Dịch giả: Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết
Chương 10, 11

Thế là tôi lại bắt đầu cuộc sống ẩn dật của tôi một cách lý thú tệ! Ốm đau, trằn trọc trọn bốn tuần lễ. Trời ơi, gió thì lạnh giá, trời miền bắc thật buồn thảm, các đường lối đều nghẽn. Tệ hơn hết là câu kết án ghê sợ của bác sĩ Kiên: ông bảo tôi phải đợi đến mùa xuân mới có thể tính đến chuyện đi ra ngoài ngao du.
Ông Hy vừa đến thăm tôi. Ông ta không phải hoàn toàn vô can về việc đau ốm của tôi và tôi cũng muốn nói thẳng cho ông ta biết. Nhưng than ôi! Sao lại nỡ làm mích lòng một người có cái hảo tâm tới thăm mình một giờ đồng hồ để nói chuyện với mình về những cái không phải là thuốc viên, thuốc nước, thuốc rộp da...
Tôi còn yếu quá chưa đọc sách được nhưng giá được nghe một câu chuyện hay hay thì có lẽ thú vị. Ừ, sao lại không gọi bác Diễn để bác kể nốt câu chuyện bỏ giở. Tôi còn nhớ lại những đoạn chính bác ta đã kể. Phải, anh chàng Hy bỏ trốn trải qua ba năm không ai nghe nói đến chàng nữa, còn Liên thì đã lấy chồng. Bác Diễn bước vào phòng:
“Ông Lộc ạ, còn hai mươi phút nữa mới đến giờ ông uống thuốc.”
“Thôi, dẹp thuốc đi. Bác ngồi xuống đây. Bây giờ bác kể nốt chuyện anh chàng Hy từ lúc bác ngắt quãng. Anh chàng có phải đi sang bên Lục-địa [1] du học thành tài hay là trốn sang Mỹ được hiển hách hay là đã tìm cách làm giầu nhanh chóng hơn trong các ngả đường vắng ở đất Anh [2].”
Bác Diễn đáp:
“Tôi không dám quả quyết. Tôi đã thưa với ông rằng tôi không biết anh chàng làm giầu bằng cách nào. Tôi lại cũng không rõ Hy đã dùng cách gì để vượt ra khỏi sự tối tăm ngu dại trước kia. Nhưng tôi mạn phép ông, tôi kể chuyện theo ý riêng của tôi nếu ông cho như vậy là ông giải khuây để không mệt sức. Sáng hôm nay ông có dễ chịu không?”
“Tôi thấy dễ chịu hơn nhiều.”
“Thế thì hay quá.”

°

Tôi theo cô Liên về Họa-Mi Trang và tôi ngạc nhiên một cách vui thú thấy những điều phỏng đoán của tôi đều sai cả. Liên cư xử hơn hẳn trước, thực tôi không ngờ. Nàng hình như hơi quá yêu chồng một chút. Đối với cô Sa em chồng nàng, nàng cũng có tình thân ái lắm. Không phải là một cuộc nhường nhịn nhau: một bên cô Liên không bao giờ chịu nhún và một bên kia mọi người đều nhượng bộ. Nếu không ai chống chọi mình, thờ ơ với mình thì còn hục hặc sinh sự với ai nữa. Tôi nhận thấy Kha có cái tính sợ làm cho vợ mích lòng. Kha cố dấu điều đó, nhưng khi nào Kha thấy tôi trả lời Liên một cách sẵng giọng hoặc thấy một người đầy tớ khác nhăn mặt nhăn mày vì một lời sai bảo quá hách dịch của nàng thì Kha cau mày tỏ ý khó chịu, điều mà không ai thấy khi việc chỉ do riêng một mình Kha gây nên. Đã nhiều lần Kha cự tôi vì tôi đã hỗn với Liên; chàng bảo tôi dù bị dao đâm cũng không đau khổ bằng khi thấy vợ chàng phật ý. Để khỏi làm phiền lòng một ông chủ tốt như vậy, tôi cố đè nén tính nóng nẩy của tôi: trong nửa năm thuốc nổ cũng hiền hòa như bột cát vì không có một mồi lửa nào làm cho thuốc bùng nổ. Liên thỉnh thoảng có những cơn buồn rầu hoặc những lúc lầm lỳ. Kha để nàng yên và tỏ ý thông cảm nàng một cách kín đáo, cho đó là do bệnh đã làm giảm sút tinh thần nàng, bởi vì trước kia Liên không bao giờ bị những cơn khủng hoảng như vậy. Khi Liên hết cơn, trở lại vui vẻ thì Kha cũng vui lây. Tôi có thể nói chắc rằng họ đã có được hạnh phúc và hạnh phúc ấy ngày một sâu đậm hơn.
Nhưng rồi hạnh phúc đó phải có ngày hết. Ông nghĩ xem, lâu rồi cũng có ngày người nào cũng chỉ nghĩ đến mình. Hạnh phúc của họ đã mất khi mà có nhiều trường hợp làm cho họ cảm thấy người nọ không chiếm cứ một chỗ quan trọng trong ý nghĩ của người kia.
Một buổi chiều u ám về tháng chín, tôi ở ngoài vườn về nhà tay xách một giỏ táo nặng vừa hái xong. Trời chập choạng tối. Mặt trăng nhòm qua bức tường cao khiến những khoảng bóng tối không định hình như rập rình trong góc lõm những phần trồi ra của toà nhà. Tôi đặt giỏ táo trên bực cửa bếp để nghỉ ngơi một lát và hít thở không khí thơm tho. Tôi nhìn ngắm trăng, xoay lưng về phía cổng vào, bỗng nghe đằng sau có tiếng nói:
“Vú Diễn, có phải vú đấy không?”
Tiếng nói trầm, đá giọng ngoại quốc nhưng trong lối gọi tên tôi có một thứ gì nghe quen quen. Tôi quay người, hơi sợ hãi, để xem ai nói vì cửa ngõ thì đóng mà lúc tôi tới bực bếp không thấy có người nào. Dưới cổng có bóng ai động đậy; tôi tiến ra và nhận thấy một người dáng cao, mặc quần áo màu xẫm, tóc đen và màu da ngăm ngăm. Người ấy dựa vào thành cổng, ngón tay đặt trên then cửa, như có ý tự mình mở cửa lấy. Tôi tự hỏi: “Không biết người nào thế? Hay là ông Hạnh? Nhưng tiếng không phải là tiếng ông.”
Trong khi tôi nhìn kỹ để nhận mặt người khách lạ thì người ấy nói:
“Tôi đợi ở đây đã đến một giờ đồng hồ, chung quanh tôi đều lạnh ngắt như tờ. Tôi không dám vào. Vú không nhận ra tôi à? Vú thử nhìn kỹ xem, tôi đâu phải người xa lạ.”
Một tia ánh trăng chiếu vào mặt người khách. Hai má xanh xao, bị râu mép đen che khuất nửa, lông mày rũ xuống, mắt sâu hoắm và khác thường. Tôi nhớ ra cặp mắt ấy. Tôi ngơ ngác, hai tay giơ lên trời, tự hỏi không biết có phải là người ở thế gian này không.
“Hừ, cậu, cậu trở về đấy à? Có phải thực là cậu không? Có phải cậu không?”
Hắn nhìn lên các cửa sổ lấp lánh ánh trăng nhưng ở trong không có ánh đèn.
“Vâng, tôi đây. Hy đây. Có ai ở nhà không? Cô ở đâu? Vú Diễn chắc vú không ưa gì tôi trở về, nhưng có gì đâu mà vú bối rối thế? Cô ở đây không? Vú nói cho tôi hay. Tôi cần nói với cô ấy một lời...cô chủ của vú ấy mà. Vú nói giùm là có người ở Diên-Mễ-Tôn lên muốn gặp cô.”
“À thế ra ông là... cậu Hy. Tôi không biết là mợ tôi sẽ nghĩ thế nào, định xử trí ra sao. Tôi mà còn ngạc nhiên ngơ ngác, chắc mợ Kha phải điên cuồng lên. Trông ông... trông cậu khác hẳn trước. Chắc cậu đã làm việc trong quân đội?”
Hy ngắt lời tôi, tỏ vẻ nóng ruột:
“Vú vào nói đi đã.”
Hy nhắc then cổng, còn tôi thì đi vào nhà. Khi tới buồng khách nhỏ thấy cậu mợ Kha ngồi đó, tôi lưỡng lự không dám bầy tỏ việc Hy về. Sau cùng tôi kiếm cớ hỏi Kha và Liên có muốn tôi thắp các cây đèn nến không, rồi tôi mở cửa buồng khách.
Liên và Kha ngồi cạnh cửa sổ và qua cửa sổ nom thấy thung lũng Diên Mễ Tôn với một làn sương mù bốc lên gần tới đỉnh núi. Đỉnh Gió Hú còn cao hơn làn sương trắng đó nhưng không nom thấy trại Gió Hú vì nó ở bên kia sườn núi. Thấy căn buồng và hai người ngồi đó, cũng như phong cảnh mà họ đương nhìn ngắm, có vẻ êm tĩnh quá, tôi không nỡ nào làm cái việc mà Hy dặn. Tôi sắp quay ra, nhưng không hiểu vì cớ điên rồ nào tôi trở gót và lẩm bẩm:
“Thưa mợ, có người nào ở Diên Mễ Tôn muốn hỏi mợ.”
“Họ muốn hỏi gì?”
“Thưa mợ, tôi không hỏi.”
“Thôi được. Vú khép màn treo cửa rồi pha trà đem lên. Tôi trở vào ngay.”
Liên đi khỏi, Kha hỏi ai đó, giọng rất bình thường. Tôi đáp:
“Một người mà chắc mợ không ngờ. Anh chàng Hy, trước kia ở nhà cậu Hạnh... cậu còn nhớ không?”
Kha kêu lên:
“Ai? Anh chàng ma cà bông... anh chàng thợ cầy ấy à? Sao vú không báo mợ biết?”
“Ấy chết! Xin cậu đừng gọi như thế. Mợ chắc phiền lòng. Lúc ông ta bỏ đi, mợ tôi tưởng như chết nửa người. Bây giờ ông ta trở về, mợ chắc vui như tết.”
Kha đi ra phía cuối phòng, đến một cái cửa sổ nhìn ra sân, rồi thò đầu ra ngoài. Tôi đoán Hy và Liên đứng ngay dưới vì Kha vội kêu lên:
“Em Liên, em đừng đứng đấy. Em mời khách vào ngay nếu là khách thân.”
Tôi nghe thấy tiếng then cửa rồi Liên chạy vội lên, thở hổn hển và hồi hộp quá, nên không biết nàng có vui không: nhìn nét mặt nàng người ta lại tưởng có một tai nạn vừa xẩy ra. Nàng ôm choàng lấy cổ chồng:
“Anh Kha! Anh Kha! Anh Kha yêu quý. Hy về... Hy về kìa.”
Rồi nàng ôm ghì lấy chồng mạnh hơn. Kha khó chịu nói:
“Biết rồi, biết rồi. Không việc gì làm người ta nghẹt thở thế này. Đối với tôi anh chàng không quý hoá gì, việc gì phải cuống cuồng lên thế.”
Nàng cố đè nén nỗi vui:
“Em biết mình không ưa gì Hy. Nhưng vì em, hai người cũng nên làm lành với nhau. Em bảo anh ta vào nhé?”
“Vào đây? Ở trong phòng khách?”
“Thế còn ở đâu nữa?”
Kha, vẻ bất bình, như tỏ ý cho nhà bếp thì hợp hơn. Sau một lát, Liên tiếp thêm:
“Không, em không thể tiếp Hy ở dưới nhà bếp được. Vú Diễn, vú dọn riêng hai bàn, một bàn để cậu với cô Sa hạng quý phái ngồi, còn một bàn để Hy và tôi, hạng hạ lưu ngồi. Như vậy có được không mình? Hay là em phải bảo đốt lò sưởi ở buồng khác. Anh định thế nào thì anh cho biết. Em phải xuống ngay để tiếp khách. Em vui, vui quá thành thử không biết mọi sự có thực không?”
Liên sắp sửa bước ra ngoài thì Kha cản vợ lại, rồi bảo tôi:
“Mời ông ấy lên đây. Còn em, em vui thì em cứ vui, nhưng đừng có vô lý quá, đừng có để cho cả nhà thấy em đón tiếp như một người anh ruột, một tên đầy tớ đã bỏ trốn đi.”
Tôi bước xuống và thấy Hy đứng đợi ở cửa, có vẻ yên trí là sẽ được mời vào. Chàng theo tôi không nói nửa lời rồi tôi đưa vào ra mắt ông chủ bà chủ tôi; tôi thấy cả hai người má đỏ bừng tỏ rõ họ vừa nói với nhau chuyện gì rất gay go. Nhưng nét mặt Liên sáng hẳn lên vì một cảm xúc khác, khi người bạn cũ hiện ra ở cửa. Nàng chạy đến bên Hy, cầm lấy tay chàng, giắt chàng về phía Kha, rồi nàng cầm lấy tay Kha và mặc ý Kha, ép Kha bắt tay Hy.
Ánh lửa và ánh các ngọn nến chiếu thẳng vào mặt Hy khiến tôi càng lấy làm kinh ngạc về sự thay đổi của Hy. Bây giờ Hy là một chàng cao lớn, thân hình cân đối, nở nang như một lực sĩ; cạnh Hy, ông chủ tôi thành mảnh rẻ, có vẻ một người mới lớn lên. Lối đứng thẳng của Hy cho ta đoán Hy đã có ở qua trong quân đội. Nét mặt cương quyết khiến Hy có vẻ già dặn hơn Kha và nét mặt đầy thông minh của Hy không còn một tí dấu vết về cuộc đời đầy đọa cũ. Song dưới hai hàng lông mày hạ thấp, trong hai con mắt đầy những tia lửa, ngầm có ẩn một vẻ hung ác gần như man rợ nhưng kìm hãm được. Điệu bộ Hy có vẻ chững chạc lắm, không có một chút gì thô bạo, tuy vậy vì quá ư nghiêm trang nên thiếu bề duyên dáng. Kha cũng ngạc nhiên như tôi, có khi hơn cả tôi nữa. Kha đứng yên một phút tự hỏi không biết xưng hô cách nào với “anh thợ cầy” ấy. Hy bỏ rơi cái bàn tay mảnh rẻ của Kha rồi lạnh lùng nhìn Kha cho đến khi Kha chịu nói. Sau cùng Kha cất lời:
“Ông ngồi chơi. Nhà tôi vì nghĩ đến những kỷ niệm đã qua nên tỏ ý muốn tôi tiếp đãi ông một cách niềm nở và cố nhiên tôi rất vui lòng làm bất cứ việc gì khiến nhà tôi vui lòng.”
Hy đáp:
“Tôi cũng vậy nhất là trong một việc mà tôi cũng có dự phần. Tôi sẽ sẵn lòng ở lại một hai giờ.”
Hy ngồi xuống trước mặt Liên và Liên nhìn Hy không rời mắt; nàng như sợ nếu không nhìn Hy một lúc thì Hy sẽ biến đi mất. Hy thì không ngước mắt nhìn Liên luôn, chỉ thỉnh thoảng nhìn nhanh một cái là đủ, nhưng vẻ nhìn ấy mỗi lúc một phản chiếu rõ ràng cái sung sướng thầm kín từ ánh mắt nàng. Cả hai người đều đắm đuối trong một niềm vui chung nên không ngượng ngập gì cả. Kha thì không thế; chàng tái xanh vì khó chịu và cảm giác ấy lên đến cực điểm khi mà vợ chàng đứng lên, tiến đến gần Hy, cầm lấy hai tay Hy và cười như mê hoảng:
“Ngày mai, em tưởng em nằm mê mất. Em không thể nào tin được rằng lại còn một lần nữa trông thấy anh, cầm lấy tay anh, nói chuyện với anh. Nhưng anh Hy, anh thật tệ ác, anh không đáng được em đón tiếp như thế này. Ba năm đi biệt, không biết sống chết thế nào và không bao giờ nghĩ đến em cả."
Hy thì thầm đáp lại:
“Tôi nghĩ đến Liên nhiều hơn Liên nghĩ đến tôi một chút. Mới gần đây, Liên ạ, tôi được tin Liên lấy chồng. Trong khi tôi đứng đợi ở dưới sân, tôi chỉ nghiền ngẫm có một điều: nhìn qua mặt Liên để nhận lại của Liên một cái nhìn ngạc nhiên lắm và có lẽ vui gượng gạo, rồi thì bỏ đi cho thằng Hạnh một nhát cho xong đời nó, rồi không kịp để pháp luật can thiệp tôi sẽ tự xử cho xong một đời tôi. Được Liên đón tiếp tôi như thế này, những ý tưởng đó vụt biến mất, nhưng cô cũng nên cẩn thận đừng tiếp tôi lần sau với một vẻ mặt khác. Nhưng không, từ nay Liên không đuổi tôi nữa. Liên đã thực tình lo lắng nhiều cho tôi, có phải không? Kể thì tôi cũng có nhiều lo nghĩ thật; từ cái ngày mà tôi không được nghe tiếng của Liên nữa, tôi đã phải tranh đấu vất vả với đời. Liên cần tha lỗi cho tôi vì lẽ tôi tranh đấu như vậy chỉ vì một mình Liên thôi.”
Kha ngắt câu chuyện và cố giữ giọng bình thường vừa đủ lễ độ:
“Nếu em không muốn nước trà nguội hết thì nên lại ngồi vào bàn. Ông Hy còn phải đi đường xa cho dẫu ông ấy ngủ ở nơi nào. Còn anh, anh khát lắm rồi.”
Liên ngồi vào chỗ mình, trước bình trà. Cô Sa vào. Tôi xếp chỗ cho mọi người ngồi xong đi ra. Buổi trà chỉ vào quãng mười phút. Chén của Liên vẫn trống rỗng: nàng chẳng thiết ăn uống gì. Kha thì đánh đổ nước trà ra đĩa, hầu như không nuốt miếng thức ăn nào. Chiều tối hôm ấy Hy không ở rán lại quá một giờ đồng hồ. Khi Hy đi, tôi hỏi có phải chàng đi Diên Mễ Tôn không. Hy đáp:
“Không. Tôi đi Đỉnh Gió Hú. Sáng nay tôi đến thăm ông Hạnh thì ông Hạnh mời tôi trở lại.”
Hạnh mời y đến! Mà Hy lại đến thăm Hạnh! Sau khi Hy đi, tôi nghĩ đến câu Hy nói mà đâm lo. Tôi tự hỏi hay là Hy đã trở nên giả dối và trở về xứ, đeo một cái mặt nạ để mưu mô một chuyện gì xấu xa. Trong thâm tâm tôi có linh tính báo cho biết trước giá Hy không trở lại thì tốt hơn.
Nửa đêm, tôi mới bắt đầu ngủ thì Liên vào phòng, ngồi ở đầu giường và kéo tóc đánh thức tôi dậy. Nàng nói như để xin lỗi tôi:
“Tôi không sao ngủ được, vú Diễn ạ. Và tôi cần có một người ngồi cạnh tôi trong lúc tôi đang sung sướng như thế này. Cậu ấy thì càu nhàu vì thấy tôi vui vẻ về một việc không có liên can gì đến cậu. Cậu ấy không chịu mở miệng mà hễ mở miệng là chỉ để nói những câu gay gắt và vô lý. Cậu ấy bảo tôi ác và ích kỷ cứ bắt cậu ấy nói trong khi cậu đang ốm và buồn ngủ. Hừ, cứ hơi khó chịu một tí là kiếm cách ốm ngay được. Tôi nói vài câu khen Hy thế mà cậu ấy khóc, chẳng hiểu vì rức đầu hay vì ghen ghét. Tôi dậy, bỏ kệ anh chàng đấy.”
Tôi đáp:
“Mợ khen Hy làm gì. Lúc bé, hai người oán ghét nhau, và nếu mợ khen cậu ấy chắc Hy cũng khó chịu như thế. Lòng người ta, ai chả thế. Đừng nói gì về Hy với cậu ấy nếu mợ không muốn hai người sinh sự ra mặt với nhau.”
“Nhưng làm thế tỏ ra mình yếu đuối quá? Tôi, tôi có ghen ghét ai đâu; tôi không bao giờ phiền lòng vì tóc cô Sa vàng óng ánh, nước da cô trắng, vẻ người cô trang nhã, ai ai ở đây cũng thích cô ấy hơn tôi. Cả vú nữa, mỗi lần cô ấy và tôi cãi nhau, vú cũng về hùa với cô ấy; tôi nhún nhường ngay, tôi gọi cô ta là em nhỏ và phỉnh nịnh cho cô ấy vui trở lại. Tôi với Sa ăn ở với nhau thân mật chắc nhà tôi cũng thích mà nhà tôi thích thì tôi cũng vui. Khốn nhưng hai anh em ấy giống nhau lắm: lúc bé được nuông quá thành ra tưởng đời phải chiều mình. Mặc dầu tôi rất dễ tha thứ nhưng cũng phải phạt họ cho họ mở mắt ra.”
“Mợ Kha ạ, mợ lầm. Chính họ rộng lượng đối với mợ. Khi mà họ chỉ chú ý đến việc chiều mợ thì mợ khó tính đến đâu họ cũng bỏ qua được. Nhưng mà sợ về sau xẩy ra chuyện gì mà cả hai bên đều phải gánh chiụ hậu quả thì lúc đó những người mà mợ vẫn coi là hiền lành quá, những người ấy có thể trở nên bướng bỉnh như mợ.”
Liên vội đáp lại:
“Thế là hai bên choảng nhau đến chết, có phải không vú Diễn? Tôi bảo vú nghe, không thể thế được, tôi tin là Kha yêu tôi lắm, giá dụ tôi định tâm giết Kha tôi dám chắc Kha cũng không có ý muốn báo thù tôi.”
Tôi khuyên Liên nên trọng Kha hơn vì Kha quý trọng nàng như vậy. Liên đáp:
“Chính tôi định như thế. Nhưng không phải cứ hễ xẩy ra chuyện cỏn con là khóc làm nũng. Đáng lẽ Kha phải thay tôi bảo Hy bây giờ đáng được mọi người trọng vọng và người cao sang nhất vùng này được làm bạn với Hy phải cho đó là một vinh dự, đáng lẽ phải vì tôi mà vui lây thì Kha lại òa lên khóc như vậy. Kha cần phải quên chuyện cũ mà chính ra Kha phải mang ơn Hy: nếu chịu xét đến những điều khiến Hy phải oán Kha thì Hy cư xử như vậy là biết điều lắm.”
Tôi hỏi:
“Thế còn việc Hy đến thăm Đỉnh Gió-Hú thì mợ nghĩ sao? Chắc Hy đã tu sửa về mọi mặt. Bây giờ Hy trở thành ngoan đạo; Hy đã niềm nở bắt tay hết tất cả kẻ thù của mình.”
“Tôi cũng lấy làm lạ về chỗ ấy, nhưng Hy đã giảng nghĩa. Anh ấy nói đến Gió Hú vì tưởng vú còn ở đó và nhờ vú mà biết được tin tức của tôi. Bác Dọi báo cho anh Hạnh biết. Anh ấy ra hỏi Hy đã làm những gì, sống ra làm sao rồi sau cùng mời vào nhà. Trong nhà có nhiều người đang chơi bài. Hy cũng vào đánh. Anh Hạnh thua ít nhiều và thấy Hy có nhiều tiền mời Hy tối hôm sau lại đến. Hy nhận lời. Anh Hạnh thì vô tư quá không nghĩ đến chuyện chọn bạn chơi, cũng chẳng cần nghĩ đến những lý lẽ phải đề phòng một người mà anh ấy đã làm nhục một cách bất nhẫn. Hy thì quả quyết với tôi rằng sở dĩ giao dịch với kẻ đã làm nhục mình chỉ cốt được ở gần Hoạ Mi Trang, là do sự quyến luyến căn nhà mà chúng tôi đã chung sống. Hy lại còn hy vọng là ở Đỉnh Gió Hú thì tôi sẽ có nhiều dịp đến thăm Hy hơn là nếu Hy ở Diên Mễ Tôn. Hy còn có ý tỏ ra rất hào phóng để được phép ở ngay trại Gió Hú. Anh tôi vẫn ham tiền, nhưng tay này nhận tiền thì tay kia lại phung phí ngay.”
“Nhưng Đỉnh Gió Hú thật là một chỗ ở khá kỳ khôi đối với một người còn trẻ tuổi. Mợ không sợ những ảnh hưởng về sau à, mợ Kha?”
“Tôi không sợ gì cho Hy. Nghị lực của Hy sẽ thắng hết mọi nguy hiểm. Có sợ là sợ cho Hạnh. Nhưng về mặt tinh thần thì anh tôi sa xuống bậc ấy là bậc cùng rồi, còn về sức khỏe thì đã có tôi trông nom, săn sóc. Việc xẩy ra hôm nay đã làm tôi tin ở Trời, tin ở người. Trước kia tôi đã oán giận Trời, muốn chống lại cả Trời. Vú Diễn ạ, tôi đã chịu một lỗi đau khổ thật chua xót. Nếu Kha biết là tôi đã đau khổ đến nhường nào, chắc Kha sẽ hối hận về sự tức tối của mình đã khuấy rối sự nhẹ nhõm, thoát khỏi đau khổ của lòng tôi khi Hy về. Dẫu sao việc đã qua rồi, tôi không muốn thù oán Kha nữa. Bây giờ nếu một kẻ khốn nạn nhất đời có tát tôi một cái tôi không những giơ má bên kia cho họ tát thêm mà lại còn xin lỗi đã khiêu khích họ. Để tỏ rõ lòng tôi như vậy, ngay bây giờ tôi sẽ làm lành với Kha. Thôi vú đi ngủ nhé. Tôi bây giờ ngoan lắm.”
Liên bỏ đi với một tin tưởng lạc quan như vậy. Sự thành công của quyết định ấy rất rõ rệt ngay từ sáng hôm sau. Chẳng những Kha hết mặt ủ mày chau mà chàng lại còn không phản đối việc Liên rủ Sa đi chơi Đỉnh Gió Hú ngay chiều hôm ấy. Chồng Liên trở nên dễ thương, dịu dàng, đầy thân ái, khiến cả nhà biến thành thiên đường trong mấy ngày, chủ và người ở đều chung hưởng thứ ánh nắng không mấy khi rợp ấy.
Hy - từ giờ tôi phải gọi là ông Hy mới đúng - lúc đầu cũng dè dặt trong việc đến thăm Họa Mi Trang. Chàng có vẻ dò xem Kha chịu đựng chàng đến mức độ nào. Liên cũng vậy, nàng thấy cần phải giữ gìn không tỏ lộ vẻ vui sướng khi tiếp Hy. Sự lo lắng của Kha cũng giảm bớt và những việc khác xẩy ra làm cho sự lo lắng của Kha hướng về nẻo khác trong ít lâu.
Sự lo lắng mới và bất ngờ dồn dập đến với Kha: cô Sa đột nhiên đâm ra yêu Hy và yêu mãnh liệt. Hồi ấy Sa là một cô gái dễ thương mới mười tám tuổi. Kha yêu em gái lắm nên lấy làm hốt hoảng về sự yêu thích quái đản đó. Ngoài sự tự hạ mình thông gia với một người vô danh như Hy, ngoài sự lo gia tài có thể lọt vào tay một kẻ như Hy, Kha cũng khôn ngoan để hiểu tâm địa Hy, biết Hy bề ngoài tuy thay đổi, nhưng bề trong không thay đổi gì vì bản tính anh ta không thay đổi được. Kha sợ cái bản tính của Hy và như có linh cảm báo trước, Kha chùn lại trước ý tưởng gả Sa cho Hy (Kha sẽ còn ghê hãi đến đâu về tình yêu của em gái mình nếu chàng biết là Sa yêu Hy, không phải vì Hy tán tỉnh mà người Sa yêu lại chẳng yêu Sa một tí gì). Vì không biết thế nên khi thấy Sa yêu Hy, Kha cho Hy là người có mưu mô định trước, và đổ tội ngay cho chàng này.
Từ ít lâu nay, chúng tôi đều nhận thấy Sa băn khoăn và hay thở dài. Nàng trở nên bẳn tính. Chúng tôi cũng không trách gì Sa vì nàng không được khỏe: nàng yếu đi trông thấy. Một hôm Sa tỏ ra đặc biệt khó tính: nàng chê không ăn sáng, bảo đầy tớ không ai chịu nghe nàng, bảo Liên không cho nàng làm gì trong nhà, Kha thì không ngó ngàng gì đến nàng, nàng bị cảm vì không ai đóng cửa ngõ... Liên nói giọng quả quyết bắt Sa đi nằm và sau khi cự em chồng kịch liệt, nàng dọa cho người đi mời đốc-tờ. Nghe nói đến bác sĩ, Sa kêu lên ngay rằng sức khỏe nàng tốt lắm, chỉ vì sự nghiệt ngã của Liên làm nàng đau khổ. Liên lấy làm kinh ngạc về sự vu khống đó, cũng kêu lên:
“Vì cớ gì cô lại bảo tôi khắc nghiệt với cô. Cô nghĩ quẩn rồi. Tôi khắc nghiệt với cô hồi nào, nói thử tôi biết.”
Sa rên rỉ:
“Hôm qua và bây giờ.”
“Hôm qua! Về chuyện gì?”
“Trong lúc đi chơi ở rừng cỏ: chị bảo tôi muốn đi đâu thì đi, còn chị ngao du với Hy.”
Liên cất tiếng cười:
“Thế mà cô bảo là nghiệt ngã à? Tôi không có ý gì nói bóng gió là cô đi như thế quấy rầy chúng tôi. Cô cùng đi hay không, chúng tôi không để ý mảy may. Tôi chỉ tưởng rằng câu chuyện của Hy không có gì lý thú đối với cô.”
Sa vừa khóc vừa nói:
“Đâu có phải thế! Chị bảo tôi đi chính vì chị biết là tôi thích ở lại.”
“Này cô Sa, để tôi nhắc lại từng tiếng một câu chuyện chúng tôi nói, rồi cô chỉ cho tôi biết những chỗ nào có thể làm cho cô vui thích.”
“Tôi không cần gì câu chuyện. Tôi muốn đi với...”
Thấy Sa ngập nhừng không nói hết câu, Liên nói:
“Cái gì cơ?”
Sa nói tiếp:
“Đi với anh ấy. Tôi không muốn lúc nào cũng bị đuổi ra rìa. Chị như một con mèo giữ đĩa cá, chị, chị chỉ muốn một mình mình được yêu.”
Liên kinh ngạc kêu to:
“Đừng hỗn, khỉ tàu ơi! Tôi không thể tưởng tượng lại có sự ngu ngốc như vậy. Không thể tưởng tượng rằng cô lại coi Hy như một người dễ thương! Tôi mong rằng tôi vừa nghe lầm...”
“Không, chị không nghe lầm.
Sa trả lời như vậy và để mặc nỗi lòng bộc lộ:
“Tôi yêu Hy, yêu hơn cả chị yêu anh Kha. Hy cũng có thể yêu lại tôi nếu chị không cản trở.”
Liên tuyên bố một cách trịnh trọng, nhưng có vẻ thành thực:
“Nếu vậy thì các vàng tôi cũng không muốn đặt tôi vào địa vị cô. Vú Diễn, vú giúp tôi để cô ấy hiểu. Chỉ cho cô ấy rõ Hy là người thế nào: một kẻ mọi rợ, không ý tứ, không học thức. Thà tôi để cho con hoàng yến kia ra ngoài rừng một ngày mùa đông còn hơn là khuyên cô trao thân gửi thịt cho Hy. Chỉ vì rất đáng tiếc là cô không biết tí gì về tính nết của Hy nên cái mơ mộng ấy mới nẩy ra được trong đầu óc cô. Tôi van cô, xin cô đừng tưởng dưới cái bề ngoài lầm lỳ ấy có ẩn một tấm lòng vàng đầy tử tế và thương yêu. Không phải là viên đá kim cương chưa mài rũa đâu… Không phải một con trai có ngọc đâu, đấy là một người độc ác, bất nhẫn, một thứ lang sói. Tôi, tôi không bao giờ bảo Hy: ‘Anh nên để yên kẻ thù này vì làm thế là độc ác.’ Tôi chỉ nói: ‘Anh để kẻ ấy yên vì nếu anh làm hại kẻ ấy thì tôi không vui lòng chút nào.’ Hy sẽ đè bẹp cô như một cái trứng chim sẻ, nếu anh ta thấy cô là một gánh nặng quấy rầy. Tôi biết là Hy không yêu được một cô gái dòng dõi họ Tôn nhưng anh ta rất có thể lấy cô để lấy của riêng của cô, phần gia tài của cô sau này: cái tệ hại nhất của anh ta là tính hà tiện. Đấy Hy như thế đấy. Tôi là bạn anh ta... bạn đến nỗi, nếu anh ta quả tình muốn chiếm đoạt cô tôi rất có thể không nói gì cả để cô rơi vào cạm bẫy anh ta.”
Sa nhìn chị dâu bất bình lộn ruột:
“Nhục nhã chưa! Nhục nhã chưa! Một người bạn có nọc độc như chị, tệ hơn cả hai mươi kẻ thù!”
“À, cô không muốn tin tôi à? Cô tưởng tôi nói thế là vì lòng ích kỷ đê hèn à?”
“Tôi chắc vậy, tôi ghê tởm chị lắm rồi.”
“Được, nếu cô muốn, cô cứ thử xem. Tôi nói thế là đủ.”
Liên ra khỏi phòng. Sa thổn thức nói:
“Ai ai cũng ghét tôi. Chị ấy lại bóp nát sự an ủi độc nhất của tôi. Nhưng những lời chị ấy nói đều sai cả, có phải không, vú Diễn? Hy không phải là một thằng quỷ. Hy có tâm hồn thẳng thắn và lương thiện. Nếu không, sao Hy lại còn nhớ đến chị Kha?”
Tôi nói:
“Thôi cô đừng nghĩ đến ông Hy nữa. Mợ Kha tuy nói có khắt khe thật, nhưng tôi không thấy có chỗ nào bắt bẻ được. Mợ tôi biết tâm địa của Hy hơn cả tôi, hơn cả mọi người khác. Những người lương thiện có ai dấu diếm hành động của mình đâu. Hy đã từng ra làm sao? Ông ta bỗng giầu có bằng cách nào? Tại sao ông ta lại ở Gió-Hú, nhà một người mà mình ghét. Ông Hạnh thì từ khi Hy đến càng tệ nữa. Ông cầm đất cho Hy để đánh bạc, uống rượu. Mới tuần lễ trước tôi gặp bác Dọi ở Diên-Mễ-Tôn. Bác nói: ‘Khi mặt trời lặn thì hai người dậy, thế rồi đánh bạc, uống rượu mạnh, cửa đóng kín bưng chỉ dùng đến trưa hôm sau. Thế rồi ông Hạnh về buồng như người điên kêu la nguyền rủa, người lương thiện nghe thấy đều phải bịt tai vì ngượng, còn anh chàng sỏ lá Hy biết dè sẻn tiền, biết lo ăn ngủ.’ Cô Sa ạ, bác Dọi tuy lẩn thẩn nhưng không nói dối, nếu những lời bác ta nói về Hy là đúng thì tôi nghĩ chẳng đời nào cô muốn có môt người chồng như thế.”
Sa đáp:
“Vú cũng về hùa với những người khác. Tôi không muốn nghe những lời nói xấu của vú nữa. Sao vú lại xấu bụng muốn cho tôi tin rằng ở trên đời này không ở đâu có hạnh phúc.”
Ngày hôm sau, Kha có việc đi vắng. Hy hay tin ấy nên đến sớm hơn mọi lần. Liên với Sa ngồi trong phòng đọc sách, không ai nói với ai mặc dù đương giận nhau. Sa hơi lo về sự rồ dại hôm trước của mình đã bộc lộ cái tình cảm thầm kín của mình ra trong một lúc bồng bột nhất thời. Nàng ngồi không động đậy cho đến khi cửa mở: nếu kịp thì nàng đã chạy trốn nhưng chậm quá rồi.
Liên vừa đặt một chiếc ghế gần lửa, vừa vui vẻ kêu lên:
“Anh Hy, anh vào đây, may quá. Ở đây có hai người đương rất cần đến một người thứ ba để làm tan oán giận giữa họ, mà anh lại chính là người mà cả hai chúng tôi đều muốn chọn. Anh Hy, tôi lấy làm hân hạnh giới thiệu với anh một người cảm anh, say mê anh hơn cả tôi nữa. Tôi chắc anh phải nở mũi. Không, không phải vú Diễn đâu, anh đừng nhìn vú ấy. Cô em chồng bé nhỏ đáng thương hại của tôi đương nát tim nát ruột vì dáng người đẹp, vì tâm hồn đẹp của anh đấy.”
Liên vờ vĩnh vui vẻ nắm lấy Sa vì thấy Sa đứng dậy vẻ đầy uất khí:
“Không được, không được. Cô Sa, cô không chạy đi đâu được. Anh Hy ạ, hai chúng tôi đang cãi nhau như chó với mèo về anh. Cô ấy bảo tôi rằng nếu tôi biết điều lánh xa ra thì cô tiên đẹp đẽ của tôi - cô ấy tự cho mình như vậy - sẽ bắn một mũi tên vào tim anh để giữ anh muôn đời, còn hình ảnh tôi thì sẽ bị lu mờ vĩnh viễn.”
“Chị Kha! Tôi xin chị đừng nói ra ngoài sự thực và đừng nói xấu tôi, cho dẫu là nói đùa đi nữa. Ông Hy, xin ông làm ơn bảo cô bạn ông buông tha tôi. Chị ấy quên bẵng rằng tôi với ông không phải là những người quen thân, những trò ấy làm chị vui còn đối với tôi khó chịu tột bực.”
Thấy Hy không trả lời gì, ngồi xuống ghế và có vẻ hoàn toàn không lưu ý đến tâm tình của mình, Sa quay lại và nói thì thào yêu cầu Liên buông tha mình ra. Liên kêu lên:
“Không đời nào! Tôi không muốn người ta bảo tôi là con mèo giữ đĩa cá! Cô phải ở lại. Nào bây giờ, anh Hy, tại sao anh không tỏ gì khoan khoái về những điều đáng mừng ấy? Cô ấy bảo rằng tình anh Kha yêu tôi không thấm vào đâu với tình cô ấy yêu anh. Tôi chắc cô ấy đã nói một câu tương tự như thế, có phải không vú Diễn? Từ cuộc đi chơi hôm kia đến giờ, cô ấy nhịn ăn vì hờn uất tôi đã bảo cô ấy đi chỗ khác chơi, mà tôi bảo cô đi là tưởng sự có mặt của anh đối với cô ấy không lý thú gì.”
Hy quay lại đối diện cả hai người rồi nói:
“Tôi tin là Liên đã gây cho cô ấy những ý tưởng mà cô ấy không hề có. Bây giờ thì cô ấy tìm hết nước để không nhìn mặt tôi.”
Hy chằm chằm nhìn Sa như người ta xem xét một vật lạ và ghê tởm, tỷ dụ như một con rết ở xứ Ấn Độ, mặc dầu ghê tởm nhưng vẫn phải xem xét vì tính tò mò. Sa không sao chịu nổi cách nhìn ấy. Mặt nàng hết tái lại đỏ bừng và trong khi nước mắt đọng giọt trên mi, nàng cố vận dụng sức mạnh của những ngón tay mảnh rẻ để thoát khỏi sự kìm giữ của Liên. Nhưng vừa nhắc được ngón này thì một ngón khác lại bám lấy; thấy không sao cùng một lúc gỡ được hết các ngón tay, Sa đâm ra phải dùng đến móng tay và chẳng mấy lúc mu bàn tay Liên hằn lên những vành tròn đỏ.
Liên buông người Sa ra, rũ bàn tay đau và kêu lớn:
“Con hổ cái! Cút ngay đi. Anh Hy, nhìn đây này: đấy khí cụ hành hạ người ta đấy...anh phải đề phòng hai con mắt.
Khi cửa đóng lại rồi, Hy trả lời một cách hung bạo:
“Nếu những ngón tay ấy chạm vào tôi, tôi sẽ tuốt chúng rời khỏi ngón. Nhưng này Liên, Liên trêu chọc cô ả ấy làm gì thế. Có phải Liên đã nói sai sự thật không?”
“Tôi cam đoan là nói đúng sự thực. Đã mấy tuần nay, cô ả ốm tương tư anh. Ngay sáng nay cô ấy cũng còn nói mê nói sảng về anh và chửi rủa tôi thậm tệ về việc tôi đã nói rõ cho cô ả biết những tính xấu của anh để cô bớt mê anh đi. Nhưng thôi anh đừng để ý nữa, tôi chỉ cốt phạt nó hỗn sược; thế thôi. Tôi còn yêu cô ả không nỡ để anh tóm lấy miếng mồi đó mà nhai ngấu nghiến.
“Tôi không thích gì lắm nên cũng không muốn thử, hoặc có... thì chỉ nuốt chửng một cái cho xong chuyện đi.”
Sau một lúc yên lặng, Hy hỏi:
“Khi Kha chết thì cô ả là người sẽ hưởng gia tài, có phải thế không?”
“Nếu thế thì cũng khá buồn. Nhờ trời sẽ có một nửa tá cháu gạt cô ta ra ngoài địa vị ấy. Thôi bây giờ xin anh đừng nói đến chuyện ấy. Anh, anh hay có tính xàm xỡ của cải người khác. Anh nên nhớ của cải người khác đây là của tôi.”
“Nếu là của anh thì khác gì là của em. Nhưng như em đã khuyên, ta hãy gác chuyện ấy đi.”
Quả nhiên, cả hai đều không nói đến chuyện ấy nữa. Liên thì như gác hẳn ra ngoài ý nghĩ, nhưng Hy, tôi chắc thế, vẫn nghĩ đến. Mỗi lần Liên có việc gì ra khỏi phòng, thì tôi thấy chàng mỉm cười một mình - nói nhăn mặt thì đúng hơn - rồi, điều này mới đáng sợ, chàng ngồi thừ ra nghĩ ngợi mơ màng. Tôi quyết tâm dò xét những cử chỉ của Hy. Lòng tôi bao giờ cũng về phe Kha hơn là về phe Liên. Tôi lại cho là mình có lý vì Kha bụng dạ tốt, trung hậu, đáng kính...còn Liên không thể bảo được rằng nàng trái hẳn thế, nhưng nàng quá ư tự nhiên nên tôi không mấy dám tin về những nguyên tắc của Liên, lại càng không có thiện cảm gì với tính nết của nàng. Tôi mong uớc có việc gì xẩy đến làm cho Hy rời khỏi Đỉnh Gió-Hú và Họa-Mi Trang một cách yên ổn, để cho mọi người lại sống lại như khi Hy chưa trở về. Sự có mặt của chàng là cơn ác mộng đối với tôi và tôi đoán với ông chủ của tôi cũng vậy.
Chương XI
Thỉnh thoảng, ngồi một mình, nghĩ về những chuyện trên kia, tôi đứng dậy, tự nhiên hoảng sợ và đội mũ định đi Đỉnh Gió Hú xem có chuyện gì không. Nhưng nghĩ đến những thói xấu kinh niên của Hạnh, thấy vô hy vọng giúp ích được chàng, không chắc gì làm Hạnh tin lời nói xuông của tôi, tôi lại thôi, không bước vào cái nhà sầu não ấy.
Một buổi trưa, trời trong và lạnh buốt, mặt đất trơ trụi và đường khô cứng, tôi đến một cái mốc bằng đá có ghi những chữ Đ.G.H, D.M.T và H.M.T. Đấy là cột chỉ đường đi về Đỉnh Gió Hú, về phía làng, và về Họa Mi Trang. Ánh mặt trời nhuộm vàng cái đầu cột xám khiến tôi nhớ đến mùa hè. Tôi không biết diễn tả thế nào khi đột nhiên một luồng cảm giác thuộc thời thơ ấu ùa vào trong tim: Hai mươi năm trước, Hạnh và tôi thích chỗ này lắm. Tôi nhìn lâu vào hòn đá lâu ngày đã mòn đi; khi tôi cúi xuống, ở gần chân hòn đá có một lỗ hổng mà chúng tôi đã nghịch xếp vào những vỏ hến và đá cuội. Hình ảnh của người bạn chơi thủa nhỏ với tôi hiện ra rõ nét như thực, đương ngồi trên cỏ héo, cái đầu vuông, mái tóc đen, nghiêng về phía trước và bàn tay nhỏ bé đương cầm một viên gạch đá đen đào đất. Tôi thốt kêu lên: “Tội nghiệp cậu Hạnh” và rùng người: trong một lúc mắt tôi có cảm tưởng như thấy đứa bé ngửng đầu lên và nhìn thẳng vào mặt tôi. Ảo ảnh ấy tan đi trong nháy mắt, nhưng tôi cảm thấy một ý muốn đi Đỉnh Gió Hú không sao ngăn cản được. Tính dị đoan giục tôi đi ngay: ngộ cậu ấy chết? Hay cậu ấy sắp chết? Tôi nghĩ thế. Sự hiện hình lúc nẫy biết đâu không là điềm báo tin chết chóc. Càng đến gần trại tôi càng bối rối. Đến khi nom thấy nhà, tôi run lẩy bẩy tay chân. Sự hiện hình như đã đến trước tôi, đứng nhìn tôi qua cổng. Đấy là tôi nghĩ tới ngay như thế khi thấy một đứa bé, tóc rối, mắt đen, đương áp bộ mặt tươi mát của nó vào chấn song. Nhưng giây lát sau, tôi nhận ngay đó là Yên Hạ, bé Hạ của tôi, không thay đổi mấy từ khi tôi phải rời nó mười tháng trước.
Tôi quên ngay mối sợ hãi vô lý của mình và kêu lên:
“Trời ban phúc cho chú, chú Hạ yêu quý của vú. Chú Hạ ơi, đây là Diễn, vú nuôi của chú đây này.”
Nó lùi ra khỏi tầm tay tôi và nhặt một hòn đá cuội lớn.
“Chú Hạ, tôi đến thăm ba chú đây mà.”
Trông dáng điệu của bé Hạ, tôi đoán nếu nó có còn nhớ tới một người gọi là vú Diễn đi nữa, chắc nó cũng không nhận ra tôi là người đó. Nó giơ hòn sỏi lên để ném; tôi bắt đầu dỗ ngọt nhưng vẫn không ngăn được bàn tay nó. Hòn sỏi đập vào mũ tôi. Rồi nó lắp bắp một tràng những tiếng chửi rủa mà tôi không biết nó có hiểu ý nghĩa không, nhưng nói với một giọng quả quyết như quen miệng lắm và khiến gương mặt còn non trẻ của nó có vẻ độc ác trông đến khiếp. Chắc ông rõ tôi buồn hơn là tức. Sắp phát khóc, tôi lấy trong túi ra một quả cam cho Hạ để làm thân. Nó ngập ngừng rồi giựt mạnh ở tay tôi như sợ tôi chỉ định nhử và đánh lừa nó. Tôi bèn đưa Hạ coi một quả khác nhưng cầm xa tầm tay nó. Tôi hỏi:
“Ai đã dậy chú những câu tục tĩu ấy. Ông mục sư phải không?”
Hạ đáp:
“Quỷ tha ma bắt cái ông mục sư và cả bà nữa. Đưa quả cam kia đây.”
“Chú hãy nói chú học ở đâu thì chú sẽ có quả cam này. Ai dậy chú học?”
“Ông cụ via!”
“Ông cụ via? À, ba chú. Thế ba cháu dậy chú những gì nào?”
“Không dậy gì cả. Chỉ bảo tôi lánh xa ông cụ ra. Ông cụ không thích tôi chửi rủa ông cụ.”
“À, thế ra quỷ nhà trời dậy chú rủa ba?”
Nó càu nhàu:
“Ừ, không.”
“Thế ai?”
“Ông Hy.
Tôi hỏi nó xem nó có yêu ông Hy không. Nó đáp:
“Có.”
Muốn biết tại sao khiến bé Hạ yêu Hy, tôi hỏi nó nhưng chỉ được trả lời:
“Tôi không biết. Hễ cụ via làm gì thì tôi chỉ ông Hy cãi lại trả miếng cụ via như hệt thế... ba rủa tôi thì ông Hy rủa ba... ông Hy bảo phải để tôi tự nhiên muốn làm gì thì làm.
“Thế ông mục sư không dậy chú đọc, viết à?”
“Không, nguời ta đã bảo nếu lão mục sư bước vào nhà này thì bao nhiêu răng sẽ bị đấm thụt vào cổ họng... ông Hy đã nói như thế.”
Tôi đặt quả cam vào tay nó và bảo nó đi gọi bố. Nhưng đáng lẽ là Hạnh thì Hy lại hiện ra ở cửa. Thế là tôi quay phắt người lại chạy hết sức nhanh về đây, không ngừng lại cho đến chỗ cái mốc đá, hoảng hốt như là đã vừa gặp ma thật. Chuyện đó chẳng dính dáng gì đến vụ cô Sa, nhưng nó thôi thúc tôi quyết tâm đề phòng không để những ảnh hưởng xấu lan đến Họa Mi Trang, cho dẫu tôi phải đối đầu dữ dội với cô chủ tôi.
Lần sau Hy trở lại thì Sa đang đứng cho chim bồ câu ăn. Hy không có thói quen chào hỏi một câu gì lễ độ với Sa, trừ khi nào cần lắm. Lần này khi Hy vừa thấy Sa là chàng đưa mắt ngay quan sát khắp mặt tiền ngôi nhà. Tôi đứng gần cửa bếp nhưng lùi vào ngay để Hy khỏi nom thấy. Anh chàng đi qua sân gạch, đến gần Sa và nói với nàng câu gì. Sa hình như luống cuống, có vẻ muốn bỏ đi; Hy đặt bàn tay lên cánh tay nàng để ngăn lại. Sa quay mặt đi, chắc Hy lại nói thêm một câu nữa, nhưng Sa không muốn trả lời. Chàng ta lại nhìn nhanh lên nhà và tưởng không ai trông thấy, anh chàng đểu cáng ấy trơ tráo ôm ghì lấy Sa.
Tôi kêu rầm lên:
“Trời ơi, phản phúc! Cậu Hy lại giả dối nữa, có phải không? Một người chỉ quyết lợi dụng thôi.”
“Cái gì thế vú Diễn?”
Tiếng Liên ở ngay cạnh tôi hỏi vậy. Tôi nóng nẩy đáp:
“Cái người bạn vô liêm sỉ của mợ đấy. Cái anh chàng sỏ lá ở dưới kia...à, anh chàng đã nom thấy chúng mình... anh chàng đến kìa. Tôi tự hỏi không biết anh chàng còn tâm địa nào để chống đỡ cái việc tán tỉnh cô Sa sau khi đã nói với mợ là anh chàng ghét cô Sa.”
Liên thấy Sa gỡ người ra và chạy lẩn vào vườn; một phút sau, Hy mở cửa. Tôi không ngăn nổi tỏ ý bất bình, nhưng Liên bảo tôi câm miệng và dọa đuổi tôi ra khỏi bếp nếu tôi cứ dám nghênh ngang xía mõm vào. Liên nói:
“Nghe vú nói, người ta tưởng vú là chủ nhà này. Còn anh Hy, tôi đã bảo anh để yên cô Sa. Tôi xin anh nghe tôi, chỉ trừ nếu anh muốn người ta không tiếp anh ở đây và Kha sẽ cấm cửa anh.”
Cái anh chàng sỏ lá mà quả thật lúc đó tôi ghét cay ghét đắng trả lời luôn:
“Trời phù hộ ông ta đừng làm thế. Nhờ Trời ông ta vẫn hiền lành, nhẫn nhục. Mỗi ngày tôi lại càng có ý muốn tống ông ta về chầu trời.”
Liên đóng cửa bếp lại:
“Suỵt, tại sao anh không nghe lời yêu cầu của tôi? Hay là Sa đã cố ý làm như vậy.”
Hy càu nhàu:
“Việc gì đến cô? Tôi có quyền hôn Sa nếu tôi thích thế, còn cô, cô không có quyền gì cấm đoán. Tôi không phải là chồng cô, không việc gì cô phải ghen.”
“Tôi không ghen anh, tôi ghen hộ anh. Thôi, anh vui lên một tí nào, tôi không muốn anh có một vẻ mặt cau có như thế. Nếu anh thích Sa thì anh lấy Sa. Nhưng anh có thích Sa không? Anh nói rõ sự thực cho tôi biết, anh Hy. à, anh không muốn trả lời. Tôi chắc là anh không thích gì Sa.”
Tôi hỏi:
“Thế còn cậu Kha tôi, cậu có tán thành không đã.”
Liên đáp giọng quả quyết:
“Cậu Kha phải tán thành.”
Hy nói:
“Ông Kha khỏi phải tán thành; tôi cũng cóc cần sự tán thành của ông ta. Còn như cô, cô Liên, nhân tiện tôi có vài câu nói với cô. Tôi muốn cô đừng quên điều này: tôi biết là cô đã đối đãi với tôi một cách tàn nhẫn...tàn nhẫn! Cô nghe thấy chưa? Nếu cô cứ tự lừa cô cho rằng tôi không nhận thấy điều đó thì cô thực là ngu, và nếu cô tưởng một vài lời nói đường mật có thể làm tôi khuây khỏa thì cô thực là ngốc; và nếu cô cho là tôi chịu đau khổ mà không trả thù thì chẳng bao lâu nữa tôi sẽ cho cô biết là trái lại thế! Trong lúc đợi, tôi cảm ơn cô đã ngỏ cho tôi biết tình yêu bí mật của Sa: tôi thề với cô là tôi sẽ lợi dụng hết sức. Còn cô, cô đừng dính vào!”
Liên kinh ngạc kêu lên:
“Anh lại định giở trò gì ra thế? Tôi đối đãi với anh tàn nhẫn... và anh muốn báo thù. Anh định báo thù tôi cách nào, đồ vũ phu bội bạc kia! Tôi đã xử tàn nhẫn anh ở chỗ nào?”
Hy trả lời, giọng bớt hung dữ:
“Tôi không tìm cách báo thù cô. Không phải ý tôi định vậy. Kẻ bạo chúa áp bức kẻ nô lệ nhưng kẻ nô lệ không phản lại bạo chúa, kẻ nô lệ lại đi dầy xéo những kẻ ở dưới chân mình. Cô có thể dầy vò tôi suốt đời, lấy đó làm một trò vui, nhưng xin cô cho phép tôi cũng đùa rỡn như cô; cô nên hết sức giữ gìn đừng chửi mắng tôi. Sau khi cô, cô đã phá cả cái lâu đài của tôi, cô đừng dựng thay vào đấy một cái lều con rồi đem cái lều ấy cho tôi ở, để cô có thể tự hào là người phúc đức. Nếu tôi tưởng cô thực tình muốn tôi lấy Sa thì tôi sẽ cắt cổ tôi cho xong đời.”
Liên kêu lên:
“A, ra chỉ vì tại tôi không ghen tuông, có phải không? Anh chỉ việc làm đau khổ người khác làm thú vui của mình. Anh đã tỏ rõ điều ấy rồi. Chồng tôi bây giờ đã hết khó chịu như hồi anh mới tới, tôi cũng bắt đầu thấy mình yên tâm, yên ổn và anh, anh thấy chúng tôi yên lành, anh không chịu được, anh muốn gây một chuyện bất hòa. Nếu anh thích, anh cứ cãi nhau với Kha và lừa dối em gái Kha: đấy là cách hiệu nghiệm nhất anh đã tìm ta để báo thù tôi.”
Câu chuyện ngừng bặt. Liên ngồi gần lửa, cáu giận và mặt tối xầm. Hy đứng ở trước lò sưởi, khoanh tay, đang nghiền ngẫm những ý tưởng xấu xa. Tôi để mặc họ như thế và đi lên tìm Kha.
Lúc tôi vào Kha hỏi tôi:
“Vú Diễn có thấy nhà tôi đâu không?”
“Thưa cậu, có, mợ ở dưới bếp. Mợ đương giẫy nẩy lên vì cử chỉ của ông Hy...
Rồi tôi thuật lại cái cảnh xẩy ra ở dưới sân và cuộc cãi nhau. Tôi tưởng tôi không làm gì hại đến Liên miễn là Liên sau này không tự gieo tội vào mình và lên tiếng bênh Hy. Kha không muốn nghe tôi nói hết, câu đầu tiên Kha nói tỏ ra rằng chàng cũng oán luôn cả vợ:
“Chịu thế nào được. Nhận một đứa như vậy là bạn rồi bắt tôi giao dịch với nó. Vú bảo hai người nhà lên đây. Tôi không muốn cho Liên cứ còn đứng lại bàn cãi với thằng sỏ lá ấy.”
Kha xuống, ra lệnh cho đầy tớ đứng ở ngách, rồi đi vào trong bếp. Tôi cũng theo sau: Liên đang mắng rầm rĩ hơn, Hy thì tựa ở cửa sổ, đầu cúi xuống. Chính Hy là người trông thấy ông chủ tôi trước. Chàng ra hiệu nhanh cho Liên im tiếng.
Kha quay về phía vợ:
“Cái gì thế này? Mợ không còn biết thế nào là sỉ nhục cứ đứng với một người dám nói mợ những câu như thế.”
“Anh Kha, anh đã đứng nghe trộm ở cửa có phải không?”
Liên hỏi bằng một giọng đặc biệt, cố ý trêu tức chồng, một giọng nói vừa ngụ ý thản nhiên vừa tỏ rõ không thèm để ý đến sự giận dỗi của chồng.
Trong khi Kha nói thì Hy vẫn ngửa mặt nhìn Kha, đến lúc Liên trả lời thì Hy cười gằn như cố ý làm Kha chú ý đến mình. Hy thành công, nhưng Kha quỷ quyệt không tỏ ra với Hy nỗi giận dữ của mình. Kha thản nhiên nói:
“Cho đến nay, tôi rất khoan dung đối với ông. Không phải vì tôi không biết ông có một tính tình đáng khinh rẻ, đê hèn nhưng chỉ vì tôi biết những cái đó không phải hoàn toàn lỗi ở ông. Khi nhà tôi muốn tiếp tục giao dịch với ông, tôi nhận ngay...một cách dại dột. Sự có mặt của ông ở đây đã đầu độc tinh thần cho cả những người đức độ nhất. Vì thế, để ngăn cản những việc xẩy ra nguy kịch hơn, tôi cấm cửa không để ông vào nhà này và tôi xin báo ông rằng tôi muốn ông đi ngay. Bằng không, ba phút nữa ông sẽ phải đi một cách miễn cưỡng và nhục nhã.”
Hy nhìn chiều cao và dáng vóc của Kha một cách đầy chế nhạo:
“Liên à, con cừu non của cô bây giờ lại dọa nạt như con bò mộng. Tôi sợ ông ta sẽ bể sọ vì những quả đấm của tôi. Phiền quá, ông Kha ạ, tôi lấy làm buồn nản mà báo cho ông biết rằng thực ông không đáng được người ta quẳng ông xuống đất.”
Kha nhìn về phía ngách, ra hiệu cho tôi tìm lũ đầy tớ. Kha không muốn tự mình tỷ thí với Hy. Tôi đi về phía ông chỉ, nhưng Liên, hơi nghi ngờ, đi theo sau. Lúc tôi định gọi đầy tớ thì Liên ẩy tôi ra, kéo mạnh cửa và xoay chìa khóa lại.
Liên nói ngay để đáp lại cái nhìn tức tối của chồng:
“Làm gì thế! Nếu anh không có can đảm đánh Hy thì một là xin lỗi người ta, hai là nhận mình chịu thua. Như vậy từ nay anh bớt cái thói hay khoe mình có nhiều can đảm hơn mình có. Không, nếu anh định cướp lấy cái chìa khóa này thì tôi sẽ nuốt chửng nó ngay. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ cho một người có bản tính yếu đuối và một người có bản tính xấu xa, tôi được hai người thưởng bằng một sự vô ơn, bội bạc, mù quáng, ngu dốt đến không tưởng tượng được. Anh Kha, tôi đương bên vực anh, anh và cả nhà anh, thế mà anh dám ngờ tôi xấu bụng. Thực tôi muốn Hy lúc này đấm anh nhừ tử!”
Kha định giằng lấy chìa khóa nhưng Liên muốn chắc ăn ném ngay chìa khóa và giữa đám lửa. Thấy vậy, Kha run lẩy bẩy cả người và mặt tái xanh như sắp ngất đi. Kha vịn vào thành một chiếc ghế, lấy tay che mặt. Liên kêu lên:
“Trời đất ơi, ngày xưa người ta đã phong anh là một tráng sĩ. Chúng ta thua rồi. Chúng ta thua rồi. Hy cũng không bao giờ giơ một ngón tay để trị anh, cũng như vua không bao giờ ra lệnh cho quân sĩ mình tiêu diệt một đàn chuột nhắt... Can đảm lên, anh Kha! Không ai làm hại đâu. Anh không phải là một cừu non, anh chỉ là một con thỏ con đương bú sữa mẹ.”
Hy nói:
“Tôi mong cô sống vui vẻ với anh chàng nhát này, anh chàng không có máu mà chỉ toàn sữa trong người. Tôi khen cô đã biết chọn người. Đấy, con người run sợ, phun cả bọt mép thế này mà cô đã thích hơn tôi! Tôi không muốn thọi y một quả đấm nhưng nếu được lấy chân đạp y một cái chắc cũng được hưởng một sự khoan khoái lớn. Anh chàng sẽ khóc? Hay là sẽ ngất đi vì sợ?”
Hy đến gần và hất mạnh một cái vào thành ghế Kha ngồi. Giá Hy đứng xa thì hơn: Kha bất thình lình nhẩy lùi một cái và thoi vào cổ họng Hy một quả đấm có thể đánh ngã một người nhẹ cân hơn. Trong một phút Hy thở hổn hển. Kha nhân lúc Hy còn nghẹn cổ liền do cửa sau đi ra sân và từ đó trở lại phía cửa trước.
Liên nói:
“Thế là từ đây anh hết đường đi lại. Bây giờ anh đi đi. Nhà tôi sẽ quay lại với súng và người tiếp viện. Nếu mà Kha đã nghe lọt câu chuyện chúng ta nói lúc nẫy thì nhất định không bao giờ Kha tha thứ. Anh đã cho anh ấy một vố đau, anh Hy ạ. Thôi đi đi... đi mau. Tôi không muốn anh bị dồn vào cạm bẫy của Kha.”
Hy nói oang oang:
“Cô tưởng tôi đi ngay khi bị một người đấm rát cổ? Không, không! Trước khi tôi ra khỏi nhà này tôi phải đè bẹp xương sườn nó như đè bẹp một hạt dẻ mục. Không để tôi đập cho nó một trận thì lần khác tôi sẽ giết nó. Vì vậy nếu cô còn quí mạng sống của nó, cô nên để tôi đuổi theo nó.”
Tôi ngắt lời Hy và bịa ra một câu nói dối:
“Cậu ấy không trở lại đây đâu. Kia kìa, bác nuôi ngựa và hai người làm vườn, mỗi người một cây gậy và ông chủ đương rình ở cửa sổ xem tụi kia có làm theo lệnh mình không.”
Những người làm vườn và anh bồi ngựa có ở đấy thật, nhưng Kha cũng đứng với họ. Cả bọn rẽ vào sân. Hy, nghĩ lại, quyết định tránh đánh nhau với bọn tôi tớ. Chàng ta cầm lấy thanh sắt cời than nậy bật khóa cửa trong rồi bỏ đi trong lúc bọn kia vào.
Liên bảo tôi theo lên gác. Nàng gieo mình xuống chiếc ghế nệm dài:
“Vú ạ, tôi gần muốn điên. Đầu tôi như búa bổ. Vú bảo cô Sa lánh mặt đi. Bao nhiêu chuyện đều do cô ấy cả. Nếu cô ấy hay nguời nào khác đến làm tôi tức thêm thì tôi sẽ hóa dại mất. Rồi tối nay vú gặp cậu vú nói là tôi có cơ bị ốm nặng. Mà tôi mong tôi bị ốm thật. Cậu ấy làm tôi sợ hãi và đau khổ hết sức. Tôi muốn làm vậy cho cậu ấy hoảng. Ngoài ra, cậu ấy đến lại giở một tràng chửi rủa, phàn nàn; tôi, tôi chắc cãi lại quá. Có trời biết câu chuyện sẽ đi đến đâu. Vú Diễn, vú có làm thế không? Vú biết tôi không có điều gi đáng trách trong vụ này. Cái gì xui cậu ấy đâm ra nghe trộm. Chuyện Hy nói, sau khi vú đi khỏi, có vẻ xúc phạm thật, nhưng tôi có thể làm cho cô Sa xa hẳn Hy ra, còn những chuyện khác có kể làm chi. Bây giờ cái gì cũng hỏng hết chỉ vì muốn nghe trộm người ta nói xấu mình. Nếu cậu không nghe trộm chuyện chúng tôi nói thì chắc cậu cũng chẳng đến nỗi tệ thế. Thực tình khi nghe cậu ấy nói với tôi bằng một cái giọng bực mình, quá ư vô lý, sau khi tôi đã vì chồng mắng Hy đến khản cả cổ, tôi chẳng thèm để ý đến hai người sẽ làm gì nhau nữa. Trước hết tôi chỉ cảm thấy ngay là câu chuyện cãi cọ dù xoay chiều nào thì xoay, chúng tôi phải tan rã, mà có trời biết tan rã trong bao lâu! Được, nếu tôi không còn giữ được tình bạn của Hy...nếu Kha còn ti tiện và ghen tuông quá, tôi sẽ cố làm cho tim của hai người tan nát bằng cách làm cho tim tôi tan nát. Đó là một lối mau chóng nhất để cho xong mọi chuyện khi người ta đẩy tôi vào đường cùng! Cho đến bây giờ Kha rất có ý tứ, không chọc tức tôi.... Vú cần phải chỉ rõ cho cậu ấy biết không giữ ý tứ như trước là nguy hiểm lắm, vú phải nhắc cho cậu ấy biết bản tính tôi là bản tính đắm đuối tình cảm, nếu bị kích thích quá có thể trở nên cuồng bạo. Tôi cũng không muốn vú lạnh lùng như thế kia và vú không có vẻ gì lo lắng cho tôi cả.
Vẻ lầm lì của tôi, cô chủ tôi chắc cho là chướng mắt, vì thật ra những lời dặn dò của cô ấy rất thành thực. Nhưng tôi nghĩ một người có quyết tâm nghĩ trước đến những mưu mô lợi dụng cơn giận dữ của mình thì người đó cũng có đủ nghị lực, tự kiềm chế được mình ngay khi mình đương tức giận. Và tôi không muốn làm “cho cậu ấy hoảng” như cô chủ dọa, chỉ làm tăng sự phiền não của Kha để thỏa lòng ích kỷ của Liên.
Vì vậy tôi không nói gì với Kha khi Kha đi về phía buồng khách nhỏ. Nếu hai vợ chồng có cãi nhau thì tôi sẽ tự ý quay lại để nghe.”
Kha nói, giọng không có vẻ giận dữ, nói một cách mệt mỏi và buồn rầu:
“Liên cứ ngồi đấy. Anh không đứng lại lâu đâu. Anh đến đây không phải để cãi nhau mà cũng không phải để làm lành. Anh chỉ muốn biết sau việc xẩy ra chiều nay, em còn có ý muốn giao du với...”
Liên ngắt lời, chân đạp xuống đất:
“Trời đất ơi, xin anh, van anh tha em ra, đừng nói gì về chuyện ấy bây giờ. Anh bao giờ cũng lỳ lỳ, mạch máu anh chắc toàn nước lạnh. Máu tôi sôi sùng sục mà thấy anh lạnh lẽo quá tôi không chịu được.”
Kha vẫn kiên nhẫn:
“Nếu em muốn anh đi thì em hãy trả lời câu hỏi của anh. Em phải trả lời anh. Thái độ hung hăng của em không làm anh sợ đâu. Anh biết rằng nếu em muốn thì em cũng có thể dằn được như bất cứ ai. Từ nay trở đi, em muốn bỏ thằng Hy hay em muốn bỏ anh? Em không thể nào vừa là bạn anh vừa là bạn nó được và anh cương quyết buộc em phải cho anh biết em chọn ai?”
Liên kêu lên dữ dội:
“Tôi buộc anh phải để tôi yên một mình. Tôi muốn thế. Anh đi đi... đi ngay đi!”
Liên kéo giây chuông đến đứt cả giây tôi cũng chỉ đủng đỉnh đi vào. Những cơn giận dữ vô lý và cuồng dại như vậy đến các ông thánh cũng phải bối rối. Liên nằm đấy, đập đầu mình vào thành ghế đệm và nghiến răng mạnh tới nỗi tưởng như chúng tan thành mảnh vụn. Kha đứng nhìn vợ, bắt đầu hối hận và lo sợ. Cậu ấy bảo tôi đi lấy ít nước lã. Liên thì không đủ hơi sức để nói nữa. Tôi mang tới một cốc đầy. Vì Liên không muốn uống, tôi hắt nước vào mặt. Trong mấy giây đồng hồ Liên nằm dài người ra, thân hình cứng đờ, mắt trợn ngược lên, còn hai má đột nhiên mất sắc và tái ngắt trông như người đã chết rồi. Cậu Kha trông kinh hoảng ra mặt.
Tôi thì thầm:
“Cậu chẳng có gì phải lo.”
Tôi không muốn cậu ấy nhượng bộ mặc dù trong thâm tâm tôi cũng thấy lo lo.
Cậu Kha vừa nói vừa rùng mình:
“Môi mợ có máu!”
Tôi gạt ngay:
“Không sao đâu.”
Rồi tôi kể cho Kha nghe trước khi cậu ấy vào mợ Liên đã quyết tâm đóng cho cậu xem một tấn kịch hờn uất. Tôi dại quá nói lớn tiếng khiến Liên nghe thấy: nàng nhỏm dậy, tóc rũ rượi trên hai vai, mắt như nẩy lửa, gân cổ và gân bắp tay nổi bật lên một cách bất thường, trông tưởng chừng bị gẫy xương ở một vài chỗ. Nhưng nàng chỉ đứng nhìn quanh một lúc rồi chạy vụt ra khỏi phòng. Kha bảo tôi đi theo, nhưng khi tôi đến cửa buồng nàng, Liên đóng cửa không cho tôi vào.
Sáng hôm sau... không thấy nàng tỏ ý định xuống ăn sáng, tôi lên hỏi xem Liên muốn cần dùng thức gì không. Nàng dõng dạc trả lời “Không.” Đến giờ uống nước trà, giờ ăn cơm tối và cả ngày hôm sau, cũng vẫn câu hỏi ấy và câu trả lời ấy.
Về phần Kha, chàng ngồi lì ở trong phòng sách và không hỏi han xem vợ làm những gì...chàng nói chuyện với Sa trong một giờ, nhưng Sa chỉ trả lời lờ mờ, chàng báo cho Sa biết nếu nàng ngu dại cứ để anh chàng khốn nạn ấy tán tỉnh thì không còn gì là tình anh em nữa.
Chú thích:
[1]Người Anh thường gọi Châu-Âu là Lục-điạ
[2]Ăn cướp đường