Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 90
Cảng Cadix

Ngày 17 tháng Mười năm 1805, sau khi chuyển về thành Paris hai khẩu đại bác và tám lá cờ chiếm được trong trận Gunzbourg, hoàng đế đã đến Munich, vây hãm Ulm, vào trận Elchingen cuộc chiến khiến thống soái Ney đáng với tước hiệu công tước của mình. Cùng ngày diễn ra trận chiến ấy tức là trước hôm hoàng đế gửi tiếp 40 cờ đến Nghị viện, một chiếc tàu Slúp một cột buồm mang cờ Mỹ đã vào cảng Cadix nơi neo đậu toàn bộ chiến hạm của đô đốc Villeneuve.
 
Khi đã vào trong cảng, nó xác định hướng và tên xem tàu Redoutable đậu ở đâu. Được biết nó ở chân pháo đài và vì không để đến tận nơi, nó thả thuyền danh dự xuống biển rồi thuyền trưởng ra lệnh các tay chèo bơi về phía tàu Redoutable.
Cách con tàu chiến hạng nặng Redoutable một đoạn, bị sĩ quan canh gác hỏi, viên thuyền trưởng đáp con thuyền đó tên là Tay đua New York và rằng thuyền trưởng mang tin từ Ấn Độ và thư của đảo trưởng đảo Pháp đến ngài chỉ huy Lucas.
Ngay khi thuyền trưởng Lucas được báo, ông chạy đến boong và ra hiệu cho người sĩ quan dưới thuyền con trèo lên tàu lớn.
 
Người sĩ quan ấy không phải ai khác chính là René. Và chỉ trong nháy mắt, anh leo lên cầu thang và đến boong.
 
Thuyền trưởng Lucas nhã nhặn tiếp anh. Ông ta hỏi người khách xem có phải anh ta muốn nói chuyện riêng với mình hay không, khi người này đáp đúng thì ông ta mời anh vào phòng riêng.
 
Hai người đàn ông vừa vào trong và cánh cửa cũng vừa khép lại phía sau họ, René trao cho Lucas lá thư của ngài đảo trưởng.
 
Lucas chỉ liếc qua lá thư ấy rồi hỏi:
- Ông bạn tướng quân Decaen của tôi giới thiệu anh với tôi bằng những lời lẽ mà tôi chỉ có thể hỏi xem tôi làm gì giúp anh vui lòng đây?
- Thưa ngài chỉ huy, trong ba bốn ngày tới ngài sẽ có một trận đại chiến trên biển. Từ trước đến giờ tôi chỉ từng thấy cuộc chiến nhỏ lẻ và xin thú thật với ngài tôi muốn tham gia vào một đại sự châu Âu nào đó nơi mà tôi có thể góp phần tên tuổi của mình, thứ mà chỉ được biết đến trong Ấn Độ Dương.
- Phải, phải - Lucas đáp - Đúng là chúng tôi sắp tham gia một cuộc đại thủy chiến nơi chắc chắn bằng cách này hay cách khác người ta sẽ góp tên của mình vào cuộc chiến một mất một còn đó. Tôi có thể hỏi, không phải kiểu thẩm vấn đâu mà như một cuộc nói chuyện bạn bè, anh phục vụ trong ngành hải quân thế nào?
- Thưa ngài chỉ huy, tôi mới thật sự tham gia gần hai năm vào ngành này. Tôi đã phục vụ bên ngài Surcouf, cùng con người nổi tiếng ấy trên chiếc tàu 16 đại bác và 100 thủy thủ đoàn đánh chiếm con tàu Standard có 48 đại bác và 450 người trên boong. Sau đó, tôi chỉ huy chiếc Slúp nhỏ này để sang Miến Điện thám hiểm. Cuối cùng, khi trở về đảo Pháp tôi may mắn cùng phối hợp với ngài Surcouf chiến đấu với hai tàu Anh và tôi chiếm được một tàu có 16 đại bác và 60 thủy thủ dù tôi chỉ có 18 người.
- Tôi biết rõ ông Surcouf. - Lucas nói - Đó là một trong số những tay chiếm tàu táo bạo nhất của chúng ta.
- Đây là thư của ông ấy phòng khi tôi có gặp ngài.
 
Rồi René đưa cho chỉ huy tàu Redoutable lá thư Surcouf đã viết cho Lucas. Ông này chăm chú đọc từ đầu đến cuối.
- Anh bạn ạ - ông ta nói với René - để ngài Surcouf ca ngợi anh như vậy thì anh quả là một người kỳ lạ. Ông ta nói với tôi rằng với số tiền 500 nghìn phăng đầu của anh chiếm được, anh đã để 400 nghìn cho các thủy thủ của mình còn 100 nghìn cho người nghèo trên đảo Pháp. Điều này cho thấy anh là người rất giàu có nhưng do khuynh hướng lớn về hải quân nên mới đầu quân vào đó - ông ấy nói với tôi - như một kẻ cướp biển bình thường với tham vọng nhanh chóng xây dựng con đường của mình đến lực lượng hải quân đế chế. Tiếc thay tôi chỉ dành được một vị trí làm đại uý thứ ba trên tàu Redoutable thôi.
- Thưa chỉ huy, như vậy cũng vượt quá điều tôi mong đợi rồi và tôi chấp nhận với lòng biết ơn ngài lắm. Khi nào tôi có thể bắt tay vào việc?
- Bất cứ lúc nào anh muốn!
- Nhanh nhất có thể thưa chỉ huy. Mùi khói đạn đã sực lên rồi và tôi chắc chỉ ba bốn hôm nữa tôi sẽ thấy trận đại chiến mà mình tìm kiếm từ tận bán cầu bên kia. Con tàu của tôi có trọng tải quá nhỏ để giúp ích được gì cho ngài, tôi xin trở lại boong và gửi nó về Pháp rồi sẽ quay trở lại.
Lucas đứng dậy nở nụ cười duyên dáng nói:
- Tôi chờ anh, đại uý.
 
René đưa cả hai tay bắt tay ông ta trong dạt dào tình cảm, lao xuống cầu thang trở lại chiếc thuyền Slúp của mình.
 
Đến nơi, anh gọi François vào phòng.
- François này, - Anh nói với anh ta - tôi sẽ ở lại đây, tôi tin tưởng giao chiếc Slúp của tôi cho cậu để cậu đưa nó về Saint-Malo. Đây là chiếc ví có di chúc của tôi. Nếu tôi chết, cậu sẽ thấy phần của mình trong di chúc ấy. Ngoài chiếc ví ra, đây là một chiếc túi đá quý. Nếu tôi chết chính cậu sẽ mang chiếc túi này đến tiểu thư Claire de Sourdis. Cô ấy sống cùng mẹ cô là nữ bá tước Sourdis tại lâu đài nhà Sourdis một hướng quay ra bến một hướng quay ra phố Beaune.
Trong chiếc túi này có lá thư nói rõ chỗ đá quý ấy từ đâu ra nhưng cậu chỉ mở di chúc và trao đá quý này khi chắc chắn tôi đã chết. Dưới giấy sở hữu tôi có ghi tên cậu làm chủ tạm thời con tàu. Hãy là người giữ tàu trong vòng một năm. Trong ngăn kéo bàn làm việc cậu sẽ thấy mười hai xâu tiền vàng mỗi xâu một nghìn phăng. Số tiền này dành cho cậu chi tiêu trong năm ấy.
- Nếu cậu bị quân Anh bắt, cậu chứng minh xuất xứ con tàu của cậu và nếu chúng hỏi tôi đâu cậu đáp là khi gặp chiến hạm của Nelson tôi bị bắt lên tàu chiến của ông ta. Tạm biệt François yêu quý hãy ôm hôn tôi, mang giùm vũ khí của tôi và đến Saint-Malo đừng hà tiện. Ngay khi đến nơi hãy đến báo tin về Robert cho bà Surcouf và gia đình.
- Thế có nghĩa là - François đưa mu bàn tay to tướng lên lau mắt - thế có nghĩa là ngài không yêu tôi đến mức có thể cho tôi đi cùng ngài, tôi sẽ theo ngài đến cùng trời cuối đất thậm chí còn đi xa hơn nữa. Tim tôi tan nát khi phải xa ngài!
Rồi anh chàng ấy khóc rống lên.
- Không phải thế mà là khi xa cậu, tôi coi cậu là người bạn duy nhất, vì cậu là người duy nhất tôi có thể tin tưởng vì cái ví này đựng nửa triệu, vì túi đá quý này đựng hơn 300 nghìn phăng và cuối cùng là vì khi tất cả những đồ vật này nằm trong tay cậu tôi cũng cảm thấy yên tâm như chúng ở trong tay tôi. Nào, chúng ta hãy bắt tay nhau như hai người đàn ông rắn rỏi. Chúng ta hãy yêu thương nhau như hai con tim trung hậu. Hãy ôm nhau như hai người bạn tốt! Cậu sẽ đưa tôi lên tàu Redoutable, cậu sẽ là người cuối cùng tôi chào từ biệt.
 
François nhận thấy René đã cương quyết và thậm chí rất cương quyết. René đi gom vũ khí gồm một khẩu cạc bin, một khẩu súng trường hai viên và chiếc rìu chiến. Xong xuôi, anh thông báo tình hình mới cho thủy thủ đoàn mong mọi người công nhận người bạn François của họ là chỉ huy mới.
 
Nghe xong ai nấy đều buồn thiu nhưng René cho phép họ giữ nguyên các điều kiện hiện tại một năm trên cảng Saint-Malo với khoản lương bình thường trên tàu Tay đua New York. Giữa những lời hứa tuyệt đối trung thành của họ, anh xuống chiếc thuyền nhỏ cùng François và sáu tay chèo.
Mười phút sau anh đã ở trước mặt thuyền trưởng Lucas.
 
Họ từ biệt nhau trước mặt ông này.
Sự tiến cử tốt nhất đối với một con người chính là tình cảm quyến luyến cấp dưới dành cho anh ta. Trong mối quan hệ ấy, vì René rất được yêu mến, những giọt nước mắt của François và vẻ nuối tiếc trên khuôn mặt các thủy thủ khác cũng đủ để ông thuyền trưởng thấy cảm mến viên đại uý của mình. Lúc ra về, thuyền trưởng Lucas còn tặng cho François một chiếc tẩu đá bọt tuyệt đẹp.
- Thế là không biết bày tỏ lòng biết ơn ra sao!
 
François càng khóc nấc lên gấp hai lần rồi ra đi mà không thể cất lên dù chỉ một lời.
- Tôi thích cách bày tỏ ý kiến ấy với mọi người - Lucas nói - và chắc anh phải là một người nhân nghĩa vì anh được quý trọng nhường ấy. Nào, hãy ngồi xuống và chúng ta nói chuyện.
 
Và như để làm gương, ông ta ngồi xuống trước trong khi xem xét vũ khí của René, lúc này chỉ có một khẩu súng trường hai viên nòng trơn, khẩu cạc bin nòng rãnh và chiếc rìu tấn công.
- Tôi tiếc là đã chia vũ khí của mình cho các bạn trên đảo Pháp. - René nói - Lẽ ra tôi phải tặng ngài cái gì xứng với ngài nhưng hiện giờ tôi chỉ còn ba thứ…
- Người ta bảo tôi anh bắn xuất sắc lắm - Lucas nói - nên hãy giữ súng lại, tôi lấy cái rìu, tôi hy vọng sẽ khiến nó vẻ vang trong trận đánh tới.
- Trận đánh tới, nếu không có gì bí mật, sẽ diễn ra khi nào? - René hỏi.
- Thực lòng mà nói nó không thể chậm trễ hơn nữa - Lucas nói - Hoàng đế đã cử đô đốc Villeneuve chuẩn bị cho chiến hạm Pháp-Tây Ban Nha ra khơi, tiến về Carthagène để liên kết với chuẩn đô đốc Salceco và từ Carthagène đến Naples để tiếp quân thêm cho hạm đội ở đó rồi kết hợp với tướng Saint-Cyr. "Ý định của chúng ta - Hoàng đế chỉ rõ - là dù bất cứ chỗ nào hễ thấy quân địch dù có lực lượng mạnh hơn cũng tấn công không chần chừ. Hãy giáng đòn quyết định. Thành hay bại phụ thuộc chủ yếu vào sự xuất phát ngay lập tức của ông khỏi Cadix. Chúng tôi mong và tin ông sẽ không trễ hạn định và yêu cầu dốc toàn lực trong lần xuất quân táo bạo quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất này". Với đô đốc Villeneuve, Hoàng đế không sợ phải nói quá ý nghĩ của mình. Dưới con mắt của ngài, vị đô đốc này là một trong những người cần khăn khố hơn là dây cương. Đồng thời ngài cũng phái phó đô đốc Rosily rời Paris và sẽ chỉ huy hạm đội liên quân Pháp-Tây Ban Nha nếu hạm đội còn ở Cadix, giương cờ thách đấu trên cột buồm lớn của tàu Bucenlaure và yêu cầu đô đốc Villeneuve về Pháp để báo cáo chiến dịch vừa rồi của ông ta.
- Chúa ơi! - René kêu lên - Tình hình nghiêm trọng thật.
- Chính vì vậy - Lucas nói tiếp - hội đồng trực chiến đã được triệu tập ở chỗ đô đốc Villeneuve. Các đô đốc và các sư trưởng, các chuẩn đô đốc Dlamanoir và Magon, các thuyền trưởng Cosmao, Maistral, Devillegris và Piglly đại diện cho hạm đội Pháp. Họ sẽ được tham khảo ý kiến về tình mỗi chiến thuyền với mong muốn và lo ngại của họ.
 
Lucas đi đi lại lại khi đang nói đột ngột dừng lại hỏi René.
- Anh có biết Hoàng đế nói như thế nào không?
- Không thưa chỉ huy, tôi chẳng biết gì cả. Tôi rời nước Pháp đã hai năm rồi.
- Quân Anh - Hoàng đế nói - sẽ trở nên bé xíu khi ở Pháp có hai hay ba đô đốc muốn hy sinh". Tuy nhiên - Lucas nói tiếp - dù chúng ta không phải là những đô đốc, chúng ta vẫn chứng tỏ cho Hoàng đế thấy trong vài ba ngày tới, thay vì các đô đốc muốn hy sinh, sẽ có những thuyền trưởng biết hy sinh.
 
Lucas đang nói chuyện đến đó với René thì một sĩ quan bước vào.
- Thưa thuyền trưởng - Anh ta nói với Lucas - có tín hiệu thông báo tất cả các thuyền trưởng tập trung về tàu ngài đô đốc.
- Tốt lắm, hãy cho thả xuồng xuống - Lucas đáp.
 
Chiếc xuồng đã sẵn sàng, ông ta bước xuống và giống như năm sáu con tàu có các thuyền trưởng được triệu tập khác, nó hướng mũi về phía tàu Bucenlaure.
 
Trong lúc đó, René đi xem phòng cho mình. Đó là một phòng rất đẹp, lớn hơn và tiện nghi hơn phòng thuyền trưởng trên tàu Tay đua New York.
Vừa đặt xong mấy chiếc rương mang theo thì chỉ huy Lucas cũng trở lại. René không dám xuất hiện trước mặt ông ta khi không được gọi nhưng sau buổi nói chuyện vừa rồi anh chắc thế nào người này cũng cho mình cái vinh hạnh được tiếp kiến lần nữa.
 
René đã không nhầm: năm phút sau, viên thuyền trưởng đã cho gọi anh. René kính cẩn lắng nghe vị chỉ huy nói:
- Thế này, sẽ là ngày mai hoặc ngày kia. Đô đốc đã trả lời: "Nếu gió thuận, tôi sẽ nhổ neo ngay ngày mai". Lúc nãy cũng có tin báo Nelson vừa cho sáu tàu rời đi Gibraltar; vậy là đô đốc Villeneuve cho gọi đô đốc Gravina lên tàu và sau khi bàn bạc, ông lại cho triệu tập các thuyền trưởng không nằm trong hội đồng để ra lệnh chuẩn bị căng buồm. Đó là tín hiệu tôi vừa biết.
- Vậy tôi có thích hợp cho công việc gì chăng? - René hỏi.
- Hãy nghe đây - Lucas nói - Anh chưa biết gì về tàu cũng như mọi người của tôi. Hãy bắt đầu bằng việc làm quen với họ và chờ đợi. Được biết anh bắn giỏi, hãy chọn một chỗ cao để có thể nhìn rõ boong tàu địch. Hãy hạ càng nhiều quân có cầu vai màu vàng càng tốt. Còn khi đã áp sát hãy chỉ hành động theo cảm húng của anh. Tôi giữ cái rìu của anh, nó làm tôi thích lắm. Tôi đã bảo người mang thanh kiếm của tôi sang phòng anh rồi. Nó quá to so với tôi! - Lucas nói thêm và cười rung cả thân hình bé nhỏ của ông ta - Đúng ra nó phải là của anh.
 
Hai người chào nhau và René lui về phòng.
 
Anh thấy trong phòng có một thanh kiếm thép Đa-mát kiểu Tunis bản rộng và hơi cong. Đó là một thứ binh khí lưỡi rất bén chỉ cần huơ tay cũng cắt đứt tấm khăn Ấn Độ bay trong gió làm 2 phần.
 
Tuy nhiên lúc xuất phát, người ta phát hiện ra một điều, đó là từ hai tháng rưỡi lưu lại cảng Cadix và những vùng lân cận, hàng ngũ lính sĩ đã vơi đi khá nhiều, nhất là thủy thủ đoàn Tây Ban Nha vắng đến một phần mười.
 
Người ta dành cả ngày để thu lượm nhiều người đảo ngũ nhất có thể trên các phố ở Cadix nhưng phần đông đã chạy về nông thôn này thế, bảy giờ sáng ngày 19, liên quân vẫn bắt đầu xuất phát.
 
Nelson cũng biết chuyện này. Thế là hắn tập trung phần lớn hạm đội Anh chặn phía Tây Bắc cách Cadix chừng 16 dặm. Biết rằng nếu ra eo biển trước, Villeneuve có thể sẽ thoát được nên ông ta cho tiến về đoạn hẹp để chặn đường.
Tuy nhiên việc phối hợp ra khỏi cảng Cadix không dễ. Sáu năm trước đô đốc Villeneuve, đô đốc Bruix đã mất ba ngày mới ra khỏi đây. Biển động và luồng ngược nhanh chóng cản trở đường đi của đội quân. Suốt ngày 19, chỉ có tám đến mười tàu chiến ra khỏi lối vào.
 
Hôm sau, ngày 20, một làn gió đông nam nhẹ giúp chiến hạm ra khỏi cảng dễ dàng hơn. Hôm trước thời tiết đẹp nhưng đêm đó lại đầy mây và dự báo có gió tây nam. Nhưng vài giờ sau có gió thuận đưa chiến hạm liên quân về phía mũi Trafalgar và cơn bão thổi từ đông đến tây nam chỉ càng thuận lợi cho kế hoạch của đô đốc Villeneuve.
 
Mười giờ sáng, những chiến tàu Pháp và Tây Ban Nha cuối cùng đã ra khỏi cảng Cadix. Hạm đội Anh đã cách mũi Spartel vài dặm và trực gác ở eo biển.
- Thế là đô đốc Villeneuve, quyết định không lùi nữa, viết thư cho đô đốc Decrès bức điện nhanh cuối cùng sau:
"Tất cả chiến hạm đã giong buồm… Gió nam - Tây nam, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là gió buổi sáng. Người ta thông báo cho tôi có mười tám buồm. Như vậy rất có thể dân Cadix sẽ là người báo tin tiếp cho ngài… Thưa đức ông, trong chuyến đi này tôi chỉ có ước muốn mãnh liệt là làm theo ý của Hoàng đế và cố gắng hết sức phá đi sự bất bình mà Bệ hạ thấy qua chiến dịch vừa rồi. Nếu nó thành công - tôi thấy khó tin mọi việc sẽ tiến triển như vậy thì tất cả đều vì điều tốt đẹp nhất cho Đấng chí tôn của chúng ta".
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết