Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 27
Vụ tấn công

Lũ ngựa chỉ chờ lệnh ấy bèn tung vó lao đi. Đến Tulileries, chúng tự dừng lại vì đây là điểm đỗ quen thuộc.
Bonaparte đang ở cùng phòng Joséphine, Fouché không muốn xuống vì e lại lôi kéo phụ nữ vào vấn đề chính trị. Hắn nhờ Boumerine đi báo Tổng tài lên ngay sau đó.
- Thế nào, ông Fouché. Có chuyện gì không?
- Thưa công dân Tổng tài, có rất nhiều chuyện để nói, tôi e là không làm rầy ngài chứ.
- Ông làm tốt đấy. Xem nào, ông nói đi.
Trước mặt ngài Boumerine ư? - Fouché hỏi thầm.
- Quý ông Boumerine là một người điếc, một kẻ câm, một kẻ mù. Ông cứ nói đi.
- Tôi đã cho một nhân viên lanh lợi nhất theo dõi người của Cadoudal - Fouché bắt đầu kể - Ngay đêm hôm đó, hắn đã gặp Laurent đẹp mã, thủ lĩnh quân Jéhu và ngay lập tức tổ chức này hoạt động trở lại.
- Thế sau đó?
Hắn đi Strasbourg, qua cầu Kell đi thăm công tước Enghlen ở Enenheim.
Fouché, ông không để ý đúng mức đến công tước trẻ đó rồi. Đó là người duy nhất trong gia tộc còn nghị lực để tiếp tục chiến đấu và còn kiên cường lắm; người ta báo cho tôi hắn đã vài lần đến Strasbourg. Cần phải theo dõi hắn.
- Xin ngài yên tâm, chúng ta sẽ không rời mắt khỏi hắn.
- Thế người của ta có biết họ đã làm gì, nói gì không?
- Làm gì ư? Họ ăn tối. Còn nới gì thì rất khó đoán vì họ ăn cùng nhau.
- Họ chia tay khi nào?
Khoảng mười một giờ đêm. Công dân Sol de Grisolles tiếp tục sang nước Anh. Mười hai giờ đêm, người của tôi cũng đi theo.
- Tất cả có thế thôi à?
- Không, tôi còn một chuyện quan trọng nhất muốn nói với ngài.
- Tôi nghe đây.
- Quân Jéhu đã bắt đầu hành động.
- Khi nào?
- Hôm qua. Chúng chặn một xe chở thuế ban đêm.
- Chúng lấy hết chứ?
- Không. Tôi được báo trước nên cài quân lính bên trong nên khi bị chặn trong xe đã bắn ra. Một tên bị chết, một tên khác bị bắt.
- Một kẻ mạt hạng à?
- Không ngược lại.
- Quý tộc?
- Và là quý tộc nhất.
- Hắn cung khai bí mật chứ?
- Không.
- Hắn sẽ khai?
- Tôi không nghĩ vậy.
- Ít ra cũng phải biết tên hắn chứ?
- Tôi biết.
- Hắn tên là gì?
- Hector de Sainte-Hermine.
- Cái gì? Là kẻ tôi đã ký giấy kết hôn nhưng hắn lại biến mất đúng lúc hắn phải ký sao.
Fouché gật đầu.
- Cho xử hắn đi - Bonaparte kêu to.
- Danh tiếng nước Pháp sẽ bị tổn hại.
- Thế thì cho bắn hắn sau một bức tường, một xó hàng rào hay hố nào đấy.
- Đó cũng là điều tôi thay mặt anh ta đến xin ngài.
- Thế hả! Vậy thì mong muốn của anh ta được chấp thuận rồi đấy.
- Cho phép tôi mang tin tốt này về cho anh ta?
- Hắn ở đâu?
- Ở nhà tôi?
- Sao lại ở nhà ông?
- Vâng, anh ta hứa sẽ không trốn.
- Đó là một kẻ trọng nhân phẩm chứ?
- Vâng.
- Tôi gặp hắn được chứ?
- Tuỳ ngài, thưa Tổng tài.
- Ồ không, tôi sẽ mềm lòng và lại tha cho anh ta mất.
- Trong lúc này, đó sẽ là tấm gương xấu nhất đấy ạ.
- Ông có lý. Thôi ông đi đi, ngày mai chuyện này phải kết thúc đấy.
- Đó là quyết định cuối cùng của ngài?
- Đúng thế. Chào ông.
Fouché chào lại rồi đi ra. Năm phút sau, hắn đã về nhà.
- Thế nào rồi? - Hector nắm tay vào nhau hỏi.
- Đồng ý rồi - Fouché đáp.
- Không bản án, không ồn ào?
- Tên anh sẽ không bị nhắc đến, từ lúc đó, anh không còn tồn tại với bất cứ ai.
- Tôi hy vọng điều ấy được thực hiện bằng súng chứ?
- Đúng.
- Khi nào?
- Ngày mai.
Sainte-Hermine cầm tay Fouché và bắt tay ông ta đầy biết ơn.
- Ôi! Xin cảm ơn, cảm ơn ông!
- Bây giờ thì đi thôi.
Sainte-Hermine ngoan ngoãn đi theo như đứa trẻ. Xe vẫn chờ họ ngoài sân. Fouché lên xe sau đó đến lượt Hector.
- Đến Vincennes - Fouché ra lệnh.
Nếu chàng thanh niên còn chưa tin thì từ Vincennes đã khiến anh ta yên tâm. Vincennes là nơi xử các vụ án quân sự.
Cả hai người xuống xe rồi được đưa vào pháo đài. Ông Herel, quản lý, bước đến trước mặt Fouché. Fouché nói thầm vài câu viên tổng quản gật đầu vâng dạ:
- Vĩnh biệt ngài Fouché - Sainte Hermine nói xin ngàn lần đa tạ ngài.
- Tạm biệt.
- Tạm biệt ư? - Sainte-Hermine kêu lên - Ý ông là sao?
- Thì nhờ Chúa! Ai biết cơ chứ?
Trong lúc đó, Saint-Régeant và Limoelan đã đến Paris và ngay ngày đầu đã bắt tay vào việc.
Thợ Nề theo cách gọi của Fouché - đã trở về Paris và thông báo với ông ta rằng Saint-Régeant và Limoelan đã rời London đi Paris. Đây là hai quân bài mà Georges dùng cho kế hoạch của mình nhưng kế hoạch đó vẫn chưa hoàn tất hoặc chỉ thành công khi hai quân bài này ghi điểm.
Nhưng cách thức họ tấn công Tổng tài là gì, không ai biết, thậm chí mọi người còn chưa hay biết gì về sự hiện diện bí mật của họ tại Paris.
Tổng tài không sống khép mình. Buổi tối ông thường đi bộ trên phố Duroc, ban ngày thì đi xe đến La Malmaison hoặc bốn lần trong tuần kèm theo một đoàn tuỳ tùng vài người đến các nơi, như viện Hài kịch hay nhà hát Opera.
Bonaparte không hẳn là người văn chương. Ông đánh giá tổng thể tác phẩm qua các chi tiết, ông yêu thích Corneille không phải vì thơ của ông ta mà vì tư tưởng nằm trong đó. Mỗi khi tình cờ ông đọc vài câu thơ bằng tiếng Pháp, y như rằng chỉ được vài câu. Tuy nhiên ông cũng vẫn yêu văn học lắm.
Về âm nhạc, ông chỉ coi đó là một thứ giải trí với ông, cũng như một người Italie, đó là thú vui như thú vui thể xác.
Ông bị lạc giọng nên không thể hát nổi hai câu thế nhưng ông vẫn đánh giá cao các thiên tài bậc thầy như Gluck, Beethoven, Mozart, Spontini. Tác phẩm mốt nhất thời bấy giờ là bản La Création của Haydn sáng tác cách đó ba năm.
Có một truyền thuyết về câu chuyện của nhà soạn nhạc bậc thầy người Hungary này. Ông ta là con trai một người thợ đóng xe bần hàn, vào mỗi chủ nhật, vẫn hành nghề chơi nhạc lưu động với cây đàn hạc cùng người vợ và cậu con sáu tuổi. Dong duổi trên một chiếc xe, họ đi từ làng này sang làng khác. Có ông thầy giáo ở Hainbourg nhận ra cậu bé có thiên bẩm về âm nhạc nên nhận về nhà dạy những kiến thức cơ bản về sáng tác và xin cho cậu một chân trong dàn đồng ca Saint-Etienne, giáo đường Vienne. Trong bảy hay tám năm, đám đông đến đi thính ngưỡng giọng nam cao quãng trên tuyệt đẹp cho đến lúc cậu bị vỡ tiếng. Chàng trai không còn nguồn sống nào khác vì giọng của cậu chỉ nuôi cậu đến đó, đành trở về làng và được một nghệ sĩ đồng thời là thợ làm tóc giả nghèo đói đón chào. Ông sung sướng nhận một người hát hay mà trước đây ông vẫn ngưỡng mộ ở nhà thờ. Để không bị chết đói, Haydn đã phải làm việc cật lực mười sáu giờ một ngày để cho ra tác phẩm Opera đầu tay "Quỷ thọt" được công diễn tại Carinthie.
Kể từ lúc đó, ông được cứu sống. Hoàng tử Esterhazy đã cho vời ông vào cung và giữ ông ở lại ba mươi năm. Nhưng khi hoàng tử đến, ông đã nổi tiếng rồi. Các ông hoàng đôi khi cứ muốn hiện diện bên các nhà đại nghệ sĩ song họ lại đến quá muộn.
Những người nghèo sẽ ra sao khi không có những người nghèo khác? Giờ đây, vinh quang đã đến với Haydn và như thể báo ân, ông lấy con gái người làm tóc giả giống như vì biết ơn mà Xanthippe đã thưởng Socrate một ân phúc vậy.
Tác phẩm của Haydn được công diễn ở Pháp và ngài Tổng tài đã tuyên bố trước sẽ tham dự buổi mở màn. Lúc ba giờ chiều, khi đang làm việc với Boumerine, ông nói:
- Này Boumerine, tối nay đừng ăn tối với tôi. Tôi sẽ đến nhà hát lớn cho nên không thể dẫn anh đi. Tôi sẽ đi cùng Lannes, Berthier và Launston nhưng anh cũng có thể đến đó, buổi tối là của anh mà.
Tuy nhiên, lúc ra đi, Bonaparte đã lưỡng lự mãi vì hôm đó ông có quá nhiều việc. Sự lưỡng lự ấy kéo dài từ tám giờ đến tám giờ mười lăm phút.
Trong mười lăm phút dùng dằng ấy đã có chuyện xảy ra quanh điện Tuileries như sau:
Có hai người đàn ông đi vào phố Saint-Nicaise, một con phố hẹp mà ngày nay không còn nữa. Đó là con phố ngài Tổng tài sẽ phải đi qua. Họ dẫn một con ngựa kéo xe bò chở một thùng thuốc súng. Khi đến giữa phố, một người rút một đồng hai mươi tư xu đưa cho một cô bé để cô giữ ngựa. Người kia chạy về phía điện Tuileries sau đó đứng ở đấy ra hiệu còn người này sẵn sàng châm lửa vào ngòi nổ.
- Đúng tám giờ mười lăm, người đứng phía điện Tuileries hô "Hắn kia!" thì người bên cỗ máy châm lửa rồi chạy biến. Chiếc xe tứ mã của ngài Tổng tài kèm theo tốp lính tinh nhuệ cưỡi ngựa ra khỏi cửa điện Louvre như một cơn lốc xoáy. Vừa vào đầu con phố trên, người đánh ngựa tên là Germain, nhưng Tổng tài đặt biệt danh là César, thấy một con ngựa và một chiếc xe bò chặn ngang anh ta liền kêu lên mà không dừng lại cũng không hãm ngựa:
- Xe kia, sang phải!
Rồi anh lạng sang phía bên trái. Cô bé liền cho xe nép sang phải. Xe của ngài Tổng tài vượt qua, đoàn người cũng vụt qua nhưng mới chỉ hết con phố, sang ngả rẽ đầu tiên, họ đã nghe một tiếng nổ kinh hồn tương đương với mười quả pháo nổ cùng lúc.
- Chúng định cài pháo chúng ta. Dừng lại, César?
Chiếc xe dừng lại. Bonaparte nhảy xuống.
- Xe của vợ tôi đâu? - ông hỏi.
Thật kỳ diệu là thay vì đi thẳng ngay, bà còn lại phía sau để tranh luận với Rapp về màu một chiếc khăn bằng vải Cachemire.
Ngài Tổng tài đưa mắt nhìn xung quanh. Tất cả chỉ còn là đống đổ nát, ba ngôi nhà bị thủng toác, đều sụp xuống hoàn toàn. Quanh đó, những tiếng rên la của người bị thương vang lên, đã có vài cái xác nằm bất động. Tất cả cửa kính của điện Tuileries đều bị vỡ nát, cửa xe của ngài Tổng tài cũng bay tung ra. Phu nhân Murat sợ đến nỗi không bước tiếp được nữa và người ta phải dìu bà trở lại lâu đài.
Bonaparte biết được không ai trong nhà ông bị thương. Vì vẫn chưa thấy xe của Joséphine xuất hiện nên chắc sẽ không sao. Ông phái hai lính về thông báo ông vẫn bình an vô sự và rằng bà chuẩn bị đến gặp ông tại nhà hát.
Sau đó, ông leo lên xe và ra lệnh:
- Đến nhà hát nhanh lên! Không được để ai nghĩ rằng tôi đã chết.
Tiếng đồn về thảm hoạ đã lan đến nhà hát lớn, người ta kháo nhau rằng quân sát nhân làm nổ một phố ở Paris, rằng ngài Tổng tài bị thương nặng, người khác lại bảo ông đã chết. Những đột nhiên, lô ghế của ông mở cửa và ông lại ngồi lên phía trước, bình tĩnh và thản nhiên như mọi khi.
Vừa thấy ông, hầu hết đều reo lên chân thành trừ những kẻ tư thù. Bonaparte đã trở thành trụ cột của nước Pháp. Tất cả đều dựa vào ông, những chiến thắng vẻ vang, hạnh phúc của cả dân tộc dân chúng ấm no, nước Pháp yên bình và cả hoà bình trên thế giới nữa.
Những tiếng reo còn rộ lên khi đến lượt Joséphine xuất hiện nhưng bà không tìm cách che giấu cảm xúc của mình, tuy tái mét và run rẩy nhưng vẫn bao trùm lên ngài Tổng tài một ánh mắt lo lắng và đầy yêu thương.
Bonaparte chỉ xem hơn mười lăm phút rồi ra lệnh trở về Tuileries hiển nhiên vội vàng muốn xả cơn giận đang phồng lên trong mình, vì hoặc đó sự thật hiển nhiên hoặc cơn thịnh nộ ảnh hưởng, mọi căm thù của ông đều nhắm vào quân Jacobin và cần trút xuống đầu chúng.
Có một điều lạ lùng là các cuộc lật đổ của triều đại này với triều đại khác ở Pháp, nhà Napoléon, nhà Bourbon nhánh cả, nhà Bourbon nhánh út và thậm chí ngay cả chính phủ hiện thời đều do bản năng tàn bạo và huỷ diệt thức đầy, đặc biệt là triều đình hủ bại của vua Louis XVI và phản quốc của Marie-Antoinette. Hình như kẻ thù của hai kẻ bất hạnh, đền tội cho lỗi của vua Louis XIV và Louis XV, đều là kẻ thù từ triều đại mới, dù chúng không liên quan hay là chi nhánh trực tiếp của chế độ cũ. Nếu đó không phải là một trong những lỗi của Bonaparte thì ít nhất sự việc này cũng xuất phát từ một trong những sai lầm của ông.
Vì vụ nổ khủng khiếp ấy đã lan khắp Paris nên phòng tiếp khách dưới tầng trệt điện Tuileries có hướng quay ra thềm đã đầy ắp người. Người ta đến đó đọc ánh mắt của chủ nhân, vì vụ nổ kia nhằm vào ông, để xem ông sẽ buộc tội cho ai.
Mọi người không phải chờ lâu để biết chính kiến của ngài Tổng tài.
Dù đã họp một ngày dài với Fouché để bàn về bộ máy triều đình nhưng lúc này ông đã quên bẵng hắn. Bonaparte bước vào phòng vừa xúc động vừa hăng hái trái với lúc ở nhà hát lớn.
Trong lúc trở về, những dự định chống lại phải Jacobin tràn lên cổ họng và làm ông nghẹn lại.
- Thưa các quý ngài - ông vừa bước vào vừa nói - Chuyện lần này không phải do bàn tay của các quý tộc, tăng lữ, Bảo hoàng hay dân Vendée. Đó là tác phẩm của phái Jacobin, chỉ những kẻ Jacobin mới muốn ám sát tôi. Tôi biết lần này ai nhằm vào tôi và tôi sẽ không thay đổi. Đó là những kẻ tàn sát Tháng Chín những tên ác ôn vấy bùn, chúng lúc nào cũng muốn nổi loạn gây hấn chống lại xã hội và chống lại chế độ sau chúng. Cách đây chưa đầy một tháng, các vị đã thấy Ceracchi, Aréna, Topino-lebrun, Demerville định ám sát tôi. Thế đấy! Vẫn bài cũ mèm, chúng là những tên uống máu Tháng Chín, quân sát nhân ở Versailles, bọn cướp bóc ngày ba mươi mốt tháng Năm, quân mưu phản Frainal, tác giả của tất cả các vụ sát nhân chống lại chính phủ. Nếu bắt được chúng cần phải đập nát chúng để thanh lọc nước Pháp khỏi những thành phần thối nát như thế. Sẽ không có lòng từ bi cho bọn bất lương ấy. Ông Fouché đâu?
Ông dậm chân sốt ruột và nhắc lại:
- Fouché đâu?
Fouché xuất hiện, quần áo ông ta phủ đầy bụi và vôi nữa.
- Ông chui ra từ đâu thế? - Bonaparte hỏi.
- Từ chỗ tôi có nghĩa vụ phải chui ra: Những đống đổ nát - Fouché đáp.
- Được lắm. Lần này ông còn đổ cho quân triều đình nữa không?
- Thưa ngài Tổng tài, tôi chỉ đổ lỗi khi tôi biết chắc chắn tôi buộc tội ai, và một khi tôi buộc tội xin ngài yên tâm, tôi sẽ chỉ nêu đích danh thủ phạm chính.
- Không nói, thủ phạm chính không phải là bọn Jacobin?
- Thủ phạm chính là kẻ đã gây ra án mạng. Đó là những kẻ tôi truy tìm.
- Ôi Chúa? Tìm chúng đâu có khó.
- Ngược lại, rất khó là đằng khác.
- Hay lắm! Riêng tôi biết chúng rồi, tôi không dựa vào cảnh sát của ông, tự tôi có cảnh sát của tôi. Tôi biết tác giả, tôi biết bắt chúng ở đâu và dành hình phạt làm gương như thế nào. Hẹn ông ngày mai nhé, ông Fouché, tôi sẽ chờ sự phá án của ông. Hẹn các ngài ngày mai.
Bonaparte lên phòng làm việc. Ông gặp Boumerine ở đó.
- Là anh đó ư! Anh biết chuyện gì xảy ra rồi chứ?
- Tất nhiên, vào giờ này, tất cả Paris đều biết - Boumerine đáp.
- Đúng thế, mà phải cả Paris đều biết ai là thủ phạm.
- Xin ngài cẩn thận: Ngài nêu tên thủ phạm là ai, Paris sẽ buộc tội chúng đấy.
- Ông buộc tội ai ư, lạy Chúa! Tôi chỉ vào quân Jacobin đấy.
- Ông Fouché lại không cho là như vậy. Ông ta đoán đây là vụ nổi loạn chỉ gồm hai hoặc ba. Tổng cộng có năm người là cùng.
- Fouché có lý lẽ của hắn khi không đồng tình với tôi. Fouché có việc của lão; Liệu lão có là một trong số thủ lĩnh của chúng không? Tôi không biết lão làm gì ở Léon và Loe chắc phải rồi!
- Loe và Léon đã giải thích về Fouché cho tôi. Tạm biệt Boumerine.
Rồi Bonaparte bình tĩnh hơn trở về phòng. Ông đã xả được một phần cơn giận dữ.
Trong khi đó, Fouché trở về chỗ của mình, như ông nói, là đống đổ nát. Quanh phố Saint-Nicaise, ông ta cho một đội quân bảo vệ hiện trường trận đánh phá trên bãi chiến trường, ông ta thả Thợ Nề hay còn gọi là Victor Bốn mặt (cảnh sát gọi anh ta như vậy vì anh này dễ dàng cải trang thành bốn dạng người khác nhau: dân thường, quý tộc, người Anh và người Đức)
Lần này anh ta không cần phải cải trang mà chỉ cần để nguyên hình dạng, vận dụng mọi khả năng quý giá trời phú để đoán ra những âm mưu bí hiểm nhất, những toan tính bí mật nhất.
Fouché thấy anh ta ngồi trên một mảng tường đổ và đang suy nghĩ.
- Thế nào rồi Thợ Nề? - Fouché hỏi.
- Thưa ngài người tôi nghĩ cần thẩm vấn người mà đánh xe nhìn thấy vì anh ta là người duy nhất có thể nhìn thấy trên phố có gì. César đã bảo tôi, chắc điều đó là sự thật.
- Anh không sợ tay đánh xe lác mắt vì sợ hay bị say chứ?
Thợ Nề lắc đầu.
Cesar là một người dũng cảm. Tên thật của anh ta là Germain nhưng Tổng tài đã đích thân đặt tên cho anh ấy là César đúng hôm ông ấy nhìn thấy một mình anh ấy hạ ba tên A Rập, giết một, bắt làm tù binh một tên khác hồi ở Ai Cập. Có thể ngài Tổng tài, vì không muốn mang ơn ai nên bảo anh ấy say chứ thực ra anh ấy không say.
- Được rồi, anh ta đã thấy gì - Fouché hỏi.
- Anh ấy đã nhìn thấy một người đàn ông chạy trốn sang phố Saint-Honoré sau khi ném sợi dây dẫn đã đốt cháy và một bé gái giữ con ngựa đã đóng vào xe chở thuốc nổ. Chắc chắn cô bé không biết trên xe có gì. Chính vì xe có thuốc nổ nên tên kia sau khi châm ngòi mới chạy như vậy.
- Cần phải tìm ra và thẩm vấn cô bé đó - Fouché nói.
- Cô ấy ư! Ngài nhìn kìa, đó là chân cô ấy đấy.
Thợ Nề nói và chỉ vào một cái chân đã lìa khỏi thân thể, đi giầy và tất màu xanh lơ.
- Còn con ngựa, có còn vài mẩu chứ?
- Chỉ còn cái đầu và khúc đuôi. Giữa trán có một ngôi sao màu trắng, ngoài ra còn vài vết cháy xém trên da, thế cũng tương đối để lần ra đầu mối.
- Còn cái xe?
- Cái xe thì cần phải chờ, tôi đã cho tìm tất cả các thanh sắt ngày mai tôi sẽ xem xét nó.
- Anh bạn, tôi giao cho anh việc này nhé.
- Vâng, nhưng chỉ mình tôi thôi.
- Tôi không dám cam đoan với đám cảnh sát của ngài Tổng tài đâu.
- Không lo, miễn là người của ngài ủng hộ.
- Người của tôi sẽ để yên nếu không có chuyện gì.
- Thế thì mọi việc sẽ ổn thôi.
- Anh khẳng định chứ?
- Khi tôi bắt đầu một việc gì, tôi phải đi đến cùng.
- Tốt lắm, vậy hãy đi tiếp đi, anh sẽ có một nghìn êcu khi chúng ta đến đích.
Fouché tôi về nhà, trong lòng chắc chắn hơn bao giờ hết rằng không phải quân Jacobin động thủ.
Ngày hôm sau, hai trăm người có liên quan đến việc chống đối cách mạng đã bị bắt. Sau khi đổi ý, Bonaparte đã chuyển họ sang Nghị viện để xét xử.
Trước lúc thả, họ lần lượt phải đi qua bốn người. Một lái ngựa, một người bán gạo, một chủ cho thuê xe và một người đóng thùng.
Nhưng không ai nhận ra trong số người tình nghi hai kẻ được coi là tham gia vụ đánh bom. Phiên xử đã diễn ra như vậy đó.
Thợ Nề, bằng trì thông minh tuyệt vời kèm theo nhận dạng của con ngựa đã soạn lại một bản báo cáo. Do đó, ngay hôm sau diễn ra sự kiện, người ta có thể đọc được trên các mặt báo và áp phích dán ở góc phố như sau:
"Cảnh sát thông báo đến tất cả các công dân rằng chiếc xe chở thùng thuốc nổ đã phát nổ lúc tám giờ mười lăm phút tôi qua trên phố Saint-Nicaise đối diện phố Male lúc ngài Tổng tài đi qua do một con ngựa cái kéo có đặc điểm như sau: bộ lông màu hồng, bờm xơ, đuôi hình chổi, mũi cóc, sườn và mông cùng màu, trên đầu có dấu, hai bên lưng có vệt trắng. Phía bên phải dưới bờm có vệt đốm trắng, quá tuổi và kích thước khoảng một mét rưỡi và bốn bộ rưỡi, béo và khoẻ, không có vệt dưới đùi hay ở cổ để chứng tỏ thuộc trạm thuê nào đó.
Những ai biết chủ con ngựa trên hay từng nhìn thấy nó chở xe kéo nào xin hãy cung cấp các thông tin cho nha cảnh sát hoặc trình bày trực tiếp hoặc gửi giấy. Ngài giám đốc nha cảnh sát sẽ có phần thưởng cho ai nhận được chủ nhân con ngựa trên. Vì lý do bảo quản, hãy đến nhận dạng phần còn lại của con ngựa càng sớm càng tốt”.
 
Với lời thông báo trên tất cả các nhà buôn ngựa ở Paris đều đổ xô đến xem. Ngay ngày đầu, một nhà lái ngựa đã nhận ra đó là con ngựa ông ta đã bán. Ông này muốn báo cảnh sát. Người ta dẫn ông đến chỗ Thợ Nề. Ông cung cấp tên và địa chỉ người buôn gạo đã mua con ngựa ấy. Người buôn gạo cũng nhận ra phần còn lại của con ngựa và khai đã bán nó cho hai người buôn chợ phiên.
Ông buôn gạo nhớ họ khá rõ vì đã vài lần làm ăn với họ. Một người tóc nâu, người kia tóc màu hạt dẻ nhạt, một người cao lớn năm bộ bảy tấc, người kia thấp hơn khoảng ba tấc. Một người có dáng vẻ là cựu binh còn người kia giống nhà tư sản.
Ngày hôm sau nữa lại có một người chuyên cho thuê xe đến và nhận ra con ngựa vì đã cho nó ở trong kho ngựa của mình vài ngày. Ông ta miêu tả hai người đàn ông giống y hệt miêu tả trước.
Cuối cùng, có một người buôn thùng gỗ đến khai đã bán thùng và chính ông ta đóng cái đai sắt.
Điều khiến cho công việc của Thợ Nề dễ dàng hơn rất nhiều đó chính là lòng nhiệt tình của dân chúng với ngài Tổng tài mạnh đến mức các nhân chứng tự đến khai báo. Kể cả những ai nghĩ mình, một ngày nào đó chứng kiến sự vụ kinh khủng đó sẽ tự đến và chỉ có thêm tình tiết chứ không bớt.
Tuy nhiên, tất cả những cái đó chỉ đem lại một kết quả ít ỏi. Nó chỉ giúp Fouché khẳng định không ai trong đám Jacobin bị bắt kia có dính dáng đến vụ này vì bốn nhân chứng đã từng tiếp xúc với thủ phạm nói trên không nhận ra ai trong số hơn hai trăm người kia cả.
Dẫu sao sự bất đồng quan điểm giữa Fouché và Bonaparte cũng được giải quyết phần nào, đó là người ta chấp nhận thả hai trăm hai ba mươi người. Nhưng Bonaparte rất cương quyết với một trăm ba mươi người còn lại.
Chính vì thế mà đã xảy ra những điều lạ lùng trong Hội đồng Nhà nước. Một trong số người tham gia vào đó là Uỷ viên Hội đồng Réal, cựu thẩm phán tại Châtelet. Người từng bị Robespierre cách chức vì theo đường lối chủ nghĩa ôn hoà, người sáng lập tờ thời báo đối lập và tờ Đồng bào yêu nước năm 1789, đồng thời cũng là nhà biên sở nền Cộng hoà. Ông đã hợp tác Regnault de Saint-jean-d'Angély và Bonaparte. Theo Réal, bọn tấn công Bonaparte là những kẻ tư thù chứ không phải là những người Bonaparte buộc tội.
- Nhưng tôi muốn động đến bọn tàn sát Tháng Chín - Bonaparte kêu to.
- Bọn tàn sát Tháng Chín ư! - Réal đáp trả - Nếu là chúng, chúng đã huỷ diệt không còn một ai. Nhưng nếu vụ này mà do bọn Tháng Chín làm thì Ngài Roederer ngày mai cũng là một kẻ tàn sát Tháng Chín ở phố Saint-Germain, Ngài Saint-Jean-d' Angély cũng đánh dân nhập cư để cướp chính quyền được.
- Chẳng lẽ lại không có danh sách bọn người này ư?
- Có chứ, chắc chắn là có - ông Réal đáp - Đứng đầu danh sách là cái tên Baudrais, người này đã trở thành thẩm phán ở Guadeloupe từ năm năm nay. Tôi cũng thấy trong đó có cái tên Pâris, làm lực sự toà Cách mạng và đã chết cách đây sáu tháng.
Bonaparte quay lại phía Roederer hỏi:
- Ai lập danh sách này thế? Ở Paris vẫn còn không ít những phần tử không cải tạo được từ chế độ Babeuf là gì?
- Lạy trời, nếu thế thì tôi cũng ở trong danh sách ấy. Nếu tôi không là uỷ viên Hội đồng: Tôi đã từng bảo vệ cho Babeuf và đồng phạm của ông ta ở Vendôme đấy - Réal nói.
- Tôi thấy ông ấy đã để tình cảm riêng về vấn đề Nhà nước rồi - Bonaparte nói - Ta cần thảo luận vấn đề này một cách công minh chính trực.
Một người khác sẽ không bao giờ tha thứ cho ông Réal vì dám chứng minh ngay giữa Hội đồng Nhà nước rằng Bonaparte sai lầm. Bonaparte, người vẫn tiếp tục theo đuổi những kẻ ông thề sẽ đụng đến, ghi lại tên kẻ nào dám ngáng con đường thù và trả thù của ông.
Sáu tháng sau, Réal bị giáng xuống thành trợ lý cho Tổng bộ Cảnh sát.
- Nhưng Turenne mới thiêu cháy Palatinat cơ mà - Người ta nói với Bonaparte.
- Thế thì quan trọng gì, nếu điều ấy cần thiết cho số mệnh của anh ta.
Và điều cần thiết cho số mệnh của Bonaparte chính là một trăm ba mươi tên Jacobin kia phải được kết án. Ông đâu có quan tâm chúng có thật sự là thủ phạm hay không.
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết