế? Cô làm sao?”
Nó vừa thở vừa đáp:
“Cô con đi rồi, cô con đi rồi! Trốn đi với cậu Hy!”
Kha hoảng hốt đứng bật dậy, kêu:
“Vô lý! Không thể có chuyện ấy được... đầu óc mày làm sao mà lại nẩy ra ý nghĩ ấy? Vú Diễn, đi kiếm cô ấy xem... chuyện bậy bạ... không lẽ nào lại có chuyện như thế được.”
Vừa nói cậu vừa lôi con ở ra cửa, hỏi nó vì lẽ gì nó lại dám nói như vậy. Nó ấp úng:
“Dạ, con đi đường gặp một thằng bé quen vẫn đến đây lấy sữa, nó hỏi con ở nhà có chuyện rắc rối xẩy ra phải không? Con tưởng nó hỏi thăm mợ có đau không nên đáp “có”. Thế rồi nó lại hỏi: “Tôi chắc có ai đuổi theo họ phải không?” Con ngạc nhiên ngẩn người ra. Nó biết là con không biết chuyện gì nên nó kể là hồi nửa đêm có một cô một cậu ngừng lại ở một cửa hàng thợ rèn cách Diên Mễ Tôn ba cây số để đóng lại móng ngựa... rồi cô con gái bác thợ rèn đuơng ngủ mò dậy xem và nhận ra cô cậu ấy là ai... nó cam đoan rằng một người là cậu Hy, không thể nào lẫn với ai được, cậu Hy đưa trả cho bố nó một đồng tiền vàng. Còn cô con gái thì lấy áo choàng lên che kín mặt, đòi uống nước và khi uống nước thì cái áo tụt xuống nên nó trông rõ mặt. Hy cầm cả hai giây cương thúc ngựa đi quay lưng về phía làng. Đường xấu mà họ cũng cố phóng nhanh. Con bé không nói lại với bố nhưng sáng nay nó đã vung tin khắp Diên-Mễ-Tôn, ai ai cũng biết chuyện.”
Tôi chạy lên ngó lấy lệ vào phòng Sa rồi trở lại xác nhận lời con ở nói là đúng. Cậu Kha đã quay về ngồi ở chiếc ghế đặt cạnh giường. Khi tôi vào, ngửng lên thấy vẻ mặt bối rối của tôi, cậu hiểu ngay. Kha lại cúi đầu xuống, không nói gì, cũng không sai bảo gì thêm.
Tôi hỏi:
“Thưa cậu, mình có nên đuổi theo tìm cách bắt cô ấy về không? Mình phải làm gì bây giờ?”
Kha đáp:
“Nó đi là tự ý nó. Nó thích đi là quyền của nó. Thôi, đừng có nói tới chuyện ấy để làm phiền tôi nữa... Từ giờ trở đi, nó chỉ còn là em gái tôi trên danh nghĩa... không phải là tôi từ bỏ nó, mà chính tự nó từ bỏ tôi.”
Cậu Kha chỉ nói có thế, không hỏi thêm điều gì, cũng không đả động gì đến Sa nữa, ngoại trừ bảo tôi là bao giờ biết Sa ở đâu thì gửi cho cô ấy tất cả các đồ vật cô ta còn bỏ lại ở nhà.
Chương XIII
Hai người bỏ trốn đi biệt tích luôn hai tháng. Trong hai tháng ấy mợ Kha đã trải qua thời kỳ nguy kịch nhất, nhưng may mà nàng thoát khỏi chứng bệnh mà người ta gọi là não viêm. Ở trên đời này chắc chẳng có bà mẹ nào chăm sóc con mình tận tâm bằng cậu Kha săn sóc mợ ấy. Ngày cũng như đêm cậu ở bên giường vợ, kiên nhẫn chịu đựng tất cả nỗi khổ mà một người thần kinh thác loạn, trí óc mê muội có thể gây ra cho người thân.
Chính ông đốc tờ Kiên cũng phải nói là Kha có cứu được con người ấy khỏi xuống lỗ thì cũng chỉ được đền đáp bằng những nỗi lo buồn triền miên không dứt mà thôi. Sự thực thì chàng có hy sinh sức khỏe cũng chỉ để cứu vớt một thân thể tàn tạ. Dù vậy, khi nghe ông Đốc nói tính mệnh nàng đã qua khỏi cơn nguy thì cậu tôi cám ơn rối rít và vui mừng không sao tả xiết. Kha ngồi hàng giờ bên cạnh nàng để coi xem sức khỏe của vợ bình phục từng giây từng phút ra sao; cậu lại quá lạc quan đến độ hy vọng rằng tinh thần nàng cũng sẽ thăng bằng và trong một thời gian ngắn nữa thôi sẽ hoàn toàn trở lại như xưa.
Vào khoảng đầu tháng ba, lần đầu tiên mợ Kha ra khỏi phòng. Buổi sáng hôm đó cậu Kha đặt lên gối vợ một mớ hoa màu vàng tươi. Đã lâu nàng không được thấy cái gì vui đẹp nên khi tỉnh giấc thấy hoa mắt nàng sáng lên và vội nhặt ngay lấy.
Nàng reo lên:
“Chà! Những bông hoa đầu mùa trên Gió Hú đây! Hoa làm em nhớ những ngọn gió hiu hiu thổi và ánh nắng ấm áp làm tan tuyết. Anh Kha, có phải gió nồm đương thổi và tuyết đã tan gần hết không?”
Kha đáp:
“Ở dưới này tuyết đã tan hết rồi, em ạ. Khắp cánh đồng hoang anh chỉ còn thấy có hai quãng trắng. Bàu trời thì xanh biếc, chim sơn ca hót vang và nước suối chẩy ngập bờ. Liên ạ, xuân năm ngoái anh mong mỏi em về ở dưới mái nhà này...bây giờ, anh lại ao ước em ở trên những ngọn đồi kia cách đây vài ba cây số, trên đó gió thổi nhẹ nhàng anh chắc em ở đó sẽ mau lành bệnh.”
Liên nói:
“Em sẽ chẳng bao giờ lên đó, chỉ trừ một lần nữa thôi. Lần ấy anh sẽ bỏ em lại, em sẽ ở đó một mình, vĩnh viễn. Rồi mùa xuân tới nữa anh mong em trở lại mái nhà này, anh sẽ hồi tưởng và thấy lúc này là lúc anh được sung sướng.”
Kha vỗ về nàng, tìm những lời ngọt ngào âu yếm nhất để an ủi nàng, nhưng Liên chỉ lơ đãng nhìn mấy bông hoa, nước mắt mọng trên bờ mi rồi chẩy dài xuống má.
Chúng tôi biết là bệnh nàng đã thật sự khá rồi, không nên để nàng nằm mãi một chỗ sinh ra buồn và đau ốm, cần phải thay đổi không khí và khung cảnh cho nàng chóng bình phục. Kha sai tôi đốt lò trong phòng khách nhỏ đã bỏ trống từ mấy tuần lễ nay, kê một chiếc ghế dài gần cửa sổ có ánh nắng rồi chàng dắt nàng đi xuống. Nàng ngồi một lúc lâu hưởng nắng ấm thần diệu và đúng như chúng tôi nghĩ, cảnh vật xung quanh tuy quen thuộc thật nhưng chúng không còn ám ảnh nàng một cách kinh hoàng như những đồ vật ở trong phòng bệnh mà nàng thù ghét và sợ hãi. Chiều đến, Liên có vẻ mệt lử, nhưng dù nói thế nào nàng cũng không chịu trở về căn phòng cũ của nàng. Tôi lại phải kê một chiếc ghế nệm dài làm giường cho nàng nằm tạm trong khi chờ dọn một phòng khác để nàng về nghỉ.
Chúng tôi muốn tránh cho nàng khỏi phải lên xuống cầu thang mệt nhọc, nên dọn cái buồng mà bây giờ ông ngủ đấy, ông Lộc ạ, buồng cùng chung một lầu với phòng khách nhỏ và nàng có thể tựa tay Kha đi tới đi lui các căn phòng.
Tôi nghĩ thầm: “A, nàng được chăm nom săn sóc như thế này chắc là phải khỏi bệnh chứ!” Có hai nguyên nhân để mong nàng khỏi bệnh, bởi vì sự sống còn của nàng quyết định một sự sống khác: chúng tôi nuôi hy vọng là trong một thời gian ngắn nữa sự ra đời của một đứa con thừa kế sẽ làm vui lòng cậu Kha và bảo đảm đất đai của chàng khỏi bị lọt vào tay người ngoài.
Ông Lộc ạ, tôi cũng phải nói để ông rõ là Sa, sau khi bỏ nhà ra đi được sáu tuần có gửi về cho anh cô một bức thư ngắn báo tin nàng đã lấy Hy. Bức thư có vẻ khô khan lãnh đạm, nhưng cuối thư có viết thêm bằng bút chì tỏ ý ăn năn, với lời lẽ khó hiểu, nàng van xin Kha hãy thương nhớ đến nàng, ngỏ ý muốn làm lành nếu việc làm của nàng đã xúc phạm đến anh, nàng bảo lúc đó nàng không thể nào làm khác, việc lỡ rồi có muốn lấy lại cũng không được nữa.
Tôi chắc là Kha không trả lời thư đó. Nửa tháng sau tôi nhận được một bức thư dài, lời lẽ kỳ lạ vì không thể nào là thư của môt cô dâu vừa hưởng xong tuần trăng mật. Để tôi đọc ông nghe, tôi còn giữ đây vì bất cứ một vết tích gì của người chết đều quí giá, đáng giữ làm kỷ niệm. Bức thư viết:
“Vú Diễn yêu quý,
Đêm qua về Đỉnh Gió Hú, lần đầu tiên tôi được tin chị Liên ốm nặng. Tôi nghĩ chẳng nên viết thư cho Liên, còn anh tôi thì hoặc là vì quá giận tôi hoặc là vì quá lo buồn nên không trả lời thư tôi. Tôi thấy cần phải viết cho một người nào và thấy chẳng còn ai khác hơn là vú.
Vú hãy nói cho Kha hay là tôi sẵn sàng bỏ tất cả để được gặp mặt anh ấy... Ngay hai mươi bốn giờ sau khi rời khỏi Họa Mi Trang tôi đã muốn quay về và ngay lúc này đây lòng tôi đang gửi về đấy tất cả cảm tình nồng nàn đối với Kha và Liên. Tôi không thể nào kể cho hết được...(dòng này được gạch bên dưới). Anh chị tôi không cần mong đợi tôi và muốn nghĩ sao về tôi thì nghĩ, tuy nhiên, đừng đổ tội cho tôi là nhu nhược hay thiếu tình thương.
Đoạn sau của bức thư này là dành riêng cho vú. Trước hết tôi muốn hỏi vú hai câu. Câu thứ nhất là:
Vú làm cách nào để giữ được cảm tình của mọi người khi vú ở đây? Tôi thì tôi không làm sao thấy được một cảm tình nào của những người xung quanh chia sẻ với tôi.
Câu hỏi thứ hai tôi đặc biệt quan tâm là... ông Hy có phải là người không? Nếu phải thì ông ấy có điên không? Nếu không phải thì ông ta có phải là ác quỷ không? Tôi không nói vì sao tôi lại hỏi vú câu ấy nhưng tôi muốn là nếu có thể vú nói cho tôi biết, khi vú có dịp đến thăm tôi, là tôi đã lấy nhằm cái loại nào? Vú cho tôi biết nhớ Vú Diễn. Vú phải đến thăm tôi và nhớ đến sớm! Đừng thư từ gì cả, đến chơi với tôi kia, và đem cho tôi một cái gì của Kha.
Bây giờ để tôi kể cho vú nghe tôi đã được tiếp đón ở nhà mới như thế nào - tôi phải tưởng tượng trại Gió Hú là nhà của tôi - Tôi nói dông dài về những thiếu thốn tiện nghi không cần thiết là nói cho vui thôi chứ có bao giờ tôi bận trí những chuyện ấy đâu...
Mặt trời vừa lặn sau Họa Mi Trang khi chúng tôi tới cánh đồng hoang. Lúc đó tôi ước khoảng sáu giờ chiều. Hy ngừng lại nửa giờ để thăm vườn trại và có lẽ cả ngôi nhà một cách rất kỹ lưỡng, nên khi chúng tôi xuống ngựa đặt chân lên sân gạch thì trời đã tối mịt. Lão Dọi cầm cây đèn nến ở trong nhà bước ra đón chúng tôi một cách “lịch sự” không thể chê vào đâu được. Trước tiên lão giơ cao ngọn đèn lên soi tận mặt tôi, liếc xéo một cái nham hiểm, trề môi dưới ra rồi quay đi. Xong lão nắm cương hai con ngựa dắt vào chuồng, lộn trở ra để đóng cổng ngoài, cứ như thể là đang sống trong một toà lâu đài cổ vậy.
Hy đứng nán lại nói chuyện gì với Dọi và tôi bước vào nhà bếp - một cái hang ổ bẩn thỉu bừa bộn - từ khi vú đi khỏi thì nó thay đổi ghê gớm, tôi dám chắc vú cũng không nhận ra được. Cạnh bếp có một thằng bé trông như con nhà vô lại, tay chân nó cứng cáp, áo quần lam lũ, mắt và miệng nó có nét hao hao giống Liên.
Tôi nghĩ bụng: ‘Đây là thằng cháu ruột của Kha đây... kể ra cũng như cháu mình, mình phải bắt tay nó... à... mình phải hôn nó là đằng khác. Cũng nên gây cảm tình làm quen ngay từ buổi đầu vẫn hơn.’ Tôi lại gần, thử cầm lấy cổ tay mập mạp của nó, nói:
‘Kìa cháu, cháu có khỏe không?’
Nó đáp lại bằng một thứ tiếng gì tôi không hiểu. Tôi lại gợi chuyện hỏi thêm:
‘Liệu Hạ với cô có thể thân nhau được không, Hạ?’
Đổi lại sự ân cần của tôi, nó thốt ra một câu chửi thề và dọa sẽ thả con chó Thốt ra cắn tôi nếu tôi không “cút đi.” Rồi thằng ôn con kêu một con chó vừa nhỏm dậy từ cái ổ ở góc bếp: “Suỵt, Thốt, ra đây!” Quay qua tôi nó hách dịch bảo:
‘Nào, có xéo đi không?’
Thấy mình thủ thân vẫn hơn tôi đành rút lui ra cửa đợi những người khác vào. Nhưng chẳng thấy tăm hơi Hy đâu cả, còn Dọi thì tôi phải theo lão ra tận chuồng ngựa để yêu cầu lão đưa tôi vào nhà. Lão trợn trừng mắt, làu nhàu một mình, rồi nheo mũi đáp:
‘Khoan! Nói như thế ai mà nghe kịp! Cứ liến thoắng lên ai mà hiểu được!’
Ghét cái thói lỗ mãng của lão và tưởng lão điếc, tôi hét lên:
‘Tôi bảo... tôi muốn bác đi lên nhà trên với tôi!’
‘Không được! Tôi mắc làm!’
Dọi nói xong thản nhiên tiếp tục làm việc. Hàm răng nghiến lại, lão đưa mắt khinh khỉnh quan sát quần áo và gương mặt tôi (quần áo thì quả là đẹp rồi, nhưng nét mặt thì buồn thiu đúng như ý mong của lão).
Tôi đi vòng quanh sân, chui qua một cửa nhỏ tới một cửa khác, tôi cứ gõ bừa đi, hy vọng có một tên đầy tớ nào lễ phép hơn trườn mặt ra chăng. Sau mấy phút hồi hộp chờ đợi, tôi thấy một người gầy gò, cao lểnh khểnh, cổ không quấn khăn, quần áo lôi thôi lốc thốc, đầu tóc bù xù xõa xuống vai che lấp cả hai bên mặt. Đôi mắt ông ta giống hệt đôi mắt Liên, nhưng là một đôi mắt ma, trong đó tất cả vẻ đẹp đã bị hủy diệt.
Người ấy hung hăng hỏi:
‘Cô muốn gì? Cô là ai?’
Tôi đáp:
‘Tôi là Sa. Tôn Sa. Ông đã có lần gặp tôi rồi. Tôi mới lấy Hy, Hy dẫn tôi về đây... Tôi chắc đã được ông cho phép rồi.’
Mắt sáng lên như mắt lang sói, ông ta lại hỏi:
‘À, thằng đó đã về đây rồi à?’
‘Vâng... chúng tôi mới về tức thì, nhưng Hy bỏ tôi ở cửa bếp và khi tôi định bước vào thì thằng con ông đứng chơi trò canh gác ở đó, xua chó ra dọa tôi.’
‘Khá khen cái thằng lưu manh biết giữ lời hứa!’
Ông ấy vừa sục đôi mắt tìm trong bóng tối xem có Hy ở đâu không, vừa làu bàu nguyền rủa doạ nạt “thằng quỷ sứ” những gì không biết, nếu hắn đánh lừa ông ta.
Tôi đâm hối đã gõ cửa lần thứ hai để đụng đầu vói ông ta và định chuồn để khỏi phải nghe mãi những lời chửi rủa, nhưng chưa kịp đi thì ông ta đã bảo tôi vào trong nhà rồi đóng xập cửa, cài then lại.
Trong nhà có ngọn lửa lớn, và tất cả gian nhà rộng chỉ có độc một làn ánh sáng đó. Sàn nhà toàn màu xám xịt. Những chiếc đĩa thiếc xưa kia bóng lộn khiến hồi nhỏ tôi phải chú ý nhìn, nay cáu bụi mờ hẳn đi.
Hạnh không trả lời khi tôi hỏi có thể gọi một đứa ở gái để dẫn tôi lên buồng ngủ không. Ông ta đút tay vào túi quần đi tới đi lui, rõ ràng là quên bẵng có tôi ở đó. Ông ta hình như mải suy nghĩ điều gì lung lắm, trông ông ta hết sức chán đời nên tôi cũng không muốn làm rộn.
Vú Diễn ơi! Chắc vú chẳng ngạc nhiên thấy tôi lúc ấy buồn như thế nào. Thà ngồi một mình ở chốn vắng vẻ còn sướng hơn là ngồi ở chỗ người ta chẳng thèm đếm xỉa đến khách. Rồi tôi lại nhớ cách đây có hơn sáu cây số có một ngôi nhà xinh đẹp, ngôi nhà của tôi, trong đó có người duy nhất tôi yêu quý nhất đời. Chỉ cách có sáu cây số mà sao tôi tưởng chừng có cả một đại dương ngăn cách chúng tôi, tôi không làm sao vượt qua được!
Tôi tự hỏi không biết mình phải quay về đâu để được yên vui? Và... điều này vú đừng kể lại cho Kha hay Liên nghe nhớ... ngoài nỗi buồn ấy tôi còn nỗi thất vọng là không thể tìm ra được một ai ở trong cái nhà này đứng về phe tôi chống lại Hy. Tôi có ý chọn đến ở Gió Hú, hầu như vui sướng, vì tưởng rằng mình sẽ tránh được cái khổ phải sống một mình với Hy, nào ngờ Hy biết tỏng hết thẩy những người trong trại này, không sợ họ can thiệp vào chuyện của mình.
Luôn mấy giờ đồng hồ chán ngán tôi cứ ngồi nghĩ ngợi như thế. Đồng hồ điểm tám tiếng, rồi chín tiếng. Ông Hạnh vẫn cứ đi đi lại lại, cúi gầm đầu xuống không thốt lấy một lời, ngoài tiếng rên rỉ cay đắng tự nhiên bật ra khỏi cửa miệng.
Tôi cố nghe xem có tiếng đàn bà ở trong nhà không trong khi lòng tôi rầu rĩ hối hận khôn tả. Bất giác, không sao kìm hãm được, tôi bật thở dài và nức nở khóc. Mãi tới khi Hạnh ngừng bước đứng lại trước mặt, ngạc nhiên nhìn tôi, tôi mới biết là mình đã vô tình để lộ niềm đau khổ cho người khác biết. Sẵn dịp được ông ta chú ý, tôi bèn kêu lên:
“Tôi đi suốt ngày mệt quá. Tôi muốn đi ngủ mà không thấy chị ở nào đến cả. Chị ấy đâu? Ông làm ơn dẫn tôi đến.
Hạnh đáp:
‘Chúng tôi không nuôi tớ gái. Cô phải tự lo liệu lấy!’
Mệt quá, không còn giữ thể diện nữa, tôi nức nở hỏi:
‘Vậy tôi ngủ ở đâu?’
‘Dọi sẽ chỉ cho cô buồng của Hy. Cô cứ mở cánh cửa kia ra, nó ở trong đó.’
Tôi vừa định làm theo, thì Hạnh giữ tôi lại nói, giọng khác lạ:
‘Cô nhớ khoá cửa cài then lại... đừng có quên!’
‘Vâng, nhưng tại sao phải làm thế, ông Hạnh?’
Tôi khó chịu nghĩ đến nông nỗi phải tự giam mình trong một phòng với Hy. Hạnh vừa đáp vừa lôi trong túi áo ra một khẩu súng hình thù kỳ dị, bấm một cái ở họng súng bật ra con dao hai lưỡi:
‘Cô coi đây! Một kẻ tuyệt vọng mà vớ được cái này thì thì dễ bị cám dỗ lắm, phải không? Không đêm nào là tôi không giắt cái này định mở cửa vào phòng nó. Nếu tôi thấy cửa mở thì nó chết với tôi: bây giờ tôi vẫn không thay đổi ý định đó. Cô biết không, ngay trước đây có một phút thôi, tôi đã gợi cả trăm lý lẽ để tự ngăn mình... hình như có ma quỷ gì nó xui khiến tôi giết hắn... cô có yêu nó thì ráng mà chống lại con ma con quỷ ấy. Nhưng khi nó đã tới số rồi thì có trời mà cứu được!’
Tôi tò mò nhìn cái thứ vũ khí ấy và chợt nẩy ra một ý nghĩ đáng sợ! Giá mình có được một khí giới như vậy thì mình sẽ mạnh biết là chừng nào! Tôi cầm con dao trong tay Hạnh, sờ vào lưỡi dao. Trong một giây Hạnh nhìn tôi kinh ngạc trước vẻ mặt thay đổi của tôi: gương mặt không lộ vẻ ghê sợ mà lại lộ vẻ thèm muốn. Ông ta giật lại vũ khí, có vẻ như đố kỵ với tôi, nói:
‘Cô có báo cho nó biết tôi cũng cóc cần! Bảo nó hãy coi chừng và cô, cô cũng canh chừng cho nó. Giờ thì cô đã hiểu sự giao dịch giữa nó với tôi ra sao rồi đấy. Tôi biết là cô đã hiểu, cô thấy nó lâm nguy mà không bối rối lo sợ.’
Tôi hỏi:
‘Hy đã làm gì ông? Anh ấy làm gì hại ông để ông thù hận dữ vậy? Sao ông không đuổi anh ấy ra khỏi nhà, có phải là khôn ngoan hơn không?’
Hạnh gầm lên:
‘Không! Nó mà nói nó bỏ đi thì nó chết bgay với tôi! Cô mà xúi nó bỏ đi thì cô giết nó đấy! Chẳng lẽ tôi mất sạch mà không có dịp nào gỡ gạc lại hay sao?” Chẳng lẽ thằng Hạ phải đi ăn mày sao? Tôi sẽ gỡ lại và đoạt luôn cả số vàng của nó, cả máu nó nữa, còn linh hồn nó thì cho xuống địa ngục! Có nó ở địa ngục thì địa ngục còn đen tối gấp năm gấp mười lần!’
Vú Diễn, vú thường kể tôi nghe về tính nết ông chủ cũ của vú. Rõ ràng là ông ấy sắp điên rồi… Ít ra thì đêm qua ông ấy đã lên cơn. Gần ông tôi phát rùng mình. Cái lão đầy tớ mất dậy của ông ta vậy mà còn dễ chịu hơn. Lúc ông ta tiếp tục đi đi lại lại, tôi bèn kéo then cửa chuồn vào bếp.
Lão Dọi đang lúi cúi nhìn xuống cái chảo trên bếp. Cạnh đó trên kệ có một tô bột mì. Chảo đồ ăn bắt đầu sôi, lão quay sang cái kệ thọc tay vào tô bốc bột. Đoán là lão đương nấu cơm chiều, trong bụng đương đói, chắc món ăn ít ra cũng có thể nuốt được, tôi kêu: ‘Để đấy tôi nấu cho.’ Vừa nói tôi vừa lôi cái tô khỏi tầm tay lão, rồi bỏ mũ, cởi áo đi ngựa ra. Tôi tiếp theo: ‘Ông Hạnh bảo tôi phải làm lấy mọi thứ... làm thì làm... tôi đâu có giở thói tiểu thư với các người đâu, sợ có mà đến lúc đói dã họng ra.’
Dọi ngồi xuống, vừa tuốt đôi vớ từ đầu gối xuống mắt cá chân, vừa lẩm bẩm:
‘Chúa ơi! Lại thêm một lệnh mới nữa, lại thêm một bà chủ đặt lên đầu lên cổ mình! Cũng đến lúc phải xéo đi thôi. Chả bao giờ mình nghĩ phải xa cái nhà cũ này thế mà bây giờ cũng phải nghĩ tới rồi.’
Để mặc lão ta than vãn tôi nhanh nhẹn làm việc và thở dài nghĩ tới thời xưa tôi đã xem việc làm này như một thứ giải trí. Tôi vội vàng xua đuổi ngay những kỷ niệm ấy. Hồi tưởng lại cái thời vàng son chỉ làm tôi thêm đau sót. Càng sợ quay trở lại dĩ vãng bao nhiêu thì chiếc thìa tôi cầm khuấy bột lại càng xoay nhanh bấy nhiêu và những vốc bột rắc xuống nước càng rớt mau hơn.
Dọi nhìn lối làm bếp của tôi, mỗi lúc lão một thêm ngứa mắt và bực mình. Lão kêu lên:
‘Coi kìa! Đêm nay thằng Hạ đừng hòng có cháo mà ăn! Bột làm thế kia to bằng nắm tay, nuốt làm sao trôi được chứ! Tôi như cô thì đổ tuốt cả bột vào tô rồi đánh một thể. Đó, lại thế nữa!... cũng may mà không thủng cái chảo!’
Tôi phải công nhận rằng đó là một món láo nháo khi đổ ra liễn. Tất cả chỉ có bốn cái liễn và một bình sữa tươi mới vắt đem lên thì thằng Hạ đã chụp lấy húp bình sữa, ứa cả sữa ra ngoài cái miệng tham lam của nó. Tôi bảo nó rót ra cốc mà uống chứ tu nguyên bình thế dơ dáy chết ai mà dám uống nữa. Dọi không ưa lối kiểu cách ấy của tôi, lão lải nhải nói mãi: ‘Nó cũng ngoan như ai cũng khỏe mạnh như ai chứ bộ.’ Lão còn lấy làm lạ sao tôi lại phách lối như thế. Trong khi ấy thằng ôn con vẫn tiếp tục tu sữa, nhỏ cả nước dãi vào bình, mắt thì trố lên nhìn tôi thách thức.
Tôi nói:
‘Tôi sang phòng khách ăn cơm. Ở đây không có chỗ nào gọi là phòng khách à?’
Lão ta cười khẩy:
‘Phòng khách? Không, chúng tôi không có phòng khách. Nếu cô không thích ngồi với bọn tôi thì có ông chủ đấy. Cô không thích ngồi với ông chủ thì nhập bọn với tôi.’
‘Thế thì tôi lên gác. Chỉ tôi một cái phòng.’
Tôi đặt liễn lên khay rồi tự đi kiếm thêm ít sữa nữa. Lão Dọi càu nhàu mấy câu rồi mới chịu đứng lên đi trước. Chúng tôi leo lên gác xép, lão mở buồng nọ buồng kia ngó vào trong. Sau cùng lão mở một cánh cửa ọp ẹp, nói:
‘Phòng này ngồi ăn tốt chán. Góc kia có bao đựng ngô cũng khá sạch đấy. Nếu cô sợ bẩn áo thì trải khăn tay ra mà ngồi.’
Đó là phòng chứa đồ, sặc mùi ngũ cốc, những bao xếp chồng chất xung quanh, chừa một khoảng trống ở giữa. Tôi tức quá quay nhìn lão, kêu lên:
‘Đây đâu phải chỗ ngủ. Tôi muốn lên phòng ngủ cơ.’
Dọi quay lại, giọng lão mỉa mai:
‘Phòng ngủ! Có mấy cái phòng thì cô đã xem cả rồi đấy...phòng tôi ở kia kìa.’
Lão chỉ tay vào một gian bên, gian ấy chỉ khác gian này ở chỗ xung quanh tường trống trơn và có một cái giường rộng thấp, không màn che; chân giường có một tấm mền màu chàm. Tôi hỏi vặn lại:
‘Phòng của bác thì mặc kệ bác, tôi biết để làm gì? Tôi chắc ông Hy đâu có ngủ trên cái gác xép này, phải không?’
Lão Dọi reo lên như thể vừa mới khám phá ra điều gì mới lạ:
‘À, thì ra cô muốn phòng ông Hy. Sao không nói cha nó ra có phải đỡ không? Vậy tôi xin nói cho cô biết, cô không thể vào phòng đó. Ông Hy lúc nào cũng khoá phòng lại, ngoài ông ta không ai vào được.’
Không nhịn được nữa tôi nói:
‘Bác Dọi này, nhà bác đẹp lắm, người trong nhà dễ chịu lắm! Tôi nghĩ cái ngày mà số phận tôi gắn chặt với họ cũng là ngày mà tất cả mọi điên rồ trên thế gian này đã trút hết cả vào đầu óc tôi rồi. Mà thôi, bây giờ cốt yếu là tìm những phòng khác. Trời đất! Đưa tôi đến một phòng nào cho tôi yên thân đi chứ! Nhanh lên!’
Chẳng nói chẳng rằng lão Dọi lê chân xuống gác, dừng lại trước một căn buồng. Cứ nhìn đồ đạc tôi cũng đoán ngay ra đó là buồng tốt nhất nhà: một tấm thảm thứ tốt hẳn hoi nhưng hoa đã mờ đi vì bụi, một lò sưởi giấy bọc rủ xuống từng mảng, một giường gỗ sồi lịch sự có rèm bằng loại hàng mắc tiền, hợp thời trang, nhưng trông biết ngay là người dùng đã không nương tay giữ gìn, khoen thì sút ra, thanh sắt treo dèm thì còng xuống khiến rèm quệt cả xuống đất. Ghế ngồi nhiều chỗ gẫy nát, ván vách bị khoét thủng lỗ chỗ.
Tôi đang tính trong bụng thôi đành chịu khó lấy căn phòng này thì lão già điên nói:
‘Đây là phòng của ông chủ.’
Lúc ấy, thức ăn của tôi đã nguội, tôi hết còn muốn ăn, mà cũng hết cả kiên nhẫn. Tôi cố đòi cho bằng được một nơi để trú chân và chăn giường để nghỉ ngơi. Lão già nói:
‘Còn muốn ở đâu nữa? Lạy Chúa phù hộ, Chúa tha tội chúng con! Cô thực lắm chuyện! Cô đã coi hết mọi phòng rồi, chỉ trừ phòng nhỏ của thằng Hạ, chẳng còn cái nào khác.’
Điên tiết tôi quẳng ngay cái khay thức ăn xuống đất rồi ngồi phịch xuống chân cầu thang, bưng mặt khóc.
‘Cô khá lắm! Được lắm! Ông chủ về ông dẫm những mảnh liễn vỡ rồi sẽ được nghe ông... sẽ biết tay ông! Khùng quá đi thôi! Ai lại phí của trời thế này. Tôi chắc ông Hy không để yên cho cô đâu. Tôi mong ông ấy bắt gặp cô phá phách thế này, cho cô biết!’
Rồi lão càu nhàu bỏ xuống nhà dưới, đem theo cả cây đèn nến, bỏ tôi ở lại trong bóng tối.
Ngồi một mình suy nghĩ tôi thấy mình nên dẹp bớt tự ái và cơn nóng lại, mà dọn sạch sẽ cái sàn nhà tôi đã làm bừa ra trong cơn giận dữ.
May mắn sao tôi lại được con chó Thốt phụ lực. Bây giờ tôi mới nhận ra nó là con của con chó già nhà tôi, hồi nhỏ nó ở Họa-Mi Trang và cha tôi đã đem nó cho ông Hạnh. Có lẽ nó cũng nhận ra tôi. Nó dí mõm vào mũi tôi như để chào hỏi rồi vội vàng quay đi liếm sạch chỗ cháo tung tóe dưới đất, trong lúc tôi lò mò đi từng bậc thang nhặt những mảnh bát đĩa vỡ và lấy khăn tay lau sạch những giọt sữa bắn trên lan can. Hai chúng tôi - con chó và tôi - vừa dọn dẹp xong thì tôi nghe tiếng giầy của Hạnh trên hành lang. Con Thốt cúp đuôi len lén đứng nép vào tường, tôi cũng nấp vào một khung cửa gần đó. Con chó cố trốn ông chủ nhưng không thoát, nó bị đá chạy hộc tốc xuống cầu thang, kêu ăng ẳng một lúc lâu. Còn tôi may mắn hơn. Hạnh đi thẳng về phòng ông ta, đóng cửa lại.
Ngay sau đó Dọi dẫn thằng Hạ lên ngủ. Lúc đó tôi mới biết là tôi trốn ở phòng Hạ. Lão thấy tôi bèn nói:
‘Bây giờ tôi mới nghĩ ra là có phòng cho cô và cho cả cái thói kiêu căng của cô nữa. Phòng trống cô tha hồ muốn làm gì thì làm.’
Tôi vội chụp lấy cơ hội này nằm lăn ra chiếc ghế dài bên lò sưởi ngủ thiếp đi. Tôi ngủ một giấc say và ngon nhưng chưa đẫy giấc thì Hy đã lôi tôi dậy. Hắn vừa bước vào, và theo cái cách âu yếm của hắn, hỏi tôi làm gì ở đây. Tôi đáp lý do tôi ngủ trễ vì hắn đã giữ chìa khoá “cửa phòng của hai đứa mình.”
Mấy tiếng “của hai đứa mình” làm hắn giận điên lên. Hắn thề là cái phòng không bao giờ là của tôi cả. Hắn sẽ... nhưng thôi, nhắc lại lời ăn tiếng nói và cử chỉ của hắn mà làm gì. Hắn có biệt tài làm cho tôi ghét hắn, ghê tởm hắn. Nhiều lúc tôi kinh ngạc về thái độ của hắn, kinh ngạc đến độ quên cả sợ, mặc dù tôi sợ hắn còn hơn cọp hay rắn độc.
Hắn cho tôi biết bệnh tình của Liên, đổ tội anh tôi đã làm Liên đau ốm, và dọa là tôi phải chịu tội thay cho Kha cho tới khi nào Kha bị hắn tóm cổ.
Tôi hận hắn hết sức...tôi khổ lắm...tôi thực dại dột! Vú nhớ đấy, đừng nói hở ra cho một ai ở Họa-Mi Trang biết một tí gì về chuyện này. Tôi chờ vú từng ngày. Đừng để tôi thất vọng!”
“SA”