Dịch giả: Phạm Bích Liễu, Vũ Thu Hà
Chương 25
Công tước Enghien

Như đã nói ở trên, công tước Enghien sống trong một lâu đài nhỏ ở Ettenheim trong miền lãnh địa của thái công Bade, hữu ngạn sông Rhin cách Strasbourg hai mươi ki lô mét.
Đó là cháu trai của hoàng thân Condé. Hoàng thân Condé lại là con trai của hoàng tử Condé hay còn gọi là Borgne, một tước vị rất cao quý dưới thời trị vì của Đức, quận công Orléans. Chỉ duy nhất một cụ nhà Condé là người đã chia cắt nhà Condé với quận công Orléans. Chiến thắng ở Rocroi, làm sáng tỏ cái chết của vua Louis XII thắng trận Thionville hay Nordlingen đã khiến cụ được phong là nhà vĩ đại. Cụ có thể là con trai của vua Henri Đệ nhị triều Bourbon. Mong muốn có được ngai vàng đã khiến Condé trở thành người đầu tiên tố cáo hai con trai của hoàng hậu Anne d' Autrice tức vua Louis XIV và quận công Orléans không phải là con trai của Vua Louis XIII, điều này kể cũng có thể là sự thật lắm chứ.
Còn về vua Henri Đệ nhị triều Bourbon mà chúng ta vừa nhắc đến đã có kết hợp với đại tộc Condé khiến tính cách của Condé cụ có lai tạp và trở thành người vừa keo kiệt lại hay tư lự.
Dù chuyện xảy ra từ thời của con trai vua Henri Đệ nhất triều Bourbon nhưng dẫu sao Condé cụ vẫn có một người cha khác. Mẹ của cụ Charlotte de la Trémouille có vụng trộm với một gã giúp việc. Sau bốn tháng vắng mặt, chồng bà đột ngột trở về. Gã kia nhanh chóng bị bắt còn người vợ lăng nhăng gần như trên con đường chết. Bà ta mời chồng tham dự vào một buổi tiệc vương giả.
Dù là mùa đông, bà ta vẫn cho lùng những hoa quả ngon nhất rồi ăn chung với chồng một quả lê. Chỉ có điều bà dùng lưỡi dao bằng vàng có tẩm thuốc độc để bổ nửa quả lê cho chồng.
Đức vua chết ngay trong đêm.
Charles Bourbon tưởng mình là người báo tin này cho Henri Đệ tứ ông ta nói:
- Thực ra chuyện này giống như việc tiễu trừ giáo hoàng Sixte Đệ ngũ thôi.
- Đúng thế - Henri Đệ tứ đáp.
Bản án rất gay gắt chống lại Charlotte de la Trémeuille nhưng Đức vua Henri Đệ tứ đã tham gia xét xử và quẳng tất cả vào lửa. Khi mọi người hỏi lý do của hành động kỳ quặc đó, ngài trả lời:
- Thà để một thằng con hoang thừa hưởng tước danh Condé hơn là phải thấy tên tuổi danh giá ấy bị tan vào hư vô.
Và một đứa con hoang thừa hưởng tên tuổi Condé đã pha tạp vào tên tuổi ấy vài thói hư tật xấu mà một trong số đó lại là sự nổi loạn vì thế chúng tôi chỉ là những tiểu thuyết gia, nếu tôi đi sâu vào nhũng chi tiết như thế, người ta sẽ cho rằng làm sao chúng tôi thông thái lịch sử bằng các nhà sử học, và nếu tôi cứ đưa ra những chuyện này, người ta sẽ lại nói tôi tầm thường hoá dòng tộc vua chúa.
Trở lại với công tước Enghien đó là một thanh niên ba mươi ba tuổi rất đẹp trai đã đi sống lưu vong cùng cha và bá tước Artois.
Bá tước Artois từng gia nhập đoàn tị nạn năm 1797 và suốt tám năm tuyên chiến chống lại nước Pháp. Sau khi quân đội của hoàng thân Condé bị giải tán, công tước Enghien có thể rút sang Anh như ông nội, cha và các vương tôn công tử khác nhưng vì còn vướng bận tơ lòng nên ông thích ở lại Ettenheim.
 
Tại đây, ông sống khá thanh đạm bởi lẽ số tài sản kếch xù bao gồm thừa kế của vua Henri Đệ tứ, tài sản của quận công Montmorency và gia sản của Louis le Borgne đã bị cách mạng tịch biên. Những người lưu vong sống quanh Offenbourg thỉnh thoảng vẫn đến thăm hỏi ông. Khi thì có đám thanh niên đến tổ chức buổi đi săn trong rừng Forêt-Noire khi thì chính hoàng thân biến mất trong vài ngày rồi lại đột ngột xuất hiện mà không ai biết ông đi đâu. Sự vắng mặt ấy nhiều lúc cũng tạo ra các tin đồn thị phi, vị thân vương chẳng bận tâm để mặc ai muốn nghĩ gì thì nghĩ chứ không hề đưa ra lời giải thích nào cả.
 
Một buổi sáng, có một người đàn ông xuất hiện trước nhà công tước và muốn gặp ông. Anh ta đã qua sông Rhin tại Kell, đi theo đường Offenbourg để đến đấy.
Hoàng thân đã đi vắng từ ba hôm. Người thanh niên kiên nhẫn chờ. Ngày thứ năm thì hoàng thân trở về.
Người thanh niên xưng tên và thông báo mình do ai cử đến. Dù anh không nài gặp hoàng thân ngay mà tuỳ ông tiếp lúc nào tiện lợi cũng được, tuy nhiên hoàng tước đã cho vời ngay lập tức.
Người đàn ông lạ ấy chính là Soi de Grisolles.
- Anh đến từ chỗ tướng Cadoudal tài ba đó ư? - Hoàng thân hỏi - Ta vừa đọc một tờ báo Anh đưa tin ông ấy đã rời London, đến Pháp để trả thù một kẻ làm ô danh ông ấy, sau đó ông ấy đã về London rồi.
Viên sĩ quan tuỳ tùng của Cadoudal thuật lại toàn bộ sự việc xảy ra không dám thêm bớt một chi tiết nào sau đó kể cho hoàng thân về nhiệm vụ tới gặp Tổng tài để tuyên chiến, gặp Laurent và ra lệnh tập hợp quân Jéhu chuẩn bị hoạt động trở lại.
- Anh còn điều gì muốn nói với ta phải không? - Hoàng thân trẻ tuổi hỏi.
- Dạ có thưa hoàng thân. Tôi đến để thưa với ngài rằng, mặc dù hoà ước Lunéville đã có nhưng một cuộc chiến khốc liệt chưa từng thấy sắp diễn ra để chống lại Tổng tài, tướng Pichegru đã thoả thuận với phu nhân của ngài bằng tất cả mối căm thù dồn nén bấy lâu để chống lại chính phủ Pháp từ hồi phải đi tị nạn ở Sinnaramry; tướng Moreau đang tức giận vì không được coi trọng khi thắng lợi ở Hchenlinden và mệt mỏi khi phải thấy quân đội và các tướng lĩnh sông Rhin liên tiếp xả thân cho cuộc chiến Italie, nên có thể dựa vào uy tín của ông ta thêm nữa. Chuyện này mới chỉ là tin đồn thôi nhưng tôi cũng chịu trách nhiệm nhắc ngài, thưa hoàng thân.
- Chuyện gì?
- Đó là một tổ chức xã hội bí mật đang tập hợp quân đội.
- Tổ chức những người Philadelphes?
- Ngài cũng biết nó ư?
- Ta đã nghe nói đến.
- Vậy đức ngài có biết ai là thủ lĩnh không?
- Đại tá Oudet.
- Ngài gặp ông ta rồi chứ?
- Một lần ở Strasbourg nhưng không để ông ta biết ta là ai.
- Đức ngài thấy ông ta thế nào?
- Anh ta tạo cho ta cảm giác đó là con người trẻ trung rất có chí khí cho sự nghiệp đồ sộ mà anh ta đang mơ tưởng.
- Vâng, đức ngài quả không nhầm - Soi de Grisolles nói - Oudet sinh ra trong miền núi Jura và có đủ sức mạnh thể chất cũng như tinh thần của người miền núi.
- Anh ta chỉ độ hai mươi lăm tuổi thôi.
- Bonaparte cũng chỉ hai mươi sáu tuổi khi ông ta đánh chiến dịch Italie đấy thôi.
- Anh ta bắt đầu bằng việc đứng về phe chúng ta.
- Vâng, chúng tôi biết ông ta từ hồi ở Vendée.
- Sau đó lại quay sang bọn Cộng hoà.
- Nghĩa là hồi ấy ông ta mệt mỏi khi cảnh người Pháp nồi da nấu thịt lẫn nhau.
Hoàng thân thở dài và nói:
- Ta cũng vậy, ta mệt mỏi lắm rồi.
- Thưa không bao giờ, dù đức ngài cứ tưởng đã đánh giá hết một con người không khoe khoang những thực ra đó là một người chưa có ai từng có đủ các phẩm chất đối lập và tự nhiên như thế. Ông ấy có vẻ ngây thơ của một đứa trẻ và sự dữ dội của một con sư tử vẻ lơi lả của một cô thiếu nữ đồng thời lại có vẻ quyết đoán của một người La Mã lớn tuổi. Đó là người vừa năng động lại vừa trầm tư vừa lười nhác lại mẫn cán hơn hết thảy, tính khí thay đổi rất linh hoạt lúc dịu dàng khi nghiêm khắc, lúc hiền lành khi lại khủng khiếp lúc nhu lúc cương. Tôi chỉ có thể thưa với đức ngài trước danh dự của ông ấy rằng những người như Moreau và Malet đã chấp nhận ông ấy làm thủ lĩnh và chịu sự chỉ huy của ông ấy rồi.
- Kể cả ba thủ lĩnh vừa nói?
- Oudet, Malet và Moreau Philopcemen, Manus và Fabius. Một người nữa sắp gia nhập đó là tướng Pichegru với bí danh Thémistocle.
- Ta thấy trong tổ chức ấy nhiều thành phần quá khác nhau - Hoàng thân nói.
- Nhưng họ rất mạnh. Ban đầu chúng ta sẽ lật đổ Bonaparte đã khi đã có chỗ, ta sẽ tìm được người hoặc nguyên tắc cần thiết để đặt vào vị trí đó.
- Thế các anh định lật đổ Bonaparte bằng cách nào? Ta hy vọng là không bằng một vụ mưu sát chứ?
- Không, những sẽ có trận quyết đấu.
- Anh nghĩ Bonaparte sẽ lại chấp nhận cuộc đấu? Ba mươi người chắc? - Hoàng thân nói và bật cười.
- Không, thưa Hoàng thân, nhưng chúng tôi sẽ buộc ông ta phải chấp nhận. Ít nhất mỗi tuần ông ta sẽ đến La Malmaison ba lần kèm theo một đoàn tuỳ tùng khoảng bốn đến năm mươi người. Cadoudal sẽ tấn công ông ta bằng đội quân đông tương đương và Chúa sẽ phán quyết đâu là lẽ phải.
- Như thế thì quả cũng không phải là cuộc ám sát - Hoàng thân trầm ngâm - đó là một cuộc chiến hẳn hoi.
- Nhưng để kế hoạch này thành công, tâu đức ngài, chúng tôi có sự hậu thuẫn của một hoàng thân, can đảm và nổi tiếng như ngài đây. Các quận công Beng, Angoulême và cha của họ, bá tước Artois đã hứa hẹn với chúng tôi bao nhiêu lần thì bấy nhiên lần nuốt lời nên chúng tôi không thể trông mong gì ở họ. Chính vì thế tôi lặn lội đến đây thay mặt tất cả mọi người mời ngài về Paris để một khi Bonaparte chết, đất nước quay trở lại triều đình và có một trưởng tộc Bourbon lên ngai ngay đúng theo luật.
Hoàng thân nắm tay Sol de Grisolles mà rằng:
- Thưa ngài, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những gì các ngài dành cho tôi, tôi xin chứng tỏ, chỉ riêng ngài thôi, bằng chứng về tình cảm ấy bằng cách tiết lộ một bí mật mà không ai biết kể cả cha tôi. Với Cadoudal, Oudet, Moreau, Pichegru và Malet tôi nói rằng: "Chín năm tôi giữ chiến tuyến cũng là chín năm ngoài mạng sống luôn bị đe doạ, tôi không mảy may quan tâm, tôi ngậm đắng nuốt cay trước các thế lực cứ nói là đứng về phe chúng tôi nhưng thực chất chỉ coi chúng tôi là công cụ, là tấm bình phong. Một khi các thế lực này có được hoà bình, chúng lại quên chúng tôi ngay. Cũng chẳng sao, tôi không dai dẳng một mình trong trận chiến hoàng tộc, giống như cụ cố Condé vĩ đại ngày xưa chống lại vua nên huỷ hoại một phần vinh quang của mình. Các ông sẽ nói với tôi rằng cụ Condé chống lại vua còn tôi chống lại nước Pháp cơ mà. Xét về quan điểm mà tôi chiến đấu vì nó, cá nhân tôi, tôi không thể tán thành với nó, biết đâu lỗi của tổ tiên tôi chỉ vì cụ chỉ chống lại có một mình vua của cụ thì sao.
- Tôi đã chống lại nước Pháp, nhưng với tư cách là nhân vật thứ hai, tôi đã không tuyên chiến cũng như không tuyên bố chấm dứt chiến tranh, tôi để mặc các thế lực làm gì cũng được. Tôi đã nói với định mệnh "Ngươi gọi ta thì ta đây", bây giờ, khi hiệp ước hoà bình đã ký, tôi sẽ chẳng đổi những gì đã kết thúc.
- Đó là những lời tôi nói với họ đấy. Còn bây giờ, chỉ cho mình ngài thôi đấy. Hãy hứa với tôi ngài sẽ giữ bí mật này không nói cho bất cứ ai.
- Tôi xin thề, thưa đức ông.
- Được rồi mong ngài thứ lỗi cho sự yếu đuối của tôi nhé, tôi đang yêu.
Sol gật đầu.
- Sự yếu đuối đúng thế - Công tước lặp lại - Nhưng đồng thời đó cũng là hạnh phúc, sự yếu đuối thôi thúc tôi mạo hiểm cái đầu của mình ba bốn lần một tháng để vượt sông Rhin đi gặp người phụ nữ tôi yêu. Người ta cứ tưởng tôi chịu xa anh em và ngay cả cha mình ở lại Đức vì lý do gì đó. Nhưng không, điều lưu luyến tôi chính là tình yêu nóng bỏng, cao thượng, khó cưỡng khiến tôi phải gắn tình yêu ấy với nghĩa vụ của mình. Người ta cứ bàn tán xem tôi đi đâu, người ta tưởng tôi đang chuẩn bị mưu phản. Than ôi! Than ôi! Tôi chỉ đang yêu, có thế thôi?
- Ôi! Thật vĩ đại và thần thánh thay thứ gọi là tình yêu vì nó đã khiến một thành viên Bourbon quên hết mọi điều kể cả nghĩa vụ của mình - Sol de Grisolles mỉm cười thì thầm - Tâu hoàng thân, xin người cứ yêu đi, yêu đi và chúc ngài hạnh phúc! Hãy tin một điều đó là sứ mệnh thật sự của đàn ông.
Sol de Grisolles đứng dậy để cáo từ.
- Ồ đừng ra đi như thế chứ? - Công tước nói.
- Tôi còn gì để làm bên ngài nữa ư?
- Anh còn phải nghe tôi nữa. Tôi chưa nói với ai về tình yêu của tôi. Ôi chao! Mối tình này làm tôi nghẹn thở mất tôi đã tin tưởng kể cho anh những như thế chưa đủ. Tôi còn phải nói về nó và còn nói nữa. Anh đã bước vào phần đời hạnh phúc và tươi vui của tôi, tôi cần phải kể cô ấy xinh đẹp thông minh và tận tình thế nào. Hãy ở lại ăn tối cùng tôi và sau đó anh có thể đi. Tôi có thể nói ít nhất hai tiếng về cô ấy. Tôi yêu cô ấy ba năm rồi thế mà không thể nói về cô ấy với bất cứ ai.
Grisolles ở lại ăn tối.
Trong suốt hai tiếng, hoàng thân chỉ nói về người đàn bà của ông, kể toàn bộ tỷ mỉ cuộc tình ấy. Ông ta cười, khóc, ôm người bạn mới, rồi mới cho anh ta đi.
Ngay tối hôm đó, sứ giả của Cadoudal sang nước Anh. Thám tử của Fouché cũng kịp gửi nhất cử nhất động của Sol về.
 
"Xuất phát một tiếng sau Sol de Grisolles.
Theo chân từng trạm, qua cầu Kell, ăn tối cùng phòng tại Offenburg mà không bị nghi ngờ…
Ngủ lại Offenburg.
Tiếp tục khỏi hành lúc tám giờ sáng cách xe đi trước nửa tiếng.
Đến khách sạn La Croix, còn S de G đến khách sạn Rhin ét Moselle.
Vì sự hiện diện của tôi có thể gây chú ý nên tôi kím cớ đến gặp đức giáo hoàng cuối cùng của Strasbourg, ngài Rohan-Gueméné, rất nổi tiếng trong vụ Cái vòng cổ. Tôi giả vờ là dân tị nạn qua Ettenheim mà không thể không đến thăm hỏi ông ta. Vì ông ta khá ưa nịnh nên tôi giở đủ ngón tán dương đến nỗi ông phấn khởi mời tôi ở lại dùng bữa tôi. Nhân cơ hội ấy, tôi đã dò la về công tước Enghien. Vị hoàng thân này và ông ta ít khi gặp nhau nhưng trong cái thành phố chỉ có ba nghìn dân này thì ai chẳng biết người khác làm gì.
Hoàng thân là một thanh niên tuấn tú khoảng ba hai hoặc ba mươi ba tuổi, tóc vàng và thưa, rất hào hiệp, dũng cảm và phong nhã. Cuộc đời ông ta khá bí ẩn vì thỉnh thoảng ông lại biến mất mà không ai biết đi đâu. Đức Giáo hoàng đoán ông này không sang Pháp vì hai lần đã gặp trên đường Strasbourg, một lần ở Offenburg, một lần khác ở Benfeld.
Công dân S de G được công tước Enghien tiếp đón nồng hậu, giữ lại dùng bữa tôi, anh này chấp nhận và cuối cùng công tước đưa anh ta ra tận xe và ôm hôn thắm thiết.
Công dân S de G tiếp tục sang London. Anh ta khởi hành lúc mười một giờ đêm thì mười hai giờ tôi cùng bám sát.
Ngài hãy mở cho tôi một tài khoản chừng một trăm louis gửi chỗ đại sứ quán Pháp, trong trường hợp tôi buộc phải ở lại đây thì cũng không ai nghi ngờ tài khoản ấy.
Tái bút - Mong đức ngài nhớ cho rằng ngày mai quân Jéhu bắt đầu chiến dịch và sẽ phải chặn xe thuế từ Rouen trong rừng Vernon".
 
Nhờ những tình tiết vừa sáng tỏ trước mắt chúng ta, hy vọng các bạn hiểu được lý do gì đã khiến bá tước Sainte-Hermine phải vội vã bỏ trốn trong đám cưới như vậy.
Số là trước đây được giải ngũ được cởi bỏ lời thề do Cadoudal tự tay viết thông báo bá tước Sainte-Hermine ngỡ có thể được hành sự theo ý muốn nêu mới ngỏ lời xin cưới tiểu thư Sourdis, và cô gái đã đồng ý.
Khi Hector chuẩn bị ký vào tờ hôn ước thì hiệp sĩ Mahalin vội vã đến lâu đài, ngăn Hector đúng lúc Hector chuẩn bị cầm bút ký ở trong phòng Mahalin đã đọc lệnh của Cadoudal yêu cầu Laurent tiếp tục cầm vũ khí và lệnh tập hợp tất cả quân Jéhu của Laurent để sẵn sàng hành động.
Hector đã kêu lên đau đớn. Tất cả giàn máy chém như đổ sụp xuống hạnh phúc của anh, những giấc mơ êm ái nhất được nuôi dưỡng, kỳ vọng suốt hai tháng qua giờ đã thành mây khói.
Nếu ký vào giấy kết hôn, anh có thể mạo hiểm, vào một ngày nào đó biến tiểu thư Sourdis thành goá phụ của một người đàn ông có cái đầu lăn lông lốc dưới dàn máy chém như một tên cướp có vũ khí. Tất cả những mặt tốt đẹp về chàng hiệp sĩ sẽ biến mất trong mắt nàng. Nó không được nhìn qua lăng kính màu hồng nữa mà ngược lại qua tấm kính biến dạng khổng lồ. Chỉ chạy trốn mới cứu vãn được tình thế. Hector không lưỡng lự một giây nào nữa, anh như một chiếc ly vỡ vụn chỉ nói được một từ.
- Trốn thôi!
Rồi lao ra khỏi lâu đài cùng hiệp sĩ Mahalin.
 

Truyện Hiệp Sĩ Sainte Hermine Giới thiệu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Phần II - Claude Schopp Chương 119 Chương 1 Chương 2 Chương Kết