-- 2 --

3.2.
Nam Bộ là nơi gặp gỡ và cùng sống chung của nhiều tộc người như Chăm, Khơ me, Hoa, Mạ..., trong đó người Việt đóng vai trò chính. Những người Việt đầu tiên đến định cư ở vùng đất mới đều từ miền Bắc và miền Trung. Họ đến và mang theo vốn văn hoá gốc rễ của mình. Những người như Tồn, Thụ...(truyện Quyển gia phổ) sống rất lâu ở miền Nam mà vẫn còn giữ tục gói bánh chưng, trồng nêu ngày Tết như người dân Bắc. Những người dân làng Bình Thới, Biên Hoà như gia đình ông Hương Quản Xệ, ông Xã Hộ... vẫn giữ kín công thức làm đường phổi gia truyền mà họ đem vào từ quê hương Quảng Ngãi (truyện Bảo mật). Bác Y cũng vậy, sống lâu ở làng quê Quảng Nam với nghề trồng dâu nuôi tằm, nên khi vô Sài Gòn làm công nhân trong nhà máy, bác vẫn nhớ quê, nhớ nghề. Bác cố trồng trước sân cây dâu, mỗi khi trời mưa, thương tằm bác cầm nón ra che mưa cho dâu (truyện Mưa thu nhớ tằm). Truyện Cô Hời bán thuốc nhắc đến nếp sống của đồng bào Chăm. Trong những tác phẩm Bình-nguyên Lộc, có khoảng 5 đến 10% số truyện viết về cuộc sống của đồng bào người Hoa trên đất Nam Bộ (Ăn cơm chưa, Pì pế hán, Lữ Bất Vi nguyên tử, Lò chén xóm sao, Người tài xế điên, Hồn ma cũ...). Cộng đồng người Hoa đã đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng chung của vùng đất nơi mình cư ngụ bởi họ cần cù và giỏi tính toán mua bán. Có những người rất giàu sang như ông bang Sa, chủ tiệm sắt (truyện Người tài xế điên), như mái chín Dãnh, nhà đầu cơ (truyện Lữ Bất Vi nguyên tử); nhưng cũng có thân phận cơ cực, tội nghiệp. Họ trôi dạt đến từ đất nước Trung Hoa nghèo khó, xa xôi, sống khổ sở nơi xứ lạ với giấc mơ có cơm ăn, có áo mặc ấm (truyện Pì pế hán, Ăn cơm chưa). Những cô gái Triều Châu vẫn để rìa tóc trước trán như thôn nữ miệt vườn hay mặc áo bà ba. Nghề nghiệp, tiền bạc cũng phân hoá con người thành nhiều thành phần khác nhau trong một xã hội đa dạng. Có nghề thượng vàng như nghề buôn "vua" (truyện Lữ Bất Vi nguyên tử), có nghề hạ cám như nghề xúc cát dưới sông (truyện Không một tiếng vang), nghề bắt cá dưới ống cống (truyện Người chuột cống), nghề khóc mướn (truyện Bí mật của chàng)... Đủ mọi loại người với công việc, quan hệ và tiếng nói khác nhau.
Trong bầu không khí chung của sự sống, tiếng nói con người là âm thanh quan trọng nhất. Tiếng Việt giọng Bắc, giọng Quảng Nam xen với tiếng Tàu lơ lớ giọng Phúc Kiến, Triều Châu và có cả tiếng Chăm, tiếng Khơ me... Công cụ giao tiếp này trong quá trình sử dụng đã có sự tiêm nhiễm lẫn nhau nhưng nó vẫn là nơi thể hiện linh hồn quê hương bản quán nhiều nhất. Bình-nguyên Lộc là nhà văn không chỉ sử dụng một giọng văn thuần túy Nam Bộ trong tất cả các tác phẩm, mà ông còn rất chú ý tới việc thể hiện cá tính Nam Bộ trong phát ngôn của nhân vật mình. Ông cho một nhân vật nhận xét về giọng nói:
"Phải nghe con Tám Cù Lần nói, mới thấy được lòng thương mến làng mạc của nó, giọng nói còn quan trọng hơn lời nói nhiều lắm. Lại còn những lúc im lặng nữa. Ta học nhạc Tây phương, đã thấy những sự quan trọng của những chỗ lặng, thì con Cù Lần im lặng cũng quan trọng lắm. Tôi nghe và hình dung nó đang nhìn xa về làng nó..." (truyện Con Tám Cù Lần) [14/931].
Quả thực, con người đã mang quê hương vào trong tiếng nói của mình. Vậy nên một ông giáo người Pháp từng sống lâu năm ở Việt Nam một hôm ngẫu nhiên nghe người phụ nữ đi ngang qua nói tiếng Việt, ông ta xúc động đến nỗi "òa lên khóc rấm rứt" (truyện Căn bệnh bí mật của nàng)...
Cùng với âm thanh là mùi vị, màu sắc...là những gì quen thấy, quen nghe từ thời thơ ấu tạo nên linh hồn quê hương trong mỗi con người. Nhà văn Bình-nguyên Lộc thường giới hạn, định vị cho những thứ vô hình và hữu hình làm nên hồn quê đó bằng một cụm từ quen dùng là "chơn trời quen thuộc". Ông còn cho rằng những yếu tố vô hình (văn hoá tinh thần) quyết định cho hồn nước và tính cách dân tộc hơn là những yếu tố hữu hình (văn hoá vật chất). Người ta có thể xa quê, đi đến một nơi xa lắc nhưng vẫn mang theo chân trời quê đó trong trái tim mình. Ngay cả người ở gần cũng thương nhớ Sài Gòn với đủ tiếng rao đêm quen thuộc, mùi ống cống, mùi xăng xe...; nhớ làng quê với gốc cây đào lộn hột, tiếng hát cải lương, giọng hò trên sông, mùi phân bò "thơm hương đồng áng, hương của một nông trại hẻo lánh nào, hương ấm của một gia đình nông dân đủ ăn" [14/1190]. Mùi mắm kho làm Thuần và đám bạn đang ở thành phố cồn cào nhớ quê và quyết định trở về (truyện Đất không chết). Mùi hương hành lá pha với mùi nước mắm của một trách cá kho đang sôi của nhà ai đó, giúp ông Vĩnh Xương tìm được chàng rể như ý có tâm hồn thuần Việt (truyện Hương hành kho). Ngay cả chín cô me Mỹ mà Tuấn gặp ở Vũng Tàu (truyện Những đứa con thương của đất mẹ) dù sống với chồng ngoại quốc, vẫn không chịu được món ăn người Tây, vẫn thích ăn bánh xèo với mắm chanh ớt cay, thích nghe cải lương, không thưởng thức được nhạc Jazz và cách ứng xử văn hoá của người Âu Mỹ...
Thói quen làm nên phong tục và phong tục làm nên nét văn hoá riêng của mỗi dân tộc. Đối với vùng đất mới Nam Bộ, quá trình giao lưu văn hoá diễn ra quá nhanh khiến cho việc bảo lưu văn hoá truyền thống luôn đi kèm với việc làm mới nó hoặc dung hoà nó.
3.3.
Hầu hết các truyện Bình-nguyên Lộc đều lý giải rằng con người không bao giờ quên cội nguồn, dù đã già, dù sống cách xa vạn dặm với nơi sinh ra, thì cuống rún của họ vẫn không lìa đất mẹ, vẫn gắn kết tự nhiên mật thiết với quê hương (ngay cả trong tiềm thức). Phải giữ cho hồn quê thuần túy không pha tạp, dù chỉ đổi món ăn theo kiểu Tây; đổi bếp củi, bếp than sang bếp dầu, bếp gaz... (truyện Lửa Tết, Những đứa con...). Ông để cho bà mẹ già sống một mình, dù con cháu ép uổng cũng kiên quyết không bán ngôi nhà cổ cũ kỹ ở một vùng quê nghèo khổ (truyện Bán ngôi nhà cổ). Một xóm dân cư chỉ gồm mấy hộ gia đình dù bị dụ dỗ, lừa gạt, mua chuộc cũng nhất quyết không đổi bất cứ giá nào vùng đất sỏi đá, khô cằn họ đang sống vì ở đó có "những ngôi mả tổ"...
Nhưng mặt khác, trong nhiều truyện, nhà văn lại đả phá chuyện bảo thủ, chuyện khư khư giữ lấy những cái đã thuộc về quá khứ và tôn thờ nó. Ông để cho nhân vật Khoa (truyện Quyển gia phổ) thuyết giáo Thụ và Tồn về những thói quen lặp lại mà con người cho là phong tục không thể bỏ; và khi quyển gia phổ dòng họ bị cháy thành đống tro tàn:
"Anh Tồn anh ấy khổ sở thế vì quyển gia phổ ấy giúp ảnh bằng cớ để mà tự hào về dòng họ cổ nhứt miền Nam của chúng tôi: còn mồ mả những mười hai đời và gia phổ chép những mười lăm đời. Ảnh tự hào rồi mải vướng bận vì những bảo vật ấy. Tình quyến luyến ấy theo tôi cũng không hại gì cho lắm. Ác một cái là nó kéo theo cả bầy lũ những tình ý khác, cái nào cũng cổ kính như ngôi mộ đóng rêu..." [14/ 445].
Ở một truyện khác như truyện Tre phải tàn, nhà văn cũng nêu lên quan điểm về sự tiến bộ và việc phải thay thế tất yếu những cái đã cũ, đã lỗi thời. Ông cụ trưởng tộc đã chín mươi sáu tuổi, tuổi gọi là Thiên liễu, lẫn lộn lung tung. Ông không hiểu con cháu mà con cháu cũng không hiểu ông. Bác sĩ Ân là cháu trong  họ, nhìn cụ tổ già yếu nhưng anh không lo chuyện chữa chạy, tẩm bổ cho cụ sống lâu hơn nữa mà đã nghĩ rằng "Tre phải tàn và con người phải chết!". Việc níu kéo mãi một cái đã già, đã cũ sẽ làm con người ngủ quên trong sự lạc hậu, dốt nát và nhân loại khó vươn lên, tiến triển được...
Nhưng con người làm sao có thể đoạn tuyệt với gia đình, nhất là với những người thân yêu, ruột thịt có liên quan đến huyết thống của mình, làm sao có thể quay lưng với quá khứ nhất là khi quá khứ đó còn có khả năng tiếp sức cho thực tại. Nhân vật Khoa dù bị coi là người mất gốc thì đêm ba mươi cũng về dưới mái nhà quen để tìm hơi ấm gia đình, và khi Tồn gay gắt kết tội anh đốt quyển gia phổ thì anh lặng im. Thái độ của anh khiến tác giả phải kết luận nước đôi rằng đó có thể là "lời thú tội" hoặc cũng có khi là "thái độ xem thường kẻ kết tội oan" [14/446]. Bác sĩ Ân chính là lớp măng non thế hệ mới, văn minh, tiến bộ dù anh vẫn là con cháu của dòng họ Tôn tre tàn, lạc hậu.
Việc từ bỏ tập quán, nếp cũ truyền thống đã không đơn giản thì việc xoá đi một niềm tin thiêng liêng trong lòng người càng khó hơn. Nhất là khi giữa niềm tin trong sáng, chân thành với ảo tưởng hay định kiến chỉ là một khoảng cách mơ hồ, mong manh. Giữa tín ngưỡng, tôn giáo với mê tín, dị đoan cũng vậy. Nam Bộ là vùng đất mới đang được kiến thiết, trên con đường phấn đấu người ta cần vững tin, hy vọng nhưng trong cuộc hoà nhập để tồn tại, mưu sinh con người lại cần tỉnh táo, thực tế. Nhà văn Bình-nguyên Lộc giải quyết mâu thuẫn này khá đơn giản trong một số truyện bằng những hình ảnh sinh động pha chút hài hước.
Tạo trong truyện Nhốt gió là một kiến trúc sư nghèo, giận con và định xử phạt con để giữ gia phong nhưng khi vô tình nhìn thằng bé hàng xóm chơi trò nhốt gió vào trong hai ống quần buộc túm lại, Tạo bật cười và thấy ngay sự lạc hậu, cứng nhắc của mình. Tư tưởng hay tinh thần của con người cũng như con chàng sẽ không thể nhốt hay giam giữ trong bất kỳ một khuôn khổ nào. Chi trong Lá rụng về ngọn tìm về ở với cha để mong được gia đình người yêu công nhận chính thức. Định kiến xã hội về chuyện sinh con không có cha đối với gia đình cô thật nặng nề. Nhưng cuối cùng Chi cũng quay lại sống trong tình thương yêu ngàn đời của mẹ, vĩnh viễn chối bỏ người cha giả dối, bạc nghĩa vì tiền...
Có rất nhiều truyện như: Người đẹp ven sông, Bàn tay năm ngón, Bên kia sự thật, Xe lửa Mỹ bung vành, Tình thơ dại... nhà văn đề cập đến chứng bệnh ảo tưởng của con người. Anh Tư Được mê cô gái trên hình quảng cáo, Kinh có bàn tay sáu ngón mơ ước được có bàn tay năm ngón bình thường như mọi người, Hồ và Biền si tình đêm nào cũng tới quán giải khát để ngắm một người đẹp hay lái chiếc Dauphine màu kem tới hiệu cơm tây bên cạnh, một cậu bé mê cô đào Ba Đắc... Họ nuôi mơ ước cho tới ngày họ phát hiện ra cái đích họ kỳ vọng chỉ là ảo giác, không có trong thực tế. Những cô gái đẹp đều không thuộc về họ hoặc thay đổi xấu xí đến mức làm họ thất vọng. Ngay cả anh Kinh, khi đã giải phẫu cắt ngón tay thừa, để có bàn tay năm ngón như mọi người, thì anh mới hiểu ra cuộc sống thật tầm thường và mình vẫn không cao sang hơn như đã nghĩ. Viết những truyện này, Bình-nguyên Lộc không diễn giải theo kiểu bi kịch vỡ mộng, nhà văn chỉ đưa ra những hình ảnh phong phú của thực tế cuộc sống, và thực tế ấy phủ nhận mọi giáo điều, mọi ảo tưởng phù phiếm đã có. Các nhân vật của ông ở đoạn kết dường như cũng ít bị nỗi đau thất bại giày vò, họ tỉnh ngộ và vui vẻ chấp nhận thực tại ngay sau đó.
Cuộc sống trong truyện ngắn Bình-nguyên Lộc được miêu tả trong dòng chảy hồn nhiên như vậy, ở đó mọi sự va chạm dường như đều có khả năng hoá giải cho nhau hơn là dẫn đến xung đột gay gắt. Cả với vấn đề truyền thống và hiện đại cũng vậy. Nhà văn xúc động khi kể chuyện một người già sắp chết, buồn vì không truyền được nghề đóng cối xay tay gia truyền cho ai được, kể cả cho con trai (truyện Nỗi buồn của người sắp chết). Một người cha khác ngược lại vì giữ bí quyết nghề làm đường phổi cho gia đình mình, mà nhẫn tâm dùng mủ hột điều nóng phá hoại nhan sắc của cô con gái (truyện Bảo mật). Rốt cuộc, cối xay vẫn dở dang không ai đóng, khi người đóng cối xay tay cuối cùng của làng ra đi, và nghề làm đường phổi cứ vẫn lan tràn từ miền Trung vào miền Nam. Con người tin vào thực tế hơn là lý thuyết máy móc.
Con  người của vùng đất mới còn tin vào thế lực siêu nhiên. Nhà văn làm người đọc tin vào thần rừng, thần sông...; tin vào sự trừng phạt của thiên nhiên khi con người hủy hoại nó nhưng ông tuyệt đối không tin vào chuyện có ma quỉ. Truyện Ba con cáo kể chuyện con người sống ngay trên mả người chết. Truyện Ma rừng kể chuyện lão Cả Nghiệm lừa người Lào đổi bò mập bằng bò ốm mà họ cứ nghĩ do ma rừng làm. Truyện Ma ném đá thực ra là anh Ngọt giả làm ma ném đá để doạ cô Hén vì cô này chuyên dụ gái làng trốn ra thành phố. Truyện Mấy vụ quật mồ bí mật, thủ phạm cũng không phải ma mà chính là con cháu người dưới mồ bí mật đào... Những chuyện ma hay chuyện mê tín của Bình-nguyên Lộc giản dị như là những truyện cười, người nghe bất ngờ nhìn thấy sự thật đơn giản, tầm phào trong cái vẻ ngoài huyền bí, linh thiêng của nó. Ông không đem ánh sáng khoa học ra để mổ xẻ, cũng không cố tình hạ bệ con ma sợ hãi trong tinh thần của con người. Tiếng cười tống tiễn quá khứ nhẹ nhàng để con người vui vẻ tin nhau hơn và thêm yêu cuộc sống.
4.
 Nụ cười cởi mở và thái độ xuê xoa, giản dị, cũng là cá tính của người Nam Bộ trong nhà văn Bình-nguyên Lộc. Ông viết nhiều, viết nhanh về tất cả những gì xảy ra và gần gũi với mình, không cầu kỳ trau chuốt tỉ mỉ cũng không quá hời hợt hay vì ảo tưởng danh vọng.
Sự xuất hiện của Bình-nguyên Lộc trên văn đàn trong bối cảnh văn chương đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 cùng với một số cây bút khác như Sơn Nam, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân... đã tạo ra niềm tin và ấn tượng tích cực cho người đọc. Trong khi nhiều nhà văn khai thác tâm trạng phức tạp, khủng hoảng của con người trước những đổi thay của xã hội hiện đại với sự xâm nhập của văn minh Âu Mỹ, thì Bình-nguyên Lộc gợi lại hồn dân tộc, tìm về với bản quán quê hương, với đời thường và cuộc sống gia đình giản dị mà bình yên.
Những nhà văn đương thời và ngay cả sau này coi Bình-nguyên Lộc và Sơn Nam là hai cây bút văn xuôi tiêu biểu chuyên viết về lịch sử, phong tục, cảnh sắc và con người Nam Bộ. Tính cả quê quán lẫn thực tế tác phẩm, nhà văn Sơn Nam nghiêng về miền Tây Nam Bộ hơn, còn Bình-nguyên Lộc là của Đông Nam Bộ mà tâm điểm là vùng Đồng Nai sinh ra ông. Họ đều viết truyện ngắn hay hơn tiểu thuyết. Họ bổ sung cho nhau trong việc dựng lên bức tranh chung về văn hoá miền Nam.
Trong sự đồng cảm vì cùng gắn bó sâu nặng với quê hương, nhà văn Sơn Nam nói về tập truyện Nhốt gió của Bình-nguyên Lộc: "... tác giả viết Nhốt gió với thái độ nồng nhiệt yêu đời của một người nhớ quê, nhớ dân tộc..." [13]. Các nhà phê bình như Cao Huy Khanh, Trần Văn Nam, Hoàng Văn Bình... khi nhận xét về văn chương Bình-nguyên Lộc nói chung đều cho rằng văn ông "bình dân và thực tế" (tâm lý của con người bình dân trong cuộc sống đời thường và thực tế nếp sống trong xã hội mới) [9]. Ông Nguyễn Ngu Í [8], ông Lê Phương Chi [4], ông Nguyễn Nam Anh [1] trong các bài phỏng vấn với nhà văn Bình-nguyên Lộc chú ý đến khối lượng tác phẩm lớn, cường độ làm việc và quan điểm sáng tác của ông. Trong số những bài viết nghiên cứu, giới thiệu về tác phẩm của Bình-nguyên Lộc, bài giới thiệu tập truyện Ký thác đăng ở mục Điểm sách trên Tạp chí Bách Khoa của nhà văn Vũ Hạnh (viết với bút danh cô Phương Thảo) là có những ý kiến khen chê xác đáng nhất:
"Bình-nguyên Lộc là một nhà văn phong phú. Ông đề cập đến nhiều vấn đề, nói đến rất nhiều cảnh sống và bày tỏ rất nhiều thái độ...".
"... Bình-nguyên Lộc còn khiến ta mến yêu vì cái sắc thái địa phương đậm đà ở trong tác phẩm. Với Bình-nguyên Lộc chúng ta có dịp trở về với ruộng đồng miền Nam, chui qua cái ngõ ngách của đô thành, tìm đến những hàng quán cũ, chứng kiến những mẫu sống, những thói tục và những con người không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác..." [7].
Bên cạnh việc đề cao ưu điểm của tập Ký thác gồm 16 truyện là: đề tài "phong phú", nội dung mang "sắc thái địa phương đậm đà", tác giả Vũ Hạnh cũng chỉ ra chỗ kém thuyết phục của tập truyện ngắn nói trên là cách trình bày và giải quyết các vấn đề quá dễ dãi, đơn giản.
Nhà văn Bình-nguyên Lộc cũng nhiều lần nói về cách viết của mình [10]:
"Những yếu tố tôi thai nghén rồi viết thành tác phẩm không phải là cốt truyện mà là ý truyện. Cho nên tôi ít chú ý đến những câu chuyện ly kỳ gay cấn mà chỉ nắm lấy những ý tưởng ngộ nghĩnh trong những sự kiện...".
"Sau khi bắt gặp ý truyện, tôi mới tạo nên cốt truyện, rồi gom góp những chi tiết, những địa điểm sống ngoài đời mà tôi cho là thích hợp với nội dung..." [4/373].
Chính xuất phát từ việc lấy hiện thực bên ngoài để minh họa cho một ý tưởng được phát hiện nào đấy rồi tạo nên truyện, nên nhiều tác phẩm của Bình-nguyên Lộc thiếu một sự khái quát chung rộng và sâu. Ông bày ra cho người đọc một cuộc sống thật đa dạng, phong phú nhưng lại dẫn dắt họ đi vào quá nhiều ngả đường khác nhau mà lúc nào cũng bằng một sự hướng dẫn nhiệt tình, hồn hậu. Người đọc bị hấp dẫn bởi những chi tiết sinh động của cuộc sống ông miêu tả hơn là "ý truyện" định trước của nhà văn
Sau năm 1975, Nguyễn Q. Thắng là người nghiên cứu, tìm hiểu về Bình-nguyên Lộc bao quát và có hệ thống nhất. Trong lời giới thiệu bộ sách Tuyển tập Bình-nguyên Lộc [14] mà ông là người sưu tầm, tuyển chọn, ông đánh giá cao nội dung truyện ngắn Bình-nguyên Lộc tập trung thành 4 vấn đề chính: tình yêu làng quê, nơi chôn nhau cắt rún; tư tưởng tự do, tiến bộ, văn minh; ý thức vươn lên của con người; thương yêu gần gũi người bình dân, nghèo khổ... Trong các chủ đề nêu trên, Nguyễn Q. Thắng cho rằng tình yêu làng quê là chủ đề rộng lớn nhất, bao trùm lên tất cả.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu, phê bình và người đọc đều đánh giá cao những cống hiến cho văn chương và cho quê hương của Bình-nguyên Lộc. Tác phẩm của ông ra đời trong suốt hơn hai mươi năm chiến tranh ở miền Nam đã đem đến cho người đọc một chỗ dựa tinh thần vững chắc đó là cội nguồn dân tộc, làm chúng ta yêu quê hương hơn và tin tưởng vào cuộc sống hơn. Tình yêu và niềm tin ấy không xuất phát từ quan điểm chính trị hay giáo lý đạo đức mà chính là sự gắn kết tự nhiên với đất mẹ thiêng liêng, với nơi mình sinh ra lớn lên, bao gồm cả những điều tưởng như vụn vặt, tầm thường nhất như giọng nói, món ăn, nước uống, cỏ cây...
5.
 Con người và văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Bình-nguyên Lộc nói riêng và trong các tác phẩm văn xuôi nói chung, một lần nữa đã chứng minh cho mối quan hệ nội tại của văn học và văn hoá. Văn học vừa là một thành tố quan trọng của văn hoá vừa tác động đến sự phát triển của văn hoá dân tộc. Với tư cách chủ thể tiếp nhận văn hoá đồng thời là chủ thể sáng tạo, nhà văn chính là người lưu giữ qua văn chương mình những đặc trưng của văn hoá dân tộc, đối với Bình-nguyên Lộc còn là văn hoá vùng miền. Người nghiên cứu, người đọc muốn tìm hiểu văn hoá và con người Nam Bộ sẽ đọc Bình-nguyên Lộc và Sơn Nam; cũng như muốn biết miền Trung hãy đọc Võ Hồng, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân, muốn thưởng thức văn hoá ẩm thực miền Bắc phải đọc Nguyễn Tuân, Vũ Bằng,... Thể hiện bằng hình tượng và thông qua hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học, những nét riêng của văn hoá được người đọc cảm nhận sống động, tươi nguyên và cụ thể hơn.
Dĩ nhiên không thể đánh giá văn học bằng các tiêu chí và nội dung của văn hoá nhưng xem xét văn học từ góc độ này sẽ nhận ra thêm những giá trị rộng hơn và bền vững hơn của nghệ thuật ngôn từ. Đối với nhà văn Bình-nguyên Lộc, những nét đặc sắc của văn hoá và con người Nam Bộ vừa là cảm hứng vừa là bản chất của văn chương ông. Thoát ly khỏi bối cảnh những vùng quê và thành phố ông từng sống, ra khỏi nếp sinh hoạt, cuộc sống, phong tục Nam Bộ, ông khó có thể chứng tỏ được mình. Đó cũng là nhận định của nhà văn Vũ Hạnh: "Tác giả biết yêu quí cái gì vốn là của riêng mình và khai thác những khía cạnh tốt đẹp của nó để làm vẻ vang cho mình và cho quê cảnh mình..." [7].
Bình-nguyên Lộc đã khẳng định được vị trí của mình trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, chính là nhờ vốn văn hoá và việc phát huy "những khía cạnh tốt đẹp" của nền văn hoá ấy. Đối chiếu trong lịch sử phát triển của văn xuôi hiện đại thế kỷ XX, tác phẩm của Bình-nguyên Lộc cũng như Sơn Nam và một số cây bút khác là sự tiếp nối với Hồ Biểu Chánh trong việc trình bày bằng một giọng văn đặc sệt Nam Bộ: hồn nhiên, dân dã. Giọng điệu ấy cùng với những hình ảnh ngộ nghĩnh, mới mẻ về cuộc sống và con người của vùng đất phương Nam, trong một chừng mực nhất định, đã làm trẻ hoá diễn đàn văn xuôi vốn trước đó chỉ có giọng Bắc chiếm lĩnh.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 Nguyễn Nam Anh (1972), Phỏng vấn nhà văn Bình-nguyên Lộc, Tạp chí Văn số 199 ngày 1/4/1972.
Lê Đình Bích, Trương Thanh Hùng et.al. (2003), Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hoá văn nghệ dân gian Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, H, 2004.
Hoàng Văn Bình (1974), Cái duyên của Bình-nguyên Lộc, Tạp chí Thời Tập số X ngày 10/10/1974.
Lê Phương Chi (2001), Tâm tình văn nghệ sĩ, Nxb Thanh Niên.
Chu Xuân Diên (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam (Bài giảng), Đại học Quốc gia Tp.HCM xuất bản.
Thành Duy (1982), Về tính dân tộc trong văn học, Nxb Khoa học Xã hội, HN.
Vũ Hạnh (1960), Điểm sách Ký Thác của Bình-nguyên Lộc, Tạp chí Bách Khoa số 82 ngày 1/6/1960.
Nguyễn Ngu Í (1967), Sống và viết với..., Nxb Ngày Xanh, SG.
Cao Huy Khanh (1974), Bình-nguyên Lộc-Nhà văn của đời sống tâm lý hằng ngày, Tạp chí Thời Tập số X ngày 10/10/1974.
Bình-nguyên Lộc (1974), Kinh nghiệm viết văn của tôi, Tạp chí Thời Tập số X ngày 10/10/1974.
Bình-nguyên Lộc (1997), Hai truyện ngắn in chung trong Văn học yêu nước tiến bộ - Cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954-1975, Nxb Văn Nghệ Tp.HCM.
Trần Văn Nam (1974), Đi tìm một lối viết tiểu thuyết qua cuốn Đò Dọc, Tạp chí Thời Tập số X ngày 10/10/1974.
Sơn Nam (1974), Đọc tác phẩm đầu tay của Bình-nguyên Lộc, Tạp chí Thời Tập số X ngày 10/10/1974.
Nguyễn Q. Thắng (2002), Tuyển tập Bình-nguyên Lộc, tập I, II, III, IV, Nxb Văn học (Phần truyện ngắn và các trích dẫn trong bài viết này đều nằm ở tập 1 và 2, thứ tự số trang tính chung cả hai tập).
Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, HN.
Trần Quốc Vượng (1996), Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, HN.
© Binhnguyenloc.com

Xem Tiếp: ----