Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 86
Ra đi

Ngày hôm sau, vào lúc 11 giờ sáng, René xuất hiện lần thứ ba tại dinh ngài chúa đảo. Lần này anh không được đón tiếp như một vị khách mà như một người bạn. Phong cách thẳng thắn, cởi mở và hào hiệp đã khiến ngài đảo trưởng đảo Pháp vui lòng. Ông đến giang tay đón anh không cần lục sự phải dẫn vào như thường lệ dù bất kỳ là người nào.
- Anh bạn René thân mến, lần này chúng ta không bị quấy rầy nữa. Tòi quên là mình phải giúp anh một việc và cả khoản nợ phải trả cho anh nữa. Anh muốn gì tôi nào?
- Tôi đã thưa ngài rồi, thưa tướng quân: Tôi muốn có cơ hội được chết.
- Anh vẫn còn nhắc lại câu đùa ấy à, anh René thân mến - Viên tướng nhún vai nói.
- Tôi không hề đùa một chút nào - René nói tiếp - Tôi đang buồn đến chết. Nếu cứ sống chán chường thế này, có ngày tôi cong tự bắn vào đầu mất. Nhưng mà như thế tôi sẽ khiến cái chết ấy trở nên vô ích và kỳ cục, tôi sẽ là một kẻ điên. Khi chết cho nước Pháp, tôi sẽ có một cái chết có ích, và vinh quang và người ta sẽ gọi tôi là một anh hùng. Hãy cho tôi làm một anh hùng thưa tướng quân, chuyện ấy không khó khăn gì.
- Phải làm sao cho chuyện này?
- Trước hết ngài hãy cho tôi hay tin tức về nước Pháp. Người ta đang nói về một liên quân chống lại Pháp. Ở Calcutta, đó là tin tức nóng hổi. Ngài có biết chúng ta đang ở tình thế nào và có thể nói cho tôi nghe không?
- Tôi nghĩ chúng ta vẫn đang ở Boulogne, đang đóng tàu chiến và nhìn London qua sương mù trên eo biển Manche.
- Nhưng ngài nghĩ đến chiến tranh đúng không tướng quân?
- Tôi còn hơn cả nghĩ đến điều đó, tôi chắc như vậy.
- Vậy thì tốt! Thưa tướng quân, không phải tôi tự khoe nhưng ngài có tin một người như tôi, người không hề sợ chết, người có thể nói được bốn thứ tiếng, người sẵn sàng chỉ cần hiệu lệnh là lao vào nước sôi lửa bỏng, liệu tôi có thể có ích cho đất nước không?
- Nếu tôi tin! Lạy Chúa, có, tôi tin và nếu vì thế mà anh muốn tôi giúp anh được chết thì hãy ở bên tôi.
- Nếu tôi ở lại đây, thưa tướng quân với chiếc thuyền buồm mười hai pháo đại bác chẳng là gì cả. Tôi sẽ chết trong vô danh và như tôi nói ban nãy là vô ích. Nếu tôi sở dụng điều mà Chúa trao cho tôi, tôi có thể cho mình một cái tên, đi đến một vị thế và đạt đến mục tiêu vốn là mục đích tham vọng của tôi.
- Vậy tôi có thể làm gì cho điều đó? - Đảo trưởng hỏi.
- Ngài có thể viết những điều tốt đẹp nghe nói về tôi về lòng can đảm của tôi trong chuyến đi Ấn Độ, gửi tôi về Pháp bằng cách tiến cử tôi…
- Đến một bộ nào đó? - Viên tướng ngắt lời.
- Ồ không! Xin ngài lưu ý, ngược lại đến vị thuyền trưởng cao cấp đầu tiên tôi gặp. Với lời tiến cử của ngài, chắc sẽ không có thuyền trưởng nào lại không nhận tôi như một chuẩn uý hàng đầu. Tôi có quyền được cấp hàm này vì đã từng là trợ lý cho ngài Surcouf và từng tự mình đến Ấn Độ trên thuyền chiến Slúp với tư cách là chỉ huy.
- Điều anh yêu cầu tôi quá đơn giản, René thân mến ạ - Vị tướng nói - Tôi muốn làm nhiều hơn thế cho anh. Trước hết, tôi ra lệnh, dựa trên những gì anh có thể làm cho nước Pháp, để anh quay về châu Âu. Sau đó là những lá thư đặc biệt gửi tới ba chỉ huy tàu chiến hạng nặng, những người bạn thân thiết của tôi đó là Lucas chỉ huy tàu Redoutable, Cosmao chỉ huy tàu Le Pluton và Internet chỉ huy L'Intrépide. Bất kể gặp họ ở đâu anh cũng có thể lên tàu và mười phút sau, anh sẽ có vị trí ở hàng sĩ quan. Tôi có thể làm gì khác giúp anh nữa không?
- Xin đa tạ ngài, những gì ngài làm đó cũng quá đủ rồi.
- Anh định về Pháp thế nào?
- Tôi không cần ai giúp việc này. Chiếc Slúp nhỏ có thể chấp mọi tàu tuần tiễu của Anh là tài sản riêng của tôi. Nó là tàu Mỹ nên thuộc phe trung gian. Tôi nói được tiếng Anh như một người Mỹ. Tôi sẽ đi trong vài ngày để lại chiến lợi phẩm của tôi cho mười tám người từng theo tôi đến Miến Điện. Ngài cũng sẽ có khoản đó. Khi thủy thủ đoàn trở lại đảo Pháp, họ sẽ lĩnh khoản của mình. Chỉ riêng một người được ưu đãi đó là François người đã theo tôi đến Pégou. Anh ta sẽ được lĩnh hai phần.
- Anh sẽ đến chào từ biệt chúng tôi đúng không anh René?
- Tôi sẽ hân hạnh khi tự tay mang bản tính toán phần của mọi người đến cho ngài. Tôi cũng sẽ rất tiếc nếu phải ra đi mà không thăm hỏi phu nhân Decaen và gửi lời ái hữu đến công tử Alfred.
- Anh có muốn gặp họ ngay không? - Tướng quân Decaen hỏi.
- Tôi không muốn quấy rầy họ. - René đáp.
Rồi anh chào ngài đảo trưởng ra về.
Khi trở về, René gặp ông chủ nhà băng Rondeau đang đợi anh. Bên cạnh những tỵ hiềm hôm trước, ông ta cũng không quên nhiệm vụ của mình là kiếm tiền. Ông ta đến thương lượng với René mua lại phần chiến lợi phẩm của anh, điều này giúp anh trước khi đi đến cảng Louis có thể phân phát tiền cho anh em thủy thủ sớm.
René suy nghĩ quả như vậy sẽ dễ dàng đưa người đi khỏi phải trở lại cảng Louis để lấy khoản tiền bán chiến lợi phẩm.
 
Trước hết, anh thoả thuận với ông Rondeau thủy thủ đoàn của anh sẽ được một nửa phần chiến lợi phẩm tức 500 nghìn phăng. Khoản này sẽ trích 100 nghìn cho người nghèo, bốn trăm nghìn còn lại sẽ chia đều cho mười tám người của anh, trong đó François được gấp đôi.
Ông Rondeau đòi một khoản triết khấu 20 nghìn và sẽ trả một triệu ngay lập tức.
 
René chấp nhận, sau khi cho ông chủ nhà băng nhận 20 nghìn từ khoản 300 nghìn riêng của anh, cho gửi ngay đến phu nhân Decaen 100 nghìn phăng cho người nghèo khó, để ông Rondeau hoàn tất khoản nợ phu nhân như ông đã hứa rồi mới hẹn người của mình đến gặp anh ngày hôm sau.
 
Trưa hôm sau, mười tám thủy thủ của anh đã đến. Trước hết anh thông báo họ sẽ được chia trước khoản tiền bán chiến lợi phẩm. Phần của họ được 500 nghìn phăng. Anh nói thêm đã dành cho ngài đảo trưởng 100 nghìn giúp các thủy thủ tàn phế, các goá phụ và trẻ mồ côi của các thủy thủ. Còn lại, anh dành tất cho họ 400 nghìn còn lại để cảm ơn lòng tận tụy và trung thành của họ. Riêng François được phần gấp đôi vì đã theo anh đến tận Đất Trầu và đã ở lại đó cùng anh.
 
Sau đó, anh thông báo họ sẽ đi cùng anh về Pháp vào ngày kia.
 
Do đó mọi người nên mang hết tiền về cho vợ con. Nếu tính các chiến lợi phẩm lần trước, mỗi người phải được hơn 60 nghìn phăng.
 
Mọi người được nhận tiền hoặc bằng vàng, bằng tiền Pháp hay ngân phiếu Anh. Họ đi ra mà hai tay vẫn để trong túi quần như thể sợ vì một lý do nào đó, vàng hay ngân phiếu không theo cùng họ được.
 
Khi đi vào yên lặng nhưng lúc đi ra họ lại vô cùng ầm ĩ. Có 60 nghìn phăng trong tay lại trở về dưới lá cờ của một nước trung lập cho phép họ hy vọng về nhà bình an vô sự. Đó là điều khiến niềm vui sướng nổ tung và nó trở thành ồn ào nhất trên đời.
 
Cơn lốc chạy từ quảng trường nhà hát kịch đến biển tạo thành một trong những kỷ niệm náo nhiệt trong nhiều năm sau của thành phố cảng Louis, và còn nhiều sự việc nữa xảy ra hôm thủy thủ đoàn của tàu Tay đua New York nhận được tiền chia.
 
Như đã hứa, ngày hôm sau nữa, René đến tổng dinh đảo Pháp từ biệt trong nỗi niềm bịn rịn chân thành của gia đình của ngài tướng quân. Họ đón tiếp anh như người con trong nhà và cũng đoán ra ẩn dưới sự hào hiệp hoàn hảo, dưới cái tên đơn giản của René thế nào cũng có những bí mật mà René không thể nói ra.
 
Họ mang tặng chàng trai trẻ, trong ý mong anh nhớ đến họ, hai khẩu súng ngắn hai viên đạn, độ chính xác của chúng khiến anh nghĩ ngợi nếu có cách hai chục bước anh cũng có thể bắn trúng một lưỡi dao.
 
Thư giới thiệu của ngài đảo trưởng đã sẵn sàng. Đó là lời ca tụng hàm chứa điều René hy vọng. Đó cũng là thứ anh có quyền được hưởng theo lệnh của tướng Decaen, người có vị thế lãnh đạo khu hải phận quan trọng, thuyền trưởng trẻ tuổi tàu Tay đua New York được lên tàu nào anh muốn.
 
Đảo trưởng hỏi thời gian nhổ neo và hứa sẽ đến tạm biệt thủy thủ đoàn Tay đua New York và chỉ huy của nó. Họ nhổ neo vào đúng ba giờ chiều. Từ trưa, bãi neo đậu Chien-De-Plomb đã có đông người tò mò đến xem. René không ra lệnh cho thủy thủ của mình mà xin họ có mặt trên tàu đúng hai giờ và tỉnh táo thực hiện chính xác mọi thao tác. Anh muốn có một cảnh tượng chưa từng thấy trong cảng biển, đó là một thủy thủ đoàn mà mỗi người có sáu mươi nghìn phăng trong túi nhưng không ai say rượu. Điều này khó thực hiện được bằng mệnh lệnh dù khắt khe nhất nhưng một lời xin thân ái của anh lại thành công.
 
René báo trước cho họ vinh dự ngài đảo trưởng dành cho khi ông đến tham dự buổi ra đi của họ. Về phía các thủy thủ, không báo cho René biết, họ đã thuê sáu thuyền kéo, trên mỗi thuyền ngoài các tay chèo còn có các tay trống và nhạc công.
 
Ngài đảo trưởng cũng cho neo ca nô của mình vào tàu của René. Khi xuất phát, một loạt súng vang lên và giàn nhạc cất vang bài Khởi hành khúc. Ngài đảo trưởng ra hiệu, mười sáu phát đại bác từ phía đài trắng cũng vang lên đáp lại loạt súng và con tàu nhẹ nhàng chuyển động. Đi được một phần tư dặm, gặp gió bấy giờ chiếc ca nô của ngài đảo trưởng mới đưa gia đình của vị tướng quân quả cảm Decaen trở lại bến Chien-De-Plomb cùng sáu thuyền nhạc công.
 
Còn tàu Tay đua New York tiếp tục cuộc hành trình của mình về phía nam và nhanh chóng biến mất sau màn sương chiều đầu tiên.
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết